MẤY VẤN ĐỀ CẦN TIẾP TỤC xung quanh việc tu bổ, tôn tạo di tích Tổ nghề thêu Quất Động

Thứ ba - 19/03/2024 14:19
MẤY VẤN ĐỀ CẦN TIẾP TỤC xung quanh việc tu bổ, tôn tạo di tích Tổ nghề thêu Quất Động



    P.Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Quang Long

     1. Qua các tư liệu lịch sử, văn hóa còn lại, giới nghiên cứu đã xác nhận ông Tổ nghề thêu Quất Động (huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội) có thể là Lê Công Hành (1606-1661). Nói “có thể” vì trong nhiều nguồn tư liệu khác nhau thì cái tên Lê Công Hành mà hành trạng, chức tước, công trạng với quê nhà, năm sinh, năm mất có vẻ hợp lý hơn cả. Còn những “tồn nghi” khác nảy sinh do còn có những điểm chưa tường minh, khác nhau gắn với những nguồn sử liệu chính thức hoặc thứ cấp cần tiếp tục xử lý. Những vấn đề khác rất hiển nhiên nhưng lại cũng cần được minh xác hơn như các vị Trần Quốc Khái, Trần Khái, Bùi Công Hành do có công trạng được ban quốc tính “cũng có thể” là Lê Công Hành vì theo khảo cứu của Giáo sư Lê Văn Lan đã công bố từ năm 2011, có nhiều điểm trùng, chập, mờ, khác về tên tuổi, quê quán, năm sinh, năm đỗ đạt cần được làm sáng tỏ. Khoảng cách, khác biệt giữa những cứ liệu lịch sử (văn bia, bài vị, sách vở) với những truyền thuyết dân gian về một vị quan thanh liêm, thương dân mà trong những cơ duyên khác người, trong điều kiện phi thường đã học được nghề thêu, nghề làm lọng từ Trung Quốc rồi truyền lại cho dân làng ở quê hương mình cũng là điều dễ hiểu. Không phải chỉ có ở những tư liệu dân gian mà thậm chí cả trong những tư liệu thành văn chính thống lẫn không chính thống (quốc sử, thần tích, thần phả, gia phả, những kết quả điền dã) sự khác nhau, không thống nhất về một đối tượng nào đó cũng không phải là chuyện khó hiểu. Gần như đã thành quy luật hoặc thành nếp, bất kỳ một hiện tượng nào một khi đã được nhân dân và chính quyền tôn sùng thì sau thời gian, những lớp bụi thời cuộc đã che mờ đi khía cạnh này nhưng lại chạm khắc sâu hơn, “chính thống hóa” kỹ hơn một số khía cạnh khác. Như truyền thuyết về Cẩu Nhi, thánh Tản Viên, Vua Hùng và nguồn gốc con Rồng cháu Tiên... trong lịch sử văn hóa dân tộc cũng xảy ra quá trình tương tự. Ngay như trong những truyền thuyết về sự tích núi Tản Viên (người đứng đầu trong truyền thuyết về Tứ bất tử của văn hóa Việt) cũng thấy những chỗ nhòe, chập, chồng lấn của các lớp văn hóa bản địa, văn hóa Nho giáo, văn hóa Phật giáo gắn với một tâm thức có thật nhưng đã bị sử thi hóa, huyền thoại hóa, truyền thuyết hóa qua rất nhiều đời mà nguồn gốc sâu xa của thực tiễn ấy lại bắt đầu từ một tâm thức có thực: Mong muốn nhân vật mình yêu mến, ngưỡng vọng phải có những điều gì phi thường, khác thường. Nét phi thường hóa theo hướng thiêng hóa đối tượng thờ phụng đã trở thành một tâm thức phổ biến trong truyền thống văn hóa dân tộc. Trong tâm thức dân gian, nhiều người thường trở thành nhân thần, phúc thần cũng “đi theo” con đường này trong quá trình sống với dân tộc, cộng đồng. Nếu phủ nhận điều này có nghĩa là đã không thừa nhận một đặc điểm trong quá trình hình thành hệ giá trị tinh thần của cộng đồng.

Vấn đề còn lại trong việc này là cần tiếp tục tìm thêm tư liệu để xác định ông Tổ nghề thêu Quất Động tên tuổi, hành trạng thế nào còn những lớp truyền thuyết dưới dạng văn học dân gian bao phủ lên lớp cốt lõi có thật ấy cần được nhìn nhận theo một lối tiếp cận khác. Điều này có những nguyên nhân từ nhiều nguồn, nhiều lý do mà ngay cả những bậc đại khoa cũng vẫn nhầm lẫn chứ không chỉ ở những người dân thường, những ông bà thủ từ thường được coi như là những người có hiểu biết về đối tượng được thờ phụng. Còn nhớ “thành Ô Diên” trong tâm thức người Việt mà giới nghiên cứu văn hóa cổ xứ Đoài đã mất bao nhiêu công phu để xác định đó là “quân thành”, “thương thành” hay “thị thành” vì truyền thuyết một phần, phần vì những câu đối (dĩ nhiên không phải có từ thời thành Ô Diên mới hình thành, được lập sau khi những sự tích, truyền thuyết đã trở thành ước nguyện của dân, thành đình chùa, miếu mạo...), những dòng ghi chép trong sử sách (Đại Việt sử ký toàn thư soạn vào thế kỉ XV, Việt sử cương mục soạn vào thế kỉ XIX...). Ta đã biết khá nhiều chính sử và truyền thuyết của ta đã “bắt đầu” từ một ghi chép nào đấy rồi cứ thế nhân ra, lan truyền ra cho đến tận bây giờ, rồi lại mặc nhiên được coi đó là “lịch sử” (việc hai cuốn sử này chép nhầm việc thờ Bát Lang thành Nhã Lang ở Hạ Mỗ là một ví dụ cụ thể). Ngô Thì Nhậm cũng dựa vào việc “đọc sử” của mình mà có nhầm lẫn trong bài Quá Hạ Mỗ (cụ cho rằng ở Hạ Mỗ có mộ Cảo Nương trong khi thực tế không phải như vậy). Còn câu Ô Diên nền cũ dấu khôn tìm thì giới nghiên cứu một thời gian dài mặc nhiên coi đó là một quân thành vì cho rằng nơi này là quân doanh của Nhã Lang. Mãi đến khi tổ chức hội thảo về thành Ô Diên năm 2010, một nhà nghiên cứu mới “tra” ra, đó là một nhầm lẫn bắt đầu từ ngôn ngữ học. Thời Hậu Hán, chữ “thành” còn có nghĩa là một đơn vị hành chính, không phải chỉ có ý nghĩa duy nhất là thành quách, càng không phải là nơi đóng quân của quân đội như một thành trì ta vẫn hiểu (Giao Chỉ thời đó có 14 thành là 14 đơn vị hành chính. Ai có nhu cầu tìm hiểu xin mời đọc Kỷ yếu Hội thảo về thành Ô Diên do UBND huyện Đan Phượng và Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Hà Nội đồng tổ chức, nhất là bài của Tiến sĩ Hán Nôm Phạm Văn Ánh). Dẫn ra hơi dài dòng như vậy để muốn nói rằng ở Quất Động thực tế có đền thờ ông Tổ nghề thêu, có những sử liệu chính thống, có gia phả ghi về lịch sử, hành trạng của ông Tổ nghề và cả truyền thuyết dân gian về nhân vật ấy. Nghĩa là lõi sự thực lịch sử có. Những chỗ nhòe, chập, trùng, những chứng minh yếu đã có, chỉ cần tìm thêm cứ liệu cho việc này có căn cứ hơn thôi.

IMG 1573

Các Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà nghiên cứu văn hóa, Nhà văn, Nhà báo và lãnh đạo địa phương, Hiệp hội tham dự hội thảo khoa học, chụp ảnh kỷ niệm.
 

      2. Về tâm thức dân tộc, tấm lòng tri ân những người đã có công giúp dân trong suốt quá trình đấu tranh với tự nhiên, ngoại xâm, trong việc dạy nghề, truyền nghề hoặc tạo ra những mỹ tục được cộng đồng ngưỡng mộ, noi theo đều được tôn là Thành hoàng làng, được dân lập đền thờ. Rồi theo quá trình lịch sử, những câu chuyện, truyền thuyết về những nhân vật ấy cứ dày lên theo năm tháng. Nó vẫn tồn tại ngay cả khi có những khác biệt, thậm chí mâu thuẫn trong những tư liệu liên quan đến hiện tượng. Đến một lúc nào đó, có người ghi chép lại để truyền tụng tiếp thì “hồ sơ” của nhân vật đã đan xen những chuyện thực và tưởng tượng, những thêm bớt theo hướng thần thoại hóa, truyền thuyết hóa. Theo Phó Giáo sư Nguyễn Duy Hinh thì trong hơn 300 làng ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ mà ông đã có dịp khảo sát, có hơn 3/4 những Thành hoàng làng là người đã để cả đời chuyên đem lại những điều tốt đẹp cho cộng đồng, cụ thể là làng mình. Có thể đó là con dân của làng, có thể là người nơi khác, có thể là phúc thần... nhưng tất cả họ đều được dân làng tôn kính, ngưỡng vọng, thờ cúng. Câu ca Vì dân, dân lập đền thờ, hại dân, dân đái ngập mồ, thối xương đã nói lên cả hai mặt đối lập của tâm thức cộng đồng này. Ông cũng cho biết thêm, rất nhiều truyền thuyết, thần tích, thần phả về các vị Thành hoàng này đan xen giữa những yếu tố bình dân, dân dã với những yếu tố kỳ vĩ, huyền ảo. Thiết nghĩ điều này cũng phản ánh một sự thực: Trong quá trình tồn tại của mình, người dân cần viện dẫn như là một công cụ hỗ trợ cho họ về mặt tinh thần để tăng thêm uy lực, sức mạnh của đối tượng được thờ phụng, để hướng tới mục đích duy nhất: nhân lên niềm tin, sức mạnh của chính mình. Tin vào người dẫn đường của mình, người hộ mệnh cho mình (Thành hoàng làng) để thêm sức lực đi tiếp hành trình này. Trên ý nghĩa ấy, chuyện ông Tổ nghề thêu Quất Động trong một lần đi sứ sang Trung Quốc bị lừa, bị giam lỏng trong cung điện, không có gì ăn nhưng lại thấy có chum nước khiến ông nghĩ đến bẻ tay tượng Phật mà ăn thì mới biết đó là bánh khảo làm thành, nhìn thấy lọng che, các bức thêu mà học thành nghề rồi cầm lọng thay dù nhảy xuống đất... là những tưởng tượng rất “logic” của tư duy dân gian (tôi đồ là của mấy ông trí thức Nho giáo nghĩ ra) về một con người đặc biệt. Phải thông minh thế mới tìm được đường thoát trong hoàn cảnh ngặt nghèo, phải nhanh trí lắm mới học được nghề ấy và con người ấy phải thương dân như con mới dạy cho họ kế sinh nhai. Tôi cũng nghi cả ý kiến của một “ông Tây” nói về có thời xưởng dệt ở Quất Động có đến 600 người làm việc. Những cách nói mang màu sắc “dân gian” này tồn tại cả trong sử chính thống thì tại sao lại không thể xuất hiện trong ghi chép của một người xa lạ khi mà cả ngôn ngữ, điều kiện để khảo sát cũng không thuận lợi? Một xưởng dệt có đến 600 người làm chiếm một diện tích không nhỏ, liên quan đến một quy mô sản xuất không nhỏ. Vậy số liệu ấy có thể tin được không?

Loại bỏ đi tất cả các yếu tố không đáng tin cậy, ta thấy còn lại những gì trong những sự thực về một ông Tổ của nghề thêu Quất Động? Có một ông Tổ của nghề thêu này đã mang nghề ở nơi khác về truyền lại cho người dân. Một ông Tiến sĩ, hàm Thượng thư, được vua ban quốc tính, đã giữ những trọng trách của triều đình như thế chắc không thể dạy nghề cho dân trong khi vẫn đang còn đương chức. Nhưng điều đó cũng không quan trọng. Cái nghề tinh xảo và đòi hỏi một trình độ nghề nghiệp khá cao này chắc phải học từ một nơi có trình độ phát triển mà lúc ấy ở trong nước chưa có. Hơn nữa, cái nghề ấy cần thiết và có thể là phương tiện mưu sinh không cho một người mà cho cộng đồng. Vậy, chỉ còn có ở Trung Quốc. Tư duy luận lý trong văn hóa dân gian phát huy vai trò trong sáng tạo ra các truyền thuyết, huyền thoại và khi đã hoàn chỉnh, nó trở lại thành một nét hằn trong tâm thức con người, trở thành một phần của sự vật, thành một bộ phận của lịch sử cộng đồng, khu vực, đất nước. Nó không hoàn toàn là sản phẩm của trí tưởng tượng vì nó vẫn có những “phần” của sự thực, chỉ có điều bên cạnh những cái có thực ấy, có những điều, ở trường hợp này nhạt hơn, trong trường hợp khác đậm hơn, không có thực hoặc là sản phẩm của những tưởng tượng được tô đắp thêm, làm lợi thêm cho hiện tượng và cho cộng đồng. Ở trường hợp ông Tổ nghề thêu Quất Động cũng thế. Chưa biết ghi chép nào chưa đúng, chưa biết gia phả nào sai, chưa biết cuốn sử chính thống nào viết nhầm... nhưng tâm thế về một ông Tổ nghề thêu là có thật, những hiện vật về con người, dòng tộc, quê quán... của ông tổ vẫn còn để chứng minh một phần cho sự tồn tại ấy. Vậy thì, không còn phải đặt vấn đề có hay không, cần chứng minh thật chính xác ông tổ này có một lý lịch, hành trạng thật chính xác để tăng thêm lòng tin của cộng đồng vào ông. Bởi điều đó là không thể. Nhưng vẫn cần sự phát hiện, bổ sung thêm tư liệu để có thể đính chính sai sót này nọ, có thể làm dày thêm lý lịch con người này. Nhưng đó chỉ là phần thứ yếu. Quan trọng nhưng vẫn là thứ yếu. Cái chính là cần tu bổ, tôn tạo cho xứng đáng những gì còn lại của ông Tổ nghề thêu này.

3. Qua khảo sát của các nhà nghiên cứu chúng ta thấy: Hiện đang tồn tại một số tư liệu như chính sử, câu đối, gia phả, thần tích, truyền thuyết, giai thoại và phần mộ của người được coi là ông Tổ nghề thêu Quất Động. Vấn đề là cần có một giải pháp tu bổ tôn tạo những gì có thể và bảo tồn những gì còn lại cho xứng đáng với lịch sử một nghề thủ công, một truyền thống văn hóa và một danh nhân.

Tôi có vài kiến nghị nhỏ:

1. Tiếp tục biên soạn một tập tài liệu về Tổ nghề thêu Quất Động. Cần tôn trọng những gì đang có nên cần một thái độ khách quan. Không được làm nhòe thêm hành trạng của cụ. Những gì đã tường minh, nên nói đúng như thế. Những gì còn chập, nhòe, chưa chính xác, tồn nghi... cũng nên nói đầy đủ. Mặt khác, cần tiếp tục tìm kiếm, hy vọng sẽ tìm thêm tư liệu bổ sung. Rất không nên áp đặt quan điểm của người chủ trì khi chưa xác định được những chỗ đúng sai, khác biệt. Làm như thế không phải là thái độ đúng và tôn vinh nhân vật lịch sử.

2. Nên kêu gọi sự hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng. Ví dụ Hiệp hội Doanh nhân Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp Dệt may trong cả nước xây dựng một nhà tưởng niệm hoặc dựng lại từ dường thờ Tổ nghề tại Quất Động. Ở đây, nên trình bày lịch sử ngành thêu, làm lọng. Cái này cần nghiên cứu thật kỹ, chọn sản phẩm thật đúng (nên có phối hợp với ngành chức năng của địa phương).

3. Tôn tạo lại khu lăng mộ của Tổ nghề. Nếu được, có thể mở rộng diện tích bằng cách mua thêm đất xung quanh khuôn viên hiện có. Bằng không, trên cơ sở đã có nên tôn tạo lại hình dáng, cảnh quan khu mộ. Sao cho tôn nghiêm mà vẫn nhã. Không nên cầu kỳ, lòa loẹt.

4. Xây dựng một Quỹ giải thưởng nghề. Quỹ này cần xin phép Nhà nước (vì có thu tiền, có chi tiêu) và chỉ trao cho những sản phẩm thêu xuất sắc hàng năm. Như vậy, mới có hiệu quả và có sức động viên các thành viên.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây