Hội nhà văn Hà Nội

https://nhavanhanoi.vn


Khát một cái chết tái sinh là lớp nghĩa quan trọng nhất trong MÙA KHÁT của Nguyễn Việt Chiến

Khát một cái chết tái sinh là lớp nghĩa quan trọng nhất trong MÙA KHÁT của Nguyễn Việt Chiến
        Lã Nguyên
       Tôi nhận được Mùa khát Nguyễn Việt Chiến gửi tặng qua đường bưu điện. Đây là tiểu thuyết đầu tay của một nhà thơ, nhà báo kỳ cựu. Sách dày 415 trang, chia thành 20 chương, do Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành, được Họa sĩ Lê Thiết Cương vẽ bìa, trong tay tôi đây, nó còn thơm nguyên mùi giấy mực. Tôi đọc Mùa khát theo hai tầng nghĩa.
Tầng nghĩa thứ nhất lộ ra ngay ở lớp ngôn ngữ chất liệu nổi trên bề mặt tác phẩm. Qua lớp ngôn ngữ này, người đọc được nghe tác giả kể lại hai câu chuyện: chuyện về sự loạn lạc và chuyện về tình yêu. Biểu hiện rõ nhất của loạn lạc là chiến tranh, giặc giã. Mùa khát kể về hai cuộc chiến nối tiếp nhau kéo dài gần nửa thế kỉ: hết chống Mỹ đến chống Tàu. Cuộc trước có “đồi xay thịt”, cuộc sau là “lò nung vôi thế kỷ”, cuộc sau tuy ngắn hơn cuộc trước, nhưng cuộc nào cũng tàn khốc, dữ dội. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Việt Chiến đã dành tới một phần ba số trang Mùa khát để kể lại cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược năm 1979. Tham nhũng kết thành bè cánh, người chính trực bị đàn áp, trù dập là biểu hiện khác của tình trạng loạn lạc. Đọc tiểu thuyết của Nguyễn Việt Chiến, ta thực sự được chứng kiến những “án ngờ lòa mây” với những “tiếng oan dậy đất”.
Trong Mùa khát của Nguyễn Việt Chiến, loạn lạc không ngăn cản nổi tình yêu. Hình như ở đây tình yêu mới là câu chuyện trung tâm, còn loạn lạc chỉ là tình huống để tình yêu nảy nở. Có tình yêu hiểu theo nghĩa rộng và tình yêu hiểu theo nghĩa hẹp. Theo nghĩa hẹp, nó là tình cảm của đôi lứa, là nhu cầu tự nhiên thuộc bản năng của con người. Theo nghĩa rộng, đó là tình nghĩa, là khát vọng tự do và lẽ công bằng. Hiểu theo nghĩa nào thì trong Mùa khát của Nguyễn Việt Chiến, tình yêu bao giờ cũng là năng lực thiên phú, là báu vật tạo hóa ban tặng cho nhân loại, nó nảy nở tự nhiên ở mọi người, bất luận người ấy là ai. Kể chuyện tình yêu từ góc độ như thế, tiểu thuyết của Nguyễn Việt Chiến đã xóa bỏ hoàn toàn nguyên tắc bổ đôi, phân cực, chia thế giới thành hai nửa địch – ta, tốt – xấu đối lập với nhau như nước với lửa, một nguyên tắc từng thống trị dài lâu trong văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa.
Tầng nghĩa thứ hai chìm sâu trong lớp siêu ngữ của thiên tiểu thuyết. Nền tảng của tiểu thuyết là truyện kể. Cấu trúc bề mặt của tiểu thuyết hiện đại dẫu có biến đổi phức tạp thế nào, thì truyện kể của nó vẫn được kiến tạo theo một sơ đồ nào đó. Sơ đồ truyện kể (plot schema) là mô hình cấu trúc ổn định về mặt lịch sử, là cái “sườn” cố định của vô số truyện kể nào đó trong thực tế, là một tổ hợp các motif ràng buộc lẫn nhau, trình tự của chúng bao giờ cũng giống nhau, còn ngữ nghĩa thì đã được truyền thống định hình. Hiểu theo nghĩa như thế, sơ đồ truyện kể chính là một loại siêu ngữ. Olga Freidenberg, một nhà nghiên cứu lỗi lạc người Nga, cho rằng, truyện kể là “hình thức nhân cách hóa thế giới quan” của nhân loại trong tiến trình lịch sử. Số lượng sơ đồ truyện kể là hữu hạn. Theo bà nói, cho đến giữa thế kỉ XIX, nhân loại không sáng tạo thêm truyện kể mới, mọi biến thể truyện kể chủ yếu được kiến tạo theo hai sơ đồ: truyện kể chu kì (cyclical plot) và truyện kể lũy tích (cumulative plot). Hai sơ đồ ấy giống như hai đối cực, thể hiện hai kiểu tư duy, hai cách nhân hóa quan niệm về cơ thể vũ trụ. Đối cực này là con đẻ của tư duy logic, nó đề cao tính quy luật, xem toàn bộ sư phong túc của vũ trụ bắt nguồn từ một cơ thể duy nhất. Đối cực kia là sản phẩm của tư duy trực quan, nó coi trọng vai trò của cái ngẫu nhiên, xem cơ thể hoành tráng của vũ trụ là sự cộng gộp của nhiều cơ thể riêng lẻ. Kiểu tư duy logic đòi hỏi truyện kể chu kì dựa vào một nhân vật trung tâm và một hành động truyện thống nhất vận động theo trình tự thời gian – nhân quả để kiến tạo văn bản. Kiểu tư duy trực quan cho phép truyện kể lũy tích kiến tạo văn bản bằng cách xâu chuỗi các sự kiện phi nhân quả, tồn tại ngẫu nhiên trong không gian. Mọi loại cơ thể, kể cả cơ thể vũ trụ, đều có sinh, có diệt. Truyện kể chu kì là hành trình vượt qua cái chết để tìm tới sự sống tái sinh. Theo chiều ngược lại, truyện kể lũy tích là hành trình phủ định sự sống để hướng tới cái chết tái sinh. Tiểu thuyết và truyện ngắn của Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao trước 1945, truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, hoặc truyện ngắn và tiểu thuyết của Đặng văn Sinh sau 1986 được tổ chức chủ yếu theo sơ đồ truyện lũy tích.
Mùa khát của Nguyễn Việt Chiến cũng được tổ chức theo sơ đồ truyện lũy tích nói trên. Ta không tìm thấy trong Mùa khát của Nguyễn Việt Chiến một hình tượng nhân vật trung tâm gắn với một hành động truyện xuyên suốt từ đầu đến cuối, được chia thành ba phần mở đầu – phát triển – kết thúc. Văn bản tác phẩm tựa như được lắp ghép từ ba mảng truyện: mảng về những câu chuyện tình của Hậu Aka, mảng về cuộc đời thăng trầm của Vũ Văn và mảng về số phận của viên trung úy biệt kích Sài Gòn Nguyễn Nội. Xâu chuỗi những mảng truyện tưởng như rời rạc, ngẫu nhiên theo sơ đồ lũy tích, còn gọi là sơ đồ “điệp thừa”, tiểu thuyết của Nguyễn Việt Chiến đã tạo ra một hiệu quả thông tin đặc biệt.
Mọi diễn ngôn tự sự suy cho đến cùng đều nhắm tới một trong ba mục đích thông tin: thông tin tiến trình, thông tin sự kiện, hoặc thông tin trạng thái. Mùa khát của Nguyễn Việt Chiến không thiếu sự kiện, nhưng ấn tượng đậm nét nhất mà cuốn tiểu thuyết để lại trong ý thức tiếp nhận của tôi vẫn là thông tin về trạng thái nhân sinh. Những trang mô tả trạng thái loạn lạc của đời sống xã hội trong thiên tiểu thuyết đã khiến mọi chuyện tình mà Nguyễn Việt Chiến muốn làm thành một điểm nhấn chỉ còn là những câu chuyện tồn tại trong ước mơ và ý đồ sáng tạo của tác giả.
Về phương diện này, tôi đánh giá cao chương đầu của Mùa khát với tiêu đề “KẺ “NGÁO ĐÁ” VÀ VỤ ÁN GIAN NHÀ CÓ MA”. Chính chương truyện này đã tạo ra một bầu không khí đặc biệt: không khí ngột ngạt của một cái ngõ hẹp lúc nào cũng lảng vảng mùi xú uế, tởm lợm. Bầu không khí ấy làm thành sinh quyển của toàn bộ thế giới nghệ thuật, nó vây quanh các nhân vật, ám vào những chương sau của cuốn sách và vào kí ức tiếp nhận của của độc giả.
Đọc Mùa khát, độc giả không thể không đặt ra câu hỏi, rằng một đời sống “thối tha” như thế, đời sống lúc nào cũng thoang thoảng mùi “cứt”, thì ai mà sống được? Cho nên, Mùa khát thực ra là hành trình phủ định sự sống để tìm tới cái chết tái sinh. “Khát” một cái chết tái sinh là “ý tại ngôn ngoại”, là tầng nghĩa quan trọng nhất mà độc giả cảm nhận được từ lớp siêu ngữ của thiên tiểu thuyết của Nguyễn Việt Chiến. Chính tầng nghĩa này biến tác phẩm của ông thành một sự kiện giao tiếp mang ý nghĩa xã hội.
Hà Nội, 10.1.2019

 

Nguồn tin: HNV.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây