Một thoáng Hồ Ba bể

Thứ hai - 27/05/2024 08:33

         

  Tản văn của Nguyễn Đình Bắc

     Đoàn Thi nhân Miền Cổ Tích chúng tôi chia tay thành phố Bắc Cạn trong một buổi sáng thanh bình; Gió thơm hương rừng và ngọt như cỏ mật. Giữa hai hàng bằng lăng tím biếc, xe chúng tôi nhằm hướng hồ Ba Bể mà thả ga. Tiếng cười nói râm ran làm xao xuyến cả con đường.

Xe len lỏi dưới tán cây rừng xanh mướt mát. Xe men theo dòng Sông Cầu mà ở nơi thượng nguồn, dòng sông chỉ còn như một con suối nhỏ êm đềm nhưng không kém phần thơ mộng; Xe trườn qua những khúc cua tay áo… làm em nghiêng hết cả…về bên anh. Và thế là tiếng cười, tiếng hát cứ thưa dần, thưa dần rồi lim đi lúc nào cũng không ai hay biết.

Nhưng đây rồi! Bến thuyền đã hiện ra. Cửa xe vừa bung mở, mấy nàng thục nữ say xe còn đang uể oải bước xuống thì ai đó hô lên: Bướm! Ôi nhiều bướm quá mọi người ơi. Thế là tất cả như sôi lên, tất cả như bừng tỉnh và cái mệt cũng tan đi.

Đón chúng tôi có đến hằng hà sa số những nàng bướm trắng xinh xinh. Các bạn tôi lao vào giữa đám mây bướm. Các nàng bướm cứ quấn quýt lấy chúng tôi mà phô diễn vũ điệu của thiên nhiên làm ai nấy như lạc chốn bồng lai. Một câu thơ của thi sỹ tài hoa Nguyễn Bính vụt hiện về trong tôi:

“Có con bướm trắng thường sang bên này
Bướm ơi, bướm hãy vào đây
Cho ta hỏi nhỏ câu này chút thôi”…

Nhưng tôi còn có thể hỏi được gì nữa đây, khi mà các bạn tôi đã quên đi mái đầu tóc bạc để trở về với tuổi đôi mươi. Ai cũng như nhẹ bẫng, ai cũng muốn bay lên cùng những cánh bướm trắng vô tư như cái thuở nhớ nhớ, thương thương… hò hẹn…vơi đầy! Phải chăng các Thi nhân Miền Cổ Tích lại đang lạc nơi Miền Cổ Tích.

Tôi lia ống kính qua nàng bướm đang một mình chập chờn vỗ cánh trên mặt hồ. Thì ra chẳng cuộc vui nào không có những…đơn côi!

kinh nghiem du lich phuot ho ba beđảo bà góa

Ảnh: ST

Mọi người lục tục xuống thuyền. Vì mải mê với những nàng tiên bướm, tôi là người xuống thuyền sau cùng. Khi đã yên vị ở hàng ghế đầu, ngước nhìn lên, tôi sửng sốt như vừa bừng giấc mộng. Trước mặt tôi là một thiếu nữ, hình như em vừa thoát ra từ bức tranh tố nữ đâu đây. Chỉ có điều em không mớ bẩy, mớ ba với các tà áo tứ thân vàng, xanh, tím, đỏ. Em càng không có những cặp mi giả dầy cộp cong vút, đong đưa của các cô người mẫu thời @. Em chân mộc đến lạ kỳ; Em nền nã trong tà áo chàm thẫm mầu cỏ cây, nắng gió, của núi rừng Đông Bắc. Với cái cổ thanh mảnh, cao cao, trắng ngần làm cho em có một vẻ kiêu sa. Và còn đây: nơi eo thon đính lấp lánh hai vòng bạc buông trùng tạo nên một đường cong duyên dáng làm cho cái nền nã càng nền nã thêm. Không hiểu sao tôi cứ nghĩ dứt khoát em phải là dòng tộc của các cung tần mỹ nữ thuở xa xưa nơi chốn kinh kỳ.

Em nhẹ nhàng đặt cây đàn tính sang bên rồi cầm mích thuyết trình cho chúng tôi về sự ưu ái của thiên nhiên đã dành cho vườn Quốc gia Ba Bể. Em kể rằng theo tài liệu nghiên cứu của Viện Địa chất Việt Nam cùng với Hội Địa chất Bỉ thì những dẫy núi xa xanh kia đã được hình thành từ 450 triệu năm về trước, nhưng điều đáng quý ở đây là qua biến đổi địa chất đá vôi đã biến thành đá hoa cương, sự độc đáo này chẳng nơi nào có được. Không những thế trên ấy còn có đến 417 loài thực vật, có những loài quý hiếm như đinh, lim, lát, vàng tâm… Dưới tán rừng đại ngàn là nơi quần cư của 299 loài động vật có xương sống, có những loài có tên trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới. Tôi lại nhớ câu “Biển bạc, rừng vàng”!

Rồi em lại say sưa kể về hồ. Thì ra cách đây 200 triệu năm trong sự kiến tạo lục địa Đông Nam Á cuối kỷ Cam ri đã đưa một khối nước khổng lồ với bề mặt xấp xỉ năm triệu mét vuông lên lưng chừng dẫy núi đá vôi tạo nên hồ Ba Bể có độ cao 145 m so với mực nước biển. Hồ Ba Bể tiếng địa phương gọi là “Slem Pé” có nghĩa là ba hồ gồm Pé Lầm, Pé Lù và Pé Lùng hợp lại. Hồ có chiều dài đến tám cây số, rộng từ 200 đến 1000 m. Độ sâu trung bình từ 17 đến 23 m có nơi sâu đến hơn 30m. Chính vì thế mà Hồ Ba Bể lọt tốp hai mươi hồ nước ngọt to và đẹp nhất thế gian. Và hồ đã được mệnh danh là “viên ngọc giữa núi rừng Đông Bắc”. Ẩn chứa dưới làn nước sâu là những hạng động cácstơ huyền bí nhưng cũng là quê hương của hàng trăm loài thủy sinh. Và đặc biệt đáy hồ được tạo bởi một lớp sét dầy đến 200 m chính vì thế mà nước hồ không thể thấm xuống được. Lại nói về nước hồ: nước hồ ở đây có một mầu xanh khác lạ, nó là sự tổng hòa của mầu xanh da trời với mầu diệp lục của rừng cây khiến cho mầu xanh lấp lánh như ngọc.

Giữa tiếng xuồng máy đều đều, giọng em gái Tày vẫn ngọt ngào làm ai nấy cứ bồng bềnh như trong cõi mộng. Con thuyền lướt qua một hòn đảo nhỏ đẹp đến mê hồn, nhưng lại có cái tên làm day dứt lòng người: đảo “Bà Góa”. Tôi toan hỏi em về cái tên này song lại chợt nghĩ Bà Góa đơn côi đã hơn bốn trăm triệu năm rồi, hãy để cho bà “trơ gan cùng tuế nguyệt”.

Con thuyền đang lướt nhẹ trên mặt hồ mênh mông. Có lẽ đây là đoạn hồ rộng nhất. Sóng nước thầm thi, gió đưa hương rừng ngan ngát. Chúng tôi ai nấy mặt mày như tươi lại, say sưa ngắm cảnh nước biếc non xanh và thả hồn theo những áng mây trời bảng lảng. Bỗng tiếng đàn tính cất lên, những âm thanh rộn ràng tươi trẻ như gọi chúng tôi về từ cõi tiên du. Nhìn cây đàn thanh mảnh trong tay em gái Tày duyên dáng tôi chợt nhớ về một truyền thuyết. Chuyện kể rằng:

Ngày xửa ngày xưa có một chàng trai tên là Xiêm Căn, chàng nổi tiếng đẹp người đẹp nết. Biết bao cô gái Tày khát khao được bén duyên, nhưng chẳng hiểu vì sao chàng đã ngoài ba mươi tuổi mà vẫn chưa lấy được vợ. Buồn chán cho số phận hẩm hiu, ngày ngày Xiêm Căn hì hụi vác đá xếp thành bậc để lên cầu trời. Trời thương chàng trai giầu nghị lực nên đã ban cho chàng một bầu vú trinh nữ non tơ, một cánh tay trinh nữ trắng như ngà và mười hai sợi tóc đen như mun. Về đến nhà chàng trai lấy bầu vú trinh nữ làm bầu đàn, cánh tay trinh nữ làm cần đàn và lấy mười hai sợi tóc làm dây đàn. Từ đó mỗi khi tiếng đàn cất lên làm bao cô gái Tày mê mải theo chàng đến mức bỏ cả ruộng vườn, nương rẫy. Thấy vậy, nhà trời cho người xuống cắt đi chín dây đàn chỉ để lại ba dây tượng trưng cho trời đất và tình yêu. Kể từ đó cây đàn tính trở thành nhạc cụ gắn liền với các lễ hội và những sinh hoạt cộng đồng của các dân tộc Tày, Nùng, Thái trên vùng cao của núi rừng Tây Bắc.

Tiếng đàn mang hồn của núi, mang sắc biếc của cây và mang theo cung bậc khát khao của tình yêu đôi lứa. Tiếng đàn khi rộn ràng say đắm, khi thánh thót buông lơi, hòa quện với giọng hát Then lúc ngọt ngào tha thiết, lúc rộn rã vui tươi. Những âm thanh lúc xa, lúc gần cứ loang loang trên mặt hồ lao xao sóng nước khiến lòng tôi như tỉnh, như mơ. Chúng tôi đắm chìm trong những âm thanh huyền diệu ấy. Phải chăng đây là di sản thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam đã được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.

Bị lôi cuốn bởi không khí vui tươi từ cây đàn tính, từ điệu hát Then của em gái Tày, các bạn tôi cũng “nổi cơn ca sỹ”. Tiến sỹ Vũ Nho thả hồn vào bài hát “Đôi bờ. Chàng ca sĩ U80 say sưa hát cả lời Nga và lời Việt; Kế đến là nhạc sỹ Văn Quang vui nhộn trong ca từ chế theo bài hát Ca Chiu Sa. Bài hát có nhiều khổ nói về nhà, về cầu, về hồ…Nhưng vốn là người thợ cầu nên tôi thích nhất đoạn anh nói về cầu:

“Cầu mà đang xây người ta mới kêu là xây cầu
Cầu mà xây xong, người ta mới kêu là cây cầu
Cầu bắc ngang, bắc ngang sông mới kêu là Sông Cầu
Nhớ nhau tìm nhau, người ta cũng kêu…nhu cầu!”

Cứ thế, hết bài này đến bài khác nối tiếp nhau như “tình yêu nối dài vô tận”. Và rồi con thuyền cũng cập bến lúc ra đi. Mọi người vừa hoan hỉ vừa tiếc nuối cái khoảng trời bình yên cùng với tiếng đàn tính, tiếng hát Then thơ mộng giữa lòng hồ.

Rời thuyền, các bạn tôi người thì tranh thủ ghi lại tấm hình nơi bến mộng; Mấy bạn giỏi giang bếp núc thì sáp lại hàng cá khô, hình như các bạn muốn đem theo chút hương vị thanh sạch của hồ về để sánh với nơi phồn hoa đô thị.

Còn với riêng tôi, tôi cứ ngẩn ngơ như kẻ mộng du bên những nàng tiên bướm. Chả biết rằng đêm nay, những vũ điệu diệu huyền từ những đôi cánh nhỏ xinh của muôn nàng tiên bướm có hiện về trong giấc mơ tôi.

 

Hồ Ba Bể 13/5/ 2024 - Hồ Linh Đàm 18/5 / 2024.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây