Hội nhà văn Hà Nội

https://nhavanhanoi.vn


Dự án đầu tư xây dựng sân gôn sông Hồng, giới nhà giàu đã làm gì cho văn hóa, lịch sử?

Dự án đầu tư xây dựng sân gôn sông Hồng, giới nhà giàu đã làm gì cho văn hóa, lịch sử?

 

   Nhà phê bình Đinh Quang Tốn - Nhà văn Phùng Văn Khai

  Theo tạp chí Forbes tháng 3 năm 2019, Việt Nam được đánh giá là đất nước có tốc độ tăng trưởng thị trường gôn nhanh nhất trên thế giới. Dự án nọ nối tiếp dự án kia dường như bất tận. Toàn là để phục vụ giới nhà giàu lắm của nhiều tiền và quan chức. Họ đến đó để rèn luyện sức khỏe chăng? Họ đến đó để chứng tỏ văn hóa sống chất lượng cao? Nực cười là, trong mô tả văn bản phê duyệt quy hoạch mang tính quy phạm pháp luật của dự án đầu tư xây dựng sân gôn sông Hồng nằm giữa không gian khu di tích văn hóa lịch sử Chử Đồng Tử - Tiên Dung đã viết rất ngẫu hứng: “Mỗi hố gôn là một trải nghiệm cảnh quan riêng. 9 hố đầu đặc trưng cho khung cảnh ‘lãng mạng’ (nguyên văn) bên bờ sông Hồng, 9 hố sau là khung cảnh tuyệt đẹp của rặng cây, hố cát và không gian đồng quê Bắc Bộ”. Với tinh thần hứng thú ấy, cách làm để dự án sân gôn sông Hồng với diện tích 89,9ha; 18 hố tiêu chuẩn quốc tế nằm trên khu đất bãi ngoài đê thuộc xã Bình Minh, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên đang được gấp rút tiến hành bất chấp những nguy cơ xâm hại môi trường, co hẹp quỹ đất sản xuất nông nghiệp, quy hoạch chồng quy hoạch, ảnh hưởng thoát lũ của nhiều tỉnh, và nhất là ảnh hưởng tới đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trên địa bàn.

Những nguy cơ này đã được nhà văn Nguyễn Phúc Lai - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Hưng Yên chỉ ra hàng loạt trong bài báo “Say mê làm sân gôn bất chấp cảnh báo nguy cơ xâm hại di tích lịch sử văn hóa, gây ô nhiễm nguồn nước sông Hồng, vi phạm Luật Đê điều”. Từ trước đó, nhà văn Nguyễn Phúc Lai đã gửi kiến nghị bằng văn bản tới lãnh đạo tỉnh Hưng Yên nhưng đều biệt vô âm tín. Ông đã phải trao đổi và được nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đồng hành gửi văn bản báo cáo lên Thủ tướng Phạm Minh Chính và mau chóng nhận được thư phản hồi của Thủ tướng cho biết Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên nghiêm túc nghiên cứu phản ánh kiến nghị mà đến nay tỉnh Hưng Yên vẫn chưa hề hồi âm càng khiến những tâm huyết đóng góp cho quê hương đã bị coi thường, xem nhẹ.

Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ dự án sân gôn sông Hồng trên địa bản xã Bình Minh, huyện Khoái Châu và ngay lập tức nhận ra dự án này nếu được thực hiện sẽ xâm phạm và ảnh hưởng đến khu du tích lịch sử văn hóa Chử Đồng Tử - Tiên Dung, thậm chí chồng lấn dự án đã được phê duyệt tháng 8 năm 2014 của UBND tỉnh Hưng Yên về quy hoạch “Khu văn hóa du lịch và dịch vụ thể thao Chử Đồng Tử”. Thậm chí, nếu cứ nhất quyết làm sân gôn, sẽ dẫn đến thay đổi giá trị lịch sử cốt lõi khu di tích văn hóa Chử Đồng Tử. Một điều đã hiển hiện ở tất cả các dự án sân gôn là việc xây dựng các trung tâm, nhà điều hành, biệt thự đón tiếp, khu vực phục vụ, các nhà kỹ thuật, nhà chứa hóa chất, phân bón để duy trì thảm cỏ sân gôn... Phải chăng giới nhà giàu khi tiến hành làm sân gôn ngoài đất bãi sông Hồng sẽ tính toán có nơi xả thải chính là sông Hồng liền kề dự án? Rất có thể khu biệt thự sẽ được các đại gia sử dụng như một nơi hội họp, tiệc tùng và giải quyết những công việc “có trời mới biết”, hoặc đến khi thành củi trong lò thì nhân dân mới biết. Chẳng phải đâu xa, quan chức DOC Quảng Ninh đã phải đối mặt kỷ luật và pháp luật, nhất là lương tâm khi phè phỡn trên du thuyền gây xôn xao dư luận vừa qua.

Một sân gôn 89,9ha chềnh ềnh nơi bờ bãi xôi mật chỉ để đáp ứng thú ăn chơi của giới nhà giàu liệu có cần phải quyết tâm thực hiện bằng được? Lợi ích sẽ rơi vào tay ai? Hàng trăm, thậm chí hàng ngàn ha đất nuôi sống bà con nhân dân ta đời này qua đời khác bỗng dưng biến thành của riêng, phục vụ thú hưởng thụ cho một số ít người trong đó có không ít là quan chức đương nhiệm. Đừng tưởng nhân dân không biết. Đừng nên khi phải vào lò rồi mới tỉnh ngộ. Đừng nghĩ rằng tham ô hối lộ mãi có đất dung thân. Sự tha hóa về đạo đức và nhân cách đang tới mức báo động. Thống kê của công cuộc chống tham nhũng với số lượng củi khô, củi tươi, lớn, bé khiến chúng ta vừa giật mình vừa ghê tởm. Đúng là bọn chúng “ăn không từ một thứ gì”. Nếu không có ai cất tiếng, mọi hành vi tráo trở để tham ô, lãng phí, trục lợi bất chính sẽ luôn được diễn ra dưới tấm màn nhung, trên sân cỏ gôn xanh mướt áo phông hàng hiệu quần soóc trắng tinh mà chỉ riêng chiếc gậy đánh gôn thôi cũng bằng mấy năm lương của một giáo viên đứng lớp. Và rất có thể, những túi tiền, tập đô la sẽ được trao chuyển một cách nhẹ nhàng, êm ngọt nơi biệt thự, khách sạn, sân gôn.

Điều này đừng tưởng nhân dân không biết.

Mặt bằng sân gôn sông Hồng trên địa bàn xã Bình Minh chiếm trọn vùng 2 vành đai bảo vệ di tích áp sát đền Đa Hòa (di tích cấp quốc gia) và một loạt đền, đình, chùa của làng Đa Hòa (di tích cấp tỉnh). Có nghĩa là mặt bằng này đã vi phạm Điều 36 Luật Di sản văn hóa. Trong tính toán của giới nhà giàu, khi làm sân gôn này sẽ trông vào nguồn thu từ bất động sản và dịch vụ phụ trợ, tức là cái gì hot sẽ cho làm. Sẵn sàng chuyển đổi, xoay vần trước đền thiêng thờ đức thánh Chử Đồng Tử - Tiên Dung. Càng không cần biết đến bãi Tự Nhiên nơi công chúa Tiên Dung tắm táp, giội nước xuống bãi bồi đã bén duyên trời với chàng đánh cá nghèo Chử Đồng Tử. Bãi sông nước hoang sơ thanh khiết khi có sân gôn sẽ ra sao? Hàng trăm tỷ, nghìn tỷ đổ vào đây sẽ phải sinh sôi ra tiền ngàn bạc vạn thì những gì cản trở, gai mắt, cho dù là di tích văn hóa lịch sử của cha ông đã ngàn năm liệu có được yên thân? Một điều khiến ai cũng thấy khó hiểu là trong văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thỏa thuận với đề nghị của tỉnh Hưng Yên đề nghị bổ sung vào quy hoạch phát triển sân gôn của cả nước đã viết: “Bộ VHTTDL ủng hộ về mặt chủ trương việc sử dụng hiệu quả hơn đất phi nông nghiệp và hoang hóa để đầu tư xây dựng dự án sân gôn nhằm phát triển du lịch TDTT và giải quyết công ăn việc làm, nâng cao đời sống nhân dân”. Thoạt nhìn thoạt đọc thấy xuôi tai thuận mắt, song nếu ai đi khảo sát nơi thực địa dự án sân gôn sông Hồng, đặc biệt là bà con nông dân, những người trông chờ miếng ăn từ vùng đất bãi màu mỡ nghìn năm được sông Hồng bồi đắp mới thấy vấn đề không phải như văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Cứ theo văn bản này thì đất ở đây là phi nông nghiệp và hoang hóa và hễ như vậy thì cứ mặc nhiên lấy ra làm sân gôn? Nếu vậy, diện tích rừng và đất hoang hóa hàng triệu ha hãy ngay lập tức giới nhà giàu làm sạch thành sân gôn để hàng chục triệu người có công ăn việc làm sẽ tốt biết mấy. Hàng chục triệu ha các vùng biển vùng đồi hoang hóa hãy mau giao cho giới nhà giàu để chúng ta sớm trở thành cường quốc gôn chăng? Sẽ tổ chức đại hội gôn cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh, cấp toàn quốc và toàn cầu liên tục chăng? Và chúng ta sẽ chấm dứt nạn ăn mày, ăn xin đang diễn ra la liệt khắp cả nước bằng cách đưa số người này vào sân gôn nhặt banh, chăm cỏ, giặt giày tất cho giới nhà giàu? Những câu hỏi nực cười này không còn cách nào buộc chúng tôi phải đặt ra.

Dòng sông Cái - sông Hồng ngàn năm mang phù sa đỏ nuôi dưỡng bao lớp người, góp phần làm nên hồn thiêng dân tộc hiện nay đang bị băm xẻ, trút thải, chặn dòng, hút cát vô cùng đáng báo động. Nay cõng thêm một dự án sân gôn trên vùng đất dày đặc di tích trong đó có di tích Chử Đồng Tử - Tiên Dung cấp quốc gia thờ tứ bất tử đã trở thành nét thiêng văn hóa cội nguồn của người dân cả nước mà dường như giới nhà giàu đã coi quốc thổ như của riêng mình. Xương máu cha ông, mồ mả tổ tiên ngàn năm đã phần nhiều hóa thành quốc thổ lẽ nào không được an yên trong không gian tịnh tại, trong bờ bãi sông Hồng. Họ đâu có xâm phạm đến ai, họ đã ngàn năm phù trợ quốc thái dân an lẽ nào lại phải bất an để phục vụ một thú chơi sặc mùi tiền bạc. Lãnh đạo tỉnh Hưng Yên lẽ nào không nhìn thấy điều này?

Trong thư phản hồi của Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, Thủ tướng đã có văn bản ý kiến chỉ đạo đồng chí Bí Thư, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên nghiêm túc nghiên cứu những phản ảnh kiến nghị của nhà văn Nguyễn Phúc Lai để triển khai thực hiện đúng các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà hy sinh các giá trị văn hóa lịch sử.

Đến đây, chúng ta càng nhận thấy kiến nghị của nhà văn Nguyễn Phúc Lai và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thật dũng cảm và đáng trân trọng. Với một người nhiều năm đảm nhận cương vị Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Hưng Yên với những hiểu biết sâu sắc về văn hóa lịch sử trong tỉnh, từng cùng nhóm chuyên gia kiến trúc quy hoạch thuộc Trung tâm bảo tồn tôn tạo di tích trung ương (thuộc Bộ Văn hóa Thông tin) lập dự án quy hoạch chi tiết bảo tồn tôn tạo phát huy giá trị khu di tích lịch sử văn hóa Chử Đồng Tử - Tiên Dung đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt năm 2003 càng cho thấy tấm lòng của nhà văn với quê hương, đất nước. Mong rằng, giới nhà giàu khi thực hiện các dự án về sân gôn trong đó có dự án sân gôn sông Hồng hãy ứng xử với văn hóa và lịch sử một cách có trách nhiệm. Nếu không, thì cái gương củi lửa sẽ sớm vạ đến người, đến con cháu mà thôi.
ĐQT và PVK

( Hình ST ở trên có tính minh họa)-BBT

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây