P.Gs,Ts Nguyễn Hồng Vinh
Trong đà phát triển của xã hội, chủ trương “dân chủ hóa đời sống xã hội” đã và đang được các giai tầng xã hội tiếp nhận và hoan nghênh, trong đó có việc đề cao “văn hóa phản biện” được thực thi ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều cộng đồng, nhiều địa phương, tạo ra không khí cởi mở, gắn kết, khơi gợi trách nhiệm và sức sáng tạo của mỗi người. Trước hết, với tư cách là một công dân có trách nhiệm đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tôi rất mừng là, trong chức năng nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc VN có ghi rõ một trong những nhiệm vụ của MTTQ là tham gia “giám sát và phản biện” quá trình xây dựng đường lối, chính sách, pháp luật. Trên thực tế, hệ thống MTTQ các cấp, nhiều tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội đã bước đầu thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng này. Tính “phản biện xã hội” đã lan tỏa trong nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo khoa học có liên quan việc xây dựng một chủ trương, chính sách mới, một bộ luật mới, mà gần đây nhất là Luật bổ sung, sửa đổi Luật Đất đai.
Trên cơ sở các ý kiến phản biện của nhiều nhà khoa học, nhiều cơ quan chức năng, nhiều đại biểu Quốc hội, kỳ họp thứ 6, khóa XV vừa qua đã quyết định chưa thông qua để Luật này có thời gian nghiên cứu, chỉnh sửa sát với thực tiễn đa dạng và sinh động hiện nay, bảo đảm tính ổn định lâu dài của một bộ luật rất quan trọng, liên quan mật thiết tới rất nhiều lĩnh vực, đời sống xã hội trực tiếp tác động tới tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân.
Tuy nhiên, nếu nhìn nhận nghiêm túc thì ở không ít cuộc họp, tọa đàm, hội thảo vừa qua “văn hóa phản biện” chưa được thể hiện đúng với thực chất, mà nét nổi rõ là chưa khơi gợi được sự nói thẳng, nói thật điều người phát biểu đã nghĩ, đã ấp ủ từ lâu vấn đề mà Đoàn chủ trì hội nghị nêu lên. Trừ số ít ý kiến phản biện thiếu tính xây dựng, “nói cho hả dạ” mà chúng ta cần phê phán nhưng công bằng mà nói, thì có khá nhiều ý kiến xây dựng, vừa có tính lý luận vừa có tính thực tiễn, song hầu như khi kết luận hội nghị, người chủ trì vẫn không đề cập hoặc bày tỏ chính kiến những ý kiến có lý, có tình đó, mà thường đọc bản kết luận như đã viết sẵn. Cũng có trường hợp đại biểu tham dự cân nhắc xem người chủ trì ấy là ai, có thật sự cởi mở, tôn trọng lắng nghe các ý kiến phản biện hay không thì mới mạnh dạn phát biểu; còn không thì chọn cách “im lặng là tốt nhất” (!) Cũng có người e ngại, nếu nói không đúng “gu” người chủ trì thì mình dễ bị định kiến. Vì các lẽ đó, một số cuộc tọa đàm, hội thảo không khí thường trầm lắng; và khi kết thúc không để lại dấu ấn gì sâu đậm, gợi cho người tham dự tiếp tục về nhà suy ngẫm những vấn đề mà hội nghị đặt ra để gợi mở nhiều khía cạnh nữa ở các cuộc tiếp theo…
Rõ ràng là, muốn nâng cao chất lượng “văn hóa phản biện” một mặt cần chú ý nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và ý nghĩa chính trị - xã hội của “phản biện”; mặt khác những người chủ trì hội nghị, hội thảo cần tạo điều kiện dành thời gian thảo luận, tranh luận chủ đề đặt ra ở mỗi hội nghị; trên cơ sở đó “gom lại” các ý kiến phản biện; đồng thời tỏ rõ quan điểm của người chủ trì về các ý kiến đó. Từ thực tiễn này, tôi đồng tình với ý kiến một nhà khoa học cần xây dựng kỹ năng phản biện nhằm khắc phục tình trạng “ông nói gà, bà nói vịt”. Chúng ta cũng cần tiếng nói phê phán, những hiện tượng chỉ coi ý kiến mình là “duy nhất đúng”, tỏ thái độ coi thường ý kiến người khác. Trong sinh hoạt khoa học, cần thật sự bình đẳng không nên chỉ coi trọng ý kiến của người có học hàm, học vị cao hoặc đang đảm nhiệm chức vụ cao. Một hiện tượng nữa cũng cần sớm khắc phục, đó là trong tọa đàm, hội thảo, các đại biểu cứ lần lượt đọc bài đã viết sẵn, khi đến giờ kết thúc thì Đoàn chủ tịch cũng đọc bài kết luận viết sẵn, không hề nhắc lại những ý kiến đã phản biện, đề xuất trước đó…
Rất mong “văn hóa phản biện” sẽ ngày càng được coi trọng hơn và phát triển thực chất!
N.H.V
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn