Tin về Tổng kết hoạt động Hội năm 2024

Thứ năm - 26/12/2024 19:31
Tin về Tổng kết hoạt động Hội năm 2024

 

        HỘI NHÀ VĂN HÀ NỘI

       TỔNG KẾT CÔNG TÁC NĂM 2024

 

          Sáng ngày 25/12/2025, tại Nhà văn hóa trung tâm quận Đống Đa - TP. Hà Nội, Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức Tộng kết công tác năm 2024. Cũng tại buổi Tổng kết này, Hội đã tổ chức Lễ trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam; Trao Giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2024, trao Tặng thưởng văn học trọn đời và Công bố Quyết định kết nạp hội viên mới năm 2024.

 Tới dự buổi Tổng kết có NSND Trần Quốc Chiêm - P. Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội LH Văn học nghệ thuật Hà Nội; có đại diện của Ban Tuyên giáo Thành ủy HN và một số nghệ sĩ là Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội chuyên ngành thuộc Hội Liên hiệp; một số phóng viên báo chí của Hà Nội.

C
NSND Trần Quốc Chiêm phát biểu tại buổi Lễ


GT
Các tác giả được giải thưởng văn học ( Thứ 2 từ trái sang: Nguyễn Hữu Thăng, Phùng Văn Khai,
Bình Nguyên Trang và Nguyễn Linh Khiếu)

   Nhà văn Trần Gia Thái - Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, thay mặt BCH Hội trình bày Báo cáo tổng kết, đánh giá về các mặt công tác, tổ chức và hoạt động Hội Nhà văn Hà Nội trong năm qua. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến báo cáo tóm tắt về công tác bình xét giải thưởng văn học của năm. Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc công bố Quyết định Giải thưởng văn học năm 2024 cho các tác phẩm, tác giả: Tập tùy văn: Hoa khởi trinh của Nguyễn Linh Khiếu; Tập thơ Đêm hoa vàng của Bình Nguyên Trang; Tập Nghiên cứu, lý luận phê bình, chân dung văn học Văn học Việt Nam từ dấu mốc đổi mới 1986 chuyển động, thành tựu và bản sắc của Phùng Văn Khai Tập thơ dịch song ngữ Mười nhà thơ lớn đương đại Trung Quốc của Nguyễn Hữu Thăng. Trao tặng thưởng Văn học trọn đời đối với cố Nhà văn Lê Lựu. Nhà văn Bùi Việt Mỹ công bố Quyết định Kết nạp hội viên mới từ năm 2024 cho 45 tác giả. (Chi tiết về Giải thưởng, Tặng thưởng và danh sách Hội viên mới, đã thông tin tại bài đăng trước, cùng chuyên mục).

HT
Các Đại biểu và nhà văn hội viên về dự buổi tổng kết công tác năm 2024 của Hội

 

   Tại đây, NSND Trần Quốc Chiêm - P. Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, thay mặt Đoàn Chủ tịch UB đã trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, đợt 2024 cho 16 nhà văn hội viên của Hội đã có nhiều năm công tác, sáng tạo và cống hiến tác phẩm văn học, cũng như đóng góp xây dựng Hộị. Sau đó, ông đã phát biểu chỉ đạo và động viên anh chị em nhà văn hướng tới hoạt động năm 2025 và nhiệm kỳ BCH khóa tới.

   Thể theo nhu cầu công tác và theo đề nghị của bộ phận lớn nhà văn hiện sống tại khu vực Bắc Sông Hồng, Hội cũng đã công bố Quyết định Thành lập Chi hội Nhà văn Quận Long Biên…

  Buổi Tổng kết công tác năm 2024 của Hội Nhà văn Hà Nội đã diễn ra trong bầu không khí đoàn kết, trang trọng, trách nhiệm và thân thiện; hứa hẹn những kết quả hết sức sáng tạo về văn hóa, văn học nghệ thuật,  xứng đáng với thành tựu, tầm vóc đổi mới của Đảng bộ và nhân dân Thủ đô Hà Nội, chào đón Xuân tết và về đích năm 2025.

P.V


 

                                               

BÁO CÁO TỔNG KẾT CÔNG TÁC NĂM 2024

VÀ PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG NĂM 2025

                         (Trích)
                                        

"Đặc điểm tình hình:

    Năm 2024 là một năm đặc biệt. Đặc biệt là năm cuối cùng tạo đà cho nhiệm kỳ mới, năm chúng ta gặt hái được nhiều thành công, thành tựu. Năm 2024 là năm cuối nhiệm kỳ BCH Hội Nhà văn Hà Nội, thực hiện toàn bộ các Chương trình công tác đề ra, trước hết đó là việc tiếp tục hoàn thiện. 

Cơ cấu tổ chức của BCH và các Hội đồng chuyên môn, các Ban công tác… duy trì theo năm 2023, không có thay đổi. Về các Chi Hội: năm 2023 có 4 chi hội, từ đầu năm 2024, thành lập thêm Chi hội III, bao gồm các hội viên khu vực các quận Nam, Bắc Từ Liêm và Thanh xuân. Với cơ cấu tổ chức này, năm 2024, Hội có điều kiện quán xuyến công việc thuận lợi hơn thông qua việc kết nối với nhà văn hội viên.  

T
Nhà văn Trần Gia Thái - Chủ tịch Hội NVHN trình bày Báo cáo tại hội nghị

 

Một số công việc chính đã thực hiện:

1. Mở đầu cho năm mới là một sự kiện lớn có tiếng vang đó là tổ chức Ngày thơ Thăng Long – Hà Nội. Được sự chỉ đạo, lãnh đạo của Thành ủy, UBND TP, sự phối hợp, kết hợp giúp đỡ của các sở ban ngành, của Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội và các Hội thành viên. Hội Nhà văn Hà Nội đã Tổ chức Ngày Thơ Hà Nội lần thứ nhất (Nhân Ngày thơ Việt Nam) vào Nguyên tiêu Rằm tháng Giêng, năm 2024, tại Văn miếu - Quốc tử giám. Lần đầu tiên Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức hoạt động văn học nghệ thuật lớn gây ảnh hưởng sâu rộng và lan tỏa tích cực trong đời sống sinh hoạt văn hóa Thủ đô.

2. Tổ chức 03 buổi tọa đàm văn học, gồm: 1) Mối liên hệ giữa sự thật lịch sử và hình tượng văn học. 2)  Về hai tập tùy văn "Chân mây" và "Hoa khởi trinh" của nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu. 3) Về Dịch thơ đương đại thế giới.

Ngoài ra, duy trì thường xuyên 10 buổi sinh hoạt chuyên đề hàng tháng nhằm giới thiệu, đánh giá chung về sáng tác văn học, thành tựu, giới thiệu về tác phẩm, tác giả và một số v/đ về công nghệ mạng điện tử…

3. Tổ chức chuyến đi dã ngoại, tìm hiểu thực tế sáng tác:

Tổ chức 02 chuyến: tại Điện Biên (2 ngày) cho 35 hội viên vào thời điểm KN 70 năm (1954 - 2024) chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và một chuyến đi Na Hang, Tuyên Quang 2 ngày cho 20 hội viên.

Riêng Ban Nhà văn nữ còn tổ chức được 3 chuyến đi cho chị em bằng kinh phí tự túc, tại Đan Phượng - Hà Nội, Giang Mỗ - Hòa Bình và tham quan Phim trường tại huyện Đông Anh. Ngoài ra còn có 2 lần tổ chức xem phim trong năm.

4. Về trại sáng tác: Đầu tháng 11, có 21 hội viên tham gia Trại viết của Bộ Văn hóa tại Nhà sáng tác Tam Đảo. Đã tổng hợp b/c tác phẩm thu hoạch với chất lượng khá tốt. Ban CT hội viên lo việc tổ chức đi lại, ăn nghỉ cho cả các chuyến đi thực tế cũng như cho các trại viên tại trại sáng tác trong 10 ngày an toàn và chu đáo.

5. Tham gia cuộc vận động sáng tác VHNT với chủ đề Hà Nội đổi mới và phát triển…tiến tới Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954 - 2024), do Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội tổ chức. Hội Nhà văn đã Thông báo, phổ biến Kế hoạch, Thể lệ cuộc vận động trên trang nhavanhanoi.vn và phổ biến đến các nhà văn hội viên. Nhân dịp 10/10 vừa qua, Hội Liên hiệp đã tổ chức Lễ tổng kết cuộc vận động sáng tác và trao giải thưởng cho các chuyên ngành, trong đó Hội Nhà văn có 1 giải nhất, hai giải nhì và 3 giải 3. 

Năm nay, Thành phố tổ chức lại và sẽ duy trì Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Thủ đô, 2 năm 1 lần. Năm 2023, 2024, Hội Nhà văn Hà Nội được trên xét trao 03 giải đồng hạng.

6. Về Giải thưởng văn học của Hội năm nay: Các Hội đồng chuyên môn đã chọn, giới thiệu và BCH Hội đã tổ chức đánh giá, bình xét và bỏ phiếu. Kết quả: có 5 giải thưởng, gồm: Tập Tùy văn Hoa khởi trinh của nhà văn Nguyễn Linh Khiếu; Tập thơ Đêm hoa vàng của nhà thơ Bình Nguyên Trang; Tập nghiên cứu phê bình: Văn học Việt Nam từ dấu mốc đổi mới 1986, chuyển động, thành tựu và bản sắc của Phùng Văn Khai; Tập dịch song ngữ thơ 10 tác giả đương đại Trung Quốc của dịch giả Nguyễn Hữu Thăng. Như vậy, năm 2024, Chúng ta có số tác phẩm, tác giả được Giải vượt trội so với năm 2023. (Năm 2023 chỉ có 1 giải về Lý luận phê bình văn học).

Về Tặng thưởng Thành tựu văn học trọn đời, BCH đã xét và nhất trí vinh danh cố Nhà văn Lê Lựu (1942 - 2022) là nhà văn kiên định lao động sáng tạo trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Ngoài đóng góp các tác phẩm lớn, ảnh hưởng đến dư luận công chúng trong nhiều năm, ông còn lập một Quỹ văn hóa để hỗ trợ sáng tác có hiệu quả. Ông là nhà văn có uy tín trong suốt cuộc đời với bề dày cống hiến cho văn học Hà Nội và cả nước.

7.  Về công tác phát triển hội viên mới:

Trên cơ sở đề xuất của các Hội đồng chuyên môn, BCH Hội đã xem xét, rà soát lần cuối toàn bộ hồ sơ xin gia nhập Hội của các tác giả theo tiêu chí, quy chế và trình tự chung, Từ hàng trăm hồ sơ, chọn được 45 tác giả đủ tiêu chuẩn vào Hội, trong đó: văn xuôi 7, Phê bình văn học 2, Dịch văn học 1 và Thơ là 35 tác giả.

8. Một số hoạt động tại các Chi hội:

- Chi hội Hà Đông - Sơn Tây: Sau Đại hội, BCH đã sớm ổn định Tổ chức, phân công nhiệm vụ cụ thể trong BCH. Xây dựng mối quan hệ tốt với Quận ủy Hà Đông để tạo thuận lợi cho hoạt động. Tổ chức được 2 Hội nghị giới thiệu Tác phẩm của  Nhà văn tại cơ sở. Liên hệ, tổ chức cho hội viên đi thực tế sáng tác tại Nhà sáng tác Nha Trang. Thành lập nhóm Cộng tác viên Tản Viên Sơn nhằm phát hiện, bồi dưỡng nguồn để giới thiệu phát triển hội viên mới.

- Chi hội Khu vực Bắc sông Hồng: Tạm thời tổ chức thành 2 tổ: Long Biên - Gia Lâm và Đông Anh - Sóc Sơn - Mê Linh nhằm ổn định hoạt động. Quan hệ tốt với Trung tâm văn hóa Huyện và tập hợp, biên tập ra tập thơ Đông Anh thơ chọn của nhiều tác giả.

- Chi hội 1: Ngay từ đầu năm, Chi hội phát động cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô. Tổ chức đoàn công tác gồm 23 nhà văn đi thực tế tại huyện Thạch Thất, thăm quan Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Tây Phương, tổ chức giao lưu ý nghĩa với Lãnh đạo UBND, Phòng Văn hóa thông tin và Trung tâm Văn hóa thông tin huyện Thạch Thất. Chi hội đã trao tặng Thư viện huyện Thạch Thất hơn 400 cuốn sách với hơn 100 đầu sách khác nhau của các tác giả là nhà văn Hà Nội.

Trong đợt Hội Nhà văn tổ chức Trại sáng tác Tam đảo, Chi hội đã chủ động đề xuất và tổ chức thành công để tất cả 21 nhà văn dự trại đi thực tế thăm quan tại Văn miếu Vĩnh Phúc, Nhà hát Vĩnh Phúc và có buổi giao lưu, liên hoan ý nghĩa tại Vĩnh Yên với địa phương. Kinh phí do Chi hội tự trang trải.

- Chi hội 2: Với số lượng hội viên rất lớn, Chi hội sớm tổ chức thành 4 tổ trực thuộc. Đã tổ chức phát động cuộc thi truyện ngắn và thơ trong 2 năm. Tổ chức 3 cuộc đi thực tế sáng tác của chi hội, trong đó có các nhóm đi giao lưu tại Cao Bằng và đi Đăk Nông. Cùng Chi hội Văn học tỉnh Đăk Nông xây dựng đề án giao lưu thường xuyên để tìm hiểu, trao đổi kỹ năng sáng tác giữa các vùng miền, trong đó có dân tộc thiểu số trên địa bàn rộng lớn của tỉnh.

- Chi hội 3: Là chi hội thành lập sau, gồm các hội viên được tách ra từ Chi hội Hà Đông - Sơn Tây, nên bước đầu Chi hội cần thời gian kiện toàn công tác tổ chức, phân chia tổ theo Quận để tiện kết nối, chốt lại danh sách, gặp gỡ chia sẻ về kinh nghiệm sáng tác, và thăm hỏi. Đã liên hệ và được Ban Tuyên giáo huyện ủy Bắc Từ Liêm đồng ý tạo điều kiện cơ sở sinh hoạt cũng như chuẩn bị đề án làm sách văn hóa truyền thống từ năm tới. 

9. Công tác Đoàn kết, phát huy tính sáng tạo của hội viên:

- Một số phần việc mà qua đó tập hợp, gắn kết giữa các hội viên của hội như: Tạo cơ chế chủ động trong hoạt động các Chi hội trực thuộc. Sinh hoạt Chi hội và sinh hoạt chuyên đề định kỳ hàng tháng của Hội tạo nên nhiều công việc thường xuyên tại Hội và cơ sở quận, huyện, giúp anh chị em hội viên theo dõi được sáng tác của nhau và mặt bằng sáng tác chung toàn hội. Năm 2024, số đầu sách mà VP Hội nhận được từ hội viên lên tới hàng trăm cuốn, nhiều thêm 1/3 so với năm 2023. Sách năm nay có chất lượng cao hơn hẳn cả về nội dung lẫn hình thức.

- Hội tạo điều kiện duy trì và cải tiến trang Web: nhavanhanoi.vn đăng tải các tin tức đời sống văn hóa, văn học và nhất là đăng tải các tác phẩm mới của nhà văn hội viên. Đây cũng là nơi, là điều kiện tuyên truyền, động viên sáng tạo VHNT, liên kết giữa các hội viên HN với văn nghệ sĩ cả nước. Mỗi tháng, trang Nhà văn Hà Nội đăng tải hàng trăm thông tin, bài vở là tác phẩm của hội viên, trong đó Ban Nhà văn nữ luôn duy trì được số bài viết nhân dịp các ngày Lễ, ngày Kỷ niệm của Hà Nội và cả nước.

10. Về tập Kỷ yếu Nhà văn hội viên. Đây được coi là một đề tài khoa học, một công trình văn hóa của Hội. Lần đầu tiên trong nhiều năm hoạt động của Hội đã làm được một việc rất có ý nghĩa đó là chấn chỉnh xây dựng cuốn kỷ yếu. Qua đó nhằm khẳng định những thành tựu về sự phát triển của nhà văn Thủ đô qua các thời kỳ. Từ đó cũng kiện toàn công tác quản lý, chăm lo và phát triển lực lượng sáng tác. Đã qua gần 2 năm, kể từ khi thành lập Hội đồng và Ban biên soạn, đến nay, được các HĐ chuyên môn, các ban công tác và đặc biệt là từ các Chi hội đã rà soát, đốc thúc và tổng hợp tờ khai, họp trao đổi khá nhiều lần, Ban biên soạn đã tập hợp, biên tập và lên Maket tập bản thảo Kỷ yếu với gần 700 hội viên các thời kỳ. Đây là một việc làm khá công phu, nhất là tìm phần tư liệu về các nhà văn đã mất và phần nhiều nhà văn đã cao tuổi. BCH đã nhận được Bản thảo lần đầu và tiến hành rà soát, xác minh, cho ý kiến sửa đổi, bổ sung để có thể xin phép xuất bản.  Phấn đấu để tập Kỷ yếu được in và phát hành vào Quý I/2025, chào mừng Đại hội Hội Nhà văn Hà Nội lần thứ XIV.

Một số hạn chế cần khắc phục:

1. Với điểm đặc thù là một Hội chính trị - xã hội nặng về nghiệp vụ sáng tác, khác hẳn với quản lý ở các Hội nghề nghiệp đơn thuần. Hội viên ở rải rác khắp các quận huyện, trong đó hội viên cao tuổi chiếm phần nhiều. Việc đáp ứng yêu cầu chính trị của Thành phố không được linh hoạt, kịp thời.

2. Về lực lượng sáng tác, công tác phát triển hội viên, xây dựng lực lượng, vẫn phát triển đồng đều, chúng ta khó định hình được về độ tuổi sáng tác, nhưng số hội viên trẻ hiện tại chiếm tỷ lệ rất thấp. Có thể do trào lưu sáng tác ngắn và nhanh của lớp trẻ trong thời đại của CM công nghệ, mạng điện tử rất phổ biến, đáp ứng nhanh thị hiếu công chúng ở khoảng thời gian nhất định. Điều đó cũng bộ lộ mặt còn yếu của khá nhiều hội viên trước yêu cầu sử dụng máy tính và công nghệ in ấn thế thệ mới.

3. Công tác thăm hỏi, động viên gia đình khi có hội viên ốm, mất…mặc dù luôn được BCH Hội, BCH Chi hội quan tâm, song với số lượng hội viên đông, nhiều người xa khu trung tâm, thông tin không kịp thời nên có những trường hợp đại diện BCH phải khắc phục thăm hỏi sau. Mặt khác, số kinh phí góp từ hội phí lại quá ít (còn khá nhiều hội viên chưa đóng), cũng là một khó khăn so với yêu cầu cần chi tiêu trong lĩnh vực này…

                                                          *

                                                       *     *

Nhìn lại tổ chức hoạt động Hội năm 2024, chúng tôi rất vui mừng với thành tích mà Hội Nhà văn Hà Nội đã đạt được. Với những khó khăn chính về kinh phí hoạt động như B/c trên, từ BCH Hội đến các Hội đồng chuyên môn, nghiệp vụ, chúng ta đã vượt qua, đoàn kết, cùng duy trì sinh hoạt, trao đổi sáng tác dưới nhiều hình thức khác nhau để mang về kết quả cuối cùng là có nhiều tác phẩm hay, đúng hướng, đóng góp nhiệm vụ chính trị của Thành phố và cống hiến, phục vụ đông đảo công chúng Thủ đô và cả nước.

 

Phương hướng hoạt động năm 2025: 

Kết thúc năm 2024, cũng là thời gian cuối nhiệm kỳ, khóa XIII (2020 -2025), BCH Hội, các Hội đồng, các Ban, BCH Chi hội và toàn thể nhà văn hội viên tập trung cho những nhiệm vụ hết sức quan trọng:

- Chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết… để tiến hành Đại hội Hội Nhà văn Hà Nội, Khóa XIV, nhiệm kỳ 2025 - 2030 (dự kiến vào nửa cuối Quý I) theo quy định chung.

- Năm 2025, năm mở đầu cho sự thay đổi chuyển mình cho đất nước, Thủ đô Hà Nội chúng ta tiến một bước dài trên chặng đường đổi mới để hội tụ đầy đủ những yếu tố then chốt, tạo nên động lực mới để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Hơn ai hết, các nhà văn của Thủ đô nâng cao ý thức trách nhiệm của mình trong sáng tác phục vụ các nhiệm vụ chính trị của Thủ đô, phát triển công nghiệp văn hóa lên một tầm cao mới".

--------------

Ảnh: Nhà thơ Trang Nam Anh





 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây