Hội nhà văn Hà Nội

https://nhavanhanoi.vn


Đọc thơ PHẠM THỊNH

Chung Tiến Lực và Ngô Nguyễn
Đọc thơ PHẠM THỊNH
 NIỀM ĐAM MÊ THANH CAO
Lời bình của Chung Tiến Lực
 
    Học xong lớp mười hệ (10/10) Phạm Thịnh không dự thi vào đại học mà cùng trai làng lên đường nhập ngũ. Anh bộ đội có nét mặt thư sinh ấy mất hơn một tháng trời hành quân vào miền Trung rồi chiến đấu ở nơi được mệnh danh là chiến trường gian khổ, ác liệt nhất.
 
    Sau giải phóng miền Nam, Phạm Thịnh được phân công làm giáo viên dạy văn hóa cấp một, cấp hai cho đồng đội của mình, rồi ông được phục viên về thi vào đại học, thỏa ước nguyện bút nghiên. Dường như cấp chỉ huy trong quân đội đã phát hiện và tạo điều kiện cho một người có nhận thức nhanh, sống có chí hướng vào lớp cán bộ nguồn.
 
    Sau khi tốt nghiệp đại học ngành thương mại, ông hăm hở xông pha trên mặt trận kinh tế với những thử thách cam go của thời giá lương tiền rồi trở thành nghiên cứu viên của viện nghiên cứu kinh tế thương mại. Ở lĩnh vực nào Phạm Thịnh cũng thể hiện được tố chất thông minh và bản lĩnh quyết đoán. Hơn bốn mươi năm làm việc, từ cán bộ nghiên cứu chiến lược kinh tế thương mại, đến cán bộ quản lý kinh doanh (thuộc bộ thương mại), ông đã có nhiều cống hiến cho nghành TM, nhất là ở giai đoạn đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường, có sự điều tiết của nhà nước.
 
    Bạn bè biết đến Phạm Thịnh là một người hăng hái, luôn tận tâm, tận lực với công việc. Còn biết ông là người có tâm hồn thi sĩ. Ở ông một hồn thơ lai láng với nhiều cảm xúc trong cuộc sống muôn mặt đời thường. Cùng bạn bè ngồi uống trà với nhau ông thổ lộ: “Ngày xưa khi còn công tác thì chăm lo hết mình, ưu tiên hết thảy cho công việc. Ngành thương mại là một ngành kinh tế mà”. Cơm áo không đùa với khách thơ " như ai đã nói, ông không có thời gian để đầu óc nghiêng ngả theo những cảm xúc mà viết, mà thăng hoa. Đôi khi những phút nghỉ ngơi thư giãn cũng có đọc và rung cảm trước những vấn đề về nhân tình thế thái, những ý, tứ chưa thể thành lời và lời chưa thể cháy lên môi.
     Khi nghỉ hưu ông nhàn tản với những chuyến đi du lịch trong và ngoài nước, rồi những chuyến thăm thú ba quê.. những cảm xúc rung động đời thường đã đánh thức tâm hồn thơ trong ông. Vâng chỉ khi nghỉ hưu ông mới có điều kiện tìm đến thưởng ngoạn, chiêm nghiệm và chia sẻ với văn thơ vốn là nơi nhân văn, tao nhã và nhân bản.
    Thơ chính là mảnh đất để ông trải lòng và chiêm nghiệm.Tuy đến với thơ muộn màng nhưng trong năm, sáu năm ông đã có nhiều bài được đăng trên các báo văn nghệ của hai thành phố lớn ở hai đầu đất nước. Đặc biệt là ông đã có hai tập thơ dày dặn do nhà xuất bản Hội Nhà văn cấp phép. Tập thơ Trăng màu phố  là đứa con tinh thần thứ hai đánh dấu sự trưởng thành đáng nể trọng trong sự sáng tạo liên tục, giầu cảm xúc của ông.
    Thơ Phạm Thịnh dung dị đời thường, tâm thế bằng an và giầu tình cảm. Đọc Trăng màu phố thấy ông là người thành đạt, ông đến với thơ bằng nhiều thể loại. Với thể thơ tự do thì cách nhìn của ông khoáng đạt, hồn thơ lai láng, thi nhạc chữ tình. Thơ lục bát của Phạm Thịnh nhuần nhị, mang âm hưởng dân ca đồng bằng Bắc bộ nơi ông sinh ra và lớn lên, thẫm đẫm lời ru của bà, của mẹ sớm chiều bươn bả đồng quê/ Cõng mưa đội nắng đi về sớm hôm, và nhỡ nhàng mùa đã qua lâu/ mà mùi hương cũ theo nhau ngọt ngào,  rồi chiêm nghiệm bằng câu hỏi tu từ : đến bao giờ/ người già mới hết dại khờ vì yêu… hay hạnh phúc đâu phải cao xa/ như cây như cỏ nở hoa đúng mùa… khi thì lãng mạn:  chiều nay đốt cháy nửa hồn / nửa hồn còn lại về chôn đêm dài… và lần hương bồ kết tìm người, rồi lại tương tư, mơ hồ, đơn phương: vì sao lơ lửng sông ơi/ ngàn cây rụng lá cho người trầm ngâm… và  thôi về nhà nhé cháu ơi/ mắt ông trúng gió nụ cười cô kia, và đây nữa: có còn thương bến nghẹn lời/ vớt trăng khoả nước, lưng trời đếm sao…
 
    Thơ Phạm Thịnh viết nhiều về gia đình là sự cắt nghĩa ông dành nhiều thời gian chăm chút cho gia đình. Người đọc hiểu ông muốn bù lại cho gia đình sau những tháng năm miệt mài công tác, chuyện gia đình phó thác cho bố mẹ, vợ con.. Phạm Thịnh dành cả tình yêu cho gia đình còn như là một sự hàm ơn gia đình đã tạo điều kiện, là điểm tựa cho ông suốt những năm dài thỏa chí làm trai trên mặt trận kinh tế vốn" thương trường như chiến trường"
 
    Viết về mẹ, thơ Phạm Thịnh chân thành với niềm kính yêu vô hạn. Không có câu thơ sáo mòn và đãi bôi mà là những câu thơ cảm động về tình mẫu tử  cả đời sương gió dãi dề/ chang chang nắng cháy, nón mê lội đồng … cảm nhận được cả nhiệt lượng trong bước chân của mẹ: bước chân nóng bỏng nhớ thương , xót thương mẹ: chiêm mùa gánh nặng đồng xa  thương con thì: dẫn con về bên nhà chồng/ niềm vui xen lẫn bâng khuâng lối về. Phạm Thịnh sống động với những câu thơ giầu hình ảnh liên tưởng nên hồn thơ tươi mới: có phải chiều say nắng… hay hân hoan gió hát bên thềm/ bồng bềnh hoa nắng kết trên lá cành… và màu sắc thì ấm nóng rực rỡ như cải ngồng rực rỡ đồng làng, bãi quê…
 
   Thơ Phạm Thịnh như con người phạm Thịnh, chân thành và hồn hậu, câu thơ cứ thốt lên từ cảm xúc, chỉ việc ghi chép lại.. không có sự tỉa tót, gò nắn những ngôn từ lên gân lên cốt, đánh đố người đọc. Cũng chính vì lời thốt lên môi từ cảm xúc, từ thi ảnh nên còn nhiều câu thơ dễ dãi, chưa đủ độ nén, chưa hàm xúc và nhiều khi còn sa vào kể tả hơn suy luận, suy tưởng..
 
    Với quan niệm thơ là tiếng hát lòng mình, với tâm hồn đa cảm và tấm lòng nhân hậu người đọc tin rằng thơ Phạm Thịnh sẽ còn bay lên và neo đậu vào lòng người đọc.

CTL 7/2022
TÌNH YÊU TRONG THƠ THỊNH PHẠM
                                                   Lời bình của Ngô Nguyễn            
 
        Tôi quen nhà thơ Phạm Thịnh đã lâu và thường được tác giả tặng sách mỗi lần xuất bản. Mấy ngày nay giữa mùa hè mà trời bỗng trở nên lành lạnh lạ thường. Đầu óc thanh thản nhờ mát trời tôi ngồi bật máy vào mạng dạo chơi. Nghe nói thơ Phạm Thịnh đã lên tay tôi tìm đến trang phây búc Thịnh Phạm thử xem bạn bè nói đúng không. Bắt đầu đọc được mấy bài tôi nghi ngờ những bài thơ này có phải của Phạm Thịnh mà tôi quen biết không. Tôi xem lại ảnh đại diện và khẳng định, đúng là thơ của anh ta trăm phần trăm. Một sự tiến bộ đến khó tin. Tôi mê mải xem từng bài từ những bài mới đăng đến những bài đầu tiên tác giả tham gia mạng. Tuy từ ngữ không chau chuốt, mới lạ nhưng chất tình ấm áp. Thế rồi tôi nảy ra ý nghĩ tìm hiểu về thơ tình yêu của nhà thơ này.
Đập vào mắt tôi là bài thơ nhan đề “Tình yêu”. Tôi đã đọc đi đọc lại ngẫm nghĩ từng câu, từng từ bởi nó lạ lẫm, Tôi liên hệ ngay với nhận định về tình yêu của nhà thơ tình Xuân Diệu. Ông cho rằng tình yêu là một giá trị sống đích thực, một thứ gì na ná tôn giáo thiêng liêng khiến người ta say đến mê muội không thể dứt bỏ: “Thiêng liêng quá những chiều không dám nói…Ôi vô cùng trong một phút nhìn nhau”. Rồi chính ông cũng ngậm ngùi: “Yêu là chết ở trong lòng một ít/ Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu? Bởi tình yêu nam nữ vốn luôn hiện hữu với rất nhiều cung bậc: lãng mạn, mơ mộng, thiêng liêng, cao thượng, phàm tục, nhục thể, bi đát, đắm đuối, si mê, lỗi lầm…
Còn đây nhà thơ Thịnh Phạm nghĩ gì về tình yêu. Bằng cách đặt câu nghi vấn tác giả muốn bày tỏ sự trăn trở của mình “Tình yêu là hình gì nhỉ”. Mới đọc tôi đã tự trả lời ngay cho tác giả nó có hình sin chứ còn hình gì nữa, vì nó thăng giáng lên xuống thất thường. Nhưng tôi đã lầm. Tác giả không nghĩ vậy. Bởi không tưởng tượng nổi nó có hình thù ra sao nên tác giả muốn nêu ra sáu kiểu để độc giả tự giải đáp “Vuông, tròn, dài, ngắn, thẳng, cong...” khiến người ta “tan chảy cả trái tim” mê mải mơ ước tìm kiếm:
Đã muôn trái tim tan chảy
Bao người mơ ước, tìm, mong..”
Chỉ mấy vần thơ ngắn đầy nghi vấn đã gây xáo động tâm hồn người đọc. Đánh thức những kỷ niệm về một thời yêu và được yêu trong lòng người đọc. Thơ là vậy đó “ý tại ngôn ngoại”.
Hình hài đã vậy, đã không thể xác định nổi vậy thì ”Tình yêu là màu gì nhỉ” khiến cho người ta “khi yêu lòng như lửa cháy/Đốt niềm mong nhớ mỗi ngày”. Đặt nghi vấn xong tác giả cũng đã nêu ra đủ loại màu sắc  “Tím, vàng, xanh, đỏ, trắng, đen...”. Nghi vấn này buộc độc giả phải suy nghĩ liên hệ đến ý nghĩa của các màu. Đó là một liệu pháp kích thích tâm lý tò mò của người đọc, Ta hãy liên hệ ý nghĩa của các màu trong tình yêu để hiểu được ý tứ này của tác giả. Màu tím thể hiện sự quyến rũ, mê đắm hút hồn ngay từ cái nhìn đầu tiên, nó cũng thể hiện cho sự chung thủy. Màu vàng liên hệ tới một tình yêu rực rỡ, chói lọi và là một gam màu ấm áp. Màu vàng đặc trưng cho sự tin tưởng chân thành trong tình yêu. Màu xanh là màu của trời, của biển, của cây cối biểu hiện của tin yêu và hy vọng. Màu đó nói về một tình yêu nóng bỏng nồng nàn cũng đồng thời là sự hòa quyện giưa hai tâm hồn. Màu trắng đại diện cho sự thuần khiết, tinh khôi, nhẹ nhàng và vĩnh cửu. Màu đen biểu hiện cho sự trầm lặng mang ý nghĩa chiếm hữu.
Vậy thì màu gì đây trong các màu tác giả đã nêu ra. Có lẽ không ai có thể giải đáp nghi vấn này. Bởi tình yêu không bao giờ cố định ở hình hài và màu sắc nào đó. Nêu vấn đề này ra chắc tác giả muốn cho độc giả hiểu tình yêu luôn muôn màu muôn vẻ, biến hóa khôn lường, đưa ta vào vòng luẩn quẩn khó xác định. Cũng giống như cuộc sống, nó là một ma trận riêng biệt với mỗi con người mà không ai có thể tránh thoát
Tình yêu là gì lạ nhỉ.
Mấy ai tránh được chữ yêu.."
Từ ý tưởng của nhà thơ Thịnh Phạm, tôi nảy ý tò mò muốn tìm hiểu về tình yêu của chính tác giả. Đến hỏi chủ nhân ư? Điều này không tế nhị chút nào. Tôi đành phải tìm kiếm và suy diễn qua các vần thơ của chính tác giả. Tôi tiếp tục cắm cúi đọc từ những bài viết đầu tiên trên phây búc. Hé mở dần khoảng trời riêng của tác giả. Tôi tiếp tục chắp nối chúng lại với nhau. Mối tình đầu thơ mộng của tác giả cũng hiện ra dần dần. Đây chỉ là sự duy diễn, có thể không đúng mong tác giả đừng bận tâm.
Cô gái nào là người đầu tiên lọt vào ánh mắt nhà thơ đây? Phải chăng: ““Nhà bên/Ai dáng hiền hòa/Đôi khi ánh mắt gửi qua bên này!/Thẹn thùng/Hoa nở, nắng say” và “Mi em chớp chớp ngây thơ/Cho anh xao xuyến hẹn chờ ngày xanh/Em như hoa nụ trên cành/Anh thầm mê mẩn xí, dành mai sau.
Vậy đó, chính nhà thơ đã nói rõ rồi còn gì phải nghi ngờ. Người đó chính là cô bé hàng xóm mới dậy thì như cách viết “hoa nở” của tác giả. Nét ngây thơ hồn nhiên trong trắng đầy e ấp được tác giả thể hiện bằng những vần thơ sắc “mi em chớp chớp ngây thơ” và “đôi khi ánh mắt gửi qua bên này” Chỉ ngần ấy từ thôi đã đủ cho ta biết cô gái đã thầm yêu mến chàng trai hàng xóm lắm rồi.
Vậy thì cô bé nhà bên là ai mà để nhà thơ gửi gắm lòng mình “Em như hoa nụ trên cành/Anh thầm mê mẩn xí, dành mai sau.”  Chứ “xí, dành mai sau” ngầm nói chàng đã chấm cô bé này. Cô bé hàng xóm cùng chơi đùa từ thuở nhỏ lại học cùng trường chỉ khác lớp. Cậu bé luôn cùng cô đến trường mỗi sáng và cùng nhau về từ trường phải đi qua con đường dọc bờ sông Tô Lịch.
Ngày đó khu vực này còn rất hoang vắng. Bờ sông cây có um tùm chỉ có một con đường đất rất nhỏ. Những ngày mưa đường lầy lội. Học sinh phải đi rất sớm bất cẩn còn giẫm phải rắn độc. Không những vậy cái con đường âm u này người lớn đi đã ngại nói gì đến trẻ em. Vậy mà hai cô cậu không ngày nào không đi qua vài lần để đến trường. Có lẽ nếu không có cậu bé hàng xóm thì bố mẹ cô phải ngày ngày vất vả đưa cô đến trường. Con đường là kỷ niệm đẹp gắn bỏ tuổi thơ giữa hai trẻ. Con đường là nhân chứng ngọt ngào đáng yêu của đôi bạn:
Cô bạn khác lớp
Chung đường ven sông”
Năm tháng trôi đi cô bé nhà bên bỗng “hoa chớm hé nụ hồng”, đã thành một cô gái xinh đẹp, đã biết “thẹn thùng”, đã có những “ánh mắt gửi qua bên này”, đã “bẽn lẽn giăng tơ” khiến chàng trai vừa lớn rung động như ăn phải bùa mê thuốc lú “Ngượng ngùng, bẽn lẽn nhìn nhau/Mượn cớ được gần, bắt chuyện/Thẹn thùng nói chẳng lên câu.
Với những vần thơ gợi cảm hay đó tác giả đã  thể hiện rất đúng tâm lý của người con trai, con gái ở tuổi mới lớn. Mọi thứ với họ đều bỡ ngỡ nhất là trong tình yêu. Thực vậy đứng trước người đẹp mà mình yêu thích thì dù là ai, văn hóa, học thức cao hay thấp vẫn như trẻ con đứng trước người lớn, ngượng ngùng ấp úng nói không nên lời.
Rồi thì sức mạnh của tình yêu cũng giúp họ vượt qua mọi ngại ngùng để đến với nhau “Ngồi bên em say đắm/Nắng bẽn lẽn giăng tơ” mê mải đến quên cả thời gian “Chẳng nhớ chiều hay sáng/Lòng vui như trẻ thơ.”
Cái giây phúc tuyệt vời đó được diễn tả bằng những câu thơ xúc động
Ngồi bên em đắm đuối
Muốn ôm em vào lòng
Mà mênh mông bờ bến
Cho thuyền về nhớ sông.”  
Bằng câu “mà mênh mông bờ bến” tác giả đã cho ta biết, chàng trai này yêu cô bé nhà bên mãnh liệt lớn lao đến chừng nào;
Trước tình yêu chàng trai hàng xóm cô bé nhà bên cũng không tránh khỏi thầm yêu trộm nhớ.
Biết thương nhau từ ấy
Nào đã "phôn" một lần
Chưa trao lời mây gió
Mà nhớ từng bước chân.”
Câu “nào đã phôn một lần” làm tôi cứ thắc mắc hoài. Hai nhà kế bên thì cần chi phải phôn cho nhau chứ? Phải chăng rào ngăn giữa hai nhà không phải là cái giậu mồng tơi thơ mộng như trong thơ Nguyễn Bính. Họ là hàng xóm thật đấy nhưng lại bị ngăn cách bới kín cồng cao tường. Hàng xóm ở thành phố khác hẳn nông thôn, ít giao dịch qua lại. Mỗi lần qua thăm phải bấm chuông chờ người ra mở cổng, nhốt chó, vô cùng phiền hà nên nhà ai biết nhà nấy là lẽ thường tình. Có điện thoại nhưng vì e ấp nên “nào đã phôn một lần” là sự thực. Tuy vậy do yêu nên cả tâm chí chàng hàng xóm luôn để ý mọi động tĩnh phía cô bé nhà bên nên đã nghe rõ cả những tiếng bước chân của cô nàng cũng là lẽ tất nhiên. Yêu đến mức nhớ từng bước chân của nàng thì quả là sâu đậm biết chừng nào.
Tình yêu đã đảo lộn rối bởi tâm hồn chàng trai hàng xóm Lúc nào và ở bất kỳ đâu ánh mắt nàng đều “thấp thoáng” ẩn hiện.
“Hình như sau tán lá xanh
Mắt nai thấp thoáng
Vin cả nhành nhìn sang
Bóng chiều nghiêng những dịu dàng
Cây hanh hao nắng/Ngập tràn gió vui...”
Hai nhà sát cạnh nhau và tình yêu đâm chồi bén rễ, Chàng trai thầm yêu trôm nhớ cô bé nhà bên. Tình yêu như ngọn đèn thắp sáng cuộc đời khiến cả chàng trai lẫn cô bé nhìn đời đẹp đẽ, xanh mát hơn bao giờ hết.
Sớm nay vườn bỗng bừng lên
Non xanh màu lá
Hoa thêm thắm cành
Trời xanh như lại thêm xanh
Mắt em bên ấy
Mắt giành cho tôi.
Quá yêu, đầu óc chàng lúc nào cũng nghĩ, cũng nhớ, cũng mong chờ đợi nàng gọi điện hẹn hò bởi họ không muốn gia đình hay biết về tình yêu thầm kín trong lòng. Chính vì vậy khi nghe tiếng chuông điện thoại chàng như mở cờ trong bụng
Chuông reo
Dào dạt đầu bên
Sóng lòng xao động
Niềm riêng vỗ bờ.”
Thế rồi tình yêu giữa chàng trai trẻ và cô bé nhà bên cũng đã được chứng thực bằng nụ hôn đầu đời:
“Những cành hoa mỏng manh
Tay trao tay ngày đó
Vội vàng nụ hôn đầu
Lãng đãng mây cùng gió”
Chỉ mấy từ “lãng đãng mây cùng gió” tác giả rất tế nhị nói rõ cảm giác bay bổng như trên mây mà nụ hôn đầu mang lại. Ước mong đã toại nguyện, tình yêu đã tuôn chảy ào át như nước sông ngày mưa lũ:
“Này em
Bao nỗi ước mong
Hai ta đầy ắp
Một dòng sông xanh.”
Chàng yêu hết mình đến vậy. Những mong tình yêu sẽ vào bến lên bờ, ra hoa kết trái. Nhưng cuộc đời có bao giờ chiều ý con người. Những bất ngờ luôn rình rập đe dọa. Một tết em sang nhà tế nhị nói xa, nói gần, có lẽ muốn nhắc chàng trai điều gì đó:
Ngày ấy ngây thơ
Em sang chúc tết
Nhắc chuyện xa gần
Nào tôi đâu biết”
Nhưng vì quá khờ khạo không hiểu nổi ngụ ý sâu xa của nàng. Rồi hết tết này đến tết khác chàng vẫn vô tư không hay biết chuyện gì đang và sẽ xảy ra với cô bé nhà bên. Nhiều chàng trai đã đánh tiếng bố mẹ cô mang trầu cau xin cưới cô về làm vợ. Cô muốn nhắc câu chuyện này nhưng là phận gái phải e dè không thể nói thẳng, không thể thúc giục chàng hỏi cưới mà chỉ “nhắc chuyện xa gần”. Ngỡ chàng hiểu ý, cô chờ đợi bố mẹ chàng mang trầu cau sang thưa chuyện hết năm này sang năm khác “... Tết, Tết”. Càng mong càng vô vọng, tuổi xuân con gái có thì, cô bé nhà bên đành nhắm mắt đưa chân xuống đò
Thế rồi Tết, Tết
Cây thắm nụ hồng
Em bước sang sông
Pháo hồng đầy ngõ
Hiểu ra thì đã quá muộn “Tôi còn gì nữa/em lấy chồng rồi”. Chàng sững sờ đau khổ “Bây giờ em đã xa xôi/Nắng như cũng tắt, ngày vơi, đêm dài.” Vẫn biết mối tình đầu thường thơ mộng, đẹp và trong sáng như bình pha lê nhưng lại vô cùng mỏng manh dễ vỡ. Biết đã đánh mất tình yêu chàng đành chỉ còn buông tiếng thờ dài:
“Tim anh
Sao cứ bồi hồi bóng ai
Rồi buồn phơ phất ban mai
Nhớ em
Đậm tiếng thở dài lên môi”
Mối tình đầu của chàng trai tre kết thúc vậy đó. Nói là kết thúc nhưng thực ra nó vẫn sống mãi trong tim chàng trai. Đêm đêm tình yêu này luôn ẩn hiện trong giấc ngủ:
“Mơ em hẹn gặp đêm qua
Tôi thầm lén giấc mơ ra đợi người”
Và chàng đã thầm nhủ vẫn luôn để dành chỗ trống, nơi hai người hẹn hò
“Bên anh
Còn một chỗ ngồi”.
Bài thơ “Tình yêu” chính là kết quả của quá trình trải nghiệm của nhà thơ. Tình yêu chẳng khác gì những cơn lốc chợt đến chợt đi không thể lường. Nó đã để lại những dấu ấn khó quên trong lòng tác giả. Vết thương lòng của mối tình đầu đã bón hòn, bón cục, đã kết thành sẹo và giờ đã chuyển ra những vần thơ vừa da diết yêu thương, vừa ngao ngán, thở ngắn than dài bởi những ngây ngô khờ khạo của tuổi trẻ. Nó nhắc nhở ta tình yêu tuy đến bất chợt “tiếng sét tình yêu” nhưng đòi hỏi phải được quan tâm thường xuyên. Tình yêu cần được chăm sóc như cây được tưới sẽ luôn tươi tốt và ra hoa kết trái. Không tình yêu cuộc sống sẽ trở nên vô nghĩa, khô khan buồn tủi. Bởi vậy tình yêu luôn là một giá trị sống đích thực, là mấu chốt cho một gia đình hạnh phúc. Tình yêu đúng nghĩa sẽ vô cùng tươi đẹp và sống mãi trong lòng người mình yêu. Yêu là động lực giúp ta vượt qua mọi bão tố của cuộc đời. Yêu giúp người ta vươn lên hoàn thiện mình. Yêu là động lực giúp cộng đồng xã hội ngày càng phát triển.và gắn bó nhau trong cuộc sống, chống lại mọi thói hư tật xấu giữ vững nét đẹp văn hóa truyền thống.
N.N 8/2022

 

Nguồn tin: HNV

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây