CHỢ QUÊ
Thơ Lê Trí Viễn
Cần gì quán dọc lều ngang
Chợ quê họp ở vệ làng đó thôi
Cần gì đon đả chào mời
Hàng quê trả một nụ cười là xong.
Cần gì mà phải đếm đong
Lọt sàng xuống mẹt, xuống nong thôi mà
Quẩn quanh toàn những người nhà
Làng trên xóm dưới những là anh em.
Chợ quê mỗi sáng mỗi phiên
Người quê đi chợ không tiền cũng đi!
Lời bình của Nhà thơ TRẦN TRỌNG GIÁ
Nhà thơ Bùi Việt Phong lúc sinh thời đã từng đọc: Tôi là con của nhà nông/ Thấy ai vất vả thì lòng cũng thương. Hai câu này bộc trực và giản dị đến mức khó bộc trực và giản dị hơn. Thêm nữa nó rất gần với ca dao, rất gần với cách nói của người nông dân vùng đồng bằng Bắc Bộ, có gì nói đấy, có gì diễn tả vậy, không màu mè, khách sáo. Nói một cách khác: Nó thực tế và chân thực đến tận cùng.
Ý của hai câu này cũng rất rõ: Nhà nông là vậy, luôn sẵn lòng thương yêu, chia sẻ với những ai cùng chung cảnh ngộ với mình. Câu “Thấy ai vất vả thì lòng cũng thương” là minh chứng rất rõ cho ý này.
Trong phần ca từ của bài hát “Tuỳ hứng qua cầu” nhạc sĩ Trần Tiến có câu: “Người quê chỉ có tấm lòng”. Câu này nói về phẩm chất của người miệt vườn ở miền Tây Nam Bộ, nhằm nhấn mạnh cái ý: Với “người quê”, “tấm lòng” là điều tiên quyết nhất. Tất nhiên, phẩm chất này không chỉ có ở người Tây Nam Bộ, mà còn là phẩm chất của người nông dân ở nhiều vùng miền khác nhau trong phạm vi cả nước, từ trước tới nay.
Còn riêng với “Chợ Quê”, cái chất xuề xoà, đơn giản mà gần gũi, gắn bó của tình làng, nghĩa xóm được khai thác một cách triệt để, ngỡ như không còn một giới hạn nào nữa, không còn một rào cản nào nữa. Đây là nét riêng, thế mạnh của bài thơ và cũng là chất xúc tác làm nên bài thơ.
Cần gì quán dọc lều ngang
Chợ quê họp ở vệ làng đó thôi
Cần gì đon đả chào mời
Hàng quê trả một nụ cười là xong.
Chợ quê là vậy! Nó bất chấp hình thức. Nó có thể họp ở bất cứ chỗ nào. Nó rất gần gũi với mọi người. Nó không tạo khoảng cách giữa người bán và người mua. Nó không cần “quán dọc lều ngang”. Chỉ cần một “vệ làng” là đủ. Người bán hàng cũng không cần “đon đả mời chào” và “hàng quê” chỉ cần “trả một nụ cười là xong”.
Bài thơ được tiếp tục triển khai ở 4 câu tiếp theo:
Cần gì phải đếm phải đong
Lọt sàng xuống mẹt, xuống nong thôi mà
Quẩn quanh toàn những người nhà
Làng trên xóm dưới những là anh em.
Đọc 4 câu thơ này thì mới thấy cái tình quê nó lai láng, nó rộng khắp, nó trang trải đến mức nào. Ở đây rõ ràng người quê rất vô tư, không hề so đo, tính đếm. Bởi vì họ nghĩ: “Lọt sàng xuống mẹt, xuống nia thôi mà”. Câu này có xuất phát từ câu “lọt sàng xuống nia” trong kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam, có nghĩa: Người này thiệt thòi, người kia lại được lợi, nhưng giữa hai người có mối quan
hệ thân thích, thì cuối cùng cũng chẳng có ai thiệt thòi, mất mát gì. Tác giả chỉ thay đổi cách nói ở câu 8 cho hợp với vần cuối của câu 6. Âu cũng là một cách thích nghi, vận dụng linh hoạt theo văn cảnh và theo sự tiếp nối của câu thơ. Hai câu tiếp theo cũng nhằm diễn giải thêm, giải thích thêm cho cái ý đã xuất hiện từ hai câu đầu của khổ thơ thứ hai.
Quẩn quanh toàn những người nhà
Làng trên xóm dưới những là anh em.
“Chợ Quê” kết thúc ở hai câu:
Chợ quê mỗi sáng mỗi phiên
Người quê đi chợ không tiền cũng đi.
Hai câu này có tác dụng “gói” lại bài thơ. Câu cuối “Người quê đi chợ không tiền cũng đi” cho thấy chuyện lạ của người đi chợ, mà chỉ ở chợ quê mới có.Điều đó cho thấy: Tiền bạc đôi khi không quá quan trọng với người đi chợ ở quê. Có khi người đi chợ không hẳn để đi mua hàng, mà cốt để giao tiếp, giao lưu, cốt để vui với chợ, vui với cộng đồng của mình, của làng quê mình.
Tôi chưa từng được đọc một bài thơ nào viết về chợ quê khác lạ như bài:”Chợ Quê”này, của nhà thơ Lê Trí Viễn. Đó là trải nghiệm và đó cũng là phát hiện của người viết. Không có trải nghiệm không có thơ. Chính trải nghiệm mới tạo nên sự khác biệt. Rồi nhờ trải nghiệm mà sự phát hiện mới ló rạng.
Nên nhớ trong thơ, sự trải nghiệm, và sự khác biệt luôn được đánh giá cao, nếu không muốn nói là được đánh giá cao nhất, và giá trị của một tứ thơ thường nằm ở đây.
T.T.G
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn