Hội nhà văn Hà Nội

https://nhavanhanoi.vn


Thiên tính Nguyễn Bính

Nhà thơ Nguyễn Bính (1918 - 1966)
                                                                                                                           Trần Trung
 
           Nguyễn Bính tên thật là Nguyễn Trọng Bính, quê làng Thiện Vịnh ( nay thuộc xã Cộng Hòa),huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định trong một gia đình nhà Nho nghèo.
  Cha Nguyễn Bính-ông Nguyễn Đạo Bình, từng dạy học ở quê nhà, tính tình hiền lành, nhân hậu.
  Mẹ Nguyễn Bính- bà Bùi Thị Miên vốn xuất thân trong một gia đình tương đối khá giả và có truyền thống yêu nước. Bà sinh hạ được ba người con trai : Nguyễn Mạnh Phát ( tức Trúc Đường), Nguyễn Ngọc Thụ và Nguyễn Bính.
  Bà Bùi Thị Miên mất sớm khi mới 24 tuổi và Nguyễn Bính mồ côi mẹ khi chưa đầy một tuổi. Mấy câu thơ sau trong bài Nhà tôi (1940) như một thứ trích ngang lí lịch với giọng kể buồn buồn xa vắng của nhà thơ chân quê :
                 Nhà tôi có một vườn dâu
              Có giàn đỗ ván có ao cấy cần
                Hoa đỗ ván nở mùa xuân
             Lứa dâu tháng tháng lứa cần năm năm
                Em tôi là gái mười lăm
            Quét sân chạy chợ chăn tằm sớm trưa
                Thầy tôi dạy học chữ Nho
            Dạy dăm ba đứa học trò loanh quanh
                Có gì tiếng cả nhà thanh
           Cơm ăn đủ bữa áo lành đủ thay
                Còn tôi sống sót là may
            Mẹ hiền mất sớm, giời đày làm thơ…
    Trước khi theo anh lên đất Kinh kì (Hà Nội), Nguyễn Bính có những năm tháng tuổi thơ ở quê nhà-Thôn Thiện Vịnh-quê cha, hay Thôn Vân-quê mẹ (cùng trong Huyện Vụ Bản). Làng quê thân thương và nghèo nàn đã để lại những dấu ấn sâu đậm rất đỗi tình nghĩa trong tâm trí Nguyễn Bính; cái làng quê nhỏ bé vùng chiêm trũng-nơi đồng đất trắng trời, trắng nước lại trở thành Bóng mơ (chữ của Tô Hoài) trong thơ Nguyễn Bính. Ngoài lũy tre xanh quê mẹ, bao bủa quanh năm là nước đồng lai láng trắng xóa. Thế mà, như bù lại, là một không gian vườn tược xanh mùa nào thức ấy với bưởi, cam,đào,mơ, mận… Mặt ao nhà cũng mang sắc lá,sắc hoa của những sen,sung,ấu,lang…
  Thế rồi, màu xanh của không gian vườn tược, chẳng biết tự lúc nào đã thấm vào không gian tâm tình-không gian thơ của chàng thi sĩ trẻ tuổi sinh ra từ mảnh đất quê kiểng mà ân tình.
 
  Nguyễn bính từng tâm tình :
                        Thôn Vân có biếc có hồng
                Biếc trong nắng sớm hồng trong vườn chiều
                       Đê cao có đất thả diều
               Trời cao lăm lắm có nhiều chim bay
                       Quả lành trĩu nặng từng cây
               Sen đầy ao cá, cá đầy ao sen
                      Hiu hiu gió quạt giăng đèn…
   Hẳn là những Sắc biếc, sắc hồng và những ao sen, ao cá sớm trở thành cái tố chất tự nhiên trong thơ Nguyễn Bính, thấm vào hồn thơ Nguyễn, chứ không phải chỉ là sự tiếp nhận như những yếu tố thi liệu. Song, theo tôi sẽ là chưa đầy, chưa tới chất Chân quê của Nguyễn Bính, nếu thiếu đi cái chất duyên tình ỡm ờ mà tình tứ rất đỗi này :
                       Tôi giồng cả thảy hai vườn cải
                       Tháng chạp hoa non nở cánh vàng
                     …Em đã sang ngang với một người
                       Tôi còn giồng cải nữa hay thôi.
   Chao ôi ! Những cô láng giềng, những người hàng xóm cách  nhau bởi Cái giậu mồng tơi xanh rờn, những trò trường Huyện Đội đầu chung một lá sen tơ…làm gì chẳng thành những cuộc hẹn hò thầm kín. Khi thì ở Con đê đầu làng, khi lại ở đoàn hát chèo Làng Đặng ngoài Chùa Phủ…Tình người ngỡ như cùng gặp gỡ, giao duyên cùng tình trời đất :Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy/Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ…
  Nhà phê bình Hoài Thanh từng nhận xét:Thơ Nguyễn Bính đã đánh thức con người nhà quê vẫn ẩn náu trong lòng ta.Ta bỗng thấy vườn cau, bụi chuối là hoàn cảnh tự nhiên của ta và những tính tình đơn giản của dân quê là những tính tình căn bản của ta.( Thi nhân Việt nam).
  Phải chăng sự khởi nguồn góp phần tạo nên thiên tính Nguyễn Bính là sự giao duyên hồn nhiên mà tình tứ giữa chất quê, tình quê và hồn quê trong thơ ông ngay từ Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy. Sự giao duyên như trời phú, trời cho ấy đã khiến cánh bướm đa tình Nguyễn Binh( ông từng lấy bút danh là Điệp Lang-Chàng Bướm) sớm chập chờn lay động và giăng mắc cái sinh khí nơi thôn hương quê mình. Để từ yêu thương, say đắm với bóng quê mà thổi hồn thi sĩ của mình thành Bóng mơ trong thơ-Thành thứ tình quê hương thương nhiều mà tiếc lắm, từa tựa như cảnh :
                    Em đi phố huyện tiêu điều lắm
                 Trường huyện giờ xây kiểu khác rồi
                 Mà đến hôm nay anh mới biết
                 Tình ta như chuyện bướm xưa thôi.
                                                     (Trường Huyện)
   Sinh năm con ngựa (năm Mậu Ngọ-1918), trong bài thơ gửi chị Trúc (vợ Trúc Đường), Nguyễn Bính trao gửi lời tâm sự của kẻ tha hương :
                 Em vốn trường dài thân ngựa lẻ
                 Chị thì sông cái chiếc đò nan
                                                          ( Xuân tha hương)
   Lời tâm sự nửa như đùa đùa, nửa lại như buồn buồn, xa xót. Bởi, Thân ngựa lẻ sẽ còn đưa bước chân giang hồ tới những dặm đường xa khắp mọi miền đất nước, cho bõ cái thân phận Giời đày làm thơ; Giời bắt làm thi sĩ với hàng loạt thi phẩm cho đời, thắm đượm tình quê, hồn quê Đất-Việt.
   Bài thơ đăng báo đầu tiên của Nguyễn Bính là Cô hái mơ trên tờ Tiểu thuyết thứ năm( 1937).Đây cũng là tờ báo in nhiều thơ Nguyễn Bính nhất thời ấy.
                                            
                                           ***
   Năm 1937, Nguyễn Bính được giải thưởng thơ của Tự lực văn đoàn- Tập thơ Tâm hồn tôi. Cũng từ thời gian này trở đi, Nguyễn Bính viết nhiều và tự sống bằng ngòi bút của mình. Ông thích đi, đi nhiều nơi và đến đâu cũng có thơ. Một chuyến giang hồ lên Xứ Lạng, có ngay thơ; Lên Thái Nguyên hay Phú Thọ, cũng thế. Thi sĩ như chợt lượm được những bông hoa rừng xứ lạ. Điều thú vị là cảnh sắc những miền đất lạ ông qua, thường “vận” vào, khéo “vơ vào” những hình ảnh lạ mà cũng đầy quyến rũ của biết bao cô gái, từ thôn quê, sơn cước hay phố phường thị thành. Bao nhiêu chuyện tình dan díu phút giây, cũng có.Mà, thứ tình lai láng để rồi tan vỡ, buồn đau, cũng không thiếu trong Đời-Thơ Nguyễn Bính.
  Bài thơ Lỡ bước sang ngang (sau được Nguyễn bính lấy tên cho tập thơ của mình), liên tiếp được đăng liền ba kì, trên Tiểu thuyết thứ năm. Nguyễn Bính được nhiều người biết đến bởi giọng thơ vừa gần gũi lại vừa khác biệt với Thơ ca dân gian. Bởi lẽ chất Chân quê trong thơ Nguyễn là sự hội tụ và thăng hoa của nhiều vùng đất ông qua; Tâm hồn nhạy cảm, đa mang của thi nhân nhanh chóng nổi sóng đa tình mà dan díu, láng lai, để rồi lại chạnh lòng nuối tiếc trong bẽ bàng, thổn thức;
                    -Thôn Đoài ngồi nhớ Thôn Đông
                     Một người chin nhớ mười mong một người
                      Gió mưa là bệnh của trời
                     Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng
                                                      ( Tương tư)
- Nước mắt chạy quanh, tình thắt lại
Giờ đây tôi khóc một người về
Giờ đây tôi thấy lòng cay đắng
Như có ai mời chén biệt li
                         (Viếng hồn trinh nữ)
- Lòng thấy giăng tơ một mối tình
Em ngừng thoi lại giữa tay xinh
Hình như hai má em bừngđỏ
Có lẽ là em nghĩ đến anh
                            (Mưa xuân)
 
  Những chuyến đi xa luôn tạo nên những cảm hứng bất ngờ với Nguyễn Bính-nói rộng ra, dường như cũng là của thế hệ văn nghệ sĩ cùng thời với ông. Những chuyến đi ngẫu hứng với bao buồn vui và cả nỗi cay đắng thân phận. Nhưng, cũng như mọi cái, mọi điều được mất trên đời, đều có giá của nó. Với Nguyễn Bính, những chuyến đi mà nhiều lúc trong lang bạt nghèo túng, nhưng bù lại, ông luôn có thơ trên lộ trình tha hương rong ruổi:
                            Giời mưa ở Huế sao buồn thế
                            Cứ kéo dài ra đến mấy ngày
                            Xa xôi ai nhớ mà thương nhớ
                            Mà nhớ mà thương đến thế này
                                                       (Giời mưa ở Huế)
   Có một điều thật đặc biệt ở Nguyễn Bính là tuy đi nhiều, thích giang hồ nơi đất khách nhưng hình bóng quê hương luôn trong tâm trí nhà thơ:
                              Anh về quê cũ thôn Vân
                            Sau khi đã biết phong trần ra sao
                                                                   ( Anh về quê cũ)
  Nào biết những câu thơ trên được thi sĩ Chân quê viết ra khi trở lại quê nhà hay quê hương đã trở thành ám ảnh nỗi niềm thương nhớ, ngay trong cả lộ trình li hương.
   Nỗi nhớ quê nhà luôn là điều day dứt trở đi trở lại trong nhiều bài thơ của Nguyễn Bính.-nhất là sau này nhà thơ rời đất Bắc (1943) vào Nam Bộ và sống nhiều năm ở mảnh đất phương nam :
                                   Tết này chưa chắc em về được
                                   Em gửi về đây một tấm lòng
                                   Chao ôi Tết đến em không được
                                   Trông thấy quê hương thật não nùng
                                                       (Xuân tha hương)
   Vào những năm 1940-1942, Nguyễn Bính liên tiếp cho in nhiều tập thơ:Lỡ bước sang ngang(1940); Hương cố nhân; Một nghìn cửa sổ(1941); Người con gái ở lầu hoa; Mười hai bến nước(1942). Mọi người từng biết đến một thi sĩ chân quê với chất Hương đồng gió nội và giờ đây lại tiếp tục nhận ra thêm bút lực dồi dào, sức sáng tạo không ngừng nghỉ của nhà thơ họ Nguyễn. Nguyễn Bính thực sự sống bằng ngòi bút của mình: làm thơ, viết báo, tuy cuộc sống kiểu ấy chẳng mấy ổn định.
                                             ***
   Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Nguyễn Bính thuộc trong số anh em văn nghệ sĩ giầu tinh thần Dân tộc đã nhiệt tình, hăng hái tham gia, nhập cuộc. Ông tham gia kháng chiến chống Pháp ở Rạch Giá, ở miền Tây Nam Bộ, ở Đồng Tháp Mười.
   Ở chiến khu Đồng Tháp Mười, cùng với một số anh em văn nghệ sĩ khác, Nguyễn Bính tiếp tục làm thơ, viết báo phục vụ kháng chiến; làm mọi việc theo sở trường của mình và đủ thứ việc linh tinh theo yêu cầu của chiến trường. Nhà thơ Bảo Định Giang đã ghi lại những dòng nhận xét ân tình về Nguyễn Bính : Trong nhiều năm tháng chịu đựng mọi gian khổ, anh đã đi “mút mùa” với Cách mạng cho tới ngày nhắm mắt ở quê nhà và để lại cho đời và để lại cho đời những tập thơ quí giá. ( Một vài kỉ niệm với Nguyễn Bính).
   Năm 1954, hòa bình lập lại ở miền Bắc, Nguyễn bính trở lại quê, vẫn nồng hậu tình xưa nghĩa cũ, thêm chút bồi hồi của kẻ xa xứ hồi hương :
                                 Đi đã mười năm mới trở về
                                 Tâm tình tràn ngập bước đường quê
                                 Nghe sao náo nức như hồi trẻ
                                 Níu áo theo cha buổi hội hè.
                                                    (Trở về quê cũ)
   Có điều, giờ đây chàng Điệp Lang-Nguyễn Bính sau nhiều năm tháng xa quê, thả bước lãng du Dan díu với kinh thành, qua bao nhiêu miền đất khắp ba miền đất nước, vẫn nặng lòng vương nợ với mảnh đất và con người đất phương Nam mà  Nguyễn Bính xem đó như quê hương thứ hai của lòng mình. Hàng loạt những sáng tác sau cách mạng của Nguyễn bính tập trung nhiều vào chủ đề quê hương; đấu tranh thống nhất nước nhà. Ngay tên những tập thơ, truyện thơ của ông cũng nói lên điều ấy: Ông lão mài gươm(1947); Đồng Tháp Mười; Gửi vợ Miền nam (1955); Nước giếng(1957); Tiếng trống đêm xuân(1958) Đêm sao sáng (1962)…
  Những bài thơ viết về Miền Nam của Nguyễn Bính không phải chỉ dừng lại ở đề tài mang tính thời sự mà thực sự đã chuyển hóa thành nỗi niềm tâm sự thiết tha, day dứt, thực sự mang chứa máu thịt tâm tư của nhà thơ :
                                Sao đặc trời cao sáng suốt đêm
                                Sao đêm chung sáng chẳng chia miền
                                Trời còn có bữa sao quên mọc
                                Tôi chẳng đêm nào chẳng nhớ em
                                                         ( Đêm sao sáng)
  Sau những năm tháng tha hương với nhiều lí do khác nhau, trở lại đất Bắc, Nguyễn bính lại có miền đất để mà nhớ thương-Đất phương Nam. Trong một bài viết về những kỉ niệm với Nguyễn Bính, nhà văn Chu Văn đã kể lại :
  Anh (Nguyễn Bính) hay nói nhất là chuyện miền Nam, những phong tục vùng lục tỉnh, những bữa rượu, những món ăn, những vườn cây hoa trái, những đìa lạch đầy tôm cá…Nói về miền Nam, Nguyễn Bính lờ đờ đôi mắt, nhìn đâu xa lắm, và anh say sưa, hào hứng, rồi đăm chiêu thơ thẩn. bao nhiêu cảnh, bao nhiêu tình…
 
                                                                                                  Nam Định 1994-Hà Nội 2021.
                                                                                                    Tr. Tr

 

Nguồn tin: HNV.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây