Hội nhà văn Hà Nội

https://nhavanhanoi.vn


Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và tầm nhìn hướng ra đại dương

Nhà thơ Vũ Bình Lục - qua bài thơ chữ hán CỰ SƠN ĐỚI NGAO.
Tranh minh họa: ST
   Nhà Mạc ở thời kỳ Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông phát triển đến cực thịnh về mọi mặt. Kinh đô thứ hai của nhà Mạc ở Cổ Trai, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng ngày nay, được đặt tên là Dương Kinh, đã cho thấy tầm nhìn chiến lược hướng ra biển Đông của nhà Mạc. Thực tế, việc đem hàng hóa trong nước xuất khẩu sang nhiều nước ở châu Âu đã chứng minh điều đó. Đặc biệt là gốm Chu Đậu (Nam Sách, Hải Dương) hiện còn được một số bảo tàng lớn ở châu Âu lưu giữ như bảo vật quý hiếm của nhân loại.
            Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã cống hiến cả cuộc đời làm quan dưới triều Mạc. Ông là nhà văn hóa lớn nhất ở thế kỷ 16. Riêng về thơ ca sáng tác bằng chữ Hán (văn tự chính thống được dùng ở thời phong kiến ở nước ta), Nguyễn Bỉnh Khiêm đã viết khoảng 800 bài. CỰ NGAO ĐỚI SƠN (Con ngao lớn đội núi) là bài thơ thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược hướng ra biển Đông, theo đó là gửi gắm niềm tin và lời nhắn nhủ người sau hãy quyết giữ lấy biển Đông…
Phiên âm:
CỰ NGAO ĐỚI SƠN

Bích tẩm tiên sơn triệt để thanh,
Cự ngao đới đắc ngọc hồ sinh.
Đáo đầu thạch hữu bổ thiên lực,
Trước cước trào vô quyển địa thanh.
Vạn lý Đông minh quy bả ác,
Ức niên Nam cực điện long bình.
Ngã kim dục triển phù nguy lực,
Vãn khước quan hà cựu đế thành.


Dịch nghĩa:
CON RÙA LỚN ĐỘI NÚI

Nước biếc ngấm núi tiên trong đến tận đáy,
(Ta) như con ngao lớn đội được bầu ngọc mà sinh ra.
Ngoi đầu lên, đá có sức vá trời,
Đặt chân xuống, sóng không có tiếng cuốn đất.
Vạn dặm biển Đông có thể nắm trong lòng bàn tay,
Ức triệu năm cõi Nam đặt vững cảnh trị bình.
Ta nay muốn thi thố sức phò nguy,
Cứu vãn lại quan hà, thành cũ của nhà vua.

Dịch thơ:
Non tiên ngâm tẩm nước trong xanh,
Bầu ngọc đội lên, ngao lớn sinh.
Đầu ngọc, vá trời còn sức đá,
Chân đưa, lặng sóng chẳng âm thanh.
Biển Đông vạn dặm quơ tay nắm,
Nam cực muôn năm vững trị bình.
Ta muốn phù nguy ra sức giúp,
Quan hà thu lại cựu kinh thành.

                        (ĐINH GIA KHÁNH dịch)


Nước ngấm núi tiên, trong tận đáy,
Ngao lớn đội trời, ngọc báu sinh.
Vá trời, đá chồi lên dũng mãnh,
Chân sải, ngàn khơi sóng lặng thinh.
Biển Đông vạn dặm trong tay nắm,
Muôn thủa trời Nam vững thái bình.
Ta muốn phù nguy ra sức giúp,
Cứu vãn non sông, vững Đế Kinh.

                        (VŨ BÌNH LỤC dịch)

   CỰ NGAO ĐỚI SƠN (Con rùa lớn đội biển) là một bài thơ có nội hàm phong phú. Để hiểu cho rõ ngọn ngành và giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ, cũng đã có khá nhiều kiến giải nông sâu, đặc biệt là sự hàm ẩn của ý tình, của tư tưởng, của cả ngữ nghĩa của câu chữ nữa. Rõ ràng là ở bài thơ này, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã dùng một số điển tích, nhằm tăng thêm sức gợi hình, gợi cảm, theo đó là ý tưởng chủ đề mà tác giả ký thác. Điều này thì khác hẳn những bài thơ chữ Hán Nguyễn Bỉnh Khiêm viết về nông thôn, rất giản dị, như ta đã thấy...
            Ngay cái đầu đề bài thơ, CỰ NGAO ĐỚI SƠN, đã thấy một hình tượng kỳ vĩ, mang ý nghĩa khai quát của chủ đề bài thơ. Ngao, tức con ba ba, hay là con rùa lớn đội núi ngoài biển. Theo sách Liệt Tử, chương Thang Vấn chép rằng, ở biển Bột Hải có 5 ngọn núi lớn là ĐẠI DƯ, VIÊN KIỆU, PHƯƠNG HỒ, DOANH CHÂU và BỒNG LAI. Chân các núi này lửng lơ không dính vào đâu. Núi cứ theo nước thủy triều mà trôi nổi khắp nơi trên biển. Thượng Đế thấy vậy, ngài sợ rằng cứ buông xuôi như thế thì có thể các ngọn núi này sẽ trôi về Tây Cực. Ngài liền sai 5 con ngao thần cực lớn lặn xuống biển, lấy đầu mà đội núi lên. Từ đấy, 5 ngọn núi lớn mới đứng yên một chỗ. Ở đây, tác giả muốn tỏ chí mình, muốn làm việc lớn, gánh vác non sông đất nước, như con ngao lớn kia.
Mở đầu bài thơ, Nguyễn Bỉnh Khiêm viết:
Bích tẩm tiên sơn triệt để thanh,
Cự ngao đới đắc ngọc hồ sinh.
Nước xanh tẩm, hay là nước biếc ngậm ngọn núi tiên, trong đến tận đáy (triệt để thanh). Ta như con rùa lớn đội núi, được sinh ra ở trong cái đầm, cái chằm mênh mông. Nguyên tác là “ngọc hồ”, tức cái hồ ngọc. Tác giả dùng hình tượng cái bầu ngọc trong veo, ở đây là để chỉ vùng quê miền biển, quê hương của Trạng Trình. Thi liệu này, tác giả cũng đã thể hiện ở một số bài thơ khác. Cho nên, “ngọc hồ” chỉ là một sự thơ hóa hình ảnh quê hương vùng sông nước ven biển, nơi đã sinh ra thi nhân mà thôi.
Hai câu 3&4, tả sức mạnh như thần thánh của con rùa lớn ngoài biển Đông:
Đội đầu lên, đá có sức vá trời,
Đặt chân xuống, sóng không có sức cuốn đất.
Đấy! Thật là một sức mạnh kỳ vĩ. “Thạch hữu bổ thiên lực”! Đá có sức để vá trời. Sách Tam Hoảng Bản Kỷ trong SỬ KÝ của Tư Mã Thiên đời nhà Hán bên Tàu, thì ở thời thượng cổ xa lắc xa lơ, có hai vị thần Nước và thần Lửa đánh nhau. Thần Nước không sao thắng được thần Lửa, liền nổi giận lấy đầu húc núi Bất Chu, làm đổ núi, khiến cột chống trời bị gãy. Thần Nữ Oa phải chặt bốn chân con ngao thần, làm bốn cái cột chống trời cho khỏi sụp xuống. Rồi Nữ Oa luyện đá ngũ sắc để vá lại trời. Quả là sức mạnh thánh thần, kỳ vĩ vũ trụ. Thế nên:
Vạn lý Đông minh quy bả ác,
Ức niên Nam cực điện long bình.
Muôn dặm biển Đông (vạn lý Đông minh) nắm trong lòng bàn tay (quy bả ác). Thế là con người mang tầm vóc kỳ vĩ của vũ trụ, có thể làm được công việc kỳ vĩ mang tầm vũ trụ. Cao Bá Quát sau đó khoảng ba trăm năm, cũng đã viết một câu rất hay trong bài thơ DỤC BÀN THẠCH KÍNH, rằng “Nhặt vài viên đá lên trông / Cả non sông chẳng đầy trong tay này” (Huề thủ lưỡng phiến thạch / Giang sơn bất doanh cúc)…Với Trạng Trình, “Muôn dặm biển Đông nắm trong lòng bàn tay”, là để cho “Ức niên Nam cực điện long bình”. Cũng nên biết rằng chữ Nam cực ở đây là danh từ để chỉ vùng đất phương Nam của Trung Quốc, tức ở khoảng nước ta vậy. Ngày xưa, chưa có sự định danh Nam cực hay Bắc cực như ngày nay đang dùng. Cực Nam của Trung Quốc chỉ xác định đến giáp nước ta, bao gồm toàn bộ phần đất liền và biển đảo liền kề, sau khi người Hán đã thôn tính được đất đai nước Nam Việt thời Triệu Vũ Đế, bao gồm toàn bộ dân Bách Việt ở phía Nam dãy núi Ngũ Lĩnh. Nước Đại Việt ta sau này chỉ là một phần nhỏ của nước Nam Việt thời Triệu Vũ Đế mà thôi. Tác giả dùng chữ “Nam cực” ở đây, là để chỉ nước Nam ta như vậy đó. Nước ta chính là Cực Nam (Nam Cực) của nước Tàu. Nắm chắc biển Đông trong tay, tất sẽ giữ vững được thế chiến lược cực kỳ quan trọng. Nước ta có núi sông, có đồng bằng phì nhiêu màu mỡ, lại có cả biển Đông vạn dặm. Giữ vững biển Đông, nắm chắc biển Đông trong tay, tất sẽ tạo nên sự bền vững muôn đời trị bình. Đó chính là cái thế tất yếu của sinh tồn và ổn định phát triển. Trạng Trình bày tỏ ý chí:
Ngã kim dục triển phù nguy lực,
Vãn khước sơn hà cựu đế thành.
Nay ta muốn thi thố sức phò nguy, Để cứu vãn lại sơn hà, thành cũ của nhà vua.
“Thi dĩ ngôn chí”. Thơ thể hiện cái chí của nhà thơ. Với Nguyễn Bỉnh Bỉnh Khiêm, thơ thể hiện cái chí lớn “Kinh bang tế thế” của người quân tử chính danh, tự biết mình có tài. Cái tài lớn để phụng sự đất nước, hy vọng phò nguy, cứu vãn, khôi phục non sông. Không chỉ là phò nguy cứu vãn nhà Mạc đương tời, mà hơn thế, còn là cả đất nước Đại Việt của chúng ta. Tâm sự của nhà thơ thật chân thành, trí huệ lớn lao. Khí thơ hào sảng, thể hiện khát vọng đội đá vá trời, làm cái trụ chống trời, nắm chặt cả biển Đông vạn dặm trong lòng bàn tay. Hình ảnh con người (tiểu vũ trụ) được khoa trương kỳ vĩ, thể hiện khát vọng làm chủ non sông đất nước.
Tiếc thay, anh hùng chí cả bất phùng thời. Nhưng bài thơ gửi gắm cái tâm trong sáng của tiền nhân với thế hệ cháu con người Việt, sáng rõ cái tầm nhìn chiến lược xuyên suốt lịch sử của một nhà yêu nước thiên tài…
VBL

Nguồn tin: HNV

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây