Hội nhà văn Hà Nội

https://nhavanhanoi.vn


Tình mẹ trong một số bài thơ xuất sắc

Ảnh minh họa: ST

                                                                                                                       Nhà văn Lê Thế Ý
 

      Có thể khẳng định rằng, trong thời hiện đại có hàng ngàn người viết về Mẹ.
Mẹ sinh con. Mẹ giáo dưỡng. Công lao của mẹ thật vĩ đại! Tuy mỗi người mang mỗi cảm
quan, rung động, bút pháp khác nhau nhưng đều gặp nhau ở một điểm chung: tạc nên
 bức tượng đài sừng sững bằng nghệ thuật về người Mẹ!

      Chúng ta mỗi người khi được sinh ra, điều bắt gặp đầu tiên là lời ru của mẹ. Lời ru đã thành cánh cò bay vào miền cổ tích, thành huyền thoại, thành hoài niệm đi suốt cuộc đời chúng ta. Nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Duy đã thay mặt hàng triệu con tim biểu đạt điều đó bằng cung bậc của thi ca: ‘‘Ta đi trọn kiếp con người/ Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru’’. Mẹ ru những gì mà “trọn kiếp” vẫn còn vương vấn trong ký ức mỗi chúng ta?‘‘Mẹ ru cái lẽ ở đời/ Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn’’. Phần xác là từ nguồn sữa vắt ra từ bầu ngực và phần hồn bắt nguồn từ lời ru về đạo lý làm người của Mẹ. Mỗi một chúng ta quên sao được tiếng võng tre kẻo kẹt, tiếng à ơi.. của mẹ thoát ra sau lũy tre làng. Lời ru câu hát ngọt lịm hòa trong làn gió mơn man của buổi trưa hè, đưa ta vào giấc mộng trẻ thơ có miền dân ca bát ngát!? Chúng ta lớn khôn, cất cánh lên từ đó.

       Đâu chỉ ngồi ôm con ru. Phía trước mặt Mẹ là chuỗi dài dằng dặc của kiếp làm  mẹ lầm than, khổ đau. Quanh năm suốt tháng bán mặt cho đất bán lưng cho trời, mẹ quần quật vật lộn với thiên nhiên hung dữ với nắng gắt mưa ngàn.. Mẹ làm tất cả, ‘‘hai tay đồng áng’’ nuôi ‘‘bảy con vuông tròn’’; con khôn lớn đều ra trận, ngày ngày mẹ ‘‘ngóng con thờ chồng’’ như nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã viết trong bài‘‘Mẹ tôi’’:‘‘Mẹ tôi dòng dõi nhà quê/ Trầu cau từ thuở chưa về làm dâu/ ...Mẹ tôi chẳng tiếng kêu ca/ Hai tay đồng áng lợn gà, nồi niêu/...Gái trai bảy đứa vuông tròn/ Chiến tranh mình mẹ ngóng con thờ chồng”.

      Cũng vậy, trong bài ‘‘ Mẹ ra Hà Nôi’’, Lê Đình Cánh kể về người mẹ từ nông thôn ra thành thị. Mới ra nơi lạ lẫm, vai khoác chiếc đẫy nghèo, mẹ lóng ngóng, chập chững từng bước. Tuy hình hài khẳng khiu nhưng chứa trong đó là những chiến công hiển hách, lẫy lừng mà mẹ từng trải qua một kiếp người: “đưa em trốn ngục”, “thăm thầy trong lao”, tiễn “con đánh Mỹ”, lưng mẹ chồng chất trăm thứ nặng nề:‘‘Khoác vai mẹ, chiếc đẫy nghèo/ Năm xưa thắt lại bao điều đắng cay/ Đưa em trốn ngục những ngày/ Vài lưng gạo hẩm thăm thầy trong lao/ ...Đưa con đánh Mỹ lên đường/ Nắm cơm mẹ gói tình thương quê nhà!’’.

       Bao gánh nặng chồng chất lên lưng mẹ. Mẹ không khác gì con ngựa thồ; ‘‘ Nắng mưa từ những ngày xưa/ Lăn trong đời mẹ, đến giờ chưa tan’’. Làm quá sức ắt mẹ sinh bệnh; những câu thơ của thần đồng Trần Đăng Khoa vừa hóm vừa tự hào về mẹ khi viết “Mẹ ốm”:‘‘Cả đời đi gió đi sương/ Bấy giờ mẹ lại lần giường mẹ đi/...Vì con, mẹ khổ  đủ điều/ Quanh đôi mắt mẹ đã nhiều nếp nhăn”.

       Ngợi ca Mẹ thật đa dạng. Ngay chốn cửa chùa, nơi thoát tục, chỉ biết tụng  kinh, niệm Phật cũng có người nhớ đến mẹ. Nhà sư Thích Thiện Quang ngậm ngùi: Dù con đếm được cát sông/  Nhưng không đếm được tấm lòng mẹ yêu

         Dù con đo được sớm chiều/  Nhưng không đo được tình yêu mẹ hiền

         Dù con đi được trăm miền/ Nhưng tình của mẹ gắn liền núi non

     Có một triết gia nào đó khái quát: còn mẹ là còn tất cả, mất mẹ là mất đi nửa cuộc đời. Đúng vậy. Mẹ mất, tác giả Thanh Nguyễn, nhà thơ mới nổi trong y phục ấm áp mùa đông, thương mẹ nằm dưới ba thước đất lạnh lẽo. Cả bài ‘‘Thơ nhớ mẹ mùa đông’’ của  thi sĩ, mỗi con chữ đều nhói lên nỗi đau :             

     Mẹ bây giờ âm dương không gặp nữa/  Cả trong mơ con có ước cũng thừa

    Mẹ lạnh không?Áo ấm con ngồi soạn/Như mẹ ngày xưa, thương mẹ lệ nhòa

     Ôi tình mẹ, sưởi lòng con đêm lạnh/ Bao mùa đông vẫn ấm áp lòng con!

     Còn phụ mẫu, con bên mẹ như đàn gà con quanh quẩn nhờ mẹ chở che . Khi không còn mẹ:

     Mất mẹ con sống vất vơ/ Đường đời gian khổ đến bơ phờ

     Trong mơ cứ nghĩ là còn mẹ/Tỉnh giấc giật mình dạ ngẩn ngơ!(Hồng Việt)

       Mất mẹ, mỗi bài thơ mang nặng những nỗi đau. Nhưng mỗi nỗi đau đó đều mang những khía cạnh khác nhau của thế thái nhân tình. Đau vì khi mẹ còn sống, đất nước giặc giã, tiễn con ra trận mà nuốt nước mắt vào trong. Mẹ ngồi bên cửa chờ bóng hình con xuất hiện dù biết con đã hy sinh. Đau vì thời con còn thơ ấu, mẹ dành từng hạt gạo nuôi con ăn học; nay con đã thành danh, thì mẹ đã đi vào cõi thiên cổ. Đau vì phận con không làm tròn chữ hiếu...Riêng Tô Ngọc Thạch, nhà thơ trẻ trong bài ‘‘Con về bên mẹ chiều nay’’ cũng có nỗi đau riêng: người mẹ lúc còn sống bị bệnh xuất huyết não, ba mươi năm nằm liệt giường!

          Con về bên mẹ chiều nay/ Hồn như quán vắng đong đầy nỗi đau

           Ngoài trời sầm sập tối mau/Ánh đèn thôn xóm dậy màu vào đêm

          Đường ra nghĩa địa truân chuyên/ Tựa như đời mẹ ưu phiền bão dông

          ...Hạ về mang tuổi ra phơi/ Còn đông đem ướp nụ cười gió sương

          Một mình quanh bốn bức tường/ Ba chục năm ấy bi thương nào bằng

          Mẹ ngồi vá bão dưới trăng/ Nghe heo may thổi đóng băng nỗi niềm

    Bài thơ hay, ngoài nỗi niềm, cảm hứng dào dạt khi nhớ công ơn mẹ, còn nhờ có tứ thơ mới và từ lạ:‘‘Gánh nghèo đánh cược với giời’’, ‘‘Hạ về mang tuổi ra phơi’’, ‘‘Còn đông đem ướp nụ cười gió sương’’, ‘‘Mẹ ngồi vá bão dưới trăng’’.Tác giả sử dụng cái vô hình (nghèo, lạnh... giá, đông) để biểu hiện cái hữu hình (gánh gồng, thân gầy...) ; còn vận dụng thi pháp không gian hóa hàm chứa thời gian và thời gian hóa hàm chứa không gian.

      Hình ảnh về Mẹ được đề cập nhiều nhất vẫn là trong thời kỳ kháng chiến. Nỗi thương đau của dân tộc ta là suốt bốn ngàn năm lịch sử chưa bao giờ nguôi ngọn lửa chiến tranh. Xương đã chất thành núi. Máu đã đổ thành sông. Nhưng dù hy sinh đến đâu, dân tộc ta vẫn quyết giữ lấy mảnh đất này, trong đó có biên giới và hải đảo. Thời chống Pháp và chống Mỹ, quân thù có vũ khí mạnh gấp hàng vạn lần chúng ta, song chúng ta vẫn chiến thắng vì chúng ta có Đảng lãnh đạo, có đường lối quân sự đúng đắn:‘‘Trường kỳ kháng chiến, toàn dân kháng chiến’’, ‘‘lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh....’’. Trong bài ‘‘Mẹ đào hầm’’, qua hình tượng người Mẹ, Bùi Minh Quốc đã nghệ thuất hoá đường lối đó:‘‘Mẹ đào hầm từ lúc tóc còn xanh/ Nay mẹ đã phơ phơ đầu bạc/ Mẹ đào hầm dưới tầm đại bác/ Bao năm rồi tiếng cuốc vọng năm canh/  Nơi hầm tối là nơi sáng nhất/ Nơi con tìm ra sức mạnh Việt Nam’’. Một tầm vóc về người Mẹ thật kiên trung, thật hào sảng và đẹp như một bức thành đồng! Kẻ nào dám đụng đến chỉ chuốc lấy thất bại!

        Tố Hữu nhà thơ, nhà cách mạng hoạt động ở Thanh Hóa thời chống Pháp. Bị giặc lùng sục suốt đêm, mẹ Tơm che chở cho nhà thơ. Những câu thơ ấm áp nghĩa tình sâu nặng:‘‘Thương người cộng sản, căm Tây- Nhật/  Buồng mẹ, buồng tim giấu chúng con/ Đêm đêm chó sủa làng bên động/ Bóng mẹ ngồi canh lẫn bóng cồn’’. Đọc lên, ta như thấy bóng mẹ quẩn quanh, lấp ló, ẩn hiện đâu đây bên cồn cát, ta như sờ được lên khuôn mặt đáng yêu ấy. Thật xót xa, sau mười chín năm trở lại Hanh Cát, Hanh Cù thăm mẹ, thì mẹ đã quy tiên! Những câu thơ thật day diết, thương cảm, như lọc ra từ giọt máu trong tim còn nóng hổi:

       Ôi bóng người xưa đã khuất rồi/ Tròn đôi nắm đất trắng trên đồi

       Sống trong cát chết vùi trong cát/ Những trái tim như ngọc sáng ngời !

       Dân tộc ta là thế. Người mẹ này khuất bóng, thì có người mẹ khác thay thế. Hình ành người mẹ trên dòng sông Nhật Lệ thời chống Mỹ đẹp biết bao! Mẹ làm nhiệm vụ đưa bộ đội qua sông. Trên đầu mẹ, pháo đài bay B52 rải thảm, bom từng chùm từng lớp rơi xung quanh tạo nên một vành đai lửa. Mặc kệ, không hề chùn tay, mẹ vẫn hiên ngang vẫn miệt mài chèo đò. Mẹ như một nữ tướng, oai hùng hướng về phía trước. Mái tóc mẹ hòa trong sóng nước trắng xóa sáng rực cả một vùng, đẹp lạ thường. Trong bài ‘‘Người con gái Việt Nam’’ mà trước đó tác giả đã từng ngợi ca, đã có mái tóc : ‘‘Em là ai cô gái hay nàng tiên/ Em có tuổi hay không có tuổi/ Mái tóc em đây hay là mây là suốt/ Đôi mắt em nhìn hay chớp lửa đêm dông/ Thịt da em hay là sắt là đồng/ Cho tôi hôn bàn chân em lạnh ngắt/ Cho tôi nâng bàn tay em nắm chặt/ Đôi bàn tay như cành lá còn xanh/ Trên mình em đau đớn cả thân cành !’’. Thơ thóat ra từ tâm và tình. Không có đáy lòng thực sự xúc động thì không thể viết được những câu có hồn như thế. Kế tiếp ‘‘mái tóc’’ của người con gái ấy là mái tóc của mẹ trên dòng Nhật Lê: ‘‘Ngẩng đầu mái tóc mẹ rung/ Gió lay như biển sóng tung trắng bờ/ - Gan chi gan rứa mẹ nờ ?/ - Mẹ rằng cứu nước mình chờ chi ai/ Chẳng bằng con gái con trai/ Sáu mươi còn một chút tài đò đưa/ Tàu bay hắn bắn sớm trưa/ Thì tôi cứ việc sớm trưa đưa đò !’’. Hai mái tóc kế tục, lớp này kế lớp khác, mang tính truyền thống.

       Viết về mẹ, bao thi ca đã đề cao. Đức hy sinh, công lao của mẹ không bút nào chuyển tải hết. Nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Thị Mai cũng có hai câu thơ được liệt vào loại hay nhất của thời đương đại, đã khái quát được hình ảnh về người Mẹ Việt Nam lúc sống cũng như khi đã đi vào thiên cổ: ‘‘Từ ngày đưa mẹ ra đồng/ Qua hàng trầu vỏ con không dám nhìn ». ‘‘Con không dám nhìn’’vì nhìn vào là gợi nhớ đến dáng hình mẹ khi còn sống. ‘‘Trầu vỏ’’ một chi tiết nhỏ nhưng có sức gợi mở lớn tới tình Mẹ - Con. Nếu viết: từ khi mẹ mất, con nhớ mẹ, con thương mẹ, con đau xót...thì chẳng thấm vào đâu vì công đức mẹ viết cả ngàn trang giấy cũng chứa đâu cho hết. Những câu thơ gợi nhiều hơn tả.Thơ hay vì nó lạ, có sự đột biến và bất ngờ; ý tại ngôn ngoại.

       Quả thơ viết về mẹ nói bao nhiêu cũng không chứa xuể. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Đấy là đạo lý của  người Việt. Không chỉ có thơ, hội họa, âm nhạc, về mẹ đã có tượng đài tôn thờ. Tượng đài bà mẹ Việt nam anh hùng ở xã Diễn Thắng, huyện Diễn Đàn, tỉnh Quảng Nam cao 18,5 mét, rộng 84,7 mét xây bằng đá quý sa thạch, tổng cộng kinh phí hết 411 tỷ đồng. Tượng lớn nhất Đông Nam Á, lấy nguyên mẫu Nguyễn Thị Thứ, bà mẹ có 11 người con, chồng và cháu là liệt sĩ, hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước- một sự hy sinh, mất mát quá lớn ngoài sức tưởng tượng của con người- sao mẹ chịu đựng được ?! Gần 100 triệu người Việt chúng ta phải nghiêng mình khâm phục, kính cẩn cúi đầu tạ ơn Mẹ ! Đất nước ta có độc lập, tự do, có cơm no áo ấm được như ngày nay là nhờ những công lao trời biển của những người như Mẹ. Trước công lao ấy, gần 100 triệu con Lạc cháu Hồng, ai dám quên!!

 

 

     

 

 

 

Nguồn tin: HNV

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây