Hội nhà văn Hà Nội

https://nhavanhanoi.vn


OSIN - BÀ CHỦ

  Truyện ngắn của Nguyễn Thị Thoa
Minh họa của báo Quảng Bình
                                                                                Truyện ngắn của Nguyễn Thị Thoa
 
      - Chào ông chủ! Chúc ông buổi sáng an lành. Thưa ông, mời ông ăn sáng ạ.
Huệ nhanh nhảu mời khi thấy ông Long đang trên thang gác đi xuống.
     Xuống đến bàn ăn. Ông Long nhẹ nhàng nói với Huệ.
 Em ngồi xuống đây ăn cùng anh nhé.
     Huệ ngạc nhiên vô cùng song cũng ngồi vào bàn ăn cùng ông Long.
     Ăn sáng xong. Huệ dọn dẹp, còn ông Long ngồi uống cà phê với vẻ mặt như đang suy nghĩ một điều gì rất nghiêm trọng. Rồi ông đứng dậy đi lại phía Huệ nói nhỏ vào tai cô:
     - Hôm nay anh em mình đi chơi nhé, anh có điều muốn nói với em.
Huệ không khỏi ngạc nhiên trước thái độ của ông chủ đối với cô - một thân phận OSin…
 
Long đèo Huệ dạo quanh phố rồi ghé qua hàng hoa, mua một bó hoa hồng đỏ thắm đưa tặng Huệ với lời tỏ tình vừa đủ để Huệ nghe thấy:
     - Em đồng ý làm vợ anh chứ?
Huệ đón nhận bó hoa trên tay Long với tâm trạng ngỡ ngàng, sửng sốt không nói nên lời. Khi đã trấn tĩnh được bản thân cô đưa lại bó hoa cho Long và nói:
     - Em cảm ơn ông chủ, việc này đột ngột quá xin ông cho em một chút thời gian.
     Họ đèo nhau trở về nhà trên đường đi không ai nói với ai lời nào.
     Từ hôm nghe Long tỏ tình với mình, Huệ thấy tâm tư luôn xáo trộn với nhiều thang bậc cảm xúc, bồn chồn, trăn trở, suy tư nhiều điều.

     Xuất thân từ một cô gái nông thôn quê Hải Dương, hai mươi tuổi lấy chồng, hai tám tuổi góa chồng do chồng Huệ bị tai nạn đuối nước ở sông trong trận bão khủng khiếp năm ấy. Anh đi để lại hai con thơ dại, một bẩy tuổi và một bốn tuổi. Chồng mất, Huệ một mình lăn lộn với đồng ruộng quanh năm suốt tháng mà khổ vẫn hoàn khổ, nghèo vẫn hoàn nghèo. Người Huệ sa sút, tóp teo như con cá mắm.

     Được người cùng quê sống ở thành phố giới thiệu. Huệ gửi con nơi bố mẹ chồng lên Hà Nội làm giúp việc cho nhà Long. Mỗi tháng cô gửi cho mẹ tròn xuất lương 5 triệu, còn mình sống nhờ nhà chủ. Nhà không phải thuê, ăn không phải nấu, quần áo giầy dép không phải sắm. Hơn thế, ông bà chủ còn mua cho cô điện thoại thông minh để tiện liên lạc khi cần thiết. Có lẽ làm nghề giúp việc tiền lương xông xênh hơn.   

Thấm thoắt đã được sáu năm.
Cứ thế này thì Huệ cũng bằng lòng, và nhờ cuộc sống đầy đủ, làm việc không vất vả lắm nên Huệ trở lại dáng vóc của thôn nữ duyên dáng, trẻ trung. Ai nhìn Huệ bây giờ cũng phải tấm tắc khen cái duyên thầm của cô. Có người còn không nhận ra cô Huệ tóp teo gầy guộc ngày nào.
 
 Huệ soi gương và tự nói với lòng: Mình được một người như ông Long tỏ tình thì lạ thật. Hay là mình cũng xinh đẹp, hấp dẫn? Cô bấu vào má mình: Nỡm ạ, mày đừng tự ti mà lỡ mất cơ hội!
Từ đây, Huệ chăm soi gương. Ông chủ thấy vậy sm cho cô một cái tủ phấn để cô làm đẹp. Thế là mình cũng ngang bằng những đứa sành điệu. Xem ra ở tuổi gần bốn mươi nghĩa là đang hồi xuân, Huệ vẫn tỏ ra là một người ưa nhìn, có duyên nên được ông chủ Long quan tâm. Ông quan tâm một phần là do Huệ đã giúp việc nhà ông sáu năm trời mà không để gia đình ông phật ý lần nào. Ông biết Huệ là một người chăm chỉ, thật thà có tình có nghĩa. Ngày vợ ông mất, ông quá thương xót bỏ ăn nhiều bữa nên sức khỏe sa sút, thân thể ông xuống cấp nhanh chóng. Nhờ có sự chăm sóc tận tình của Huệ, ông dần lấy lại sức khỏe. Và sau có hơn năm thôi ông đã hoàn toàn trở lại phong độ như khi vợ ông còn sống. Ông cảm tình sâu sắc với cô Osin. Việc họ đến với hôn nhân không cần thời gian tìm hiểu nữa.
     Vợ Long - bác sĩ Thiên Hương, đã bị con Covid - 19 bắt đi khi chị đang gồng mình cùng tập thể các y bác sĩ chiến đấu giành giật từng mạng sống cho nhân dân miền Nam. Lúc đó chị vừa bước qua tuổi ngũ tuần.
Long có hai con. Cô con gái lớn lấy chồng đã được hai năm và mới theo chồng về định cư bên Pháp sau khi gia đình ông Long làm việc tang cho bà chủ Thiên Hương. Còn Thảo cậu con trai thứ, hai mươi tuổi đang học năm thứ hai đại học Bách Khoa. Long là giáo viên dậy văn cấp Trung học phổ thông vừa được nghỉ hưu. Hoàn cảnh ấy đưa họ đến với nhau là đúng lắm.
Họ không làm đám cưới linh đình, chỉ đơn giản gọn nhẹ miễn là hai người đồng thuận xây dựng một gia đình mới. Huệ có ý muốn phải đăng ký kết hôn mặc dù cô kém chồng những hơn hai mươi tuổi. Các con ông Long cũng ra điều kiện là Huệ không đưa con riêng của mình đến ở nhà này. Các bên đều nhất trí. Tờ giấy ĐĂNG KÝ KÊT HÔN được các bên tự nguyện ký tại cơ quan chính quyền, đã ở trong tay họ.
 
                                                                 *  *  *                                        
 
     - Vợ yêu ơi, anh lĩnh lương rồi, em cầm tất cả mà chi tiêu mọi việc cho gia đình nhé.
- Vợ yêu, em xem nhà mình cần mua cái gì em lên danh sách mai vợ chồng mình cùng đi siêu thị.
- Vợ yêu ơi, mai chúng mình đi xem Hài kịch ở Nhà Hát lớn nhé.
- Vợ yêu, em thử chiếc váy này đi. Ôi vợ anh xinh quá…
- Vợ yêu thích ăn món gì anh xin phục vụ.
- Mai là ngày 8/ 3 vợ yêu thích điều gì nhất?
- …
Nghe những lời ngọt ngào đầy hấp dẫn như thế cùng với một sấp tiền trên tay thì người phụ nữ nào chả mát lòng mát dạ. Huệ cũng không ngoại lệ, cô nhẹ nhàng đáp lại:
- Vâng, chồng yêu, anh đợi em một chút…
Ông Long còn dành riêng 5 triệu đồng cho Huệ gửi về để bà nội nuôi con. Như là ông vẫn trả lương cho Osin vậy. Thực ra Long tỏ ra rộng lượng vì trong nhà vẫn còn số dư tiền do vợ chồng ông kiếm được khi bà Thiên Hương còn sống.
Mới gần 2 năm trước khi bà vợ ông còn lù lù thì Huệ gọi cô chú, xưng con như kiểu chấp nhận phận mình thấp kém. Phận con ở phải thế thôi. Đến lúc ông Long quan tâm tỏ tình thì cho phép Huệ xưng anh em. Lúc đầu chuyển cách xưng hô có ngượng ngập chút ít, bây giờ thì chẳng còn khoảng cách nữa. Huệ rất tự nhiên và còn tận dụng sự âu yếm của ông Long để nhõng nhẽo, vòi vĩnh.
Những khi nằm trong vòng tay âu yếm với nụ hôn dài ngọt ngào chan chứa niềm yêu thương của Long. Huệ vô cùng mãn nguyện và tràn đầy hạnh phúc…
- Chào buổi sáng tốt lành. Chúc em sinh nhật vui vẻ, luôn tươi xinh, tràn đầy hạnh phúc.
Huệ thật vui khi lần đầu trong đời mình được tổ chức sinh nhật. Long tươi cười với bó hoa tươi thắm trao tặng Huệ cùng chiếc hôn nồng nàn. Sinh nhật Huệ được Long thể hiện đầy ấn tượng. Quanh vòng nến xếp hình trái tim là bàn tiệc có đủ các loại hoa, quả bánh kẹo và nổi bật một chiếc bánh ga tô ba tầng: “Mừng sinh nhật em yêu”. Huệ mặc chiếc áo dài mới may ôm gọn thân hình đủ nổi lên các đường cong cân đối của cơ thể. Ngắm vợ Long tự hào khen:
- Vợ anh xinh quá cứ như gái mười tám đôi mươi ấy.
 Long ôm hôn vợ chẳng muốn rời. - Chúc em mãi mãi xinh đẹp, trẻ tươi bên anh nhé.
Huệ nhìn anh trìu mến, đầy lòng biết ơn. Huệ thầm hứa sẽ mãi trọn đời bên anh,
Huệ thật tự hào vì hoàn cảnh như Huệ mà lại lấy được chồng là nhà giáo còn rất phong độ, lại có nhà cao cửa rộng giữa thủ đô Hà Nội. Muốn đi chơi có chồng đưa đi, muốn mua sắm, ăn diện gì mà chẳng được và những ngày 8/ 3 và 20/ 10, nhất là ngày sinh nhật của Huệ thì hoa và quà chắc hẳn là nhiều lắm.
Hôm nay, Long đèo Huệ về quê thăm gia đình. Long mặc com lê đen với chiếc cà vạt kẻ màu trắng đỏ, còn Huệ với chiếc váy lụa tơ tằm màu xanh xen lẫn những bông hoa đỏ, vàng, trắng trông thật bắt mắt. Long và Huệ luôn tươi cười chào hỏi mọi người, cùng đi thăm hỏi tặng quà người thân. Mọi người ai cũng khen Long là người lịch sự, tốt tính và còn rất trẻ trung. Họ mừng thầm cho hạnh phúc của Huệ, Huệ đã chọn được chỗ dựa tốt cho tương lai. Các con đi học về chúng chạy ào tới ôm Huệ tíu tít khoe thành tích học tập của mình. Huệ xoa đầu khen các con rồi lấy quà và quần áo bảo chúng mặc thử. Huệ giới thiệu Long với các con, thật không ngờ, chúng nghe rồi giẫy nẩy, khóc um lên và lao tới đẩy Long ra khỏi nhà:
- Không cho mẹ lấy bác Long. Không cho mẹ ở với bác Long đâu!
- Ông, bà ơi đừng cho mẹ cháu lấy bác Long nhé. Chúng cháu không còn bố rồi, giờ không muốn mất mẹ nữa đâu. Hu… hu…hu…bố ơi cứu chúng con với… Bố ơi, bố ơi! …hu…hu…hu… 
Huệ vỗ về các con, cho thêm quà và đưa tiền cho bà nội chúng rồi cùng tân lang trở về Hà Nội.
Từ hôm nhận tờ đăng ký kết hôn thì Huệ mới chính thức rời khỏi phòng ngủ Ô sin của mình lên ngủ cùng phòng chồng thay chỗ của bác sĩ Thiên Hương.
 
Thời gian trôi đi thật vội vã. Thoắt cái đã được một năm cặp đôi tái giá.
Tiếng chuông điện thoại reo vang. Huệ mở điện thoại.
- Mẹ ơi, cô giáo nhắc ngày mai chị em con phải đóng tiền học ạ. Dạo này mẹ có khỏe không? Mẹ gửi tiền về cho chúng con nhé! Chúng con yêu và nhớ mẹ nhiều.
Từ khi lên Hà Nội làm, mỗi tháng được lĩnh năm triệu đồng, Huệ đều gửi hết về quê cho các con ăn học. Bây giờ được làm bà chủ, được quản toàn bộ tiền lương hưu gần tám triệu của anh. Huệ phải chi tiêu mọi việc gia đình cho chồng và con trai chồng nữa, thì có tiền đâu mà gửi về cho các con ăn học ở nhà.
Huệ vô cùng bối rối trước niềm vui hạnh phúc Huệ đang có, Huệ biết làm gì đây. Cô nói với chồng:
- Anh cho em mấy triệu đi. Hai tháng anh không cho rồi.
Long nhíu lông mày, nói:
     - Giờ chỉ còn tiền lương của anh thôi. Em liệu mà chi tiêu, còn thừa thì gửi cho con. Tiền trong két thằng Thảo giữ hết. Nó bảo để lo cho học hành, ra trường còn xin việc làm.
 
“Hạnh phúc cho riêng mình hay chăm lo cho các con ăn học nên người”? Suy nghĩ đã bắt đầu làm Huệ thấy vô cùng mệt mỏi, Huệ là mẹ cơ mà, mình phải trở về lo cho các con của mình thôi. Mình phải trở về, đợi mẹ các con nhé! Mẹ sẽ ở bên các con mãi mãi, đợi mẹ các con ơi! Đợi mẹ…Huệ thấy ân hận khi đã chọn đi thêm bước nữa. Nước mắt ở đâu cứ thế tuôn trào với con tim cuộn đau, cuộn đau từng chập...
Huệ quyết định nói với Long:
- Chúng mình phải ly hôn thôi anh ạ.
- Em nói gì? Anh không hiểu.
Đến lượt ông Long ngơ ngác. Ông nhìn thẳng vào mắt Huệ:
- Em đừng dọa anh. Anh không bao giờ bỏ em. Anh không ly hôn đâu!…
Huệ nhìn ông bằng cặp mắt nhòe nhoẹt nước:
Em không thể chung vui hạnh phúc cùng anh khi con em không được chăm sóc và học hành tử tế.
Em nói đi. Em muốn gì và anh phải làm gì?
Em muốn không được làm vợ anh. Em muốn làm Osin.
Em điên à? Làm bà chủ lại không bằng Osin sao?
Phải. Mấy năm trước, tháng nào em cũng có 5 triệu gửi cho mẹ chồng chăm sóc con em. Từ khi làm vợ ông chủ tức là bà chủ thì em mất đi khoản tiền lương ấy. Sống hoàn toàn lệ thuộc vào đồng lương hưu của anh. Anh thử xem, làm Osin hơn hay bà chủ hơn?...Em xin anh cho em được ly hôn.
Nghĩa là em không còn yêu anh nữa?
Em vẫn yêu anh, em không thể vui vẻ hưởng hạnh phúc riêng tư khi con em không được sống đầy đủ. Anh hiểu cho em. Cho em trở lại làm nghề giúp việc. Nhà anh không cần thì em đến nhà khác.
Không! Anh không muốn mất em. Em phải ở bên anh, bên anh mãi mãi.
Nếu anh không thuận tình ly hôn thì sáng mai em sẽ mang tư trang ra khỏi nhà anh. Anh suy nghĩ đêm nay. Chỉ còn đêm nay thôi.
 
Nói rồi Huuệ vào phòng lấy mấy bộ quần áo lặng lẽ xuống căn phòng mà cô ở mấy năm trước. Cô nặng nề gieo mình xuống chiếc giường quen thuộc. Bỗng cô thấy nôn nao, chóng mặt và cứ ợ ợ hoài. Nước rãi từ trong bụng cứ thế trào ra. Kinh nghiệm cho hay cô đã có thai. Có thai là phải lắm. Ăn ở với nhau cả năm chẳng lẽ lại… Huệ xoa lên bụng mình tự nhủ: Nếu ông ấy đồng ý ly hôn thì mình đi nạo quách chứ để sinh thì có ba thứ con
 như bao cặp đôi rổ rá cạp lại ư?
Sáng hôm sau. Huệ vẫn còn rất mệt mỏi. Gầm giường có cái xô nhựa đựng các thứ sơn hào hải vị cô nôn ra còn nồng nặc mùi khó chịu. Ông Long bước vào thấy Huệ vẫn nằm rũ trên giừơng. Cái mùi nôn của Huệ làm ông thật khó ngửi. Ông đến nâng vợ dậy đưa lên phòng hạnh phúc của hai người. Có lẽ thức quá khuya và phải tìm câu trả lời cho Huệ nên ông cũng phờ phạc. Thì đây, ông đã có đáp án. Ông sẽ chiều theo ý của người yêu. Ông không muốn cô phải khổ sở vì thiếu thốn, phải ân hận vì tình yêu của ông. Ông hiểu nỗi lòng người mẹ đối với con cái. Ông là một thầy giáo, một nhà trí thức, ông phải hành xử cho xứng với tầm hiểu biết của mình. Ông nghĩ là Huệ buồn chán, đổ bệnh vì ông không muốn ly hôn nên ông phải nói ngay vào tai Huệ:
Anh đồng ý chiều theo nguyện vọng của em. Tuần sau chúng ta đến Tòa án làm thủ tục. Chắc sẽ nhanh thôi. Em trở lại là người tự do như trước khi bước chân vào nhà anh. Như trước khi bước vào trái tim anh.
Huệ được ông Long dìu vào giường, đặt cô nằm xuống. Nhưng vừa nằm một vài giây cô nhỏm dậy níu tay Long nói:
Nhưng anh phải cho em xin 20 triệu đồng.
Nghĩ là Huệ xin để có tiền nuôi con, anh nói giọng hơi gay gắt:
Đã không là vợ chồng nữa thì xin tiền làm gì? Ngày mai em đi làm Osin nhà khác rồi.
Không, em cần số tiền ấy để dọn dẹp cái việc do anh gây ra.
Việc gì? Em đòi tiền công à?
Không. Em cần phá thai…
Ông Long trợn tròn mắt nhìn Huệ không chớp. Ông bỗng lúng túng không biết nói và làm gì. Ông xô vào ôm lấy Huệ nói lấp tấp:
Chúng ta có con rồi! Thôi, không ly hôn, không nạo thai nữa. Em sẽ sinh con và chúng ta sẽ tìm cách nuôi cho tất thảy chúng nó khôn lớn. Cảm ơn các đấng linh thiêng đã cho chúng ta niềm hạnh phúc lớn lao.
Hai người hôn nhau. Cái hôn không biết lúc nào mới dứt được.
                                              Hà Nội, tháng 8 năm 2022. NTT

Nguồn tin: HNV

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây