Hội nhà văn Hà Nội

https://nhavanhanoi.vn


Gợi mở một triết học phồn sinh

Gợi mở một triết học phồn sinh
TS. Triết học Hồ Bá Thâm
Trường ca Phồn Sinh của nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu được Nhà xuất bản Hội Nhà văn in năm 2018. Phồn Sinh thực sự là một hiện tượng văn học cá biệt. Đến nay đã có hàng chục bài viết về trường ca này được công bố. Đồng thời cũng đã có một số luận văn thạc sĩ, khóa luận cử nhân lấy trường ca này làm đối tượng nghiên cứu và đã bảo vệ thành công. Viết về bản trường ca này, các tác giả chủ yếu bàn về các khía cạnh văn chương của Phồn Sinh. Cũng đã có tác giả đề cập đến những khía cạnh nội dung tư tưởng của tác phẩm. Trong bài này, tôi tiếp cận trường ca Phồn Sinh dưới góc độ triết học. Và, tôi muốn luận chứng rằng ở trường ca đồ sộ này tác giả đã đề xuất một Triết học Phồn sinh.

            Với trường ca Phồn Sinh của tác giả Nguyễn Linh Khiếu, đã có nhiều độc giả yêu mến đọc kỹ, bình luận về mặt nội dung tư tưởng và nghệ thuật thi ca. Trong đó không ít bài cũng đã cảm nhận và bình luận khái quát về mặt triết lý của Phồn sinh. Nhưng với tôi khi đọc thưởng thức và cảm nhận trường ca Phồn Sinh, tôi thiên về mặt nhận thức bước đầu về triết học Phồn sinh: tác phẩm đã gợi mở một triết học Phồn sinh (một dạng triết học về sự sống, sự sinh tồn, cũng là một dạng của triết học nhân văn mới(2))! Triết học này vừa kế thừa, vừa tích hợp vừa khai sáng vừa phát triển các triết thuyết triết học đã có và tạo nên dấu ấn đặc sắc riêng!

Tôi thấy đối với trường ca Phồn Sinh rất cần nghiên cứu, thảo luận về mặt triết học! Xin có vài nhận xét bước đầu sau đây:

1 - Tiếp nối và phát triển không chỉ truyền thống văn hóa phồn thực, triết lý sinh tồn

Đã có những nghiên cứu triết học về sinh học, triết học đời sống hay nói chung là triết học về sự sinh tồn (triết học sinh tồn). Triết học sinh tồn hay khiêm tốn hơn là triết lý sinh tồn cũng có nhiều dạng thức. Có thể tồn tại phát triển dưới dạng văn hóa dân gian (triết lý phồn thực mà hình ảnh tập trung nhất là triết lý về cái bộ phận sinh dục đực cái có tính cội nguồn sinh sản của muôn loài, nhất là loài người); hoặc có thể tồn tại dưới dạng trường ca hay tiểu thuyết, hoặc dưới dạng lý luận, khoa học, hay tín ngưỡng, tôn giáo!

Nhưng việc tiếp cận, xây dựng và thể hiện một triết lý, một triết học về sự sống, sự sinh tồn của giới hữu sinh từ chiều sâu sự sống bao gồm cả con người, loài người, tự nhiên và xã hội gắn với sự tổng kết khoa học, tổng kết có tầm văn hóa của nhân loại và của dân tộc ta thì còn là một việc mới chưa được nêu ra có hệ thống. Phải chăng là như vậy?

Có thể biện luận, nghiên cứu dưới dạng khoa học, học thuật, lý thuyết hay ứng dụng thực hành văn hóa, nhưng cũng có thể thể hiện dưới một dạng thức văn học, tiểu thuyết hay trường ca điều mà trong văn hóa truyền thống đông tây cũng đã có tiền lệ (như các tiểu thuyết hiện sinh(3), hay phân tâm học...).

Tiếp nối và phát triển truyền thống văn hóa phồn thực và với tâm thức, văn hóa triết học, tôn giáo xưa nay, nhà thơ, nhà nghiên cứu triết học Nguyễn Linh Khiếu đã cho ra mắt Trường ca Phồn Sinh hơn 700 trang sách khổ 16x24 nhằm qua đó thể hiện và gửi gắm một hình thức triết lý hay triết học Phồn sinh có tính đạo học rất phong phú nhiều tầng nhiều chiều cạnh.

Ta thấy Nguyễn Linh Khiếu đã chắt lọc kế thừa, minh định lại nhiều tư tưởng triết học, triết lý tôn giáo đông tây, tổng tích hợp chúng vào một hệ thống trên nền tảng triết lý phồn sinh để hình thành nên một triết học Phồn sinh và một “Phồn sinh giáo”, dù là có tính gợi mở bước đầu, dưới dạng trường ca!

Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu là một phó giáo sư, tiến sĩ triết học một người có một nền tảng hiểu biết triết học đông tây cổ kim khá vững chắc, lại có năng khiếu và năng lực thi ca dồi dào. Ông đã viết một số trường ca đặc biệt là trường ca Phồn Sinh với thể thơ văn xuôi. Trường ca đã tự do tung hứng không chỉ mang tính trữ tình ca ngợi tình yêu tình dục đực cái trống mái trai gái trong sự sống muôn loài, trong đó trọng tâm và cao nhất là loài người, tộc người mà còn là những dòng thơ, dòng chính văn thẫm đẫm tư duy triết học.

Những dòng thơ dòng văn chính luận và trữ tình đan xen nhau làm một, thể hiện tư tưởng, triết lý, phép biện chứng của Phồn sinh, của sự sống muôn loài và của dân tộc Việt Nam từ cái nôi dòng sông Hồng - dòng sông Hồng dòng sông Hồng định danh đất nước dòng sông Hồng định danh quốc gia, dòng sông Hồng định danh Tổ quốc định hình bản sắc! (tr. 145-146).

Qua trường ca Phồn Sinh dưới hình thức diễn ngôn của thơ văn xuôi vô cùng sinh động đầy nhịp diệu, nhiều chiều, nhiều cấp độ, vừa hết sức cụ thể đời thường, vừa hết sức thăng hoa, cao quý, thần thánh; vừa tục vừa thanh bằng sự hiểu biết, trải nghiệm của ông. Ông đã khám phá và thể hiện một phép biện chứng phồn thực, phồn sinh, hay có thể nói ông đã gợi mở một triết học Phồn sinh, làm sâu sắc quan niệm triết học về sự sống, về sự sinh tồn, sự sinh trưởng từ cá thể, cá nhân, tình yêu, hôn nhân, gia đình, dân tộc, giai tầng, đất nước, quốc gia, nhân loại, vũ trụ.

Sự sống sự sinh tồn trong trường ca Phồn Sinh không dừng lại ở sinh tồn sinh học dù nó là khởi nguồn mà đã mở rộng ra các biên độ xã hội, văn hóa, chính trị như là những vòng khâu những cấp độ những nhân tố của sự phồn sinh, sự sinh tồn cộng đồng, dân tộc, quốc gia, nhân loại...

Trường ca Phồn Sinh đã làm mới nhiều khái niệm và bản chất của đời sống, nâng lên một vị thế mới và được đẩy tới giới hạn từ góc độ sinh tồn, sinh trưởng đến tự do... Chẳng hạn, tự nhiên không chỉ truyền giống mà còn hơn thế nữa mà còn là tất cả các chiều cạnh sinh sống của muôn loài - trên thế giới này không có hành vi nào vĩ đại bằng hành vi truyền giống, (tr. 45- 46) mà còn tự do - không có tự do nghĩa là không có con người (tr. 54-56), dân chủ là hồn vía của muôn loài (tr. 69), giải phóng là bản năng giải phóng là lẽ sống, giải phóng là bản chất của sự sống (tr. 96) v.v..

Ông đã hóa thân, nhân cách hóa cái tôi trở thành nhân vật trung tâm của trường ca (Ta và Nàng). Ông là nhà thơ của thời đại mình (tr. 9), là triết gia của thời kỳ biến đổi (tr. 13), một giáo chủ của xứ sở phồn sinh, giáo chủ của mọi giáo chủ. Thơ thì bay bỗng và triết lý thì thẳm sâu.... Và, giáo chủ thì hùng biện, thu hút, cuốn hút người nghe, đồng cảm đồng điệu với người nghe mà người nghe là giáo chủ của chính mình. Muôn loài là giáo chủ của chính mình. Giáo chủ đang giảng đạo, truyền đạo, thuyết giảng, thu phục, thu hút lòng người với cái giọng nghệ sĩ, nắm chắc tâm lý và biết sử dụng nhuần nhuyễn ngôn từ, nhạc điệu câu văn câu thơ với hình ảnh, sự kiện vừa quen thuộc dân dã, dân gian vừa cao sang cao siêu khoa học vừa như thần thoại dân ca vừa như triết thuyết, vừa đời thường vừa chính trị xã hội, vừa tục vừa thanh. Với nhịp điệu lên bổng xuống trầm, khi ngắn, rất ngắn khi dài, rất dài, du dương, vần điệu lặp lại nhấn nhá, điệp khúc thu hút say mê lòng người của một nghệ sỹ (lên đồng) như múa như hát, một thi sĩ thăng hoa tự giãi bày, một nhà văn, một nhà tâm lý thủ thỉ, một giáo chủ “truyền đạo” đầy nhiệt huyết, một triết gia thông thái luận giải, biểu đạt một cách hệ thống, đa chiều, đa nhịp điệu và sống động...

2 - Cái nhìn so sánh và thực chất Phồn sinh

Chúng ta biết rằng cũng chủ đề trống mái tình dục tình yêu nhân bản, nhân sinh nhân tình thế thái nhưng ở Hồ Xuân Hương hay cả trong thơ ca dân gian chủ yếu là mô tả hài hước độc đáo đầy ẩn dụ và nhằm chế diễu thói hư tật xấu ở đời trong cái xã hội phong kiến quan lại nhiễu nhương tù túng giam hãm con người.

Còn triết học hiện sinh thì nghiêng về đời sống tâm lý cá nhân và nghiêng về đời sống phi lý tính, mâu thuẫn nan giải... để tìm tự do cá nhân và ý nghĩa cuộc sống... nên họ “quan tâm đến các vấn đề hiện sinh như sự lo âu, phi lý, tính đích thực, sự tuyệt vọng, ý nghĩa sống và con người cá nhân”(4). Những người mặc dù khác nhau về học thuyết hiện sinh nhưng có chung niềm tin rằng tư duy triết học xuất phát từ chủ thể cá nhân con người - không chỉ đơn thuần là chủ thể tư duy, mà còn là chủ thể hành động, cảm nhận, và sống. Trong khi giá trị được nhìn nhận phổ biến của tư tưởng hiện sinh là sự tự do, tiêu chuẩn đạo đức hàng đầu của nó là sự đích thực (authenticity). Trong góc nhìn của các nhà hiện sinh, xuất phát điểm của con người cá nhân được đặc tả bởi "thái độ hiện sinh" (the existential attitude), hay một tình trạng mất định hướng, bối rối hoặc kinh sợ khi đối diện với một thế giới có vẻ như vô nghĩa hay phi lý (absurd). Nhiều nhà hiện sinh cho rằng triết học hàn lâm hay triết học mang tính hệ thống truyền thống, về hình thức cũng như về nội dung, đã lỗi thời không trả lời được những nan đề mà cuộc sống hiện đại đang đặt ra(5).

Sở dĩ được gọi là chủ nghĩa hiện sinh là vì chủ nghĩa này nhấn mạnh rằng đời sống nhân loại chỉ có thể hiểu được thông qua sự hiện sinh của cá nhân, tức là thông qua kinh nghiệm riêng biệt của anh ta về cuộc đời. Người ta sống, chứ không phải tồn tại, trong mỗi phút giây, và kinh nghiệm về cuộc sống của mỗi người luôn có tính chất độc đáo, khác biệt hoàn toàn với kinh nghiệm của mọi người, và chỉ có thể được hiểu đúng thông qua sự dấn thân của anh ta vào cuộc sống. Chủ nghĩa hiện sinh chối bỏ quan điểm về khuôn mẫu lý tưởng của Con Người viết hoa, hoặc của nhân loại, trong đó mỗi người chỉ là một hình ảnh của con người phổ quát(6).

Còn triết học đời sống dù có biến thể khác nhau nhưng luận điểm tiêu biểu của "triết học đời sống" cho rằng, con người bị xui khiến không phải bởi những động cơ duy lý mà bởi sức mạnh có nguồn gốc sinh học. Vì vậy, không phải ý thức, tinh thần và lý trí quyết định bản chất con người, mà là đời sống vô thức trước hết là bạo hành, là bản năng của một con thú có sức mạnh tràn trề, tối tăm, hỗn loạn muốn cấu xé tung hoành, gây chết chóc. Do áp lực của bạo hành mà con người tìm được chân lý và trở thành con người sáng tạo. Con người là con vật chưa được xác định, suy thoái về mặt sinh học, không thích ứng với sự tồn tại động vật, do đó nó mở cho bất kỳ khả năng nào khác(7).

Còn triết học phồn sinh là gì? Trước hết cần nhận thấy trọng tâm và thông điệp chính của Phồn sinh nói lên điều gì?

Trần Thị Quỳnh Trang, Đại học Huế nhận xét rất đúng rằng: Có một điều bất ngờ là, cái đích cao cả của văn hóa, văn minh từ xưa đến nay vẫn được quan niệm là phải tiết chế những bản năng nhục dục, mù lòa tăm tối tự nhiên của con người. Do đó, các tôn giáo, các triết thuyết xã hội đều tự cho mình cái sứ mệnh cao cả là cứu giúp cho loài người tiết dục, diệt dục bằng các thiết chế xã hội, bằng các hệ thống chuẩn mực đạo đức (Kitô giáo, Hồi giáo, Nho giáo, Phật giáo…). Thế nhưng, với trường ca Phồn Sinh, nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu lại muốn dùng sự tự do phồn sinh của muôn loài để chuyển đến cho loài người thông điệp về sự tự do phóng dục mà theo ông đó là bản chất của mọi bản chất sinh tồn tự nhiên của muôn loài. Ông quan niệm để muôn loài tồn tại được thì trước hết cái cơ thể tự nhiên với đời sống bản năng của nó phải tồn tại, phải sinh sôi nảy nở, còn văn hóa, đạo đức, tôn giáo chỉ là cái phái sinh trên cơ tầng căn bản là cơ thể tự nhiên(8).

Từ đó ta thấy khái niệm hay quan niệm Phồn sinh trong trường ca Phồn SinhSinh là sinh dục, sinh hoạt, sinh sản, sinh sôi, sinh nở, sinh sống, sinh tồn, sinh trưởng, sinh thành, sinh tử... và Phồn là nhiều, là phức hợp, là đa, đa nhịp đa cảnh, đa tầng, da cấp, đa phương diện, đã nghĩa, đa ý... tất cả trong quan hệ biện chứng thống nhất - đấu tranh - chuyển hóa các mặt đối lập... âm dương... chứ không chỉ hạn chế vài nghĩa như văn hóa truyền thống mà một vài từ điển nêu lên(9). Phồn sinh nói khái quát nhất là cả sự sống hũu hình lẫn sự sống vô hình, sự sống cụ thể, sự sống phong phú, sự sống vô cùng, sự sống bất diệt...(10). Và, Nguyễn Linh Khiếu cũng cảm thức và mở rộng nội hàm những khái niệm ấy thiên về góc nhìn, hơi thở triết học hay minh triết hoặc nâng lên nội dung, ý nghĩa triết học hay minh triết của khái niệm, phạm trù Phồn sinh! Phồn sinh còn có tính đạo học và mỹ học!

Ở trang 687-688 theo tác giả Nguyễn Linh Khiếu quan niệm, cảm thức về khởi nguồn sự sống, phồn sinh một quá trình, tiến trình, có tính chu kỳ, tiến hóa, sinh thành hoại diệt lại sinh thành. Rằng, phồn sinh là sáng tạo phồn sinh là khởi thủy phồn sinh là liên tục/ phồn sinh là hành trình phồn sinh là 0 và l phồn sinh là đực và cái phồn sinh là trồng và mái phồn sinh là sáng và tối phồn sinh là đêm và ngày phồn sinh trời và đất...

Và ở trang 699, tác giả lại hát: phồn sinh là bài ca của thế giới đang hoàn mỹ giai điệu sinh nở/ phồn sinh là ngôn ngữ dịu dàng hiếu sinh/ phồn sinh là âm vang tĩnh lặng vĩnh hằng/ phồn sinh là giai điệu du dương bất tử/ phồn sinh sắc màu lá non tinh khiết...

Phồn Sinh nói về dòng chính của vũ trụ hữu sinh, có bản năng và tự ý thức nhưng không bị bản năng hóa, phi lý hóa hoặc duy lý hóa mà hài hòa theo hướng trội tự ý thức... Phồn sinh dù có sinh có diệt, có tiến có thoái có đen có trắng, có mất có còn có thiện có ác... nhưng luôn là cái nhìn lạc quan về phía trước như một xu hướng tất yếu, không bi quan yếm thế...

Triết học phồn sinh như thế dù có phảng phát của triết học hiện sinh hay triết học đời sống hay triết lý dân gian phồn thực, hay tinh thần duy vật biện chứng - lịch sử - nhân văn nhưng nó rất khác biệt, có tính tổng tích hợp cao nếu có thể nói như vậy, sẽ có chỗ đứng riêng trong kho tàng triết học và minh triết.

3 - Con người trước hết là một thực thể sinh sản, thực thể sinh thái, đó là trung tâm của Phồn sinh

Bên cạnh loài người, con người, tác giả mô tả nhiều về giới sinh vật như hai mặt của đời sống tự nhiên - xã hội, sinh học - văn hóa, tiểu vũ trụ và đại vũ trụ, tìm ra nhiều cái chung, tính qui luật chung.

Ông kể, ông triết lý, ông đối thoại, tự luận, phản biện, luận bàn, ca hát về sự sống, sự sinh tồn từ đực cái, tình dục - tình yêu, sinh - thành - hoại - diệt, diệt - sinh - thành..., từ thiện ác chính tà, từ trắng đen, từ cao thượng thấp hèn... Rồi từ một thành nhiều và nhiều hợp một, thống nhất và khác biệt, đấu tranh sinh sản sinh sôi... Và vạn vật tự sống, tự sinh, nảy nở...

Tác giả tự kể, tự làm thơ, tự hát ca, tự triết lý, tự vấn chính mình: Sự sống, đực cái, gái trai, giao phối, tình dục - tình yêu, sinh tồn, sinh nở, chuyển hóa, hội nhập, phân chia, thăng hoa hợp một... sinh diệt diệt sinh, phá hoại và sáng tạo, có hạn và vô cùng vô tận... Đó là phồn sinh...

Áp bức và đấu tranh, chiến tranh và hòa bình, đàn áp, giam cầm, kìm nén và giải phóng, nô lệ và tự do, độc tài và dân chủ, thiện và ác, hèn nhát và bất khuất, ỉ lại và tư chủ, bất hạnh và hạnh phúc... Đó cũng là phồn sinh...

Phồn sinh với Nguyễn Linh Khiếu đã mở rộng biên độ về nội hàm, nội dung của khái niệm và xác lập vị trí gốc gác nền tảng và như một giá trị cao của mọi giá trị, mọi sự nghiệp, mọi sinh mệnh khi tôn vinh khái niệm Sinh sản.

Xuyên suốt trường ca Phồn Sinh cũng là của triết học Phồn sinh này là phép biện chứng của sự sinh tồn mà hạt nhân là sinh sản - truyền sinh... Tác giả đặc biệt đề cao vai trò, ý nghĩa của sinh sản - truyền sinh. Nếu chỉ là sinh sản có thể người cho chỉ hiểu về mặt sinh học, nhưng sinh sản - truyền sinh thì không còn là sinh học nữa mà là sự sống, sức sống, đời sống, sinh sống.

sinh sản là giá trị của mọi giá trị/ sinh sản là sự nghiệp của mọi sự nghiệp/ sinh sản đó là thiên mệnh duy nhất/ sinh sản là hành vi cuối cùng (tr. 679).

con người chỉ là con người khi con người là một thực thể sinh sản (tr. 679).

Rõ ràng, sinh sản ở đây vừa theo nghĩa hẹp sinh học vừa theo nghĩa rộng xã hội, văn hóa và nghĩa triết học chung nhất là tạo ra, tăng trưởng, phát triển... trong hàm nghĩa truyền sinh.

Ta biết rằng con người là một thực thể tự nhiên - xã hội mà cốt lõi là thực thể sáng tạo, thực thể lao động sản xuất, thực thể văn hóa... (theo quan niệm của chủ nghĩa Mác). Nhưng ở đây Nguyễn Linh Khiếu đã đưa ra một định nghĩa con người thực thể sinh sản mà theo nghĩa hẹp là mang tính tự nhiên sinh học còn nghĩa rộng là mang tính xã hội văn hóa trong ý nghĩa truyền sinh.

Ta biết rằng C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng điểm xuất phát của hai ông về mặt triết học của mình là con người hoạt động thực tiễn mà trọng tâm là lao động sản xuất. Con người sản xuất và tái sản xuất có hai loại, một là sản xuất ra sản phẩm tiêu dùng, hai là sản xuất ra con người, sản sinh nòi giống. Xuất phát từ loại sản xuất ra sản phẩm tiêu dùng... với con người xã hội tạo dựng nên xã hội - hình thái kinh tế - xã hội trong tiến trình lịch sử (triết học duy vật lịch sử/ triết học xã hội). Còn loại sản xuất ra con người duy trì nòi giống (sinh sản) thì về mặt triết học chưa được phát triển như một triết học sinh vật học xã hội, dù đã có những quan niệm dân gian phổ biến về phồn thực...

Nguyễn Linh Khiếu đã dũng cảm đi khai phá hướng này và xem xét khái niệm sinh sản - truyền sinh, một khái niệm cơ bản của Phồn sinh như bản chất chung cho sự sống, cho thế giới hữu sinh... trong đó có con người, loài người. Và cho rằng, con người - thực thể sinh sản là khái niệm nền tảng của triết học phồn sinh. Con người sinh học có trước con người xã hội. Mà sống hay sự sống, phồn sinh thì gồm cả mặt sinh học và xã hội... Qua luận giải của mình khi xây dựng triết học Phồn sinh với hạt nhân là sinh sản ông muốn đi sâu khám phá cái cơ tầng gốc rễ của chất sống, sự sống, của đời sống, của tự nhiên, xã hội, của thế giới và mối quan hệ biện chứng tương tác lẫn nhau không thể tách rời giữa cái sinh học và cái xã hội, cái bản năng và cái tinh thần, cái tự nhiên và cái văn hóa, cái vô thức và ý thức trong sự tồn tại và sinh sống của muôn loài. Qua đây ông cho thấy chính sự thiên lệch của các quan niệm triết học xưa nay khi đề cao cái sinh học, khi đề cao cái xã hội, khi đề cao con người khi đề cao tự nhiên đã tỏ ra bất lực khi lý giải mối quan hệ giữa tự nhiên và xã hội, giữa tự nhiên và con người, giữa đời sống bản năng và thế giới tinh thần, giữa cá nhân và cộng đồng trong bối cảnh hiện nay.

Và, "không có gi bằng được sống một cuộc sống bình thường''.

Ta biết Tuyên ngôn Độc lâp của Hoa Kỳ trước hết nói về quyền được sống rồi tiếp theo là quyền bình đẳng và quyền mưu cầu hạnh phúc. Nhưng chúng ta đã bao giờ nghiên cứu có hệ thống vấn đề SỐNG, sự sống, sinh sống, quyền được sống một cách tường minh có ý thức chứ không chỉ là thực hành một cách bản năng, vô thức, nhưng không nên coi nhẹ coi khinh bản năng sinh tồn vô thức. Trong trường ca Phồn Sinh, Nguyễn Linh Khiếu đã dám nghĩ hơn trong việc phát triển vấn đề bản năng, nhất là bản năng gốc, bản năng sống, duy trì nói giống, sinh tồn, phồn sinh và nâng lên gắn với bản năng có ý thức, bản năng xã hội.

Với Phồn Sinh thì Sống và sinh trưởng, sống là sinh trưởng là khái niệm/ phạm trù bao trùm chăng? Sống là trao đổi chất, sống là hấp thụ và thải ra, sống là một quá trình năng lượng và thông tin, sống là sáng tạo, cống hiến và hưởng thụ, nhưng gốc của sự sống là tình dục và tình yêu, sống là yêu ghét, là đố kị và bao dung... sống là sinh sôi nảy lộc và kết trái, sống là sinh thành hoại diệt, diệt hoại lại sinh thành... Sống là trái ngược với chết, sinh trưởng trái ngược với tàn lụi. Sống là sáng tạo và sinh thành và tuần hoàn sinh thành hoại diệt lại sinh thành... một cách biện chứng có quy luật...

Nhưng khái niệm xuất phát của triết học phồn sinh là đực và cái là trống và mái, trai và gái, là sáng và tối là đêm và ngày trời và đất... trong sự đồng nhất (hôn nhau) giữa các mặt đối lập... Tác giả bàn về sự khác biệt và thống nhất, tạo nên sự gặp gỡ, tồn tại và phồn sinh, “không có sự khác biệt là nghèo nàn và bất hạnh” (tr. 514, 515). Càng khác biệt càng đa dạng. Đa mà Một!

Tác giả luận về nhiều sự khác biệt và thống nhất cả trong tự nhiên và xã hội. Trong đó có nhiều mâu thuẫn - thống nhất. Mà áp chế, dồn nèn và giải phóng là một cặp (tr. 96). Ông coi giải phóng là bản chất sự sinh tồn là bản chất sự sống và giảỉ phóng vĩ đại nhất là giải phóng năng lượng tình yêu, tình dục từ ta sang nàng từ nàng sang ta (tr. 98)... Đó cũng là bản chất của sự sống! Nhưng giải phóng còn nhiều cấp độ nội dung nữa!

Tác giả biểu cảm về chiến tranh và hòa bình, về độc tài và dân chủ, về nô lệ và tự do, về thiện và ác... thật sinh động!

Nhưng phương thức, phương pháp của tự nhiên, của sự sống là gì? Nguyễn Linh Khiếu luận rằng: 'Đó là tiết kiệm mà tiết kiệm là quy luật tồn tại muôn đời, tiết kiệm là một sự tồn tại, một sự tối ưu hóa và sống thông minh'... (tr. 336-337). Tiết kiệm là đối lập với lãng phí mà lãng phí rồi tàn suy, chết. Sống là tiết kiệm. Sống là sáng tạo mà sáng tạo là tiết kiệm nhất.

Vậy triết học Phồn sinh trước hết là triết học sinh sản, triết học sống, triết học làm nên cội nguồn của tồn tại... và phát triển muôn loài mà loài người là trung tâm, cao nhất từ góc nhìn sinh học - sinh vật - xã hội - văn hóa.

Sinh sản là qui luật cơ bản của muôn loài. Không sinh sản là hủy diệt, không sống là số 0... Sống là tất cả. Nhiều là một và một là nhiều trong thế giới sinh tồn đa màu đa thanh đa diện đa cấp đa tình! “Sự sống chẳng bao giờ chán nản” (Xuân Diệu). Sự sống là bất diệt. Nếu bị hủy diệt sự sống lại tái sinh. Dù sao vẫn luôn luôn tin vào sự sống!

Nhưng sự sống cũng là tự do, tự do là bản chất sự sống. Sự sống của con người là quá trình sinh sản, trao đổi chất, quá trình chuyển hóa năng lượng và thông tin, quá trình xã hội hóa và văn hóa hóa, quá trình tâm linh, thống nhất và đấu tranh, đồng nhất và khác biệt... sinh thành hoại diệt, giới hạn và vô hạn, tạm thời và vĩnh hằng từ cá thể cho đến loài... cá nhân đến nhân loại... và vũ trụ vô cùng...

Phồn sinh vừa khái quát ở tầm sinh thái trái đất và nhân loại nhưng Phồn sinh cũng là một vùng đất, vùng sinh thái, vùng văn hóa sống cụ thể là châu thổ Sông Hồng! Cho nên tác giả đã tâm sự thông điệp cụ thể của Phồn sinh như sau: Thông điệp của “Phồn sinh” rất đơn giản. Đó là sự sống bất diệt. Châu thổ sông Hồng là thế giới phồn sinh muôn đời sinh sôi nảy nở. Sức sống của châu thổ sông Hồng cuồn cuộn như sông Hồng mùa lũ dạt dào năng lượng phì nhiêu và màu mỡ. Không ai, không thế lực nào có thể hủy diệt được sự sống của châu thổ sông Hồng. Đã trải qua dù ngàn năm Bắc thuộc, dù trăm năm thực dân đô hộ, dù thù trong giặc ngoài, dù chiến tranh loạn lạc, ngoại xâm, nội chiến, dù chuyên chế, độc tài, phát xít, toàn trị… nhưng không một thế lực nào có thể hủy diệt được sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam. Không thế lực nào có thể hủy diệt được sức sống của con người Việt Nam(11). Đó là sức sống, khát vọng sống của một dân tộc vĩ đại. Đó là một niềm tin. Một sự truyền cảm hứng sống cho con người Việt Nam dù rơi vào hoàn cảnh nào.

Đó là một thông điệp, một tư tưởng cụ thể từ cái riêng từ châu thổ sông Hồng! Nhưng sâu xa hơn, phổ quát hơn thì thông điệp, tư tưởng cơ bản, nền tảng của Phồn sinh theo tôi lại là gợi mở một triết học hay một đạo học Phồn sinh!

4 - Trước hết là khát vọng phồn sinh, triết lý phồn sinh

Không ít người đọc đã cảm nhận và bình luận ít nhiều về điều này!

Không chỉ là tồn tại mà còn là phồn sinh. Đúng như nhận xét của Đỗ Ngọc Yên trong một bài viết: Tư tưởng xuyên suốt trường ca của Nguyễn Linh Khiếu là khát vọng phồn sinh vừa róng riết, vừa thâm hậu. Đến mức, nhu cầu phồn sinh thường trực trong ông còn sục sôi hơn cả nhu cầu tồn tại về khía cạnh bản thể. Trong tư cách là một nhà thơ cách tân và trong tư cách một người nghiên cứu triết học và chính trị học, Nguyễn Linh Khiếu coi tồn tại bản thể chỉ mang ý nghĩa của cái tồn tại ở nấc thang thứ nhất trong tư duy và nhận thức của con người về thế giới vạn vật và vũ trụ bao la. Còn phồn sinh mới chính là nấc thang cao nhất của tồn tại ấy. Ở đấy, cái tồn tại bản thể luôn vận động và phát triển không ngừng nghỉ và luôn tuôn trào sức sống mãnh liệt của lịch sử dân tộc. Nó thực sự là một dòng chảy bất tận cuốn trôi, vượt qua và phủ định một cách biện chứng tất cả những gì cản ngăn để chỉ còn lại sự phồn sinh vĩnh hằng như con người, quê hương, đất nước, giống nòi, nhân loại và vũ trụ. Chính vì lẽ ấy, mà phồn sinh là một quá trình vô thủy, vô chung và luôn biến ảo không ngừng, đầy rẫy sự phức tạp, nhiễu loạn, rắc rối, đa chiều và đa kích, quá khứ, hiện tại, tương lai đan xen, xâm lấn, đồng hiện. Sẽ chẳng bao giờ có tồn tại bản thể nếu như bản thể ấy không đích thực phồn sinh, tức là tồn tại trong tư cách vận động và phát triển biện chứng, chứ không phải tồn tại trong tư thế đứng im, chết cứng, siêu hình máy móc...(12).

Nhận xét của Tiến sĩ Hoàng Thụy Anh: Nếu xem “Phồn sinh” là một tấm gương soi, tôi tin rằng, người đọc sẽ học hỏi được nhiều thứ, ngộ ra ý thức về bản thể, cuộc sống và tình yêu sinh thái. Tôi lấy dẫn chứng về triết luận sống và chết, hữu hạn và vô hạn trong “Phồn sinh”: “cái gì sinh ra rồi sẽ chết đi/ cái gì chết đi rồi sẽ sinh ra/ sinh ra rồi chết đi chết đi rồi sinh ra/ đó là nhịp điệu đó là giai điệu đó là âm thanh đó là cung bậc đó là sắc màu đó là hình hài đó là ngôn ngữ mãi mãi ngân nga mãi mãi du dương mãi mãi rực rỡ mãi mãi hân hoan vô cùng da diết” (tr.327).

“Phồn sinh” được kiến tạo như một khối vuông rubic, mỗi chiều xoay là một dữ kiện sống động, tự nhiên nhất. Hay nói cách khác, “Phồn sinh” là trung tâm hiện hữu của những gì bản năng, nguyên sơ, hài hòa, nhân bản. Những mặt đối lập, nhị nguyên của con người và thế giới đều tìm được điểm giao thoa, sẵn sàng đi đến tận cùng bản thể trong cái nhìn phồn thực, sinh sôi tươi tốt (13).

Còn Paul Nguyễn Hoàng Đức thì nhận xét: Phồn sinh”, tập trường ca của Nguyễn Linh Khiếu trải ra một chiều rộng mênh mông bề thế, nó bao gồm quê hương thổn thức, thẫn thờ, yêu dấu và cay đắng, mở ra vẻ đẹp của vũ trụ lộng lẫy, huy hoàng, thiên nhiên tươi thắm sinh sôi nảy nở và u hoài đắm đuối, nối sang những vấn đề bức thiết của con người, giá trị con người như tự do, dân chủ, nhân quyền, bình đẳng, yêu dấu, thiện ác, tốt xấu, tàn bạo, độc tài, quần chúng và vĩ nhân, chiến tranh và hòa bình, vinh quang và điếm nhục, hạnh phúc và cay đắng... Trong trường ca này, Nguyễn Linh Khiếu đã mở tay hết sở trường tiến sĩ triết học của mình, anh khai mở, diễn dịch, lật xới, luận bàn, minh định, phán quyết trôi chảy từng chi tiết những vấn đề triết lý.

“Phồn sinh” chính là một sự tích hợp nhuần nhuyễn, hài hòa giữa thơ - văn xuôi - triết học(14).

Theo Mai Liên Giang, với Trường ca Phồn sinh, cuối cùng, đọng lại với người đọc vẫn là màu sắc triết luận đa chiều trong thơ, nỗi niềm khắc khoải của thi sỹ về phận người cô đơn trước vũ trụ vần vũ...(15).

Với TS Nguyễn Văn Vịnh thì thấy: Có lẽ một nền tảng triết học khá vững vàng đã ảnh hưởng sâu sắc tới sáng tác văn chương thơ ca của anh, vì vậy bàng bạc ở hầu hết các câu chữ trong các tác phẩm văn chương của anh là những triết lý nhân sinh, những cảm thức sinh tồn được truyền tải. Tác phẩm “Phồn Sinh” có thể được coi là “tập đại thành” trong sự nghiệp văn chương của nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu. Nó chắc chắn sẽ làm nên “Thi hiệu” tác giả. Về mặt học thuật, có thể nói “Phồn Sinh” là khái niệm độc đáo được tác giả trình bày và diễn giải với một nội hàm đồ sộ, một ngoại diên bao trùm. Cũng cần nói rõ, các khái niệm “phồn thực”, “phồn tạp”, “sinh sản”, “sinh sôi” và “phồn sinh”… hẳn là đã có từ rất lâu trong ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử, tôn giáo… Nhưng khi sử dụng hai chữ “phồn sinh” trong một văn cảnh mới, một thế giới mới và một sinh quyển văn chương mới với nội hàm và ngoại diên mới thì chắc là một cách làm hoàn toàn chỉ có ở nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu. Vì vậy “phồn sinh” với một hình hài đương đại nó sẽ mang dấu ấn sâu đậm Nguyễn Linh Khiếu và rất có thể nó sẽ như một cái chốt làm nên tên tuổi của nhà thơ(16), nhà nghiên cứu triết học.

Nhưng theo tôi triết lý phồn sinh thì rõ rồi nhưng không dừng lại ở đó và không chỉ thế.

5 - Mở ra đạo học phồn sinh, triết học phồn sinh

Vấn đề là qua tập trường ca này đã gợi mở một triết học Phồn sinh. Tức nó vượt khỏi tầm một triết lý. Nó sâu hơn, rộng hơn, hệ thống hơn, đa chiều đa nhịp đa tầng hơn và mới hơn.

Tác giả Nguyễn Linh Khiếu tích hợp nhiều khái niệm, nguyên lý, hình ảnh, chất liệu của nhiều trường phái triết học, minh triết, đạo học, đạo đức, khoa học khác nhau (vô thần hữu thần, đông tây, vật chất, tâm linh, hiện sinh, duy lý, phi lý...), và đã khai mở nhiều khía cạnh và định hướng nội dung theo ý tưởng nhất quán của mình từ điểm xuất phát của quan hệ giới tính đực cái, trai gái, trống mái, tình dục, tình yêu, sinh sản truyền giống - truyền sinh - gieo trồng đến các quan hệ dân chủ, tự do, công bình, giải phóng, phát triển, phồn thịnh, hạnh phúc... nên vừa là nhân bản, nhân đạo và nhân văn!

Đúng là Nguyễn Linh Khiếu đã phát huy cả sở trường thi ca và sở trường triết học để “khai mở, diễn dịch, lật xới, luận bàn, minh định, phán quyết trôi chảy từng chi tiết những vấn đề triết lý” nhưng không bị lạc đề hay sống sượng mà tiêu hóa, thăng hoa, nhất thể trong cái vũ trụ phồn sinh!

Do vậy nó không phải hỗn tạp (hỗ lốn) mà có tính hệ thống đa chiều cạnh, đa nhịp điệu, đa không thời gian, đa động lực, đa mục tiêu mà vẫn nhất quán với tinh thần Phồn sinh...

Sự phát triển mới nào mà không từ cái cũ, không kế thừa, đổi mới và sáng tạo! Phồn sinh vì vậy là một sáng tạo độc đáo, tầm cỡ của Nguyễn Linh Khiếu cả về mặt nội dung và hình thức thi ca, trường ca mà cả về mặt triết lý hay triết học với chủ đề phồn sinh được mở rộng và minh định lại vừa đủ rõ ràng vừa mung lung theo trí tưởng tượng của thi sĩ và bạn đọc đồng sáng tạo!

Đam mê sáng tạo Phồn sinh về mặt thi ca chắc Nguyễn Linh Khiếu cũng đã khai mở, gợi ý một triết học Phồn sinh, đạo học Phồn sinh theo tinh thần chủ nghĩa nhân văn mới. Ông không dừng lại tín ngưỡng phồn thực hay triết học hiện sinh, triết học đời sống mà có cách nhìn khác hơn và đã đi xa hơn, rộng hơn trong bối cảnh của thời đại mới. Đó là thời đại đang nhiều thay đổi, nhiều cái cao thượng nhưng còn lắm thấp hèn, có định hướng từ lịch sử cho tương lai tươi sáng nhưng cũng còn nhiễu nhương, nhiều niềm vui nhưng cũng còn lắm đau khổ, nhiều cái thật những cũng còn cái giả, nhiều cái tự do những cũng còn nhiều đàn áp, nhiều cái thiện cái đẹp nhưng cũng còn cái ác, cái xấu, nhiều ánh sáng nhưng vẫn còn lắm tối tăm, thời đại đáng sống nhưng sự sống đang bị thách thức, đang bị đe dọa hủy diệt...

Và hơn nữa, thế giới ngày nay đã làm cho Trái đất thân yêu của chúng ta đứng trước nguy cơ hiện hữu của đại hủy diệt toàn cầu lần thứ sáu mà không có ngoại lệ cho quốc gia nào, mà trường ca Phồn Sinh cũng đã cảnh báo từ bài học lịch sử trái đất và nhân loại thì thông điệp về sự sống, sự phồn sinh, như những nguyên lý sinh tồn lại càng có ý rất cơ bản rất thời sự!

Từ mảnh đất văn hóa lịch sử văn minh sông Hồng mở mang văn minh Đại Việt nhiều thách thức sống còn vẫn bất diệt, tác giả Nguyễn Linh Khiếu đã tạo dựng một thế giới, vũ trụ thơ ca và một “Phồn sinh giáo” (tôn giáo cổ xưa nhất trong các tôn giáo, tr. 321-323, 706-707), một triết học Phồn sinh. Từ đó mong muốn vượt lên tất cả qua đó gửi gấm những ước mơ, khát vọng mạnh mẽ và cao đẹp ẩn chứa một tư tưởng, một triết học, một đạo học về con người theo bản tính tự nhiên - xã hội từ cội nguồn thúc đẩy chúng ta, những con người hiện tại đi tới tương lai phồn vinh, trường tồn, phồn sinh, hạnh phúc, xứng đáng là Con Người!

Nguyễn Linh khiếu không chỉ cách tân sáng tạo về hình thức thi ca mà còn dũng cảm dám cách tân, sáng tạo cả tư tưởng triết học.

Nói vậy viết vậy với trường ca Phồn Sinh có đề cao quá chăng? Tôi nghĩ là không! Hay bụt chùa nhà không thiêng?

Theo tôi cần triển khai nghiên cứu cả gốc độ lý luận cả góc độ văn học, các vấn đề của triết học, đạo học Phồn sinh qua tác phẩm trường ca Nguyễn Linh Khiếu và cả những tác phẩm khác của tác giả này đã được ấn hành thời gian qua đặng nhận diện đầy đủ hơn triết học Phồn sinh mà nhà thơ đề xuất.

TP. Hồ Chí Minh, tháng 1 năm 2021

 


(1) Hồ Bá Thâm - Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Triết học Phát triển, Hội viên Hội Nhà văn TPHCM, hobatham@gmail.com, đt: 0903916809
(2) Hồ Bá Thâm (2005), Chủ nghĩa duy vật nhân văn và định hướng nhân văn của sự phát triển xã hội, Nxb. Văn hóa thông tin; Phương pháp luận duy vật nhân văn, nhận biết và ứng dụng, Nxb. Văn hóa thông tin
(3) Triết hiện sinh chia tay với triết học "trừu tượng". Nó quan tâm đến tính chủ thể cụ thể của con người, chứ không phải khái niệm trừu tượng về "chủ thể". Đó là lý do nhiều triết gia hiện sinh (như Sartre, Camus...) chọn hình thức văn nghệ (tiểu thuyết, kịch...) để đến gần hơn với đời sống thực, nói lên những băn khoăn, thao thức, đau khổ và lựa chọn trong "thân phận" làm người/ https://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/thuyet-hien-sinh-tien-len-de-song.html.; https://elearning.tdmu.edu.vn/elearning-ebook/
(4) https://www.sachkhaiminh.com/triet-hoc-hien-sinh-cua-soren-kierkegaard
(5) https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%E1%BB%A7_ngh%C4%A9a_hi%E1%BB%87n_sinh
(6) http://triethoc.edu.vn/vi/truong-phai-triet-hoc/chu-nghia-hien-sinh/doi-net-ve-chu-nghia-hien-sinh_15.html
(7) https://loigiaihay.com/triet-hoc-doi-song-c126a21107.html, Xem thêm tại: https://loigiaihay.com/triet-hoc-doi-song-c126a21107.html#ixzz6khdSzjCh
(8) https://vanhocsaigon.com/bieu-tuong-ton-giao-trong-truong-ca-phon-sinh-cua-nguyen-linh-khieu
(9) "Hán ngữ đại từ điển" 漢語大詞典 (La Trúc Phong chủ biên-Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã-1993) giải thích từ "phồn sinh" như sau: "PHỒN SINH: phồn thực; sinh trưởng, sinh sản; phát triển nhiều thêm" (https://nld.com.vn/van-nghe/ai-da-tim-ra-tu-phon-sinh-20190316203611059.htm). Phồn sinh là một từ ghép không cố định gồm hai từ có ý nghĩa độc lập nhưng khá tương đồng là phồn và sinh. Tra Từ điển phổ thông, phồn gồm 2 nghĩa: 1 là nhiều, đông và 2 là sinh, đẻ. Riêng từ điển Trần Văn Chánh, phồn còn có các nghĩa là nhiều, phức tạp, rắc rối (https://www.google.com/search?ei=). Phồn thực hay còn còn là tín ngưỡng phồn thực , văn hóa phồn thực thật ra là 1 văn hóa tôn thờ hành vi giao phối và bộ phận sinh dục. .. Nó tôn thờ hành vi giao phối nhưng hoàn toàn không mang ý nghĩa xấu. Mà ngược lại phồn thực là 1 sự giao thoa , hướng đến sự tốt đẹp và phát triển bền vững (https://phuquocxanh.com/vi/tin-nguong-phon-thuc/#2-Phon-thuc-la-gi).
(10) Nhà phê bình Hoàng Thụy Anh đã thống kê 136 lần dùng Nguyễn Linh Khiếu từ phồn sinh với nhiều ý nghĩa khác nhau trong Trường ca Phồn sinh (https://vanchuongphuongnam.vn/nguyen-linh-khieu-voi-phon-sinh-ta-mot-minh-o-lai-de-dong-song-troi-di.html).
(11) http://daidoanket.vn/nha-tho-nguyen-linh-khieu-phon-sinh--the-gioi-bat-tan-cua-phon-thuc-va-sinh-soi-444809.html
(12) http://baovannghe.com.vn/phon-sinh-nguyen-linh-khieu-19026.html
(13) https://vanchuongphuongnam.vn/nguyen-ly-truyen-sinh-trong-truong-ca-phon-sinh.html
(14) http://kinhtedoisong.com.vn/ly-luan--phe-binh/phon-sinh--truong-ca-hon-muoi-ba-van-chu-1708.html
(15) https://vanchuongphuongnam.vn/nguyen-linh-khieu-voi-phon-sinh-ta-mot-minh-o-lai-de-dong-song-troi-di.html
(16) https://vanhocsaigon.com/dau-an-ban-nang-goc-trong-truong-ca-phon-sinh/

Hồ Bá Thâm

Nguồn tin: HNV

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây