Hội nhà văn Hà Nội

https://nhavanhanoi.vn


Thơ của những nỗi niềm tin yêu

Nhà thơ Trần Đăng Khoa:
Nhân đọc Khúc quê - tập thơ của Gs Bùi Minh Trí, NXB Văn học - 2021
Thơ của những nỗi niềm tin yêu

I.

 

      Quý vị và bạn đọc đang có trên tay tập thơ KHÚC QUÊ của nhà thơ, Phó Giáo sư Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Bùi Minh Trí.

Xin chúc mừng ông. Chúc mừng các nhà thơ, các bạn yêu thơ chúng ta đã có được một bầu khí quyển thoáng đãng của thời mở cửa.

Chúng ta đang sống trong thời mở cửa. Có thơ ca của thời mở cửa không?

Có đấy. Đó chính là thơ ca của thời chúng ta đang sống!

Lại nhớ hồi nào, tôi và anh bạn thân cùng học ở quê, là nhà báo Trịnh Bá Ninh, phóng viên báo Nông nghiệp đến thăm nhà thơ Xuân Diệu. Tôi cũng đã giới thiệu rất rành mạch với nhà thơ lớn rằng, bạn tôi không phải nhà thơ. Anh đang công tác ở báo Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp. Ấy vậy mà, không hiểu sao, “ông hoàng thơ tình” lại cứ nghĩ anh bạn tôi ở Bộ Lâm nghiệp. Và thế là ông bỗng nổi đoá lên: “Cậu ở Bộ Lâm nghiệp, vậy cậu... cậu có biết vì sao những năm gần đây lại có nạn lũ lụt liên miên không? Ấy là vì người ta đã phá rừng bừa bãi. Phá rừng làm gì cậu biết không? Để lấy gỗ làm giấy in thơ đấy! Chưa bao giờ thơ ca lạm phát như bây giờ. Nhìn đâu cũng thấy thơ. Đi đến xó xỉnh nào cũng gặp nhà thơ. Trước đây cả nước đọc thơ. Bây giờ thơ chỉ có nhà thơ đọc. Không khéo cứ cái đà này, rồi sẽ đến ngày các nhà thơ cũng chẳng thèm đọc của nhau nữa. Lúc ấy chỉ có ai làm thơ thì người đó tự đọc thơ mình thôi...”

Đó là buổi chiều cuối năm 1985. Khi ấy chúng ta vẫn sống trong thời bao cấp. Thơ xuất hiện trên các mặt báo quả cũng có nhiều thật, nhưng đâu đã sum suê, phong phú, đa dạng được như hôm nay. Bây giờ, tính trung bình, mỗi ngày có từ hai đến ba tập thơ tung ra thị trường. Thơ xuất hiện rất nhiều, nhưng đời sống thơ cũng đâu đến mức bi đát như nhà thơ Xuân Diệu cảnh báo. Còn nhớ thời bao cấp, in được một tập thơ rất vất vả. Có khi phải xếp hàng đến cả chục năm. Rồi chen chúc, sáu, bảy tác giả in chung một tập.

Thơ in báo cũng được kiểm duyệt rất chặt chẽ. Có nhà thơ đi đâu cũng tỏ ra rất đau khổ, vì có câu thơ tâm đắc nhất, lại bị biên tập “thiến” mất. “Ôi dào, tiếc quá nhỉ. Cái lão biên tập ấy cũ rích rồi. Lão có biết gì về thơ đương đại. Sao cậu không chuyển bản thảo cho tớ. Trên đời này, chỉ có mỗi tớ là hiểu được cậu thôi”.

Thế rồi đến khi bản thảo tới tay, ông biên tập “rất hiểu thơ đương đại” và cũng rất thương bạn ấy, lại vẫn cắt chính cái câu mà nhà biên tập “cũ rích” kia loại bỏ. Tài thật! Các nhà biên tập ngoài đời có khi cũng chẳng ưa gì nhau, thế mà khi biên tập, họ lại rất giống nhau ở cái khoản “đồng tâm nhất trí”, cứ như họ là những người được đúc ra từ một khuôn vậy. Thế là lại đau khổ. Những năm ấy, hầu như nhà thơ nào cũng có thơ riêng, gọi là thơ “bỏ túi”. Gặp nhau lại thầm thầm thì thì đọc cho nhau nghe.

Làm thơ mà cứ như buôn bạc giả. Cũng theo lời các thi sĩ ấy, thì đó mới là thơ đích thực. Chỉ tiếc những tác phẩm thứ thiệt ấy lại không thể nào in được. “Bài thơ này của tớ mà ra được thì sẽ có khối lão chết. Nghĩa là thiên hạ cứ bẻ bút, không dám làm thơ nữa. Chỉ tiếc nó không ra được thôi. Thế mới đau chứ!”. Nhiều cây bút cứ đăm chiêu, rầu rĩ, mang gương mặt nhàu nát của một thiên tài bị người đời hắt hủi.

Bây giờ ai làm thơ cũng có thể tự công bố được thơ mình. Không phải chỉ in sách mà còn đưa lên mạng xã hội, có người còn tự dịch hoặc thuê người dịch ra tiếng Anh, in song ngữ, rồi đĩnh đạc bước ra thế giới rộng lớn.

 

Tất cả những tác phẩm từng lấp la lấp ló sáng trong bóng tối kia đều đã được bừng ra giữa thanh thiên bạch nhật. Thế mà chẳng có ai “bẻ

bút”, cũng chẳng ai “chết” cả. Chỉ có những con chữ đen đúa, còng queo “chết” trên trang giấy thôi. Mà “chết” im lắm. Chẳng thấy kèn trống, cờ quạt gì...

Thời mở cửa cho chúng ta nhiều ơn huệ. Chí ít nó cũng giúp ta hiểu đúng ta, bớt đi những ảo tưởng không cần thiết. Mọi năng lực đều được giải phóng. Không còn sự ngán ngẩm. Như chúng ta đã từng thương thi sĩ Trần Dần:
 
“Tôi tiếc những chân trời không có người bay
Lại tiếc những người bay không có chân trời...”
 
Bây giờ nhìn khắp bốn phương, nhìn ngay xuống dưới gót giày mình, cũng đều là “chân trời” cả. Ai có tài bay thì cứ việc bay đến hết tốc lực.

Không ít nhà thơ, nhà phê bình thơ lại kêu về sự xuống cấp thơ. Thơ đang bị “nghiệp dư” hoá. Tôi thấy sự thực cũng chẳng đến nỗi phải bi quan như vậy. Không có thơ nghiệp dư và thơ chuyên nghiệp, cũng như làm gì có thơ địa phương và thơ trung ương. Chỉ có thơ hay và thơ dở. Vậy thôi. Và thơ dở thì ở đâu cũng có, thời nào cũng có. Ngay trong thời THƠ MỚI, thời được coi là hoàng kim của thơ ca, nhà phê bình thiên tài Hoài Thanh còn than thở:

“Tôi đã đọc đến cả vạn bài thơ, trong đó có đến ngót một vạn bài là thơ dở”.

 

Thơ dở thì thời gian sẽ tự đào thải, dù nhà phê bình có tìm mọi cách quảng bá, hay phù phép tiếp cho nó sức sống bằng những lời “có cánh”, hoặc phun hoả mù là “Thơ hiện đại”, “Thơ kén độc giả”, thậm chí nó còn được bảo trợ bằng những Giải thưởng diêm dúa thì nó cũng chẳng thể nào sống được.

Còn thơ hay, thì dù có bị lườm nguýt, dèm pha, hay ném vào lửa, nó vẫn cứ trường tồn. Thơ ca không bao giờ là cõi riêng hay chốn độc quyền của bất cứ ai. Nó luôn là ngôi đền thiêng không có cửa, hay nói một cách cụ thể như nhà thơ Xuân Diệu:
 
“Đây là quán tha hồ muôn khách đến
Đây là bình thu hợp ý muôn phương...”
 
Có người ngay từ những bước đầu tiên đã vào được ngôi đền sang trọng này, rồi trụ lại làm bảng vàng bia đá. Có người chưa tới được cửa đền đã biến mất vô tăm tích. Có người càng đi, càng xa cái đích mà mình cần đến. Làm thơ là một việc khổ ải. Bởi thế có thi sĩ coi nhà thơ như một người lao động khổ sai, hay một anh “phu chữ” cực nhọc.

Vì vậy, ai đến với thơ, chúng ta cũng đều kính trọng. Bởi thi sĩ là hạng người rất đáng được kính trọng...

 

II.

     Có tâm niệm như thế, và hiểu được sự lao động vất vả, cực nhọc như thế, chúng ta mới thấy quý, thấy kính trọng nhà thơ, Phó Giáo sư Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Bùi Minh Trí, khi ông đến với thi ca.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Minh Trí là nhà khoa học có tên tuổi. Ông có nhiều cống hiến trong lĩnh vực khoa học. Nhưng ông còn là một thi sĩ vừa tỉnh táo, vừa lãng mạn, đắm say.

Nhà thơ, nhà khoa học Bùi Minh Trí sinh ra trong một gia đình trí thức có truyền thống Cách mạng. Căn nhà của ông ở phố Phạm Hồng Thái, thị xã Hải Dương – nay là thành phố Hải Dương, là cơ sở Cách mạng đầu tiên ở vùng đất Tỉnh Đông này. Ông là người chịu học và học giỏi, lại được đào tạo cơ bản ở cả trong nước và ngoài nước. Là người có học hàm, học vị khá cao, ông đến với thơ ca như một lẽ tự nhiên. Ông lại là người đi nhiều, biết rộng, có dịp đặt chân lên nhiều bến bờ trái đất. Các cụ bảo:
 
“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”.
 
Ông không phải chỉ “đi một ngày đàng” mà hàng ngàn ngày đàng, tiếp xúc với nhiều nguồn văn hoá nhân loại. Bằng con mắt của người Việt, ông nhận ra được những vẻ đẹp mang tính đặc trưng của nhiều vùng văn hoá thế giới, như đỉnh tháp Eiffen của Paris, những bông tuyết đầu mùa ở Matxcova hay vẻ đẹp cổ kính của St.Petersburg.
Và rồi, với con mắt của một thế giới rộng lớn, ông cũng lại nhận ra những tinh chất của xứ Việt quê hương mình, mà nhiều khi, ở trong nước, vì quá quen thuộc, chúng ta không nhận ra. Ông là người đi nhiều, có mặt khắp mọi miền tổ quốc, từ cao nguyên đá Hà Giang, qua Mã Pí Lèng, mùa hoa Tam Giác Mạch, đến Yên Tử, phố cổ Thăng Long, rồi Miền Trung, Huế, Vĩ Dạ, Hội An, Nhà Trang, Tháp Bà Ponagar, rồi những vùng quê Nam Bộ… Đến đâu ông cũng có thơ.
 
Từ vùng núi cao phía Bắc:
 
“Choé rượu lên men nhà Bản Lác
Váy xoè áo coóng, tiếng em mời
“Khèn lên” lửa trại rừng xanh ngát
Bối rối sàn rung ánh mắt cười
 
Mai sớm cùng em lên chợ Núi
Pha Luông trời vẽ bức tranh màu
Một rừng hoa nở trên vai áo
Đào mọng thơm lừng hương Mộc Châu...”
 
Đến những danh thắng, mà hầu như ai cũng biết. Nhưng không phải ai cũng có niềm mê đắm, mộng mị như ông:
 
Bồng bềnh mây núi Sa Pa
Thiên Thai một chốn nhạt nhòa chợ sương
Say nghiêng say ngả mười phương
Ngỡ ngàng tiên nữ Thiên đường xuống đây “
 
Nhà thơ, Phó Giáo sư Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Bùi Minh Trí cũng dành nhiều tâm huyết viết về chiến tranh, đặc biệt là các anh hùng liệt sĩ, những Đặng Thuỳ Trâm, Nguyễn Văn Thạc – Sống mãi tuổi Hai mươi. Thật trân trọng tấm lòng của ông với Vũ Xuân Thiều, một anh hùng phi công quả cảm. Bắn cháy Pháo đài bay B52 đâu có dễ. Bởi B52 có nhiều máy bay tiêm kích yểm trợ và bảo vệ. Khi phát hiện ra chúng, anh hùng phi công Vũ Xuân Thiều đã biến chiếc phản lực của mình thành một viên đạn, thiêu cháy B52:
 
Trời Thăng Long nâng Anh cao vời vợi
Giặc đây rồi - một lũ pháo đài bay
Giữa sống chết - phút giây này mong đợi
Nhằm kẻ thù xả căm uất bấy nay
 
Từ trên cao Anh lao vào con ó
Trời đêm xanh một khối lửa bùng lên
Thiêu ra tro mác “Không quân chiến lược”
Giặc loạn bay, nháo nhác vỡ tan đàn
 
Mười hai ngày đêm đối đầu huyền thoại
Tổ quốc sáng lên với mỗi chiến công
Thiên Anh hùng ca ngàn năm hát mãi”
Vũ Xuân Thiều - Điện Biên Phủ trên không.”
 
Đọc những bài như thế, ta không còn thấy thơ, mà chỉ thấy tấm lòng. Tấm lòng ứa ra đầu ngọn bút.
Tôi cũng rất yêu cái khoảnh khắc ông đến thăm vườn, khi đã mãn xuân. Bài thơ có hơi Đường Thi, nói được nhiều điều từ một chi tiết cụ thể:
 
“Hoa rụng sạch không xuân đã tàn
Thăm vườn thương cảm kiếp hồng nhan
May còn một đóa màu tươi đỏ
Thắp lửa lòng ta với thế gian”
 
Thơ Bùi Minh Trí là thế. Giản dị mà thấm đượm. Tôi có thể dẫn ra nhiều câu thơ của ông rải dọc những chặng đường ông đã đi. Nhưng rồi, tôi đã không làm thế. Tôi sợ trong cuộc sống vội vàng, tất bật này, các quý vị sẽ chỉ đọc những câu thơ tôi trích mà lại bỏ qua những câu thơ khác, những bài thơ khác rất đáng đọc của ông. Vì thế, tôi xin được dừng lại ở đây, nhường bạn đọc tự tìm hiểu, khám phá. Và tôi hy vọng, tập thơ sẽ có nhiều nỗi niềm được bạn đọc tin yêu và tâm đắc…
                                                                                                                                     Hà Nội, 1 - 2021
                                                                                                                        TĐK

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây