CÓ MỘT ĐỘI NGŨ RẤT ĐÔNG CÁC NHÀ VĂN ĐI LÀM BÁO

Thứ tư - 12/06/2024 19:18
CÓ MỘT ĐỘI NGŨ RẤT ĐÔNG CÁC NHÀ VĂN ĐI LÀM BÁO

Nhà văn Trần Thị Trâm

      Khảo sát đội ngũ nhà báo Việt Nam suốt hơn một thế kỷ qua, chúng ta dễ dàng nhận thấy một điều thú vị: trong đội ngũ những người làm báo có rất nhiều nhà văn và dường như trong mỗi nhà báo đều có một nhà văn. Cho đến hôm nay, vẫn có một đội ngũ rất đông  những nhà văn đi làm báo và ngược lại cũng có không ít nhà báo viết văn. Và hình như những nhà báo gạo cội nhất trong lịch sử báo chí như: Hồ Chí Minh, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Vũ Bằng, Nguyễn Khải, Tô Hoài … đều là những nhà văn danh tiếng. Những nhà báo có bút lực lớn xưa nay hầu hết đều  bén duyên cùng văn học.

 Trên thực tế,  báo chí tỏa ra một từ trường  thu hút ngày càng nhiều những người từ địa hạt văn chương gia nhập vào làng báo. Thậm chí có người còn nói đùa rằng: hội nhà văn đang có ý muốn kiện hội nhà báo vì đã lôi kéo mất quá nhiều hội viên của họ, làm cho nhiều thành viên của hội mải làm báo mà lãng quên  cả nhiệm vụ sáng tác của mình!

 Trong khi, có nhiều  nhà báo trở thành nhà văn nhưng hầu như ít ai từ bỏ nghề báo để chuyên chú vào sự nghiệp văn chương bởi “nghề văn thật lắm công phu” nhưng sự thành công đâu chỉ nhờ vào khổ luyện mà đòi hỏi rất nhiều về phương diện tài năng.”Nhà văn không thể quay như đồng đồng hồ được…Văn học đòi hỏi thời gian, một nhịp độ chậm để kịp ngẫm ngợi và lắng đọng (1), trong khi: “cơm áo không đùa với khách thơ”.

Nhìn chung số lượng nhà văn trở thành nhà báo ngày một nhiều và số  nhà báo sau khi hành nghề một số năm đã trở  thành hội viên hội nhà văn cũng không hề  ít.

 

anh bao 4
(Từ trái sang) Các nhà văn, nhà báo: Bế Kiến Quốc, Hồ Xuân Sơn, Vũ Quần Phương và Phan Thị Thanh Nhàn

 

mới
( Từ trái sang, tay cầm báo), Các nhà văn, nhà báo: Bùi Việt Mỹ, Hồ Quang Lợi và Trần Gia Thái 

 

     Ngoài lý do cơm áo, các nhà văn hăng hái xuống đường đi làm báo như một lẽ tự nhiên bởi  giữa báo và văn tuy có một mối giao lưu thật sự kỳ thú nhưng ảnh hưởng từ văn đến báo mới là chiều thuận. Báo chí và văn học chữ Quốc ngữ ra đời vào cùng một thời điểm (cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX), cùng dùng chung chất liệu ngôn từ, cùng chung nguồn cội, cùng chung tác giả và  đối tượng tiếp nhận  nên báo chí và văn học Việt Nam hiện đại đã trở thành  một cặp song sinh, luôn song hành bên nhau như một đôi tri kỷ. Dù đã nhanh chóng được tách ra làm hai loại hình độc lập nhưng văn chương vẫn là cái gốc, là nền tảng để báo chí hút nhuỵ để tiếp tục. Rõ ràng,  với một ký giả yêu cầu đầu tiên là phải biết viết văn, tức là phải có một năng lực văn chương nhất định mà thước đo trình độ là có bài đăng báo.Vì khi xuất hiện trên báo, tác phẩm đã được xã hội hoá, điều đó giúp người cầm bút có đủ tự tin để đến với nghề. Tất nhiên để thành danh thì song song với việc luyện bút  rất cần phải có tài năng .

Đa số các nhà báo, nhất là những người có được những tác phẩm luôn ám ảnh bạn đọc, đều bắt đầu từ niềm mê say văn học, vì yêu văn chương nên dám hy sinh tất cả để dấn thân vào nghiệp báo, dù vẫn biết đây là một nghề vô cùng nghiệt ngã.

Không ít các nhà báo trẻ  đang là những cây bút đầy triển vọng như: Đỗ Doãn Hoàng, Đinh Thu Hiền, Nguyễn Thị Xuân Quý, Đỗ Doãn Phương, Nguyễn Diệu Linh, Vi Thuỳ Linh, Bình Nguyên Trang, Đỗ Bích Thuý… trước khi được đào tạo nghề, họ đã từng được giải thưởng văn nghệ trên các báo. Món tiền nhuận bút thiêng liêng đầu tiên mà những tác giả trẻ nhận được từ một tờ báo tuổi xanh nào đó thường là một bài thơ hay một truyện ngắn chứ rất ít khi là một phẩm báo chí. Tình yêu, sự đam mê văn chương đã thổi bùng trong họ khát vọng được trở thành nhà báo.

Đâu phải chỉ các trung tâm đào tạo nhà báo: Học viện Báo chí và Tuyên Truyền, Khoa Báo chí của Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, Khoa báo chí và Văn học trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, Khoa báo chí và viết văn Đại học Văn hóa Hà Nội mới cung cấp các nhà báo cho các  trung tâm báo chí của đất nước mà chính các khoa Ngữ Văn của các trường đại học hàng năm cũng luôn bổ sung cho báo chí một nguồn nhân lực dồi dào, một số lượng không nhỏ các nhà báo với một chất lượng rất đáng tin cậy.

Ở  các báo văn, trước đây hầu như các nhà báo đều là nhà văn. Ví dụ báo Văn nghệ với các tổng biên tập : Nguyễn Văn Bổng, Tô Hoài, Vũ Tú Nam, Đào Vũ, Nguyên Ngọc, Hữu Thỉnh…; các phóng viên, biên tập viên: Văn Cao, Giang Nam, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Bế Kiến  Quốc, Đỗ Bạch Mai, Ngô Ngọc Bội, Trần Thị Thắng, Trần Huy Quang, Thế Hùng, Hoàng Minh Châu, Võ Thanh An, Ngọc Trai…Là nghệ sỹ kép, hai trong một, họ đã giúp cho báo Văn Nghệ có một thời thật sự  huy hoàng!  Ở các báo khác: từ báo viết đến báo hình, báo phát thanh, báo ảnh, báo mạng điện tử thì tỷ lệ người có gốc văn cũng không phải không chiếm ưu thế.

Chẳng hạn, báo Nhân dân cũng có tới vài chục nhà văn : Hồng Hà, Thép Mới, Phan Quang, Lê Minh, Nguyễn Địch Dũng, Lê Quang Trang, Phạm Đình Ân, Thợ Rèn, Lê Thấu, Hải Đường, Nguyễn Sĩ Đại,  Phạm Hồ Thu, Lê Mạnh Tuấn, Hữu Việt, Nguyễn Phương Liên, Phong Điệp, Nguyễn Quang Hưng, Bình Nguyên Trang, Nguyễn Văn Học, Khúc Hồng Thiện, Lữ Mai ...Báo Người Hà Nội có Bế Kiến Quốc, Vũ Xuân Hoát, Bùi Việt Mỹ… Báo Quân đội nhân dân có Đỗ Trung Lai, Nguyễn Quang Đẩu, Hồng Thanh Quang…Tiền phong có Xuân Ba, Nguyễn Như Phong…Đài truyền hình Việt Nam có  Minh Chuyên, Nguyễn Thị Thu Huệ… Đài tiếng nói Việt Nam có Trần Thiên Nhiên, Trần Đăng Khoa…Báo Công an nhân dân có  Hữu Ước,  Nguyễn Thái… Giáo dục & Thời đại  có Trường Giang, Trần Đăng Thao, Trần Quốc Toàn …

Quá trình làm báo đã giúp người nghệ sĩ đánh thức tận độ năng lực văn chương nên có thể đạt được một bút lực lớn, một bút hồn luôn tươi mới. Còn những trầm tích văn hoá quý báu lại giúp họ phản ánh những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống không chỉ dừng lại ở cái chân, cái thiện của báo chí mà mà đã có một cách biểu đạt tối ưu thông qua cái mỹ của văn chương, nhờ sự cộng hưởng đó mà sức mạnh của mỗi tác phẩm báo chí có thể được nhân đôi.

Số lượng nhà văn đi làm báo thời nào cũng rất đông. Các bậc tiến bối của làng báo trước cách mạng: ngoài tứ anh tài đất Hà thành: Vĩnh (Nguyễn Văn Vĩnh), Quỳnh (Phạm Quỳnh), Tố (Nguyễn Văn Tố), Tốn (Phạm Duy Tốn), còn phải kể đến: ông chủ bút An Nam tạp chí Tản Đà, Hoàng Ngọc Phách, Ngô Tất Tố,Vũ Trọng Phụng, Nhất Linh, Thạch Lam, Vũ Bằng, Thiếu Sơn, Nguyễn Vỹ,  Nguyễn Tuân… Sau cách mạng đội ngũ nhà văn đi làm báo vẫn điệp điệp trùng trùng: Trần Bạch Đằng, Sơn Nam, Võ Hồng, Vũ Hạnh, Nguyễn Khải, Dương Thị xuân Quý, Nguyễn Khoa Điềm, Trần Đình Vân, Nguyễn Sĩ Đại, Trần Quang Huy, Vũ Duy Thông, Thanh Thảo, Vĩnh Quyền, Nguyễn Quang Vinh, Nguyễn Quang Thiều, Mai Ngữ, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Minh Chuyên, Trần Đăng Khoa, Lê Quang Trang, Nguyễn Thị Vân Anh, Trần Quang Quý, Nguyễn Việt Chiến , Nguyễn Thành Phong, Võ Thị Hảo, Y Ban, Đỗ Bạch Mai, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh, Hoàng Việt Hằng, Nguyễn Thị Mai, Đỗ Bạch Mai, Phạm Hồ Thu…

Nhà văn  Nguyễn Thị Ngọc Tư của Đất Mũi vừa thành danh cũng đã lập tức gia nhập đội ngũ những người làm báo.

Có thể nói, nếu không phải là nhà báo chuyên nghiệp thì các nhà văn Việt Nam đều ít nhiều có tham gia làm báo, cũng hơn một lần có bài đăng báo.

Càng ngày các loại hình báo chí hiện đại càng dung nạp vào đội ngũ của mình một lực lượng đông đảo các cây bút chuyên và không chuyên đầy năng lực;  từ mọi nẻo đường của địa hạt văn chương họ bước sang làm báo một cách rất tự nhiên. Văn học đã cung cấp cho báo chí không ít nhà báo có danh tiếng và uy tín. Nhiều vị đã trở thành những nhà quản lý báo chí và những tổng biên tập của những tờ báo quan trọng: Tô Hoài, Lê Tri Kỷ, Hà Minh Đức, Nguyễn Khoa Điềm, Hồng Vinh, Phong Lê, Đoàn Minh Tuấn, Phan Trọng Thưởng, Nguyễn Quang Hà, Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều, Trần Gia Thái, Trần Đăng Thao, Nguyễn Uyển, Trần Quang Quý, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Vũ Duy Thông, Dương Kỳ Anh, Bằng Việt, Nguyễn Bình Phương, Phạm Tiến Duật, Hữu Ước, Nguyễn Thị vân Anh, Khuất Quang Thụy, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Bình Phương,  Phạm Khải, Nguyễn Đăng Điệp…

Nhiều nhà văn, nhà thơ đã trở thành nhà báo có tên tuổi được bạn đọc xa gần yêu mến: Khổng Minh Dụ, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Mạnh Tuấn, Đỗ Minh Tuấn, Đoàn Minh Tuấn, Trần Hoàng Cương, Trần Đăng Khoa, Hoàng Nhuận Cầm, Trần Hoà Bình, Minh Chuyên, Nguyễn Thị Thu Huệ, Hồng Thanh Quang, Bùi Bình Thi, Đoàn Tử Huyến, Thuý Toàn, Nguyễn Thị Mai, Hồ Thu … Và rất nhiều nhà nghiên cứu, giảng dạy văn học, ở nhiều cấp học đã ra nhập làng báo. Dù không chuyên nhưng do có nền tảng văn chương vững vàng,  họ đã  viết rất có nghề và bút lực thường khá dồi dào. Nhất là trong lĩnh vực nghiên cứu phê bình  đã có nhiều nhà giáo đồng thời cũng là những nhà lý luận sáng giá: Lê Trí Viễn, Trần Thanh Đạm, Hà Minh Đức, Phong Lê, Nguyễn Ngọc Thiện, Trần Đình Sử, Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Đình Chú, Phương Lựu, Mai Quốc Liên, Mã Giang Lân, Văn Tâm, Đặng Anh Đào, La Khắc Hòa Nguyễn Thị Minh Thái,  Bùi Việt Thắng, Chu Văn Sơn,Văn Giá…

Hiện giờ, hầu hết cán bộ của tạp chí Văn nghệ Quân đội, ấn phẩm được đông đảo bạn đọc yêu thích đều là nhà văn: Nguyễn Bình Phương, Phùng Văn Khai, Phạm Duy Nghĩa, Nguyễn Mạnh Hùng, Uông Triều, Đỗ Tiến Thụy, Đỗ Minh Tâm, Nguyễn Minh Tâm, Nguyễn Đình Tú, Đinh Phương, Đỗ Bích Thúy…. Còn hồi đầu thế kỷ XXI, tờ An Ninh Thế giới, thời kỳ ăn khách nhất, có tới 6 hội viên hội nhà văn Viêt Nam: Hữu Ước, Nguyễn Như Phong, Đặng Vương Hưng, Phan Quế, Trương Nam Hương, Phạm Khải. Cùng nhiều cây bút trẻ đầy triển vọng: Nguyễn Hồng Lam, Đặng Vương Hạnh, Vũ Cao, Đặng Huyền, Đỗ Doãn Hoàng, Như Bình… Và nhiều cộng tác viên gạo cội, phần lớn  là những nhà thơ, nhà văn có tiếng tăm và đang ở độ tuổi sung sức: Nguyễn Quang Thiều, Hồng Thanh Quang, Xuân Ba, Trần Mạnh Hảo… Thành công của An Ninh thế giới “là nhờ có những nhà văn, nhà thơ đã và đang làm báo An Ninh thế giới” (1). Họ đã “góp phần làm cho những trang báo không chỉ có thông tin với những con số, sự kiện đơn thuần mà còn thấm đẫm chất văn và tình người”(2)

Văn chương đã năng cánh cho tài năng, đã đặt nền móng cho sự nghiệp báo chí của họ. Đội ngũ những người làm báo có xu hướng ngày càng tăng thêm những cây bút xuất thân từ lĩnh vực văn chương. Trong đó, những cây bút viết nhanh nhất, bền bỉ nhất và  ấn tượng nhất dường như đều là những người xuất thân từ những nhà văn hay những người học văn.

Rõ ràng sự gặp gỡ của văn chương và báo chí đã tạo ra một nguồn năng lượng rất lớn để có thể bùng nổ những tài năng nghệ sĩ. Những nhà văn đi làm báo đã mang đến cho báo chí nước nhà một lượng rất lớn tác phẩm văn chương hay và rất nhiều tác phẩm báo chí có giá trị, bởi  không chỉ có văn trên báo mà còn có rất nhiều văn trong báo. Nhờ thế mà báo chí thấm đẫm chất nhân văn và trở nên hay hơn, sâu sắc hơn, tăng thêm sức hấp dẫn  đối với bạn đọc.Chính xu hướng văn hoá hoá báo chí này đã   tạo cho báo chí Việt Nam  một vẻ đẹp độc đáo riêng.

Có một đội ngũ rất đông đảo, hùng hậu các nhà văn đang tích cực tham gia làm báo, trong số họ có không ít những nhà báo tài năng tâm huyết.

 Có thể nói, nếu nhân tố quan trọng nhất quyết định sự phát triển của xã hội  chính là con người thì nhân tố quyết định sự tồn tại và phát triển của báo chí không thể không thuộc về đội ngũ những người làm báo. Mà trong số những nhà báo giỏi, có rất nhiều người xuất thân từ nghiệp văn chương.       

                            

 Tham khảo:

1. Trần Đình Sử, Nhà văn không thể quay như đồng hồ được!, Báo chí trẻ số 6 (tháng 8+9) năm 2004, trang 3.
2, Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, số 10 năm 2001,Văn nghệ góp phần thành công của báo an Ninh thế giới2. 3 Đặng Vương Hưng,
     trang 70, 71.
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây