Bùi Văn Kha
Bấy giờ, chúng tôi, trải qua những ngày ôn thi để vượt Vũ môn, bước vào cổng trường đại học cao vời vợi, không phải về quê với cấy cày, mà được học, được gặp, được nghe, thậm chí còn được nói chuyện với những người nổi tiếng, thì cũng sung sướng lắm. Anh Hoàng Nhuận Cầm, cùng với những người thuộc các khóa học những năm đó, biệt ra một phong cách Tổng hợp, khác với Bách khoa, Sư phạm. Và chúng tôi cũng tự hào Pa-stugienki (tiếng Nga bồi - sống như sinh viên!).
Dẫn lộ thế rồi đi vào việc chính, tôi chỉnh cách xưng hô với ông, vừa là tôn trọng một nhà thơ tiêu biểu của Thơ chống Mỹ, vừa là một con người được xã hội kính trọng.
Hoàng Nhuận Cầm sáng tác từ khi còn là học sinh. Mới 20 tuổi, ông đã được Giải nhất với chùm thơ 4 bài của báo Văn Nghệ năm 1972 – 1973. Nếu được tạm chia thơ chống Mỹ của các nhà thơ trẻ (là tuổi trên dưới 20 ấy) ra 3 thời kỳ, thì thời kỳ đầu khoảng 1964 - 1969 với Bằng Việt, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Đỗ Quang Hưng, Vũ Quần Phương, Trần Đăng Khoa, Phan Thị Thanh Nhàn ;… ; thời kỳ hai 1970 - 1971 với Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Đức Mậu, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Trần Mạnh Hảo…; thời kỳ ba với Thanh Thảo, Hoàng Nhuận Cầm, Hữu Thỉnh;…(Thanh Thảo có lẽ ở cuối thời kỳ hai thì đúng hơn).
Cũng có những nhà thơ khác như Anh Ngọc, Lâm thị Mỹ Dạ, Ý Nhi…nhưng tôi không chuyên sâu vào đề tài này. Còn nữa, cũng có nhiều nghiên cứu về thơ của các nhà thơ trẻ thời chống Mỹ rồi, nên tôi, nếu không có điều trình bày mới, thì tạm gác lại.
Những năm 1971, 1972, tại chiến trường Quảng Trị là ác liệt lắm. Ta nã vào địch, theo nhà thơ Bằng Việt, là 10 vạn viên đại bác (trong bài hát Tiếng đàn Ta Lư của nhạc sĩ Huy Thục cũng có câu: ơi anh pháo binh pháo ta gầm đạn nổ như hoa). Còn pháo Hạm đội bảy và bom B52 biến Quảng Trị thành “cối xay thịt”. Giữa cái hơn cả “thời kỳ đồ đá” ấy, Bài “Nghe chim kể chuyện trên chốt” đem lại cái tư thái đứng trên đầu thù, không phải ngạo ngễ, mà nói đến một điều rất lớn trong Binh pháp: Tâm quân!
Phải chuẩn bị xong mọi thứ, mới “Cứ ôm khẩu súng ngồi yên/ Lắp thêm băng đạn, còn đêm đấy mà.”, “Mũ tai bèo khẽ nghiêng nghiêng/ Nghe lăn tăn những tiếng chim xuống hầm/Yêu chim mà chẳng lên thăm/ Bởi vì điểm chốt nên nằm lặng im”.
Sau này, Hữu Thỉnh cũng có một bài thơ hay, Chợ Chim, nhưng cảm hứng đã sang tự sự trữ tình, mà tự sự là chủ đạo, chứ không như ở đây, trữ tình là chính, tự sự chỉ làm nền. Cả bài lấy cảm hứng anh hùng ca - sử thi chiến đấu là xuyên suốt, nhưng ẩn rất khéo. Thơ ấy ai bảo là thơ minh họa tuyên truyền.
Nguỵ trang công sự xong rồi
Mới hay đồi chốt là đồi lắm chim
Cứ ôm khẩu súng ngồi yên
Lắp thêm băng đạn, còn đêm đấy mà.
Thản nhiên cơn gió chạy qua
Tiếng chim lách chách, gần xa chuyện gì?
Ngây thơ là chuyện chim ri
Khoác lác nhất nhì, chuyện sáo sậu thôi!
Chuyện như nghe ở đâu rồi
Là lời chú vẹt đang ngồi góc kia.
Mạ ơi... đất nước cách chia
Tiếng kêu con quốc chạy về quả tim...
Mũ tai bèo khẽ nghiêng nghiêng
Nghe lăn tăn những tiếng chim xuống hầm
Yêu chim mà chẳng lên thăm
Bởi vì điểm chốt nên nằm lặng im
Mai rồi cái phút làm quen
Lại là cái phút cùng chim xa rồi:
Là khi xác trực thăng rơi
Là khi xác giặc quanh đồi ngổn ngang...
Cũng phải nói, về thể loại, Hoàng Nhuận Cầm dùng thể lục bát. Nhịp điệu truyền thống. Nhưng cái gì làm bài thơ hấp dẫn? chính là hình ảnh, là diễn ý. Trong bài thơ này là giọng điệu, hình ảnh học sinh. Cái niên thiếu làm nên cái tự nhiên nhưng không kém phần sâu lắng.
Bài thơ này nằm trong chùm thơ Hoàng Nhuận Cầm viết tại chiến trường được giải nhất cuộc thi thơ của báo Văn nghệ năm 1972-1973.
Tứ này đồng cảm với “Còn gì vui hơn đường ra trận mùa xuân” của Gia Dũng, hay “Đường ra trận màu này đẹp lắm” của Phạm Tiến Duật. Cho nên, “Mùa Thu này ta hát khắp Trường Sơn.”, chỉ khác là về tiếng hát, Hoàng Nhuận Cầm có giải lý: “Tiếng hát, làm ta nhớ tiếng trống tuổi măng non/ Thịnh cùng tôi cầm đèn rọi ve quanh gốc sấu/ Ve thăm thẳm, tiếng ve ngày thơ ấu/ Thành sợi dây nối chúng mình cái ngày bé cỏn con.”.
Câu thơ ấy biệt ra một tâm tình của những chàng trai mới lớn, nhưng họ đã “dàn hàng gánh đất nước trên vai” (thơ Bằng Việt).
Gửi Thịnh
Dấu chân chúng mình chắc đã gặp nhau
Mùa Thu trong thành phố với rừng sâu
Đất nước rộng ta đi nghe súng nổ
Những chiến trường nào ai đến trước, đến sau.
Như gặp nhau rồi, mà đã gặp nhau đâu
Nhìn dòng sông đoán Thịnh đã qua cầu
Nhìn đá dựng đoán Thịnh đèo đã vượt
Mùa Thu này ta hát khắp Trường Sơn.
Thịnh bây giờ chắc đã lớn hơn
Có nghe chăng trong điệp khúc dập dồn
Tiếng súng Thịnh đang cùng tôi đuổi giặc
Mùa Thu này ta hát khắp Trường Sơn.
Buổi mẹ và em gái tiễn lên đường
Thịnh cùng tôi đã hứa gì với mẹ
Nghe súng nổ biết Thịnh thương mẹ thế
Mùa Thu này ta hát khắp Trường Sơn.
Ta hát lên là chúng nó chẳng còn
Lửa bùng cháy khắp chi khu Cam Lộ
Trăm tên giặc vừa đền tội đó
Mùa Thu này ta hát khắp Trường Sơn.
Tiếng hát, làm ta nhớ tiếng trống tuổi măng non
Thịnh cùng tôi cầm đèn rọi ve quanh gốc sấu
Ve thăm thẳm, tiếng ve ngày thơ ấu
Thành sợi dây nối chúng mình cái ngày bé cỏn con.
Đêm Trường Sơn, ngôi sao như trong hơn
Cầm này lại đi, lại đi... thôi chào nhé
Ta chẳng còn bắt ve, ta chẳng còn thơ bé
Thay việc bắt ve, ta lùng bắt quân thù quanh mỗi gốc xà nu...
Trường Sơn, 1971
Bài thơ này cũng nằm trong chùm thơ Hoàng Nhuận Cầm viết tại chiến trường được giải nhất cuộc thi thơ của báo Văn nghệ năm 1972-1973.
Còn trong “Anh bộ đội và tiếng nhạc la”, thiên- địa - nhân trong thơ đã hợp nhất. trong võ công dân tộc, khi đạt cảnh giới này là tạo ra chiến thắng Bạch Đằng, mà những hai lần, và nếu thống kê cũng còn nhiều lắm. “Anh bộ đội xắn quần đi trong mưa/ Bầy la theo rừng già, rừng thưa/ Rừng đâu chỉ có giọng chim lạ /Còn có tiếng nhạc trên cổ la.”. Giặc Mỹ đâu có ngu. Chúng mang chất độc Dioxin hủy diệt rừng, để không còn “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Vậy mà hòa cùng tiếng chim hót diệu kỳ, là tiếng nhạc la rung. Đã không còn đơn thuồn là thồ tải nữa. Đã bừng lên một bài ca người lính nhưng bằng nhạc không lời. Bài thơ này đạt cảnh giới “Vân tâm điêu long” ý tại ngôn ngoại, nhất là câu “Bao gùi hàng hồi hộp trên lưng...”, gùi hàng hồi hộp trên ...
Thì chịu, bình kiểu gì cũng không tả hết!
Anh bộ đội xắn quần đi trong mưa
Bầy la theo rừng già, rừng thưa
Rừng đâu chỉ có giọng chim lạ
Còn có tiếng nhạc trên cổ la.
Những cây nấm nâu, màu nâu già
Tự dưng thức dậy bên vòm lá
Những bông hoa chưa có tên hoa
Bỗng nhiên mở cánh ra nghe ngóng.
Tiếng nhạc trên cổ la rung rung
Đã sáu năm là bài hát của rừng
Có những con đường hoang dại lắm
Chỉ in chân la và chân anh.
Những con đường xa, con đường xanh
Sáng lên viên đạn vàng căm giận
Cần mẫn bầy la đi ra trận
Bao gùi hàng hồi hộp trên lưng...
Đây cũng là bài thơ nằm trong chùm thơ Hoàng Nhuận Cầm viết tại chiến trường được giải nhất cuộc thi thơ của báo Văn nghệ năm 1972-1973.
Nhật Ký đúng là nhật ký. Diễn ra trong một ngày của người lính. Một ngày tạm thời không đánh nhau. Anh lính ấy, sáng, dĩ nhiên nhớ. Chiều: Vẫn nhớ, nhưng có chút thực. Thực cho nên lạ. Nhưng vẫn trong tâm trạng của sáng nên cũng thấy quen. Hai câu thơ đã xâu chuỗi hai miền sau trước, rộng ra là hậu phương người lính với tiền tuyến đánh thù, mà đều trong tâm hồn anh bộ đội. Tôi thấy nhà thơ đã hay, mà Ban giám khảo báo Văn Nghệ cũng giỏi, thấy được cái tứ lớn lao đất nước nằm chỉ trong hai câu thơ.
Tối: đếm thời gian. Lúc này phải nhập tâm thế chiến trường rồi. Và từ tiếng gà đến hướng súng, là bắt đầy một thái độ:
Sáng:
Bình minh ấy là bình minh kỷ niệm
Chiều:
Hoàng hôn như lạ lại như quen.
Tối:
Tắc kè ném lưỡi vào đêm
Có ngủ được đâu
Nằm nghe lá thở
Nằm nghe súng nổ
Đánh giặc lần đầu ai chả thế
Thôi sáng rồi vẫn tiếng gà xóm mẹ
Cuốn võng vào theo hướng súng mà đi.
Trường Sơn, 1971
Riêng bài thơ “Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu”, tôi không nêu ở đây, mà chỉ nói một chút ký ức. Đó là khi đang học Đại học, tôi được nghe, không biết có phải thày Phan Cự Đệ, hay bác Hữu Ngoạn bên Thành ủy Hà Nội, nói, đại ý, Mỹ nó còn biết phân tích trong bài thơ để lấy được thông tin, ví như bài Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu, là biết Việt Nam đã huy động những người vừa rời ghế nhà trường, bởi “Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu/ Dẫu hòn bi lăn hết vòng tuổi nhỏ/ Trong những ba lô kia ai dám bảo rằng không có/ Một hai ba giọng hát chú ve kim”. Nguồn thông báo rất tin cậy – như thơ tin cậy!
Lẽ ra, tôi định đưa ra cách hiểu của tôi với Thơ Tình Hoàng Nhuận Cầm, như: Chiếc Lá Đầu Tiên, Hò Hẹn Mãi Cuối Cùng Em Cũng đến, Viên Xúc Xắc Mùa Thu, Sông Thương Tóc Dài,…
Nhưng khi đọc bài của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến: Hoàng Nhuận Cầm và những bài thơ tiên tri viết về sự ra đi của mình, Tôi chuyển sang tình bạn của Hoàng Nhuận Cầm với Vũ Đình Văn.
Nửa thế kỷ trước, lớp trẻ tuổi chúng tôi không thuộc nhiều thì ít bài Nửa Sau Khoảng Đời của nhà thơ Vũ Đình Văn cùng những câu thơ tiên cảm ở cả bài Lạy Mẹ Con đi nữa.
Tập thơ Tuổi Hai Mươi in chung của 2 người. Vũ Đình Văn nổi tiếng với Nửa Sau Khoảng Đời, Mười Ba Bậc Cầu thang, Đêm Gác Miền Trung, Lạy Mẹ con đi,…
“Cùng một dòng thư mà hai khoảng đời
Khoảng trước xa rồi, ai còn nhớ nữa
Cái khoảng trước có những người đồng đội của tôi
Là khoảng đời đêm nay tôi nhớ
Nếu phải chia cho người yêu một nửa
Thì em ơi, nhận lấy khoảng đời đầu
Cái khoảng đầu vời vợi nhìn nhau
Ðằm thắm thời gian không mùa biên giới
Ôi cái đêm hành quân rất vội
Mắt anh, mắt em ngần ấy vì sao
Còi lên đường, những vì sao xôn xao
Thôi về đi em,
Hai đứa cười nóng mặt.”
(Nửa Sau Khoảng Đời)
Và:
Thôi từ nay trở về sau
Sống sao đừng để mẹ đau cỏ mồ
Đường đi một mảnh khăn sô
Vành rơm trên trán chẳng khô bao giờ
(Lạy Mẹ Con đi)
Trên hai nhăm năm trước, Khi cùng nhà thơ Bùi Việt Mỹ làm cuốn Nhà Điện Ảnh Hà Nội, tôi hay sang Xưởng phim Truyền hình Việt Nam, gặp một số người để lấy tư liệu. Tôi hay gặp Hoàng Nhuận Cầm đang bận với “Bác sĩ Hoa Súng”. Sau này, khoảng hơn mười năm trước, tôi gặp ông thường xuyên hơn. Một hôm, tại 19 Hàng Buồm, tôi hỏi ông về bài thơ Khóc Vũ Đình Văn, ông cảm động kể. Thì ra, hai ông chưa bao giờ gặp mặt nhau. Mãi sau giải phóng 1975, Ông mới đến nhà thắp hương cho người bạn từ khi in chung tập thơ Tuổi Hai Mươi, dù từ năm 1971, hai ông vẫn gặp nhau qua Văn Nghệ và Văn Nghệ Quân Đội. Kể từ ấy, Hoàng Nhuận Cầm là con nuôi của bố nhà thơ Vũ Đình Văn. Tôi muốn chia sẻ một ý: Có thể sự ra đi của Vũ Đình Văn ám ảnh Hoàng Nhuận Cầm, và vận vào ông “câu thơ tự sát”.
Hoàng Nhuận Cầm ra đi đã 3 năm, cầm “Mơ Hoa” để gặp cha mình nơi vĩnh hằng. Có lẽ, trong hành trang của ông, có thơ, có phim, có rất nhiều, và Nhớ Vũ Đình Văn cũng nằm trong hành trang trái tim ông, bất diệt!
Nhớ Vũ Đình Văn
Thôi cho mình thắp nhang này
Khóc Văn nước mắt đã đầy quả tim
Ngàn sao mình đã kiếm tìm
Nhưng ngàn sao chỉ im lìm như nhau
Văn ơi, nằm ở nơi đâu
Người ta lại hát qua cầu gió bay
Thôi cho mình thắp nhang này
Khóc Văn nước mắt đã đầy cả đêm.
Văn đi sao quá nhẹ thênh
Mà thơ là nợ, mà tình là đau
Mát lòng nghe tiếng đàn bầu
Văn ơi, máu chỉ là màu đỏ thôi
Ngày đi - Văn mất mẹ rồi
Mai gầy yếu lắm mà đời mênh mông
Bàn chân Văn lội ngoài đồng
Nhớ thương nước mắt Cầm vòng quanh quanh
Cái cành Mai nhỏ ngoài hiên
Văn nuôi đã lớn rồi quên cất vào
Giờ Văn còn cất được sao
Có nghe ngàn lá Mai gào khàn hơi
Nô-Em khổ lắm Văn ơi
Chuông Nhà Thờ đổ từng hồi buồn tang
Đây “Mười ba bậc cầu thang”
Bàn chân Cầm xéo vội vàng vào chân
Nhớ Văn mỗi lúc đến thăm
Mỗi bậc thang mỗi vết bầm vào tim
Ngoài đồng vắng lắm cánh chim
Tiếng kêu chim Chả, Cầm tìm không ra.
Cầm thương Văn lắm... thế mà,
Tay Cầm vụng quá, sao mà bằng Văn
Mình buồn lắm những đêm trăng,
“Qua phà Long Đại” mấy lần Văn qua
Mình buồn lắm lúc tàu xa,
Đất Hà Trung cái đất mà Văn yêu.
Mình buồn lắm những buổi chiều
Hoa Kim Đao nở những điều trắng tinh.
Mà cây nhang cứ lặng thinh
Mà Văn khóc mẹ, mà mình khóc Văn.
Thôi con lạy mẹ ngàn lần
Như anh lạy mẹ trên đồng ngày xưa
Mẹ ơi, mẹ đổ trận mưa
Cho anh mát dạ, giọt thừa cho con
Dẫu rằng máu chẳng một hòn
Nhưng anh Văn mất - con còn làm em.
Dẫu rằng chẳng giống họ tên
Nhưng anh, em khúc ruột mềm như nhau
Thôi cho con mẹ cúi đầu
Khóc thương huơng lửa là màu đỏ hoe
Khôn thiêng thì mẹ hiện về
Thay Văn con kể Mẹ nghe:
- Chuyện đời.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn