Hội nhà văn Hà Nội

https://nhavanhanoi.vn


BÀI THƠ VỀ NỖI ĐAU CỦA NGƯỜI ĐÀN BÀ

Nguyễn Thị Phương Anh
                      
 
              Nhà thơ Dư Thị Hoàn
             
          ĐI LỄ CHÙA
                                                                     Dư Thị Hoàn 
 
           Năm người đàn bà cùng ngồi trên xe ngựa
Tay khư khư ôm đầy vật tế lễ
Người thứ nhất thở dài:
- Tội nghiệp nhất người đàn bà không chồng!
Người thứ hai chép miệng:
- Vô phúc nhất người đàn bà không con!
Người thứ ba cười buông:
- Bất hạnh nhất người đàn bà không khóc nổi trước mặt chồng.
Người thứ tư điềm đạm:
- Tuyệt vọng nhất người đàn bà không cười được khi thấy con!
Người thứ năm:
- Mô Phật
Lão xà ích giật dây cương
Roi quất
Tung bụi đường.

Lời bình của Nguyễn Thị Phương Anh
 
        Tôi biết đến Dư Thị Hoàn khi có người bạn gái cho tôi xem một thi phẩm của chị. Bài thơ “ Đi lễ chùa” (1987)
Đã từng đọc không ít những sang tác viết về người phụ nữ, nhưng “Đi lễ chùa” của Dư Thị Hoàn vẫn để lại trong tôi một cảm giác đặc biệt. Vừa lạ lẫm, vừa như có điều gì đó day dứt khôn nguôi.
Trước tiên có lẽ là điều "tưởng vậy mà không phải là vậy" khi đối chiếu nhan đề với nội dung bài thơ. Đọc tên bài "Đi lễ chùa", tôi nghĩ tác giả sẽ xoay quanh cảm nhận về tấm lòng Thiền, về mối quan hệ Đạo- Đời, hay những điều khuyên răn có tính luân lý, giáo dục mang đậm tín ngưỡng đạo Phật. Nhưng không phải. "Đi lễ chùa" chỉ là nêu một "tình huống" để năm người phụ nữ cùng ngồi một chuyến xe trên con đường trần bụi. Họ nói với nhau về nỗi khổ của người đàn bà mà có lẽ vì nó mà hôm nay họ cùng nhau mang theo đồ vật tế lễ hành hương về cõi Phật.
Tiếp theo, là ở chất tự tự tràn ngập bề nổi bài thơ. Đọc thơ mà như đang nghe một câu chuyện. Có sự việc, nhân vật và lời thoại. Điệu thơ không giống như thông thường. Có sự trúc trắc gập ghềnh của nhịp, mơ hồ về gieo vần, cũng chẳng dụng công về nghệ thuật ngôn từ…Nó giống như “thấy đâu nói đấy” vậy. Nhưng người đọc vẫn nhận ra một sự sắp xếp đầy ẩn ý của một tay viết khá già dặn. Từ đó thức ngộ chất triết lí sâu sắc ẩn chứa trong thi phẩm.
“Đi lễ chùa” là một hành vi tín ngưỡng đã có từ rất lâu trong đời sống tâm linh người Việt. Thông thường, người ta mang theo đồ lễ, mang theo cả những nỗi niềm, điều ước nguyện. Ai cũng muốn được Đức Phật phù hộ độ trì cho mình và gia đình được khỏe mạnh, vui sướng, được thoát khỏi sự tội nghiệp, vô phúc, bất hạnh và tuyệt vọng. Năm người phụ nữ hành hương về cõi Phật không chỉ có "vật tế lễ" mà còn nặng đeo cả những sầu khổ của kiếp đàn bà. Năm người, mỗi người trong số đó trầm tư nghĩ suy về một nỗi đau mà có lẽ chính họ đang phải gánh chịu...
"Người thứ nhất thở dài:
Tội nghiệp nhất người đàn bà không chồng!"
Một tiếng thở dài thôi mà sao có cảm giác như là hệ quả của cả một quá trình chiêm nghiệm, từng trải về một điều bị coi là “phận hẩm duyên ôi” đáng thương của người phụ nữ. Đó là “đàn bà không chồng”. Bất kỳ người con gái nào, khi trưởng thành, đều mong muốn có một tấm chồng. Để làm gì? Để có một gia đình riêng theo đúng nghĩa. Để có được thiên chức làm vợ làm mẹ. Để thỏa khát vọng về hạnh phúc lứa đôi…"Đàn bà không chồng như vườn không có hàng rào", "Không chồng không chốn tựa nương/ Như nhà không nóc, như giường không thang”. Nỗi cô quạnh của người đàn bà không chồng đã trở thành niềm đau trong không ít những áng văn thơ xưa nay. Thế nên "Tội nghiệp nhất người đàn bà không chồng”…
"Người thứ hai chép miệng:
Vô phúc nhất người đàn bà không con”
Cuộc sống của người đàn bà gắn liền với gia đình, chồng con. Không chồng đã là đáng thương, tội nghiệp, nhưng có chồng mà không con thì thật là vô phúc, đoản hậu. Dường như lời của người đàn bà thứ nhất khơi nguồn cho nỗi đau bấy lâu âm ỉ nhức nhối trong người đàn bà thứ hai lên tiếng. Đứa con, đối với người mẹ là máu thịt, là sự tiếp nối cuộc sống, là niềm vui thời trẻ, là hạnh phúc khi tuổi về già. Nếu cuộc đời không cho họ quyền làm vợ với một tấm chồng thì đứa con sẽ là sự bù đắp, để họ được yêu thương, chăm sóc, nuôi dạy và được thấy con khôn lớn trưởng thành. Đứa con luôn là niềm hạnh phúc lớn lao của người mẹ. Vậy nên "Vô phúc nhất người đàn bà không con!" .
Đến người thứ ba. Một tiếng “cười buông”. Khó hiểu mà quặn thắt trong từng câu chữ: "Bất hạnh nhất người đàn bà không khóc nổi trước mặt chồng”. Có người nói: Nước mắt luôn sẵn có trong người đàn bà. Cũng phải! Bởi phụ nữ vốn dễ xúc động và mau nước mắt. Buồn họ khóc, vui quá cũng khóc, họ khóc cho mình, khóc cho con, khóc cho người... Nước mắt là sự bộc lộ cảm xúc, mà người đầu tiên họ chia sẻ đó là người “đầu gối tay ấp” của mình. Và hạnh phúc biết bao khi có được sự đồng điệu, cảm thông, thấu hiểu, được tựa vào bờ vai ấm áp với những lời cổ vũ động viên hay vỗ về an ủi của người chồng. Vậy mà có những người đàn bà không khóc nổi trước mặt chồng. Sao vậy? Phải chăng người gọi là chồng ấy, với người đàn bà không còn là chỗ dựa về tinh thần nữa. Anh ta vô cảm, thơ ơ, lạnh lùng. Để rồi trải qua năm tháng khóc thầm một mình, chị đã không còn nhu cầu tìm đến chồng để giãi bày, sẻ chia, ngay cả lúc đau buồn nhất. Trước anh ta, chị không khóc nổi. Nước mắt chảy ngược cắt cứa trong tim. Tiếng“cười buông” là sự biến thái của tiếng khóc. Khi không khóc được, người đàn bà buông tiếng cười. Đó là tiếng cười sau bao từng trải chợt nhận ra một điều mỉa mai, trớ trêu: Không chồng thì đáng thương đấy, nhưng có chồng mà như sống bên gỗ đá thì không chỉ tội nghiệp mà còn là nỗi bất hạnh nhất, nó phủ bóng đen tối lên suốt cuộc đời của người phụ nữ… Tác giả đã đi vào phần bên trong sâu kín của người đàn bà. Nhìn bề ngoài, họ có chồng có con, có gia đình vậy mà lại phải chịu nỗi xót xa đau khổ, và đáng sợ hơn, có thể tới mức chính họ rồi cũng cạn kiệt mọi trạng thái cảm xúc…
"Người thứ tư điềm đạm:
Tuyệt vọng nhất người đàn bà không cười được khi thấy con!"
Người đàn bà thứ tư không thở dài, không chép miệng, không cười buông mà với một thái độ "điềm đạm”. Chị nói về nỗi tuyệt vọng nhất của người phụ nữ là không cười được khi thấy con của mình. Có con là có phúc. Không có con là "vô phúc nhất". Với một người mẹ, con là hi vọng, là hạnh phúc, là tương lai. Mẹ có thể hi sinh tất cả vì con. Thế nhưng người mẹ lại "không cười được khi thấy con". Đọc đến đây, tôi có cảm giác rùng mình ớn lạnh hình dung đứa con trước mắt người mẹ. Có thể nó đã không được mang hình hài bình thường của con người lúc sinh ra; có thể nó không may mắn được sống vì ốm đau, vì tai nạn; có thể nó phát triển thành một kẻ hư đốn, quái đản, ra tay hành hạ chính người đã sinh ra nó…Vì thế, đứa con đã thành nỗi tuyệt vọng tột cùng của người mẹ mất rồi, làm sao có thể cười được khi đối mặt với nó? Dường như đã có sự "tôi luyện" bao nỗi đau đớn, để kết vón thành khối sạn chai trong tâm hồn người mẹ, rồi bộc lộ thành vẻ "điềm đạm" lạnh buốt kia...
Bốn người đàn bà với bốn tâm trạng, bốn nỗi đau. Cách biểu hiện đi từ động hoạt bên ngoài đến sự khép kín tâm sự bên trong (thở dài, chép miệng, cười buông, điềm đạm). Những nỗi đau được sắp xếp theo trình tự tăng tiến: tội nghiệp, vô phúc, bất hạnh, tuyệt vọng. Tất cả đều xoay quanh chuyện chồng con vốn là những yếu tố quan trọng làm nên sướng khổ của người đàn bà. Cái trớ trêu là dù có chồng có con hay không chồng không con… những người đàn bà đó đều phải chịu nỗi bất hạnh. Phải chăng Dư Thị Hoàn đã cố ý không nói đến niềm vui, niềm hạnh phúc, để tô đậm hơn nỗi đớn đau của người phụ nữ, từ đó rút ra điều chiêm nghiệm thấm thía: Phận đàn bà vốn xưa nay/ Khổ đau chồng chất, rủi may khôn lường...
Người đàn bà cuối cùng trên xe ngựa, người thứ năm. Từ nãy giờ chị ngồi nghe bốn người kia nói. Không đồng tình hay phản đối, không chen ngang góp lời hay an ủi sẻ chia… Chị chỉ cất lên tiếng ngắn ngủi, hướng gửi vào chốn thâm nghiêm cao vời: "Mô Phật". Chị không nói đến một nỗi bất hạnh cụ thể nào như bốn người kia, song lại như nói được rất nhiều. Phải chăng có sự chất chứa dồn trút tất cả nỗi tội nghiệp nhất, vô phúc nhất, bất hạnh nhất và tuyệt vọng nhất, để ứ nghẹn không thể thốt thành lời. Còn gì đau đớn hơn khi ta không thể nói về nỗi đau của mình? Và hơn cả nỗi đau đó, khi nhận ra: Chẳng thể trông đợi sự giải thoát ở thế gian này. Chỉ có hi vọng ở cõi Phật, trông đợi sự siêu thoát. Mô phật!
Đến đây có thể dừng khép câu chuyện “Đi lễ chùa” của năm người phụ nữ. Họ đi từ nỗi đau sóng gió của kiếp đàn bà để rồi nén lòng, tĩnh tại trước khi tới cửa Phật… Nhưng, ngay cả người đọc cũng giật mình, như bừng tỉnh, bởi liên tiếp hành động mạnh của lão xà ích trong những câu cuối của bài thơ:
"Lão xà ích giật dây cương.
Roi quất.
Tung bụi đường”
Người thứ sáu xuất hiện. Không nói, chỉ hành động. Lão là ai? Một người chồng? Một người cha? Một người con? Lão có nghe tất cả lời của năm người đàn bà? Có cảm thấu được bi kịch của họ? Sao lão không tiếp tục để vó ngựa gõ đều trên đường ru dịu nỗi đau cho họ trước khi vào đến cửa chùa? Có phải lão muốn thúc ngựa chạy nhanh hơn cho họ sớm kêu cầu vợi bớt nỗi đau? Hay có phải chính lão muốn cho những người đàn bà kia hiểu rằng con đường họ đang đi, cho dù là đi lễ Phật vẫn chỉ là con đường trần bụi của thế gian? Nơi họ đang đến kia, với họ chỉ là cõi vô minh mờ ảo, còn hiện tại mới là cái hữu hình với muôn trải khổ sầu, cho dù muốn giải thoát vẫn không thể ra khỏi vòng cương tỏa của nó? Hình ảnh "giật dây cương", "roi quất", "tung bụi đường" là biểu tượng của hiện thực khắc nghiệt, tàn nhẫn, là điều tường minh trong cuộc sống mà những người đàn bà phải hiểu, phải đối mặt, phải sống và vượt qua tất cả.
       Lấy nhan đề là "Đi lễ chùa", nhưng kết thúc bài thơ lại không phải là một ngôi chùa nào đó. Vẫn là năm người đàn bà trên đường tung phủ bụi. Chiếc xe ngựa gợi nghĩ đến vòng chảy luân hồi của cuộc đời, dù nhanh hay chậm nhưng nó vẫn đi theo con đường mà tạo hóa ban định. Chốn chùa chiền trở thành xa xôi, vô định, như chính điều ước nguyện được thoát khỏi nỗi khổ trần ai, được sống trong bình yên thanh thản của muôn triệu phụ nữ trên thế gian này.
Bài thơ "Đi lễ chùa" của Dư Thị Hoàn đã để lại trong tôi nỗi ám ảnh chua xót về kiếp phận hồng nhan:
“Đau đớn thay, phận đàn bà”
Sống trong bể khổ sao mà cực thân.
Cầu xin rũ bỏ bụi trần.
Mà sao chẳng thoát trầm luân kiếp người.
 
Ngày 03/12/2015

Nguồn tin: bài HNV

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây