Bùi Văn Kha
Nói về thơ Mai văn Phấn, ta nói về cái ngông thi sỹ cộng cảm cái chuẩn nhà thơ của Mai Văn Phấn: Ngông đại sứ thơ trình thơ khắp trời Âu Á, chuẩn nhà thơ vì đấy toàn những bài hay!
Hãy bắt đầu từ bài Thuốc đắng. Tiền đề là con sốt cao, lòng cha như lửa đốt, thuốc đắng dã không được tật, vậy chỉ còn tâm, mà không tin tưởng. (Tôi bắt chước Xuân Diệu khi diễn Nôm ý bài thơ như vậy – Trong: Nói chuyện với các nhà thơ trẻ - cách đây hơn 60 năm rồi).
Nếu theo Kinh Thi, thì đoạn này theo phép “phú”, diễn tả các hình ảnh theo logic, như một phim ngắn. Nếu dịch sang Anh, Pháp , Âu Mỹ rất nhân bản, không gượng ép dù vừa có vật thể (cha – con – cơn sốt – thuốc), vừa có tâm trí lòng tin (lòng chén). Đổ lòng chén đã vơi có nghĩa là đã chữa rồi đấy, nhưng bất lực. Tôi muốn nhắc là bài này in năm 1992, tức sáng tác vào những bước đầu tiên của Thời kỳ Đổi mới. Ẩn dụ của tự sự trí tuệ làm bài thơ sâu như nước!
(Giọt nắng - 1992)
May thay, hết năm 1994, cái đói đã dần bị đẩy lùi, sang đền sau năm 1997, hết “Cấm vận”, thì dần hết “Đáy chén chắc còn bão tố”. Là bây giờ nhìn lại mà nói vậy thôi. Trong cuộc lúc đó lớp chúng tôi ngu ngơ như “Con đang ăn gì trong mơ” không nghĩ và viết được như Mai Văn Phấn.
Ở bài Lời người trồng hoa là tiếng kêu cứu của hiện thực. Tự bài thơ đã nói hết. Bài này viết tặng nhà thơ Thi Hoàng đất Cảng Hải Phòng nơi Mai Văn Phấn sinh sống và sáng tác.Trồng hoa, chứ không phải trồng dâu trên đất trồng dâu, thuần nông không ai làm thế. Thơ làm thế vì thơ là nghề làm đẹp cho đời. Nhưng đời đầy biến đổi. Báo động cũng từ đấy mà ra. Hình ảnh dự cảm “Chim có về bới tóc tôi mà làm tổ” thật nhãn tự.
Lời người trồng hoaham khảo từ ấn phẩm hay nguồn tin do tác giả trực tiếp công bố
(Kính tặng anh Thi Hoàng)
Tôi trồng hoa từ bãi dâu xanh đến lúc phơi tơ
Xoè năm ngón ngậm ngùi có mùa hên mùa mất.
Tôi trồng hoa nơi cỗi cằn đất không còn là đất
Mưa đang tái sinh bỗng lại nắng lụi tàn
Chợt có heo may
Chợt
Và bất chợt...
Hoa vẫn đốt lên cho sáng cái hang sâu hun hút bốn mùa.
Công bằng là trời xanh, oan khuất đến như mây
Chỉ có cánh hoa là nghe thấy cả.
Nơi đất mỡ màu, cây có khi chỉ toàn ra lá
Lá cũng lại như bài học công bằng.
Trọn một kiếp người
Hoa uống cạn nước mắt với mồ hôi
Chim có về bới tóc tôi mà làm tổ?
Tôi muốn tạm nghỉ một chút mạch tư duy những năm 90 thế kỷ Hai mươi, để chúng ta xem 30 năm sau, Mai Văn Phấn tư tưởng như thế nào?
Thời tái chế (trường ca) - năm 2018
Tôi nhẫn nại bóc lớp muội đen đang phủ kín lối đi, bọc kín những vệ cỏ, cây cầu, cột mốc. Vớt sạch cả lớp váng đen vừa đông cứng trên mặt nước, thu lại những giải băng đen, biển hiệu đen, con diều đen còn mắc kẹt giữa không trung. Tôi đến bên một em nhỏ thì thầm như van vái: Hãy để anh bóc lớp vỏ thâm đen đang bao bọc áo quần, trên trán em kia! Em bé ném về phía tôi ánh mắt giận dữ như nhìn một con thú dữ, rồi thinh lặng bước đi. Tôi lặng lẽ theo sau em vờ như chưa từng gặp gỡ, rồi âu yếm bóc lớp muội đen trên thân thể em bằng đôi mắt mệt mỏi của tôi. Tưởng tượng lau chùi da thịt em cho đến khi bóng em mất hút.
Vẫn phải làm trong sạch rất nhiều, thậm chí là tất cả. Nhưng 30 năm sau đã là tuyên ngôn rồi. Thế mới biết Mai Văn Phấn kiên trì cả trong lập trường quan niệm cuộc sống. Ông biệt ra một lối thơ triết học nhân văn!
Ta lại quay về 30 năm trước.
Trong bài thơ thuần cảm “Nỗi nhớ mùa thu”, mới “Năm năm mới bấy nhiêu ngày/ Mà trông trời đất đổi thay đã nhiều” – thơ Tố Hữu. Nếu vẫn theo mạch thuần lý rất dễ dẫn đến khô khan. Mai Văn Phấn, không một chiều. Ông mở lòng nhìn “Mùa màng nặng trĩu đôi vai”, “Con mưa chiều tất bật”. Ông thấy sự trở lại thanh thoát của tâm hồn “Mặt nước trong veo một nỗi ngóng em về”.
Nỗi nhớ mùa thu
Hai thương nhớ
Một mùa thu ở giữa
Gió qua tay
Thanh thoát hao gày
Mùa màng nặng trĩu đôi vai.
Em chợt hiện
Từ hương thơm trái chín
Trong dập dờn bãi ngô mùa thụ phấn
Lá giật mình
Cá lặn xuống chân.
Hút mãi về em
Từng hơi thở đất
Anh hạn hán
Cơn mưa chiều tất bật.
Heo may thoảng hơi người phảng phất
Mặt nước trong veo một nỗi ngóng em về.
Thơ, đôi khi là chính luận ẩn dụ. Bài Giả thiết cho buổi sáng hôm sau chính là như thế. Đây không phải là minh triết, mà duy lý. Câu kết “Gió móc vào ông lưỡi câu có ngạnh” nói được cái tứ gió của thi sỹ, không hẳn phong hoa tuyết nguyệt, mà là điều kiện cần để cách tân (tôi định nói cách mạng, nhưng có vẻ to tát quá).
Giả thiết cho buổi sáng hôm sau
Về già ông ít nói
không buồn, không giận
suốt đêm ngồi buông câu bên vũng bùn
để di dưỡng tinh thần?
Không dám ngáp
bởi mất cảnh giác
cào cào, châu chấu sẽ chui vào bụng.
Tôi xếp củi để ông dựa lúc mỏi
đặt bên cạnh chén nước.
Rồi nắng sớm sẽ cùng ông
tựa vào chân núi lớn
trước mặt mở hồ nước rộng.
Hay mặt đất xoá mọi dấu vết
Tôi thành kẻ buôn điều, bịa chuyện.
Có thể dưới bình minh đen
chất ngất những con cá đen
Gió móc vào ông lưỡi câu có ngạnh.
Logic của sự suy tưởng rất đạm thanh trong bài Sống hồn nhiên. Nhưng ở đây có màu Đạo Đức Kinh. (có màu là cái kết đưa ra cái “Đạo” của Mai Văn Phấn – lấy thiên nhiên là thầy, nhưng hòa hợp giản dị chứ không lễ nghĩa Kinh học, Huyền học).
Sống hồn nhiên
Vợ tôi bảo muốn chữa bệnh đau đầu
phải hồn nhiên như cây cỏ.
Về thôn quê thấy cỏ ngút ngàn
tôi giang tay nhờ gió lay lắt
giống các fan hâm mộ đưa theo nhịp bài hát.
Đung đưa một lúc cũng mỏi
càng thêm đau đầu trong nắng tháng sáu
bởi phải tưởng tượng ra mưa xuân
trời âm u và có gió nhẹ.
II
Vợ lại bảo dù trí tuệ uyên bác
nhưng chân tay ngại cử động
cũng chẳng nghĩa lý gì.
Tôi vắt sợi dây qua xà nhà
buộc một đầu vào chỏm tóc
cả lúc chăm chú đọc sách
tay vẫn giật như culi kéo quạt.
Vợ chồng thay nhau ngủ
quyết không làm người thừa
vừa tư duy vừa cầm dây giật.
III
Tôi làm vườn để di dưỡng tinh thần
tưới một cây lại uống thêm chén nước
nhà tôi có năm mươi sáu cây.
Một tiếng chim bủa lưới khắp vườn
líu lo bọc lấy tôi từng lớp kén
muốn thoát ra ngoài phải cắn vỡ tiếng chim
hàm tôi yếu và răng không còn sắc.
Lại ngập ngừng thêm bao thơ mộng
tôi pha trà đem dâng cho cây.
Khi đọc đến bài Chuyện còn dài, tôi chợt nhớ câu “Bốn tiếng gõ trong cuộc đời gián gậm” của nhà thơ Bằng Việt, và “Nửa đêm thức dậy như con gián” của nhà thơ Phạm Khải. Ở Mai Văn Phấn, con gián cùng tồn tại. Và sự tồn tại ấy mới sáng tối làm sao! Mới dai dẳng làm sao! Mới hiện sinh làm sao! (tôi dùng hiện sinh với nghĩa phi lý, lấp đầy, buồn nôn, dịch hạch, của A. camus, J.P sartre chứ chưa đến mức phi lý – hiện thực kỳ ảo của F. Kafka – tôi chỉ nói ở riêng bài này).
Chuyện còn dài
Con gián bò quanh tôi và nói
vừa đầu thai được ba tháng tuổi
kiếp trước từng là người đàng hoàng
Đàng hoàng sao chịu phận xẹp lép?
Tôi không tin và đu lên khung cửa
Thế nhân chứng đâu? Vật chứng đâu?
Con gián giơ một chân lông lá
Ừ, thì tạm coi đây là cánh tay
đang chới với qua ô cửa sắt,
hay chìa ra từ vạt áo sang trọng
của người miệng rộng, lưng thuôn
bước đi xoải dài, gối cứng
Tôi phải tiếp tục tưởng tượng
kẻo bị kẻ khác chê là mù
tôi và con gián cùng hội thảo khoa học
cùng đeo khẩu trang, cùng ngắm hoa
cùng bẫy chim, cùng khắc phục hậu quả
cùng lau mồ hôi, cùng tiên tri
Con gián và tôi từ giờ sòng phẳng
Nó chui ra. Tôi vô cảm.
Nó gặm nhấm. Tôi ngập chìm.
Nó leo tường. Tôi thù vặt.
Nó bài tiết. Tôi ăn gian.
Nó hôi xì. Tôi lì lợm.
Nó dò xét. Tôi mở đường.
Nó nghênh ngang. Tôi u muội
Cũng với ý này (tức là hiện sinh), nhưng lại là hữu thể của M. Heidegger tồn tại dự phóng (triết học hiện hữu), là bài Cái miệng bất tử. (Tôi phải đưa ra nhiều lý giải vì thơ Mai Văn Phấn dịch ra tiếng nước ngoài được đón nhận có nguyên nhân là ông tương tác tư tưởng và cách thức hình ảnh với salon phương Tây. Thơ Mai Văn Phấn rất dày cấu tứ logic và rất giàu hình ảnh – tôi cũng phải lưu ý thơ ông nếu chỉ xét theo lối ngôn ngữ hình tượng thì không nói hết được cái mỹ học của ông).
Cái miệng bất tử
Cái miệng đang trôi kia chắc của người đã chết
lúc trên cao
lúc chạm vào mặt đất.
Bộ xương của cái miệng giờ tan vào cát bụi
vẫn vàng ươm
hay đã xỉn đen trong chiếc tiểu sành?
Nhưng cái miệng vẫn mấp máy sống động
khi mím chặt
khi nhoẻn cười độ lượng.
Tôi đặt vào cái miệng những ngữ âm
như gõ lên ô Search một website tìm kiếm
Kết quả làm tôi choáng ngợp
Tôi bị lạc vào ổ phục kích?
Là phần mềm bị nhiễm virus?
Hay hòn than vừa rơi xuống tảng băng?
Cái miệng không phát ra tiếng động
chỉ hiện lên một đoạn phim câm.
Tôi đã lồng vào đó tiếng gậy gộc,
tiếng động lệnh, dự lệnh
tiếng một người
và cả tiếng đồng thanh
Cái miệng vẫn trôi
Chỉ cần ai đó phát ra ý nghĩ.
Thật thú vị khi đọc bài Nếu, ta bỗng nhiên gặp lại Trang tử - Nam Hoa Kinh. Tất nhiên, người và chó có khoảng cách chính xác đến ba mét bảy mươi lăm xăng ti (chắc số này cũng không ngẫu hứng), nhưng nếu không còn khoảng cách này thì sự đổi vai có thể sẽ diễn ra. Bài này là minh triết nhưng có màu Hậu hiện đại. (Tôi cho rằng chính Trang tử là ông tổ của chủ nghĩa Hậu hiện đại và Giải thiêng. Nhân đây cũng nói giải thiêng tương đồng với sáng tạo đổi mới. Nhưng không phải kiểu giải thiêng cực đoan quá khích phủ định sạch trơn!).
Nếu
Tôi ngủ trên giường
Con chó dưới sàn
cách tôi ba mét bảy mươi lăm xăng-ti.
Sau này vợ tôi đo và bảo thế.
Trời bắt đầu mưa
Chúng tôi bắt đầu mơ.
Con chó mơ:
thức dậy trong nắng sớm
quen hơi những khách qua đường
không cần xồ ra và sủa giận dữ
không bị khinh rẻ đánh đập
thức ăn quen đã bày
Tôi mơ:
đêm ngủ không cần khoá cửa
ra đường chẳng ai lừa mình
họ nghĩ sao nói vậy
thoáng món ăn ngon và nắng đẹp
Thật tội nghiệp con chó!
Nước mắt làm tôi tỉnh dậy
Nỗi đau cuộn sóng bạc đầu.
Nếu đêm qua không có cơn mưa?
Nếu tôi không ngủ trên giường?
Nếu không phải khoảng cách ba mét bảy mươi lăm xăng-ti?
Ở Con chào mào cũng là theo mạch trách nhiệm công dân (hiểu theo nghĩa những người Anh – Pháp – Mỹ đấu tranh cho công lý và tự do ấy).
Con chào mào
Con chào mào đốm trắng mũ đỏ
Hót trên cây cao chót vót
triu... uýt... huýt... tu hìu...
Tôi vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ
Sợ chim bay đi
Vừa vẽ xong nó cất cánh
Tôi ôm khung nắng, khung gió
Nhành cây xanh hối hả đuổi theo
Trong vô tăm tích tôi nghĩ
Lát nữa chào mào sẽ mổ những con sâu
Trái cây chín đỏ
Từng giọt nước
Thanh sạch của tôi
triu... uýt... huýt... tu hìu...
Chẳng cần chim lại bay về
Tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ.
(Bầu trời không mái che - 2010)
Khoác áo đứng bên cây. Mưa cuối đông thêm lạnh. Lá xếp lên nhau. Anh tưởng tượng cây đang mơ chùm rễ đi trong đất. Mơ gốc cây không còn chỗ cũ. Sớm mai mặt đất tỉnh dậy, thấy cây đi cùng với mỗi người.
Mải mê chăm sóc, vun xới, đợi ngày cây tươi tốt, lá cành mát nơi anh đứng, tán xoè lấn vòm trời. Chim chóc đậu xuống ngôi nhà rộng, chuyền cành, hót vang không lối ra. Em đặt tay lên anh. Giấc mơ lá cây chở che hoa trái.
Mỗi ngày anh được hồi sinh từ vòm lá, chập chững, biết lo toan, để sớm mai bắt đầu một đời sống khác. Biết bao lần anh hạc gày khắc khổ, rồi sum suê bên cây. Là đứa trẻ mải chơi bóng mát, mỗi vui buồn anh lại ngước lên.
Rũ bỏ vỏ hạt tràn sương nắng. Tâm trái đất hút chùm rễ non. Lá mầm che mặt đất. Gió bão có thể bẻ gãy, sâu bọ có thể đục khoét, làm mồi cho gia cầm, lưỡi cuốc lưỡi mai vô tình có thể bằm nát nơi khởi đầu bạt ngàn diệp lục, nơi đại thụ ngàn năm. Sự sống ra đời như ta khát khao vùi lưỡi mềm vào thân thể nhau, như trời rộng ùa xuống chật căng mầm hạt.
Quả ngọt lành. Mong manh đắng chát. Lơ lửng giữa trời. Lăn trên cỏ. Rơi vào giấc mơ dâng hiến đắm say. Tắm gội bằng bóng tối của đất. Nhắm mắt anh hình dung quả chín rụng vào cơ thể, nước quả óng vàng loang chảy, ấp ủ anh thành hạt nhân bùi trong ruột mát thơm. Tưởng tượng em nhặt anh lên, hít hà, cắn ngập vào lớp vỏ mịn. Nâng niu không vỡ hạt. Bao bọc. Chờ mưa phùn gieo anh nơi đất ấm.
Còn ở Mùa hoa mận là vẻ đẹp của tình yêu bất tận.
Mùa hoa mận
Rừng nụ chờ em bước đến mới nở, điệp trùng hoa trắng lan nhanh.
Anh là cây mận trắng trong mưa xuân se lạnh, càng quay quắt nhớ hoa càng trắng muốt. Mắt nhìn, hơi thở rung rinh. Vầng hoa đang rụng bớt những cánh mỏng.
Mùa hoa lộng lẫy đến nghẹn thở. Em đi đừng e ngại làm đau mặt đất, dù những cánh hoa mong manh sẽ rụng.
Đồi núi úp lên nhau cho hoa nở. Hơi lạnh và gió nhẹ phủ đều. Anh hình dung con ngựa bạch đến bên em hiền từ cúi xuống.
Cứ mùa này đường đất mùa xuân, ta còn yêu nhau hoa còn nở.
Thơ logic tuyên ngôn mang tư cách Đại sứ thơ tôi đã nói rồi. Nhà thơ Mai
Văn Phấn là một kho báu thơ đọc mới thấy đây Sáu Kho của miền Duyên hải.
Tôi muốn nói thêm về thể lục bát vốn không phải là thế mạnh của anh. (hoặc
anh không muốn chuyên sâu vào đấy như nhà thơ Hải Phòng Đồng Đức Bốn
– Trở về với mẹ ta thôi). Thơ lục bát Mai Văn Phấn nó bâng khuâng trước
cảm hứng nâng niu những gì có thể.
Đó là:
Mười nén nhang ở ngã ba Đồng Lộc
Tháng ngày gương lược về đâu
Chân trời để xoã một màu cỏ non
Các cô nằm lại trên cồn
Những chùm bồ kết khô giòn trong cây
Khăn thêu những dấu tay gày
Thành mây Đồng Lộc bay bay trắng trời
Người ơi, tôi lại gặp người
Hơi bom còn thổi rụng rời cát khô
Nhang này quặn nỗi đau xưa
Tôi nay tôi của cơn mưa về nguồn.
Bài thơ đạt giải nhì cuộc thi thơ của báo Văn nghệ năm 1995.
Và:
Em gái đi lấy chồng
Đưa dâu qua chiếc cầu tre
Lòng anh chạm lá chua me chạnh buồn
Nắng run trên cánh chuồn chuồn
Ngõ sâu như sợi chỉ luồn buộc quanh
Tuổi em như hoa dành dành
Hương bay đã mắc tơ mành nhện giăng
Ao người ta nước dung dăng
Vầng trăng em cất lên bằng vó thưa
Giấc mơ ủ xuống gáo dừa
Hoa cau còn rụng, vại mưa còn đầy
Đường trơn cây cỏ dang tay
Quang trành gót nhỏ đỡ gày đồng xa.
Em ơi, từ độ vắng nhà
Cá rô kho mặn ăn ba bốn ngày!
Màn lưa thưa gió heo may
Chắc là mẹ ngủ đêm nay chập chờn...
Tôi kết bài viết này của dự phóng có thể là tồn tại đấy. Khác biệt chính là, Mai Văn Phấn, bằng thơ, muốn tự hào tự tôn Việt Nam.
Thơ, từ đầu là chí, lúc nào cũng chí, như lai vẫn chí.
Cái mà Mai Văn Phấn muốn, trước hết, và trên hết, là tự tin và trách nhiệm.
Thời tái chế (trường ca) - 2018
Những cây rau răm, thài lài, dương xỉ bên bờ giậu cùng lũ đòng đong, cung quăng trong ao tù bỗng nhiên phát sáng. Chúng khao khát sống tự do và được bảo toàn danh dự. Được kết nối với những đại thụ và mãnh thú để có được tầm nhìn xa, tinh thần dũng mãnh, và lòng can đảm.
Chúng học được cách tự lột xác kiêu hãnh đớn đau của con đại bàng. Khi không thể bay cao bay xa, con đại bàng tự đập mỏ mình vào mỏm đá cho đến khi đứt gãy để tái sinh móng vuốt. Dám nhìn thẳng vào mặt trời không chớp mắt, không sợ bị đốt mù.
Đại bàng bay lên đỉnh núi chờ bão tới. Những trận cuồng phong hung dữ nâng nó lên đỉnh bão. Bộ móng vuốt sắc nhọn của nó quặp vào lưng bão thành biểu tượng kiêu hãnh, linh thiêng.
Bài này tứ như Kaliđasa vạn vật có phận tốt lành không đua hơn kém, nhưng chủ ý vượt qua (có lẽ do thời gian – thời đại) triết gia – nhà thơ Ấn Độ ở khát vọng lớn lao. Ý như M. Gorki nhưng không bay lượn điên cuồng trong bão tố, mà khát vọng chiến đấu chinh phục (cũng có một ý phục sinh nữa).
Tôi lại thấy mình nhỏ bé trước thơ, cùng một tấm tình mênh mang biển cả!
Hà Nội, 8/2024.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn