Hội nhà văn Hà Nội

https://nhavanhanoi.vn


Bát nước xuýt - truyện ngắn

Nguyễn Thị Thoa
Ảnh minh họa: ST

BÁT NƯỚC XUÝT
                                                              Truyện ngắn của Nguyễn Thị Thoa
 
       Bây giờ thì bà đã thành người thiên cổ, nhưng hình ảnh bà vẫn sống mãi trong tôi như bà tiên trong truyện cổ tích. Hình ảnh ấy luôn sống như lẽ sống bất diệt của tâm hồn.
Ngày ấy cách đây đã gần nửa thế kỷ. Tôi còn bé lắm - Bé như một cô búp bê mà người ta vẫn ấp ủ trong lòng. Chiều nào cũng vậy, khi mặt trời đã ngả xuống lũy tre, đàn chim thoi thóp tìm về tổ, thì tôi lại xà vào lòng bà nội, đầu ngả vào một cánh tay cho bà ấp ủ, còn cánh tay kia của bà luôn phe phẩy chiếc quạt mo, đẩy đi những con muỗi và kéo về những làn gió mát rượi. Thế rồi giọng bà cất lên trầm ấm. Bà lẩy Kiều, bà hát ru tôi bằng những câu ca dao ngọt lịm. Bà kể chuyện Thánh Gióng, sự tích Trăm trứng, chuyện Tống Trân Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa, Phạm Công Cúc Hoa, chuyện Trương Viên… Những người con gái thảo hiền, chung thủy, những câu ca dao ngọt lịm ngày ấy cứ thấm dần, thấm dần vào da, thịt, vào trong giấc ngủ của tôi… và sau này khi lớn lên đời tôi có bao nhiêu giấc mộng đẹp, lòng tôi có bao chút vị tha đều hiện ra từ những lời ru và câu chuyện của bà.
Tôi còn nhớ mãi. Chiều ấy, một buổi chiều cuối năm. Trời mưa gió rét căm căm, bà ủ tôi trong lòng, rồi bắt đầu với giọng hiền từ, trầm ấm, nhỏ nhẹ:
- Cháu có biết tết đang sắp đến rồi không?
- Tết là thế nào hả bà? Tôi đang lim dim trong vòng tay ấm của bà, chợt mở mắt.
- Là ngày hội, ngày lễ lớn, ngày tết Nguyên Đán của dân tộc Việt Nam. Ngày tiễn năm cũ đi, đón năm mới về, con ạ!
- A! Cháu biết rồi; Tết là ngày nhà nào cũng tấp nập chuẩn bị gói bánh chưng, làm bánh dầy và làm cỗ có giò, chả, thịt gà, thịt lợn, canh măng, món xào, món nộm… những món ăn ngon để cúng Tổ Tiên chứ gì? Chúng cháu còn được mua quần, áo mới và được mừng tuổi nữa phải không bà?
- Đúng rồi cháu ạ. Nhưng chẳng phải nhà nào cũng có bánh chưng, bánh dầy, có cỗ. Trẻ con cháu nào cũng có quần áo mới đâu!...
- Tại sao vậy bà? Tôi rất ngạc nhiên hỏi.
- Vì… Vì… À mà thôi, để bà kể cho con nghe câu chuyện này nhé!
- Bà kể đi! Bà kể đi! Tôi thấp thỏm giục.
Giọng rầu rầu, bà kể:
- Cách đây cũng khá lâu rồi cháu ạ. Ngày bà còn rất trẻ. Bấy giờ quê mình còn nghèo lắm. Ở trong làng ta, có một cụ bà thật cơ khổ. Ba mươi tết năm ấy, cũng mưa rét như hôm nay. Trời âm u, mây nặng chịch. Ngoài trời lạnh thấu xương. Những mái nhà tranh tuyềnh toàng run rẩy trong gió bấc. Bóng cụ bà lầm lũi nhặt từng chiếc mạng nhện, phủi từng hạt bụi trên chiếc ban thờ làm bằng tre nứa đã ọp ẹp. Bà cụ đặt lên đó ngọn đèn tù mù, một bát nước Trời cho, dăm nén hương đã mốc và mấy bông hoa cải ngắt ở trong vườn. Bà định khấn mời Tổ Tiên, ông bà cha mẹ… về ăn tết, nhưng dường như… Bà chợt nghĩ ra: Các cụ về chẳng có gì mà ăn, nên bà sững lại, rồi giàn dụa nước mắt. Nước mắt chảy cũng chẳng giúp được gì. Một lúc sau bà quyết đoán: Phải đi ra chợ mặc dù lúc này đã gần chiều. Tới hàng thịt lợn, bà rón rén đến gần nói với anh đồ tể:
- Bác ơi! Bác làm ơn, làm phúc bán chịu cho tôi vài lạng thịt có được không?
Anh hàng thịt nhìn bà cụ tưởng như nhìn người từ Sao Hỏa vừa rớt xuống mặt đất:
- Bà mua chịu thì bao giờ mới có trả?
- Bác làm ơn, giúp tôi vài ba ngày thôi.
Anh ta bĩu môi:
- Vài ba ngày! Có mà vài ba tháng, chắc đã “nậy” được chưa?
- Bác ơi! Tôi ngần này tuổi đầu rồi, chưa thất hứa với ai đâu.
Anh đồ tể mắt nhìn bàn thịt còn đầy, sợ không bán hết, lại thấy bà cụ nước mắt lưng tròng, mới chép miệng:
- Thôi thì… bà cầm lấy đi. Mau mau lo trả tiền cho tôi đấy.
Bà cụ cúi gằm mặt, run run cầm miếng thịt.
Về nhà, bà rửa đi rửa lại cho thật sạch miếng thịt, bắc bếp luộc chín, vớt bỏ vào chiếc đĩa với chút muối. Hai tay cung kính đặt lên ban thờ. Bà khấp khởi thắp thêm nén hương và chắp tay:
- Con bái lạy cha Trời, mẹ Đất, chư Phật mười phương, Tổ tiên; Kính cụ, ông bà…
- Bà trả tôi tiền thịt đây!
Giật mình bà cụ quay lại. Thì ra anh hàng thịt đã đứng ở cạnh bên từ lúc nào? Bộ mặt hằm hằm. Giọng bà run lên, nước mắt vòng quanh:
- Bác ơi! Lúc trước tôi đã cất lời xin bác cho nợ vài ba ngày kia mà. Nếu tôi có tiền ngay thì sao phải nói khó với bác!
Nhưng con vợ tôi nó bảo:
- Không cho chịu. Cho chịu là chỉ có mất thôi, đã nhiều lần nó gặp rồi. Mới lại năm mới cho chịu nó “rông” cả năm.
- Nhưng tôi đã luộc, sắp lễ rồi… biết làm sao!
- Luộc rồi cũng được, càng tiện, ông bạn của tôi đang rất cần món ăn. Bà không phải lăn tăn…Trời! Mệt quá!
Dứt lời, anh ta với tay lên ban thờ thản nhiên nhấc miếng thịt bỏ vào túi rồi lao ra sân như một cơn lốc.
Bà cụ đứng ngây, hết nhìn trời đất lại nhìn theo bóng anh hàng thịt, người như mê đi. Khi tỉnh ra, bà nhớ dưới bếp còn nồi nước xuýt (nước luộc thịt). Bà liền lật đật chạy xuống bếp múc bát nước xuýt, cung kính đặt lên ban thờ. Nhìn bát nước xuýt đang bốc hơi ngoằn ngoèo bên nén hương rưng rưng nhả khói.
Kể đến đây, giọng bà nghẹn lại, nước mắt giàn dụa bà run run. Nước mắt tôi cũng đẫm ướt áo bà lúc nào không biết. Áp đầu vào ngực bà, tôi giục:
- Bà ơi! Thế rồi bà cụ ấy sẽ ra sao? Bà kể tiếp cho con nghe đi.
- Bà kể đây… Bà kể đây!
Bà cụ nhìn bát nước xuýt, tủi cho cái kiếp nghèo quanh năm làm lụng vất vả “Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà không mua nổi miếng thịt cúng Tổ Tiên, ông bà… Hai hàng nước từ cặp mắt nhăn nheo cứ giàn dụa, tuôn rơi lã chã.
Bà cầu Trời, khấn Phật, cầu Tổ Tiên, ông bà… phù hộ độ trì cho mọi người trên thế gian này và cả bà luôn khỏe mạnh, may mắn, làm ăn phát tài để không còn cảnh nghèo túng nữa.

Ngày giáp tết 2015. NTT

 

Nguồn tin: HNV.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây