NHÀ GIÁO, NHÀ KHOA HỌC...

Chủ nhật - 16/07/2023 14:15

NHÀ GIÁO, NHÀ KHOA HỌC...

Ông là nhà giáo, nhà khoa học, nhà thơ từ quê hương Nga Sơn Thanh Hoá.Là Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội - Mị Duy Thọ.
Lê Đức Nghinh
 
NHÀ GIÁO, NHÀ KHOA HỌC SAY SƯA VỚI VĂN CHƯƠNG.
 
   ​Ông là nhà giáo, nhà khoa học, nhà thơ từ quê hương Nga Sơn Thanh Hoá.
Tôi được biết ông qua trang mạng xã hội Facebook.
Lần trò chuyện gần đây hẹn gặp nhau biết ông là hội viên hội Nhà Văn Hà Nội.
 Thấy ông là người khiêm nhường, tình cảm, dễ mến, dễ gần.
   Ông là tác giả phần mềm MyEqText nổi tiếng được giải thưởng Nhân Tài Đất Việt, giúp ích cho đời nên tôi gọi ông là nhà khoa học. Ông cứ bảo đừng gọi thế tôi không ở cơ quan khoa học nào cả.
 Tôi thấy người có sản phẩm đáng giá như ông mới là nhà khoa học thực thụ, hơn hẳn người gọi là nhà khoa học mà cả đời chẳng có một đề tài, sản phẩm nào! …
  Đọc nhiều bài viết của bạn bè về ông, biết thêm ông là một học sinh giỏi Toán đã có tên tuổi và có giải trên báo toán học tuổi trẻ từ thời là học sinh phổ thông 1967-1968.
Ông sinh viên xuất sắc nhất của khoa Toán trường ĐHSP Vinh khóa 1968-1972. Ngay sau khi tốt nghiệp đại học ông được phân công về dạy các lớp Chuyên Toán tại trường THPT Lam Sơn, ngôi trường điểm của tỉnh Thanh Hoá, có thương hiệu nổi tiếng về học sinh chuyên trong cả nước.
  Sau này ông và gia đình về định cư tại Hà Nội. Ông bảo là tôi rất thích sống ở Thủ đô.
  Khi đã nghỉ hưu, nhưng vẫn còn yêu nghề và được đồng nghiệp khích lệ ông đã mở “Trung tâm toán học An Pha” để hỗ trợ kiến thức toán học cho học sinh thi vào đại học. Ngay từ một vài khóa học đầu tiên đã có nhiều học sinh thi toán đỗ với điểm tuyệt đối 10/10. Tiếng tăm của Trung tâm cũng nổi lên từ đó, học sinh tìm đến theo học ngày càng đông. “Trung tâm toán học Anpha” phát triển và tồn tại trong gần 30 năm. Chỉ ngừng khi ông nghỉ hẳn việc dạy học khi tuổi đã cao.
Ông còn là một trong những thầy giáo trụ cột trong nhiều năm của Đài Truyền Hình VTV2 thường xuyên phát sóng trong chương trình Hướng dẫn luyện thi ĐH môn Toán trên Đài.
Trong thời gian này, do nhu cầu soạn bài trên máy tính và cho hướng dẫn trên truyền hình, cần đánh công thức toán học trên Powerpoint, ông đã sáng tạo ra và xây dựng nên một cách viết công thức toán đặc biệt ngay trong môi trường Word.
  Qua 4 năm tập trung nghiên cứu, tự học thêm về tin học ông đã viết nên phần mềm nổi tiếng mà ông đặt tên là “MyEqText” được nhận giải thưởng Nhân Tài Đất Việt năm 2007. Phần mềm đã giúp các thầy cô giáo soạn bài các sinh viên làm luận án và tất cả những người làm công tác nghiên cứu khoa học đỡ tốn bao nhiêu công sức để hình thành công thức toán học từ các phần mềm khác bên ngoài Word rất phức tạp.
Ông Đỗ Huy Hoàng giám đốc Marketing Microsoft Việt Nam thừa nhận: “Chúng tôi chưa từng chứng kiến một ai viết ứng dụng chuyên sâu như thế này trên nền tảng Word, chương trình này còn hay hơn cả Equation của chính Microsoft”.
 
   Nhà thơ Mỵ Duy Thọ yêu nghề, đam mê khoa học, yêu văn chương, trong lĩnh vực nào ông cũng để lại những dấu ấn, những thành công rất riêng mang thương hiệu Mỵ Duy Thọ.
   Sáu tập thơ, những đứa con tinh thần của ông lần lượt ra đời.
- “Bình phương nỗi nhớ” thơ: nxb Văn Hoá Thông Tin” năm 2012 in chung với người bạn thân.
- “Mãi với sao trời” thơ: nxb Hội Nhà Văn năm 2020.
- “Thời gian” thơ: nxb hội Nhà Văn năm 2020.
- “Gửi tình theo gió” thơ: nxb Văn Học năm 2021.
- “Bóng cuộc đời” thơ: nxb Hội Nhà Văn năm 2023.
- “Trăng sáng tuổi thơ” thơ thiếu nhi: nxb Văn Học năm 2023.
- Ông còn 2 tập thơ Thiếu nhi đã xong bản thảo là : “Em yêu màu xanh” và “Tiếng mẹ đẻ của em”. Chuẩn bị ra mắt bạn đọc.
Nhà thơ Mỵ Duy Thọ viết nhiều chủ đề về quê hương, đất nước, bạn bè, người thân, nghề nghiệp…vv, với nhiều thể loại thơ như: Lục bát, ngũ ngôn, thất ngôn trường thiên và thơ tự do.
Thơ ông đa dạng sâu lắng, ngọt ngào, chân thành, có tư tưởng, nhiều bài giàu hình ảnh và tính nghệ thuật.
 
- Tập thơ: “BÌNH PHƯƠNG NỖI NHỚ” nhiều bài nhà thơ như đi song hành cùng nghiệp toán của mình.
Trong bài: “Toán cũng đầy tình như thơ” ông viết
“...Xôn xao ánh mắt đường tròn/ Ngược dòng tọa độ Pa-ra-bôn uốn mình/ Con đường quỹ tích xinh xinh/ Sao ơi! Toán cũng đầy tình như thơ…”.
Trong bài “Ngoài vô tận” ông viết: “Em như đường cong hàm số/ Anh là đường tiệm cận xa vời/ Dẫu đuổi nhau đến tận cuối trời/ Cũng chỉ gặp nhau ngoài vô tận...” để hướng dẫn học trò vẽ đồ thị không bị sai khi có đường tiệm cận.
Một thời học sinh, sinh viên xa nhà chỗ dựa về vật chất và tinh thần, hình ảnh của người thân yêu luôn bên cạnh qua bài: “Ốm ở nhà trọ”, những người được nhớ đến là mẹ và em với những tâm sự gần gũi, nghĩ đến tương lai khi bước vào đời của nhà thơ trong lúc ốm đau không có người thân bên cạnh:
“Chăn trùm nước mắt rưng rưng/ Nhớ em, nhớ mẹ chưa từng mẹ ơi/ Mai đây không biết vào đời/ Xa em, xa mẹ nữa rồi sẽ sao!”.
Hay trong bài: “Đất trời Hoàng Long” viết về quê hương với hình ảnh người mẹ thật giản dị, được nhà thơ khắc họa qua những hình ảnh sống động, từng chi tiết đầy cảm động:
“….Mẹ con lại phải lần hồi/ Thưng tre buộc nứa, đất nhồi trát quanh/ Chỉ là một mái nhà tranh/ Mà bao năm tháng mới thành niềm vui/ Nhớ ơn những củ dong lùi/ Ngày ba tháng tám nuôi đời anh em….”
 
Bài “Sao nay em nghỉ học”. Thời chưa xây dựng gia đình, tình yêu không có ranh giới, là nhu cầu rất tự nhiên, không khó lý giải. Đã là đàn ông có ai lại không xao xuyến trước cái đẹp của tạo hoá. Khi trò yêu quý mới vắng một buổi học thôi mà thầy cũng không còn cảm hứng, thiếu chất xúc tác và động lực cho tiết giảng thăng hoa.
Với những câu thơ chân thành, tự nhiên và rất đời thường, tác giả viết:
“...Thiếu ánh mắt của em/ Bài toán chùng bước giải/ Vắng nụ cười của em/ Đường cong không mềm mại/ Sao nay em nghỉ học/ Để tôi buồn hở em/ Để tôi thấy thương nhớ/ Một bóng hình thân quen…”
 
- Tập thơ: “MÃI VỚI SAO TRỜI” Trong bài: “Thơ của tôi” Rất dung dị, chân thành, một bản tuyên ngôn cho thơ của mình nhà thơ viết:
“…Thơ tôi không đánh đố/ Buồng nhà tớ có chi/ Nhưng cũng phải ngẫm nghĩ/ Tác giả muốn nói gì/ Thơ tôi không ba hoa/ Không dùng từ sáo rỗng/ Thấy con tim xao động/ Muốn chia sẻ nỗi lòng…”
Hay bài: “Bút bi giấy nháp” tác giả bộc bạch đam mê, say nghề, say thơ của mình như một mạch nguồn nuôi dưỡng tinh thần:
“Đời tôi một cái bút bi/ Một tờ giấy nháp là vu vi rồi/ Ngày xưa yêu toán một thời/ xong việc mẹ dặn là ngồi học ngay.../ Bây giờ tuổi đã cao niên/ Bút bi giấy nháp vẫn bên túi mình/ Bút ghi bao ý bao tình/ Từ tờ giấy nháp mà thành trang thơ…”.
Trong bài: “Nhớ thầy tôi”. Một hình ảnh đẹp trong tình thầy trò, một cử chỉ rất nhân văn, đã theo trò suốt cuộc đời. Một chi tiết quan tâm tỷ mỉ của thầy khi thấy ánh mặt trời chiếu đúng chỗ mắt trò đang chăm chú nghe giảng. Thầy đã lặng lẽ đi tìm tàu lá chuối che cho trò tập trung học tập.
Nhớ lại hình ảnh ấy tác giả đóng vai học trò để viết:
“...Nắng xuyên cửa sổ đùa chơi/ Chiếu đúng vào mắt, chỗ ngồi bàn em/ thầy vội đi xuống sân xem/ Tìm tàu lá chuối thầy đem lên tầng/ Dịch đi dịch lại xem chừng/ Che được cái nắng em mừng làm sao...”.
Từ những tình cảm ân cần của thầy như thế để trò suốt đời không thể quên:
“Thầy ơi! Trong suốt đường đời/ Nhớ tàu lá chuối chỗ ngồi thầy che/ Nhiều khi muốn được bay về/ Nấu nước pha chè chăm sóc thầy tôi”.
 
Tôi rất ấn tượng với bài: “Anh đi chợ”. Chỉ một buổi đi chợ khi vợ vắng nhà thôi, trong lúc đầu óc còn đang ngổn ngang với các phương trình, hàm số toán học, nhà thơ phát hiện được cả tình người trong những buổi đi chợ ấy:
“Trời ngớt mưa, anh đội ô đi chợ/ Mang theo cả phương trình, hàm số/ Mang theo cả bài thơ dang dở/ Và mang theo cả tình em đó, em ơi!…“Bắt chước em anh mua rau, mua đỗ/ Và mua cả tình người ở đó/ Kẻ bán người mua biết em khắp chợ/ Chợ của em, toàn những người quen…”.
 
- Tập thơ: “GỬI TÌNH THEO GIÓ”
Bài thơ: “Đường lên Tam Đảo” được tác giả khắc hoạ chân thực, hình ảnh sống động như lên tiên cảnh. Một phát hiện rất thơ, từ chiếc gương cầu chỉ đường nguy hiểm cua gấp, dốc cao ông tinh tế phát hiện thấy những bóng người vần xoay trong đó để đưa vào thành ngôn ngữ thơ:
“Đường lên Tam Đảo quanh co/ Vực sâu thăm thẳm núi mờ chân mây/ Nắng chiều dệt áo rừng cây/ Gương cầu dẫn lối vần xoay bóng người…”
 
Hay bài: “Hoa giấy” Tác giả cũng có một cách nhìn khác.
Người ta thì viết về hoa hồng, hoa lan… những loài hoa đẹp quý phái, nhưng tác giả nhìn thấy vẻ đẹp từ hoa giấy một vẻ đẹp mỏng manh nhưng rất đỗi gần gũi. Ông viết:
“…Thân em vươn níu bâng quơ/ Gặp tay là bắt gặp bờ là nghiêng/…Phất phơ cái mảnh yếm hồng/ Nhưng yêu thì chốn mặn nồng mới yêu”.
 
Hay trong bài: “Cạn ngày không có tin anh”:
Những tiếng thầm thì, tâm tình trên mạng xã hội cũng được nhà thơ mô tả sinh động và chân thực của sự ngóng trông, hy vọng ngày mai lại thấy ánh đèn xanh quen thuộc của anh trên mạng. Đóng vai của phái nữ, chờ mãi không thấy tin nhắn của người yêu nhà thơ viết:
“…Anh ơi làm gì bên đó/ Có lúc nào nhớ em không/ Hạt mưa lăn trên cửa sổ/ Thương anh thương đến se lòng…/ Anh ơi hay chuyện chẳng lành/ Em lo gì đến với anh/ Đừng! đừng quên nhau anh nhé/ Ngày mai đèn sẽ báo xanh”. Cô hy vọng ngày mai sẽ có tin nhắn của người yêu
 
Tôi thích thú với bài: “Nằm nghe tóc rụng” của nhà thơ chỉ bốn câu tác giả đã lột tả đầy đủ tâm trạng, phép so sánh khi còn trai trẻ với tuổi đã xế chiều thật tinh tế, ai đọc lên cũng cảm nhận được thời gian thật khắc nghiệt đeo bám, không cách nào thoát ra được. Hình tượng sờ lên đầu như thấy đồi trọc, rừng hoang không hoang mang làm sao được chứ:
“Ngày nào vuốt mái tóc xanh/ Đầu ngôi thẳng mượt bước nhanh theo nàng/ Nay sờ đồi trọc rừng hoang/ Nằm nghe tóc rụng hoang mang thân già”.
 
- Tập thơ “THỜI GIAN”
Đọc bài: “Hạt cơm rơi” tác giả đưa ta về quá khứ, đưa những người cùng thời về với bao nhiêu kỷ niệm và như lời nhắn nhủ cho thế hệ trẻ, con cháu hôm nay không quên lịch sử hào hùng và một thời gian khổ của cha ông:
“…Ngày xưa thấy hạt cơm rơi/ Nâng nồi khỏi rế tôi cời ra ăn/ Bây giờ bọn trẻ đâu cần/ Những bát cơm nguội bao lần đổ đi…”.
 
Bài: “Tìm đâu trong đời”. Phải là người chăm chỉ, tỷ mỉ chỉn chu việc nhà lắm tác giả mới thể hiện được: “… Nàng về mới bước lên lầu/ Ngạc nhiên chị Tấm ở đâu đến nhà/ Là em khen khéo đấy mà/ Chứ em thừa biết đó là chồng em…/ Yêu chồng em nịnh một câu/ Chồng em hiếm lắm tìm đâu trong đời.”.
 
- Tập thơ: “BÓNG CUỘC ĐỜI”:
Khi đọc bài: “Bến xưa”, nhớ về kỷ niệm từ một bến đò quê, hình ảnh qua chuyến đò đông người, quần cọ dính dầu xe bẩn hết. Bạn gái gột quần cho nhà thơ để đến đỏ cả bàn tay. Hôm nay nhớ lại nhà thơ viết: “...Người có bao giờ nhớ đến tôi/ Có nghe sóng vỗ phía chân trời/ Có nằm mơ gặp dòng sông cũ/ Có nỗi buồn theo bóng nước trôi./ Tôi chôn kỷ niệm bến sông này/ Bậc đá dốc đò níu cánh tay/ Quần quệt đầu xe nào biết được/ Thương tôi em gột đỏ bàn tay…”.
Qua bài: “Tiếc mãi”: Những câu thơ rất hóm hỉnh tình tứ, qua hình bóng cô gái quê lưng ong đẹp như nàng tiên, chi tiết còn giắt cả khóm mạ thừa sau lưng và đôi vai tròn vương nắng lúc bừa ở cánh đồng xa len vào trong giấc mơ ấy, đẹp và rất thơ, tác giả còn tiếc mãi. Ông viết:
“Đêm qua mộng mị thấy em/ Bờ tre mái rạ bậc thềm bóng trưa/ Lưng ong dắt khóm mạ thừa/ Vai tròn vương nắng ruộng bừa đồng xa/ Ôi! Nàng tiên của quê ta/ Tỉnh ra tiếc mãi giá mà còn mơ”.
 
Bài: “Tết về nhớ mẹ” đã đưa ta về với kỷ niệm thật gần gũi cảm động từ những ngày mẹ tần tảo, lam lũ thường nhật lo từng manh áo, miếng cơm cho con. Những ngày Tết đến còn lo cho con của mẹ được như những đứa trẻ con nhà hàng xóm láng giềng. Kỷ niệm về chiếc nồi khi ngồi bên mẹ luộc bánh chiều 30 tết năm nào chắc còn theo ông đến cuối chặng đường đời:
“…Chiều Ba mươi đậu, gạo còn/ Mới lo được Tết cho con của mình/ Thương bàn tay mẹ nẻ quanh/ Thương bàn chân mẹ chai sành mẹ ơi! / Con mang theo suốt cuộc đời/ Cái nồi luộc bánh mẹ ngồi bên con.”
 
Gần đây nhà thơ lại rất tâm huyết với dòng thơ thiếu nhi. Thơ ông viết cho lớp thiếu niên, nhi đồng thật giản dị, trong sáng dễ hiểu, nhiều bài như những bài học trực quan hướng dẫn cách nhận biết thế giới xung quanh cho trẻ.
Đọc tập “TRĂNG SÁNG TUỔI THƠ”
Qua bài: “Em được vào lớp một” mang tính giáo dục gần gũi giữa trường lớp và gia đình, hình ảnh mẹ, cô và bạn bè khi xa là nhớ như cầu nối chuyển tải gửi gắm những yêu thương cho các cháu.
“…Sáng đi em nhớ mẹ/ Chiều về em nhớ cô/ Bạn bè và lớp học/ Cứ về trong giấc mơ…”
 
Hay bài: “Khi chúng mình ngủ say”.
Những câu thơ:
“Khi chúng mình ngủ say/ Hoa Quỳnh đêm vẫn nở/ Mây trên trời vẫn bay” như thức tỉnh các em một sự thật rằng mọi sự vật vẫn vận động khi mình không biết…Và khổ thơ cuối cùng như để các em nhận ra một điều xa xôi hơn là Quả đất đang quay, Mặt trời đang chiếu sáng bên kia Quả đất: “Khi chúng mình ngủ sau/ Lúc màn đêm phủ dày/ Thì bên kia Trái đất/ Lại là lúc ban ngày.” Thơ Thiếu nhi của một nhà khoa học.
 
 Hình ảnh ông mặt trời và trí tưởng tượng phong phú của trẻ con thật đáng yêu, phải có con mắt quan sát tinh tế, và yêu trẻ lắm mới đúc kết thành thơ được.
Trong bài “Mắt đánh lừa mình thôi” ông viết:
“…Em hỏi bố ai đẩy/ Mặt trời đi suốt ngày/ Em hỏi bố có phải/ Mặt trời xa hơn mây…” Và sau khi giải thích cho con là do Trái đất quay mình tưởng là mặt trời lên và lặn, nhà thơ viết câu kết: “Xoa đầu em bố bảo/ Mắt đánh lừa mình thôi.” Buổi đầu đem cho các cháu những kiến thức về Vũ trụ.
 
Trong thời đại 4.0 khoa học phát triển, thời đại ứng dụng của số hoá. Có lẽ thơ viết cho thiếu nhi hôm nay rất cần có một cách nhìn mới mẻ phù hợp với thời đại, với lớp trẻ. Thiết nghĩ đây cũng là tìm tòi của nhà thơ. Những câu hỏi rất thực tế của cháu khi ngồi trên xe ô tô nghe người trên mạng chỉ đường theo bản đồ định vị từ vệ tinh.
Qua bài: “Sao giỏi thế”
“...Bố ơi sao giỏi thế/ Mình cứ đi đến đâu/ Họ hiểu ngay đến đó/ Học thuộc bài làu làu…”.
Còn bài: “Vì sao”
“Vì sao không lúc nghỉ/ Trái đất mải miết quay/ Cho con người cuộc sống/ Có đêm và có ngày?”
  Những câu hỏi tò mò, tưởng chừng như ngô nghê buộc người lớn phải suy nghĩ, để có lời giải đáp thoả đáng cho trẻ em hôm nay. Thiết tưởng đây cũng là chủ đề cần sáng tạo, đổi mới, làm mới của các nhà văn, nhà thơ và các văn nghệ sỹ của các chuyên ngành trong hội LHVHNT hôm nay đáp ứng được nhu cầu của các cháu.
 
Ông nói: Thiếu nhi là tuổi từ 6 đến 15, nên khi viết thơ cho Thiếu nhi tôi luôn nghĩ các em đã biết đọc, các em thường nảy ra những câu hỏi và buổi đầu có suy nghĩ độc lập. Tôi ít viết cho Mẫu giáo nhà trẻ. Là nhà giáo nên thơ Thiếu nhi của ông luôn mang tính giáo dục rất cao. Những khổ cuối cùng của bài thơ là những lời kết mang tính răn dạy, nó lắng đọng mọi ý trong bài thơ. Một vài ví dụ như:
- Ở bài “Em đi thả cá”. Sau khi đi thả cá chép với bố hôm 23 tết: “Ra về em nhớ cá/ Nó đang bơi chốn nào/ Bố bảo cá thần đấy/ Sẽ bay lên trời cao.” Giáo dục tình cảm của Thiếu nhi với các loài vật và một câu hỏi đặt ra trong đầu em khi nghe bố nói. Tác giả không trả lời ngay mà dành phần cho phụ huynh sẽ trả lời các em.
- Ở bài “Con bồ câu gặp nạn”. Hai ông cháu cứu được con chim gặp nạn sa chum nước trên trần nhà. Sau khi sấy khô lông chim trở lại bình thường: “Ông bảo giờ ta thả/ Hay giữ lại mà nuôi/ Em thì em rất thích/ Nhưng thương nó đơn côi/ Nó phải về tìm mẹ/ Nó phải về với đàn/ Mình giữ chim ở lại/ Như là mình bắt giam.” Giáo dục sự hy sinh ý thích cá nhân, thương yêu và tôn trọng cuộc sống tự do của các loài vật.
- Ở bài “Tự hào làm anh”. Em mới mẫu giáo mình học trên một tí cũng luôn quan tâm đến dạy dỗ em: “Tôi vui học được chữ nào/ Dạy em chữ đó tự hào làm anh.” Cái tự hào làm anh cho các em ý thức hơn, chững chạc hơn lên khi mình đã có em.
- Ở bài “Ăn gì”. Nghĩ rằng, cái gì cũng phải ăn mới sống và hoạt động được, cuối cùng dưới con mắt của trẻ con, tác giả đưa ra một câu hỏi thật bất ngờ “Quạt quay ăn số điện/ Xe bố chạy ăn xăng/ Hỏi Quả đất Mặt trăng/ Ăn gì mà quay suốt?” Những câu hỏi gợi mở này có thể sẽ đi theo suốt cuộc đời các em.
- Ơ bài “Sâu và Bướm”. Em yêu loài bướm và ghét loài sâu. Nhưng khi nghe cô dạy và mẹ nói sâu là con của bướm em rất ngạc nhiên và rồi phải kết luận: “Tự nhiên kỳ diệu thế/ Xấu đẹp là của nhau/ Hỏi bướm yêu ai nhất/ Bướm bảo yêu con sâu.” Con có xấu mấy mẹ vẫn yêu con của mẹ.
...vv và vv... Thiết nghĩ đây chính là tính giáo dục trong thơ Thiếu nhi của ông.
 
 ​Viết về nhà giáo, nhà khoa học, nhà thơ Mỵ Duy Thọ với lượng thông tin khổng lồ đa dạng nhiều chiều, nhiều người đã viết về ông.
    Trong khuôn khổ bài viết này tôi không khác gì như người cưỡi ngựa xem hoa, chỉ là người điểm tin, một chút tìm tòi, khám phá về chân dung, về mảng đề tài thơ của ông mà thôi. Mọi tìm hiểu và đánh giá đóng góp của nhà thơ, nhà khoa học, nhà giáo Mỵ Duy Thọ dành cho các nhà lý luận phê bình văn học, các nhà khoa học và bạn đọc.
  Hy vọng trên con đường VHNT nhà thơ Mỵ Duy Thọ mãi tiếp tục thăng hoa và có những vụ mùa bội thu.
                                                                       Hà Nội 15/7/2023
                                                                               L.Đ.N
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây