Điểm xuyết thơ tình yêu nơi “Ban mai thơm mắt nắng” của Vũ Trần Anh Thư

Thứ năm - 20/03/2025 18:40
Điểm xuyết thơ tình yêu nơi “Ban mai thơm mắt nắng” của Vũ Trần Anh Thư


 Đỗ Nguyên Thương

Cận kề tết, cận kề xuân, tôi lại nhớ về một tập thơ dường như chỉ nói tới niềm vui và khát vọng, nói tới những cảm xúc tích cực. Vâng, và trên tay tôi là tập thơ “Ban mai thơm mắt nắng” của nhà thơ Vũ Trần Anh Thư, do NXB Hội Nhà văn ấn hành tháng 10 năm 2024. Tập thơ đẹp, bắt mắt độc giả ngay từ trang bìa, lại được in trên giấy đẹp, khổ 18x18 khiến người đọc thiện cảm từ cái nhìn đầu tiên. Với 123 bài thơ viết theo thể thơ 1-2-3; tác giả dành khá nhiều bài thơ trực tiếp hoặc gián tiếp viết về tình yêu. Tình yêu vốn là đề tài muôn thuở của thơ ca nhạc, họa; tuy nhiên thơ của Vũ Trần Anh Thư vẫn có nét rất đẹp rất riêng.

Phần lớn các bài thơ tình yêu gắn với một không gian cụ thể, thời gian cụ thể nhưng thường là gắn với hoa; hoa thật đẹp, rực rỡ sắc màu. Một phác thảo dịu êm có hoa đào rạng rỡ; cao nguyên Mộc Châu có đa sắc các loài hoa Nở tím hồng, Hà Nội có Từng chùm vô ưu thắp niềm vui lên mờ sương mái phố...

Vốn là người yêu hoa, tôi yêu thơ Vũ Trần Anh Thư trước hết bởi những sắc hoa như thế. Khắp không gian miền xuôi, miền ngược, từ thủ đô tới vùng núi sâu xa, từ đô thị tới nông thôn hẻo lánh… đâu đâu cũng có hoa. Đó trước hết là vẻ đẹp của thiên nhiên do tạo hoá ưu ái miền Đất Việt nhưng đó cũng phản ánh tình yêu trong lòng người còn trẻ. Chẳng phải thế sao? khi con người ta còn cảm thấy xốn xang, rạo rực trước vẻ đẹp cảnh quan mỗi độ xuân về, còn cảm thấy đắm đuối trước những ánh sắc hoa tím, hồng, xanh, đỏ tức là tâm hồn còn rất trẻ. Vũ Trần Anh Thư là một nhà thơ trẻ. “Ban mai thơm mắt nắng” là tập thơ thứ hai trong hành trình thơ và là tập thơ đầu tay về thể thơ 1-2-3 của em.

“Thơ 1-2-3 mỗi bài thơ là một chỉnh thể độc lập gồm 3 đoạn 6 câu.

Đoạn 1 chỉ có một câu, tối đa 11 chữ, đồng thời cũng là tên bài thơ, nhằm tránh trùng lắp tên những bài thơ đã xuất hiện.

Đoạn 2 có 2 câu, với mỗi câu tối đa 12 chữ.

Đoạn 3 có 3 câu, với mỗi câu tối đa 13 chữ.

Chữ càng tinh lọc, càng đa nghĩa càng có giá trị.

Đề tài thơ 1-2-3 hoàn toàn tự do, nội dung chủ yếu đi từ ngoại cảnh dần vào chiều sâu nội tâm tác giả muốn biểu hiện.

Đặc biệt khuyến khích tính độc lập từng câu thơ trong mối tương quan toàn bài, đồng thời giữa câu 1 và câu 6 có tính hô ứng để nội dung bài thơ chặt chẽ, thống nhất trong một không gian thẩm mỹ riêng biệt.

Không khuyến khích biến thể các loại thơ truyền thống: lục bát, song thất lục bát, tứ tuyệt, ngũ ngôn, lục ngôn, thất ngôn… thành thơ 1-2-3”.

          Thơ 1-2-3 vừa tự do, vừa khuôn khổ. Khuôn khổ bởi hạn định số câu, số chữ. Nhưng lại rất tự do bởi không hạn định đề tài, không quy định niêm, luật, vần gò bó. Nó phù hợp với nhịp sống hiện đại, khá phù hợp giới trẻ, hiện đã có hàng ngàn người sáng tác và một số trường đại học đã triển khai hội thảo cho sinh viên làm quen và học tập.

Vũ Trần Anh Thư với tập thơ “Ban mai thơm mắt nắng” đã thể hiện được tình yêu trước hết với thể thơ 1-2-3, được gọi là thể thơ mới mẻ vì mới xuất hiện năm 2018 do nhà thơ Phan Hoàng khởi xướng và thành công. Vì yêu thể thơ này nên Vũ Trần Anh Thư đã sáng tác 123 bài thơ theo đúng quy định về cấu trúc câu, cấu trúc bài và số lượng hạn định của câu chữ. Phần lớn các bài thơ trong tập thơ này đều trực tiếp hoặc gián tiếp tạo được sự hô ứng giữa câu 1 và câu 6. Về nội dung, tập thơ khá phong phú về nội dung (Tình yêu thiên nhiên, tình yêu lứa đôi, tình mẫu tử; có những trăn trở mùa covid, có thấp thoáng chiến sự Nga - Ucraina...), tuy nhiên, tôi yêu thích nhất những câu, những bài em viết về tình yêu gắn với các loài hoa. Khi thì tả thực hoa, khi thì hoa đồng hiện cùng người yêu, khi thì tình yêu thương, nỗi nhớ nhung và thi hứng bắt nguồn từ một loài hoa đẹp, gắn với đặc trưng xứ sở, vùng miền.

Nếu gọi nhân vật em- chủ thể trữ tình em trong tập thơ là cô gái Hà Thành thì tình yêu của em, nỗi nhớ của em mời gọi, dẫn dụ và đánh thức khát vọng trong anh.

Sóng sánh mùa dậy hương/ Bao giờ ngưng. Bao giờ thôi nông nổi/ Gió sông Hồng ửng chín má đào hoa/ Khép mắt Nhật Tân/ Nụ hôn dậy thì phù sa đồng bãi/ Em định vị tim mình sợ lạc lối mùa xuân.

Khi em ở biển thì khát khao tình yêu qua hình ảnh hấp dẫn ánh nhìn đằm thắm và bờ môi ngọt ngào của anh.

Này chiếc váy bị bỏ quên trong tủ/ Ước một ngày thế giới không còn covid/ Chúng mình miên du hoàng hôn/ Rực rỡ váy không dây căng phồng gió biển/ Sóng tóc tự do bỏ quên bờ vai trắng/ Nhường mắt môi anh di trú bay về...

Nói chiếc váy bị bỏ quên, tôi bỗng liên hệ (dù biết là khp khiễng) với nhân vật Mị trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài. Khi Mị quấn tóc lại, với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách là khi khát vọng tình yêu bùng cháy sau thời gian năm tháng héo mòn, khi Mị muốn mặc đẹp, muốn đi chơi là khi Mị hồi sinh tình yêu, hồi sinh sự sống sau bao ngày sống không khát vọng. Còn nhân vật em trong thơ Anh Thư, chiếc váy bị bỏ quên trong tủ chỉ vì mùa covid, mùa của sự chia xa, cách ly, mùa của bao đôi lứa hẹn hò đứt đoạn; càng không gặp được người thương thì nỗi nhớ càng trào dâng tha thiết và đành ước mơ xa, mong ngày hội ngộ. Tôi thích cách diễn đạt Sóng tóc tự do bỏ quên bờ vai trắng/ Nhường mắt môi anh di trú bay về. Mặc dù, bài này chưa chặt chẽ về cấu trúc, chưa đảm bảo sự hô ứng câu 1 và câu 6 nhưng lại phù hợp với nỗi nhớ nhung, với khát vọng về tình yêu và sự gặp gỡ. Đọc thơ Vũ Trần Anh Thư, hơn một lần tôi ao ước, muốn được là em để dấu chân in nhiều nẻo đường hạnh phúc, tận hưởng sự ngọt thắm của tình anh, được hưởng làn gió biển thổi bùng khao khát của tình yêu bắt đầu từ hình ảnh Sóng tóc tự do bỏ quên bờ vai trắng/ Nhường mắt môi anh di trú bay về. Câu thơ không chỉ nói về một khát vọng đẹp mà còn rất đẹp bởi ngôn từ, bởi lối diễn đạt ý nhị, tình tứ, gián tiếp nhưng vẫn lộ diện một khát vọng cháy bỏng của tình yêu lứa đôi.

Cũng có khi, thật phi lý tôi ước được là anh để sau hành trình vạn dặm, quay về nơi chốn có em ngóng chờ.

Một phác thảo dịu êm/ Anh tìm về tháng Giêng/ Bung khuy áo sông Hồng gió xuân ngời ngợi/ Cúc chi xa vai châu thổ/ Nụ cười em rng rỡ hoa đào/ Anh nghe tình trổ nhánh.

        Hoặc mãnh liệt và nồng nàn hơn là một khung cảnh đẹp như trong giấc chiêm bao, ở đó có cảnh xuân và tình xuân nhẹ nhàng, sâu lắng.

         Cho nỗi buồn anh vỗ cánh thiên di/ Bầy sẻ nâu líu ríu sà xuống ban mai/ Ríu ran nhau mặc đông sang mùa di trú/ Em đậu xuống khu vườn anh/ Hồn nhiên nhành xuân không vết tuổi/ Ngụ cư anh vương quốc thanh tân.

          Nhân vật anh thật hạnh phúc bởi được hiện diện trong nỗi nhớ nhung, trong sự khát khao cháy bỏng nơi người con gái ấy. Đó là khát khao dâng hiến, từng thì thầm trong nỗi nhớ tím như bằng lăng chung thủy Đến nhé anh/ Mùa hạ nơi này không chỉ chói chang/ Em nông nổi phượng hồng dâng nguyện anh đằm thắm... Trước hứa hẹn nơi nỗi nhớ thẳm sâu như thế Trong vương quốc nụ cười. Anh lạc phía nào cũng vấp dịu êm. Cách sử dụng ngôn từ có chọn lọc, mượt mà. Đọc câu thơ, chắc hẳn cánh mày râu đồng tình với việc lạc phía nào cũng vấp dịu êm. Vâng, dịu êm là một tính từ thường gắn liền với trạng thái cảm xúc thi vị, đẹp như giấc mơ, tình yêu, không gian của tình yêu v.v... cho nên, vấp vào đó là vui, là ngọt êm, là hạnh phúc.

           Đọc tập thơ “Ban mai thơm mắt nắng” có cảm giác nhà thơ rất thích tháng tư, tháng Tư được viết hoa, được gắn với những ngôn từ giàu sức gọi, ngập tràn tính biểu cảm, mở ra một không gian rộng lớn cho trí tưởng tượng của độc giả. Này nhé Im lặng tháng Tư/ Này những chồi non trên phiến đá/ Nói gì mà run rẩy rêu phong/ Nàng nghe mùa thì thầm dưới tàng cây cổ thụ/ Vạt nắng chiều ôm gương mặt dịu dàng bừng lên vô thức/ Ươm nõn nà một tháng Tư trong”. Bí ẩn, ảo huyền là tháng Tư im lặng, tháng Tư trong... Bên cạnh đó có Tháng Tư tận cùng dâng hiến trong bài thơ “Cánh trắng vô ngần vàng tràn đầu nhụy”. Và thơ của Anh Thư cũng hơn một lần nói về việc Hoa cúc vàng khi đến độ/ Trăng khuyết-tròn tự xa xưa/ Yêu thương mãi chẳng biết đợi mùa... Từ cảnh vật và quy luật tuần hoàn của tự nhiên Anh Thư muốn bày tỏ khát vọng yêu thương không giới hạn. Hoa cúc đến mùa thu thì nở và đến độ sẽ viên mãn sắc vàng. Ánh trăng khi tròn khi khuyết. Chỉ tình cảm con người chẳng biết đợi mùa... Vâng, nếu nói rộng ra thì tình yêu thương là tình cảm đẹp, đáng trân quý của con người. Nói hẹp hơn là tình yêu nam nữ. Hoa đến mùa mới tận độ sắc vàng của cúc, tím của bằng lăng, trắng loa kèn, hồng đào mùa xuân. Hoa quỳnh chỉ 12 giờ đêm mới tỏa hương và nở đủ độ của sắc đẹp, của hương thơm... Nhưng tình cảm, tình yêu sâu nặng không đợi mùa, bất chấp thời gian, bất chấp không gian, hiện diện bởi nội lực đòi hỏi, bởi khát vọng chân chính mong được đáp đền...

tg

Tác giả Đỗ Nguyên Thương bên đồi hoa Tam giác mạch

           Tập thơ “Ban mai thơm mắt nắng” nhiều ý đẹp lời hay, nội dung phong phú, là mảnh đất còn hấp dẫn cho nhiều cây viết (dù từ khi xấu hiện đã khá nhiều bài phân tích, cảm nhận, bình luận trên báo chí, trên diễn đàn Facebook). Riêng tôi, tôi thích thơ tình của Vũ Trần Anh Thư. Từ lâu, tôi đã rất thích câu nói của nhà thơ Xuân Diệu “Cây nến chỉ thực sự sống khi đang cháy sáng, cây đàn chỉ thực sự sống khi rung lên những giai điệu, thanh âm và con người chỉ thực sự sống khi đang yêu”. Ngắn gọn hơn là một câu nói khác của thi sỹ phương Tây “Nếu không có tình yêu thì vầng mặt trời sẽ tắt”. Đọc thơ Vũ Trần Anh Thư, tôi tin mặt trời bốn mùa luôn chiếu sáng, bất chấp thời gian, bất chấp không gian, như tình yêu trong thơ em Yêu thương mãi chẳng biết đợi mùa.

 

Đất Tổ tháng 1 năm 2025
Đ.N.T

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây