Hội nhà văn Hà Nội

https://nhavanhanoi.vn


Tiếc bạn - Thơ Nguyễn Thanh Kim và lời bình...

Nhà thơ Trần Quốc Thực (1946   2007)
 
                      
                          TIẾC BẠN*

                           Tưởng nhớ Trần Quốc Thực

                                         Nguyễn Thanh Kim

                       Vừa mới gặp nhau đây
                       chớp mắt vào xa thẳm ?
                       vẫn tin mình tin bạn
                       xúc cảm thơ còn đằm

                        Nội trú trường viết văn
                        đắp thêm dăm kiến thức
                        chén rượu đêm se buồn
                        mái đấu ai ngả bạc

                         Một đời người tận lực
                         dáng mảnh mai thân gầy
                         một đời thơ chi chút
                         dựng tháp cúc** đài cao
 
                           Thực đấy mà mộng ảo
                            mơ cõi nảo cõi nào
                            nhớ bạn đầm nước mắt
                            gió sương đầy hư hao
                                
                            Vừa mới gặp nhau đây
                            bạn đã vào tro bụi
                            đời người sao ngắn vậy
                            bạn “gói khăn kiếp nào”***
 
     - Tiếc bạn* - Bài thơ trong tập “Miên man cỏ”, Thơ Nguyễn Thanh Kim NXB Hội nhà văn-2008.
-Tháp cúc**- Tên tập thơ cuối của nhà thơ Trần Quốc Thực.
- “gói khăn kiếp nào”***: ý thơ trong bài “Tiễn” của Trần Quốc Thực.
 
LỜI BÌNH CỦA TRẦN TRUNG:
Đến “Miên man cỏ”, Nguyễn Thanh Kim đã tự khẳng định mình trong địa hạt thơ ca-Tập thơ thứ mười một. Sự sáng tạo không ngừng nghỉ, từ tập thơ đầu “Nắng triền sông” (NXB Tác phẩm mới-1981) đến tập “Miên man cỏ NXB Hội nhà văn-2008), có lẽ nhà thơ đã ít nhiều định hình được dấu ấn riêng của thơ mình. Người viết, có thể ngẫu hứng mà chủ quan, nhận ra: Nguyễn Thanh Kim có một hồn thơ dung dị, lặng thầm mà không kém phần nhạy cảm trước những ngưng đọng hoặc biến thiên của sự đời, của tình người.
  Trong tập thơ “Miên man cỏ” này, nhà thơ vẫn phát huy thế mạnh vốn có, lại tự đào sâu vào nỗi Suy-Tư-Thế-Sự. Đọng lại trong tôi và tôi tâm đắc ở lối viết ngắn, kiệm lời, gia công vào cách diễn đạt, câu chữ mà tạo ấn tượng cho người đọc thêm nghĩ suy về cuộc đời và con người... của hôm nay, của thời này. Tôi tâm đắc cái cách ân tình, sâu sắc của Thanh kim-Nhất là những bài hướng tới nhân tình thế thái, hướng tới Tình-Người, Tình-Bạn.
  Với bài “Tiếc bạn” (lại được chua nghĩa: Tưởng nhớ Trần Quốc Thực), Nguyễn Thanh Kim có cách lập tứ, tạo tứ thơ, trước hết trong khổ thơ đầu và khổ kết của lối thơ 5 chữ :
-Khổ đầu:  “Vừa mới gặp nhau đây/chớp mắt vào xa thẳm?/
vẫn tin mình tin bạn/xúc cảm thơ còn đằm”
-Khổ kết: “Vừa mới gặp nhau đây/bạn đã vào tro bụi/đời người sao ngắn vậy/bạn “gói khăn kiếp nào”.
  Khổ thơ đầu gợi mở ra cảm xúc tiếc thương bởi sự quá nhanh của mất mát và niềm thương nhớ “Vừa mới gặp nhau đây”. Thật xúc động và ám ảnh trong câu thơ thứ hai của cả hai khổ: “chớp mắt vào xa thẳm”( khổ thơ đầu) và, “ bạn đã vào tro bụi”. phải là “vào” (xa thẳm). Phải là “vào” (tro bụi), chứ không phải “thành” hay “là”...hoặc một chữ nào khác. Tình-thật-Lòng, là quí, song không thể tách rời với Tình-Quí-Trọng.
  “Tiếc bạn” của Nguyễn Thanh Kim, có thể xem là bài ai điếu bằng thơ của Kim dành cho Thi hữu Trần Quốc Thực. Thế nên, sau khổ thơ đầu, hai khổ thơ tiếp, nhà thơ dành cho bạn mình những câu, những dòng thơ ân tình, hoài niệm.
  Từ kỉ niệm “hai đứa cùng chung một lớp”-Kỉ niệm gặp gỡ, tâm giao của một thời “Nội trú trường viết văn”, một thời cùng nhau lĩnh hội tri thức không bao giờ thừa, mà nhà thơ dùng hai tiếng “đắp thêm”: “đắp thêm dăm kiến thức”. Và, thấm thía làm sao kỉ niệm của những Người-Thơ từng trải cuộc đời, nỗi đời trong men rượu tương hợp :
        “chén rượu đêm se buồn
          mái đầu ai ngả bạc”
   Chữ “ai” mà tác giả dùng ở đây-vốn là nghệ thuật ngôn ngữ phiếm chỉ (  được hay dùng trong ca dao xưa): “Nhớ ai ai nhớ bây giờ nhớ ai”. Cũng bởi thế, “ai” dùng ở đây là bạn (Trần Quốc Thực), mà hóa ra cũng chính là mình ( Nguyễn Thanh Kim). Và, cũng đâu phải chỉ có hai nhà thơ khề khà-gặp gỡ.
  Nguyễn thanh Kim chuyển dịch và phát dẫn tứ thơ, những mong ôn lại mà hiểu và cảm thương, tiếc nuối người bạn thơ. Người bạn thơ ấy, từng sống hết mình đến độ “tận lực”, chẳng quản “mảnh mai thân gầy”, hết mình trong tham vọng chân thành hướng tới Nghệ-Thuật-Thơ :
     “Một đời người tận lực
       dáng mảnh mai thân gầy
       một đời thơ chi chút
       dựng Tháp cúc** đài cao”
  Hình như, những lời thơ của Nguyễn Thanh Kim, nói về bạn mà cũng là nói về mình, nói với mình cũng như bao nhà thơ khác của hôm qua và hôm nay, trên con đường dài vinh quang-nhọc nhằn trong sáng tạo và kiếm tìm nghệ thuật đích thực.
  Hình như, đến với sáng tạo nghệ thuật nói chung và nghệ thuật Thơ nói riêng, mỗi người thơ, phải tự ý thức “Thực đấy mà ảo đấy”; “Nhìn thấy và cảm thấy”; “Được đấy mà mất, cũng đấy”... vốn đã thành bất biến trong Cõi-Nhân-Sinh.
   Những câu thơ cuối trong “Tiếc bạn” dâng đầy cảm xúc nuối tiếc, xót xa:
        “nhớ bạn đầm nước mắt
          gió sương đầy hư hao”
Để rồi, bài thơ khép lại là suy ngẫm từ kiếp người, trong dự cảm về định mệnh con người-Định mệnh, dường như đã thành “lập trình” của người-Nghệ sỹ :
         “đời người sao ngắn vậy
           bạn “gói khăn kiếp nào”***
 
HÀ NỘI, 2020.

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây