"Trịnh Văn Túc và hiện tượng hư cấu hấp dẫn về người thật, việc thật tại quê hương"
Tới dự có các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND, MTTQ xã Tốt Động; Nhà thơ Bùi Việt Mỹ - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà văn Hà Nội; Nhà báo Hoàng Linh, Nhạc sĩ Đức Vượng; Các Nhà văn, Cộng tác Viên, thành viên Diễn đàn Tản Viên Sơn thuộc Chi hội Nhà văn Hà Đông - Sơn Tây; các CLB Văn chương cùng người thân và bạn bè của nhà văn Trịnh Văn Túc đã đến dự.
Trong bài phát biểu khai mạc của Nhà thơ Phạm Minh Tân, Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Hà Đông - Sơn Tây đã khẳng định: nhà văn Trịnh Văn Túc là hiện tượng đặc biệt, khi không được đào tạo qua trường lớp nào về nghiệp vụ, nhưng với niềm đam mê cháy bỏng, với chút năng khiếu trời cho, ông đã không ngừng học hỏi, rèn luyện và cần mẫn dấn thân trên con đường sáng tác văn chương đầy nhọc nhằn, trong suốt 40 năm qua ông cho ra đời 18 đầu sách (có 7 tác phẩm chưa in), trong đó 16 tập văn xuôi gồm truyện ngắn, tiểu thuyết và 2 tập thơ, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng bạn đọc.
Hội nghị được nghe các tham luận của các Nhà văn: Lê Tự, Đào Ngọc Chung, Lê Anh Phong, Vân Đình Hùng, Nguyễn Minh Thắng, Lê Huy Hòa…
Nhà văn Lê Tự, Chi hội phó thường trực Chi hội Nhà văn Hà Đông - Sơn Tây ví nhà văn Trịnh Văn Túc như con ong chăm chỉ, chịu thương, chịu khó bay đi mỗi ngày cặm cụi hút mật cho đời. Trong bài tham luận của mình, nhà văn Lê Tự cho biết: “Đề tài tác phẩm của nhà văn Trịnh Văn Túc chủ yếu tập trung vào những câu chuyện diễn ra trong đời thường ngoài xã hội, trong gia đình, trải dài theo thời gian lịch sử suốt từ những năm giữa thế kỉ 20 cho tới tận bây giờ. Nhân vật văn học hầu hết được mô phỏng, hư cấu từ những người thật mà ông quen biết, thậm chí là hình ảnh những người thân của chính ông. Cuốn tiểu thuyết “Người con gái làng Đoan Chính”, được ông hư cấu từ một câu chuyện có thật tại một trường học. Thủ pháp sáng tác này không mới, nhưng để tránh rắc rối và hiểu lầm, lại cần tới kĩ năng hóa giải hình ảnh, điển hình hóa chân dung một cách hoàn thiện. Nhà văn Trịnh Văn Túc cơ bản đã làm được chuyện này, đó là một thành công. Nhân vật chính trong tác phẩm của ông thường là những người ở tầng đáy xã hội, chịu nhiều thiệt thòi, thậm chí oan khiên.
Các nhà văn: Bùi Việt Mỹ và Phạm Minh Tân phát biểu tại buổi Giới thiệu tác giả, tác phẩm...
Nhà văn Đào Ngọc Chung, nguyên Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Hà Đông - Sơn Tây nhắc lại quá trình sáng tác những tác phẩm đầu tay của nhà văn Trịnh Văn Túc, khi nhà văn đã ở đọ tuổi năm mươi: Không ngại thử sức, tìm tòi, tự phát hiện là thái độ lao động nghệ thuật rất đáng trân trọng ở tuổi ngoài 50 của Trịnh Văn Túc. Anh không chỉ thâm canh trên mảnh đất quen thuộc, dưới một mái trường mà đã mở rộng tầm nhìn, sức nghĩ ra muôn mặt đời thường. Điều đó giúp cho người cầm bút tránh được sự sơ lược, giản đơn, có được góc nhìn đa chiều, tổng thể. Hẳn chính tác giả, sau khi sàng lọc , cũng tự thấy một số truyện còn nặng chất “thông tấn”, lượm lặt gần xa, chưa được dồn nén trong cảm xúc và còn thiếu gia công trong nghệ thuật ngôn từ.
Trong bài tham luận, nhà văn Lê Anh Phong nhắc đến truyện dài “Phận lá phải xanh” của nhà văn Trịnh Văn Túc: có chi tiết nhân vật Hươu lẩn vào chùa Rét trộm tượng Đức Ông mang đi bán, sau đó mua được đàn vịt lùa về. Phải là nhà văn tường tận căn tính nông dân mới có được chi tiết này.
“Phận lá phải xanh”, tôi quý trọng tinh thần ấy, tâm thế ấy và hành trình nửa thế kỷ cầm bút của một người văn lặng lẽ dấn thân và khiêm nhường. Về cơ bản, thi pháp văn xuôi của nhà văn Trịnh Văn Túc ảnh hưởng nhiều từ lối viết và điểm nhìn truyền thống. Thường kết thúc có hậu, có xu hướng nghiêng về tiểu thuyết tâm lý. Đôi khi vẫn còn miên man trong tả và kể. Một vài truyện ngắn nhưng chưa ngắn. Tác giả có chủ định để nhân vật tự nói lên. Nhân vật đa nhân cách có xuất hiện, nhưng chưa trở thành điểm nhấn về một loại hình nhân vật của tiểu thuyết hiện đại, đương đại. Khi viết về làng quê, ngôn ngữ đậm đà phong vị thôn hương dân dã. Nghệ thuật đồng hiện được sử dụng khá hiệu quả trong tiểu thuyết. Ký ức và hiện tại xen kẽ, đổi vai cho nhau, khiến thời gian và không gian câu chuyện trở nên đa dạng. Điểm nhìn luôn thay đổi, mang lại nhiều suy tưởng.
Các đại biểu về dự buổi Giới thiệu tác giả, tác phẩm... cùng chụp ảnh kỷ niệm
Về phần thơ của Trịnh Văn Túc, Nhà thơ Vân Đình Hùng nhận xét: Năm nay nhà thơ Trịnh Văn Túc đã bước vào cái thất thập thuộc lớp người xưa nay hiếm. Nhưng văn phong và thơ anh vẫn điềm tĩnh. Điềm tĩnh sáng. Điềm tĩnh phản chiếu. Anh vẫn chưa hài lòng với những đứa con tinh thần mà mình đã sinh ra. Mặc dù đã đầy đàn và chúng vẫn khỏe mạnh sống cùng dư luận với thời đã qua của chúng. Chúng có đời sống riêng, không lẫn, vẫn hiền lành, tử tế.
Cái đau đáu cả đời thơ anh là những câu thơ chưa viết. Những câu thơ khỏe khoắn có sức bay sức rướn hòa với dòng chảy văn chương đương đại. Làm sao có được một câu thơ để nhớ, nhớ mãi, nhớ thật lâu trong lòng bạn đọc. Anh đã nguyện rằng: Anh đứng lặng xin làm lau trắng/ Thắp làn mây cảm tạ cao minh. (Hồ). Giữa ban mai xin làm cánh ong/Lượm những ngôn từ sóng tảo tần trên cát.
Kết thúc phần tham luận, Nhà thơ Bùi Việt Mỹ đã phát biểu ghi nhận những hoạt động có tính chất nghề nghiệp được tổ chức thường xuyên của Chi hội Nhà văn Hà Đông - Sơn Tây, tạo được không khí văn chương trong các hội viên. Diễn đàn Tản Viên Sơn của chi hội đã giới thiệu nhiều tác phẩm có chất lượng cao nhằm động viên, khích lệ và học hỏi của các thành viên của diễn đàn trong quá trình sáng tác. Nói về tác phẩm của nhà văn Trịnh Văn Túc, nhà thơ Bùi Việt Mỹ nhận xét: Nhà văn Trịnh Văn Túc, người đêm đêm cày ải trên cánh đồng trắng đầy nhọc nhằn, âm thầm và lặng lẽ ở một vùng quê chiêm trũng. Tôi chắc chắn rằng, anh đang viết, sẽ còn viết nhiều về vùng quê yêu dấu này. Là nhà văn, ở vào thời điểm nào cũng rất cần những nhà văn có bản lĩnh, có tiếng nói trung thực, tiếng nói của lòng mình, tiếng nói cho nhân dân mình. "Nhà văn là người sáng tạo ra tác phẩm, nhưng chính người đọc đã tạo nên số phận cho nó". Hôm nay vùng quê anh đang bị ngập lụt nặng sau những trận mưa dài ngày. Chúng tôi, những nhà văn đang có mặt tại đây, xin bày tỏ sự cảm thông sâu sắc tới các đồng chí lãnh đạo huyện Chương Mỹ, xã Tốt Động và nhân dân lời thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại do mưa bão. Và qua đây chúng tôi, cũng như Nhà văn Trịnh Văn Túc một lần nữa nhận ra lý do về sự tồn tại của mình, với tư cách nhà văn, viết cho ai, viết về cái gì và tự nhủ cần phải tiếp tục nỗ lực viết. Viết trong hành trình sáng tạo văn chương đầy khó khăn, nhọc nhằn.
Xin chúc Nhà văn Trịnh Văn Túc thật nhiều sức khỏe, bút lực dồi dào để tiếp tục một cuộc hành trình sáng tạo mới.
Nhà văn Quốc Toản
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn