Hội nhà văn Hà Nội

https://nhavanhanoi.vn


Giáo sư Trần Quốc Vượng, thầy vẫn luôn bên cạnh chúng tôi

Giáo sư, Nhà sử học, Nhà khảo cổ học Trần Quốc Vượng (12/12/1934 -  8/8 /2005)
Nhà văn Phùng Văn Khai
 
     Thầy Trần Quốc Vượng có vài lần tới nói chuyện với lớp Viết văn Nguyễn Du khóa 6 (1998-2002) chúng tôi. Không thể ngờ chỉ vài năm sau, ngày 8 tháng 8 năm 2005, thầy đã sớm rời cõi tạm. Thấm thoắt đã gần hai mươi năm không được nghe thầy nói trực tiếp, nhưng những lúc cần tìm hiểu điều gì, chúng tôi vẫn còn băng ghi âm, ghi hình của thầy, bây giờ thì tìm luôn trên YouTube nên luôn cảm thấy thầy vẫn thật gần, vẫn bên cạnh chúng tôi. Điều đó đã cho chúng tôi không chỉ sự tự tin mà còn là lòng tự trọng, sự phấn đấu tự học, tự thực hành từ chính tấm gương của thầy.
Thật lạ lùng, vừa qua, khi tiếp xúc với một bạn trẻ đồng thời là người Việt sinh sống và làm việc tại Phần Lan, nơi có chỉ số hạnh phúc luôn đứng đầu thế giới, khi trao đổi trò chuyện thẳng thắn, tôi bỗng kinh ngạc nhận ra bạn ấy có lối tư duy rất giống Giáo sư Trần Quốc Vượng. Những nhận định, trăn trở và nhất là phương cách sống, sự trung thực với chính mình, với cậu bé mới sinh ra tròn hai tuổi đã cho tôi sự thú vị bất ngờ. Mới thấy những phát biểu, bài viết, kiến nghị, phản biện “động trời” của thầy Vượng xưa kia sao mà quá đúng. Vậy mà, chúng ta đã rất ít lắng nghe các ý kiến của Giáo sư. Thậm chí, Trần Quốc Vượng còn bị vị lãnh đạo cao nhất chính quyền thành phố Hà Nội khi đó mời lên để “giáo dục” về Thư ngỏ của ông với Hà Nội. Đương nhiên, vị Giáo sư thông minh đã “cãi” tuyệt hay. Lời lẽ hai bên đều đã đi vào giai thoại. Thầy Vượng đã phải chịu nhiều hệ lụy sau này, nhưng tuyệt nhiên, tính khí và sự cống hiến xuất sắc của ông là không thay đổi.
Người nữ trẻ tuổi bằng quan sát và trải nghiệm của chính mình nơi đất nước Phần Lan lại băn khoăn và nhận diện, nhất là về nền giáo dục của Việt Nam hiện nay đang quá đỗi sa lầy, còn y tế và các ngành xã hội khác đều rất đáng quan ngại. Tôi hỏi bạn ấy nhiều điều và bạn ấy cũng hỏi tôi nhiều điều, thậm chí có lúc dồn tôi vào thế bí. Chà chà! Những người trẻ mang dòng máu Việt Nam giờ đây đã không chỉ đi khắp thế giới sinh sống và cống hiến, làm công dân quốc tế văn minh mà còn có những suy nghĩ cho đất nước, cho thế hệ trẻ sau này thật đáng quý biết bao. Còn đáng kinh ngạc hơn, là suy nghĩ của các bạn ấy, rất nhiều người đã trùng khít với tư duy của thầy Vượng cách đây đã mấy chục năm.
Từng có giai thoại rằng, thầy Vượng khi thuyết giảng trên giảng đường đại học về vấn đề dân tộc và vận mệnh đất nước trước hàng trăm sinh viên rất say sưa. Đột nhiên, ông dừng lại hỏi: “Ai quan tâm đến vận mệnh dân tộc?” Tất cả im phăng phắc. Không có một cánh tay nào động đậy chứ đừng nói tới giơ lên. Giáo sư sau phút im lặng lại lập tức thao thao sang chủ đề bói toán. Ngày đó cũng đã có nhiều giai thoại về tài bói toán của thầy. Rồi đột ngột Giáo sư ngừng lại và hỏi: “Trong giảng đường này có bạn nào muốn xem bói không?” Lập tức, hàng trăm cánh tay giơ lên. Ai cũng nhao nhao muốn thầy xem bói cho mình. Thầy Vượng lặng người nhìn khắp một lượt rồi đột ngột ông nói mà như mắng: “Các anh các chị giỏi thật. Khi tôi hỏi các anh chị về vận mệnh dân tộc thì không một ai quan tâm. Giờ đây ai cũng muốn biết về số phận cá nhân mình. Tôi thật xấu hổ cho các anh các chị. Người trí thức tương lai của một nước mà không băn khoăn gì về số phận đất nước, không có sự tự tôn dân tộc. Số phận dân tộc sẽ thế nào, và số phận các anh chị sẽ thế nào thì các anh chị tự suy nghĩ đi, nó khá rõ ràng rồi đấy!”
Thầy Vượng của chúng tôi không ít lúc đã đớn đau như thế.
Cũng chính thầy đã sớm nhận định: “Nước Việt Nam ta hiện là một quốc gia kém phát triển về mọi mặt, vừa lạc hậu, vừa lạc điệu với một thế giới nhìn chung đã và đang phát triển rất nhanh...” Những lời này ở thập kỷ tám mươi, chín mươi của thế kỷ trước có lẽ chỉ Trần Quốc Vượng mới dám nói ra. Cũng trong thời điểm ấy, khi báo Quân đội nhân dân (năm 1987) công bố Bức thư ngỏ gửi ông Chủ tịch thành phố Hà Nội của Giáo sư Trần Quốc Vượng nói về việc “Phá hoại các di tích lịch sử của Thủ đô” đã gây tiếng vang lớn và sự khó chịu cho vị lãnh đạo thành phố. Đương nhiên, Giáo sư Trần Quốc Vượng bị triệu tới trụ sở Thành ủy. Hai bên trao đổi về “giọng nói” của trí thức Trần Quốc Vượng. Đương nhiên, thầy Vượng lại “cãi” rất hăng khiến vị kia đuối lý mặc dù trước khi đi, vợ thầy vốn là giáo viên trường Trung học Trưng Vương đã lo lắng dặn: “Anh lên đấy, liệu mà ăn mà nói! Anh có sao, chỉ khổ vợ con!”
Nhưng Trần Quốc Vượng là Trần Quốc Vượng, làm sao có thể nói khác được, mặc dù ông biết những hệ lụy sẽ đến với mình.
Giáo sư Trần Quốc Vượng từng bốn lần được các danh sĩ cũng là những nhà quản lý văn hóa hàng đầu mời ra làm quan nhưng cả bốn lần ông đều từ chối. Lần thứ nhất, ông được đích thân cụ Trần Huy Liệu - Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam mời làm Viện trưởng Viện Khảo cổ Việt Nam. Rất nể Trần Huy Liệu nhưng suy nghĩ kỹ ông bèn thưa: “Tôi không thể nào làm Viện trưởng được vì trước hết tôi không phải là đảng viên, và tôi cũng không thích làm Viện trưởng, không thích làm quản lý”. Lần thứ hai là khi ông được cụ Hà Huy Giáp đích thân mời đến bảo: “Anh Vượng ơi, tôi muốn mời anh sang phụ trách Viện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia”. Trần Quốc Vượng lập tức thưa lại: “Thầy Liệu thì mời tôi sang Viện Khảo cổ, còn anh lại mời anh sang Viện Bảo tàng. Tôi không thể làm được”. Khi biết chuyện, Giáo sư Nguyễn Khánh Toàn (Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội thời bấy giờ) đã có sự can thiệp với Bộ trưởng Tạ Quang Bửu để tìm cách đưa Trần Quốc Vượng làm lãnh đạo. Nhưng việc cũng không thành. Người trí thức đích thực luôn có cách hành xử riêng của mình. Lần thứ ba, khi đó Giáo sư Vũ Khiêu - Vụ trưởng Vụ Khoa học xã hội của Ban Tuyên huấn Trung ương một lần rủ Trần Quốc Vượng vào quán bia vỉa hè nhâm nhi bia hơi rồi bảo: “Vượng ơi! Lần này không thoát được đâu Vượng ạ! Bên Bộ Văn hóa hoạt động bê bết quá, trên có ý định để tớ làm Bộ trưởng, Vượng làm Thứ trưởng. Mà tớ phân công trước là tớ phụ trách chung, còn Vượng phụ trách các trường và các viện nghiên cứu của Bộ...” Tưởng chắc mười mươi như thế nhưng đương nhiên việc không thành chính bởi cá tính quyết không làm quan của Trần Quốc Vượng. Đến lần thứ tư, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước Đào Văn Tập, người kế nhiệm Giáo sư Nguyễn Khánh Toàn đã phải nhờ tới bà Đặng Bích Hà - phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến nói với thầy Vượng: “Anh Tập biết tôi thân với anh nên anh ấy muốn anh về phụ trách một Viện của Ủy ban. Nếu anh đồng ý thì anh Tập sẽ tiếp xúc với anh”. Và một lần nữa, Giáo sư Trần Quốc Vượng lại thẳng thắn từ chối.
Về đường quan lộ của ông đã là như thế nhưng những cống hiến xuất sắc của Giáo sư Trần Quốc Vượng thì khó mà kể hết ra được. Cần nhiều công trình nghiên cứu toàn diện về ông và việc này dứt khoát chúng ta phải sớm thực hiện. Ông có cách nhìn nhận và phản biện vừa chân xác, vừa dân dã nhưng rất minh triết và súc tích. Trong một bài viết, ông đã thẳng thắn nói: “Tôi rất thân và rất quý Nguyễn Huy Thiệp, hẳn thế, nhưng chính vì thế mà tôi không thể nào đồng ý với anh khi anh trả lời phỏng vấn báo Libération là: ‘Tôi đã sống như một con thú’. Con thú làm sao mà biết viết, biết in Tướng về hưu, Phẩm tiết...? Lẽ tất nhiên là tôi hiểu cái ‘ý tại ngôn ngoại’ của anh”.
Chỉ bằng vào một nhận định ngắn về Nguyễn Huy Thiệp, đã cho thấy tầm vóc thầy Vượng cao cường đến mức nào. Và cũng rất sòng phẳng, nhi nhiên đến mức nào.
Cũng chính ông đã từng nói thẳng: “Mà con người, nhất là người trí thức Việt Nam, đâu chỉ đói rét vì miếng cơm manh áo?” Câu này của thầy luôn nhói buốt con tim chúng tôi, cũng luôn thôi thúc con tim và khối óc chúng tôi phải làm việc, dù nhỏ nhất nhưng hữu ích trong cuộc sống hàng ngày.
    Quay trở lại câu chuyện của cô bạn trẻ con một người bạn chúng tôi đang sinh sống và làm việc tại Phần Lan trong hành trình du lịch tại Cửa Lò đã thẳng thắn đưa ra những nhận xét khiến tôi thấy nhiều điểm trùng khít với tư duy của thầy Vượng cách đây đã hơn ba mươi năm. Thời gian ấy, bạn trẻ này còn chưa được sinh ra. Vậy mà giờ đây đã tự mình đưa ra những ý kiến, minh chứng, phản biện rất đường hoàng và sâu sắc về những yếu kém về giáo dục, y tế và những ngành khác nữa. Điều đó nói lên điều gì? Phải chăng, những thế hệ đi sau, rất trẻ, và những thế hệ sau nữa, đã và đang được sinh ra, mang dòng máu Việt, chắc chắn sẽ có cách nghĩ và nhất là những hành động, trước tiên cho chính mình, và sau đó là góp phần vào hành trình văn minh tất yếu cùng nhân loại.
Bởi vậy, tôi mới nói rằng, Giáo sư Trần Quốc Vượng như vẫn luôn còn đây, bên chúng tôi, hòa mình vào thế hệ trẻ, trẻ mãi và sẽ mãi sinh sôi.

Nguồn tin: HNV

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây