Người thầm lặng trên chuyến tàu tốc hành

Thứ năm - 26/09/2024 09:58
Trên mỗi chuyến tàu lăn bánh, nối những miền quê dọc chiều dài đất nước, có một hình ảnh luôn đọng lại trong tâm trí tôi, đó là những người phục vụ tận tụy trên tàu. Từ trưởng tàu, lái tàu cho đến nhân viên họ là những con người thầm lặng, ít ai nghĩ đến, nhưng chính họ đã góp phần không nhỏ làm nên sự ấm áp của mỗi chuyến hành trình.
Người thầm lặng trên chuyến tàu tốc hành
 Nhà văn Quốc Toản

  Trong chuyến đi dự Trại sáng tác Nha Trang của chúng tôi, những nhà văn thuộc Chi hội Hà Đông - Sơn Tây (Hội Nhà văn Hà Nội) nhiều người đã lâu, hoặc đây là lần đầu tiên mới có dịp được trải nghiệm chuyến đi trên tàu. Mỗi Nhà văn đều mang trong mình những cảm xúc, những dự định riêng để có được tác phẩm mới. Còn tôi, cách đây 11 năm, tôi mới có dịp trở lại Nha Trang, trở lại Nhà Sáng tác cũng trên những chuyến tàu này.
*
Khi tiếng còi tàu hú vang báo hiệu khởi hành, cùng nhịp rung đều đặn của tiếng bánh sắt lăn trên đường ray, đánh dấu sự bắt đầu của một chuyến đi dài đến với mùa thu Nha Trang. Trong khoang tàu chật hẹp, giữa dòng người lên xuống vội vã, những người phục vụ vẫn cần mẫn làm công việc của mình. Họ đi dọc toa tàu, nhẹ nhàng hỏi thăm, nhắc nhở từng hành khách. Bỗng dưng tôi nghĩ đến họ, muốn tìm hiểu về những góc khuất phía sau và những nỗi niềm không dễ nói cùng ai, muốn được nghe họ kể về công việc của mình để chúng tôi được đồng cảm và chia sẻ.
Đoàn Nhà văn chúng tôi gồm 20 thành viên lên toa giường nằm, mỗi buồng 4 người. Sau khi yên vị, tôi thấy có một tờ giấy màu vàng, ép plastic đặt trên chiếc bàn nhỏ gắn ở thành tàu, nội dung chủ yếu ghi “Quý khách có yêu cầu hay góp ý điều gì xin liên hệ trực tiếp với tiếp viên phụ trách toa xe - Tên: Nguyễn Thị Nga, số điện thoại 09xx…

DSC 6791

Tiếp viên Nguyễn Thị Nga

HKlentau
Hành khách bắt bắt đầu hành trình chuyến tầu Bắc - Nam

      Nga bắt đầu đi kiểm tra từng buồng, gửi lời chào và có đôi lời thăm hỏi, chúc mọi người có chuyến đi vui vẻ và thành công. Tôi tranh thủ bắt chuyện, mượn Nga bộ ấm chén để pha trà. Nga đồng ý và mang theo một ít chè Thái Nguyên đến buồng chúng tôi. Mọi rất vui và cảm ơn cô tiếp viên nhiệt tình, chu đáo. Nga đi rồi, các nhà văn bắt đầu phán: Cảm ơn em Nga đã đành, nhưng cũng phải cảm ơn phó đoàn. Nhà nước mình thì “ngoại giao cây tre” còn phó đoàn nhà mình thì “ngoại giao ấm chén”, “ngoại giao nước sôi”…
 
Mọi người thưởng thức ấm trà ngon và ngắm nhìn khung cảnh qua ô cửa con tàu. Nhành hoa lan đặt bên ô cửa đung đưa cũng làm mọi người có được cảm giác ấm cúng. Các nhà văn thì kể cho nhau nghe nhiều chuyện lắm, còn tôi lại nghĩ đến Nga, nghĩ đến nhân viên ngành đường sắt, rồi tự hỏi, những chuyến tàu lăn bánh qua những cung đường, đồi núi, sông ngòi, những thành phố, những nhà ga… mang theo bao nhiêu hành khách, mỗi người là một câu chuyện, một cuộc đời, nhưng có mấy ai từng dừng lại, nhìn thật sâu vào đôi mắt người phục vụ trên tàu, để thấy được những gì đang ẩn giấu sau nụ cười hiền hòa và sự chăm chỉ lặng lẽ của họ?
Cũng như Nguyễn Thị Nga, nhân viên trên tàu họ không chỉ là người chăm lo những nhu cầu tối thiểu cho khách, họ còn là những người bạn đồng hành trong suốt chuyến đi. Khi trời đã tối, khi mọi người chìm vào giấc ngủ trong sự đong đưa cùng tiếng bánh sắt rít lên của con tàu, họ vẫn thức, đi kiểm tra từng cửa khoang, từng góc ghế, để đảm bảo an toàn cho tất cả hành khách. Những cuộc trò chuyện thân tình, những lời chia sẻ về cuộc sống, về công việc cũng khiến cho khách cảm thấy gần gũi hơn, bớt đi cảm giác xa xôi, lạ lẫm.
Tôi từng đi viết bài, từng “phỏng vấn” nhiều người, nhưng với Nga tôi phải “dẫn dắt câu chuyện” thật khéo để Nga kể về công việc của mình. Trong ánh mắt của cô tiếp viên Nguyễn Thị Nga, tôi thấy ánh lên sự bình dị và kiên nhẫn. Những chuyến đi dài ngày không chỉ là đưa hành khách đến những miền đất mới, mà những tiếp viên như Nga còn được gặp gỡ và đồng cảm với nhiều mảnh đời khác nhau. Cuộc sống của Nga dẫu gắn liền với những đường ray dài bất tận, nhưng vẫn đủ đầy những xúc cảm và câu chuyện bình dị trên mỗi chuyến tàu.
- Em vào ngành đường sắt, làm tiếp viên trên tàu hơi muộn. Năm nay mới là 19 năm. Từ năm 2005 đến 2013, em đi tuyến Lào Cai, sau đó mới đi tuyến Hà Nội - Sài Gòn. Công việc thì anh biết rồi, không hề đơn giản như nhiều người nghĩ đâu. Giữa không gian hẹp của toa tàu, chúng em phải xử lý đủ loại tình huống bất ngờ. Có những chuyến tàu đông đúc chật kín, có những lúc phải đối mặt với hành khách khó tính, với những lời phàn nàn, thậm chí là sự tức giận vô lý từ họ. Dẫu vất vả, nhưng người phục vụ vẫn phải giữ thái độ bình tĩnh và chuyên nghiệp. Em không phải là nhà văn, không biết nói lời hoa mĩ, em biết mỗi chuyến tàu, mỗi hành khách họ mang theo niềm vui, nỗi buồn khác nhau nhưng tất cả đều gửi gắm niềm tin vào những người phục vụ trong suốt cuộc hành trình.
- Khi nãy… hình như trưởng tàu xuống toa mình, thấy anh ấy nói gì đó…
- Có gì đâu anh. Trước 20h, em đi từng buồng để hỏi đặt điều hòa nhiệt độ sao cho phù hợp, mọi người đều đồng ý đặt ở 26 độ. Sự việc lẽ ra rất bình thường nếu hành khách đọc tờ giấy ghi tên và số điện thoại của em, đằng này, nửa đêm hành khách lại gọi luôn đường dây nóng lên trưởng tàu nói rằng để nhiệt độ lạnh quá, con chị ấy kêu rét, không chịu được. Thế là trưởng tàu xuống và em phải giải thích. Nghề “làm dâu trăm họ “ là thế đấy. Em chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng để chị ấy biết thôi, mặc dù… Nga cười, trong lòng em… lúc đó có khi đang dậy sóng.
Vậy là, tàu không chỉ là nơi làm việc, mà còn là một phần của cuộc sống với người làm tiếp viên như Nga. Những chuyến tàu ngày đêm ngược xuôi mang theo không chỉ hành khách mà còn cả những niềm vui, nỗi nhớ, và đôi khi là cả sự chịu đựng hy sinh thầm lặng của nhân viên ngành đường sắt, những người góp phần làm nên sự ấm áp, đưa bao người “đi đến nơi về đến chốn”.
Tôi chợt nghĩ, mỗi khi tàu dừng lại ở một ga nhỏ giữa đêm khuya, ánh sáng le lói từ vài ngôi nhà xa xa cũng khiến lòng họ chùng xuống. Nga cũng vậy. Những đêm dài không ngủ, không phải chỉ vì trách nhiệm với công việc mà còn vì những suy tư riêng tư, nỗi nhớ gia đình và đứa con nhỏ đang lớn dần theo từng chuyến tàu mà Nga không thể kề bên. Đằng sau nụ cười khi phục vụ hành khách, có lẽ là nỗi cô đơn đang lẩn khuất, khi Nga cũng muốn được về nhà, quây quần bên bữa cơm gia đình.
- Anh hỏi em về kỉ niệm đáng nhớ trên tàu ư. Kỷ niệm thì nhiều nhưng đáng nhớ nhất là khi chúng em vào chiến dịch hè và chiến dịch tết. Hành khách rất đông, chúng em rất vất vả. Em nhớ, vào một ngày 30 tết, khi mọi người được về sum họp đón xuân cùng gia đình thì em lại rời xa đứa con nhỏ để lên tàu. Em rời khỏi nhà mà nước mắt em cứ trào ra. May có được người chồng quan tâm, hiểu biết và chia sẻ với công việc của em nên anh ấy chăm lo cho con khi em vắng nhà. Chồng em là bộ đội, có nhiều năm là lính trinh sát, tham gia chiến đấu ở mặt trận Căm Pu Chia. Anh ấy ở rừng nhiều nên bị sốt rét mãi mới chữa khỏi. Chúng em lấy nhau 15 năm, cố lắm mới sinh được một cháu trai, năm nay cháu mới 12 tuổi. Mỗi chuyến tàu trở về, gặp mặt con, em vô cùng hạnh phúc….
Anh biết không, những chuyến tàu tết, nhiều cặp vợ chồng công nhân “tay xách, nách mang”, chúng em động viên và giúp họ lên tàu mà đầy lòng thương cảm. Nhiều người phải ngồi ghế phụ. Nhìn gương mặt họ, em thấy hiện rõ vẻ lo âu. Chỉ cần một lời động viên, một sự giúp đỡ nho nhỏ của chúng em cũng làm cho họ ấm lòng. Những chuyến tàu chật kín như thế, chúng em không có lấy một khoảnh khắc nghỉ ngơi. Nhưng khi tàu vắng, lòng lại trở nên trống trải. Nhìn qua ô cửa sổ, những dải đất rộng lớn lướt qua, nhưng vẫn chỉ là một vòng quay đều đặn. Mỗi ngày là những nhịp sống quen thuộc, nhưng lại thiếu đi sự mới mẻ. Cuộc sống cứ lặp lại như thế, hành khách chỉ gặp một lần rồi chia xa, để lại phía sau là những kỷ niệm nhạt nhòa…
Nga lặng lẽ ngước nhìn nhành hoa lan bên cửa sổ con tàu. Qua ô cửa là một tấm màn nhung đen kịt. Chuyến tàu đêm vẫn tiếp tục cuộc hành trình. Hành khách đã chìm dần vào giấc ngủ, chỉ còn lại những nhân viên phục vụ tàu như Nga vẫn âm thầm thực hiện công việc của mình.  Người nhân viên ấy, dường như đã quen với những chuyến tàu đêm như thế này. Trên mỗi chuyến tàu là hàng trăm con người với hàng trăm câu chuyện khác nhau. Có những người đang tất tả ngược xuôi vì công việc, có những người xa quê lâu ngày đang mong ngóng từng giây phút để về với mái ấm thân yêu, lại có những người như chúng tôi chỉ muốn có một chuyến hành trình để lắng đọng và tìm lại chính mình.
Ánh đèn nhấp nháy từ những ngôi làng xa xa ngoài cửa sổ như những ngọn hải đăng trong màn đêm đen kịt, và chuyến tàu như con thuyền chở đầy những khát vọng, nỗi niềm. Trong khoang tàu, vài hành khách vẫn còn thức. Một đôi tình nhân ngồi sát bên nhau, thì thầm những lời yêu thương, thi thoảng ánh mắt lại nhìn ra màn đêm đang lùi xa ngoài cửa sổ. Một người phụ nữ trung niên lặng lẽ với những dòng nước mắt chảy dài, tay siết chặt chiếc khăn tay đã sờn, có lẽ đang trôi theo dòng ký ức của những năm tháng đã qua. Và đâu đó, một vài tiếng cười khe khẽ từ mấy bạn trẻ, họ đang chia sẻ những câu chuyện vui vẻ, làm ấm lên một góc nhỏ trên chuyến tàu đêm lạnh lẽo.
   Cô tiếp viên Nguyễn Thị Nga chào chúng tôi để tiếp tục làm nhiệm vụ. Tôi lại nghĩ đến em, khi mỗi chuyến tàu kết thúc thì chuyến tiếp theo đã chờ sẵn, như nhịp đời không ngừng cuốn đi. Những người phục vụ trên tàu như em lại bước tiếp, lặng lẽ cùng với những cung đường như thể dài bất tận, nơi chỉ có tiếng bánh sắt nghiến trên đường ray như những tiếng thở dài miên man và những nỗi niềm không dễ gì bày tỏ.
 
Q.T.  (Ảnh: Quốc Toản - Kim Khuê)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây