TỌA ĐÀM VĂN HỌC DỊCH

Thứ ba - 10/12/2024 20:39
Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc (bên trái) và Dịch giả Nguyễn Hữu Thăng  chủ trì buổi Tọa đàm.
Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc (bên trái) và Dịch giả Nguyễn Hữu Thăng chủ trì buổi Tọa đàm.
 

THƠ ĐƯƠNG ĐẠI THẾ GIỚI

Thực trạng, xu hướng thơ và dịch thơ

 

           Sáng 10/12/2024, Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức Tọa đàm “Thơ dịch đương đại thế giới”, thu hút sự tham gia của nhiều dịch giả uy tín, các nhà nghiên cứu văn học dịch, các nhà văn lão thành. 15 tham luận có chất lượng của các dịch giả tâm huyết được in trong kỷ yếu cuộc Tọa đàm. Nội dung Tọa đàm đề cập đến nhiều vấn đề đáng quan tâm: Thực trạng và xu thế phát triển thơ đương đại thế giới; Đặc thù thơ đương đại thế giới, đội ngũ sáng tác, nội dung,  hình thức, phong cách thể hiện; Lựa chọn tác phẩm thơ đương đại thế giới để dịch sang tiếng Việt và những điều cần lưu ý trong dich ngược, dịch xuôi đối với các dịch giả thơ…  Các tham luận tại Tọa đàm tập trung vào các lĩnh vực:  Thơ tiếng Anh đương đại ở phương Tây; Thơ Trung quốc đương đại; Dịch ngược và dịch xuôi thơ tiếng Nga; Thơ Hàn quốc; Thơ Ba Lan; Thơ Hung ga ry…

Untitled 1Dưới đây là nội dung bài tổng kết Tọa đàm của      Ts, nhà thơ Lê Cảnh Nhạc, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng văn học Dịch.

 


Xu hướng Thơ và dịch thơ tiếng Anh đương đại ở phương Tây: Tham luận của nhà thơ, dịch giả Bằng Việt, Nhà văn - dịch giả Vũ Ngọc Trân, TS , nhà văn Nguyễn Văn Chiến.
 

    Khái quát hiện trạng phức hợp của thơ đương đại phương Tây, nhà thơ- dịch giả Bằng Việt phân tích các đặc điểm của thơ hiện đại và hậu hiện đại và sự nở rộ các thứ thơ theo chủ nghĩa hậu hiện đại cuối thế kỷ XX. Nếu như thơ hiện đại chối bỏ hiện thực, thì thơ hậu hiện đại muốn đứng cao trên hiện thực, thóa mạ và coi thường tất cả.

Về hình thức thể hiện, thơ hiện đại (và cả hậu hiện đại ) thường hay đánh đố người đọc bằng  những trò chơi rối rắm của ngôn từ, thích tạo ra ảo giác khác lạ bằng các thủ thuật tinh vi của ngôn từ tối nghĩa, phá bỏ ngữ pháp, phản thơ, phản nhịp điệu; Cố ý làm chói tai, cố ý viết sai chính tả và ngữ pháp, bỏ tất cả các dấu chấm, phẩy, chấm than, bỏ viết hoa ở đầu dòng, hiệp vần phá cách, hoặc đảo vần làm lỗi nhịp, làm mất nhạc tính; xuống dòng vô tội vạ, kể cả các danh từ kép.

Những cách viết này gây khó khăn rất nhiều cho các nhà dịch thuật. Đọc, hiểu và dịch thơ đương đại thế giới rất khó, việc chọn thơ để dịch càng khó hơn.

Nhà thơ Bằng Việt kết luận: Thơ đương đại phương Tây là một biển thơ lớn, phức hợp, nhiều cách thể hiện, không dễ đọc, dễ hiểu. Để dịch tốt cần phải kiên nhẫn đọc và chọn lựa rất nhiều, mới tìm ra bài hay, tác giả hay, để độc giả Việt Nam tiếp nhận.

Cùng quan điểm với nhà thơ Bằng Việt, nhà văn, dịch giả Nguyễn Văn Chiến đề cập đến những đổi thay của Thơ phương Tây từ đầu thế kỷ XX. Thơ đã thoát khỏi những hình thức nghiêm ngặt, chuyển sang thơ tự do. Biên độ các đề tài, cảm xúc và cách thể hiện rộng rãi, khoáng đạt trong sử dụng ngôn ngữ và cách diễn đạt đương đại. Giọng điệu của thơ hiện đại  phóng khoáng, uyển chuyển do các nhà thơ hiện đại thường sử dụng giọng điệu trò chuyện và thân mật hơn, lột tả cảm xúc và suy nghĩ cá nhân của nhà thơ.

Hình thức phổ biến là thơ tự do, thơ không vần, thơ văn xuôi, ), thơ trữ tình, thơ chữ đầu (sử dụng các chữ cái đầu tiên của mỗi dòng để giải thích một từ hoặc thông điệp …  

Đề cập tương tác giữa nhạc rap và thơ, dịch giả Nguyễn Văn Chiến cho rằng: Thơ hiện đại ảnh hưởng đến âm nhạc, đặc biệt là nhạc rap. Các nghệ sĩ hip hop sử dụng các biện pháp thơ ca, đặc biệt là thơ tự sự trong các bài hát của họ.  

Thơ hiện đại phương Tây có mạch phát triển tương đối giống phương Đông.  Nếu như trước đây, thơ là nguồn văn chương chủ yếu vì vần điệu, nhịp điệu, dễ nhớ, dễ thuộc, thì ngày nay thơ không còn như vậy nữa. Ngày nay hiếm có các nhà thơ xuất sắc như trước đây. Và hình như vẻ đẹp nghệ thuật thi ca đã phôi pha vì không còn cái chủ ý chặt chẽ từ nội dung đến hình thức.

    Đè cập đến đến thi ca  Mỹ và thơ tiếng Anh đương đại  trên toàn cầu, Nhà văn - dịch giả Vũ Ngọc Trân đã chỉ ra thực trạng và xu thế phát triển của thơ đương đại Mỹ (từ 1990 đến nay). Phong trào  sáng tác thơ Tân hình thức, chủ yếu ở Mỹ thúc đẩy sự trở về với thể thơ có nhịp thơ,  có vần điệu cùng với thi ca tự sự.

Thơ Tân hình thức bao gồm nhịp thơ, khổ thơ có vần điệu, sơ đồ vần điệu đều đặn, và chú trọng đến gía trị thẩm mỹ của bài thơ, tính tự sự của thơ.

Dòng thơ đương đại mang nặng tính chất thơ trình diễn, lột tả giao cảm giữa tâm hồn và sự vật, phản ảnh trung thực đời sống.

Xuất hiện hình thức canh tân như giọng điệu của thơ, thơ trắng, thơ không vần, thơ tự do thơ hình thức, tân hình thức, thơ lắp-ráp, thơ nghệ thuật trình diễn, thơ không gian thơ nhảy vọt…

Các nhà thơ đương đại phương Tây coi việc sáng tác của mình như một sự khai phóng, bứt phá, giải thể để làm nên một cuộc cách mạng tâm thức. Canh tân thơ mới để thơ có địa vị và chức năng sáng tạo.

Xu hướng phát triển thơ Đương đại Mỹ là nhịp thơ không nhất quán, biến thể trên nhịp điệu tiêu chuẩn. Thể hiện cảm giác độc đáo về bản thân qua ngôn ngữ thơ.

Thơ Mỹ đi vào thời kỳ phục hưng, phát triển đa dạng từ 1990 và trong nửa sau thế kỷ 20, lĩnh vực thi ca đã khá  hoàn chỉnh với những lập trường được bảo vệ vững chắc.

Thơ Mỹ hiện nay là một địa hạt rộng lớn của tự do trí tưởng tượng, một không khí sôi sục, một thời sáng tác năng động đang được tiến hành.

Phân nhánh của thơ Đương đại Mỹ có: Thơ bản ngã; Thơ giọng nói; Thơ địa điểm; Thơ về gia đình; Thơ về cái đẹp; thơ tinh thần/ tâm linh; Thơ về thiên nhiên; Thơ hài hước; Thơ về lịch sử; Thơ Tân hình thức (Chủ nghĩa Hình thức Mới, hay Chủ nghĩa Tân hình thức)

Để dịch thơ tiếng Anh sang tiếng Việt, ngoài việc phải hiểu thật tốt những nội dung từng dòng , cần phải cảm nhận được cái ý mà tác giả muốn gợi lên theo kiểu “ý tại, ngôn ngoại”. Đồng thời, phải xác định rõ nhịp điệu của bài thơ để từ đó tìm ra thể thơ nào trong tiếng Việt có thể gần tương đồng với bài thơ tiếng Anh sao cho có thể dịch trung thành với bài thơ gốc cả về tinh thần và hình thức.

Người dịch cần phải tìm hiểu cặn kẽ để nắm vững nguồn từ vựng , cú pháp và thi pháp của ngôn ngữ gốc và ngôn ngữ dịch; cần tham khảo những tài liệu có liên quan bằng tiếng Anh và bằng tiếng Việt. Với thơ tự do, phải tìm hiểu quy tắc tạo nhịp,

không thể ngắt ra vài dòng, suy ra nghĩa chữ, mà phải bắt được cấu trúc của câu và toàn bài. Ba yếu tố chính trong thơ tự do là nhìn, cảm và nghe

Xu hướng thơ và dich thơ Trung quốc đương đại: Tham luận của Nhà văn, dịch giả Hà Phạm Phú; Nhà văn, dịch giả Nguyễn Hữu Thăng.

 

Nhà văn, dịch giả Hà Phạm Phú phân tích đặc điểm nổi bật của Thơ Trung Quốc đương đại là trào lưu Thơ Mới, được khởi sinh từ phong trào Ngũ Tứ năm 1919 cho đến nay, trở thành chủ lực trên thi đàn. Ngọn cờ hiện đại hóa thơ là Hồ Thích. Ông chủ trương làm thơ bằng Hán ngữ bạch thoại. Thơ mới phải tự do, gần gũi với đời sống, phá bỏ các ràng buộc niêm luật thơ cũ; nội hàm khai phóng, chú trọng hình ảnh hơn chăm chút từ ngữ, có tính khát quát cao, hình tượng mới mẻ, giàu chất trữ tình, giàu nhạc điệu.

Từ 1930 trở lại đây thơ Trung Quốc đương đại chịu ảnh hưởng lớn từ thơ tượng trưng của Pháp. Theo đuổi vẻ đẹp mơ hồ từ cảm hứng thơ, cấu trúc nội hàm của thơ thông qua kết nối các khái niệm độc đáo và hình ảnh phức tạp.

Mặc dù chịu ảnh hưởng của thơ phương Tây nhưng nhiều nhà thơ lại không có ngoại ngữ, nên chủ yếu bắt chước thơ Tây dịch. Vì thế thơ Trung Quốc thiếu sự sâu sắc, cô đọng, câu văn lỏng lẻo, hời hợt, thiếu những ý tưởng mới trong hình tượng, thiếu ý nghĩa triết học sâu sắc và tính độc đáo. Rất ít tác giả thơ mới viết được những câu cách ngôn phản ánh sâu sắc về sự sống, cái chết và đức tin...

Thơ hiện đại Trung quốc có thể được phân loại thành Thơ hiện đạithơ hiện đại có vần.

Thơ hiện đại lấy văn bạch thoại Hán ngữ làm phương tiện chuyển tải biểu đạt trữ tình về cuộc sống.

Thơ có vần hiện đại là một nghệ thuật ngôn ngữ lấy văn bạch thoại Hán ngữ làm phương tiện chuyển tải và tái hiện sự biểu đạt trữ tình của cuộc sống với đòi hỏi vần điệu cao nhất của nhịp điệu ngôn ngữ.

Những lưu ý khi dịch thơ mới Trung Quốc: Thơ hiện đại được viết bằng Hán ngữ bạch thoại và ít dùng biện pháp ám chỉ, dễ nắm bắt nghĩa đen hơn thơ cổ. Tuy nhiên, để đánh giá đúng một bài thơ, phải đọc đi đọc lại nhiều lần, cố gắng tìm hiểu, nắm bắt được tứ thơ, ý tưởng và thông điệp tác giả muốn chuyển tải. Để nắm bắt được hình ảnh thơ, người dịch phải nắm được đặc điểm của hình ảnh;  liên kết nhiều hình ảnh riêng lẻ để tạo nên một hình ảnh tổng thể

Để nắm bắt được hình ảnh của tác phẩm, không thể hiểu theo nghĩa đen mà cần kết hợp bối cảnh thời đại, kinh nghiệm của tác giả, để khám phá ý nghĩa của hình ảnh thông qua trí tưởng tượng và liên tưởng. Dịch thơ nên lấy dòng làm đơn vị cơ bản. Không thể ghép hay tách các dòng thơ tùy tiện theo ý muốn.

Dịch thơ cần giữ lại ý nghĩa quan trọng trong bài thơ gốc, phản ánh đầy đủ ý nghĩa tư tưởng và thẩm mỹ của bài thơ gốc.

Nghệ thuật dịch thuật dựa trên ba yếu tố: Đó là sự hiểu biết thấu đáo của dịch giả về văn bản gốc; trình độ tiếng Trung của người dịch và kỹ năng dịch của người dịch. Tiêu chuẩn cao nhất của dịch văn học là bản thân tác phẩm dịch phải là tác phẩm văn học với mục đích giới thiệu tinh hoa của văn học bản địa vào văn học thế giới”.

 

Nhà văn, dịch giả Nguyễn Hữu Thăng và phát biểu của nhà văn Nguyễn Thị Thiện qua góc nhìn từ cuốn sách “10 nhà thơ lớn đương đại Trung Quốc” (Nguyễn Hữu Thăng dịch) đã giúp nhận diện rõ hơn Trào lưu thơ mới Trung Quốc mà dịch giả Hà Phạm Phú đã trình bày ở trên.

Thơ Bạch thoại” Đầu thế kỷ 20 sử dụng ngôn ngữ hiện đại ra đời và phát triển, thay thế “Thơ Văn ngôn” sử dụng ngôn ngữ và thể loại thơ cổ. Thể thơ tự do, ảnh hưởng phong cách thơ hiện đại phương Tây, ngữ điệu không gò bó, từ dùng trong sáng, không câu nệ số chữ, vần điệu; vừa có ẩn ý sâu xa theo phong cách thơ truyền thống, lại vừa mang tính hiện thực.

Cuối thập niên 20 sang thập niên 30, thơ Trung Quốc tiếp tục phát triển những trường phái mới, đa dạng, phong phú, như thơ viết theo lối tượng trưng, ẩn dụ, ảnh hưởng của chủ nghĩa tượng trưng Pháp.

Trào lưu Phái Hiện đại” chủ trương từ bỏ phong cách thơ hình thành từ phái Tân Nguyệt và phái Tượng trưng, chú trọng khai thác nội tâm.

Trào lưu thơ hiện thực cách mạng những năm 30, 40 của thế kỷ 20: Xu hướng nghệ thuật của dòng thơ mới thời kỳ này là ngôn từ chất phác, tự do, tiết tấu rõ rang, đúng vần điệu; phê phán “văn xuôi hóa” thơ , xác định “ Thơ tự do” có thể gieo vần, hoặc không gieo vần”, “ không có hình thức cố định mà biến hoá theo tình cảm, âm điệu nhịp nhàng, trôi chảy.

Trường phái thơ Mông lung sau cách mạng Văn hóa, khi văn học được cởi trói, đi vào giai đoạn phát triển toàn diện. Hai lực lượng tác giả: gồm các nhà thơ cao tuổi “tái xuất” thi đàn; và các nhà thơ trẻ với trào lưu thơ mới gồm 2 trường phái là chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa lãng mạn.

Thơ "Thế hệ thứ ba" xuất hiện vào nửa cuối thập niên 80, đầu 90, bước vào thời kỳ đa nguyên, không đơn nhất, có đặc trưng nổi bật là tính cách tân, cởi mở và tính dân gian. thi pháp đi ngược lại lối viết tượng trưng và ẩn dụ của trường phái “Mông lung”. chuyển sang lối viết trữ tình tự thuật, khẩu ngữ thường ngày với ngôn từ mộc mạc được tạo dựng từ những thể nghiệm của nhà thơ.

Thơ Đài Loan còn ít được phổ biến ở Việt Nam. Các nhà thơ Đài Loan vẫn quan tâm kế thừa, phát huy nghệ thuật truyền thống của thơ ca Trung Quốc.

Nhà văn, dịch giả Nguyễn Hữu Thăng chỉ ra rằng, người đọc Việt Nam hiểu biết sâu rộng về thơ Đưởng cổ, nhưng hiện nay lại rất hiếm thơ đương đại Trung Quốc được dịch và giới thiệu ở nước ta.

Để dịch tốt thơ Trung Quốc đương đại, người dịch phải tìm hiểu sâu bối cảnh mới với những thay đổi sâu sắc về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội Trung Quốc, tư tưởng tâm lý của các nhà thơ đương đại được phản ánh qua thi ca. Sự phát triển đa đa dạng, phong phú về phong cách, thể loại, bối cảnh ra đời của bài thơ, đặc điểm tư tưởng, tâm lý, phong cách của tác giả, ý tứ sâu xa của nguyên tác... để lựa chọn thể loại thơ dịch hợp lý, đảm bảo tiêu chí “Tín-Đạt-Nhã”

Nhà văn, dịch giả Lê Đức Mẫn luận bàn về dịch ngược thơ Việt Nam sang tiếng Nga thông qua tập thơ “Đôi cánh” song ngữ Việt-Nga của  nhà thơ Mai Văn Phấn do người Nga dịch.

Về cách dịch, nhà văn, dịch giả Lê Đức Mẫn cho rằng hai dịch giả Nga chỉ dịch “muôn vật có thật”, nghĩa là những từ và câu có trong nguyên bản, -  mọi “quan hệ nằm ngoài các câu chữ” thì để nguyên, không tự ý mở rộng, giải thích hoặc thêm bớt. Có nghĩa là các dịch giả dành quyền cho độc giả được quyền “tư duy, linh cảm và thiền sâu” theo yêu cầu của tác giả.

Bản dịch không bỏ qua một từ nào, một câu nào, không thêm không bớt gì, nhưng cũng không gợi ý gì về thông điệp hàm ý của tác giả. Như vậy, nếu xét theo các tiêu chuẩn dịch thuật cổ điển là Tín, Đạt, Nhã thì dường như người dịch không quan tâm đến nội dung, cũng không quan tâm đến nghệ thuật, nghĩa không quan tâm đến Đạt và Nhã. Đây là vấn đề đáng lưu ý, cần tiếp tục nghiên cưú trong dịch thơ Việt Nam ra tiếng nước ngoài.


zalo 463263532857842
 Các đại biểu văn nghệ sĩ, dịch giả về tham dự buổi tọa đàm

 

Dịch giả Võ Anh Dũng đề cập đến đặc điểm và xu hướng của thơ Nga đương đại, đó là đa dạng về phong cách, phong phú về chủ đề: Bên cạnh những chủ đề truyền thống như tình yêu, thiên nhiên, cuộc sống, thơ ca Nga hiện đại còn hướng đến những vấn đề xã hội, tâm lý con người, những trăn trở về hiện thực cuộc sống.

Để dịch tốt thơ tiếng Nga cần phải: Hiểu sâu sắc văn hóa và lịch sử Nga; Thông thạo cả hai ngôn ngữ; Nắm vững các thể thơ; Có khả năng sáng tạo và hiểu rõ phong cách của nhà thơ. Khi dịch thơ Nga đương đại cần tìm kiếm sự cân bằng giữa trung thực và sáng tạo, chú ý đến âm điệu và nhịp điệu, sử dụng những hình ảnh, từ ngữ gợi cảm.

 

Dịch giả Nguyễn Chí Thuật đề cập đến tính hiện đại trong thơ Ba Lan thế kỷ 20, ảnh hưởng của Chủ nghĩa Thi sơn, bảo vệ những giá trị tổng hợp, độc lập của văn hóa.

Chủ nghĩa biểu hiện trong giai đoạn đầu của chủ nghĩa hiện đại Ba Lan từ 1890–1918: Xu hướng chống bắt chước triệt để, không chỉ khẳng định sự cởi mở của mình đối với tương lai mà còn thể hiện nhiệt tình kiến tạo tương lai.

Chủ nghĩa tượng trưng phổ biến ở Ba Lan sau năm 1956. Trải lòng đối với tương lai và kiến tạo tương lai

Chủ nghĩa tượng trưng: Sau năm 1956, trong thời kỳ Ba Lan Trẻ. Đặc điểm chính là sự đối lập giữa ngôn ngữ đời thường và ngôn ngữ thơ.

Đặc diểm đáng chú ý trong thơ Ba Lan hiện đại là lời nói thông tục, phương ngữ đô thị và biệt ngữ môi trường mới, văn xuôi hóa thơ, những câu nói tục tĩu, hài hước, cách chơi chữ, sự kỳ cục về ngôn ngữ và thơ tự do. Nét đặc trưng của chủ nghĩa hiện đại trong văn học nói chung và trong thơ nói riêng ở Ba Lan thế kỷ 20 là phong trào chuyển động từ thơ sang “phi thơ”, từ “văn học” sang “phi văn học”.

Ba Lan ban đầu không có phong trào nghệ thuật Dada (một phong trào lan rộng khắp Tây Âu bắt đầu từ năm 1920 sau chiến tranh thế giới thứ nhất: Phản đối chiến tranh và chống lại tất cả những quy tắc nhìn nhận thế giới xung quanh; bài trừ chiến tranh, bài trừ giai cấp tư sản, bài trừ chủ nghĩa ái quốc, bài trừ bảo tàng, bài trừ chủ nghĩa duy vật… “Dada là một trạng thái tâm trí”, người theo chủ nghĩa Dada muốn đạp đổ tất cả những gì có quy tắc và có lý. Đây là một cuộc nổi loạn vô chính phủ chống lại các thể chế của nhà nước và văn hóa châu Âu.

Tuy nhiên khi Ba Lan giành lại độc lập, nhiều yếu tố của phong trào Dada đã xuất hiện trong chủ nghĩa vị lai của Ba Lan. Xuất hiện những bài thơ đáp ứng các định đề của Dada: thiếu logic, cách điệu trong ngôn ngữ của trẻ em, từ tượng thanh, âm thanh không có bất kỳ khái niệm và liên tưởng nào, chủ nghĩa vô chính phủ và phi lý.

Tính hiện đại của thơ Ba Lan được tạo ra sau những năm 1920: Sự trở lại những hình thức thơ đã bị bỏ rơi như thơ trữ tình;  thơ hùng biện-diễn ngôn; chủ nghĩa tượng trưng, ​​chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tân cổ điển, với sự phục hưng của "thơ văn hóa"; thơ phong cảnh và tôn giáo

Sau 1956, thơ hiện đại Ba Lan xuất hiện các mô hình “Thi pháp đạo đức”, “Thơ ngôn ngữ”.

Thập niên 1980, thơ là tiếng nói riêng tư, với ngôn ngữ thông tục, thể hiện cvais tôi cá nhân; chủ đề chính là những trải nghiệm cá nhân mang tính hiện sinh chứ không phải các vấn đề công cộng

Sau sụp đổ của chính quyền cộng sản, xuất hiện sự suy vi của truyền thống tiên phong và các ý tưởng kiến ​​tạo liên quan đến ngôn ngữ. “Làn sóng Mới” của thơ đã rời xa mối quan tâm về ngôn ngữ. Xuất hiện các hình thức khá lố bịch trong thơ, những ý tưởng của chủ nghĩa hậu hiện đại và Sự hưng thịnh của thơ nữ. Các vấn đề công cộng không còn là chủ đề chính, thay vào đó là những trải nghiệm cá nhân mang tính hiện sinh.

Dịch giả Nguyễn Văn Trung đề cập đến vấn đề dịch thơ hiện đại Hungary

Quan tâm việc lựa chọn các tác giả kinh điển của những thế kỷ trước, và những tác giả có tác phẩm thơ ca xuất sắc của Hungary đại diện cho nền thơ ca Hungary thế kỷ 20 và hiện nay:

  • Chủ đề tổ quốc.
  • Chủ đề xã hội và thân phận con người.
  • Chủ đề tình yêu và gia đình.
  • Chủ đề triết lý cuộc sống.
  • Chủ đề thiên nhiên, phong cảnh quê hương đất nước.

TS, Dịch giả  Lê Đăng Hoan đề cập đến xu thế thơ ca Hàn quốc đương đại:

     Hai xu thế khôi phục tính nguyên bản là “thơ thân thể” và “thơ nữ giới”.

Thân thể, tinh thần và nền tảng của thế giới Hào quang của thân thể được khơi dậy thông qua sự phản ảnh của lí trí hiện đại. Quan niệm diễn ngôn hậu hiện đại, gắn liền với diễn ngôn văn hóa xã hội. Văn học biến các khái niệm ngoại vi như thiên nhiên, cơ thể con người, phụ nữ thành diễn ngôn trung tâm

Thơ phụ nữ, vượt qua trở ngại giới tính. quan điểm về các vấn đề của phụ nữ ở góc độ phổ quát và sự tự nhận dạng của bản thân phụ nữ, nội tâm hóa vấn đề hiện thực trong thơ.

Xu thế bảo vệ giá trị cuộc sống trong thơ đương đại khẳng định quyền tự chủ để đấu tranh chống lại bão lực và áp lực độc quyền đặt lên phụ nữ và tìm cách thể hiện một hệ thống xã hội mới mà ở đó quyền bình đẳng giới được coi trọng. Thơ “phụ nữ” sẽ mở ra những chân trời mới và khám phá những giá trị cơ bản mới.

Thơ trong thời đại văn minh điện tử: đối thủ cạnh tranh của văn học hiện nay, theo một cách nhìn khác biệt, không phải là phim ảnh, trò chơi điện tử, AI, mà là “giác quan”. Con người trong xã hội hiện đại cùng văn minh điện tử, AI đang tạo nên một “ đế chế cảm giác”. Đi từ “Tôi tư duy, tôi tồn tại” đến “ Tôi cảm nhận tôi tồn tại”; Từ “ con người suy nghĩ” đến “ con người cảm nhận”.

Việc thao túng và sử dụng quá mức các giác quan trong xã hội hiện nay đang tổ chức lại xã hội và văn hóa hiện có của các giác quan, báo trước sự xuất hiện của con người và thế giới mới.

Ở Việt Nam hiện nay việc chuyển ngữ thơ Hàn Quốc sang tiếng Việt chưa nhiều. Các tác phẩm thơ chủ yếu đó là thơ mới, thơ hiện đại.

Quan niệm của dịch giả  Lê Đăng Hoan trong dịch thơ đương đại Hàn Quốc  là “Thà hát rõ lời, mà không véo von, còn hơn hát véo von mà không rõ lời” nên ông quan tâm đến dịch “đúng”, “ sát nghĩa” hơn là gia giảm cho thơ hay mà bỏ ý hay xa nghĩa của thơ gốc, mà vẫn giữ được nguyên tác dịch “tương đương”.

             Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc
          Ảnh: Nhà văn Hoàng Văn Năm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây