Nhà văn Cầm Sơn, tên khai sinh Nguyễn Đức Sơn, tuổi Nhâm Thìn; quê Hưng Yên nhưng gắn bó với mánh đất Phú Thọ, đã từng là Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Tam Sơn (Thuộc huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ). Trước khi viết tiểu thuyết Khói đỏ, anh đã từng làm thơ, in 3 tập thơ Tình rừng (2007), Tình núi (2009), Miền xanh (2010), tiếp đó là tiểu thuyết Xuyên qua cánh rừng, 4 tập truyện ngắn (Sín Lủ, Đỗ quyên đỏ, Bùa ngải, Chuyện tình người thợ mỏ). Mỗi tác phẩm của anh, dù ở thể loại nào cũng được bạn đọc đón nhận nhiệt thành. Và Khói đỏ được đánh giá là đỉnh cao trong sáng tác của anh (Tính đến thời điểm này).
Khói đỏ, nhà xuất bản Thanh niên 2019 được gọi là đỉnh cao bởi lẽ cuốn tiểu thuyết được viết với tâm huyết, công phu, mỗi trang viết đều chứa chan cảm xúc, có sức cuốn hút đối với người đọc.
Không phải chỉ sáng tác thơ mới cần cảm xúc, bất cứ thể loại nào cũng cần cảm xúc. Tiểu thuyết cũng không ngoại lệ. Tiểu thuyết là một thể loại văn xuôi có tính hư cấu, bằng cách thông qua câu chuyện và nhân vật để phản ánh hoặc tái hiện lại hiện thực cuộc sống và các vấn đề đang xảy ra trong xã một cách chi tiết và sâu sắc. Tiểu thuyết thường có cốt truyện phức tạp, mô tả và phân tích tâm lý nhân vật, bên cạnh đó còn tạo ra một thế giới tưởng tượng (hư cấu) mà người đọc có thể đắm chìm trong đó.
Để viết được một tiểu thuyết, đòi hỏi người viết phải có vốn sống, có sự trải nghiệm
thực tế, cảm xúc sẽ giúp cho quá trình tái hiện hiện thực được phong phú và giúp tác giả có thể tự do sáng tạo và khám phá những khía cạnh mới của cuộc sống.
Tiểu thuyết Khói đỏ có một không gian nghệ thuật và thời gian nghệ thuật thật rộng lớn, nhà văn đã tái hiện đời sống trong tính chất “toàn cảnh” (thời gian kéo dài vài chục năm, địa bàn rộng lớn từ Bắc vào Nam, nhiều biến cố, nhân vật, sự kiện...). Nguyên mẫu của nhân vật trung tâm được khai thác từ chính người Cha đẻ của nhà văn, đó là một chiến sỹ tình báo hoạt động bí mật, đã phải xa gia đình một cách lặng lẽ và bí hiểm, để lại trong lòng người thân, gia đình sự lo lắng, phấp phỏng khôn nguôi. Nhân vật chính của Khói đỏ đã hy sinh trong thầm lặng khi thực thi nhiệm vụ, mấy chục năm sau người thân mới tìm được hài cốt. Câu chuyện về sự mất tích và lần tìm tung tích người thân không phải là câu chuyện hiếm có trong cuộc kháng chiến trường kỳ và gian khổ của dân tộc. Nhưng câu chuyện trong tiểu thuyết của nhà văn Cầm Sơn vẫn có sức hấp dẫn riêng, chính bởi lối viết đong đầy cảm xúc của nhà văn.
Nhân vật chính, cũng vì công tác của tổ chức giao phó nhiều lúc như phụ bạc gia đình, vợ con. Nói cách khác, nhân vật đã có “một số phận vinh quang và cay đắng” (Bùi Việt Thắng). Vâng, nhân vật Ký Khải có số phận vinh quang khi đảm trách những nhiệm vụ cao cả buộc phải hy sinh tình riêng vì Tổ Quốc. Tuy nhiên cũng đầy cay đắng khi gánh chịu những nghi ngờ từ cả đôi bên “tổ chức”, phải giã biệt vợ trẻ và con thơ… Người vợ mà ông yêu thương nhất là một phụ nữ Việt Nam mang vẻ đẹp truyền thống, đầy nữ tính nhưng rất can trường và giàu lòng vị tha, nhân ái. Con trai của ông cũng hy sinh tại chiến trường. Người đọc rơi nước mắt khi nghe tâm sự thầm thì của bà Thúy, vợ Ký Khải “Dẫu sao thì đến giờ này tôi cũng đã tìm được rõ ràng tung tích của ông, linh hồn ông sẽ được siêu thoát cùng bao nhiêu đồng đội và chiến sĩ, đồng bào đã nằm xuống ngày ấy ở xứ sở đất đỏ miền Đông Nam Bộ gian lao và máu lửa này. Còn thằng Nguyễn Xuân Hoàn, tôi không giữ được nó vì nó là con trai ông, mà tính tình, cốt cách của nó cũng giống ông. Nó bảo nó cần phải ra đi để tìm bố nó. Bây giờ bố con ông đã gặp được nhau chưa? Nó đã nằm lại cùng bao nhiêu đồng đội nữa ở Nghĩa trang Trường Sơn. Nếu nó chưa tìm thấy ông thì ông lại chịu khó đi tìm nó vậy...”. Thật sự, đó là những trang viết “chạm đến trái tim người đọc”.
“Chạm đến trái tim người đọc”, còn phải kể đến các trang viết về những người phụ nữ từng gắn bó cuộc đời cùng nhân vật chính Ký Khải. Theo yêu cầu của tổ chức nên Ký Khải phải cưới “chị” Hải (con nhà gia thế, hơn Ký Khải 2 tuổi) làm vợ. Công bằng mà nói, chị Hải là người phụ nữ tốt bụng, mang trong mình đầy đủ những nét đẹp của một phụ nữ Việt Nam truyền thống. Cuộc hôn nhân là sự sắp đặt của tổ chức, của gia đình nhưng chị đã sống thật sự trọn nghĩa, vẹn tình, khiến anh em, họ hàng, đồng đội của chồng và bạn bè, hàng xóm vị nể. Khi biết mình không có khả năng sinh con trai nối dõi tông đường cho nhà chồng, chị đã chủ động tác thành cho chồng với cô Thúy. Nhân vật Thúy (Tư Bích) vốn vừa là bạn, vừa là em, vừa là tri kỉ của Ký Khải. Họ đã từng thầm yêu trộm nhớ nhưng cũng chính do yêu cầu của tổ chức mà Ký Khải lấy vợ, để lại trong Thúy một khoảng trống tưởng chừng không gì bù đắp được. Mặc dù họ chưa từng yêu đương, chưa từng thề non hẹn bể nhưng trong lòng cả hai đều cảm nhận được họ chính là một đôi uyên ương. Thúy vốn xinh đẹp, được học hành chu đáo nhưng cuộc sống cũng không ít thăng trầm. Tình duyên trắc trở, dang dở, Thúy đã từng rơi không ít nước mắt ấm ức, tủi buồn. Người phụ nữ thứ ba làm vợ Ký Khải, cơ bản cũng do yêu cầu của tổ chức (được diễn tả dưới góc nhìn cá nhân), lại chấp nhận mối tình được se duyên ngoài ý muốn. Nhân vật Ký Khải cuối cùng cũng có gia đình kề bên.
Câu chuyện mối tình trong chiến tranh được mô tả một cách hợp tình, hợp lý. Các nhân vật “chung chồng” không hề ghét bỏ, loại trừ nhau mà cùng làm công việc chăm chồng chính là chăm cho cán bộ Cách mạng, cho sự nghiệp, cho CÁI TA chung. Điều đó cho thấy, trong chiến tranh, nhiều thiệt thòi đã xuất hiện, gắn chặt với cuộc đời nhiều người, nhất là người phụ nữ. Tuy nhiên, chiến tranh gian khó cũng khiến cho “người gần người hơn”, họ vượt lên trên những cung bậc cảm xúc bình thường để trở nên đẹp đẽ hơn trong cuộc sống.
Nhân vật chính diện trong “Khói đỏ” hiện lên với những tính cách được định hình khá rõ nét. Nhân vật “phản diện” cũng được mô tả rất hấp dẫn, đặc biệt qua nhân vật Lê Khanh. Nhân vật Lê Khanh: nhiều mưu mô, sống tráo trở, cầu lợi, ích kỷ đại diện cho chủ nghĩa cá nhân cần phê phán. Khi tổ chức cần, Khanh luôn có lý do để “chuồn”, để tránh những công việc nguy hiểm đến tính mạng đồng nghĩa với việc đùn đẩy gian khổ, hy sinh cho người khác. Và thực tế, chính Lê Khanh đã đẩy hai cán bộ Việt minh (trong đó có anh Được- chồng cô Liên) vào cái chết. Khanh nhởn nhơ khi mọi người chịu đựng hy sinh gian khổ, Khanh sẵn sàng chấp nhận hôn nhân không hạnh phúc để cầu lợi. Khanh sống buông thả, ve vãn, tán tính các “cô gái nhà lành”, ve vãn hòng chiếm đoạt Thúy, khi biết chồng cô “đi xa không rõ tăm tích”...
Nhà văn Cầm Sơn khiến cho nhân vật trở nên sống động hơn khi được đặc tả quan hành động để bộc lộ tính cách. Tiểu thuyết Khói đỏ có nhiều trang cuốn hút người đọc, nhất là những đoạn miêu tả về cuộc đấu tranh nội tâm, những giằng xé và day dứt ám ảnh. Đó là khi Lê Khanh làm đến chức Chủ tịch huyện vẫn mò vào trại lợn để gạ gẫm Thúy. Khi đó, Thúy đã có khoảnh khắc đấu tranh, định tặc lưỡi cho qua vì biết với cương vị Chủ tịch huyện, Lê Khanh có thể lo cho mẹ con Thúy cuộc sống bớt gian nan, bớt lo toan về vật chất, đặc biệt lúc này khi Ký Khải biệt tăm không rõ nguyên nhân. Thúy cũng cô đơn lắm chứ và cũng có những khát khao, bản năng rất thực, rất đời. Nhưng chỉ trong chốc lát, ngay lập tức Thúy lấy lại bình tĩnh, đủ tỉnh táo để khẳng định mình không thể làm vậy, làm vậy là thỏa hiệp, mà thỏa hiệp đồng nghĩa với phản bội, phản bội chồng con và phản bội chính mình. Thúy rất ghét hai chữ phản bội...
Tiểu thuyết Khói đỏ có bố cục mạch lạc, lời văn giản dị nhưng có sức hấp dẫn đối với người đọc. Tư duy liền mạch khiến người đọc như bị cuốn theo dòng chảy ngôn từ, nhiều câu, nhiều đoạn giàu chất thơ, nhất là những trang miêu tả tình yêu của Thúy và Ký Khải, những lần gặp gỡ ngắn ngủi, lén lút, chớp nhoáng... Cầm Sơn miêu tả tình yêu nam nữ hay những diễn biến cảm xúc của con người một cách “vừa độ” không quá tả, không khiên cưỡng. Đó là một trong những lợi thế để cuốn tiểu thuyết này được coi là “cái đinh trong sự nghiệp sáng tác” của nhà văn Cầm Sơn, (tính đến thời điểm này). Vì những thành công nổi trội đó mà người đọc có thể lướt qua hoặc thể tất cho đôi từ ngữ còn mang tính địa phương (như cửa nách mà quen dùng phải là cửa ngách; mười lăm phải được thay thế bằng mười năm...)
Và, đã là tiểu thuyết phải có hư cấu. Trong Khói đỏ có quan hệ đặc biệt giữa sự thật và hư cấu. Đó là nguyên mẫu của nhân vật Ký Khải chính là cha đẻ của tác giả. Tác giả đã từng tâm sự: “Bố tôi đi Nam, vào tận miệt cao su đi dễ khó về một thuở ngay khi tôi mới tám tháng tuổi. Vì vậy, trong lý lịch, tôi buộc phải khai “Bố mất tích". Vì lý do này mà mặc dù phấn đấu hết cỡ tôi vẫn không được nhập ngũ và mãi đến năm 1993, khi là Phó Giám đốc Lâm trường rồi, tôi mới được kết nạp Đảng. Sau này tôi cũng mừng vì không biết bố tôi có thuộc diện hoạt động “trực tuyến” hay không, nhưng sau khi mất tích với cương vị Phó Bí thư Huyện ủy, tại địa bàn bố tôi hoạt động đều được xác nhận "không có cơ sở cách mạng nào bị vỡ, không có người tham gia hoạt động cách mạng nào bị lộ". Mãi đến năm 2010, sau bốn lần vào Nam, sang tận Camphuchia gia đình chúng tôi mới tìm được hài cốt của bố tôi. Ghi lại chuyện này, tôi đã viết bút ký Hành trình sang Cambodia tìm cha ”
(Congannhandan.Online, 12-9-2016).
Trong Khói đỏ sự thật và hư cấu đan xen, tạo cho người đọc cảm giác về các chi tiết trong đó rất thực, rất gần gũi với cuộc sống bình thường của mỗi con người. Tại sao nhà văn lấy nguyên mẫu là cha đẻ của mình? Có lần tác giả đã chia sẻ “Những tư liệu chiêm nghiệm trong cuộc sống thường nhật cả một đời người nếu chết đem theo thì phí quá, phải viết ra kèm theo chính kiến của mình giãi bày với cộng đồng cùng người thân và con cháu. Những mong đóng góp được một chút nhỏ nhoi cho đời sống văn hóa xã hội, cho nền văn học nước nhà”.
Và anh thực sự đã có những đóng góp tích cực cho nền văn học nước nhà. Nhà văn Cầm Sơn đã nhận Giải C của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, năm 2013 (tác phẩm Đỗ quyên đỏ); Giải thưởng Hùng Vương về VHNT lần thứ 7, năm 2015 của UBND tỉnh Phú Thọ. Sau Khói đỏ, tên tuổi của anh đã rõ nét hơn, sáng hơn trên văn đàn. Cầm Sơn có nụ cười rất đặc biệt, nụ cười tỏa sáng, vang, thân thiện và vô tư. Tôi tin chắc rằng anh đã dành nụ cười đó để đáp lại khen ngợi của độc giả. Và sẽ còn xuất hiện nhiều tiếng cười sảng khoái, vô ưu của nhà văn Cầm Sơn khi được khán giả chúc mừng cho những sáng tác tiếp theo của anh. Tôi hình đung và kỳ vọng thế.
Nguyễn Đình Phúc
Khi đọc trang cuối cùng khép lại, tôi cứ ngẫm ngợi mãi hai từ "Khói đỏ", tên tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Đức Sơn, vừa mới ra lò. Thường xưa nay người ta chỉ nói tới khói trắng, khói đen, khói xám, khói hồng…chứ mấy khi nói khói đỏ. Nhân đây, lược lại tiểu thuyết viết về đề tài kháng chiến chống Pháp tuy văn học Việt Nam đã tôn vinh nhiều tác phẩm có nhiều đóng góp, xong dường như viết về cuộc chiến ở vùng tề (vùng địch tạm chiếm), không có nhiều, thường chỉ thấy ở những bài báo kí sự, phục vụ cho tuyên truyền kịp thời tinh thần kháng chiến, chưa lột tả thật sâu sắc chiến công thầm lặng gian khổ hi sinh của đồng bào chiến sỹ vùng địch chiếm. Tiểu thuyết về đề tài này theo tôi cũng thưa thớt. Ấy là tôi dẫn theo ý của Hoài Thanh, trên số báo 46VN, cuối năm 1953. Thời gian trôi vào dĩ vãng. Bỗng bắt gặp tiểu thuyết "Khói đỏ" của tác giả Đức Sơn, làm sống lại không khí cách mạng sôi sục trong thời kì khởi nghĩa và nhất là trong kháng chiến chống Pháp ở một vùng tề, đồng bằng Bắc bộ, huyện Văn Lâm (trong truyện là huyện Mỹ Giang) quê hương ông. Tuy không có những cuộc chiến lớn, nhưng luôn rình rập căng thẳng, tiềm ẩn nhiều hi sinh mất mát được ông tái hiện, làm xúc động người đọc.
Trở lại vùng đất ngã ba sông Việt Trì nơi tôi sống. Từ thế kỉ 18 thượng thư Nguyễn Bá Lân có bài "Ngã ba hạc phú" nổi tiếng, vào thời chống Pháp nơi đây cũng là vùng tạm chiếm, nơi xẩy ra nhiều trận đánh chống càn giằng co anh dũng, lập nhiều chiến công của đội du kích Sông Thao (Du kích Minh Khai), cảm hứng tức thì, nhạc sỹ Văn Cao đã viết khúc tráng ca "Du kích Sông Thao", âm vang mãi. Giờ đây muốn tìm hiểu ngọn ngành để viết được cái gì đó thì bỗng giật mình, bao chứng nhân, sống không màng vinh quang, thác về đâu hết thảy, tư liệu sót lại ở vài trang, sự kiện du kích Sông Thao đã như nét Hạc thoảng qua trí nhớ, ngái xa, để lại bao nuối tiếc. Tôi đã có lần mong, giá như tỉnh Phú Thọ có một góc bảo tàng về thời Du kích Sông Thao để lưu lại huyền tích cho mai sau, nhưng nghĩ lại sẽ rất khó khăn.
Nói thế, tức là phải có duyên phận lắm, sau bao lần lặn lội đi về tìm kiếm tư liệu nghe nhiều nhân chứng kể lại, kì công ghi chép để ra cuốn sách có khi bằng tâm trí cả đời người, để thấy cái tâm của ông với mảnh đất quê quả đáng trân trọng.
Với 300 trang, không quá dày quá mỏng với một cuốn tiểu thuyết, nhân vật trong truyện cũng không nhiều, chỉ ngót nghét hai chục, diễn biến tình tiết và cả cấu trúc của tiểu thuyết là mạch văn dễ hiểu, ngôn ngữ giản dị, trôi chảy, có thể đọc liền một mạch.
Tiểu thuyết đề cập đến những năm sôi động từ trước khởi nghĩa cách mạng tháng 8 và cuộc chiến tranh chống Pháp ác liệt đến thời hòa bình, xây dựng hợp tác hóa nông nghiệp, trọng tâm là thời kháng chiến chống Pháp, cơ quan đầu não trung ương của ta và chủ lực quân phải rút về chiến khu Việt Bắc, bảo toàn lực lực, nhằm trường kì kháng chiến với đế quốc Pháp được bảo trợ của Mỹ. Những cán bộ Đảng còn ở lại ở vùng tạm chiếm đa phần là lực lượng tại chỗ, để lãnh đạo du kích và nhân dân, với mục đích quấy phá, giữ chân và tiêu hao sinh lực địch, làm suy yếu hậu phương của chúng, mở rộng dần vùng tự do của ta với phương châm" chiến tranh du kích là căn bản, vận động chiến là phụ trợ", đấy là chủ trương rất sáng suốt của Đảng và Bác Hồ, nhờ đó đã hạn chế rất nhiều ý đồ của địch muốn đánh nhanh thắng nhanh nhằm tiêu diệt bộ não kháng chiến của ta ở Việt Bắc.
Sự kiện mô tả nằm ở các xã khu vực Văn Lâm (trong tiểu thuyết là Mỹ Giang}, cùng các địa danh khác như Kim Thành, Cẩm Giàng (Hải Dương), Gia Lâm Hà Nội, những nơi có đường sắt huyết mạch vận chuyển quân đội vũ khí và hàng hóa của địch từ cảng Hải Phòng đi Hà Nội và ngược lại, địch bố trí dày đặc đồn bốt và canh phòng cẩn mật, nên nhiệm vụ của quân dân ta ở vùng tạm chiến còn phải thường xuyên tìm cách cản trở, triệt phá đường tàu, tiêu diệt và tiêu hao sinh lực địch, tuyên truyền cách mạng, gieo giắc hoang mang trong lòng địch, đó là nhiệm vụ đòi hỏi nhiều mưu trí gan dạ, bất chấp hi sinh.
Xuyên suốt tiểu thuyết là hai nhân vật cốt lõi: Kí Khải (bí danh Lê Đông) và Thúy (bí danh Tư Bích). Thúy là cô gái trẻ đẹp, con nhà tử tế, bố là cụ lang Hanh, có cửa hiệu thuốc đông y to ở Phố Lãn Ông Hà Nội, học hết sơ học yếu lược rồi được bố đưa từ quê ra Hà Nội học trường nữ sinh Đồng Khánh, trường mà nhiều cô gái quê mơ ước. Lúc ấy Khải sau khi tốt nghiệp trường Bưởi danh giá vào làm ký ga xe lửa Gia Lâm, họ cùng quê, người làng, lâu dần gọi tên Ký Khải thành quen, lại có họ hàng xa, Khải gọi cụ lang Hanh bằng cậu, họ quý trọng nhau, mối tình của họ bắt nối qua những không gian thị thành, đẹp và trong sáng, cô quý vẻ sôi nổi lý trí, nhiệt tình thanh xuân, có lí tưởng và là chỗ dựa tin yêu. Chàng trai đã kể cho cô gái nghe chuyện tình lãng mạn của Marx và Gien ny, Marx là người đã sáng lập bộ kinh điển chủ nghĩa duy vật biện chứng, về sau được phát triển thành chủ nghĩa Marx Lê Nin vĩ đại , người đã yêu cô gái quý tộc hơn mình bảy tuổi, với những lời thơ tỏ tình mãnh liệt chói lói:
Gien ny ơi ước gì anh có được
Những lời thơ của ngôn ngữ bầu trời
Anh sẽ viết tên em thành tia chớp sáng ngời
Sách lúc đấy bị cấm, nhưng tâm hồn họ đầu đời, thức giấc về cái đẹp lãng mạn, gợi mở trí tò mò, cả khao khát dấn thân.
Đang lúc mơ mộng đắm say, thì được tin Kí Khải lấy vợ tên là Hải, con một gia đình họ Trịnh, môn đăng hậu đối, cô bị xốc, bàng hoàng, đau khổ không hiểu vì sao, Thúy đâu biết lúc ấy Khải đã tham gia công tác cách mạng, hoạt động bí mật nhiều, thời kì ấy, Nhật vào xâm lược Đông dương, chúng gây hấn với Pháp, thường xuyên bắn phá ném bom các nhà ga xe lửa, từ Hà Nội tới Hải Phòng, hòng cắt đứt đường vận chuyển của Mỹ cho Trung Quốc, tình hình lúc ấy rối loạn khiến Thúy phải bỏ học về quê sinh sống, cô bắt đầu làm quen với công việc nhà nông, nhẫn nhịn bỏ qua mọi lời tán tỉnh đám trai làng, đóng đông mối tình trong trắng.
Thúy trở về quê mới vỡ lẽ, hóa ra Kí Khải lấy vợ là do sắp xếp của tổ chức, để tiện cho quá trình công tác, tạo vỏ bọc, Kí Khải lại là Việt Minh chính cống, được phái về Mỹ Giang hoạt động bí mật, làng quê lúc này rộ lên hai tiếng Việt Minh, lòng người sôi sục khắp nơi đánh Pháp đuổi Nhật, cô cũng không ngờ thầy u mình cũng là Việt Minh, từ tò mò dần dà Thúy cũng bắt đầu hiểu và có động thái tham gia canh gác cho cán bộ Việt Minh họp. Oái oăm thay, Khải đi về ẩn trú tại hầm bí mật ngoài vườn nhà cô, rồi điều gì, dù có nguyên tắc đến đâu, cố tình ẩn tránh đến đâu, cũng không thoát được sợi dây vô hình, như sợi nắng sợi gió, chạm cõi lòng. Lòng cô bỗng chốc khơi lại mối tình hồi hộp mơ dâng hiến, khao khát chỉ yêu anh và sẵn sàng làm vợ lẽ, thời đó đa thê bảy thiếp chuyện của xóm dưới làng trên, có ai phán xét. Vẫn cho thấy Kí Khải còn nặng tình với Thúy, nhưng trách nhiệm công việc khó khăn nguy hiểm buộc anh hết sức thận trọng. Để tránh bị lộ, liên lụy, anh phải chuyển công tác từ Mỹ Giang sang Yên Khoái, còn kịp giới thiệu cho Thúy làm liên lạc viên Huyện ủy Mỹ Giang, sau này cô làm chủ tịch hội phụ nữ huyện.
Truyện đề cập tới công tác lãnh đạo trực tiếp, kịp thời sáng suốt của các tổ chức Đảng chính quyền các cấp, xã huyện tỉnh, khi thì tập trung lực lượng phá kho thóc Nhật, cứu đói với giải pháp an toàn nhất, ít thiệt hại nhất, mưu mẹo đấu trí thuyết phục cảm hóa quan tri huyện, không động binh ngày phá kho, khi tổ chức diễn thuyết trước mũi súng kẻ địch gây thanh thế Việt Minh, khi chỉ đạo du kích quấy rối gây hoang mang cho địch, tìm mọi cách để cướp súng địch trang bị cho du kích đang rất khát vũ khí, chuyện cử người vượt qua lùng sục đêm ngày của địch, lên chiến khu Việt Bắc xin trung ương súng đạn quân trang về tăng cường, cũng là cách làm táo bạo, mặc dù chuyến đi đó lửa đạn, đồn lính bố dáp, gây tổn thất đau thương, nhưng đó là một phần của cuộc chiến, chuyện đánh đồn Lạc Dương, nối thông vùng tự do cho thấy nhãn quan chỉ đạo nhạy bén…
Sự lãnh đạo còn ở tầm nhìn xa của Đảng: Nổi bật là nhân vật Kí Khải, khi nội bộ cấp ủy có sự không nhất trí, nhất là cơ hội cá nhân chủ nghĩa ghen tị của Lê Khanh, giấu sự sợ hãi, hèn nhát bản thân khi địch bắt, hắn khi chạy thoát, bám lấy bí Thư huyện Trương Đình Phú (lúc anh ta là phó chủ tịch huyện đã không ưa Kí Khải là cấp trên) nịnh hót leo lên chức Chánh văn phòng huyện ủy, lợi dụng tính nhân ái và chủ trương của cấp ủy, cho thả tù binh đặc biệt Hoàng Trung Hậu, người duy nhất biết rõ bí mật hèn nhát của Lê Khanh, khi bị địch bắt tra khảo, sợ bị lộ một mực đòi thủ tiêu Hoàng Trung Hậu, con quan tri huyện, có cảm tình cách mạng. Khi không thủ tiêu được Hậu, quay sang báo cáo tổ chức Kí Khải cố tình cho đánh sập nóc chuông nhà thờ, gây hoang mang trong cư dân công giáo, thả tù binh có nhiều nợ máu với nhân dân.
Lúc này kịch bản của vấn đề rẽ sang lối khác, tình hình quy chụp của tổ chức huyện ủy, đứng đầu là bí thư Phú, dấy lên dư luận bất lợi cho Lê Đông, nhưng Đảng luôn có cái nhìn xa thấu đáo ở tầm vĩ mô, tháo gỡ ngòi nổ, nhất là sự tin tưởng của các đồng chí lãnh đạo vào sinh ra tử với nhau. Sau buổi làm việc với Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Mỹ Hưng, một thời gian sau Lê Đông biến mất, hình ảnh cuối cùng ta thấy "hai người bắt tay nhau, Mỹ Hưng kéo mạnh tay Lê Đông, Họ ôm và vỗ vào lưng nhau trước khi tạm biệt", cuộc ra đi của Lê Đông, chỉ hai người biết, từ đây hình bóng Lê Đông hun hút chân mây. Cuộc đoàn tụ thời gian ngắn giữa Lê Đông với Thúy lúc này là vợ lẽ ở Hà Nội, sinh mầm nảy hạt đứa con trai, đủ an lòng cho chàng trai Kí Khải, rồi điều gì đến sẽ đến, Kí Khải tự nhiên mất tăm tích, bỏ lại Thúy và đứa con chưa đầy tuổi rối bời ngơ ngác, để rồi mang tiếng có chồng phản bội, trăm đắng ngàn cay, bị ghẻ lạnh,
Đoạn cuối của câu chuyện về Thúy, sau cải cách, xây dựng hợp tác xã, bị đày xuống trại chăn nuôi, bị Lê Khanh lúc này là Chủ tịch huyện, rắp tâm cưỡng hiếp không thành đổi ngược lại cho Thúy là phần tử phản động, cầm dao ý định giết cán bộ. Giọt nước cuối tràn li, sau vụ đó, Thúy phải đưa con bỏ quê lên Sơn Tây nhờ vả ông ngoại, vận may cuối cùng được nhận làm ở nông trường, Hoàn lớn lên được học hành đi bộ đội…bắt đầu cuộc chiến đấu mới và hành trình tìm cha, theo lời mẹ dặn.
"Khói đỏ" đã dựng lên cuộc sống và chiến đấu trong vùng tạm chiếm cam go gian khổ và hết lòng của nhân dân, theo Đảng đấu tranh trường kì kháng chiến, người tham gia Việt Minh, người thì đào hầm cất giấu cán bộ hết lòng che chở, người làm tai mắt, liên lạc, hay trực tiếp tham gia chiến đấu, chuyện những nữ du kích như Thúy, Phượng, Bến, Liên bóp,… đấu tranh để được vào du kích trực tiếp đánh giặc, tìm mọi cách để cướp súng địch thật cảm phục và rung động...vân...vân… còn nhiều câu chuyện sống động đánh giặc ở vùng tề đầy nguy hiểm khác nữa, luôn luôn chứng tỏ lòng yêu nước vô bờ bến của nhân dân.
Kết thúc bài viết tôi muốn mở ra một lẽ khác, cái chết của Hoàn con của Thúy với Kí Khải, trên đường ra trận tìm cha, là một dấu chấm lặng, hay khói đỏ trầm kha, mãi mãi là minh chứng hay khỏa lấp cho sự mất mát hi sinh vô định, lai khứ vô hình, sương khói, có phải nhà văn Đức Sơn muốn thể hiện ý này …
Hẳn Cầm Sơn đã giấu một góc cho riêng mình, mấy ai từng biết một Đức Sơn vẻ ngoài dễ gần, nụ cười sảng lảng, nhưng tâm hồn anh rung cảm tận đáy. Bằng chứng là anh dành cả thập kỉ vượt bao dặm dài dọc Trường Sơn, sang tận Căm Pốt tìm cha, gặp gỡ bao nhân chứng khớp nối di cảo, đau đáu theo câu thơ cha gửi gắm niềm nhớ thương nơi "miền sơn cước" "đất đỏ" ố phai màu giấy, anh đã hóa giải nỗi oan khuất. Mượn ý tiểu thuyết này chính là viết về cuộc đời chìm nổi li tán của gia đình anh, xuyên suốt trong cốt truyện được anh mô tả từng chi tiết gần như nguyên gốc, Danh tính cha ông, cuộc đời hoạt động cách mạng, gần như trùng khớp với nhân vật chính trong truyện, đó là Đại tá liệt sỹ tình báo QĐNDVN Nguyễn Xuân Khải (Kí Khải), thôn Nghĩa Đức, Cựu Ước, Mỹ Giang (chính là Văn Lâm), với nhiều phần thưởng truy tặng. Có lẽ đó là nhân tính, niềm nhân bản vớt lên cuối cùng của tiểu thuyết mà anh muốn nhắc tới. Chưa phải là quá muộn. Thế cũng là an ủi. Mấy ai đưa được hình cha bóng mẹ một thời éo le trắc ẩn lên tiểu thuyết, để mà hóa giải oan khuất nửa thế kỉ, niềm khói đỏ cách mạng chênh chao. còn đó một màu đỏ như màu máu lưu li. Đọc tiểu thuyết, người đọc nhận ra vẻ xót xa rưng rưng về cảnh tượng mất mát hi sinh biệt li của những số phận trong cuộc chiến ở một vùng tề, đồng thời cũng đã cho ta thấy rõ hơn khí chất anh hùng, lòng yêu nước của mọi tầng lớp theo Đảng dành tự do độc lập hăng hái tham gia kháng chiến, thầm lặng chiến công.
Tôi quen nhà văn Đức Sơn cũng ngót ngét 20 năm, bắt đầu từ duyên thơ. Hồi ấy ông làm giám đốc Công ty Lâm nghiệp Tam Sơn, Thanh Sơn. Khởi sự đường văn, ông tham gia CLB Thơ Lạc Hồng, trực thuộc Nhà Văn hóa LĐLĐ tỉnh Phú Thọ bây giờ, ông bảo, Câu lạc bộ thơ Lạc Hồng đã thay đổi nhận thức của ông về văn chương. Được sinh hoạt ở nơi có nhiều nhà văn Việt Nam, từ đây trưởng thành với không khí sáng tác cầu thị, gợi mở nhiều cảm hứng sáng tạo, ông khao khát trở thành nhà văn đích thực từ đó. Khi trở thành nhà văn Việt Nam, rồi ủy viên Ban Văn học Công nhân Hội Nhà Văn, kể cả khi chuyển về sống ở Hà Nội, ông vẫn đều đặn sinh hoạt với câu lạc bộ thơ Lạc Hồng Phú Thọ với vai trò Phó chủ nhiệm.
Ở tuổi xấp xỉ 70, trong vòng 10 năm, ông miệt mài cho xuất bản 8 đầu sách, gần nhất là Tiểu thuyết "Khói Đỏ", NXB Thanh niên, 2019. Với tôi đó là sự cố gắng không mệt mỏi.
Tôi có may mắn được đọc truyện kí "Hành trình sang Căm Pốt tìm cha" của ông đầy bí ẩn gian nan, thật cảm động và đã viết bài in trên tạp chí VNĐT. Lúc ấy tôi linh cảm ông sẽ không dừng lại ở việc tìm tro bụi người cha mình, mà sẽ đi tới tận cùng những chìm lấp bí ẩn của cha để sáng tỏ một chân dung, một nhân cách, một hi sinh đúng nghĩa, để tri ân người cách mạng tình báo, rửa oan cho cha mình, vinh danh quê quán dòng họ con cháu tôn thờ. Ông đã làm được điều ấy, ngọn khói đỏ hiện hồn lên sách sử.
Việt Trì, những ngày tháng 7- 2019
N.Đ.P
Đường link để đọc tiểu thuyết "Khói đỏ"
https://nhavancongnhan.com/khoi-do-b92.html
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn