DI SẢN HÁN NÔM Ở CHÙA HƯƠNG, CHÙA THẦY

Thứ hai - 13/02/2023 11:38
DI SẢN HÁN NÔM Ở CHÙA HƯƠNG, CHÙA THẦY


       Chùa Hương xã Hương Sơn huyện Mỹ Đức mở hội từ ngày 6 tháng Giêng đến ngày 15 tháng 03. Đây là hội kéo dài nhất nước ta về thời gian và rộng nhất nước ta về không gian. Di tích thờ Phật Thích Ca Phật Bà Quan Âm nước Việt, thờ tổ tiên thờ Sơn thần và Mẫu tứ phủ. Hình thức hội bơi thuyền chèo đò, hát văn, leo núi, ẩm thực, có rau sắng quả mơ, còn Chùa Thầy xã Sài Sơn huyện Quốc Oai mở hội vào ngày 7 tháng 3 và ngày 26 tháng 9…

Di tích thờ Phật từ Đạo Hạnh,  Lý Thần Tôn, thân phụ thân mẫu. Hình thức hội có lễ cầu kinh, chèo đò, rước kiệu, múa rối nước, cờ người. Hội có tục kết chạ với chùa Đồng Bụt  nơi sinh Thánh Từ cả hai di tích đều được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt được Bác Hồ từng tới thăm nhân dịp mùa lễ hội xin giới thiệu tấm bia ở thế kỷ 15 và thế kỷ 19 về cõi tâm linh của xứ đoài Hà Nội.

c
 Văn bia ở Chùa Hương

 

 

VĂN BIA CHÙA HƯƠNG

 

        Đệ tử là Thanh Tích ở chùa Thiên Trù, xã Yến Vĩ, tổng Phù lưu Thượng, phủ Mỹ Đức, tỉnh Hà Đông đội ơn đức trời đất che chở, nhật nguyệt sáng soi quốc vương ngự trị, sư trưởng giáo huấn, cha mẹ sinh thành, thập phương tín thi, được kế tục Tổ đăng trụ trì Hương Tích, Giải Oan, Thiên Trù hưng công Tam bảo tự vũ trang nghiêm, trộm nghĩ con người ta sinh ra có Tổ, yêu đạo chẳng quên. Nay xin kính cẩn liệt kê tên húy, tên hiệu các vị Tổ sư các đời trước sau khai sáng, nhất nhất kính khắc vào bia, lưu truyền đời đời, nối nghiệp đã qua mở đường hậu thế.

Đệ nhất Thiền Tổ, khai sáng Hương Thiên bảo sát là Thượng lâm  viện Tăng lục ty Hòa thượng Viên Giác Đạo Quang chân nhân Bồ tát Thiền tọa hạ, giỗ ngày 19 tháng Chạp.

Đệ nhị Thiền Tổ, khai sáng Giải Oan viện, tháp Thanh Vân, tên húy là Thám, pháp danh Thông Dụng, hiệu là An trụ, Thích Cương Trực Bồ tát Thiền tọa hạ, giỗ ngày mồng 5 tháng 8.

Đệ Tam Thiền sư, tháp Tiên Kỷ, Ma-ha Sa- môn, húy là Thiện, pháp danh Phổ Chiêm Thích Tuấn Nhã Trang Nghiêm Bồ tác Thiền tọa hạ, giỗ ngày 25 tháng

Đệ tứ Thiền sư, tháp Tiên Kỷ, Ma-ha Sa- môn Ngộ tâm, xuất gia, tên tự là Chiến Trực Bồ tát thiền tọa hạ, giỗ ngày 10 tháng 5.

Đệ ngũ Thiền Tổ, tháp Đồng Bạch, Ma-ha Sa- môn, tên húy là Đoan, pháp danh là Thông Lâm Bồ Tát Thiền Tọa hạ, giỗ ngày 16 tháng 10.

Đệ lục Thiền Tổ, tháp Hương Quang, Ma-ha Sa- môn Tỳ Kheo giới, pháp danh là Tâm Chúc, hiệu là Minh Chinh, Thích Hoàng- Hoàng Thiền sư Bồ Tát Thiền tọa hạ giỗ ngày 25 tháng 3.

Đệ thất Thiền Tổ, tháp Tiên Quỳnh, Ma-ha Sa- môn, pháp danh là Thanh Hữu Thích minh mẫn Thiền sư Bồ tát Thiền tọa hạ, giỗ ngày 29 tháng 2.

Đệ bát Thiền tổ, tháp Tiên Kỳ, Ma-ha Sa- môn, pháp danh là Thanh Quyết Thích môn Đinh Nhẫn Nhục Thiền sư Bồ Tá Thiền tọa hạ, giỗ ngày 19 tháng 7.

Đệ cửu Thiền tổ, tháp Tiêu Quỳnh, Ma-ha Sa- môn, pháp danh Trí Tích, hiệu là Phổ Minh Thiền sư Bồ tát Thiền tọa hạ, giỗ ngày 21 tháng 12.

Nguyện đem công đức này hồi hướng hưởng các Tổ cùng giác linh chư vị trong pháp phái, phổ cập đến tứ ân, tam hữu nhất thiết chúng sinh đều cùng được viên thành Phật Đạo.

Nam mô Thập phương vô lượng thường được trụ tam bảo tác đại chứng minh!

Nam mô Linh cảm Quan thế âm Bồ tát tác đại chứng minh!

Nam mô Thập bát Long thần già lam chân tể cộng tác chứng minh!

Trộm nghĩ: Núi chẳng tại cao, cứ có tên là nổi tiếng. Trèo lên non hiểm mà lại có thể đi được như trên con đường bằng phẳng, công tạo tức của người cũng không để mai một.

Động Hương Tích ở huyện Hoài An. Chùa trong động quả là rất cổ. Đó là nơi Quan Âm thoắt hóa, cảnh trí thì có hoa mai giá áo, né tằm, nong quả, cột ngọc, cối giã cùng các nhũ đá trò rủ xuống ở ngoài cửa động, sớm chiều ánh mặt trời chênh chếch chiếu vào nghiễm nhiên trở thành hoa văn gấm vóc. Thời xưa gọi là “Nam Thiên Đệ Nhất Động” quả thật không ngoa. Nhưng núi rừng âm u tĩnh mịch, đường chim khấp khểnh gập ghềnh, chí sĩ cao nhân xưa nay thường đều muốn đến thăm mà không được. Mùa thu năm ngoái công tử con quan Án Sát bản tỉnh đến đây cầu nguyện về đường khoa cửa được đắc ý, vị sư trụ trì và là động chủ bèn nhân đó nói về việc đường núi khó đi, quan Án Sát liền vui vẻ đứng ra chủ trì việc đó, cúng 200 quan, hiệp lực cùng 4 hiệu trên phố tỉnh để lo liệu sửa sang, chỗ nào rập rạp thì phát cho quang, chỗ nào lởm chởm thì san cho phẳng, sửa sang đường núi từ bến đò tới cửa động hơn700 dặm, phí tổn chừng hai ngàn, hai tháng đã xong. Vừa vặn đúng lúc tôi từ trường học Kim Giang dạo bước tới đây. Động chủ xin tôi viết lời tựa để ghi lại.

Hành đạo thì có phúc, điều này các vị chủ trì công việc cũng những người có tin tài sức lực góp vào đó sẽ được hưởng, còn tôi thì biết nói gì đây? Nhưng tôi chỉ nghĩ đến điều dòng suối chảy xiết đã khiến nảy ra tứ văn hào hừng, đỉnh giáp cao vòi vọ đã khiến nảy ra hơn văn mạnh mẽ, cổ nhân học văn của Tử Trường(*) trước hết phải học các cách du ngoạn của Tử Trường, nếu như chẳng thực hành qua cải đạo của ông thì văn nhân thểchất yếu đuối e rằng có khi leo núi mà không tới đỉnh. Vậy mà nay quan Án sát đề xướng ra việc này. Động chủ lo liệu việc này, còn bốn phương thì cũng hoàn thành việc này, trong vòng hai tháng đường chim thảy đều trở nên bằng phẳng, xưa thì lau lách bịt lối, nay thì đi lại dễ dàng. Những người sau đi con đường này, leo lên động này, nếu không tới đích, chắc chắn phải than thở tài ta đã kiệt vậy. Đó điều đáng đ ghi lại.
 

Phó Bảng khoa Kỷ Tỵ - Nguyên Án sát Quảng Bình Vũ Tử Việt
-người huyện Duy Tiên soạn.
 
 

 

VĂN BIA CHÙA THẦY

(Hiển Thụy am bi)
 

           Bia chùa Thiên Phúc, xã Lật Sài, huyện Yên Sơn, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây sưu tầm tại động Hiển Thụy, chùa Đỉnh Sơn, xã Đa Phúc, tổng Lật Sài, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây; nay thuộc thôn Đa Phúc, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội.
     Năm dựng: Cảnh Thống thứ 3 (1500).
     Người soạn: Nguyễn Bảo; học vị: Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (1472); chức vị: Hàn lâm viện Thị độc, chưởng Hàn lâm viện sự.
           Người viết chữ: Bùi Sĩ Nho; chức vị: Trung thư giám Trung thư xá nhân, cẩn sự lang.
           Người viết chữ triện: Tô Ngải; chức vị: Hiển cung đại phu, Kim Quan môn Thị chiếu.
           Người khắc: Phạm Bảo; chức vị: cẩn sự tá lang, San thư cục Cục chánh.

d Hát ở Hội Chùa Thầy

Nội dung:

           Chùa Thiên Phúc trên núi Phật Tích không chỉ là nơi có phongcảnh sơn thủy đẹp đẽ mà còn là ngôi chùa có những sự tích linh thiêng. Thời Lý, nhà sư Từ Đạo Hạnh đã tới trụ trì chùa này trong mấy chục năm, về sau cảm hóa đắc đạo chính quả thác thai thành vua nhà Lý. Đến ngày 6 tháng 6 năm Quang Thuận thứ 1, vua Lê Thánh Tông lên ngôi, tháng 7 năm ấy tuyển con gái thứ 2 của Trịnh Quốc Công vào làm Sung nghi ở cung Vĩnh Ninh. Ít lâu sau bà mang thai, Trịnh Quốc Công bèn lên am Từ Công ở chùa này làm lễ cầu đảo. Chợt thấy có một viên đá từ đâu bay đến rơi trước mặt, ông nhặt lên, bí mật sai thợ tạc thành tượng Phật rồi dựng một cái Am để thờ. Đến năm sau, ngày 10 tháng 8 sinh ra Hoàng thượng (tức Vua Lê Hiến Tông). Vì là con đích trưởng nên năm Nhâm Nhọ thứ 3 (1462) ngài được lập làm Hoàng Thái tử. Đến thời Hồng Đức, Sung nghi được sắc phong lằm Quý phi. Trịnh Quốc công trước khi qua đời có dặn lại rằng phải dựng bia ghi lại sự tích đá bay ở chùa để lưu truyền. Đến nay, Hoàng thượng lên kế ngôi, mẹ ngài được tôn làm Hoàng Thái hậu ở cung Trường Lạc. Nhà vua bèn sai văn thần soạn văn khắc bia ghi lại sự việc này cùng với các sự tích kỳ lạ khác như chuyện Quang Thục Hoàng thái hậu nằm mộng được Ngọc hoàng bế trao cho đứa bé mà sinh ra vua Thánh Tông, chuyện Trường Lạc Hoàng Thái hậu có điềm rồng vàng nhập vào sườn bên trái mà sinh ra Hiến Tông...

            Có bài minh 70 câu. Thác bản tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu 1223, bia 1 mặt, khổ 60X 130cm, gồm 47 dòng chữ Hán, toàn văn ước khoảng 1000 chữ, có hoa văn, không có chữ húy.

 

VĂN HẬU
HỘI VH DG HÀ NỘI

 

       THAM KHẢO:
1/ Tử Trường:- Tư mã Thiên, nhà viết sử nổi tiếng đời Tây Hán.Ông cũng đi nhiều,.
đích thân đến các nơi danh thắng hoặc các di tích lịch sử và khảo cứu tỉ mỉ.
2/ Văn bia chùa Thiên Trù, Hòa Thượng Thích Thanh Tích chùa Hương
                                             (Đặc san trung tâm Môi trường sinh học – 1/2001)
3/ Dẫu rằng sông cạn đá mòn
Hương Sơn Nam Hải vẫn còn dấu thiêng.
                                               (Ca dao)
      4/*Theo tư liệu Văn hiến Thăng Long
       TS Vũ Văn Quân; NXB Hà Nội 2010

 

Nguồn tin: HNV

Tổng số điểm của bài viết là: 60 trong 14 đánh giá

Xếp hạng: 4.3 - 14 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây