MỘT GIỜ NĂM MƯƠI TÁM PHÚT

Thứ ba - 08/02/2022 00:57
Tự truyện của Nguyễn Trung Hậu
Minh họa: Sưu tầm
Minh họa: Sưu tầm
     Đó là thời gian tôi được chết sau tai nạn giao thông khủng khiếp xảy ra với tôi ngày 5-10-2005. Đến giờ, đã 16 năm mà tôi vẫn chưa hình dung ra nơi diễn ra cú va chạm kinh khủng đó. Tôi chỉ kịp thấy mắt tôi có hàng chục chùm tia sáng các màu vụt ra rồi tắt ngấm, sau đấy tôi không biết gì nữa…
Sau một giờ năm mươi tám phút tôi mới nhận ra mọi vật xung quanh. Lúc đó tôi ngồi tại phòng khám của bệnh viện E ở phố Trần Cung, Cầu Giấy, Hà Nội. Cạnh tôi là một cô bé trẻ, xinh xắn cười nói rất vui vẻ với tôi:
- Ôi, bác sống rồi. Cháu mừng quá, bác ơi.
Ô hay. Cô bé là người gì mà ôm tôi thân tình quá vậy. Thỉnh thoảng cô lại nhắc đến câu quen thuộc:
- Ôi, bác sống rồi. Cháu mừng quá, bác ơi.
Như ở trong giấc mộng, tôi thấy đầu óc cứ mơ màng, chông chênh. Trạng thái này tôi ngỡ mình không phải là mình nữa. Tôi hơi ngả người về sau như đổ xuống vô thức. Cô bé lại đỡ dậy. Vài lần như vậy rồi tôi nghe thấy cô bé gọi:
- Bác sỹ. Thưa bác sỹ. Bác ấy lại bất tỉnh rồi.
Ông bác sỹ vào phòng nói:
- Bệnh nhân bị nặng quá. Chấn động thần kinh, lại mất nhiều máu. Nhưng rất may là được đưa vào cấp cứu kịp thời.
Ông ngồi xuống cạnh tôi cùng với cô bé đỡ để tôi được ngồi dậy. Bác sỹ hỏi:
- Bác ơi, bác có biết đây là đâu không?
Hình như tôi lắc đầu:
- Không?- Tôi nhận ra đây là phòng khám của bệnh viện nên đáp lại:
- Đây là bệnh viện à?
- Phải. Sao bác lại vào đây?
Tôi ngơ ngác trả lời:
- Không biết.
- Bác có nhớ là mình đi đâu không?
Tôi bỗng nhớ ra:
- Tôi đến tòa soạn. (Lúc ấy tôi là Phó TBT thường trực tạp chí Thị trường khoa học công nghệ)
- Bác đi bằng gì? – Bác sỹ lại hỏi, xem chừng để kiểm tra thần kinh của tôi.
- Bằng xe máy. (Tôi đã tỉnh lại)
- Xe bác đâu?
- Không biết.
- Bác đi với ai?
- Một mình.
- Cô này có đi cùng bác không?
- Không biết.
Bấy giờ ông bác sỹ mới nói:
- Bác vừa được công an đưa đến đây. Mừng cho bác là bác đã sống như một người bình thường.– Rồi ông đưa ra một tập phim đã được chụp. Chúng tôi đã kiểm tra toàn bộ cơ thể bác rồi các phim về xương khớp và siêu âm ổ bụng, chụp CT để kiểm tra não. Thấy máu chảy từ mồm ra chúng tôi ngờ là nguy hiểm lắm. Nhưng xem kỹ thì chỉ rách má trong thôi. Đã khâu tám mũi rồi.
Tôi đưa tay lên sờ môi vì thấy có gì kệnh trong mồm. Bác sỹ nói tiếp:
- Vết khâu đã được cầm máu, chỉ một tuần là rút chỉ thôi. Bác phải tạm ăn cháo vài ngày nhé.
Tôi hờ hững với câu dặn của bác sỹ. Một lát rồi một cậu thanh niên chừng tuổi con trai lớn của tôi bước vào phòng với một số tờ giấy tôi nhìn thấy đó là tệp hóa đơn tài chính. Cậu ta nhìn tôi với thái độ vô tư nhưng tôi thấy cậu rất vui và trên trán cậu có dán băng dính như vừa sứt sát gì ở chỗ đó. Cậu ta cũng ngồi cạnh tôi, tay choàng lên vai tôi, nói rất tự nhiên vui vẻ:
- Số bác thật may. Thế nào mà bác có thể bình thường như thế này. Bác có biết cháu là ai không?
Tôi lắc đầu.
- Mọi chi phí ở viện cháu đã thanh toán rồi ạ. Ngồi một lúc rồi bác cháu mình về nhà bác nhé. Bác có nhớ đường về không ?
Tôi lại lắc đầu:
- Tôi không chắc nhớ nhưng cứ đi về chỗ đại học giao thông tôi sẽ nhận ra thôi. Tôi thật sự không hiểu cậu ta là ai mà lại thanh toán viện phí cho tôi. Lại càng khó hiểu tại sao tôi phải vào viện. Mình bị cấp cứu vì vấn đề gì? Khắp thân thể tôi, trừ vết khâu kệnh trên môi, một mẩu chỉ chừng 2 mm thò ra khỏi mồm ở môi trên phía phải, còn lại không có dấu vết gì.
Vì nhà tôi ở một hẻm nhỏ của thành phố nên xe taxi chỉ vào ngõ lớn cách nhà khoảng 300 m. Cậu trai đi cùng tôi về nhà còn cô bé ở lại xe chờ. Trước cửa nhà tôi lúc đó có một người đang làm nhà nên chúng tôi phải đi rất khó khăn. Tôi như đã nhớ tất cả, bèn giới thiệu:
- Đây là nhà của nhà văn Trung Trung Đỉnh. Ông ấy là Ủy viên Ban chấp hành Hội nhà văn VN, kiêm phó chủ tịch Hội đồng văn xuôi, Giám đốc nhà xuất bản Hội nhà văn, mới mua đất của nhà bác Chư - Then rồi làm nhà ngay. Ông ấy là người ký đơn giới thiệu tớ vào Hội nhà văn VN đó.
Bỗng cậu ấy ngơ ngác nhìn tôi:
- Bác là nhà văn ạ?
- Chưa. Gửi đơn từ 2003 mà vẫn phải chờ. Tớ chỉ là nhà báo thôi, còn kiêm viết kịch bản và đạo diễn sân khấu, điện ảnh nữa.
Cậu ta chưa hết ngơ ngác:
- Bác giỏi quá. Xin lỗi bác, cháu suýt nữa làm chết một người đa tài.
Đến lượt tôi ngơ ngác:
- Cậu nói gì thế?
Cậu ta tưởng lỡ lời nhưng trước cái nhìn nghi ngờ đầy ma lực của tôi, cậu đỏ mặt rồi vào nhà. Bà xã tôi đi chợ chưa về. Cậu ta ngồi đối diện tôi, tôi chưa kịp pha ấm nước mời khách. Cậu ta đã thú thật:
- Xe của bác và xe cháu chỉ cần cách nhau 5 mm thôi thì không xảy ra chuyện va chạm khủng khiếp đâu. Giọng cậu run run: Cháu xin lỗi bác vì hôm nay là sinh nhật bạn gái cháu, cháu có tý tây tây nên…
Tôi đã hiểu ra đôi chút liền hỏi:
- Thế cậu gây ra tai nạn à? Cậu đi bằng xe máy hay ô tô?
- Cháu đi xe máy.
- Xe máy của tôi đâu?
- Con Werer của bác và con Dream của cháu được đưa về đồn Công an rồi.
- Xe có sao không?
- Hỏng hết cả hai, bác ạ.
Tưởng cậu ta là người đi đường tốt bụng hóa ra lại là chủ nhân gây ra tai nạn. Nó đã không bỏ chạy mà tự nộp mạng. Số mày là số chó rồi con ạ. May quá, vì không phải nhờ cơ quan chức năng tìm bắt bớ gì cả. Chỉ dọa vài câu là câu ta vãi linh hồn ngay. Nhìn thấy vết băng trên trán của cậu ta, tôi hỏi:
- Trán cậu sao thế?
- Cháu ngã va vào răng bác nên thủng một lỗ bằng hạt gạo bác ạ.
Nghe hắn nói tôi hiểu ngay tại sao tôi phải khâu 8 mũi trong mồm.
Tôi lại nhớ, năm ngoái vợ tôi đang đi trên vỉa hè thì có một thằng xe máy lao lên vỉa hè làm rạn xương bả vai, bà ấy phải bó bột, nằm viện hơn cả tháng. Bà ấy còn ghi được cả số xe. Sự việc lại diễn ra ngay cổng đồn công an số X trên đường Láng. Vậy mà công an cứ phớt lờ đi. Sau gia đình tôi tự truy tìm thủ phạm thì tìm được ngay. Thủ phạm là một sinh viên trường một trường Đại học ở Hà Nội, mượn xe bạn đi vội, phóng nhanh vượt ẩu. Tìm hiểu gia cảnh của thủ phạm thấy là con của gia đình nông dân nghèo ở Hải Phòng nên chúng tôi bảo nhau cho qua. Âu cũng là một việc làm lương thiện. Nhưng trường hợp này, tôi nghĩ phải bóp cho nó chết thành ma mới được. Ai lại đi đứng không tôn trọng luật lệ gì hết. Và nghĩ tới một kịch bản: Mình phải nhờ bác sỹ bệnh viện xác nhận tổn thương thần kinh ảnh hưởng sức khỏe đến suốt đời, có thể ảnh hưởng đến thế hệ con cháu. Trước mắt vì chấn động thần kinh tôi không làm được các công việc bằng trí óc như sáng tác, đạo diễn, đặc biệt là làm báo. Tôi không có sản phẩm, không hoàn thành nhiệm vụ có thể bị loại ra khỏi hội này hội khác…hắn phải bồi thường theo luật. Có thể số tiền bồi thường chí ít cũng lên đến nửa tỷ. Cũng kha khá đấy! Và tôi mường tượng ra sau vụ việc căn nhà cấp bốn của tôi sẽ được nâng lên thành nhà tầng. Con xe Were sẽ được thay bằng con SH hay ít ra cũng là xe tay ga đi cho nhẹ, cho oai. Kịch bản đã được tôi duyệt rồi. Chỉ còn thực hiện thôi. Tôi giở giọng ngọt ngào:
- Sao cháu có thể đi đứng bất chấp luật lệ thế?
- Giờ cháu không biết nói gì nữa. Sự việc đã xảy ra rồi, chỉ còn chờ cơ quan chức năng giải quyết thôi bác ạ.
- Chờ à? Không phải chờ ai cả, chúng ta tự giải quyết với nhau cũng được mà.
Ý của tôi là cậu cứ đền bù cho tôi số tiền như thế này là xong, cần gì phải chờ đợi ai. Cậu ta lại hiểu theo nghĩa khác.
- Ôi, thế thì tuyệt quá. Cậu ta nói như reo - Cháu hết sức mong bác thông cảm.
- Thông cảm. Sao lại thông cảm được sự việc tầy đình như thế.
- Thú thật với bác. Khi bác nằm bất tỉnh giữa đường máu trong mồm tứa ra cháu hoảng quá, nhìn quanh nhờ người giúp nhưng chỉ có hai chúng cháu thôi. Bạn cháu liền gọi xe taxi. Chúng cháu khiêng bác lên xe đưa nhanh đến bệnh viện. Lúc ấy bác có biết gì đâu. Cháu có thể để mặc bác ở bệnh viện mà bỏ đi. Ai có thể tìm được cháu? Tìm được cũng đến mùa quýt, bác ạ.
Tôi thấy mình hơi nóng gáy, sợ nói ra những lời không phù hợp liền bảo:
- Thôi cậu về đi. Ngày mai ngày mốt đến đây ta nói chuyện tiếp. Bây giờ tôi đau đầu nói năng sẽ không được như ý. Thực tế tôi chẳng đau đầu chút nào.
Cậu ta đứng dậy chào tôi và ra khỏi nhà.
Ngay lúc đó bà xã tôi đi chợ về, tay xách một túi nilon to đầy hàng. Vào nhà bà ấy hỏi ngay:
- Đứa nào vừa vào nhà ta đấy?
Tôi liền kể hết tình đầu. Nghe rồi bà ấy nói gay gắt:
- Hỏng rồi ông ơi! Ông cho nó về thì không bao giờ nó quay lại đâu.
- Không quay lại thì mình báo công an, lo gì.
- Báo công an! - Vợ tôi bĩu môi - Như năm ngoái đấy. Ông cứ chờ đến tết tây nhé - Bà xã tôi vừa đi vào bếp vừa nói đủ cho tôi nghe: - Người thợ săn săn được chim, được thú mà thả ra thì chả con chó nào quay lại đâu.
Có điều gì đó làm tôi ngờ ngợ nhưng vẫn một niềm tin:
- Tôi tin là nó sẽ quay lại. Nếu đã chạy làng thì chạy lâu rồi việc gì nó lại vác xác đến nhà mình. Tôi cũng cố nói to cho bà xã tôi nghe thấy.
Đúng như tôi dự liệu, ngày hôm sau cậu ta đến. Không phải một mình mà cậu ta đến với hai người đàn bà nữa. Một lớn tuổi chừng hơn tuổi tôi, một trẻ. Là mẹ, và là bạn gái của cậu ta mà tôi đã biết. Ba người vào nhà với một túi xách, nhìn qua biết có đường, sữa, ít trái cây. Vừa ngồi vào ghế cậu ta liền giới thiệu:
- Thưa bác. Đây là mẹ cháu. Còn đây là bạn gái cháu, bác đã gặp.
Ngồi một lát thì bà mẹ cậu ta vội nói ngay:
- Thưa bác, em là mẹ cháu Sĩ đây. Em có đôi lời thưa cùng bác.
Tôi yên lặng chờ đợi, bà ấy nói tiếp:
Bố cháu Đinh Trung Sĩ đây là liệt sĩ, hi sinh tại chiến trường phía - Thôi thì con dại cái mang. Cháu đã lỡ tông xe vào bác, làm bác đau đớn. Em đã nghe cháu tường trình rồi. May là cháu tông vào một nhà văn, nhà báo, nhà kịch sĩ nên đã được bác cho phép giải quyết nội bộ, không phải đưa ra cơ quan pháp luật. Em rất mừng. Gọi là có chút quà nhỏ biếu bác.- Vừa nói bà ấy vừa lôi các thứ trong túi ra đặt lên bàn – Chúng em, cảnh mẹ góa con côi. Nam ngày giải phóng Đà Nẵng năm xưa. Khi em đang mang bầu cháu. Đêm trước ngày chia tay vào chiến dịch anh nhà em dặn: Sau này đặt tên con là Trung Sĩ nếu là trai, còn tên là Hoa Mai nếu là gái. Giờ nhìn di ảnh của anh ấy, một người lính với quân hàm trung sĩ em càng thấy tủi thân. Thì ra…
Bà lấy khăn lau mắt làm tôi cũng mủi lòng, chợt nghĩ: Lại khổ nhục kế đây. Mình phải cứng rắn lên mới được. Tôi bèn lảng sang chuyện khác, hỏi cậu Sĩ:
- Cháu Sĩ bây giờ học trường nào? Đã ra trường chưa? Công tác ở đâu?
Sĩ đưa ra trước mặt tôi một chứng minh nhân dân, một thẻ lao động và nói:
- Cháu học Bách khoa, ra trường đã được ba năm. Hiện cháu làm cán bộ của Công ty Sông Đà 2, thuộc biên chế của Xí nghiệp sản xuất thép ở Hưng Yên ạ.
Bà mẹ bổ sung:
- Quê nhà em ở Thái Nguyên, cháu phải thuê nhà và em xuống ở với cháu. Hàng ngày bán rau dưa ở chợ xép kiếm đồng tiêu vặt. Rồi còn phải lo cưới vợ cho nó nữa. Lại còn nhà ở…
- Cưới vợ xong cho chúng về Thái Nguyên, trên ấy có nhà máy thép nổi tiếng Tisco. Nhà cửa trên đó thế nào?
- Em có căn nhà mái bằng một tầng chừng 40 m2 do đồng đội của bố cháu xây cho, gọi là nhà tình nghĩa bạn chiến đấu Sư đoàn 31. Nếu chúng thuận duyên mà muốn về đấy ở thì tốt quá vì em không bao giờ bán ngôi nhà đó cho ai đâu.
Ngắm nhìn thẻ lao động và chứng minh nhân dân của Sĩ tôi chợt thấy có gì đó khêu gợi vì con trai tôi cũng là cán bộ của công ty Sông Đà 2, nó đang là đội phó đội xây lắp đường điện ở Tây Nguyên. Vậy bố Sĩ là đồng đội của tôi, Sĩ là cán bộ cùng công ty với con tôi. Tôi ngồi lặng một chút và nghĩ đến hành động cấp cứu tôi của cậu ta. Việc thanh toán viện phí cho tôi. Chừng đó cũng đủ thấy cậu ta là một thanh niện có trách nhiệm với lỗi lầm mình gây ra. Nghĩ vậy tôi không hề nhắc đến trong tâm trí mình ngôi nhà được nâng cấp cũng như con xe tay ga SH nữa. Sĩ bỗng lên tiếng cắt đứt dòng nghĩ ngợi của tôi:
- Bác ạ. Bác giúp cháu vài chữ để cháu ra công an nhận hai cái xe về chữa chạy cháu còn đi làm và bác cũng có xe để đi lại chứ. Cháu biết công việc nhà văn, nhà báo của bác cũng cần xe nhiều lắm.
Cô gái từ lúc ngồi xuống ghế bây giờ mới nói:
- Bác cần đến bác sĩ khám kiểm tra xin đơn thuốc, chúng cháu hứa sẽ mua đầy đủ để bảo đảm sức khỏe cho bác.
- Việc đó cháu không phải lo, bác có thẻ bảo hiểm 100% cơ. Tôi hỏi Sĩ: - Cháu cần bác viết gì?
Cậu ta nói như đọc:
- Bác viết là xin cơ quan công an cho chúng tôi tự giải quyết với nhau và hứa sẽ không đưa ra cơ quan pháp luật nào nữa.
- Chỉ thế thôi à?
- Vâng ạ.
 
Sáng hôm sau Sĩ đến nhà tôi:
- Cháu gọi xe taxi rồi, bác cháu mình đi thôi.
- Đi đâu?
- Đến công an giao thông quận Cầu Giấy sau đó sẽ đến bãi xe để nhận tang vật.
Tôi như cái máy làm theo cậu ta. Ngay sau đó chúng tôi nhận giấy của Công an Cầu Giấy đến bãi giữ xe tai nạn ở tận Minh Khai, xa hơn Cầu Diễn một chút. Chao ơi, nhìn đống xe tai nạn bụi đất bám đầy như bãi sắt vụn mà khiếp. Hàng ngàn xe vất ngổn ngang đủ các loại xe ga, xe số, xe đạp, xe xích lô, xe ba bánh tàn phế… Có nghĩa là bằng ấy vụ tai nạn xảy ra. Không biết có bao vụ chết người. Bao vụ thương tích?!
Sau khi xem giấy tờ người thủ kho tìm được hai chiếc xe của tôi và của Sĩ. Cả hai chiếc xe vành trước đều quăn như số 8, săm lòi ra ngoài. Xe của Sĩ còn vỡ hết yếm, đèn gương chỉ còn cái vỏ. Trên yên mỗi xe đều ghi “TN 5/10/2005” bằng phấn nến trắng. Sĩ bảo tôi:
- Ngoài đường có thợ sửa chữa xe tai nạn. Cháu đưa xe bác ra ngoài đó trước nhé.
Sĩ vừa dắt vừa bê chiếc xe Were của tôi ra hiệu sửa, hỏi:
- Bác thợ ơi. Bác xem hộ cháu xe thế này thì chữa hết bao nhiêu tiền ạ?
- Những thứ hỏng phải thay mới cả chứ.
- Vâng.
- Bác thợ ngắm nghía toàn bộ chiếc xe, lắc đầu lia lịa; Vành mới này, chắn xích, gương này, đèn này, yếm vỡ… Bác nói: đồ nhựa là tôi không làm được đâu. Phải mua mới hay anh mang xe về rồi ra chợ Giời mua?
- Không, cháu không có thì giờ đâu. Bác cứ nói cụ thể đi.
- Trọn gói tất tật là 500 nghìn. Cậu cứ đưa 500 k sửa rồi nếu không hết tôi trả lại.
Sĩ đưa ngay cho bác thợ tờ 500 k rồi đưa xe của mình lên xích lô, nói với tôi:
- Bác chờ ở đây nhé. Nếu thấy gì không vừa ý thì bác cứ bảo họ sửa cho. Sĩ đi một đoạn rồi quay lại: - Lúc nãy cháu mở nắp thùng xăng thấy cạn khô. Bác cầm lấy vài đồng mà mua kẻo không thể dắt được đâu. Tôi thoáng nhìn thấy mấy tờ 500 k liền lắc đầu:
- Bác có tiền rồi – Tôi xua tay. Vài đồng chứ vài trăm đâu mà lo. Đi đi!
- Bác phải đợi đây đến chiều đấy. Bác cầm lấy mấy đồng để ăn trưa bác nhé.
Sĩ dúi vào tay tôi mấy đồng tiền đã cuộn tròn rồi mới lên xe cùng đi với xích lô.
Đến một giờ chiều thì chiếc xe của tôi đã được sửa xong. Bác thợ đổ một chai xăng vào và chạy thử. Bác đi một đoạn rồi quay lại:
- Tốt rồi ông ạ. Ông đi thử tý đã.
Tôi ngồi lên xe nổ máy vù ga chạy như khi tôi chưa bị tai nạn. Rồi quay lại thanh toán tiền. Hết có 405 nghìn tất cả. Ông thợ đưa con xe của tôi sang hiệu rửa. Sau mươi phút chiếc xe trông lại bảnh bao, mới mẻ như chưa hề có cuộc chia ly tạm thời giữa tôi với nó. Tôi cưỡi lên và phóng thẳng về nhà.
Thấy tôi về bà xã tôi hỏi:
- Xong việc rồi à?
Tôi thản nhiên:
- Xong!
Và tôi đưa cho bà một cuộn tiền lẻ thừa.
- Tiền gì đây?
- Tiền của nó đấy.
- Có bằng này thôi à? Sao ông tính những nửa tỷ?
- Nửa tỷ. Có là tiền âm phủ - Thực ra tôi chẳng có lúc nào bàn đến việc bồi thường gì đâu – Phải hiểu hoàn cảnh của người ta chứ.
Vợ tôi đai lại:
- Hiểu, hoàn cảnh! Nay mai ông phát bệnh điên dại thì…
- Các cháu nó hứa đảm bảo sức khỏe cho tôi. Với lại, tôi có bảo hiểm 100% . Sợ gì.
Bà xã tôi không nói gì thêm, tôi cho là sự việc đã kết thúc. Tôi và mọi người trong nhà không ai nghĩ đến chuyện đó nữa.
Một tháng, thời gian thanh thản, nhẹ nhàng trôi qua. Tôi bất ngờ nhận được cú điện thoại. Một giọng con gái:
- Cháu chào bác.
- Cháu là con nhà ai thế?
- Dạ, cháu là bạn anh Sĩ ạ.
Tôi “à” lên môt tiếng vì đã nhận ra người đang trò chuyện với mình. Cô gái ấy nói tiếp:
- Bác có khỏe không ạ?
- Khỏe.
- Khỏe thật không ạ?
- Thật.
- So với ngày ra viện tháng trước thì bác thấy thế nào?
- Bác thấy khỏe ra. Bác mới rút chỉ ở mồm tuần trước nên không phải ăn đồ mềm, tức là nuốt chửng nữa.
Tôi không nói dối tý nào, trước khi gặp tai nạn tôi có hai chứng thường xuyên hành hạ mình là đau vai gáy và đau dây thần kinh tọa bên hông trái. Sau vụ va đập kinh hoàng ấy tôi không thấy hai chỗ đau đó nữa. Không biết nó chạy đi đâu, trong khi tôi không dùng bất cứ loại thuốc gì chữa trị. Thế mới lạ!
- Cháu hỏi thật đấy vì anh chị cháu có cửa hàng tân dược. Bác đi khám chưa?
- Bác nói rồi mà. Bác có bảo hiểm nếu có chuyện gì thì bác sĩ đã cho thuốc tại bệnh viện. Các cháu không phải lo gì nhé.
- Thế thì cháu mừng lắm - cô gái ngập ngừng một thoáng -  Bác ạ, đến tuần sau chúng cháu tổ chức lễ cưới. Cháu trân trọng mời bác cùng gia đình tới dự ạ. Ngày mai cháu với anh Sĩ đưa thiệp đến mời hai bác.
- Thôi thôi, không phải đến đâu. Bác cần phải tĩnh dưỡng chứ không tung tăng ngay đâu. Bác cảm ơn các cháu. Chúc các cháu hạnh phúc. Thế mẹ cậu Sĩ có khỏe không? Sắp được lên chức mẹ chồng chắc bà ấy vui lắm. Cháu nói với gia đình là thông cảm cho sự vắng mặt của bác nhé.
- Vâng ạ. Tiếc quá! Cháu chào bác.
Được mời dự cưới thực ra chẳng là vấn đề gì to tát nhưng với tôi, tôi thấy tự nhiên mình có thêm những người thân mới.
                                                                    Hà Nội, 1-1-2022. NTH

Nguồn tin: HNV

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây