Hội nhà văn Hà Nội

https://nhavanhanoi.vn


TRẦN ÍCH TẮC - GÓC NHÌN LÀ ANH HÙNG DÂN TỘC?

Ký họa: ST

                                                                                                                   
                                                                                                     Nhà văn VŨ BÌNH LỤC

       KỲ MỘT

       Trần Ích Tắc (1253-1329) là Hoàng tử con vua Thái Tông Trần Cảnh, do bà Vũ Phi (Vũ Thị Vượng, quê Nam Định) sinh ra. Bà Vũ Thị Vượng là bà Phi thứ 5 của Thái Tông Trần Cảnh. Văn bia làng Miễu, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định cho ta biết thông tin rất quan trọng, mà sách ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ (ĐVSKTT) và các sách sử khác không thấy chép. Đó chính là thông tin có từ tấm bia ở miếu cổ làng Miễu, chép rằng bà Vũ Thị Vượng là người đã sinh ra Chiêu Đạo Vương Trần Quang Xưởng, Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc, Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật. Chưa có tư liệu về hành trạng, về những cống hiến của Chiêu Đạo Vương Trần Quang Xưởng, nhưng hai người con thứ Trần Ích Tắc, Trần Nhật Duật đều xứng đáng được xếp vào bậc thiên tài.

            Sách ĐVSKTT chép việc Trần Ích Tắc đem cả gia quyến chạy sang “hàng” nhà Nguyên, vào ngày 15.3 năm 1285, tức khi giặc Nguyên Mông tấn công dữ dội Đại Việt lần thứ 2. Tuy nhiên, theo Lê Quý Đôn, “một tài liệu lịch sử, cho dù có hoàn hảo đến mấy, cũng không thể hoàn toàn tin theo được”. Theo nghiên cứu của chúng tôi, thì Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc đã theo kế sách trá hàng, chạy sang hàng ngũ quân Nguyên để trở thành nhà tình báo chiến lược vĩ đại. Điều này khá bất ngờ, là bởi lâu nay người đời cứ tin tưởng vào sách vở, mà không hề biết thực tế như thế nào. Số phận của Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc không khác gì những nhà tình báo chiến lược ngày nay. Họ phải hy sinh rất nhiều, đặc biệt là về tiếng tăm, danh dự cá nhân.

            Nhưng thực tế lịch sử đã chứng minh rằng, Trần Ích Tắc có công lao rất lớn, cực lớn với nhà Trần và với nước Đại Việt ta. Những hiểu biết sai lầm của “người trần mắt thịt”, rồi sẽ được giải tỏa. Lịch sử sẽ lại viết những trang tươi đẹp về cuộc đời nhân vật lịch sử Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc. Điều này tôi tin là chắc chắn!

            Tác phẩm của Trần Ích Tắc còn thấy CÙNG CỰC LẠC NGÂM TẬP (gồm 5 quyển). Lê Quý Đôn chép vào sách TOÀN VIỆT THI LỤC 15 bài. Thế đủ biết rằng Lê Quý Đôn không hề tin rằng Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc là “một tên phản quốc”, như những lời bình luận, cáo buộc của “người trần mắt thịt” ngày nay!

            Chúng tôi đã để khá nhiều thời gian để giải mã cuộc đời Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc qua những biện giải, đối chiếu các tư liệu lịch sử, để chứng minh rằng Trần Ích Tắc không phải là kẻ phản bội, tham sống sợ chết mà đầu hàng giặc Nguyên Mông. Đặc biệt là việc nghiên cứu, giải mã hơn chục bài thơ còn lại của Trần Ích Tắc, được học giả Lê Quý Đôn đưa vào sách TOÀN VIỆT THI LỤC, một tác phẩm vô giá của Quế Đường tiên sinh.

Một dân tộc mất thơ ca, là mất tất cả. Thơ phóng chiếu lịch sử chính xác nhất. Chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu nội dung và nghệ thuật thơ Trần Ích Tắc, để chứng minh rằng, Trần Ích Tắc đã “diễn” trọn vai nhà tình báo chiến lược vĩ đại như thế nào. Tấm lòng son chói sáng của ông với triều Trần và đất nước Đại Việt như thế nào. Chính ông, bằng cách nào đó, đã góp phần khiến vua mới (Nguyên Thánh Tông Thiết Mộc Nhi), cháu Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt, đã quyết định ban chiếu bãi binh. Nước Đại Việt đã may mắn thoát khỏi một cuộc chiến tranh đẫm máu, chắc chắn là vô cùng khốc liệt lần thứ 4. Tâm trạng Trần Ích Tắc sung sướng như chưa bao giờ sung sướng đến như vậy. Còn đây là bài thơ XUẤT QUỐC, xem như bản di chúc của Trần Ích Tắc để lại cho đời sau. Chúng tôi xin phân tích đầy đủ cả bài, để bạn đọc suy ngẫm.


NT
Phiên âm:
XUẤT QUỐC


Đương niên trượng nghĩa xuất Nam bang,
Cảnh cảnh đan trung đối bi thương.
Bất vị Văn Công đào Tấn nạn,
Thử ky Vi Tử kế Ân vương (vong).
Cơ cừu vị mẫn tiên nhân chí,
Giản sách ưng lưu vạn cổ phương.
Hoàn vũ xa thư hội đồng nhật,
Cố gia tông tự Việt sơn trường.


Dịch nghĩa:
RỜI ĐẤT NƯỚC


Năm đó vì trọng nghĩa mà rời khỏi nước Nam,
Tấc lòng son canh cánh (của ta) chỉ trời xanh mới biết.
Chẳng phải Văn Công bỏ nhà Tấn lúc nguy nan,
(Mà) ngõ hầu (như) Vi Tử nối dõi nhà Ân đã mất.
Chí nối nghiệp cũ của cha ông vẫn không hề tiêu tan,
Nên để sử sách lưu lại tiếng thơm ngàn đời.
Đến ngày bờ cõi thống nhất cùng gặp gỡ,
Thì dòng dõi cha ông nối tiếp, lâu bền như núi non nước Việt vậy!


Dịch thơ
Trọng nghĩa, nên ta rời Đại Việt,
Trời xanh mới biết tấm lòng son.
Chẳng phải Văn Công rời Tấn quốc,
Mà như Vi Tử muốn Ân còn.
Chí nối nghiệp xưa luôn tạc dạ,
Tiếng thơm truyền mãi sử không mòn.
Một mai thống nhất giang sơn ấy,
Dòng dõi cha ông vững Việt non.
                        (VŨ BÌNH LỤC dịch)

 

Chỉ cần hiểu kỹ nội dung bài thơ của Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc, người đọc ngày nay mới có thể hiểu rõ tâm sự của ông, muốn nhắn gửi đến muôn đời sau sự thật về cuộc đời phải hy sinh vì lợi ích lâu dài cho đất nước. Nếu hiểu được nội dung bài thơ, chúng ta sẽ hiểu ngay rằng, Trần Ích Tắc không phải là kẻ “phản quốc” như cái tiếng xấu ông phải mang vác nó, đeo đẳng nó theo suốt cuộc đời ông. Đó chính là một sự hy sinh vĩ đại của một nhà tình báo chiến lược vĩ đại.
Mở đầu bài thơ, Chiêu Quốc Vương viết:
Đương niên trượng nghĩa xuất Nam bang,
Cảnh cảnh đan trung đối bi thương.
Năm ấy (đương niên), là vì trọng nghĩa (với triều Trần, đồng nghĩa với nước Đại Việt), cho nên, ta mới phải rời Nam bang, tức nước Đại Việt của ta. Chứ đâu phải là ta bỏ mặc quê nhà trong lúc nguy khốn mà chạy sang nương náu cửa người, để kiếm chút lợi nhỏ. Tấm lòng trung nghĩa của ta, chỉ có trời xanh mới biết mà thôi!

            Đó là một sự khẳng định. Đương nhiên, đó cũng là điều hết sức bí mật. Có lẽ, lúc bấy giờ chỉ có Thượng Hoàng Trần Thánh Tông, vua Trần Nhân Tông, Tiết Chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Thái sư Thượng tướng Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải, Hưng Ninh Vương Trần Tung, biết chuyện này.

Lãnh đạo triều Trần đã bí mật tổ chức một cuộc đào tẩu, trá hàng một cách tinh vi, hoàn hảo đến mức ngoạn mục như vậy. Trong khi những nhà chép sử thì cứ vô tư chép đại ý: “Trần Ích Tắc cực kỳ thông minh. Ông tự cho mình là thông minh tài giỏi hơn tất cả các vị Hoàng tử nhà Trần. Mới 14 tuổi, Ích Tắc đã được phong tước Chiêu Quốc Vương. Khi 15 tuổi đã muốn được làm vua. Không thỏa chí thì sinh ra bất bình, bèn đem theo cả gia quyến, bỏ nước chạy sang nhà Nguyên”. Đó là ngày 15-3-1285. Một cuộc tẩu thoát không hề có ai ngăn chặn. Thế là sao?
            Chuyện “năm ấy” là vậy. Nhưng tấm lòng “vì nghĩa” lớn của ta, chỉ có trời xanh mới biết mà thôi!
Tác giả viết tiếp:
Bất thị Văn Công đào Tấn nạn,
Thử ky Vi Tử kế Ân vương (vong).
Thế là sao? Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc nói rằng, ta không phải là kẻ như Văn Công bỏ nhà Tấn trong lúc nguy nan đâu. Mà ta như ngài Vi Tử kia, muốn nối dõi nhà Ân đã mất.

Rõ là hai nhân vật lịch sử Trung Quốc đời xưa, tình cảnh đối lập nhau. Tấn Văn Công (697TCN-628TCN), chính là công tử Trùng Nhĩ. Hồi nước Tấn loạn, các vị công tử tranh đoạt ngôi báu. Công tử Trùng Nhĩ bèn đem theo một số tùy tùng bỏ nước Tấn chạy sang lánh nạn ở nước ngoài. Được nước ngoài giúp đỡ, công tử Trùng Nhĩ đem quân về giành được ngôi báu. Đó chính là vua Tấn Văn Công. Tấn Văn Công là thế đấy. Nhưng ta tuyệt nhiên không phải như Tấn Văn Công, thấy nước nguy nan mà bỏ nước ra đi, để sung sướng lấy một mình!

Ngược lại, ta như ngài Vi Tử kia, muốn nhà Ân còn mãi, tức là ta muốn nhà Trần còn mãi, cho nên phải bỏ nước ra đi, gánh vác nhiệm vụ mới vô cùng nặng nề và cũng vô cùng nguy hiểm. Vậy Vi Tử là ai? Vi Tử, tức Cơ Tử, là anh của vua Trụ (có sách nói là chú vua Trụ nhà Ân (Thương). Vua Trụ tàn ác lắm. Vi Tử khuyên can, nhưng Trụ chẳng nghe, còn sai bắt Vi Tử giam vào ngục, chờ giết. Vi Tử phải giả điên, mới thoát chết. Kịp khi Chu Vũ Vương diệt Trụ, Vi Tử không chết theo nhà Ân. Ông nhận tước phong của Chu Vũ Vương. Vũ Vương cho Cơ Tử (Vi Tử) làm vua nước Triều Tiên. Chính Vi Tử là người đem chữ Hán và văn hóa Trung Hoa truyền sang Triều Tiên, tương tự như Sĩ Nhiếp đem chữ Hán sang truyền bá ở Giao Châu, mà các nhà Nho nước ta tôn vinh Sĩ Nhiếp là NAM GIAO HỌC TỔ vậy.

            Nhắc điển này, Trần Ích Tắc muốn nói điều gì? Tất nhiên là ông muốn nói rằng, cái việc ra đi của ông là khác hẳn Tấn Văn Công, chỉ muốn nhờ thế lực ngoại bang để quay về làm vua nước Đại Việt (Nam bang) đâu! Ông muốn như Cơ Tử, xây dựng thế lực mới, mở rộng lãnh thổ nhà Trần về phương Bắc. Vậy đấy. Trần Ích Tắc thông minh mưu lược như vậy, đương thời, ngoài mấy vị lãnh đạo chủ chốt, thì ai biết? Các nhà chép sử nước ta, ai biết? Họ cứ thấy hiện tượng như vậy thì chép như vậy, chứ đâu biết thực chất câu chuyện bí mật kia nó như thế nào? Cũng không thể trách cứ được họ.

            Thực tế thì sao?  Với cương vị rất cao mà Hốt Tất Liệt trao cho ông (chức Hồ Quảng Bình chương Chính sự- Tể tướng) Trần Ích Tắc đã cùng con trai của mình âm thầm xây dựng được một lực lượng quân sự hùng mạnh, chủ yếu là người Bách Việt. thuộc Lưỡng Quảng ngày nay. Nhà Nguyên suy yếu dần. Một số thế lực mới nổi dậy tranh giành đất đai, ai cũng muốn làm chủ Trung Nguyên. Nhà Nguyên phải rút chạy lên phía bắc, thành lập triều đại Bắc Nguyên. Vùng Trung Nguyên chỉ còn ba thế lực tranh giành, tiêu diệt lẫn nhau.

Thế lực của Trần Hữu Lượng mạnh mẽ nhất. Ông lấy quốc hiệu là Đại Hán, treo cờ Hán. Lực lượng quân đội có tới sáu bảy chục vạn tinh binh, chiếm lĩnh phủ Thái Bình (Quảng Tây) và cả vùng trung lưu sông Trường Giang. Sau đó là thế lực của Chu Nguyên Chương. Còn lại là Trương Sĩ Thành. Tình thế chiến cuộc giống như thời Tam Quốc vậy. Có tài liệu Trung Quốc chép rằng Trần Hữu Lượng không phải là con trai Trần Ích Tắc. Nhưng đó chỉ là tài liệu ngụy tạo mà người Trung Quốc muốn làm méo mó sự thật lịch sử mà thôi. Cái mẹo “khôn khéo” này, người Trung Quốc vốn là bậc thầy. Thế nên, các thế hệ người Việt bị lừa bịp, hoang mang, nghi ngờ. Họ lừa bịp cả thế giới, chứ chả phải chỉ mấy anh người Việt hiền lành chất phác đâu!

            Ví thử nếu muốn trở về Đại Việt chiếm lấy ngôi vua, Trần Hữu Lượng (con trai Trần Ích Tắc –ĐVSKTT) với sáu bảy chục vạn tinh binh, thủy quân gồm nhiều hạm đội lớn, thì việc đoạt lấy ngai vàng nhà Trần, bấy giờ là Vua Trần Dụ Tông hèn kém, chắc dễ như trở bàn tay. Nhưng mà, “Ta chẳng phải như Tấn Văn Công” hèn hạ thế đâu!

Nhưng trời không giúp Trần Hữu Lượng. Chu Nguyên Chương, lực lượng chỉ bằng một phần ba Trần Hữu Lượng, nhưng nhờ có quân sư Lưu Bá Ôn rất giỏi mưu lược, cuối cùng, Chu Nguyên Chương đã chiến thắng. Lưu Bá Ôn tài năng chả kém gì Khổng Minh, đã dùng kế hỏa công đánh bại hạm đội hùng hậu của Trần Hữu Lượng trong trận quyết chiến chiến lược trên hồ Bà Dương. Bị một mũi tên lạc trúng vào đầu, Trần Hữu Lượng hy sinh tại trận. Quân sĩ mất vua, mất tướng chỉ huy, tan rã sau hơn hai tháng chiến đấu quyết liệt trên hồ Bà Dương, còn gọi là hồ Bành Lãi, thông ra sông Trường Giang.

Chu Nguyên Chương sau đó tiếp tục đánh bại Trương Sĩ Thành, thống nhất thiên hạ, lập ra nhà Đại Minh. Ví thử, Trần Hữu Lượng chiến thắng trong trận quyết chiến chiến lược trên hồ Bà Dương, thì làm gì còn có nhà Minh nữa? Đất đai nhà Trần sẽ rộng lớn thế nào? Chẳng phải là không thua kém gì sự nghiệp của Triệu Vũ Đế, vua nước Nam Việt hay sao?
Chiêu Quốc Vương khẳng định:
Chí nối nghiệp cũ cha ông (của ta) vẫn không hề tiêu tan,
Nên để sử sách lưu lại tiếng thơm ngàn đời.
Và Chiêu Quốc Vương mơ ước cái ngày thắng lợi:
Đến ngày bờ cõi thống nhất, (chúng ta) cùng gặp gỡ,
Thì dòng dõi (cha ông) nối tiếp, lâu bền như núi non nước Việt vậy!
Một niềm tin tưởng sáng tươi!
Bài thơ XUẤT QUỐC của Chiêu Quốc Vương như một di cảo vô giá, để lại tâm sự và ước nguyện của ông cho đời sau. Những văn bản đã được viết ra ở mọi thể loại, mọi thời đại sau, đều chỉ là những điều trông thấy, những điều nghĩ của những người ngoài cuộc. Thực chất của vấn đề là ở phía sau hiện tượng trông thấy cho một kịch bản trà trộn vào đối phương, leo cao chui sâu để thực hiện một nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Con cháu đời sau như chúng ta, cần phải tỉnh táo, suy ngẫm cho thấu đáo, không phải chỉ để vén lên bức màn huyền bí của lịch sử, mà còn chiêu tuyết cho một nhân vật lịch sử, một người con anh hùng của đất nước phải cam lòng gánh chịu oan khuất mấy trăm năm.

 

    KỲ HAI

     TRIỀU TRẦN VÀ CHIẾN LƯỢC TÌNH BÁO

 

            Một nhà quân sự bình thường, ít nhất, ai cũng phải hiểu câu “Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng”!

            Để làm rõ thêm nội dung bài thơ XUẤT QUỐC của Trần Ích Tắc, chúng tôi xin nêu thêm một số lý do cụ thể:

1

Chỉ xét riêng về công việc tổ chức màng lưới tình báo chiến lược, trong lịch sử ngàn năm ở nước ta dưới thời phong kiến, không có triều đại nào có thể so sánh với triều đại nhà Trần. Đó là một sự khẳng định.

            Ngay từ cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ lần thứ nhất, triều Trần, dưới sự lãnh đạo tài giỏi của tầng lớp quý tộc tinh hoa, đứng đầu là Thống soái tối cao Thái sư Phụ chính Trần Thủ Độ (1194-1264). Triều đình đã nhân việc Mông Cổ yêu sách An Nam (Đại Việt) 6 điều, trong đó có yêu sách triều Trần phải đưa Thái tử sang Mông Cổ làm con tin. Nhân việc này, triều Trần đã tiến hành tổ chức đoàn tình báo chiến lược đầu tiên.

Trần Thủ Độ là cháu ngoại của nhà Hậu Lý. Cha ông là Trần Thủ Huy, Phò Mã nhà Lý. Mẹ ông là công chúa Đoan Nghi. Trần Thủ độ được sinh ra trên đất khách, ở một bến đò, cho nên ông được cha mẹ đặt tên là ĐỘ (bến đò). Ông lớn lên ở Mông Cổ, chơi rất thân với Ngột Lương Hợp Thai, viên Thái sư Mông Cổ sau này đã đem quân xâm lược Đại Việt năm 1258. Quân Mông Cổ bị bao vây ở Thăng Long. Ngột Lương Hợp Thai phải viết thư nhờ Trần Thủ Độ nể tình xưa nghĩa cũ, mở vòng vây, cho phép quân Mông Cổ được rút khỏi Thăng Long an toàn. Trần Thủ Độ, bấy giờ là Thống soái tối cao, đã bàn bạc với triều đình, để tránh việc vì tình cảm riêng mà coi nhẹ việc nước. Sau khi bàn bạc kỹ lưỡng, Đại Việt đã quyết định chấp nhận đầu hàng, mở vòng vây để quân Mông Cổ được về nước trong an toàn và danh dự.

Cuộc kháng cự của quân Mông Cổ chỉ diễn ra được vẻn vẹn trong vòng 1 tháng, đúng như Thái sư Trần Thủ Độ đã nói với vua và triều đình. Bởi chính ông đã nắm chắc phần thắng trong tay. Thế là sao? Là vì ông đã sống trên đất Mông Cổ, đã hiểu biết rất rõ Mông Cổ về mọi mặt. Ông phát hiện, chỉ ra chỗ yếu, chỗ mạnh của quân Mông Cổ. Họ rất mạnh về kỵ binh. Lính kỵ binh Mông Cổ vô địch trên các chiến trường bằng phẳng. Họ còn chế ra máy bắn đá để công thành. Họ đánh bại cả châu Âu, châu Á. Họ đang gặm nhấm con mồi to béo nhưng rất yếu ớt là nhà Tống. Nhưng họ thất thế trên chiến trường đồng lầy, nhiều sông ngòi và lam chướng ở Đại Việt. Kỵ binh họ sẽ không phát huy được tác dụng. Ta không xây thành trì vững bền, cho nên máy bắn đá của họ cho dù rất ghê gớm, nhưng cũng chẳng để làm gì. Thành trì của ta là lòng dân, là làng xóm phân tán. Chỉ trong khoảng một tháng, quân Mông Cổ nhất định sẽ bị đánh tan. Đó chính là chỉ đạo của Thái sư Trần Thủ Độ với các quan chức triều Trần, con cháu của ông cả.

Chẳng thế mà khi quân Mông Cổ tiến như vũ bão, quân Trần rút lui chiến lược, phải bỏ lại Thăng Long. Vua Trần chèo thuyền đến hỏi ý kiến Trần Nhật Hạo, ông này sợ vãi đái, miệng méo không nói được, phải chấm ngón tay vào nước viết lên mạn thuyền hai chữ “Nhập Tống”, nghĩa là chạy sang nước Tống. Thất vọng quá, vua Trần Cảnh lại chèo thuyền đến hỏi ý kiến Thái sư, rằng nên hàng hay nên đánh? Trần Thủ Độ, Thống soái tối cao bình tĩnh trả lời, rằng “ĐẦU TÔI CHƯA RƠI XUỐNG ĐẤT, XIN BỆ HẠ ĐỪNG LO”. Đấy, không biết địch biết ta, không có tầm nhìn chiến lược rộng lớn, không có ý chí quyết thắng, thì tại sao Trần Thủ Độ lại có niềm tin chắc thắng như vậy! Sử ta chép “Trần Thủ Độ ít học, nhưng là người mưu lược”, là bởi các vị ấy không biết gì nhiều về nhân vật vĩ đại này. Họ chỉ biết Trần Thủ Độ là dân đánh cá ở Hải Ấp, Thái Bình, cháu Trần Lý. Họ đâu biết Trần Thủ Độ là cháu ngoại nhà Lý, nhà quân sự và chính trị đại tài, chuyên gia hàng đầu về Mông Cổ!

 Quả nhiên, sự thật cuộc chiến đã diễn ra như kế hoạch tác chiến. Chỉ đáng tiếc một điều là ông Thái úy Trần Nhật Hạo đã không tuân lệnh của Tiết Chế Trần Quốc Tuấn. Trần Nhật Hạo đã đem quân tinh nhuệ đối đầu trực tiếp với quân Mông Cổ trên cánh đồng Văn (Vĩnh Phúc), bị quân Mông Cổ đánh cho tơi tả. Ba bốn hiệu quân tinh nhuệ do Trần Nhật Hạo chỉ huy gần như bị quân Mông Cổ tiêu diệt.

Chính sử nước ta chỉ biết về giai đoạn Trần Thủ Độ ở với Trần Lý trở về sau, chứ các nhà chép sử không hề có thông tin gì về Trần Thủ Độ trước đó. Cha ông (Trần Thủ Huy) giận nhà Lý đối xử với ông quá tệ bạc. Triều Lý sau đó đã hối hận, cử sứ đoàn sang mời vợ chồng Trần Thủ Huy và công chúa Đoan Nghi về nước. Trần Thủ Huy cho vợ con về, còn ông ở lại Mông Cổ. Bà Đoan Nghi trên đường về quê hương xa vạn dặm, rất gian khổ, nên ốm chết dọc đường. Trần Thủ Độ theo sứ đoàn nhà Lý về nước. Không còn mẹ, lại không có cha, cho nên Thủ Độ phải ở với Trần Lý.

Lại nói về cụm tình báo chiến lược đầu tiên ở triều Trần.

Triều Trần đã dùng kế “tát nước theo mưa”, để tổ chức đoàn tình báo chiến lược đầu tiên (1258). Đoàn người hộ tống “Thái tử” Đại Việt sang Mông Cổ gồm 55 người cả thảy, đứng đầu là Hoàng tử, con trưởng của Thái Tông Trần Cảnh là Uy Vũ Vương Trần Nhật Duy và hai nhân vật không thể thiếu, đó là bà công chúa Trần Ý Ninh (vợ Nhật Duy) và ông Vũ Sơn Hầu Tạ Quốc Ninh, bộ óc tuyệt hảo, cố vấn của “cống đoàn”. Tạ Quốc Ninh quê Sơn Tây, được ban tước Hầu, chức Thượng tướng quân (cao hơn Đại tướng), hàm Thái tử Thiếu bảo, Hiệp Biện Đại học sĩ, Đồng Tri Khu mật viện. Ông vừa là cố vấn, vừa tranh thủ dạy tiếng Mông Cổ, tiếng Hán cho các thành viên trong đoàn.

            Uy Vũ Vương Trần Nhật Duy là con trưởng của Trần Cảnh, do bà Tuyên Phi Mai Đông Hoa, quê ở làng Thụy Khuê, Tây Hồ sinh ra. Nhật Duy bằng tuổi Trần Quốc Khang, do Thuận Thiên Hoàng hậu sinh ra, Nhưng Quốc Khang thực chất là con Trần Liễu (anh trai Trần Cảnh). Vậy nên, Trần Quốc Khang chỉ được phong tước Đại Vương. Trần Nhật Duy được thay Thái tử Hoảng (Trần Thánh Tông) sang Mông Cổ làm con tin, vừa hợp lý, thuận tình. Mông Cổ không bắt bẻ được.

Nhật Duy là Hoàng tử rất thông minh tài giỏi. Lại thêm có sự giúp đỡ của cố vấn Ta Quốc Ninh và người bạn đời là công chúa Trần Ý Ninh. Đoàn người theo giúp Trần Nhật Duy đã hoàn thành nhiệm vụ tình báo chiến lược xuất sắc, vô cùng xuất sắc, mà Thái sư Trần Thủ Độ, vua Trần Cảnh và Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã giao cho. Đó chính là nhiệm vụ thăm dò, chia rẽ nội bộ Hoàng tộc Mông Cổ, khiến họ nghi ngờ nhau, đánh nhau, càng lâu càng tốt. Đồng thời, phải giúp nhà Tống đánh nhau với Mông Cổ càng lâu càng tốt. Để làm gì? Để họ không có thời gian rảnh rỗi suy nghĩ đến việc đem quân trả thù nước Đại Việt dưới triều Trần chứ sao! Uy Vũ Vương Trần Nhật Duy và các cộng sự, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đặc biệt khó khăn của mình. Thực tế, Mông Kha Đại Hãn đã nghi ngờ Hốt Tất Liệt. Họ đấu đá sống mái với nhau suốt nhiều năm. Thực tế thì nước Đại Việt ta đã có khoảng 30 năm yên ổn để ra sức củng cố lực lượng, xây dựng đất nước vững mạnh, để có thể sẵn sàng đương đầu với quân xâm lược Mông Cổ lần thứ 2, thứ 3 và có thể là lần thứ 4 nữa. Tuy nhiên, chính sử nước ta không thấy chép câu nào về Uy Vũ Vương Trần Nhật Duy cả. Tất nhiên rồi!

Trên đường đi, bà Trần Ý Ninh đã sinh ra một người con trai rất anh dũng, tài giỏi, đó chính là Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản. Trần Quốc Toản được cha mẹ đưa về nước, khi nhà Tống đã bị Hốt Tất Liệt tiêu diệt. Một số quý tộc nhà Triệu Tống, trong đó có Hoàng tử nhà Triệu Tống và cô em gái, công chúa Triệu Ngọc Hoa, đã chạy sang nương nhờ Đại Việt. Đoàn người nhà Tống đã được Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, tướng chỉ huy trấn giữ vùng biên cương phía Bắc thu nạp. Trần Quốc Toản nằm trong biên chế của đội quân do Trần Nhật Duật chỉ huy. Và cơ duyên trời định, cô công chúa nhà Triệu Tống là Triệu Ngọc Hoa đã trở thành vợ Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản.

Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản lại kế nghiệp cha làm tình báo chiến lược. Ông được lãnh đạo nhà Trần tổ chức bí mật sang nhà Nguyên, giúp Tống. Sử nhà Nguyên chép việc Trần Quốc Toản cùng Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư đánh nhau với tướng Trương Văn Hổ ở vùng cửa biển An Bang, khi Trương Văn Hổ quay lại với ý đồ cướp lại số lương thảo đã bị Trần Khánh Dư tịch thu trước đó. Sử Nguyên chép rằng Trần Quốc Toản bị thương nặng và mất tích. Thế thôi. Còn như về sau thì họ cũng không biết gì để chép thêm. Sử nước ta thì chép rằng Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản hy sinh trên trận tuyến sông Cầu (Như Nguyệt), khi ông mới 18 tuổi. Thực tế thì, viên tướng hy sinh trên trận tuyến Như Nguyệt lại là một viên tướng trẻ khác, thuộc tôn thất nhà Trần…

Những tư liệu tôi vừa nói đây, là nguồn từ sách ĐÔNG A DI SỰ, do bà Huệ Túc Phu Nhân (Hoàng Chu Linh), bà vợ người nước Tống của vua Trần Cảnh ghi chép. Bà Huệ Túc Phu Nhân theo cha là ông Hoàng Bính, một quan chức cao cấp của nhà Tống. Ông Hoàng Bính xem thiên văn, đoán biết nhà Tống sẽ bị Mông Cổ diệt, mà phương Nam khí đang vượng, cho nên Hoàng Bính đã đem theo cả gia quyến gồm 1200 người, chạy sang nương nhờ Đại Việt vào mùa xuân năm 1257. Bà Hoàng Chu Linh khi ấy mới 16 tuổi, rất giỏi bói toán, xem số tử vi. Tháng 6 năm 1257, bà Hoàng Chu Linh được tiến cung, làm vợ vua Trần Cảnh, được phong là Huệ Túc Phu Nhân. Chính bà Huệ Túc Phu Nhân đã khuyên vua Trần Cảnh và Thái sư Phụ chính Trần Thủ Độ giao chức Tiết Chế (Tổng chỉ huy quân đội) cho Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, ngay từ cuộc kháng chiến chống Mông Cổ lần thứ nhất (1258). ĐVSKTT chỉ ghi có một câu rất ngắn, viết về chi tiết này. Phần đông chúng ta đều đoán rằng Trần Quốc Tuấn chỉ được phong Quốc Công Tiết Chế trong cuộc kháng chiến lần thứ 2 (1285) và thứ 3 (1288) mà thôi.

Ở cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 3 (1288), nhà Trần lại dùng kế trá hàng. Người thực hiện việc này, lại chính là Hưng Ninh Vương Trần Tung (anh trai Trần Quốc Tuấn). Trần Tung đã tự nguyện sang đại bản doanh của Thoát Hoan, Tổng chỉ huy quân Nguyên Mông để “xin hàng”. Lý do chắc sẽ là việc ông bất mãn với vua Trần. Thoát Hoan hoàn toàn tin theo. Trần Tung hứa sẽ về làm nội ứng cho Thoát Hoan. Nhưng ngay đêm đó, Trần Tung đã đem quân tinh nhuệ bất ngờ tấn công vào doanh trại Thoát Hoan. Quân Nguyên tan vỡ nhanh chóng. Nhưng Thoát Hoan thoát chết. Hắn cay đắng tức giận, nhưng đành phải thu vén tàn quân rút chạy về Bắc. Sự kiện này, sách ĐVSKTT của ta có ghi chép.

Trở lại câu chuyện Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc, để các bạn thấy rằng, triều Trần đã lại tiến hành một vụ tình báo chiến lược thứ 2, thành công rực rỡ như thế nào. Đấy là chưa kể đến câu chuyện công chúa An Tư được đưa sang làm vợ Thoát Hoan, được giao nhiệm vụ gì. Nhưng tình riêng và việc chung đều tốt cả. Công chúa An Tư đã sinh hạ cho Thoát Hoan 2 người con.

Nhân đây, cũng lại phải kể thêm câu chuyện công chúa Trần Huyền Trân được gả cho vua Chiêm là Chế Mân. Công chúa Trần Huyền Trân về làm Hoàng hậu vua Chiêm. Đoàn tùy tùng theo hầu Hoàng hậu, có hầu nữ và có cả nam giới. Họ đều ở lại bên cạnh Huyền Trân ở thành Đồ Bàn, để giúp bà trong sinh hoạt đời thường theo nếp sống của người Việt. Nhưng mà không chỉ có thế. Họ còn được giao thêm nhiệm vụ khác nữa. Chẳng cần nói ra thì các bạn cũng hiểu rồi. Hai vị đại quan có trách nhiệm bảo vệ, đưa tiễn Huyền Trân về Chiêm, chính là danh sĩ Đoàn Nhữ Hài và Trần Khắc Chung (tên thật là Đỗ Khắc Chung). Thông tin cụ thể này, chúng ta chỉ được biết sau khi tư liệu chỉ viết về Hoàng tộc nhà Trần, là sách ĐÔNG A DI SỰ, do chính bà Huệ Túc Phu Nhân khởi thảo, tiếp nữa là Đoàn Nhữ Hài, đệ tử thân tín của Bà Huệ Túc. Cuối cùng là Tư Đồ Trần Nguyên Đán, đồng tác giả. Các tài liệu về nội bộ nhà Trần lưu lạc bên Trung Quốc, do cô Vũ Khánh Ngọc, du học sinh ở Phúc Kiến sưu tầm được. Gia phả dòng họ Trần Ích Tắc và Trần Quốc Toản được người đời sau biết đến từ đây…

 

KỲ BA

BIỆN GIẢI VỀ CÂU CHUYỆN ĐẦU HÀNG CỦA TRẦN ÍCH TẮC

 

Trần Ích Tắc cho rằng mình thông minh tài giỏi hơn các vị Hoàng tử khác. Trần Ích Tắc muốn được lên ngôi Hoàng Đế. Sử sách chép như vậy. Nhưng thử nghĩ mà xem. Trần Ích Tắc trước khi sang nhà Nguyên, ông còn giữ chức “Phiêu kỵ Đại tướng quân”, trấn giữ tuyến phòng thủ thứ 2, ở mạn Bạch Hạc (Việt Trì), trong khi em trai ông là Trần Nhật Duật trấn giữ tuyến đầu, biên giới phía Bắc. Khi quân Nguyên tiến công như vũ bão, Ích Tắc còn đứng bên cạnh vua, tham mưu tác chiến. Có lẽ, lãnh đạo nhà Trần đã phải tính đến cái kế đánh địch từ bên trong lòng địch, xây dựng lực lượng lâu dài để đối phó với kẻ thù lâu dài. Thế nên, phải cử Trần ích Tắc làm việc này. Không phải người tài giỏi như Trần Ích Tắc, không ai lúc bấy giờ hội tụ được các tiêu chí cần thiết, để có thể đảm đương được cái việc cực kỳ khó khăn này. Ví thử như một người nào đó kém tài, Hốt Tất Liệt cũng chỉ cho họ một chức quan nhỏ, để họ đủ sống được mà thôi. Phải có tài lớn, Hốt Tất Liệt mới ban cho chức quan lớn, đủ tầm để tiếp cận gần ông ta, tham mưu cho ông ta những quyết sách lớn. Tất nhiên rồi!

            Sử ta chép, rằng Trần Ích Tắc muốn làm vua. Không được thì sinh ra bất mãn, bèn đem gia quyến chạy sang hàng nhà Nguyên. Tôi đã nói ở trên rằng, tất cả những tài liệu được viết ra, người đọc đời sau phải tư duy để xem xét, mới có thể tiếp cận được sự thật ẩn giấu ở bên trong.

Muốn làm vua ư? Điều này là phi lý và bất khả thi. Tại sao? Là vì thể chế nhà Trần rất rõ ràng, chắc như đinh đóng cột. Triều đình lúc nào cũng có hai vua (Nhị Thánh). Vua cha nhường ngôi cho vua con, lên ngồi ghế Thượng hoàng, nhưng vẫn có quyền phế truất vua con. Xem sử ta ghi câu chuyện vua Trần Anh Tông mới lên ngôi, uống rượu say sưa, mất cả thể diện. Có người tố cáo, đến tai Thượng Hoàng Nhân Tông. Ngài đang nghỉ ở hành cung Thiên Trường. Khi tỉnh rượu, Anh Tông vô cùng hoảng sợ. May gặp được anh học trò Đoàn Nhữ Hài đi qua, Anh Tông bảo Nhữ Hài viết cho tờ biểu tạ tội. Anh Tông cùng Đoàn Nhữ Hài vội vã về Thiên Trường đội sớ tạ tội. Thượng Hoàng Nhân Tông mắng Anh Tông như tát nước. Ngài bảo rằng, ta còn những Hoàng tử khác có thể làm vua. Nếu ngươi (Anh Tông) không ra gì, ta sẽ phế truất ngay đấy!

Ngôi chủ ổn định, chặt chẽ. Chỉ có con bà chính thất (Hoàng hậu) mới được phong Thái tử, kế vị ngai vàng. Người con trưởng không đủ tài làm vua, thì sẽ có một Hoàng tử khác con bà Hoàng hậu được chọn thay thế. Còn như các vị Hoàng tử con các bà Phi, thì LÀM GÌ CÓ CỬA mà sinh lòng nhòm ngó ngôi báu kia chứ? Trần Ích Tắc là con bà Phi thứ 5, dám đâu mơ ước hão huyền, cho dù ông thực sự là người rất tài giỏi. Trường hợp bất khả kháng, ví như Hoàng hậu không sinh được con nối dõi, bấy giờ triều đình mới tính đến việc chọn một Hoàng tử, con một bà Phi nào đó kế vị. Vậy nên cái câu chữ của sách sử, chúng ta đủ cơ sở để cho nó vào sọt rác, để hướng tới một cách nhìn, cách nghĩ chuẩn xác hơn, lấp ló ở phía sau.

2

Trong suốt thời kỳ giao chiến với quân Nguyên Mông, Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn luôn bố trí lực lượng canh phòng bảo vệ biên giới. Mấy ai thoát khỏi quân binh nhà Trần phục kích ngăn chặn những kẻ đầu hàng? Ví như Chương Hiến Hầu Trần Kiện (con Trần Quốc Khang) chạy đến biên giới, liền bị phục binh quân Trần dùng tên độc bắn chết. Nguyễn Địa Lô đã bắn trúng đầu gối Trần Kiện bằng mũi tên độc. Lê Tắc (tác giả cuốn AN NAM CHÍ LƯỢC), gia thần của Trần Kiện phải kéo xác Trần Kiện sang bên kia biên giới để chôn cất.

Vậy tai sao Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc đem theo cả gia quyến ngựa xe kềnh càng phức tạp, lại không bị chặn đánh ở biên giới, kể cả đường bộ và đường thủy? Trần Ích Tắc còn “nguy hiểm” hơn Trần Kiện rất nhiều, sao lại tẩu thoát dễ dàng như vậy? Câu hỏi này đặt ra để các bạn suy nghĩ cho thấu đáo.

Thêm nữa, nên biết rằng Thượng Hoàng Trần Thánh Tông nghiêm khắc đến thế nào, các bạn nghe tôi kể đây. Khi ông Thiếu sư Trần Trọng Trưng người nước Tống đem cả gia quyến chạy sang nương nhờ Đại Việt (tương tự ông Hoàng Bính năm 1257), các vua Trần đối xử rất tốt với ông Trần Trọng Trưng (Lê Quý Đôn ghi là Trần Trọng Vi). Vua Trần còn phong chức tước cho ông Trần Trọng Trưng và cả con trai ông ấy là Trần Tôn. Khi Trần Trọng Trưng chết, vua Trần rất thương xót. Thánh Tông đã viết bài thơ khóc thương ông Trần Trọng Trưng rất cảm động. Tôi đã bình giải kỹ bài thơ này, để thấy được tấm lòng chân thành, nhân ái của các vua Trần.

Thế nhưng, khi Thoát Hoan tiến công mãnh liệt xuống Đại Việt từ hướng biên giới phía Bắc, thì Trần Tôn, con ông Trần Trọng Trưng (người Tống) lại đầu hàng. Hắn còn dẫn đường cho Thoát Hoan tấn công vào Vạn Kiếp, khiến quân Trần bị bất ngờ, thiệt hại khá lớn, phải bỏ căn cứ Vạn Kiếp rút lui bảo toàn lực lượng. Thượng Hoàng Thánh Tông rất tức giận. Ngài sai đào mả Trần Trọng Trưng (cha Trần Tôn), bổ quan tài hắn ra, để cho hả cơn giận. Kẻ phản bội nào cũng phải bị trừng trị nghiêm khắc như vậy. Tôi dẫn chuyện này, đã viết bài về chuyện này, để biết vua Trần nghiêm khắc như thế nào. Nhưng với “kẻ phản bội” Trần Ích Tắc thì khác đấy. Bạn nghĩ sao?

3

Trần Ích Tắc là một người tài giỏi vào bậc nhất đương thời. Chính ông là người đã mở trường tư thục đầu tiên ở nước ta, bên cạnh QUỐC TỬ GIÁM. Ông vừa bảo trợ, vừa là thầy dạy. Học trò ông nhiều người thành đạt, như Mạc Đĩnh Chi, Bùi Phóng, Nguyễn Trung Ngạn, Trương Hán Siêu…Luật thời phong kiến rất nghiêm khắc. Nếu Thầy phạm tội, trò cũng phải vạ lây. Thậm chí, bị đuổi khỏi chức quan. Đôi khi còn bị giết theo thầy. “Tru di cửu tộc”, trong đó, có các học trò của thầy. Đơn giản là vì trò là sản phẩm tư tưởng của thầy. Ví như Nguyễn Trãi, đại công thần khai quốc bị giết cả ba họ (tru di tam tộc), thì học trò của cụ biến đâu mất tiêu. Không thấy ai để lại một câu nào nói về Thầy Nguyễn Trãi, mặc dù cụ có rất nhiều học trò làm quan đại thần trong triều. Nguyễn Trãi có bài thơ chữ Hán dạy bảo học trò của cụ đang làm quan trong triều phải chính trực, phải thương yêu giúp đỡ nhau. Có thấy ai tự nhận là trò của Thầy Nguyễn Trãi đâu? Nếu Trần Ích Tắc mắc trọng tội phản quốc, thì tại sao học trò ông như Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn, Trương Hán Siêu vẫn làm quan to ngất ngưởng trong triều? Chẳng phải là một sự bất thường hay sao? Chẳng phải là một chi tiết để đời sau tìm hiểu hay sao? Thêm nữa, Trần Ích Tắc có cả phủ đệ riêng, vương giả, có thể chu cấp cho trò nghèo theo học. Ông là một nhà giáo dục lớn, một nhân cách lớn đấy. Chính ông là người đầu tiên mở cơ chế mới cho giáo dục, ngày nay còn tiếp tục làm theo. Bạn nghĩ sao?

4

Luật nhà Trần rất nghiêm khắc, bất kỵ thân sơ. Đầu hàng quân Nguyên thực sự như Trần Di Ái, vừa về đến bên kia biên giới, đã bị quan binh nhà Trần chém chết ngay. Kẻ đầu hàng sẽ bị tước bỏ tất cả, đuổi cổ ra khỏi danh tính Hoàng tộc. Chỉ gọi tên. Ví như thằng A, tên B thôi. Thế thì cái tội cực lớn là “Phản quốc” như Trần Ích Tắc, sao không thấy vua Trần tước bỏ họ Trần của ông, mà chỉ gọi là Ả TRẦN, tức kẻ họ Trần mà hèn nhát yếu đuối như đàn bà? Sử chép, vua bảo rằng Ích Tắc là anh em máu mủ, nên không nỡ tước bỏ họ Trần của Ích Tắc. Thực ra, vua Trần không thể tước bỏ danh tính vẻ vang của Trần ích Tắc, là bởi ông ấy chỉ trá hàng đấy thôi. Đời sau sẽ làm sáng tỏ sự thật, trả lại tiếng thơm cho Trần Ích Tắc. Chúng ta, những kẻ hậu sinh, phải có trách nhiệm làm việc đó, chứ sao? Đấy là chỗ khác biệt, là cái ý thầm kín tế nhị. Những kẻ “người trần mắt thịt” như chúng ta phải suy lý, để tự tìm ra sự thật, để tự lý giải cho chính mình.

            Sử ta còn chép, sau chiến thắng Nguyên Mông lần thứ 3, có người đem những bức thư đầu hàng của người này người khác, trong đó có cả thư xin hẹn đầu hàng của Trần Ích Tắc, cho Thượng Hoàng Thánh Tông xem, để trừng trị những kẻ đó. Thượng Hoàng sai đốt đi, để yên lòng dân. Bạn có suy nghĩ rằng, những thư từ của Trần Ích Tắc, nếu có, chẳng phải cũng chỉ là nghệ thuật phản gián, để đối phương hoàn toàn tin tưởng vào Tràn Ích Tắc, để Hốt Tất Liệt tin tưởng, phong cho ông ấy chức AN NAM QUỐC VƯƠNG, rồi cả chức Tể tướng (Bình chương chính sự) bên cạnh vua Nguyên nữa, chứ sao? Đối phương không tin tưởng tuyệt đối, thì làm sao có thể “leo cao chui sâu” được? “Người trần mắt thịt” sao thấy được điều này? Nhưng Thượng Hoàng Thánh Tông thì đương nhiên, chắc ông ấy sẽ nheo mắt mỉm cười độ lượng…

5

Kể từ khi Trần Ích Tắc chạy sang “hàng” quân Nguyên, nhà Trần không thua thêm trận nào nữa. Thế là sao? Bạn có biết điều này không?

            Trong cuộc chiến lần thứ 3 (1288), vua Trần hỏi Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương, rằng năm nay đánh giặc thế nào? Hưng Đạo Đại Vương bình thản trả lời, rằng “năm nay đánh giặc nhàn”! Phải chăng, tin tức về giặc Nguyên Mông cũng thường xuyên được cập nhật về đại bản doanh của vị Tổng Tư lệnh tối cao? Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng. Binh pháp đã đúc kết thành nguyên lý trong chiến tranh là vậy! Bạn nghĩ sao?

6

Chúng ta cũng nên biết rằng, nhà Trần không chỉ tổ chức vụ tình báo chiến lược Trần Ích Tắc. Ngay sau cuộc kháng chiến chống Mông Cổ lần thứ nhất (1258), trước đó 30 năm, lãnh đạo nhà Trần đã tổ chức rất thành công vụ tình báo chiến lược đầu tiên, do Hoàng tử Trần Nhật Duy (con trưởng vua Thái Tông Trần Cảnh) dẫn đầu, như tôi đã viết ở bài trước. Đến lượt Hưng Ninh Vương Trần Tung, cũng trá hàng, rồi ban đêm dẫn quân tập kích Thoát Hoan, lại là một kiểu khác, trong tình huống khác.

7

Cuộc tấn công xâm lược Đại Việt lần thứ 3 của nhà Nguyên (1288), Thoát Hoan vẫn được làm Tổng chỉ huy 3 đạo quân tiến sang Dại Việt. Danh nghĩa là đưa NAN NAM QUỐC VƯƠNG Trần Ích Tắc về nước. Thoát Hoan chỉ huy mũi chủ lực. Ô Mã Nhi chỉ huy quân thủy tiến vào vùng An Bang.

            Trần Ích Tắc chắc chắn đã thông báo kế hoạch tấn công của quân Nguyên cho Trần Quốc Tuấn. Thế nên ông tin tưởng nhà Trần đã có kế sách đối phó. Thực tế diễn ra, mũi chủ lực của Thoát Hoan, có Trần Ích Tắc theo sau, không gặp trở ngại đáng kể nào, khi đội quân này tiến vào Thăng Long. Nghĩa là, quân Trần không bố trí đánh chặn đội quân này, để cho Thoát Hoan và Trần Ích Tắc tiến vào Thăng Long ở trọ ít ngày. Kế “Thanh dã” (vườn không nhà trống) được thực thi chu đáo. Trong khi đó, Trần Ích Tắc chỉ đem theo người con trai 9 tuổi để làm tin. Đội quân 5 ngàn người do Lê Tắc và Lê An chỉ huy bảo vệ cậu bé Trần An 9 tuổi, bị Nguyễn Thế Lộc chặn đánh hai bên sườn, mãnh liệt. Nhưng Nguyễn Thế Lộc vẫn để ngỏ hướng Bắc, thế là sao? Để ngỏ hướng Bắc cho Lê Tắc, Lê An đưa cậu bé Trần An chạy về phủ Tư Minh đúng vào ngày Tết Nguyên đán 1288. Thế là sao? Phải chăng, đã có sự bố trí hẳn hoi để bảo vệ con trai Trần Ích Tắc an toàn? Người nghiên cứu lịch sử, phải để tâm suy nghĩ chi tiết này, là vô tình hay hữu ý?

            Tóm lại, tình báo chiến lược trong chiến tranh, thì bên nào cũng tổ chức. Ngày nay, việc ấy lại càng tinh vi hơn nhiều. Nhưng cách nay đã gần ngàn năm, nhà Trần đã rất thành công trong tổ chức tình báo. Chúng ta phải thoát ra khỏi suy nghĩ đơn giản, một chiều, thoát ra khỏi những sách vở này nọ, để có tư duy khoa học, sáng suốt mới có thể tiếp cận được sự thật. Và cũng phải có cái “phông” văn hóa nhất định nào đó, mới có thể cảm thấu được CÁI KHÔNG NHÌN THẤY, vừa bí ẩn, vừa rất giàu hàm lượng thông tin. Sự đầu hàng của Trần Di Ái, của Trần Kiện, của Lê Tắc, là đầu hàng thật, rõ rồi. Việc đầu hàng của Trần Ích Tắc là việc đầu hàng theo kịch bản đã được thiết kế. Sao có thể đem ra để so sánh theo kiểu cơ học thông thường được?

Còn tiếp: 

KỲ BỐN
THƠ TRẦN ÍCH TẮC KÝ THÁC TÂM HỒN ÔNG
VÀ NHỮNG ẨN Ý SÂU XA, CẦN PHẢI HIỂU KỸ.

Nguồn tin: HNV

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây