Hội nhà văn Hà Nội

https://nhavanhanoi.vn


NỮ SĨ THỜI GIÓ BỤI

NGUYỄN HUY THẮNG : Đọc Tiểu thuyết dã sử của LÊ PHƯƠNG LIÊN Nhà xuất bản Phụ nữ 2021
bìa

   
     Mấy chục năm cầm bút, dù là viết truyện hay ký, tiểu thuyết hay tản văn, nhà văn Lê Phương Liên dường như chỉ thâm canh với một đối tượng. Đó là thế giới trẻ em và đời sống học đường, hay nếu có mở rộng ra thì cũng vẫn là nhà giáo và phụ huynh, ký ức tuổi thơ với mái trường và mái ấm gia đình. Bối cảnh có thể khác nhau: Hà Nội hay vùng nông thôn, những năm chống chiến tranh phá hoại hay thời bao cấp... nhưng đối tượng thì luôn là vậy.

       Chính vì thế mà người viết những dòng này đã rất ngạc nhiên khi gần đây được nhà văn cho đọc một tập bản thảo mới của chị về một đề tài khác hẳn: tiểu thuyết Nữ sĩ thời gió bụi về nhà thơ Đoàn Thị Điểm, người sống trước chúng ta hơn hai thế kỉ rưỡi! Nghĩa là về một gương mặt lịch sử trước hết là về mặt thời gian – người sống vào thời vua Lê chúa Trịnh với biết bao sự kiện trọng đại từng diễn ra trong lịch sử dân tộc; và sau nữa là về tầm vóc, dấu ấn cũng như tầm ảnh hưởng của bà trong đời sống văn học nước nhà – điều mà tác giả đã dành tâm huyết để chỉ ra trong cuốn sách dài hơn hai trăm trang của chị!

         Ngả rẽ này của tác giả, nếu có thể nói như vậy, có duyên do của nó. Gần hai năm trước, trong ngày Hội Thơ Việt Nam tổ chức tại Văn miếu - Quốc tử giám, nhà văn Lê Phương Liên có gặp một người làng Phú Xá, quê hương Tiến sĩ Nguyễn Kiều, phu quân của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. Cuộc gặp gỡ không hề là tình cờ, vì người đó chính là muốn mời nhà văn về dự hội làng mình, để viết một cuốn sách về bà Đoàn Thị Điểm… Nhà văn đã nhận lời, về dự hội làng Phú Xá diễn ra ít lâu sau đó, ra thăm mộ nữ sĩ họ Đoàn và niềm xúc cảm đã dẫn chị tới quyết định viết cuốn sách. Và nay, quyết định đó đã thành hiện thực, dưới hình hài một cuốn “tiểu thuyết dã sử” mà những trang bản thảo đã được một nhà xuất bản có uy tín thẩm định và đưa vào kế hoạch in!

       Vẫn biết nhà văn Lê Phương Liên là người nhiệt tình, ai nhờ chị việc gì, nhất là những việc liên quan đến bài vở, chị ít khi từ chối. Nhưng với một bài báo hay một bản tham luận ta còn có thể hiểu được. Đằng này là cả một cuốn sách không chỉ đủ dày dặn mà còn được mở rộng về quy mô để tác giả gọi đứa con tinh thần của mình là tiểu thuyết – quả là điều vượt quá sự hình dung tưởng tượng của một người đọc (và có viết đôi chút) như tôi!

 

    Viết về một nhân vật như nhà thơ, nhà văn, nhà giáo, nhà dịch thuật Đoàn Thị Điểm, hiệu là Hồng Hà nữ sĩ, người đã đi vào lịch sử với tư cách một trong những nhà thơ nữ hàng đầu của dân tộc và lưu dấu ấn không chỉ bằng thơ, văn của mình, mà còn là rất nhiều giai thoại – những câu đối, điển tích, những sự tương truyền, đươm đặt… đương nhiên nhà văn Lê Phương Liên đã có sự tìm hiểu và căn cứ không ít vào những tư liệu “sẵn có” đó. Mặt khác, do được dân làng làng Phú Xá “chọn mặt gửi vàng”, chị cũng được bà con cung cấp cho nhiều tư liệu, đặc biệt những gì liên quan đến mối quan hệ giữa nữ sĩ họ Đoàn và Tiến sĩ Nguyễn Kiều chồng bà, người làng Phú Xá. Nhờ đó tác giả đã có thể tái hiện, chẳng hạn, khá có sở cứ và cảm động về một khía cạnh quan trọng trong cuộc đời bà – cuộc hôn nhân ngắn ngủi của nữ sĩ với chồng mình (chỉ được có sáu năm từ 1742 đến 1748 là năm bà mất ở tuổi 43), nhưng mối nhân duyên giữa hai người thực ra đã bắt nguồn từ năm nữ sĩ mới 16 tuổi, khi hai người gặp nhau với đầy thiện cảm ở dinh quan Thượng thư Lê Anh Tuấn mà nàng được nhận làm con nuôi, còn chàng thì vừa mới về làm rể của gia đình…

    Là người đọc nhiều tác giả cũng đã huy động đến mức tối đa các nhân vật và sự kiện lịch sử cùng thời với nữ sĩ họ Đoàn. Trước hết đó là những người quan thiết với cuộc đời bà, như người cha Đoàn Doãn Nghi tài cao học rộng nhưng chỉ làm đến chức quan Điển bạ hàm bát phẩm, người dạy cho con không chỉ chữ nghĩa mà cả lễ nghĩa và nhân cách ở đời; là người anh Đoàn Doãn Luân tài năng, đức độ mà phận mỏng, sớm phải ra đi để lại gánh nặng gia đình mình cho người em gái; là Thượng thư Lê Anh Tuấn, nghĩa phụ, người nhận nàng làm con nuôi với dụng ý để dâng lên chúa Trịnh, điều mà nàng đã sớm nhận ra và khôn khéo khước từ; là vị thông gia với gia đình nàng, quan Thị lang Lê Doãn Mưu, cha của cậu Chiêu Bảy mà nàng coi như em, sau trở thành bậc đại y và nhà văn tài danh Lê Hữu Trác; là Quận công Nguyễn Nghiễm – cha của đại thi hào Nguyễn Du như chúng ta đều biết – với rất nhiều việc công việc tư liên quan đến vợ chồng nữ sĩ; là thi sĩ Đặng Trần Côn – nhân vật không thể thiếu, tất nhiên! – con người có chí có tài mà khiêm nhường nhất mực, tác giả của bản Chinh phụ ngâm mà nữ sĩ đã sớm nhận ra chân giá trị để diễn nôm ra cho nhiều người được thưởng thức. Và còn nữa là những người thân, sơ với nhân vật trung tâm Đoàn Thị Điểm ở các tầm mức khác nhau, nhưng đều đã lưu danh trong lịch sử, như người cháu gái Đoàn Lệnh Khương, sau cũng trở thành một người nổi tiếng hay chữ, dạy giỏi, được tôn gọi là “nữ học sư”; hay một kẻ lãng tử từng ghé qua cuộc đời nữ sĩ với các giai thoại gắn với những câu thơ, câu đối hóc hiểm mang “dân hiệu” Trạng Quỳnh… Tất cả đã làm nên một thế giới nhân vật phong phú với một “mật độ”, có thể nói, tập trung những gương mặt danh nhân khó có thời nào sánh được.

    Song nếu chỉ có thế thì cuốn sách của nhà văn Lê Phương Liên cũng khác nào một bản gia phả được văn chương hóa. Dụng ý viết một cuốn tiểu thuyết dã sử, tác giả cũng dụng công hư cấu nên một loạt nhân vật với độ đậm nhạt khác nhau làm nền cho nhân vật chính. Đó là một Trần Minh Giám, môn sinh của Hồng Hà nữ sĩ, nguyên là một kẻ cướp từng định cướp chiếc túi của chính… thày mình. Là một bà Thị Nhi, người hầu gái tốt bụng luôn mong những điều tốt đẹp cho tiểu thư Đoàn Thị Điểm hay phu nhân Nguyễn Kiều sau này, nhưng do ở lâu các nhà quan nên cũng nhiễm thói khoe khoang, thích chuyện “móc nối”. Là một Trần võ sư, người được tiểu thư Đoàn Thị Điểm coi như thày vì chính là người đã dạy võ nghệ cho nàng, người nguyện suốt đời theo hầu, gánh vác việc nhà quan Điển bạ và thực tế đã là chỗ dựa cho nàng trong những lúc khó khăn nhất; ai ngờ con người ấy, ngoài lòng tận tụy của một người lão bộc lại mang trong mình tình cảm của một người đàn ông với chính cô chủ của mình!...

    Giữa bối cảnh ấy, cuộc đời nhà thơ Đoàn Thị Điểm, hiệu là Hồng Hà nữ sĩ đã được tái hiện một cách khá trọn vẹn và có sở cứ. Bắt đầu từ khi quan Điển bạ Đoàn Doãn Nghi xin từ quan, rời Thăng Long đưa gia đình về vùng An Dương dạy học, làm thuốc, đồng thời cho con gái vào dinh Thượng thư Lê Anh Tuấn làm con nuôi vị đại quan đồng thời cũng là thày dạy của ông. Sớm nhận ra dụng ý của “cha nuôi” muốn tiến cử mình vào phủ chúa, Đoàn tiểu thư đã viện cớ để trở về nhà với cha mẹ và anh trai. Là phận nữ nhi, lại vai em gái  khi người cha Đoàn Doãn Nghi và anh trai Đoàn Doãn Luân lần lượt qua đời, để lại cho nàng không chỉ người mẹ già mà cả người chị dâu bệnh tật ốm đau cùng hai con thơ để một tay Đoàn Thị Điểm đã cáng đáng phụng dưỡng, cưu mang.

     Mà đó là một thời buổi như thế nào? Chúng ta biết rằng Đoàn Thị Điểm sống vào thời vua Lê chúa Trịnh, với những cuộc chiến tranh Trịnh Nguyễn liên miên, khởi nghĩa nông dân nổ ra ở nhiều nơi, thiên tai, mất mùa, giặc giã như cơm bữa. Gia đình nữ sĩ đã phải nhiều khi ăn cháo thay cơm. Nhưng trong hoàn cảnh nào, cô Điểm bao giờ cũng lo giữ cho cảnh nhà thanh sạch, mọi người đùm bọc thương yêu nhau, bữa ăn dù thiếu nhưng không bao giờ không ấm cúng, đặc biệt, cô luôn để tâm dạy dỗ cháu cũng như dành thời gian đọc sách, viết sách cho mình. Tiếng đồn về tiểu thư Đoàn Thị Điểm - Hồng Hà nữ sĩ hay chữ, dạy giỏi, biết nhiều bài thuốc quý không chỉ lan truyền trong dân gian, mà còn đến tai giới nho sĩ và cả quan trường. Quan sở tại đến nhờ (thực chất là đòi) nàng viết đôi câu đối mừng quan trên, để rồi chính nhà quan đã phải tâm phục khẩu phục. Rồi thi sĩ Đặng Trần Côn nghe danh nàng cũng tìm đến với bản Chinh phụ ngâm mới soạn xong những mong lọt được vào mắt xanh của người nữ sĩ. Rồi Tiến sĩ Lê Hữu Kiều trước khi đi sứ đã viết thư cầu hôn nàng để rồi nàng trở thành phu nhân của ông trong một sự nên duyên như tiền định. Rồi còn biết bao biến cố nữa đến với nàng trong ba năm ông đi sứ, trong đó có cả khủng bố, răn đe, đơm đặt, thị phi… để đến ngày sum họp nàng đã hoàn thành được bản diễm nôm tập thơ của thi sĩ họ Đặng. Những tưởng đã đến lúc nàng được hưởng cảnh hạnh phúc trăm năm bên người chồng yêu kính, không ngờ chỉ ba năm sau nàng qua đời trên đường theo ông vào Nghệ An nhậm chức Tham tri, khép lại cuộc đời đầy gian truân của nàng “nữ sĩ thời gió bụi”…

     Viết về Đoàn Thị Điểm, nhà văn Lê Phương Liên đã không giấu giếm tình cảm của mình với bậc tiền bối sống cách mình hơn hai thế kỉ rưỡi. Dưới ngòi bút của chị, nữ sĩ họ Đoàn hiện ra như một nhân vật hoàn hảo, vẹn tài vẹn sắc, không chỉ giỏi thi, ca, phú lục mà sành cả quan họ Bắc Ninh, không chỉ khéo thuốc thang cho người mà cả tự may áo thêu túi cho mình (chiếc áo gấm hoa văn năm mầu nữ sĩ chỉ bận những lúc cần giao thiệp chính là do nàng tự cắt may để rồi ai nấy đều tấm tắc khen). Đặc biệt, nàng còn rất giỏi võ, từng cùng anh trai đi võ biểu diễn cho bà con làng xóm xem, và lúc cần, còn thi triển để bảo vệ mình và hạ gục kẻ tấn công…

    Đã đành Hồng Hà nữ sĩ là một gương mặt đẹp, không tì vết trong lịch sử văn học Việt Nam. Nhưng đến độ hội tụ, có thể nói, tất cả những phẩm chất như thế, thì liệu có phần nào là… lí tưởng hóa? Hẳn người đọc sẽ dễ có sự phân vân khi đọc, chẳng hạn, những đoạn tả Đoàn tiểu thư đi quyền, hay cảnh nàng nhanh như cắt né người, ngáng chân, gạt tay hất tên cướp tấn công nàng khiến hắn ngã xuống sông. Nhưng hóa ra, chính sử sách lại cho ta biết tổ năm đời của Đoàn Thị Điểm là một võ quan thời Lê, có công với triều đình đến độ được ban quốc tính. Vậy thì tại sao nhà tiểu thuyết không có quyền dựa vào truyền thống gia đình, để cho người cháu năm đời của cụ – vốn là một người hiếu học lại tinh nhanh – tiếp nối tiền nhân mà học lấy bài Mai hoa quyền như tác giả đã tả?

     Đọc Nữ sĩ thời gió bụi, người viết những lời này đặc biệt tâm đắc với hai trường đoạn: Một là phần tả đoàn thương binh được triều đình phân cho về làng Phú Xá dưỡng thương và giao cho làng chăm lo cho đến khi họ qua được cơn hiểm nghèo để về với gia đình. Hai là những trang tả cuộc dạ du đêm trăng trên Hồ Tây của Hồng Hà nữ sĩ với hai bạn thi nhân là Đặng Trần Côn và Lê Hữu Trác. Trường đoạn đầu là bối cảnh để cho nhân vật chính trực tiếp đối mặt với sự tàn khốc của chiến tranh (ngôi nhà của phu nhân Tiến sĩ Nguyễn Kiều được sung làm nơi cho thương binh tá túc trong những ngày ở làng), để nàng càng thấm thía cảnh loạn lạc, chia phôi giữa chồng và vợ, con và mẹ cha khi những người đàn ông phải ra đi nơi chiến địa; mặt khác, trường đoạn này cũng là một biểu hiện rõ rệt nhất cái “thời gió bụi” mà nữ sĩ chính là một chứng nhân. Trường đoạn thứ hai, có thể nói, là những trang được tác giả dụng công nhất, và cũng dồn nhiều tình ý nhất để dẫn dắt người đọc theo cùng nhân vật phiêu du trên sóng nước đêm trăng vào một thời mà Hồ Tây chắc chắn còn nhiều vẻ mênh mông hoang dã. Đồng thời, cũng là lúc để cho các nhân vật bộc lộ thi hứng trước cảnh đẹp nên thơ và tâm trạng trước thời cuộc. Thời buổi đó, xin nhắc lại, là thời của chiến tranh, loạn lạc, li tán, chia phôi. Là những người có tấm lòng nhân văn nhân ái, cả ba tâm hồn thi sĩ ấy, mỗi người một cách đã chia sẻ với nhau những nỗi niềm sâu kín nhất. Đó là một Đặng Trần Côn, người chưa lập gia thất mà cũng chưa từng làm kẻ chinh phu, mà sao có được lòng cảm thông với người chinh phụ đang phải xa chồng ở nơi chiến địa mà viết nên khúc ngâm về tâm trạng “trăm sầu nghìn não” của nàng. Đó là một Lê Hữu Trác quyết dấn mình vào nơi chiến trận không phải để lập công, càng không phải vì thích chém giết, mà trái lại, để mong sao có thể làm giảm được phần nào sự thương vong cho người lính, và sau này, chuyển hẳn sang lo trị bệnh cứu người. Đó là một Đoàn Thị Điểm, người vừa mới lấy chồng đã phải chia xa do chồng đi sứ, người đã tận mắt chứng kiến những sự tổn hại, mất mát do chiến tranh trong những ngày thương binh đóng tại nhà mình mà không ít người trong số đó đã không qua khỏi để về đoàn tụ với gia đình…, tất cả đã dẫn đến một sự xác quyết ở nàng: diễn nôm tập thơ của thi sĩ họ Đặng để cho nhiều người được biết bằng ngôn ngữ dân tộc một khúc ngâm bi thiết có sức lay động đến tận đáy lòng, đồng thời qua đó càng thêm trân trọng cuộc sống bình thường và giá trị của sự đoàn viên, sum họp…

     Cũng còn nhiều điều muốn được nói thêm về cuốn “tiểu thuyết dã sử” này của nhà văn Lê Phương Liên nhưng sau những cảm nhận đã trình bày tôi thấy nên dừng ở đây để bạn đọc tiếp tục tự khám phá.

Hà Nội tháng 12- 2019.N.H.T
(Bài viết này đã  là LỜI BẠT trong cuốn sách NỮ SĨ THỜI GIÓ BỤI-Nhà xuất bản Phụ nữ -2021)
 

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây