Khi thơ đi giữa đường biên

Thứ tư - 01/02/2023 19:59
Khi thơ đi giữa đường biên
                                                                                                                                  Nhà thơ Lê Anh Phong
       Nói đến khái niệm “Đường biên” người ta thường nghĩ tới biên giới quốc gia. Nhưng còn bao đường biên khác, ranh giới giữa: ánh sáng và bóng tối, trắc ẩn và vô cảm, thanh liêm và lòng tham, cũ và mới, truyền thống và cách tân… Phải chăng thời chộn rộn, thơ hôm nay đang đi giữa những đường biên ấy.
Tôi có anh bạn hơn tôi mấy tuổi, là dân toán nhưng đôi lúc có làm thơ, anh rất ngại mọi người gọi mình là nhà thơ, dẫu thơ anh còn hay hơn không ít người mang danh xưng này nọ. Một anh bạn khác là nhà thơ có lần tâm sự với tôi về việc thơ được đăng báo, nhưng vui thì ít, bực bội lại nhiều, vì để an toàn người biên tập đã sửa một câu làm hỏng cả bài. Còn đây là một câu chuyện mà tôi chứng kiến. Ấy là trong buổi tổng kết cuối năm của Hội Nhà văn Hà Nội, hai ông bạn mừng rỡ gặp nhau, cả hai đều tặng sách cho nhau, nhưng bất ngờ một ông chỉ vào giá ở bìa 4 và nhắc ông bạn trả tiền. Họ chia tay nhau ngay và không biết sau này có gặp lại… Đó là những câu chuyện ở đường biên đều liên quan đến thơ và phía sau chữ nghĩa. Sống một đằng, viết một nẻo. Có tác giả sau khi đọc thơ, tôi rất muốn được gặp, nhưng khi gặp thì thất vọng “toàn tập”. Ngay trong Ngôi nhà Văn chương, nhiều khi sang trọng và nhếch nhác chỉ cách nhau một làn ranh mỏng. Bên vách thời gian, vẫn có sự lặng lẽ một đèn một bóng để sinh thành những tác phẩm, những tập thơ mang dấu ấn của sáng tạo, của sự dấn thân. Những người thơ như thế thường ngơ ngác. Họ không cánh hẩu, không bầy đàn, lặng lẽ sống và lặng lẽ âm vang…
Ta trở về với câu chuyện thuần tuý của thơ. Quan niệm về thơ hôm nay thật đa dạng và cởi mở. Nếu cái đường biên ấy rộng thì mở ra một không gian cho gặp gỡ và trao đổi. Nếu hẹp thì thật mong manh. Cũ và mới, truyền thống và cách tân trong thơ đã, đang và mãi mãi là cuộc đối thoại song hành. Nhịp sống nhanh cùng quan niệm hậu hiện đại, mới… và mới, câu thơ vừa viết không lâu sau đã cũ, đã tạo ra thử thách lớn cho người cầm bút hôm nay. Chữ nghĩa có vào thế của tay ga trên con đường thơ bất tận.
Còn có một cuộc đối thoại song hành nữa, giữa nhà thơ và nhà phê bình. Mỗi hệ hình thơ đều có hệ hình phê bình của riêng mình. Nhưng cái làn ranh này trong thực tế cũng không hẳn như vậy. Điều đó đã dẫn đến một số bài viết phê bình không đồng điệu, lạc nhịp với thơ. Người viết phê hôm nay cũng cần nhiều loại chìa khoá để mở các ngôi nhà thơ khác nhau. Nhưng, có “tạng thơ” thì cũng có “tạng phê bình”. Và có cả “trường phái phê bình tuy nhiên”, không xác quyết, không đi đến tận cùng, chung chung và chung chung. Tôi chợt nhớ câu nói của thi sĩ Lê Đạt “Phải biết trân trọng đối thoại với các khác, cái lạ. Trong thơ, không ai được vỗ ngực độc quyền chân lý, cũng như tự cho mình nói tiếng nói cuối cùng”, “Một nền thơ có một Lý Bạch là một nền thơ có phúc. Một nền thơ có một trăm Lý Bạch là một nền thơ bất hạnh, vì chỉ có một Lý Bạch, còn 99 Lý Bạch rởm”.
Trong bối cảnh thơ đứng trước nhiều đường biên đan chéo nhau, những nhà thơ trẻ, những người viết mới nhập cuộc rất dễ hoang mang, mất định hướng. Bởi thế, các nhà phê bình, các cuộc thi thơ, kết nạp hội viên mới… phải mang lại cho họ niềm tin và ít nhiều sự hình dung về giá trị đích thực của thi ca, để họ vững bước trên con đường thơ không dành cho ảo tưởng.
“Hiện nay số người làm thơ rất nhiều, nhưng chủ yếu là để giãi bày”. Đó là nhận định đúng về hiện trạng thơ hôm nay. Có người viết thơ tự do nhưng không hề tự do. Bởi vì, họ không viết từ đường link của gió, mà viết bởi “nhiệm vụ chính trị”, thậm chí như hình ảnh của một bài thơ nào đó, con chim cảnh lâu ngày bị nhốt được xổ lồng nhưng cứ quanh quẩn không bay. Đó là đường biên vô hình nhưng thật ám ảnh. Nói như Phùng Cung, nhiều khi bi kịch của nhà thơ là “Bị lưu đày trong cõi tung hô”. Nhạt là điều đáng sợ nhất trong thơ. Văn hào Đức Goethe đã từng cảnh báo “Các nhà thơ hiện đại pha nhiều nước lã vào mực của họ”. Những mảnh vỡ của đại tự sự vẫn còn. Từ chủ lưu duy tình, từ cái định nghĩa xa xưa “Thơ là tiếng nói của tâm hồn, của cảm xúc…” đến duy lý, đến khái niệm “trí tuệ cảm xúc”, thơ đã qua chặng đường dài để đến với một tâm thức mới. Tôi lại nhớ Lãng Thanh, một hiện tượng thơ trẻ xuất hiện đầu thiên niên kỷ mới. Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu đã nhận xét “Anh mới mẻ mà không bệnh hoạn, táo bạo mà không dung tục”. Thật tiếc cho một tài hoa rời “Cõi tạm” khi mới 25 tuổi.
Đêm đã sâu lắm, lá cờ thơ đang bay trong gió. “Bóng ai đang mài mực tan đêm bên Thành Cổ/ Ánh chữ phía con đường/ Đêm bùng cháy chân nhang” (Đêm thế kỷ- Lê Anh Phong).
 

Khương Trung, đêm 10 tháng Giêng, Xuân Quý Mão
 LAP

Nguồn tin: HNV

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây