Hội nhà văn Hà Nội

https://nhavanhanoi.vn


TÂM SỰ 20 -10 - 2022

Chu Long, Lê Thị Mây, Phạm Thị Phương Thảo ...
Tranh của Họa sĩ Đinh Cường
Chu Long
 
NỤ HÔN THÁNG MƯỜI
 
Mùa xuân là của muôn người
Riêng em xuân của tháng mười mùa thu
Thắm mùi hoa vị hương nhu
Đậm màu vàng nắng cuối thu êm đềm.
 
Tôi xin gửi tặng tới em
Người phụ nữ Việt dịu hiền tôi thương
Một đóa hồng đỏ nguyên hương
Dịu dàng sắc thắm còn vương nắng hồng.
 
Màu vàng cánh cúc thơm nồng
Nguyên mùi vị cỏ nội đồng xanh non
Mặt trời son ánh trăng tròn
Tặng luôn em cả nụ hôn tháng mười.
 

Trang Tron
Ảnh: ST
 
TẶNG EM THÁNG MƯỜI
 
 
Nhẹ nhàng cánh nắng thu vàng
Dịu dàng hương cúc thu sang cuối mùa
Ngọn gió mềm mại thu đưa
Trái vườn thơm của thu vừa chín cây.
 
Còn nguyên mảnh ánh trăng đầy
Bóng mây ngũ sắc và đây mặt trời
Triệu bông hồng đỏ thắm tươi
Mùi hương vị của tháng mười mùa thu.
 
Tặng em cả những lời ru
Của làng quê Việt có từ ngàn xưa.
CL.

   
   

    TỪ BẢN NHÁP ĐẦU TIÊN 

      mc
 Nhà văn Lê Thị Mây 
    

    đời làm việc gì cũng phải dự tính trước. Quá trình làm có kiểm tra, tổng kết. Nghĩ vậy, học theo các cụ xưa cho ra nhẽ, việc cần làm. Việc làm tuyển tập tác phẩm, trải chặng đường nghiệp văn, rất nhiều đồng nghiệp đã làm. Tiếc, trong tủ sách tôi không có được bộ tuyển nào của các bạn văn chương cùng trang lứa. bổ sách, có nghĩa phải từ hai ba tuyển tập. Qua các kênh thông tin chùng năm bảy tác giả trẻ đã có bộ tuyển tập đáng kính nể sức lao động của đồng nghiệp.

Con đư­ờng viết lách bắt đầu từ các bản nháp để đến đư­ợc việc xuất bản đầu sách, các tập thơ. Nghĩa là từ cảm xúc đầu tiên, dòng nháp đầu tiên. Các tờ nháp nằm rọt rác, bất thần bay tung trong k‎ý ức như những bông hoa tuyết. Bấm đốt tay, năm tháng chậm rải trôi cũng hơn năm mư­ơi năm. Năm m­ươi năm cũng xem một mùa thơ, một mùa trăng mong chờ…

Nay, giữa trời thu Nhâm Tý, 2020 với bấy nhiêu tác phẩm đã xuất bản, sau nhiều trăn trở, tôi mạnh dạn, chọn bộ tuyển gồm nhiều tuyển tập, tạm gọi: Lê Thị Mây tổng tuyển tập tác phẩm (Lê Thị Mây TT tác phẩm), từ hơn 36 đầu sách đã xuất bản. Bố cục bộ tuyển tập theo mảng đề tài, hoặc theo năm xuất bản, hoặc theo một bố cục ngẩu hứng nào đó.

 

Không rõ con đường thơ còn nối thêm ngày tháng nữa không, nay, dựa theo tác phẩm đã xuất bản, lẫy ra đư­ợc ba dấu mốc để làm bố cục Lê Thị Mây TT tác phẩm. Dự kiến khi hoản thành, có đủ nguồn kinh phí sẽ tìm ‘‘liên kết’’ xuất bản. đây là một hành trình cuối mùa quá khó khăn, tỉ mẩn, tránh sai lỗi chính tả. Bài thơ sơ sót sai một lỗi, dù nhỏ là vấn ‘‘vấn nạn lớn’’, nếu có nhiều lỗi nhỏ như vậy; sẽ gom thành ‘‘chuyện lớn’’. Vấn đề thứ hai là khả năng tài chính và tổ chức in ấn. Việc in ấn sẽ nhờ em Thắm, em đã giúp in hàng chục đầu sách đẹp lâu nay…

Tính từ 1980 đến 2006 là chặng đường thứ nhất, đã xuất bản bấy nhiêu đầu sách ở các Nhà xuất bản: Thuận Hóa, NXB Hội Nhà văn, NXB Quân Đội, NXB Công An, NXB Thanh Niên. Trong đó có 5 tuyển thơ, và các tuyển truyện chọn lọc.

Chặng đường thứ hai, gần 15 tuyển tập thơ, trường ca và văn xuôi, giấy phép xuất bản liên kết của Nhà xuất bản Văn học và Nhà xuất bản Hội nhà văn, và Đề án bảo tồn giá trị văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Từ 2021 đến những năm tháng về sau là chặng đường đang đi, với các bản thảo, đầu sách ch­ưa xuất bản. Điểm sơ qua các bản thảo, thấy ngợp: Quyền sinh nở mùa xuân, Bài ca bạch dương,. Gửi Maikopski, Nguyệt thi, Nhật thi, Thơ năm chữ, Khách lữ hành, Gió làm cho hoa nở, Dưới những vì sao ngôn ngữ, Mẹ và cây đầu ngõ…Cùng với các tập thơ khác đang bề bộn với các trường ca cũng đang và đã hoàn chỉnh bản thảo, nhưng vẫn còn thiếu giọt cuối cùng, nâng chất lượng tác phẩm …

Tuy nhiên, sẽ có nhiều thay đổi, có thể cả sự bất cập trong quá trình làm bộ tuyển tập, do sức khỏe, không đon lường được. Chỉ tâm nguyện trong đầu, gắng lên một chút, từng chút một; lấy việc làm khó khăn này, để hiểu thêm, mùa thu tóc trắng mà có việc yêu thích bày ra; tức may mắn được vui sống cùng nhịp đập nhân gian, thế cuộc đang đứng chân; xứng một đời tu niệm rèn chí, vun đắp bổn phận công dân, tránh được trầm cảm, buông xuôi con đường lao động chữ nghĩa đã lựa chọn. Một sự lựa chọn, tận hiến vì hòa bình, lo âu và sợ hãi chiến tranh, máu chảy. Trẻ côi và góa bụa,…

Dẫu vậy, đành cúi mặt nhìn xuống hai bàn chân, khó cất bước tiếp đường dài, thở dài, buông bỏ hai bản thảo dang dở: Biệt thự hoa hồng, kịch bản và Một ngày cho hoa hồng, tiểu thuyết.

*

Không có chiến tranh là giấc mơ của nhân loại. Đất nước ta sau nghìn năm đánh xâm lược, tiếp đến cuộc chiến tranh vệ quốc đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giành độc lập thống nhất non sông, bao thế hệ chiến sĩ, thề hy sinh quyết tử cho Tố Quốc quyết sinh đã ghi công lẽ sống yêu nước thương nòi, lập công lớn, hiển hách, thắng trận lẫy lừng, chấn động địa cầu.

Bốn mùa trong năm, chẳng hiểu sao, vào mùa thu trời đất xanh thắm, sự mê đắm yêu thơ thương xuất hiện những giấc mơ, ước mơ, những y thơ tưởng rất lạ. Con đường thơ là con đường số phận, tận hiến, nói riêng và văn học nghệ thuật nói chung, khi đất nước lâm nguy là tiếng nói phản kháng chiến tranh xâm lược. Ngôn ngữ thơ được tuôn chảy từ dòng sữa Mẹ -Tổ quốc.

Tôi đến với thơ và yêu thơ không ngoài lẽ tâm huyết thiêng liêng đó; cùng với lớp lớp người ra trận đã gánh vác làm tròn bổn phận, luôn ở tinh thần: Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong.

Con đường thơ, đời thơ, dựa theo tác phẩm đã xuất bản, các tập sách đã đến với bạn đọc, câu chữ còn động cựa cộm lưng, nghĩa là lòng còn nhiều trăn trở. Tuy nhiên, mỗi đầu sách mong được bạn đọc ghi nhận, sự nhập thân, nhập vía sáng tạo chữ nghĩa thi ca…

Với hơn năm mươi năm lao động miệt mài, nay có thể lẫy ra bấy nhiêu dấu mốc, trong âm vang tiếng vọng của thơ, qua các tập thơ… giúp tôi tự tin đi tiếp con đường đã chọn. Thực ra, đi tiếp này chỉ ở việc, làm được cái việc cuối mùa, ở bộ Lê Thi Mây TT Tác phẩm, là may mắn lắm rồi, xem như một sự trọn vẹn, từ giấc mơ đầu đời…

 

*

Dù ở thơ hay truyện, hay bút ký… chủ đề cốt lõi trong mỗi tác phẩm, gương mặt nhân vật chính mà tôi ‘‘ghé vai’’ phân thân vào từng chi tiết, trang tác phẩm luôn là gương mặt của bà, của mẹ, của các chị, của em gái… Đấy là những gương mặt căn cước góp phần quan trọng làm nên lịch sử về niềm hy vọng, khát vọng sống, hướng tới mưu cầu hạnh phúc gia đình, bình yên đất nước.

“Nếu không có chiến tranh, có lẽ tôi bây giờ là một bà già bán cá ở chợ Đồng Hới, hoặc chợ Thành Cổ Quảng Trị, tóc bạc phơ, được lũ cháu nội, ngoại xúm tới vừa nhổ tóc sâu vừa nghe kể chuyện cổ tích về đảo Hoàng tử Mai An Tiêm trồng dưa hấu đỏ. Hay chuyện cổ tích về các loài cá thu, cá hồng nhảy sóng biến thành các nàng tiên cá làm cư dân trên huyện đảo Hoàng Sa, huyện đảo Trường Sa… lồng lộng buồm khơi tung tăng sóng biếc…”

Tôi mong ước những trang sách tâm huyết, lặng suy tư này như một món quà nặng lòng chữ nghĩa, trước cho chính tôi, sau hướng tới gặt hái được sự bền lòng thanh thản, góp được hữu ích cho đời.

*

Với tâm nguyện trên, quả thật nay tôi đang làm một việc rất khó, trên con đường thi ca văn chương của riêng mình. Trước là cốt lưu giữ bản thảo, sau nếu in ấn được, dành tặng bạn yêu thơ, bạn đồng nghiệp. Các anh chị, các bậc đàn anh thế hệ trước, sinh thời chưa ai làm, nay tôi bạo dạn làm việc này càng khó hơn. Với 11 tập sách đã XB, từ 2016 đến 2020, cùng các bản thảo chưa xuất bản ở hộp cất ở D/4/1/2021, đã in trên giấy A4, đóng tập, áng chừng hơn 20 tập, tức cũng áng chừng còn bấy đầu sách, ở dạng bản thảo.

Ở mỗi tuyển thơ đã xuất bản, (và các tuyển thơ chưa xuất bản) thường có nhiều tập thơ, tôi chủ ý giữ nguyên vậy. Đấy là những cột mốc, những cột cây số trên con đường thơ kể từ 1967 cho đến nay, thể như vắt qua từ bấy đến giờ (2020), hơn nửa thế kỷ. Nhân đây, xin được tự bạch… về sự nổ lực phấn đấu của bản thân qua mỗi đầu sách. Thời Rừng Lim tôi đã các bác đảng viên bồi dưỡng, viên động viên. Là một thanh niên sôi nổi đang tuổi bảy, mười tám, thuộc lớp đối tượng Đảng… Nay, thời gian mới dài dặc làm sao. Bao nhiêu mùa thu rồi nhỉ? Gần năm mươi mùa thu trôi qua, trùng khích với tuổi đời nghiệp văn thi ca. Mỗi trang viết, trang viết văn xuôi, với bút k‎ý đầu đời, Lên rừng nhớ biển, gần 150 trang, được đưa vào đầu sách, Rừng xanh tuổi trẻ, được Nhà xuất bản Quân Đội Nhân dân in ấn phát hành, 2019, 226 trang, khổ sách 13x19 cm, 790 cuốn.

Đồng thời, bút ký Lên rừng nhớ biển cũng được Đề án ‘ ‘Bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam’’ đưa vào đầu sách Rừng xanh tuổi trẻ, in ấn 2020, 311 trang, khổ sách 14,5x20,5, số lượng 2.450 cuốn.

 

***

Xin bọc bạch thêm về các tập thơ xuất bản từ 2016- 2020. Ví như, ở Khúc ca trầm tích lửa, có bố cục theo hai mảng chủ đề về nông thôn nông nghiệp từ hai tuyển tập thơ: Cánh đồng thức và tập thơ Bài ca cố hư­ơng, NXB Văn học, 2016.

Gồm các tập:

Giấc mơ bay của cá, Giọt nước đi từ rừng, Bài ca cố hương, Gương than đời thợ, Bông hoa cúi đầu, Khúc ca trầm tích lửa (từ tuyển thơ Bài ca cố hương). Ở tuyển thơ Cánh Đồng thức, có các tập: Hy vọng của mẹ, Trên gương mặt mùa xuân, Con đường đi qua cánh đồng, Ba zan gương mặt đẹp Tây Nguyên.

Riêng phần trường ca Đê là chữ dưới trời xanh, đưa vào tuyển trường ca. Cốm mùa lục bát đưa vào tuyển thơ lục bát. Để tiện quán xuyến, làm chủ các mạch bản thảo, các tập thơ đã xuất bản là một việc làm tẩn mẩn, cẩn trọng, tuy nhiên, vẫn còn sơ sót, trùng lặp nào đó, mong đồng nghiệp, bạn yêu thơ bỏ qua, khi lật đọc từng trang tác phẩm của bộ Lê Thị Mây tuyển tổng tập tác phẩm.

Các hoạt kê trên đã hiện con đường riêng của đời thơ qua từng đầu sách, đã xuất bản và chưa xuất bản, không làm bây giờ thì bao giờ làm hay để trôi tuột, mất trắng. Hôm nay viết đôi dòng này, xin dừng ở đây và đưa vào cuối bài chùm thơ lục bát chủ đề Ngày 20 tháng 10, tặng em Phạm Thị Hẹn, lính công binh, binh đoàn 559, cùng học lớp viết văn trẻ Quảng Bá, khoá 2, năm 1973-1974 và chùm thơ về Bà Ngoại, về mẹ, về em gái, bạn gái...

Lớp học của chúng tôi thời tuổi đôi mươi ấy, có bốn học viên nữ. Lê Minh Khuê. Pham Thị Hẹn, Cẩm Anh và Lê Thị Mây. Bà ngoại, mẹ, các em gái, bạn gái là một nửa trong một nửa thế giới của nhân loại.

 

 
thu
Ảnh: ST
 
EM HẸN
 
Em Hẹn quê ở xứ Thanh
Thăm em dạo ấy, vui thành nhớ thương
Thương em từ thuở chiến trường
Ra Hà Nội học mà thương đến giờ.
 
Một lần thăm một giấc mơ
Trở đi trở lại bất ngờ là em
Nhớ nhung một lối thềm hiên
Mưa đêm nhỏ giọt tư riêng tâm tình
 
Mới nào vừa trẻ vừa xinh
Ngôi sao binh chủng lung linh sao trời
Thềm hiên từng giọt nói cười
Chuyện xưa em kể bồi hồi tưởng quên
 
Chiến tranh bom đạn rỉ rền
Đã qua thế kỷ còn rên đất bằng
Thương em em gái xứ Thanh
Áo xanh sắc lính vời xanh chân trời
 
Con em vừa tuổi đôi mươi
Tròn đầy hai nửa chân trời tháng năm…
 
 
BÀ CƯỜI NGẬM NỤ
 
Nụ ngâu là nụ làm thinh
Đã mưa ngâu ướt vô tình để thương
 
Đường xa xa ngái bao đường
Ngoái về chăm chút giọt sương cuối chiều
 
Nụ ngâu là mụ tình yêu
Của nàng thiếu nữ yêu kiều thôn hoa
 
Nàng xưa nay đã bà già
Còn cười ngậm nụ thiết tha yêu đời.
 
 
BÀ CÂY HOA GẠO
 
Gió chân chữ bát quơ rơm
Mẹ gà tục tác chút hờn gần xa
Một đi vừa đã mười xa
Bà còn ngoái lại trông ba cánh đồng.
 
Bà đi qua nửa vời sông
Hội làng chợ búa đứng trông người về
Gió chân chữ bát thương quê
Gót bùn còn nẻ lời quê đổi lời.
 
*
Gió xưa xót ruột, nay cười
Em nay váy áo chân trời nắng hoa
Cánh đồng hoa đỏ tháng ba
Là cây hoa gạo thương bà ngắm yêu
 
Bao nhiêu là được bấy nhiêu
Máy cày chân ruộng cánh diều thảnh thơi
Bay không người lái tức cười
Sà bay rất thấp muôn người cùng bay
 
*
Thương bà thương quá ngày nay
Bao nhiêu kỳ diệu đó đây nhớ bà
Chân thon áo váy nuột nà
Bà - cây hoa gạo tháng ba môi trầu!
 
 
MẸ RU BÂU BÍ
 
Mẹ ru bầu bí chung giàn
Ba chị em gái riêng nàng khó khăn
Ông trời già đã chơi khăm
Duyên tơ xe sợi lời chăng lệ nhòa
 
Tím sang hoa cải hoa cà
Duyên cơ tím giọt mưa hoa mịt mùng
Mẹ ru chạm tới chủy chung
Nồm bông kén cá... mung lung, xót lòng
 
Người ta con bế con bồng
Riêng con ướt áo mà không trẻ cười
Dây bìm dây bí à ơi
Dây bầu thương cả trầu tươi trăng tròn
 
Mẹ ru bầu bí nước non
Con xin thưa mẹ riêng con chồng chềnh.
 
 
MẸ RU BÓNG CHỮ
 
Mẹ ru cái bóng dưới chân
Bâng quơ hạt cát bấy lần ru theo
Là con thưa mẹ đói nghèo
Mẹ ru thương cả cánh bèo xa xưa
 
Mẹ ru thương những cơn mưa
Cho con ướt áo tuổi mười lăm
Thế rồi bon đạn chiến tranh
Con đi bấy núi bấy sông mới về
 
Con ru bóng chữ nhiêu khê
Mẹ cười mẹ bảo lời quê vốn buồn
Bấy ru khôn dại mẹ thương
Mẹ là bóng chữ con đường thơ con
 
Ru trăng đầy đỗi trăng tròn
Chạm reo bóng chữ nước non muôn trùng.
 
Thu Hà Nội, 9/10//2021-2022
LTM


IMG 1279 Sơn nữ - Tranh Phạm Phương Thảo

 

    Phạm thị Phương Thảo

    PHỤ NỮ VÀ HOA HỒNG TRONG THƠ NGUYỄN VIỆT CHIẾN                                                                                        
    Thượng đế sinh ra đàn bà để cho thế gian này luôn được sinh sôi nảy nở và cuộc sống gian truân mỗi ngày thêm vẻ đẹp đẽ ! Hoa Hồng với hương sắc nồng nàn từ bao đời bay luôn tượng trưng cho vẻ quyến rũ đắm say của đàn bà. Phải thế chăng mà hình ảnh những người phụ nữ vẫn luôn được ví von với vẻ đẹp từ muôn đời nay của loài hoa hồng?

Bởi hoa hồng vẫn luôn đi liền với tình yêu và sự quyến rũ trên thế gian này! Tình yêu từ muôn đời nay vẫn cứ nồng nàn và tình yêu đẹp tựa như hoa hồng kia luôn thao thức trong mỗi trái tim của những người đang yêu. Những người phụ nữ, người mẹ, người vợ, người đàn bà của chúng ta cũng từng yêu hết mình, từng cháy hết mình! Mỗi người đàn bà sẽ mang theo những câu chuyện tình yêu của riêng họ tới những bến bờ truân chuyên khác nhau.

Nhiều nhà thơ từng viết về hoa hồng và phụ nữ rất hay. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến như tôi biết, anh đã từng viết cả một tập thơ tình về hoa hồng và phụ nữ. Những người phụ nữ đẹp cứ như những bông hoa hồng thơm tho, lan tỏa và rạng ngời. Những bông Hồng luôn thao thức trong tình yêu và cả những nỗi đau. Muôn sắc thái của tình yêu đã trổ những đóa lung linh trong tập thơ HOA HỒNG KHÔNG VỠ của anh.

Bài thơ " Hoa hồng không vỡ" của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến là một trong 9 bài thơ anh từng viết về hoa hồng ! Phụ nữ cứ khác lạ, cứ thân quen như muôn sắc thái của hoa hồng. Họ vừa đẹp, lại thơm, vừa mong manh, lại gai góc, vừa khó hiểu, lại vừa bí ẩn. Bởi thế nên cánh đàn ông sẽ còn phải luôn mê mải tìm kiếm, luôn khám phá mà không bao giờ họ có thể hiểu hết ! Mà cũng chẳng cần họ phải hiểu hết làm gì, bởi chính những người phụ nữ kia đôi khi họ còn không hiểu nổi chính mình.

Đàn bà có 9 vía ! Nhà thơ luôn yêu phụ nữ cũng viết liền 9 bài về hoa hồng rất hay. Những bài thơ tình khá xinh xắn, anh đã viết với nhiều tứ thơ khác nhau về vẻ đẹp muôn đời của người phụ nữ. Họ cứ như loài hoa hồng thơm kia, cứ đẹp, cứ buồn, cô đơn, khắc khoải, mong manh, dễ vỡ, lại còn có khi rất yếu đuối nhưng cũng có khi bỗng trở nên liều lĩnh, khi chẳng biết sợ là gì.

Thì đó, bạn chỉ cần đọc những cái tít của mỗi bài thơ trong tập thơ ấy. Nào là : Hoa hồng không vỡ, Hoa hồng không ngủ, Hoa hồng không tắt, Hoa hồng không nghe, Đánh thức hoa hồng, Hoa hồng không nói, Hoa hồng không tin, Hoa hồng không sợ, Hoa hồng không khóc. Chắc nhà thơ của chúng ta phải yêu và được yêu nhiều lắm ! Tôi đã có lần vì xúc động mà bình bài thơ “Hoa hồng không nói “ của anh trên Báo Phụ nữ Thủ đô vào năm trước.

Tôi đã đọc tập thơ này vài năm trước đây khi anh ra sách, tôi thấy yêu và thương hoa hồng nhiều hơn. Không biết có phải mỗi nàng thơ ở trong đó là một bài thơ hoặc giả dụ anh viết nhiều bài thơ hoa hồng cũng chỉ dành cho một nàng ? Dẫu thế nào thì phụ nữ vẫn cứ gắn chặt với hoa hồng! Bởi phụ nữ sẽ cảm thấy thích thú khi đọc chúng, ai cũng thấy có chút mình ở trong đó.

Những vẻ đẹp khác nhau, những câu chuyện khác nhau, nhưng tựu trung thì vẫn là những vẻ đẹp của đàn bà và hoa hồng! Tình yêu và cái đẹp vẫn luôn song hành. Nó là một thứ bùa ngải đầy mê dụ. Không cần phải giải thích và cũng không ai có thể giải thích cặn kẽ được tiếng nói riêng của trái tim. Tình yêu vẫn luôn nằm trong ánh mắt của những kẻ si tình. Tình yêu sẽ làm cho những vẻ đẹp cất cánh trong thi ca.

Đó là thứ men cho say mê và sáng tạo của các thi sĩ được dịp thăng hoa. Họ sẽ còn dâng cho đời nhiều bài thơ tình ám ảnh, ngọt ngào và say đắm. Thử hỏi thế gian này sẽ buồn thảm đến thế nào nếu chỉ có tham lam, hận thù, chiến tranh, chết chóc, khủng bố và tội ác ? Thử hỏi thế gian này ra sao nếu chúng ta sống mà không có tình yêu ? Cứ yêu đi khi ta còn có thể, câu nói của ai đó từ bao giờ vẫn còn nguyên giá trị.

Hôm nay, kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, tháng của những người phụ nữ, xin mời các bạn trở lại với bài thơ này nhé :


HOA HỒNG KHÔNG VỠ !
                       Nguyễn Việt Chiến 
              
Em thật đẹp! ngôn từ đành bất lực
Một dáng buồn siêu thoát tự thân bay
Em có phải cội nguồn xưa nước mắt
Những vệt sao cháy rụng suốt đêm gầy.

Em là nắng cuối thu, chiều tóc hát
Giọt thu nào vàng ấm những môi say
Có thành phố lung linh trong giọt cát
Màu nắng em chập choạng xé mưa ngày.

Em mọc dậy - vầng trăng đêm ngực thở
Gió phập phồng, mây áo xõa tung ra
Biển trắng đập gối trăng lên cát vỡ
Sóng chập chờn môi ấm những bờ xa.

Em hóa rượu, giọt mưa trong rượu chát
Rượu cất bằng men đắng những mùa yêu
Khi chợt tỉnh, một khoảng đời trống vắng
Dấu chân em gửi lại dưới cát chiều.

Đêm trong vắt, anh thắp đêm để nhớ
Em quay lưng - kỷ niệm hoá sương mù
Tình yêu tắt như một chùm hoa vỡ
Cháy từ cành rơi xuống cõi âm u.

Bài hát cũ còn lời gì để hát
Những câu thơ ngày ấy bỏ đi rồi
Giao hưởng xé điệu kèn trên giấy nát
Ngoảnh lại nhìn dĩ vãng sóng đêm tôi.

Anh hóa đá, anh còn gì để tiếc
Em vứt rồi tất cả một trời xanh
Tất cả nước của một nguồn suối biếc
Chảy trong veo trên đá giấc mơ lành.

Nhưng anh biết hoa hồng không thể vỡ
Trong tim anh, hoa không thể héo tàn
Dẫu tình yêu giống một chùm hoa vỡ
Em gửi về những mảnh vỡ chói chang!

   
 Mong sao những người phụ nữ của chúng ta sẽ luôn được hạnh phúc. Họ đã và sẽ luôn là những bến đỗ bình yên cho những người đàn ông mệt mỏi khi quay về. Những người đàn bà sẽ mong được là vầng trăng để dịu dàng tỏa sáng hàng đêm.  Thứ ánh sáng đẹp đẽ và ma mị ấy có thể cứu rỗi loài người. 


Hà Nội ngày 19/10/ 2022
PTPT
 


                                                                                          
 

 

Nguồn tin: HNV

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây