Biểu tượng thuyền thơ, trong MỘT NẺO ĐƯỜNG QUÊ Của Nhà thơ Nguyễn Đình Bắc

Thứ ba - 03/06/2025 08:21
 

      Nhà văn Nguyễn Thị Minh Bắc

 

     Nguyễn Đình Bắc là một Người thơ “đa năng” và nhiệt thành. Anh không chỉ khẳng định khả năng sáng tạo nghệ thuật với năm tập thơ, một tập văn xuôi, cùng không ít các bài phê bình văn học mà còn là một trong những trụ cột chính thức, góp phần xây nên mái ấm Văn chương Miền Cổ Tích.

     Untitled 1Đọc tác phẩm anh viết, tôi thấy, thơ văn của anh dung dị, chân thành, giàu hình ảnh, chứa chất nhiều sức gợi cảm. Bài thơ: “Một nẻo đường quê”, tác giả viết, nhân kỉ niệm ngày anh cùng các nhà thơ trong nhóm “Chúng tôi yêu Nghệ thuật” Hà Nội, về thăm Xóm Cổ Tích và “Thuyền Thơ” của Thi sĩ Phạm Thành Ý. Đó là một miền quê, một không gian cổ, ven sông, mang đậm sắc màu cổ tích với; “Ngôi nhà cổ rêu phong thâm mái ngói”; Với “Vòm lá cổ thụ xanh rì rầm lời năm tháng”; Với “bóng” người xưa hiện về như thực, như mơ; Với một con thuyền đặc biệt, được sơn màu xanh, lãng tử...không chở hàng, chở khách...mà bồng bềnh đón gió, trăng và bạn hiền văn chương, trên dòng Sông Sứ thuộc Xóm Đáy, xã Thượng Hiền, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, chỉ để chở... thơ! Dần dà nó trở thành địa điểm quy tụ nhiều bạn thơ đến giao lưu. Thế là ngôi nhà thuyền nhỏ xinh, độc đáo này được mệnh danh là “Thuyền Thơ”. Vì yêu thích “ngôi nhà thuyền” và chủ nhân của nó, nhóm “Thi sỹ Đồng quê” Kiến Xương Thái bình và nhóm “Chúng tôi yêu Nghệ thuật” ở Hà Nội, đã lập viên gạch đầu tiên, tạo nên một... Miền Cổ Tích!

Theo lời trần tình của Nhà thơ Nguyễn Đình Bắc, lúc trên xe, lần đầu anh về Miền Cổ Tích, anh được nghe chị Tâm Dung xúc động đọc tặng đoàn bài thơ mang tựa đề “Miền Cổ Tích”. Bài thơ giản dị đó, chị viết bằng lòng chân thành của một người con gái được sinh ra từ chính cái nôi Miền Cổ Tích.

Bài thơ được mở đầu: “Cầu tre gầy, cong như một nhánh chà rào/ Đưa anh và em trở về Miền Cổ Tích/ Dòng Sông Sứ nước xanh - con mắt biếc/ Khiến mây trời bịn rịn chẳng thể trôi...”

Và phần cuối bài, được kết bằng khổ: “Thiên hạ kháo nhau: nơi đây sông nước hữu tình/ Con gái bến sông duyên mặn mòi...đáo để/ Chắc cũng như người ta - anh nghĩ thế / Để suốt đời mê đắm một miền xưa”.

Có lẽ do có được “cái nền” cảm xúc từ trên xe, nên khi bước chân vào lối nhỏ ven sông “cỏ mọc bời bời”, ngắm ngôi nhà cổ, rặng si già, dòng sông biếc xanh, chòm lục bình trôi và nhất là khi bước trên chiếc “cầu tre gầy” xuống thuyền, Nhà thơ Nguyễn Đình Bắc đã thấy trong thẳm sâu, trào dâng một sự đồng cảm. Và dường như không cưỡng nổi cảm xúc, anh đã kí thác lòng mình vào thơ, bài thơ mang một cái tên thật gợi: ”Một nẻo đường quê” đó chăng!
 

MỘT NẺO ĐƯỜNG QUÊ

 

Theo chân người ấy tôi về.

Đường quê một nẻo, xóm quê… ngậm ngùi.

Quả sung chát, hạt lạc bùi.

Câu thơ vỡ! Ngấn lệ... vùi xót xa!

 

Xóm Cổ Tích gốc si già,

Dòng trong đổ bóng nếp nhà... ngày xưa.

Mái gầy, dầu dãi nắng mưa

Tuổi thơ ngày ấy như vừa đâu đây…

 

Cỏ non còn níu gót giày

Lối mòn còn đọng những ngày bên nhau.

Trách đời lẫn lộn vàng thau,

Cố nhân kẻ trước người sau đâu nào?

 

Trải lòng ngon gió hanh hao

Câu thơ như xát, như bào lòng son

Lặng thầm một chiếc thuyền con

Mà sao chở nặng nguồn cơn cõi Người.

 

Tôi đi quá nửa cuộc đời,

Để nay đứng lặng giữa... “Trời miền xưa”.

Bài thơ không chỉ chất chứa niềm rung động về cảnh quê thật đẹp, thật yên bình và cũng thật buồn - một nỗi buồn pha chút đồng cảm, đắng đót ngậm ngùi...mà nó còn ẩn chứa một nỗi “lặng thầm” sâu kín; Một sự đồng cảm rất riêng tư; Một góc nhìn nhân văn của người đàn ông từng trải...

“Nhân vật trữ tình” trong bài thơ ở đây là Thi sĩ độc đáo Phạm Thường Dân và con “Thuyền Thơ” độc nhất vô nhị của ông. Con người và thơ ông đều có nét đặc sắc rất riêng, lộ rõ một cái tôi cô đơn, vừa lãng mạn bay bổng, vừa giàu hàm ngôn, hàm ẩn, chất chứa triết lý nhân sinh sâu sắc.

Không phải ngẫu nhiên, nhà thơ Nguyễn Đình Bắc bộc bạch tâm sự của mình chân thật, ngậm ngùi, nhiều suy tư về Thuyền Thơ đến thế. Trong cuộc du ngoạn về đây, nhà thơ tỏ ra là người quan sát kĩ lưỡng, tinh tường, về cảnh quan, không gian, con người thơ... Phải là người có tâm hồn gần gũi với thiên nhiên, có mối lương duyên và tương giao với vạn vật, thì mới có sự quan sát tỉ mỉ, tinh tế, nâng niu như thế. Mới thẩm thấu cảm nhận được từng “Quả sung chát, hạt lạc bùi/ Câu thơ vỡ Ngấn lệ vùi ... xót xa/ Xóm Cổ tích gốc si già/ Dòng trong đổ bóng nếp nhà... ngày xưa/ Mái gầy, dầu dãi nắng mưa/ Tuổi thơ ngày ấy như vừa đâu đây”.

Vốn là nhà thơ giàu linh cảm, nhà thơ Nguyễn Đình Bắc không khỏi bùi ngùi, trăn trở trước những góc khuất, ngã rẽ của chủ nhân Thuyền Thơ. Điều đó đã lắng sâu vào tâm thức nhà thơ, bật thành những lời thơ ẩn chứa bao nỗi niềm u uẩn, đắng đót, ngưỡng mộ về cái ngông của Phạm Thường Dân.

Nguyễn Đình Bắc đã nhận thấy Thường Dân là con người rất đặc biệt, một nhà thơ cá tính. Về quê, ông sống nhàn theo phong thái ung dung tự tại của các bậc tao nhân mặc khách, đi tìm lại chính mình và những cái đẹp đã bị mai một. Ông sống thanh bạch trong ngôi nhà là một con thuyền trên dòng Sông Sứ, lấy thơ làm cứu cánh. Về nơi Thuyền Thơ này, Nguyễn Đình Bắc thực sự ấn tượng trước khung cảnh cổ kính và ngôi nhà Thuyền độc đáo.

Thuyền Thơ là một ý tưởng độc sáng của Thường Dân, trở thành một biểu tượng nghệ thuật, một hành vi văn hóa sang trọng, lãng mạn. Đó là những căn cốt, những bản sắc văn hóa cội nguồn của Dân tộc được nhà thơ Nguyễn Đình Bắc rất ngưỡng mộ và trân trọng.

Cảm hóa về Thuyền Thơ neo đậu bến quê trở thành điểm tựa tinh thần cho nhiều thi sỹ, nhà thơ Nguyễn Đình Bắc chia sẻ bằng những âm hưởng dặt dìu qua những vần điệu thơ lục bát, uyển chuyển, giàu sức gợi:

“Trải lòng ngọn gió hanh hao,

 Câu thơ như xát, như bào lòng son.
            Lặng thầm một chiếc thuyền con
            Mà sao chở nặng nguồn cơn... cõi Người”

Các biện pháp tu từ so sánh (như xát, như bào), ẩn dụ chuyển đổi cảm giác (Trải lòng ngọn gió hanh hao), làm câu thơ tăng nhiều sức gợi, sức liên tưởng mạnh mẽ. Nhất là hình ảnh con Thuyền. Từ lâu, hình ảnh con thuyền đã đi vào trong thơ ca, nhạc họa. Ta đã gặp hình ảnh “tuyết mãn thuyền – tuyết bay đầy thuyền” trong thơ Thiền Sư Không Lộ; Hình ảnh con thuyền lãng mạn trong thơ Hàn Mặc Tử: “Thuyền ai đậu bế sông trăng đó/ Có chở trăng về kịp tối nay”; Một con thuyền đạo lý trong trong thơ Đồ Chiểu: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm”; hình ảnh con thuyền lạc quan trong thơ Hồ Chí Minh: “Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”. v.v... Nhìn chung các hình ảnh con thuyền ta bắt gặp trong thơ ca thường mang tính tượng trưng ước lệ, giàu thẩm mỹ. Riêng hình ảnh Thuyền Thơ trong Miền Cổ Tích ngoài tính tượng trưng, thẩm mỹ, nó còn mang một ý nghĩa khác, nghiêng về tính biểu tượng. Một biểu tượng nghệ thuật, mang dấu ấn độc đáo của Thi nhân Miền Cổ Tích. Đó cũng là lời lý giải vì sao số khách thơ tìm về bến mộng nơi Thuyền Thơ Thường Dân neo đậu ngày một đông. Và Thuyền Thơ có ý nghĩa thật đặc biệt với Thi nhân Miền Cổ Tích.

Nói tới ... cõi Người, nhà thơ Nguyễn Đình Bắc thể hiện rõ sự ưu tư, trăn trở về lẽ sống ở đời, nhất là về phận Người. Mối bận tâm của nhà thơ không bó hẹp ở chất công dân, mà rộng hơn là gắn với “cõi Người”, Hình ảnh chiếc thuyền con chở nguồn cơn cõi Người được tác giả đưa vào thơ, khiến người đọc phải tự khám phá mới có thể cảm nhận được những chiều sâu triết lý ẩn chứa trong đó. Trong thơ Nguyễn Đình Bắc, chất Miền Cổ Tích được kết tụ vào nguyên khí đất trời, vào hồn thiêng Thuyền Thơ, rất gần gũi bên gốc sung, rặng si, bến sông của làng quê. Nỗi xúc động ấy bám chặt vào thời gian cuộc đời người chủ nhân Thuyền Thơ, với bao nỗi tái tê phận người. Nhà thơ đã dựa vào biểu tượng đó để suy nghiệm và khắc ghi chúng thành hình tượng đẹp, thành dấu ấn riêng của lòng mình:

“Tôi đi quá nửa cuộc đời,

Để nay đứng lặng giữa... “Trời miền xưa”.

Nỗi ám ảnh về cõi Người được Nguyễn Đình Bắc thể hiện trong thơ qua những buồn đau, chìm nổi và những dằn vặt, trăn trở với thật, giả kiếp người. Đó là những cái mà nhà thơ cần mẫn, gom nhặt trong cuộc đời mình, dệt nên thành hình tượng thơ đắt giá. Vốn là con người hiểu cuộc sống, giàu nhân bản, thơ anh luôn hướng tới lẽ sống đẹp, để trở về với cõi Người theo đúng nghĩa của nó. Một khi cuộc sống đủ đầy hạnh phúc, tình người trong veo, xã hội ổn định, thanh bình, thì điều đó đã đạt tới đỉnh giá trị nhân văn chân chính.

Bài thơ “Một nẻo đường quê” của nhà thơ Nguyễn Đình Bắc dạt dào xúc cảm, lai láng tình cố nhân, phảng phất sắc màu cổ tích, tạc vào biểu tượng Thuyền Thơ một vẻ đẹp riêng, đầy ấn tượng. Cảnh sắc thiên nhiên mĩ lệ, không gian đằm thắm chất thơ..., tất cả đều mang đến cho du khách một cảm giác bình yên, thư thái, ưu phiền cởi bỏ, như thăng thoát phiêu diêu cùng cõi mộng.

Và một ngày, hung tin lại đến.

Đó là thời khắc đầu Thu mưa buồn tuôn rả rích trên “đất trời Làng Rãng” - ngày 26-7-2024 các anh chị em đại diện Thi nhân Miền Cổ Tích từ Hà Nội về để tiễn biệt cố Thi nhân Phạm Thường Dân.

Cách đó tầm gần một năm, Nguyễn Đình Bắc, Phạm Ngọc Tâm Dung và các Thi nhân Miền Cổ Tích, tích cực tập hợp và xuất bản cho Thường Dân một cuốn sách duy nhất, mang tên “Thuyền Thơ”. Thường Dân vui và xúc động đến... phát khóc. Rồi hình như có một niềm tin, một lương duyên kỳ lạ nào đó mà Thường Dân nói...như đinh đóng cột với Trần Thiệu Bá rằng: “Bao giờ tôi chết, ông Đình Bắc sẽ về làm ma và đọc điếu văn cho tôi”!

Quả thế!

Và hôm đó, trong giây phút tử biệt sinh ly cảm động ấy, Nhà thơ Nguyễn Đình Bắc đã lấy đi thật nhiều nước mắt của bà con trong đám hiếu, bằng giọng đọc truyền cảm, xót đau nghẹn ngào, thống thiết, trong sự kìm nén tột cùng:

“... Ôi Thường Dân! Hỡi Thường Dân!

Khóc ông không chỉ người thân

Đất trời Làng Rãng rần rần tuôn mưa”.

Và sau hết, bài thơ “Một nẻo đường quê”được Nhà thơ Nguyễn Đình Bắc đưa vào làm lời kết của bài điếu văn khóc bạn, gửi gắm lòng thành kính, xót xa vô bờ tiễn anh hồn người bạn văn tri âm, tri kỷ!

Giờ đây, tuy chủ nhân của “Thuyền Thơ” Thi nhân Miền Cổ Tích đã phiêu diêu trên đại ngàn mây trắng.

Song Thuyền Thơ trầm mặc dưới bóng si già, bên bờ Sông Sứ lung linh màu cổ tích, vẫn theo di nguyện của người luôn duy trì hoạt động. Được gia đình và bạn bè quan tâm tu sửa, Thuyền Thơ khang trang hơn, Khách thơ Thi nhân Miền Cổ Tích vẫn tề tựu về đây, ngân nga những bài thơ ấm áp nghĩa tình, ấp ủ nhiều kỉ niệm, thăng hoa, lán tỏa nét đẹp cuộc đời, như ông Phạm Thường Dân từng tâm niệm:

“Thuyền thơ neo bến sông đời.

Bốn bề sóng hát vỗ lời nhân gian

Thơ theo gió chở quá giang

Đem lòng mình bắc cầu sang... lòng Người”.
 

     Hà Nội, ngày 20-5-2025
      N.T.M.B

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây