Ngày trở về của một người lính

Thứ năm - 06/10/2022 08:07
Nhà phê bình văn học, PGS,TS Vũ Nho:
Đọc Ngày trở về của Nguyễn Mạnh Thắng, Nxb Hội Nhà văn, 2014
Ngày trở về của một người lính
        Trong “chia sẻ cùng bạn đọc” ở đầu tập thơ, tác giả viết: “Ngày trở về- Tập thơ như một cuốn tiểu thuyết bằng thơ, nói về cá nhân một người lính thời chống Mĩ” , “Người lính trẻ ấy có hàng chục năm chiến đấu ở chiến trường miền Nam và chiến trường Lào. Khi trở về sau cuộc chiến, nhìn lại cái hậu phương - gia đình đã lún sụt, rạn vỡ của mình mà quá đau lòng, rồi nghĩ suy trăn trở và viết thành những vần thơ” .
          Quả thật với những lời tâm sự ấy và hai câu thơ mở đầu Tập sáu, như là một đề từ:
          Tập thơ, một quãng đời tôi
          Từng câu trĩu nặng đầy vơi nỗi niềm
đã khiến người viết phê bình phải đọc một mạch. Bởi vì đây không chỉ là thơ, đây là tâm sự, là nỗi niềm của một người lính trở về sau chiến tranh. Người lính ấy không nói đến chiến công, không nói về mặt trận, mà nói về nỗi buồn, sự mất mát, về “nước mắt từ miền thương đau” (Ngày trở về).
Còn gì buồn hơn, khổ hơn khi trở lại hậu phương mà chứng kiến cảnh đau lòng: “vợ mình, nhưng con của người” (Khúc nửa vời). Chỉ những người lính từng vào sinh ra tử, từng vượt qua chết chóc ở chiến trường vì vững tin ở hậu phương có tình yêu chung thủy, có mái ấm gia đình mới có thể thấm thía tâm trạng của người viết mong…được chết:
Giá…hồi đánh Mĩ hi sinh
Người xưa đỡ tiếng: “bạc tình – theo giai”
       Tự sự
Cơ sự đã là như thế. Người lính chấp nhận số phận nhưng không thể nguôi ngoai vết thương lòng. Bởi vậy mà:
          Nghĩa tình chồng vợ giờ đây
          Ly thân, nguội cảm từ ngày ra quân
          Ba mươi xuân lại qua xuân
          Vần cùng chung sống, chẳng gần được nhau
                             Ngày trở về
Anh là người bình thường chứ không phải gỗ đá, càng không phải một ông Vua để mà ban phát “đồ thải loại” . Bởi thế mà luôn sống trong nỗi khổ tâm, đau buồn “Vết đau nghiệt ngã trong đời quá sâu” (Một thời). Có lẽ người lính cũng cố cắn răng để chịu vết thương đó. Và người kia cũng đã cố gắng mong “vá lại tình chồng” . Nhưng sự cố gắng là vô vọng. Tuy vậy, dù đổ vỡ, nhưng ta vẫn thấy sự cao thượng của người lính, khi mà “Xòe tay không giấu nữa” :
          Thằng đầu là con của tôi
   Bà sinh thằng nữa, con người tình sau
          Tôi thương hai đứa như nhau
          Nuôi cho ăn học, dạy câu. . . «Làm người »
 Vết đau cứ âm ỉ trong tim. Đốt nhật kí. Rồi đốt ảnh. Như là tự thiêu. Nhưng niềm đau vẫn còn đó. Không thể nào thiêu được. Đã không hàn gắn được vết thương thì đành phải mỗi người một đường để giải thoát cho nhau:
          Nước lửa khắc nhau, đành đôi ngả
          Sống mãi bên nhau khổ một đời
        Chia tay
Và thế là người thơ chấp nhận cảnh cô đơn, cảnh lạ lùng như là ở trọ ở trong nhà mình:
          Đêm nằm ôm cái lặng thinh
          Vo ve tiếng muỗi ru mình qua đêm
                                      Xuân vắng
Cảnh li hôn tuổi già, khi mà con cháu đều trưởng thành và ở xa khiến cho chúng ta không thể không ngậm ngùi:
          Quanh hiu nói chẳng thành lời
          Lom khom nhặt bóng mình rơi dưới thềm
                             Thăm Huế về
Chia li. Lỗi tại người vợ không chung thủy. Nhưng lỗi cũng tại chiến tranh. Người lính không vượt qua được mặc cảm bị “phản bội” . Nhưng trong anh vẫn là tình người trung thực:
          Ba mươi năm ấy bà ơi!
          Nhiều khi giận lắm. Xong rồi lại thương
                             Lỗi tại gần nhà
Và khi nghe tin vợ cũ có bồ thì anh mừng. Một nỗi mừng chân thành:
Mong cho bà ấy có người giải khuây
                                     Quá mừng
Phần hai của tập thơ cho người đọc biết một cái kết có hậu. Người lính già đau khổ đó đã tìm được người bạn đời. Họ “ghép lại những mảnh tình” làm nên một gia đình hòa thuận, êm ấm. Tuy vậy, ấn tượng sâu sắc nhất vẫn là ấn tượng về người lính trở về khi gia đình không trọn vẹn, khi phải chịu đựng những mất mát đau khổ chính nơi tổ ấm của mình. Người viết đã ý thức sâu sắc về những bài thơ anh viết:
          Câu- vần có thể chưa hay
          Tình thơ thấm đẫm đắng cay nỗi buồn
                                      Tự sự 2
Chính cay đắng và nỗi buồn tan vỡ đã thành thơ làm nên tập thơ này.
Ngày trở về” - những mảnh vỡ văng ra từ một nỗi buồn thăm thẳm “(Nguyễn Thế Kiên- Lời bạt). Những mảnh vỡ đó bắn vào trái tim những người đọc làm chúng ta đau nỗi đau chung. Và từ đau xót, cảm thông, thêm một lí do để yêu mến, khâm phục, kính trọng những người lính, những người hi sinh ở mặt trận, vẫn tiếp tục lặng lẽ hi sinh khi tiếng súng đã im để bảo vệ cuộc sống thanh bình của non sông đất nước.
          “Ngày trở về” do đó có một ý nghĩa riêng, đặc biệt khi viết về chiến tranh.
 
                 Hà Nội, 24/11/2014

Nguồn tin: HNV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây