Hà Nội có một đội ngũ nhà thơ nữ đông đảo với khá nhiều tác giả tên tuổi:
Hà Nội là Thủ đô, trung tâm văn hóa lớn nhất của đất nước, nơi hội tụ tinh hoa và tỏa sáng tài năng.
Đâu phải vô cớ mà những nhà thơ nữ lớn của dân tộc như: Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Xuân Quỳnh...dù sinh ở đâu cũng đều thành danh ở Thăng Long - Hà Nội. Hiện giờ, Hà Nội đang có khoảng 150 trên tổng số khoảng 200 nhà thơ nữ của cả nước. Trong đó không ít tác giả đã khẳng định vị trí của mình trên bản đồ văn học dân tôc: Phan Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Nguyễn Thị Mai, Đỗ Bạch Mai, Phạm Hồ Thu, Bùi Kim Anh, Hoàng Việt Hằng, Nghiêm Thị Hằng, Nguyễn Thị Ngọc Hà, Đoàn Thị Lam Luyến, Lê Thị Kim, Phi Tuyết Ba, Phạm Thu Yến, Trần Thị Nương, Trương Phương Nghi, Hạnh Mai, Tuyết Nga, Chu Thị Thơm, Phạm Ngọc Tâm Dung, Bành Phương Lan, Cần Vũ, Lan Phiến, Buì Phương Thảo, Nguyễn Thị Ký, Phạm Thị Phương Thảo, Chử Thu Hằng, Bùi Tuyết Mai, Nguyệt Vũ, Doãn Thị Ngọc Bạch, Đỗ Thu Yên, Nguyễn Thu Sang, Hồng Thu, Đào Thanh Cườm, Cù Thị Loan...Trẻ hơn chút là Vi Thùy Linh, Bình Nguyên Trang, Bế Kim Loan, Phạm Vân Anh, Bùi Minh Huế, Lữ Thị Mai...
Thơ nữ Hà Nội tiêu biểu cho thơ nữ Việt Nam:
Có thể nói, bàn về thơ nữ Hà Nội cũng chính là bàn về thơ nữ Việt Nam vì thành tựu của văn chương nghệ thuật bao giờ cũng kết tinh ở những tác giả , tác phẩm tiêu biểu.
Qua khảo sát một số tác phẩm của các nữ sĩ Hà Nội, chúng tôi thấy: điều khác biệt giữa thơ nữ Hà Nội và các địa phương không chỉ ở chỗ đông về đội ngũ, nội dung giàu chất Hà Nội, mà chủ yếu là chất lượng của thơ. Rõ ràng, so với những khu vực khác, thơ nữ Hà Nội có chất lượng và mặt bằng cao hơn, thiên tính nữ đậm hơn, khát vọng đổi mới thơ( nội dung, hình thức) cũng mạnh mẽ hơn, rõ nét hơn.
Xin nhấn mạnh, việc so sánh thơ nữ Hà Nội với thơ nữ nói chung để tìm ra nét riêng của thơ Hà Nội là theo nguyên tắc so sánh ở mặt bằng chung, chứ không phải ở góc độ cá nhân vì với những tài năng nhất là tài thơ, đặc biệt là ở giai đoạn đầu thì không hẳn môi trường ( gia đình, xã hội, thiên nhiên), tuổi tác, ngay cả học vấn là yếu tố quyết định quan trọng mà nhiều khi lại do tài năng thiên bẩm. Dĩ nhiên muốn phát triển bền vững thì mỗi nhà thơ cần phải có nền tảng văn hóa tốt trong đó kiến thức lý luận là kiến thức rất quan trọng. Vì một bài thơ hay vừa phải rung động trái tim vừa phải hàm ngậm triết lý nhân sinh sâu sắc. Có thể nói tầm vóc của nhà thơ tỷ lệ thuận với phông văn hóa mà người ấy có được và muốn là một nhà văn lớn, một nhà thơ lớn, một nhà báo hay nhà giáo dục lớn ...người đó thật sự phải là một nhà văn hóa .
Thơ nữ Hà Nội đậm đà thiên tính nữ với nhiều tác phẩm có giá trị cao:
Sự khác nhau giữa thơ nữ và thơ của những nhà thơ nam biểu hiện rõ nhất ở thiên tính nữ. Đó là một thuộc tính nhưng cũng là một giá trị đặc sắc, một đóng góp loại biệt cho lịch sử văn học của các nhà thơ nữ và cũng làm cho thơ của các chị hay hơn, hấp dẫn hơn.
Quả thật, thơ nữ luôn có những nét yêu kiều riêng mà “ngòi bút đàn ông khó có thể viết ra được” (Hoài Thanh). “Thì ra cái người đàn ông thi sỹ có khác người đàn bà thi sỹ một nét nào đó thật” (Trịnh Thanh Sơn). Nên nói đến thơ nữ là phải nói đến thiên tính nữ.
Bởi ngoài tính dân tộc, tính nhân loại mỗi tác giả còn mang vào tác phẩm giới tính của mình. Khác với cánh mày râu, cách cảm, cách nghĩ, điểm nhìn, quan niệm nghệ thuật của người phụ nữ có nhiều khác biệt dẫn đến có vô số khác biệt trong lựa chọn nội dung phản ánh, trong cách tiếp cận và lý giải vấn đề, cách xây dựng hình tượng, cách sử dụng ngôn ngữ. Thường nhìn thế giới bằng ánh sáng thông tuệ của trái tim, nên với phái đẹp: tuổi trẻ, tình yêu, hạnh phúc gia đình luôn được coi là thiêng liêng và vô cùng quan trọng. Ngay cả nữ sĩ họ Hồ dù cá tính và ngông là thế nhưng trong sâu thẳm vẫn nuối tiếc tuổi trẻ, vẫn khao khát tình yêu và hạnh phúc gia đình: Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại/Mảnh tình san sẻ tí con con(Tự tình).
Với đa số phụ nữ, tình yêu là lẽ sống và cách yêu của họ cũng không giống đàn ông :
Nếu đàn ông, khi yêu luôn tỉnh táo, nghiêng về thụ hưởng thì với người đàn bà lại đắm say, với nhu cầu dâng hiến và hy sinh. Trong khi cánh mày râu năm bảy lá gan thì chị em lại cả tin và chung thủy : Đã yêu yêu đến tận cùng/Đã thương thương đến nát lòng vì nhau (Em chờ, Lê Thị Kim)
Khát khao và đắm say hơn người, những nàng thơ nhiều khi sống trong ảo giác nên dễ mỹ hóa, lý tưởng hóa tình yêu và thần tượng hóa người tình, nên cường độ yêu ở họ mạnh mẽ hơn và khát vọng hạnh phúc của của họ cũng ráo riết hơn:Em yêu anh cuồng điên (Dệt tầm gai, Vi Thùy Linh). Cũng vì thế mà ở họ luôn thường trực nỗi phi phỏng lo âu: Khắp nẻo dâng đầy hoa cỏ may/Áo em sơ ý cỏ găm đầy/Màu yêu mỏng mảnh như màu khói/Ai biết tình anh có đổi thay(Hoa cỏ may, Xuân Quỳnh).
Với họ, tình yêu, hạnh phúc mong manh, chỉ có nỗi cô đơn là luôn đeo bám: Em ngồi với bóng trăng già/Nuôi con với muối xát qua nỗi buồn(Xòe bàn tay bấm ngón tay, Hoàng Việt Hằng)
Cùng với trái tim kiêu hãnh, có lúc, họ dám từ bỏ tất cả, nhưng có một thứ người đàn bà làm thơ quyết bảo vệ chở che, quyết liệt, cố giữ bằng mọi giá đó là những đứa con - tác phẩm nghệ thuật tinh hoa nhất mà tạo hóa đã ban phát cho họ. Để vừa có thể hoàn thành thiên chức làm mẹ vừa thỏa mãn hành trình đi tìm cái đẹp của mình, các bà mẹ làm thơ đã phải trả giá, phải phân thân: Nuôi con bến thực nuôi mình bến mơ (Nguyễn Thị Mai)
Dường như, mỗi người đàn bà làm thơ đều là một khối mâu thuẫn lớn: bản lĩnh mà yếu đuối. Xưa nay chẳng mấy phụ nữ làm thơ có cuộc sống êm đềm. Dường như, không ai trong số họ lại không ôm trong trái tim một chuỗi bi kịch.Thông minh, tài sắc, có đủ khả năng tuyệt vời làm mẹ làm vợ nhưng vì yêu hơn, đa cảm hơn, nên họ luôn phải trải qua nỗi đau đớn hơn người. Thậm chí, như trò đùa tạo hóa, một người đàn bà có ý thức rất cao về hạnh phúc, về quyền sống lại phải chấp nhận nghịch cảnh chồng chị chồng em (Đoàn Thị Lam Luyến ).
Chọn thi ca làm nơi ký thác khổ đau hạnh phúc, vịn vào những câu thơ mà đứng dậy và dĩ nhiên thi ca cũng đã chọn họ để mang thông điệp yêu thương đến với những kiếp người nên những câu thơ viết bằng thứ nước mắt lặn sâu vào con tim chỉ là độc quyền của đàn bà, bởi chỉ đàn bà mới có những day dứt, đớn đau đến như vậy.
Tiếp cận thế giới bằng góc nhìn của nữ phái, vùng hiện thực mà chị em quan tâm nhiều là những điều riêng tư, nhỏ nhặt của cuộc sống thường nhật rất đàn bà: Trái tim đàn bà trĩu nặng/Những điều nhỏ nhặt quẩn quanh/ (Đàn bà, Phạm Thu Yến).Vì thế trong thơ của các chị đề tài đàn bà được phản ánh với tần số lớn. Những mã nghệ thuật mang thương hiệu đàn bà như: tình yêu, tình mẫu tử, hoa và những biến tấu của hoa , lời ru với những cung bậc khác nhau, nỗi nhớ thương... xuất hiện dầy đặc trong thơ.
Thiên tính nữ đã tạo nên những câu thơ đẹp với ngôn ngữ chau chuốt, mềm mại, bóng bẩy, dịu dàng nhiều khi cũng đeo thêm chút trang sức để làm duyên, nhờ thế mà diễn tả những cảm nhận tinh tế trong những tâm hồn thơ quá đỗi nhạy cảm. Qua những điều vi diệu đó, các nhà thơ nữ đã tạo được những âm thanh đồng vọng, đã hữu hình hóa được những bí mật trong cõi thầm kín của giới đàn bà: Sao anh vội ngỏ lời/ Vào một đêm trăng khuyết/ Để bây giờ thầm tiếc/ Một vầng trăng chưa tròn(Trăng khuyết, Phi Tuyết Ba).Đó là cái mùi hương thầm thanh khiết cứ vương mãi bước người đi trong Hương thầm, của Phạn Thị Thanh Nhàn)...
Đàn ông dễ đâu viết được những vần thơ chứa đựng những hành vi dễ thương và đầy chất nhân văn:Tôi trả tiền thêm cho chị/Ngẩn ngơ chị tưởng tôi lầm (Đàn bà, Phạm Thu Yến)
Những cử chỉ đẹp mà đời như thế chỉ có thể được chiết xuất từ những trái tim đàn bà với những run rẩy, những xao động khe khẽ của tâm hồn và nỗi đồng cảm tận cùng của thân phận.
Ngoài những câu thơ dịu dàng, mềm như lụa, chất lượng thơ nữ còn nằm ở những tứ thơ hàm ngậm những triết lý nhân sinh sâu sắc, ở những câu thơ đầy cá tính và trí tuệ: Xé lòng nghe tiếng em than/Tiếng kêu nhân thế vẫn vang vọng về.(Nguyễn Thị Hồng Ngát).Hay: Thánh thiện, trinh nguyên bờ thế kỷ/ Lọc hết tạp giao để trong ngần (Trần Thị Nương). Những lời tuyệt diệu đời dành hết cho sen/ Mấy ai nhìn thấy sự lộng lẫy của bùn (Bùn và sen, Phạm Thị Phương Thảo)
Rõ ràng, một nhà thơ muốn tiến xa, cần phải có một nền tảng văn hóa, một phông kiến thức tốt, nhờ không ngừng học tập và rèn luyện, trải nghiệm mà có chứ không thể chỉ dựa vào năng khiếu trời cho. Trong đó những kiến thức lý luận là rất quan trọng.
Thơ nữ Hà Nội hôm nay đang vận động mạnh theo hướng hiện đại hóa
Nhu cầu đổi mới là nhu cầu chung của mọi nghệ sĩ vì bản chất nghệ thuật là sáng tạo, nghệ thuật là không ngừng đổi mới nhưng khát vọng đổi mới thơ của nữ nhà văn Hà Nội biểu hiện rõ nét hơn.
Vì Hà Nội là Thủ đô – trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước, là nơi hội tụ những người tài khéo và giúp tài năng của họ có thể tỏa sáng, giúp mọi tiềm năng có thể trở thành tài năng. Ở đây, cơ hội giao lưu luôn rộng mở. Mà có giao lưu( trong nước và thế giới)mới phát triển: Tôi không sinh ra ở Hà Nội/Nhưng Hà Nội sinh ra và lớn trong tôi(Tổ quốc gọi tên, Nguyễn Phan Quế Mai)
Việc mặt bằng văn hóa của Hà Nội cao hơn, cơ hội giao lưu lớn hơn vừa tạo thuận lợi vừa tạo áp lực với các nghệ sĩ. Rõ ràng, Hà Nội yêu cầu những sản phẩm văn hóa (cả văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần ) phải chất hơn, phải đổi mới nhiều hơn. Thủ đô đòi hỏi thơ nữ không chỉ đậm đà thiên tính nữ, không chỉ tinh tế, nhạy bén trong phát hiện vấn đề và thể hiện vấn đề mà thơ phải có tầm tư tưởng, nhà thơ phải có phong cách riêng.
Biết rằng, bản chất của nghệ thuật là sáng tạo, các nữ thi sĩ luôn khát khao đổi mới thi ca và đổi mới chính mình, phải khẳng định được cá tính của riêng mình. Đập ngày bình yên tẻ nhạt/Bay lên như cánh chim trời/Chỉ có một lần được sống/Hãy cho tôi là chính tôi(Bão, Chử Thu Hằng).
Em chỉ là chính em, bất toàn như đời sống/Em chẳng cần làm gì để hợp ý trước sau(Nhìn em bằng trái tim anh. Bình Nguyên Trang). Họ dám: Đi ngược những thói quen/Đi ngược những quan niệm/Kì lạ thay!Sự sống lại bắt đầu từ cái chết(Trước bức tranh cây bằng lăng mùa xuân, Bế Kim Loan)
Những điều họ muốn và cần hôm nay rất mới mẻ: Tôi cần một liều doping (liều bóng tối, liều ánh sáng), không cần nước mắt( Xin, Tuyết Nga). Thứ họ muốn rất khác trước: “ Đóng gói được một trời sao rụng...Đóng gói được nỗi nhớ em run rẩy.( Hạt dẻ thứ tư, Tuyết Nga) . Nhiều câu thơ của các chị lạ và hiện đại: Vũ trụ có lỗ đen bí ẩn/Đôi mắt là lỗ đen của vũ trụ/Khi hôn mắt Anh, trong mắt Anh /Em nhìn thấy sự vận động của thế giới/ từ hạt nảy mầm còn nằm trong ngấn nước (Đôi mắt anh, Vi Thùy Linh).
Qua khảo sát ta thấy, cuộc đổi mới thơ nữ tuy lặng lẽ nhưng bước đầu đã diễn ra trên nhiều phương diện: từ quan niệm nghệ thuật, đến nội dung, hình thức; từ ngôn ngữ, thể loại đến tư duy thơ....
Thơ của các chị, giờ đây không còn những vùng cấm kỵ, không còn thái độ rụt rè mà là thái độ trực diện, thẳng thắn. Câu hỏi ta là ai được ráo riết đặt ra:Tự hỏi phải chăng ta đến từ tia chớp/ Lôi diện vẽ vòng đời/Một du khách trên con tàu sẵn lộ trình, số ghế/Chúng ta là tù nhân trong hàng kẽm gai lập thể của chính mình(Diễn sinh, Phạm Vân Anh).Với họ, viết cái gì là điều quan trọng mà điều họ trăn trở lại là: viết như thế nào để hội nhập vào thế giới hôm nay:
Lạc giọng hót chú chim xa bay nhập nhòa chiều ướt áo cánh chuồn kim trú vào chật vật Bời bời ký ức tháng năm mỏng mảnh móng tay vẽ hình giọt nước Tách cà phê ủ hương buồn xa lắc Mưa gày sợi ấm khăn choàng xầm xì...(Mưa ngoài ô cửa, Lữ Thị Mai).
Hiện nay có nhiều xu hướng đổi mới. Có chị theo hướng từ truyền thống đến hiện đại. Có chị đi thẳng tới lối thơ hậu hiện đại. Bên cạnh hướng tìm cách làm mới thơ lục bát, là viết thơ văn xuôi, là thử sức ở thể loại trường ca(Phạm Thị Phương Thảo, Phạm Vân Anh) và những thể thơ rất ngắn, cô đọng, hàm súc như thơ 2 câu (Nguyễn Thị Mai, Hạnh Mai, ); thơ 3 câu (thơ 1,2,3)- thể thơ phá vỡ sự đăng đối truyền thống (Đỗ Thu Yên, Y Mùi, Phạm Thị Phương Thảo). Nhìn chung, thơ ngắn, là hướng yêu cầu ngôn ngữ thơ tối giản và giàu tính biểu tượng, gợi nhiều suy tư, giàu nhịp điệu, từ đó mở ra những tầng ý nghĩa sâu sắc. Thơ 2 câu rất gần ca dao , cô đọng, hàm súc, hài hóm theo kiểu dân gian: trí tuệ mà rất đời: Lời tuyên như sét đánh ngang/Thế là xong.Một chuyến sang đò/Chìm.(Hạnh Mai).
Giọng thơ có chiều hướng thay đổi: âm hưởng buồn thương, tiếng hát than thân giảm, chất trào phúng được tăng cường. Bởi, nhiệm vụ quan trọng của thơ đương đại là truyền đến bạn đọc những cảm hứng tích cực, vì cuộc sống hôm nay rất cần niềm vui và cái đẹp mà cái đẹp đâu cần phải song hành với cái bi.
Nội dung thơ nữ hôm nay mới mẻ, dân chủ và cởi mở :Bà đi hò hẹn sáng nay/Bế thêm thằng cháu trên tay bồng bồng/Tóc nâu môi đỏ má hồn/Trái tim bà cũng phập phồng nỗi yêu(Bà đi hò hẹn, Nguyễn Thị Mai) . Tầm vóc nhà thơ nữ ngày một lớn hơn: Ta muốn ôm cả đất/Ta muốn ôm cả trời/Mà không không sao ôm trọn/Một trái tim con người(Gửi tình yêu, Đoàn Thị Lam Luyến).Và đó là cơ sở để hy vọng, ngày một nhiều nhà thơ nữ Hà Nội có được tư tưởng và phong cách riêng. Đó là con đường để thơ nữ Hà Nội không chỉ đông về số lượng mà còn có những đỉnh cao.
Tr. T. Tr
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn