Hội nhà văn Hà Nội

https://nhavanhanoi.vn


Sân ga - Nỗi buồn thân phận

Nhà phê bình văn học Trần Trung
Ảnh minh họa: ST
NHỮNG BÓNG NGƯỜI TRÊN SÂN GA*
                                         Nguyễn Bính
 
Những cuộc chia lìa khởi từ đây
Cây đàn sum họp đứt từng dây
Những đời phiêu bạc thân đơn chiếc
Lần lượt theo nhau suốt tối ngày
 
Có lần tôi thấy hai cô bé
Áp má vào nhau khóc sụt sùi
Hai bóng chung lung thành một bóng
“Đường về nhà chị chắc xa xôi?”
 
Có lần tôi thấy một người yêu
Tiễn một người yêu một buổi chiều
Ở một ga nào xa vắng lắm
Họ cầm tay họ bóng xiêu xiêu
 
Hai người bạn cũ tiễn chân nhau
Kẻ ở trên toa kẻ dưới tàu
Họ giục nhau về ba bốn bận
Bóng nhòa trong bóng tối từ lâu
 
Có lần tôi thấy vợ chồng ai
Thèn thẹn đưa nhau bóng chạy dài
Chị mở khăn giầu, anh thắt lại:
“Mình về nuôi lấy mẹ, mình ơi!”
 
Có lần tôi thấy một bà già
Đưa tiễn con ra trấn ải xa
Tàu chạy lâu rồi bà vẫn đứng
Lưng còng đổ bóng xuống sân ga
 
Có lần tôi thấy một người đi
Chẳng biết về đâu nghĩ ngợi gì
Chân bước hững hờ theo bóng lẻ
Một mình làm cả cuộc phân li
 
Những chiếc khăn màu thổn thức bay
Những bàn tay vẫy những bàn tay
Những đôi mắt ướt tìm đôi mắt
Buồn ở đâu hơn ở chốn này?
 
                           Hà Nội 1937.
 
(*) Những bóng người trên sân ga*: Thơ Nguyễn Bính-
Trong tập “Tâm hồn tôi” (1940).

images

 
Lời bình của Trần Trung: SÂN GA - NỖI BUỒN THÂN PHẬN
 
Ngân nga dư vị của nỗi buồn đau thân phận, tụ lại trong câu thơ cuối của Nguyễn Bính-“buồn ở đâu hơn ở chốn này?”
  Với “Những bóng người trên sân ga”, Nguyễn Bính-Nhà thơ “Chân quê”, lại có cách riêng, điệu riêng để đồng cảm thương với “Những cuộc chia lìa khởi từ đây”.
  Đời người-kiếp nhân sinh, làm sao tránh khỏi một hay nhiều hiện trạng buồn của những thời khắc phân li…Bởi thế, người thơ xê dịch, người thơ tha hương-Nguyễn Bính, đã chớp lấy những “bóng người” vội vã trong cuộc hợp-tan mà thẩm thấu vào thơ tiếng lòng cảm thương của người nghệ sĩ.
  Nguyễn Bính bắt gặp. Nguyễn Bính thổn thức.Để rồi, thi nhân nâng tiếp lên thành thứ qui luật của hiện trạng-đời người.Mở ra lời đầu của thi phẩm là hình ảnh thật buồn. Đượm thấm nỗi xót xa cho thân kiếp con người : “Những cuộc chia lìa khởi từ đây”.
  Hóa ra, điểm khởi thủy, khởi nguồn theo nhịp bước trôi chảy của thời gian “lần lượt theo nhau suốt tối ngày”,lại hàm chứa cả không gian buồn bã trong chia phôi (trên sân ga)!
  Nhà thơ có một cách riêng để bộc lộ tình thương lẫn nỗi đau.Thương xót bao nhiêu “Những đời phiêu bạt thân đơn chiếc” và cả nỗi cô đơn, chống chếnh khó lấp đầy. Ngân lên thành lời của “cây đàn sum họp”,nhà thơ cũng đồng thời dâng tiếp tiếng lòng-tiếng đàn tâm tư :
                Những đời phiêu bạt thân đơn chiếc
                Lần lượt theo nhau suốt tối ngày
 
Đã từng có những nhà phê bình “chê” thơ Nguyễn Bính, nhiều khi sa vào điệu kể-vì thế có sự dàn trải; thiếu  kiệm lời của ngôn ngữ thơ. Đánh giá ấy, nhìn trên tổng thể, có thể đúng về lí-cái chất lí luận của thơ ca. Thơ hay, muôn thuở cổ-kim, hình như vẫn bay lên, ôm trùm và chủ đạo bởi Chất-Tình-Riêng của thi nhân. Thế nên,giọng kể dẫu có chút lang bang, phiêu bạt , thì vẫn khởi nguồn thành thực từ tấm lòng thi sĩ.
  Thơ Nguyễn Bính nhiều lúc, nhiều bài viết như trời cho-nhập đồng, nhanh mà dường như chẳng cần nghiền ngẫm, khôn ngoan. Thơ ông mang điệu hồn của những khoảnh khắc thăng hoa bất chợt. Cũng bởi thế, tới năm khổ thơ tiếp, nhà thơ đã chạm khắc trong không gian ga những “bóng người”, những bóng dáng tâm tư của những khoảnh khắc chia xa. Nói là tả “bóng người” qua năm khổ thơ này cũng đúng! Mà, lại nói rằng: Thi nhân đã nhập vào cảnh-sự-tình mà giãi bày miền thực của tâm tư con người, cũng đúng !
  Từ cách nhìn bao quát ở khổ thơ đầu,Nguyễn tỏa ra cái nhìn mang dấu ấn của từng cảnh ngộ, từng thân phận người. Điệp lại hai tiếng “có lần” tới năm lần, Nguyễn Bính như tự thả hồn mình vào hồn người. Mà xa xót. Mà cảm thương…Cái cách điểm xuyết mà ám ảnh-một nét riêng truyền thống trong thơ ca Phương Đông, được nhà thơ sử dụng như những tín hiệu đắc địa, ân tình..Mỗi người mỗi vẻ. Mỗi người mỗi cảnh. Thật riêng và cũng thật khó quên. Hai cô bé đã thành :
                  Hai bóng chung lung thành một bóng :
                  Đường về nhà chị chắc xa xôi ?
  Lại đến, nỗi buồn thương của đôi bạn tình trong cảnh phân li- “ở một ga nào xa vắng lắm”… Không gian, thời gian, tâm trạng vừa hội tụ, lại vừa òa vỡ bởi từ cái “bóng xiêu xiêu”.
  Chưa dứt, cảnh lìa chia của bao thân kiếp con người. Từ cảnh tượng chất chứa bao thương cảm của bà già “đưa tiễn con ra trấn ải xa”. Bà mẹ già chia xa con, chợt đổ gập xuống bóng hoàng hôn thân phận :
                     Tàu chạy lâu rồi bà vẫn đứng
                     Lưng còng đổ bóng xuống sân ga
  Nhà thơ như đón nhận. Như lắng nghe tiếng tâm tư của bao người. Bao kiếp người hiện hữu buồn thương trên sân ga-những ga xép trên lộ trình li-hợp, hay cũng chính là sân ga của đời người !?
  Cảm hứng lãng mạn trong thơ Nguyễn Bính nói riêng và trong Thơ Mới (1932-1945) nói chung, luôn gắn với nỗi buồn; Cảm quan thẩm mĩ của một thời sao mà xúc động và chân thành đến thế !
  Cũng chính bởi tâm tư chân thành, nhà thơ đã tạo nên ấn tượng mạnh, từ hình ảnh “một người đi”-một bóng lẻ đơn côi. Nguyễn Bính đã cực tả một tâm tư đơn chiếc, một cuộc tự phân li, xúc động đến nghẹn lòng: “Chân bước hững hờ theo bóng lẻ/Một mình làm cả cuộc phân li”
 “ Những bóng người trên sân ga” của Nguyễn Bính, ngẫm ra là những cuộc phiêu bạt, chia lìa trong vô định và thương buồn của kiếp người, bao nhiêu là kiếp người :
           Những chiếc khăn màu thổn thức bay
           Những bàn tay vẫy những bàn tay
           Những đôi mắt ướt tìm đôi mắt
            Buồn ở đâu hơn ở chốn này ?
    Dùng hình thức câu hỏi tu từ (hỏi mà thực chất là khẳng định),Nguyễn Bính đem trái tim của một thi sỹ đa cảm, đa suy của con người tha hương, luôn tha hương mà đóng khung lại và rung ngân trong một không gian buồn-Sân ga của thân phận, thân kiếp con người. Và, cũng bởi thế, “những bóng người” trong thơ Nguyễn Bính không phải là những hình ảnh ảo. Mà, chứa đựng những thân phận thật-giữa cuộc đời Cổ-Kim của những phận người còn trải qua bao phen tụ tán, li hợp.
 
 Viết tại Sài Gòn, 29/3/2007.
 
 (Trích từ cuốn “Bình thơ từ 100 bài thơ hay Thế Kỉ XX-Tập 1, trang 20-22,
  Nhà XBGD, năm 2008).

 

 

Nguồn tin: HNV.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây