Chờ cho mẹ rời khỏi nhà, lát sau Vân vào buồng sửa sang quần áo đi gặp Hà. Thằng Vinh đang ngồi học, quay về phía buồng, giọng chì chiết:
- Chị cũng đi nốt à?
Chị đe:
- Mày ngồi yên mà học đi. Mẹ về ngay bây giờ đấy.
Đe nẹt em như thế, thực ra Vân đã làm trái lòng mình. Từ ngày bố mất, tối tối, sau khi gà lên chuồng, chị cũng chỉ muốn mọi người quanh quẩn ở nhà đừng đi đâu nữa. Nhưng rồi nếp sống vừa phôi thai ấy đã bị sé nát sau quyết định đi xuất khẩu lao động của chị. Bây giờ chị muốn tranh thủ từng giây, từng phút ở bên Hà. Chị bâng khuâng nghĩ đến những lúc không còn được ở bên anh. Chị hoang mang, liệu rồi đây sự vương vấn, nỗi nhớ nhung có đủ để lấp đầy khoảng không gian bao la giữa hai nơi góc bể, chân trời. Chị cười mỉa một mình: Ôi! tình yêu của ta mang màu gì thế nhỉ!. Rồi chị bỗng ghét cay ghét đắng cái quyết định của mình. Nhưng còn biết làm sao. Tất cả mớ bòng bong ấy đành nhồi vào một tiếng thở dài trước khi chị đi gặp người yêu.
Họ hẹn nhau ở dãy duối đầu làng. Đó là hàng cây cổ thụ, đầu tiên dùng làm hàng rào ngăn khu dân cư với cánh bãi. Về sau, cây cao lên, có bóng mát, người đi bãi thì làm chỗ trú chân, trẻ chăn trâu thì làm nơi chơi ô ăn quan, đánh đáo lỗ hoặc đùa nghịch. Những đêm trăng, cánh thanh niên cũng thích rủ nhau ra đây để được ngắm nhìn khoảng trời đất mênh mông của cánh bãi. Từ ngày trong thôn có điện, chẳng mấy người ra đây nữa. Họ hẹn nhau ở các quán trong thôn còn hơn. Ở đấy, họ ăn nhậu, cấu véo nhau thoải mái, đàng hoàng.
Chao ôi là ngao ngán, đi gặp người yêu mà lòng Vân thật buồn!. Ngực áo nặng trĩu bởi chiếc băng tang. Hình ảnh bố trong những năm tháng cuối đời cứ chập chờn, quay cuồng trước mắt chị. Bố chị, nửa đời người là cựu chiến binh, lại là một đảng viên gương mẫu, bây giờ chết đi, tiếng thơm có để lại được không? Chị có khiến bố hờn giận trước khi ra đi hay không?
Cho đến lúc làng quê tiến hành dồn điền đổi thửa, bố vẫn là người tiên phong. Suốt ngày ông lăn lộn trên đồng, trên bãi. Ông sẵn sàng làm gương đổi 4 sào ruộng đẳng điền nhà mình lấy 4 sào ruộng cằn cỗi để mọi người bớt suy bì, tị nạnh, khiến phong trào dồn điền đổi thửa của thôn đi đầu cả xã, làm cơ sở cho việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn sau này. Vậy mà khi vận động xây dựng HTX kiểu mới thì ông khựng lại. Trong đầu ông quay cuồng một câu hỏi: Chỉ thị 100 đã thất bại rồi, đã phải quay về khoán 10 rồi nay lại xây dựng HTX thì có luẩn quẩn hay không? Giải thích trong cuộc họp, ông không nghe. Đồng chí thuyết phục, ông không nghe. Đảng ủy viên, bí thư xã thuyết phục, ông không nghe. Ông cứ khăng khăng quan điểm của mình. Đã thụt lùi về nhận thức thì tất nhiên bị thụt lùi về vai trò, vị trí. Ông mất chân trong chi ủy, còn suýt bị khai trừ khỏi Đảng. Đã thế ông cũng chẳng cần. Bây giờ thì ông giữ gìn khí tiết đảng viên theo cách của mình: Ông sẽ làm cho năng suất lúa nhà ông cao hơn năng suất của HTX cho mà biết mặt. Nhưng rồi ông ăn phải trái đắng. Lúc thì mua phải thuốc trừ sâu giả của thằng Tài, lúc thì mua phải phân giả của thằng Tấn. Thế mà, ông vẫn nhất định không mua vật tư nông nghiệp của HTX. Ba vụ liền ông bị thất thu, kéo kinh tế gia đình xuống chân dốc. Ông chạy đôn, chạy đáo, biếng ăn, biếng ngủ dần, người hốc hác hẳn đi. Từ chỗ lúc nào cũng phăm phăm trên bờ vùng, bờ thửa, lúc nào cũng hùng hục nơi đầu bờ, cuối bãi, nay ông phải nằm bệt trên giường. Bảo ông đi bệnh viện xem sao, ông nhất định không đi. Ông đi thì bỏ những ruộng lúa, nương khoai của ông cho ai. Nằm trên giường, thỉnh thoảng ông lại lồm cồm nhổm dậy, gồng hết sức mà không dậy được, đành phải nằm xuống. Ông mà dậy được, dù phải chống gậy, ông cũng chống gậy ra đồng, ra bãi. Phải tận mắt nhìn thấy ruộng lúa, nương khoai của ông thì ông mới yên lòng. Vân thương bố quá, muốn ốm thay bố nhưng làm sao thay được. Chị suốt ngày lăn lộn trên đồng, tối về lại ngồi săn sóc bố. Ở nhà ông cứ lảm nhảm một mình, lúc có Vân thì ông căn vặn Vân đủ điều: Đã đã bón lót chưa, đã bón thúc chưa, nước có ấm chân lúa không, tình hình sâu bệnh thế nào. Vân phải dỗ dành ông:
Ổn cả rồi bố ạ! Bây giờ bố phải cố ăn hết bát cháo này đi. Phải ăn thì mới sống được. Bố mà đi thì mẹ con con ở với ai.
Vân nói thế, hai bố con cùng òa lên khóc. Từ đấy ông lại chuyển sang lo cho vợ cho con. Cứ kiểu này thì vợ con ông sẽ đói khổ, sẽ nheo nhóc mất thôi. Ông mà chết đi thì vợ con ông sẽ bơ vơ giữa dòng. Cùng quẫn, ông điên tiết lên. Ông gầm gừ như một con thú bị thương:
- Đi kiện thằng Tài đi, đi kiện thằng Tấn đi, bỏ tù hết chúng nó đi.
Cũng vào lúc quẫn trí, Vân cãi lại bố:
- Có mà kiện cái củ khoai ý. Ai bảo bố tự nhiên lại rời bỏ các đồng chí của mình, tự nhiên rời bỏ đội ngũ của mình.
Nghe Vân cãi thế, ông im lặng và từ đó không đổ những bức xúc trong người mình sang Vân nữa. Sức khỏe ngày càng tàn lụi, rồi ông ra đi. Ông chết mà mắt cứ mở trừng trừng. Vân sợ quá nhưng vẫn phải ngồi bên cạnh vuốt mắt cho ông. Vuốt thế nào mắt ông cũng không nhắm lại khiến Vân không thể nào ngăn được dòng nước mắt của mình. Ngoài hiên các bà vãi lầm rầm hộ niệm. Dưới nền nhà, cô, dì nhao nhao cảnh báo: Mày mà rỏ nước mắt vào bố mày thì khốn nạn đấy con ạ! Vân thương bố, Vân ân hận với bố. Phải chăng bố giận Vân vì Vân cãi bố hôm nào đến nỗi bây giờ bố chết không nhắm được mắt. Vừa khóc, Vân vừa thầm khấn bố:
- Con lạy bố! Bố tha tội cho con. Con biết thế là con hỗn láo với bố quá rồi. Bố nhắm mắt lại đi, bố thanh thản ra đi đi để mẹ con con được yên lòng.
Vân khấn như thế mà ông vẫn không nhắm mắt. Vân lại khấn:
- Con lạy bố! Bố cứ thanh thản ra đi đi. Con hứa với vong linh bố là không để mẹ con, các em con phải khổ sở, các em con sẽ không phải bỏ học.
Bấy giờ mắt ông mới nhắm lại.
*
Khi Vân đến nơi thì Hà đang thẩn thơ ở đấy. Hai bên ôm choàng lấy nhau như hai đám mây mang dòng điện trái chiều. Họ ôm nhau lâu lắm nhưng thật buồn: Trong lòng họ, mỗi người một ngả. Bỗng nhiên Hà cảm nhận, người Vân như mềm ra. Họ ngồi xuống. Hà tựa vào một gốc cây duối cổ. Vân nằm tựa vào lòng Hà. Hồi lâu chẳng ai nói với ai câu nào. Hà đắm đuối ngắm nhìn gương mặt thanh tú, trắng ngần của Vân dưới ánh trăng, ngắm đôi mắt bồ câu khép hờ đầy quyến rũ của Vân. Anh cồn cào trong lòng rằng: Đây là những gì đẹp nhất của đời anh. Làm sao anh có thể sống xa Vân, làm sao anh có thể để mất đi những phút giây huyền diệu bên nhau của hai người. Lúc ở nhà, anh đã định, hôm nay phải thuyết phục bằng được để Vân từ bỏ quyết định điên rồ kia đi. Bây giờ ý định đó trỗi dậy thôi thúc anh. Anh muốn lật Vân dậy để quyết chiến một phen nhưng rồi nghe hơi thở mệt mỏi của Vân, anh lại không nỡ. Đáng lẽ Vân nằm thế này là để nhâm nhi những giọt mật của tình yêu; vậy mà đây lại là một thân thể rã rời vì bị cuộc sống dày vò, trà sát. Cuối cùng, Hà đành chuyển hướng, đem câu chuyện nhà mình ra làm quà:
- Ông già nhà anh mới chán chứ! Ông xỉ nhục anh phí công ăn học. Bốn năm trời được đào tạo ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam cao siêu như thế, tưởng rằng sẽ tiến sĩ nọ, giáo sư kia, bây giờ cũng quần sắn lên tận bẹn, lội đồng, lăn bãi, chẳng khác gì thằng cu Bét, lớp 3.
Vẫn không gợi chuyện được Vân, Hà lại nhại giọng ông già:
- Bét ra cũng phải phấn đấu lấy cái ghế Trưởng phòng nông nghiệp huyện còn tạm ngửi được…
Rồi anh đổi giọng pha nỗi bực tức:
- Cụ nghiệt ngã và thủ đoạn đến mức dứt khoát không cho anh thế chấp tải sản; tưởng là không có tiền thì anh phải bó tay. com, nhưng may quá, anh lại có một nhà đầu tư mạo hiểm hợp tác, nên anh chẳng cần quái gì cả.
Độc thoại mãi mà Vân vẫn không hưởng ứng khiến Hà lâm vào thế bí. Anh gắn câu chuyện vào thực tại:
- Trăng thanh gió mát thế này chẳng muốn lại muốn tìm những thứ hão huyền ở tận đâu đâu.
Vân đột ngột ngồi dậy và bật khóc. Chị cho rằng Hà định ám chỉ mình. Chị giơ cả hai tay đấm thùm thụp vào ngực Hà:
- Anh ác lắm, anh không hiểu một tý gì về nông nỗi của em bây giờ. Thôi anh về đi. Về với cái Dự án Hồng Hà của anh đi. Anh cho rằng rời bỏ quê hương là xấu xa lắm chứ gì?
Chị giận đến run người lên khiến Hà hốt hoảng. Anh ôm ghì Vân vào lòng, giọng ân hận:
- Anh xin lỗi. Anh có nói gì em đâu!
- Không nói gì à! Em đang nẫu ruột, nẫu gan ra đây, anh có biết không? Ai lại muốn xa bố mẹ, xa anh em. Ai không tiếc những buổi tối như thế này. Nhưng rốt cuộc thì sống thế nào?
Hà cố giữ Vân trong vòng tay của mình:
- Lấy em, anh sẽ để em phải ăn đói mặc rách hay sao?
- Em lo cho em, thế là xong à! Còn mẹ em, còn thằng Vinh, con Thúy nữa chứ. Để chúng nó lại như đời em hay sao?
Rõ ràng Hà đã biết hết hoàn cảnh nhà Vân, vậy mà nghe Vân nói thế, Hà vẫn rơm rớm nước mắt. Tấm lòng của Vân đẹp quá, cái đẹp mà bây giờ ít người còn giữ được. Hà ngầm cảm ơn trời đất đã ban tặng Vân cho mình. Không khí lặng đi một lúc lâu. Hà mừng là Vân giận dỗi nhưng vẫn ngồi yên trong vòng tay anh. Lúc sau Vân nói:
- Anh nhớ là trước khi em điện về, tuyệt đối anh không được hở chuyện này với ai. Mẹ em mà biết là mẹ em kêu trời lên đấy. Cụ thì lúc nào cũng chỉ biết chết một đống hơn sống một người.
Dừng lại một lát, Vân đưa tay lên lau nước mắt rồi tiếp:
- Thủ tục em lo xong hết rồi. Em cũng xin mọi người giữ kín cho em. Hết giỗ đầu bố là em đi. Em nói dối mẹ là em vào chỗ con Thủy ở Đồng Nai. Nó vào đấy dạy học bây giờ bị ung thư, em phải vào động viên nó.
Rồi hai người cứ thế ngồi bên nhau. Trăng cuối tháng đã ngả ngang đầu. Ánh trăng loãng hẳn ra. Gà trong thôn xao xác gáy lúc gần, lúc xa gieo nỗi buồn chia ly vào đầy cả không gian, đầy cả lòng người.
Hai người đứng dậy rồi, Hà còn năn nỉ:
- Hay là em đừng đi nữa có được không. Ở nhà còn có anh, sang đấy ai chia sẻ vất vả nhọc nhằn với em!
Im lặng, bởi vì lúc này Vân không thể bật ra tiếng nói mà chỉ có thể bật ra tiếng khóc.
*
Gió đã chuyển mùa, chuyển từ gió đông nam ào ạt sang gió núi hiu hiu. Lại một mùa thu nữa đến rồi. Mùa thu thứ ba kể từ ngày Vân ra đi. Thời xa xưa, vào mùa thu, trên cánh bãi này, nắng bàng bạc, gió lang mang. Người làm bãi thì thích thời tiết ấy vì đỡ ra mồ hôi; nhưng trẻ con thì chán. Chúng tiếc ngẩn tiếc ngơ cái mùa hè sôi động vừa lướt qua đây. Ngô và đỗ tương được thu hoạch hết. Cánh bãi trở nên phong quang, thóang đãng lạ thường. Như một cô gái khoan khoái sau giấc ngủ tròn đầy, cánh bãi thảnh thơi nằm hóng gió mát, chờ vào vụ mới. Đất trời mênh mông, trẻ con thả sức chơi diều.. Cánh bãi ngày nay đã khác. Nắng loe hoe phả ra cái rấm rứt của sự biến đổi khí hậu. Cánh bãi ngày nay như phải gồng lên trong nhịp sống làm ăn mới. Trước kia, bãi bát ngát, mênh mông như mặt biển, nay nhấp nhô những dãy nhà lưới, vòm ni lông che sương gió, chắn sâu bệnh, cỏ dại, che nắng dãi mưa dầu bảo vệ hoa mầu.
Hà đang loay hoay cắm thanh tre làm khung cho những vòm lưới che luống rau củ cải đang nảy mầm. Anh phải cắm bảy thanh nữa mới xong.. Anh ngẩng lên, dùng tay áo lau mồ hôi trán, mỉm cười, tự chế riễu mình: Các cụ nói cấm có sai, đúng là thân làm tội đời. Thương anh vất vả, Quỳnh Trang bảo là cắt lãi mấy tháng vừa rồi, thuê người làm nốt nhà lưới cho mấy luống này thì anh không nghe. Anh thấy như thế là quá lạm dụng lòng tốt của Quỳnh Trang. Gần hai năm đã phải lấy tiền kiến thiết cơ bản bù lỗ để rau sạch Hồng Hà của anh không bị rau bẩn đánh bật ra khỏi các siêu thị; bây giờ có lãi, phải chia lãi đã. Hơn ba năm đầu tư vào đây, mà doanh nghiệp của Trang chưa hề thu được đồng vốn nào. Hôm bàn về việc này, hai bên cũng phải giằng co mãi. Cuối cùng anh nói:
- Kinh doanh là kinh doanh. Anh biết em hy sinh tất cả vì anh. Nhưng việc nào ra việc ấy. Anh không thể để tình cảm xen vào kinh doanh được.
Nghe Hà nói thế, Quỳnh Trang tái xám mặt đi. Chị rơm rớm nước mắt:
- Không! Em không có ý định mua chuộc anh đâu!
Chị bỏ ra về.
Quỳnh Trang là chủ một doanh nghiệp thương mại - dịch vụ có tiếng ở Hà Nội. Học cùng lớp với Hà nhưng bây giờ Trang đã có một vị trí đáng nể trong thương trường. Được như thế, một phần cũng là nhờ vào nền tảng vững vàng của gia đình. Bố mẹ chị là những doanh nhân dày dạn trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp. Chị đối tác với Startup Hồng Hà của Hà như là một sự tất nhiên: Hai người đã quá hiểu nhau sau hơn 4 năm cùng học một lớp. Theo xu thế thời đại, Quỳnh Trang cũng muốn đi vào đầu tư mạo hiểm, một lĩnh vực mới mẻ đầy kích thích, đầy tiềm năng, đòi hỏi nhiều trí tuệ và sáng tạo. Chẳng biết khi còn ở lớp, Quỳnh Trang có để ý đến Hà hay không, nhưng sau hai năm ra trường, khi gặp lại nhau, Quỳnh Trang đã nhiệt tình tiếp nhận ý tưởng lập startup của Hà. Hơn ba năm làm việc bên nhau, đôi khi Hà cũng cảm nhận được tình cảm của Quỳnh Trang phả vào tim mình, nhưng Hà vẫn lảng tránh. Sau những lần như thế, Hà thấy lòng mình tê tái. Bây giờ Quỳnh Trang cũng ngót ngét 30 rồi. Biết như thế nhưng Hà chẳng biết nói thế nào với Quỳnh Trang. Gánh nặng sự đời nhiều khi không thể chia sẻ được với nhau. Sự cố vừa rồi không phải là một lời tuyên bố từ chối mà chỉ là một sự lỡ lời khi Hà quá cảm động trước sự quan tâm của Quỳnh Trang mà không trau chuốt ngôn từ cho hợp với hoàn cảnh. Có lẽ Quỳnh Trang cũng biết thế cho nên khi Hà gọi điện thanh minh, xin lỗi, Quỳnh Trang lại vui vẻ như thường.
Và rồi, bỗng nhiên, anh lại nhớ tới buổi chia tay Vân. Cũng trong cái nắng thu bàng bạc thế này, chiếc xe Inova đưa hai người lên sân bay Nội Bài. Bao nhiêu điều cần nói đều nghẹn tắc lại. Vân thì ngượng với xung quanh vì mình như một kẻ trốn chạy chẳng dám cho ai đi tiễn. Hà thì ngượng với Vân vì sự kém cỏi của mình khiến Vân phải buột khỏi vòng tay che chở của anh, dấn thân vào nơi gian lao, vất vả, bơ vơ nơi đất khách quê người. Lúc ôm nhau chia tay, họ bỗng cùng bồn chồn, lo lắng trước sự xa cách. Hà tự trấn an mình:
- Có Smartphôn, dù xa ngàn dặm, ta vẫn luôn ở trước mặt nhau.
Vân bóng gió:
- Nhưng phía sau Smartphôn vẫn là một khoảng tối mênh mông.
Ngừng một lát, Vân nói:
- Nhưng chúng ta cũng dám thách thức với khoảng tối ấy chứ?
Im lặng. Sự im lặng gói trọn hai lời thề trong buổi chia ly.
Hình ảnh Vân lần cuối ở khung cửa khu kiểm tra an ninh, hình ảnh cái chấm đen của chiếc máy bay đưa Vân đi Đài Loan nhỏ, nhỏ dần rồi mất hút trên nền trời thu mênh mông đọng lại, lắng xuống và luôn trĩu nặng lòng anh. Có những lúc anh bỗng lên cơn thèm khát; thèm khát đến cháy bỏng một nụ hôn trên môi Vân, day dí đến điên cuồng; ôm choàng lấy Vân, siết ghì đến kiệt sức. Lại có những lúc anh bồn chồn tưởng tượng ra Vân đang lủi thủi một mình đi mua sắm hàng họ cho chủ, hoặc đang hì hục bên đống nồi niêu, bát đĩa , chăn màn nhà chủ. Anh muốn giang tay ra đỡ đần Vân. Nhưng tất cả đều không thể; bởi một lẽ đơn giản: Trước anh chỉ là một sự trống không. Sự bất lực trước cái hư vô và sâu xa hơn nữa là sự gánh chịu hoàn toàn vô nghĩa sự bất lực ấy bao giờ cũng khiến toàn thân anh rã rời. Như từng lớp sóng biển cứ đều đều đổ vào bờ cát, nỗi đời chua chát đó bây giờ lại đổ vào lòng anh khiến anh cay sè nơi khóe mắt. Anh tỉnh ra, trở về với thực tại. Anh phải cắm nốt số khung tre để chiều còn đèo mẹ Vân đi truyền đạm. Chẳng biết mẹ bị bệnh gì mà người cứ gầy tọp đi. Khám ở huyện rồi, khám ở Hà Nội rồi, chẳng đâu tìm ra bệnh. Vậy mà ăn ngủ ngày càng kém. Không nói ra, nhưng mẹ muốn Vân về phép. Biết thế nhưng Hà đành lờ đi, mãi gần đây mới nói với Vân.
Nhận được tin nhắn của Hà, Vân tất tả xin nghỉ phép. Gặp mẹ, nhìn mẹ, chị vừa thương vừa giận:
- Mẹ sợ ở bên ấy người ta cắn con hay sao mà gầy tọp đi thế này.
- Tôi chả sợ gì cả…..À, mà tôi sợ thật đấy. Năm nay hăm mấy rồi, có định kiếm tí chồng, tí con hay không mà cứ nhênh nhang mãi ở bên ấy.
Vân vẫn còn tức nhưng phải cười để xoa dịu mẹ:
- Ba nhăm, bốn mươi đẻ vẫn được. Cùng lắm là đẻ hai đứa chứ đẻ mấy vạn mà phải cuống lên. Sợ là sợ đẻ rồi không có cái mà cho nó ăn ý.
Cãi lý như thế thì bà đành chịu, nhưng bà sẽ gia tăng áp lực khi bàn về chương trình phép lần này của Vân.
Chương trình phép lần này của Vân thường được đưa ra vào buổi tối khuya trên giường của hai mẹ con Vân, khi hai mẹ con cứ lầm rầm tới tận lúc gà gáy sang canh. Tưởng trọng tâm sẽ là việc chạy chữa cho mẹ, nhưng thực ra chỉ cần vài thứ thuốc lằng nhằng cộng với số thuốc bổ Vân đem ở Đài Loan về là sức khỏe của mẹ đã hồi phục trở lại. Trọng tâm đợt phép này của Vân nằm ở những vấn đề khác. Đầu tiên mẹ đưa ra bản thành tích của Hà về việc chăm lo cho gia đình này trong lúc Vân vắng nhà. Vân lại không quan tâm nhiều tới vấn đề đó. Chị tập trung vào việc đòi lại mấy sào ruộng cho mượn để đổi cho các chủ có bãi ở cạnh mảnh đất của Hà để mở rộng quy mô của Startup Hồng Hà. Kết cục lại thế nào bà cũng văng ra một câu thiếu trách nhiệm:
- Mặc kệ chúng mày. Muốn làm thế nào thì làm.
Bà quay về định hướng của mình:
- Mẹ thấy thằng Hà nó tốt quá, ngoan quá mà cũng giỏi nhất làng ta đấy.
- Vâng! Con biết rồi.
- Ư …ư…ư
Rồi bà nói toạc ra nỗi lo của mình:
- Cái con bé người Hà Nội ấy thỉnh thoảng lại đánh xe về. Thằng này lại nhảy tót lên rồi đưa nhau đi đâu ấy.
- Thì…. đi làm ăn chứ còn đi đâu!
- Làm ăn cái con khỉ tiều. Ở trên huyện, trên thị xã vô khối nhà nghỉ ra đấy.
- Mẹ hay nhỉ! Thế thì mình nhốt người ta lại nhé?
Tức mình, mẹ quay lưng vào tường, văng ra một câu đầy bi quan:
- Rồi thì đến mất ăn thôi con ạ! Miếng ngon đến miệng mà chả biết giữ.
Sợ mẹ giận, Vân vừa bóp vai, bóp cổ cho mẹ, vừa đấu dịu:
- Thế thì con bỏ bên ấy về lấy chồng nhé?
Bà quay hẳn cổ lại, giọng như ra lệnh:
- Cứ cưới đi rồi để đấy.
- Để đấy mà được à. Để đấy thì người ta cũng lẫng ngay đấy. Mẹ đừng tưởng..
- Thôi! Thôi! Tôi không cưa rơm với chị nữa.
Vân ôm ghì lấy mẹ. Ở thế úp thìa như thế, chị ôm mẹ càng chặt.
*
Hết hợp đồng, Vân xin thanh lý để trở về Việt Nam. Chủ nhà nài nỉ mãi nhưng Vân nhất định không nghe dù chủ nhà sẵn sàng tăng lương. Vân nghĩ, kiếm tiền thì biết bao nhiêu cho đủ. Tiền đã giúp mình vượt qua thác ghềnh của cuộc sống thế là tốt lắm rồi. Hơn nữa, trận ốm vừa qua của mẹ cũng đủ thấy rằng ở những làng quê Việt Nam, đồng tiền chưa thể thay thế được tình cảm con người.
Về Việt Nam, Vân bị hút ngay vào Startup Hồng Hà. Bây giờ Vân đã có tư cách cổ đông. Vân vừa về được mấy ngày, Quỳnh Trang đã triệu tập họp. Chị quá sốt ruột về kế hoạch hoạt động của Startup. Mọi người chưa ấm chỗ, chị đã vào đề ngay:
- Hôm nay ta chỉ bàn về hoạt động của Hồng Hà thôi. Cách đây khoảng một năm, tôi đã nhắn tin cho chị Vân về việc rứt điểm đầu tư xây dựng cơ bản và mở rộng sản xuất của Dự án, nhưng chị Vân ở xa nên đành gác lại. Mắc míu chính của chúng ta bây giờ lại là chuyển đổi mục tiêu kinh doanh.
Hà cướp lời Quỳnh Trang:
- Xin lỗi! Để anh nói rõ vấn đề này vì Vân chưa nắm được gì cả. Trước hết anh phải xin lỗi Quỳnh Trang vì, với tư cách là startup founder, tự nhiên anh lại xin thay đối mục tiêu kinh doanh. Đúng là nếu cứ theo phương hướng cũ thì bây giờ chúng ta chỉ việc ngồi nhâm nhi cà phê mà điều hành sản xuất. Doanh số, lãi trước thuế, lãi sau thuế đều rất tốt , cung ứng vật tư, kỹ thuật hoàn hảo, thị trường ổn định. Được như thế là nhờ công lao của Quỳnh Trang.
Qùynh Trang:
- Chưa đâu, chưa đâu! Phải lắp hệ thống tưới Israen nữa thì mới tăng tỉ suất lợi nhuận lên được.
- Nhưng, như thế, ta mới chỉ làm giàu cho ta. Anh biết, chuyển sang trồng tre, bương, chúng ta sẽ gặp muôn vàn vất vả, khó khăn; thậm chí sẽ chịu lỗ dài hơn nhiều so với rau Việtgap hiện nay. Tuy vậy, đó mới là sự hy sinh có ý nghĩa. Chúng ta sẽ có rừng tre bương tập trung lại có những dãy tre viền theo những con đường làng. Cần phải vẽ lại hình ảnh của nông thôn Việt Nam. Cần phải tẩy rửa đi những bức tường rào khô cứng, khôi phục lại những lũy tre xanh tha thướt. Những luỹ tre làng vừa ôm ấp những mái nhà xinh xắn, êm đềm vừa che cho những con đường bê tông chói chang, oi nồng hiện tại. Có tre bương, ta sẽ phát triển ngành nghề thủ công. Cái rổ, cái rá ư, cái làn để chị em đi chợ ư. Chống ô nhiễm túi ni lông ở đấy mà chống nhàn cư vi bất thiện, rượu chè, cờ bạc, đĩ điếm ,..cũng là ở đấy. Rồi nữa là mở ra công nghiệp chế biến măng xuất khẩu.
Quỳnh Trang định cắt lời Hà, nhưng Hà không hạ được luồng nhiệt cao hứng:
- Còn điều này dứt khoát khoát các em chưa nghĩ tới: Cây tre Việt Nam sẽ và phải gánh lấy sức nặng của những tòa nhà cao tầng để góp phần cứu lấy những bờ sông, bờ biển khỏi bị sạt lở. Sông chỉ có thể cho ta từng ấy cát thôi thì ta làm ít nhà gạch thôi, còn là nhà tre. Nhà tre cũng có cái đẹp của nhà tre chứ.
Bây giờ thì đến lượt Quỳnh Trang:
- Anh Hà nói toàn chuyện của nhà hoạch định chính sách chứ không phải chuyện của nhà kinh doanh.
Hà cướp lời:
- Kinh doanh thì phải biết đón đầu hoạch định chính sách chứ.
- Khoan đã! Em hỏi anh: Thanh niên làng ta chỉ nhăm nhăm ra Hà Nội làm phu hồ, quyét sơn, chuyển nhà, giúp việc gia đình, trông coi bệnh nhân….có còn ai chịu ngồi cằm cặm cùi cụi đan lát như mấy lão nông ngày xưa nữa không? Mà nếu có người ngồi như thế đi nữa, liệu rổ tre, rá tre, làn tre..có thắng nổi rổ nhựa, rá nhựa, làn nhựa hay không? Đành rằng ta có thể xây dựng ngành nghề mây tre đan xuất khẩu…Nhưng những làng nghề ấy đầy ra ở Hoài Đức, Quốc Oai, Phú Xuyên kia kìa..Còn chế biến măng xuất khẩu ư? Ta có thể mạnh bằng Bình Dương không, 300ha Bát độ, Điềm trúc.
Hà ngồi lặng nghe Quỳnh Trang. Nét mặt Vân cũng ngấm những lời lẽ của Quỳnh Trang. Bi đát thật! Ý tưởng của hai bên bây giờ cách xa nhau quá rồi. Đến nước này đúng ra là phải hủy hợp đồng, mỗi người tìm một đối tác khác. Nhưng mối quan hệ đặc biệt giữa hai người như thế khiến không ai nỡ rời bỏ nhau .
Tưởng là đã đánh gục được ý chí của Hà, Quỳnh Trang nhẹ nhàng trở lại với Dự án Hồng Hà:
- Không một dự án khởi nghiệp nào như thế này cả. Hơn ba năm chưa giải ngân xong khâu xây dựng cơ bản. Đáng lẽ ta có thể phát triển thêm vài sản phẩm mới: Khoai tây, đậu cô-ve, dưa chuột..Rồi trồng ớt, phát triển thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ. Mạnh tay ra , ta có thể phát triển thành doanh nghiệp xuất khẩu rồi; nay vẫn dậm chân tại chỗ!
Đến lúc này chẳng ai còn buồn nói thêm gì nữa. Dường như không thể chịu được sự im lặng, Vân miễn cưỡng:
- Em thấy chị Quỳnh Trang nói có lý đấy.
Quỳnh Trang còn bồi thêm cho Hà một nhát:
- Còn một điều này đáng lẽ tôi không nên nói mà đành phải nói, là chúng ta đang vi phạm điều khoản chống pha loãng rồi đấy. Nhưng nếu không hoàn thiện khâu kiến thiết cơ bản, không đầu tư vào sản phẩm mới thì đành chịu.
Hà dịu giọng xuống thang:
- Thôi được rồi. Ta vẫn giữ diện tích rau củ quả như hiện tại, nhưng mở ra trồng tre bương quanh đường làng và đất vườn bỏ hoang của các gia đình. Không thể để tuột mất kế hoạch trồng tre em ạ!
- Vẫn là xây dựng làng nghề mây tre đan ở địa phương này chứ gì? Phiêu lưu lắm. Bây giờ chả ai còn nghĩ đến tre với pheo nữa đâu.
- Quan điểm của em hệt quan điểm của Ban chủ nhiệm ở đây, của Phòng Nông nghiệp, của Ngân hàng huyện. Anh đã phát chán về lý lẽ của họ rồi.
- Họ nói đúng đấy. Ta đâu có phải Dự án xã hội, ta là Dự án kinh tế kia mà. Thậm chí em có thể lấy rau củ quả nuôi mây tre đan nhưng với quy mô như thế ta làm sao địch nổi Hoài Đức, Quốc Oai..Rồi Hồng Hà sẽ chết hẳn cho mà xem.
Hà giận giỗi:
- Thôi thì em để mặc kệ anh vậy.
Buổi họp kết thúc để lại nỗi lòng nặng chịch cho cả ba người.
Tiễn Quỳnh Trang ra xe, Hà như cái xác không hồn. Không có phương án tre bương, đầu óc Hà trống rỗng, không gian trống rỗng. Một thực tế quá nghiệt ngã đến nỗi Vân cũng phải thừa nhận và tuân thủ. Quỳnh Trang thì ức đến phát khóc mà lúc họp chị không thể khóc được. Lên xe rồi, vừa ôm vô lăng chị vừa khóc. Lòng kiên định và sự bảo thủ hóa ra chỉ là một. Làm sao để lôi Hà lên khỏi cái giếng sâu không tưởng của anh. Chẳng nhẽ đành chia tay nhau…! Còn với Vân, khi nghe nói là Vân phản đối phương án của Hà, mẹ Vân dãy nảy lên:
- Chết rồi con ơi! Sao nó tận tụy với gia đình mình như thế, mình không tìm cách lấy lòng nó mà lại đối chọi với nó.Thế thì mình có đẹp bằng tiên nó cũng thèm vào. Thể nào nó cũng đá con cho mà xem.
Ba hôm sau, Hà đang chuẩn bị ra trang trại thì xe của Quỳnh Trang xộc đến cổng. Ngược hẳn với bộ mặt buồn rười rượi hôm trước, nét mặt Quỳnh Trang hôm nay thật rạng rỡ. Thấy chỉ một mình Hà ở nhà, Trang càng để mặc cho cảm hứng thả sức bột phát:
- Ổn rồi! Ổn rồi! Cái Bigdata của mình ngèo nàn quá. Hai ngày trời em phải chúi mũi vào môi trường sinh thái khởi nghiệp mới tìm được lối ra. Này nhé! Em chỉ liệt kê 5 làng nghề mây tre đan gần nhất thì khoảng cách của họ đến ta đều ngắn hơn đến Tuyên Quang, Hòa Bình. Vậy thì giai đoạn đầu, ta sẽ tham gia vào chuỗi sản xuất- thương mại của họ đã, ta sẽ cung ứng vật liệu cho họ. Khi nào tre trải dọc hết đường làng, hết đất vườn bỏ hoang, đào tạo đủ nhân lực, ta sẽ mở làng nghề, sản phẩm chưa thể tự tiêu thụ thì đưa vào chuỗi của họ. Thế là anh toại nguyện chứ gì.
Hà đưa tay nắm chặt tay Quỳnh Trang, giọng thật trân trọng:
- Rất cám ơn em. Đúng là em đã dắt được một con voi qua lỗ kim.
Ngừng một lát, anh chuyển sang giọng lâm ly:
- Anh đã quấy nhiễu em nhiều quá, nào là gây bùng nhùng về kiến thiết cơ bản, nào là vi phạm điều khoản chống pha loãng..
Quỳnh Trang hứng chí, đùa:
- Sao không phải là quấy rối…. như truyền thông thường đưa tin ấy mà lại là quấy nhiễu?
Càng phởn chí, họ ôm chầm lấy nhau.Thế đấy! Trên con đường này, cười và khóc cách nhau không xa.
Hôm sau Hà sang nhà Vân để báo tin vui. Linh cảm thấy có vẻ gì khang khác. Thấy bóng Vân chạy vào buồng, nhưng hỏi mẹ, mẹ lại bảo Vân đi vắng. Sau đó Hà gọi điện mãi mà Vân không nghe. Lạ nhỉ! Hay là Vân không dám phiêu lưu, muốn rút cổ phần ra khỏi startup Hồng Hà? Hà hoang mang hơn cả hồi Vân còn ở Đài Loan.
Một buổi tối, buồn đến não nề. Chẳng lẽ bánh xe của doanh nhân kia có thể xéo nát lòng người được ư ! Chẳng nhẽ mối tình mà ta phải kìm nén nhu cầu của tuổi trẻ để giữ gìn như thế bây giờ lại trở thành trái đắng hay sao! Vân lang thang ra dãy duối cổ. Giao lưu với cây cỏ, thiên nhiên thường đem lại sự thanh thản, tốt lành. Xa xa, trong bóng đêm, những nhà lưới, vồng lưới nhấp nhô đính chặt vào đường chân trời. Trong xóm văng vẳng tiếng của cái bà chua ngoa nhất làng réo gọi người chồng ham mê bài bạc về ngủ. Chồng con thế, kể ra thì cũng chán, nhưng nghĩ lại, vẫn còn hơn hoàn cảnh của mình. Thế là tự nhiên Vân trào nước mắt. Lát sau có một bóng người trong làng đi ra. Chị định núp vào đâu đó nhưng không kịp. Rõ ràng là Hà đi thăm trang trại. Hà cũng nhận ngay ra Vân. Đến bên Vân, Hà trách:
- Mấy hôm nay anh gọi để báo tin vui sao em không nghe máy?
- Em biết tin vui rồi. Em còn biết người ta đón nhau về tận nhà để ôm nhau nữa kia.
Hà chột dạ đến sững sờ. Hãng tin truyền miệng của ông bố đây mà. Không biết lúc ấy ông đứng ở đâu mà chớp được pha ấy không biết. Đã lâu rồi, ông chỉ muốn Hà lấy Quỳnh Trang. Bao nhiêu chiêu vơ vào của ông chẳng hiệu quả, nay thì ông vớ được cơ hội ngàn vàng. Chẳng biết, ông đã thêu dệt những gì mà đẩy câu chuyện đến mức này. Hà phân trần:
- Khổ lắm! Ôm cũng có ba bảy đường ôm. Đúng là, phấn khởi quá, hai bên có ôm nhau thật. Nhưng chỉ là cái ôm vô hại mà thôi. Thế mà cũng ghen.
- Không ghen mà ghét ấy. Cứ như thế thì ai chả muốn có tin vui cả ngày.
- Anh thề có gốc duối gìa này là, anh không bao giờ phản bội em.
- Thề à! Thề cá trê chui ống./.
Vĩ thanh: Bảy tháng sau, Dự án Hồng Hà đổi thành Dự án Tre Việt. Có được tên hiệu ấy cũng phải qua mấy trận tranh luận nảy lửa. Theo trào lưu đặt biển hiệu hiện thời ở ta thì lấy tên Vân Hà là hợp lý, nhưng Vân nhất định từ chối. Thôi thì thế cũng tốt. Đăng ký xong Dự án mới, hai người cưới nhau. Và cũng khoảng chừng đó thời gian nữa, Quỳnh Trang lấy tay Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh của huyện sở tại.
Nguyễn Văn Hoan.