Hội nhà văn Hà Nội

https://nhavanhanoi.vn


Những bông hoa của lòng nhân ái

Thanh Ứng:

(Nhân đọc “Hoa trên đá”, tập truyện ngắn của Đại tá, nhà văn Trần Phúc Dương,NXB Hội nhà văn, 2020)
Ảnh bìa: Hoa trên đá

     Hoa trên đá là tập truyện ngắn mới được xuất bản đầu quý IV năm 2020 của Đại tá, nhà văn Trần Phúc Dương. Tập sách gồm tám truyện ngắn với gần hai trăm trang, sáng tác trong những năm gần đây và tại các trại viết do Hội nhà văn Hà Nội tổ chức. Hầu hết các truyện đã được công bố trên báo Văn nghệ, Văn nghệ Công an, Người Hà Nội…Tập sách còn có lời giới thiệu của nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam một số bài phê bình của các nhà văn quen thuộc. So với những tập trước, tập truyện ngắn này của Trần Phúc Dương có một bước tiến khá rõ trên bước đường sáng tạo văn chương cùng thể tài truyện ngắn mà anh có nhiều tâm huyết theo đuổi từ buổi đầu cầm bút. Một số truyện sáng tác ở trại viết hoặc được thử thách trên các trang báo nên chất lượng cũng có những điều đáng mừng. Tuy chưa có sự đột biến trong bút pháp, nhưng phải khẳng định rằng, Trần Phúc Dương đã nhuần nhuyễn hơn trong dẫn dắt cốt truyện, xây dựng nhân vật, xử lý tình huống. Diễn tả ngôn ngữ kể chuyện, ngôn ngữ nhân vật chuẩn mực, dung dị…

Điều người đọc dễ nhận ra nhất trong các truyện của Trần Phúc Dương ở tập này là tác giả vẫn chung thủy với những chủ đề quen thuộc như chúng ta vẫn thấy ở các tập trước. Đó chính là chất nhân văn thấm đậm trong từng trang truyện. Chất nhân văn đó thể hiện đậm nét trong những con người mà anh vẫn gần gũi, gắn bó trong đời sống thường nhật. Đó là người chiến sĩ Công an, đồng đội của nhà văn Trần Phúc Dương một thời. Trong truyện đầu tiên “Cây đào nở muộn”, nhân vật chính là một chiến sĩ Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy. Ngay trong đêm tân hôn với những háo hức ham muốn ngập tràn, anh vẫn phải tạm biệt người vợ mới cưới để đi làm nhiệm vụ, cùng đồng đội truy bắt nhóm tội phạm ma túy mà từ nhiều tháng nay anh là “đặc tình”, mất công gây dựng để  trở thành chỗ dựa của ả trùm cầm đầu băng nhóm. Gần ngày tết cũng phải chia tay vợ để đi làm nhiệm vụ bắt một tên tử tù trốn trại và bị nó cắn vào vai bị thương, sợ tên tử tù truyền lây nhiễm HIV nên phải chờ xét nghiệm máu. Thế là, từ cái đêm tân hôn cho đến những ngày tết anh phải hy sinh hạnh phúc cá nhân, không được gần gũi vợ. Vợ anh, cô giáo Diệu Thảo cũng chịu đựng và chia sẻ với anh những buồn vui của người lính Cảnh sát, đã an ủi, động viên anh rất nhiều trong công tác và cuộc sống. Hạnh phúc của anh có lúc lỡ hẹn nhưng đó là “bông hoa nở muộn”, “hé nở những nụ hoa đầu tiên trong tiết trời xuân ngào ngạt sắc hương”. Người lính Công an trong “Cặp đôi thi sỹ” lại chiến đấu chống lại những tiêu cực trong đời sống hiện nay. Anh đã ngăn cản người yêu không nhận tiền tài trợ in thơ, thực ra là một cách hối lộ của tay giám đốc khi biết anh sẽ làm trưởng một đoàn kiểm tra liên ngành về sai phạm trong xử lý chất thải của cơ sở sản xuất này. Sau những hiểu lầm của người yêu và một số người khác, phẩm chất trong sáng của anh đã được chứng minh. Mọi người ngưỡng mộ anh. Trong hạnh phúc ngập tràn giữa người sĩ quan Cảnh sát môi trường với Cẩm Tú, một cây bút trẻ, người yêu anh đã đón nhận tác phẩm đầu tay ra đời và được kết nạp vào Hội nhà văn. Đó là niềm tự hào chính đáng khi anh và người yêu trở thành “Cặp đôi thi sĩ” cùng đồng hành trên đường đời cũng như trên đường sáng tạo văn chương. Nhân vật chính trong “Lỡ hẹn”, truyện cuối của tập là một sĩ quan Cảnh sát giao thông - Đào Duy Quang. Đã nhiều lần anh không thực hiện được nguyện vọng cho vợ con đi du lịch, vì ngoài nhiệm vụ điều tiết giao thông, anh còn cùng đồng đội tham gia phối hợp truy bắt các loại tội phạm khác, đặc biệt là tội phạm ma túy. Các nhiệm vụ đó cứ liên tục yêu cầu anh cùng đơn vị phải thực hiện trong thời gian gấp gáp, nhạy cảm. Anh còn nhiệt tình, tận tụy đưa cháu bé bị lạc tìm về với gia đình. Bên cạnh trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ được giao của người Cảnh sát giao thông, Quang còn là một người chồng thủy chung, người cha mẫu mực, là người con rể đáng quý của gia đình nhà vợ, người bạn giàu tình cảm của các đồng đội và bạn bè. Anh chính là hình mẫu tiêu biểu của lực lượng Công an nhân dân “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” và được báo ngành ca ngợi…

ảnh chân dung Đại tá, Nhà văn Trần Phúc Dương

          Trong truyện ngắn của nhà văn Trần Phúc Dương còn có những con người bình thường trong cuộc sống nhưng có một tâm hồn cao thượng. Họ luôn vì người khác, nghĩ về người khác. Đó là Phương Thảo trong “Mái ấm”. Chị là một cô gái đẹp. Năm nay gần bốn mươi tuổi, “chị vẫn giữ được nét thanh tân của thời thiếu nữ”. Cách đây ba mươi bảy năm, Phương Thảo là một bé sơ sinh bị bỏ rơi, được các Sơ ở một Cô nhi viện đưa về nuôi cho đến trưởng thành. Vào đại học, Phương Thảo yêu Mai Thùy, một chàng trai cũng xuất thân nghèo khổ. Hai người phải chia tay nhau khi Mai Thùy đi bộ đội và có giấy báo tử. Nhưng thực ra anh sang chiến đấu bên Cam Pu Chia rồi bị thương vào đầu, não bộ bị tổn thương lúc quên, lúc nhớ và phải giấu thân phận là người Việt Nam nên Mai Thùy đã ở lại nước bạn và xây dựng gia đình, sinh sống bên đó. Trong khi, mặc dù cuộc sống luôn yêu chiều nhưng Phương Thảo vẫn nhớ người yêu cũ. Cô không xây dựng hạnh phúc với ai và quyết tâm sang nước bạn tìm bằng được Mai Thùy. Gặp được Mai Thùy trong hoàn cảnh thật cảm động nhưng không thay đổi được số phận của hai người. Phương Thảo về nước và quyết định trở về Cô nhi viện, nơi mà Phương Thảo đã được sinh ra lần thứ hai để cùng các Sơ chăm sóc, dạy dỗ cho những đứa trẻ mồ côi, khuyết tật và chị “tự hào là những người mẹ hiền, là mái ấm yêu thương che chở cho những đứa con”. Câu chuyện thật giản dị, song chứa đựng sự hy sinh lớn lao của người phụ nữ gây xúc động người đọc. Cô giáo Phương Trinh trong “Người sống lâu nhất” lại là nột nhân vật rất đáng chú ý. Chị sinh ra tại một làng quê ven sông Đáy, xinh đẹp, bơi lội giỏi, có nhiều chàng trai để ý trong đó có Hùng, một người nổi tiếng trong giới buôn bất động sản và xuất khẩu đồ gỗ vừa đi nước ngoài về. Anh ngỏ lời yêu nhưng Phương Trinh từ chối. Phương Trinh luôn có lòng thương người, sẵn sàng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong đó có con gia đình liệt sỹ. Nhân vật “tôi” trong truyện là người được cô cưu mang giúp đỡ trưởng thành đã mang ơn cô suốt đời. Cô Phương Trinh đã tử nạn trong lúc lao xuống dòng sông trong cơn mưa bão. Nhờ tài bơi lội từ nhỏ, cô đã đưa được hai em bé vào bờ, nhưng khi tiếp tục bơi ra cứu thêm người nữa thì cô đã kiệt sức và nước lũ đã cuốn cô đi. Cái chết của cô đã để lại bao nỗi tiếc thương cho những người dân địa phương và nhân vật “tôi” trong truyện. Kết truyện, tác giả nhắc lại lời cô giáo Phương Trinh như là một tuyên ngôn của cuộc sống: “Người sống lâu nhất là người cảm nhận được giá trị của cuộc sống nhiều nhất, chứ không phải người tồn tại với thời gian nhiều nhất”. Phương Trinh chính là “Người sống lâu nhất”.

Truyện ngắn “Hoa trên đá” là truyện được tác giả lấy tên đặt cho tên cả tập, những câu chuyện trong một gia đình có hoàn cảnh thật đặc biệt. Gia đình ông Thịnh, thương binh loại hai và bà Thân có hai con. Trí thì bị liệt cả hai chân. Nhẫn bị sứt môi trên, lớn lên trong còm cõi, bệnh tật. Ông bà Thịnh tìm mọi cách chữa chạy cho con nhưng vô hiệu. May mắn, Trí thông minh, khéo tay, học giỏi. Được gia đình bạn tài trợ và sự cố gắng vươn lên của bản thân, Trí đã học xong phổ thông và đỗ vào đại học Y. Ra trường, anh làm bác sĩ chuyên đi chữa bệnh cho các bệnh nhân trong vùng. Do có y đức và tài năng nên Trí được người dân mến mộ, khâm phục. Nhẫn - em Trí cũng được chữa khỏi bệnh và trở thành cô gái xinh đẹp đáng yêu. Gia đình và nhân vật Cần, xưng “tôi” trong truyện là những người bạn tốt. Dù đi tu nghiệp nước ngoài có cuộc sống khá giả, song vẫn không quên những người bạn thuở hàn vi ở quê. Anh rất vui khi thấy cha mẹ anh đã giúp đỡ gia đình Trí và bản thân có cảm tình với Nhẫn - em gái Trí. Họ thực sự là những bông hoa nở thắm, trong hoàn cảnh khó khăn luôn thơm ngát tình đời, tình người. Tên truyện ngắn cũng chính là chủ đề của cả tập truyện. Điều đó khẳng định tấm lòng thơm thảo của người viết với cuộc đời, với con người. Trong tập truyện, Trần Phúc Dương còn đề cập đến muôn mặt đời thường của xã hội hiện nay. Tác giả thông qua “Cuộc chạy trốn bất ngờ” để nêu lên một thực trạng của các cuộc thi nhan sắc rầm rộ trên đất nước ta thời gian qua. Tính chất thương mại, tiêu cực được bộc lộ rõ trong truyện, khiến người đọc phải suy ngẫm về những con người đứng ra tổ chức và cả những người thành danh trong các cuộc thi đó. Thiên truyện như một lời cảnh báo đối với chúng ta và những người có trách nhiệm trong cuộc sống. Còn “Nấc thang danh vọng” là một truyện ngắn có ý nghĩa xã hội lớn. Truyện được giới thiệu trên báo Văn nghệ của Hội nhà Văn Việt Nam và được dư luận chú ý. Nhà văn đã vạch trần những mưu toan, thủ đoạn của một bộ phận quan chức đã dùng tiền tài, gái đẹp để mưu cầu tiến thân, thu lợi lộc bất chính về cho bản thân và gia đình. Lời cảnh báo không chỉ của riêng ai. Cũng từ điểm nhìn của chủ nghĩa nhân văn, nhà văn Trần Phúc Dương đã soi tỏ những hiện tượng tiêu cực bằng tấm lòng bao dung rộng lớn. Đối với bước đi lầm lạc của Huyền T trong “Cuộc chạy trốn bất ngờ”, anh đã có một ứng xử rất cao thượng. Khi biết Huyền T đã chạy trốn cuộc đời, nương nhờ cửa Phật ở nước bạn, nhân vật “tôi” là người yêu của Huyền T đã cố công kiếm tìm và khuyên nhủ: “Em hãy rời bỏ chốn thiền môn nơi đất khách, quê người để trở về với đất mẹ, về với đời thường, về với anh. Anh sẽ tha thứ cho em tất cả. Chúng ta sẽ cùng nhau làm lại từ đầu”. Anh cũng là một bông hoa nở thầm trong cuộc đời này.

Tám truyện ngắn trong tập truyện mới này của nhà văn Trần Phúc Dương khẳng định thêm bản lĩnh của một nhà văn áo lính. Dù nhân vật của anh trong hoàn cảnh nào, câu chuyện của anh có những tình tiết éo le, phức tạp như thế nào thì bao giờ trái tim nhà văn cũng đứng về phía lẽ phải, nhân văn, nhân đạo. Đó như một lý tưởng sống và viết mà nhà văn hằng theo đuổi. Đúng như nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã viết ở đầu sách: “Lòng nhân ái và việc dẫn dắt bạn đọc đi tới lòng nhân ái là con đường duy nhất của nhà văn. Và nhà văn Trần Phúc Dương đã và đang thực thi sứ mệnh ấy của một nhà văn”. Tôi tin Trần Phúc Dương sẽ thành công trong những suy ngẫm và thực hành ý tưởng trên trong các thiên truyện ngắn tiếp theo của anh.

                                                           

                                                                           

 

Nguồn tin: Báo Văn nghệ Công an

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây