Sáng tác của Nguyễn Đình Bắc

Thứ năm - 12/08/2021 10:14
Nhà văn Nguyễn Đình Bắc
Nhà văn Nguyễn Đình Bắc


           MÙA LÁ RỤNG

                                                                                                                             Tản văn của Nguyễn Đình Bắc

Buổi sáng, tôi trở dậy, bật tung cửa sổ, một luồng sáng trong suốt, xanh óng ả như những chùm tơ nhẹ nhàng bay vào. Theo đó là một làn gió thật hiền, khẽ khàng và hổn hển như hơi thở của người đàn bà đang yêu. Và kia, một chiếc lá vàng còn pha chút xanh tươi đang đậu vắt vẻo trên ô cửa sổ, cứ run lên sau mỗi trận gió đùa.

Thu!
Mùa thu đến thật rồi!
Mặt hồ Linh Đàm hôm nay trong và xanh rất lạ. Một làn sương mỏng mờ ảo, xa xăm như xứ sở của chốn tiên cung. Vài con chim ăn đêm về muộn kêu kin kít, đàn cá đớp mồi lách chách làm cho tôi như thoát ra giấc mộng tiên du. Tôi phóng xe thật nhanh về phổ. Làn gió heo may se lạnh phả vào mặt, không hiểu sao tôi lại nhớ đến câu thơ của nghệ sĩ đa tài Nguyễn Đình Thi:
“Những phổ dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”
Xe tôi lao về đường Phan Đình Phùng để ngắm mùa sấu rụng lá. Không phải chỉ riêng tôi, thấp thoáng nơi đầu phố một đôi người yêu mùa thu cũng có mặt tự khi nào. Một bác trung niên đứng cạnh tôi, tay lăm lăm chiếc máy ảnh chờ cho mỗi đợt gió về, để quay kỳ được những chiếc lá sấu đang rơi. Khi chiếc lá cuối cùng thả mình nhẹ nhàng trên thảm cỏ bên đường, bác chìa máy sát mặt tôi mà tua lại, miệng thì thào: Ông thấy không? Thấy không? Đấy, đấy, những vẩy vàng nàng thu ban tặng chúng ta đấy, mỗi năm chỉ có một lần thôi! Tôi ghé mắt vào khuôn hình, những chiếc lá sấu vàng tươi, long lanh dưới ánh nắng ban mai cứ bay là là, nhẹ nhàng lượn vòng trong không gian như những vẩy vàng lấp lánh. Nghe giọng nói Hà Nội có đôi từ pha lẫn giọng Sài Gòn, tôi đoán người này xa Hà Nội đã lâu. Quả thế, bác trần tình : “Mình sinh ra ở con phố này, nơi đây là chỗ mình thường trèo cây hái sấu. Có lẽ chưa ở đâu sấu ngon như ở đây, nhưng mê hơn cả là mùa sấu rụng lá. Ông có biết không, năm nào, cứ đến mùa thu, dù bận mấy mình cũng về. Rình rập mãi hôm nay mới gặp được nàng thu. Tôi như lây chất men lãng mạn của ông bạn mới quen, chúng tôi say sưa với những bức ảnh, những thước phim tâm đắc. Vài bóng áo dài trắng muốt của mấy cô học trò lướt qua, để lại mùi thơm nhẹ nhàng như mùi hoa sữa .Chúng tôi hẹn nhau đêm nay đi thưởng hoa sữa ở hồ Gươm và đường Nguyễn Du.
Hình như trời chuyển mưa?
Đúng rồi, gió đã mang hơi nước!
Trời hơi sẫm lại, vài hạt mưa lây phây luồn qua kẽ lá.
Mưa!
Mưa rong bão số mười. Mưa lắc rắc, sụt sùi như cô gái khóc nũng nịu người yêu. Mưa làm cho chiếc lá vàng kia dường như nặng thêm chút xíu để có cớ lìa cành mà thả mình diệu nghệ cho cô bé đang xòe bàn tay đón lấy để ép vào trang vở - có lẽ là năm học cuối cùng của em chăng ? Xe hàng hoa của cô gái Nhật Tân vừa đi qua. Chị đang tản bộ gọi lại mua hoa. Không hiểu chị nói gì mà cô hàng hoa phân trần:       
- Sen tàn rồi cô ạ! Mùa này cúc Nhật Tân đẹp lắm, mời cô mua cho con!    
Chị khách hàng mua một bó cúc vàng và tôi cũng mua cho mình một bó. Tôi chợt nhớ mấy câu thơ mà tôi viết từ mùa thu trước:
Ai bảo năm nay thu muộn sang
Heo may chợt đến, sắc thu vàng
Cô hàng hoa cúc cười duyên dáng
Bán cả trời thu cho thế gian.
Cầm bó hoa cúc rực rỡ cô bán hàng chọn giúp, tôi lại nhớ đến gương mặt của người đàn bà tôi yêu. Nàng cũng mặn mà, nền nã mà sang trọng như đóa cúc này.
Tôi rủ ông bạn mới quen tiện đường ra quán cóc Hồ Tây làm ly trà nóng. Quán cóc ngày xưa tôi và em hay ngồi bây giờ người ta dẹp mất rồi!
Tôi lơ đãng nhìn ra mặt hồ bát ngát khói sương mà nhớ lại những chiều cùng em nhặt lá sấu ép vào sổ như cô bé học trò kia, nhớ lại những đêm cùng ngắm bóng sao và tắm trăng thu. Thế mà, đã qua bao mùa lá rụng. Và tôi, cứ mỗi độ thu về là hình bóng em lại hiện hữu trong mơ...
Tôi yêu mùa thu Hà Nội! Mùa thiên nhiên ban tặng những vẩy vàng! Mùa em về trong giấc mơ tôi!...
                                                                                                                      Bán đảo Linh Đàm, ngày 9-2017

                    

                   MIỀN BIỂN BÃO

                  Tản văn của Nguyễn Đình Bắc

2

         Chúng tôi bước trên con cầu chênh vênh dài nghêu như một con rồng tre khổng lồ nối từ Cồn Đen ra Cồn Lờ.

Thái Bình là một tỉnh thuộc miền duyên hải, do dòng Sông Hồng mang phù sa bồi đắp  mà sinh ra các cồn. Rồi cồn cứ bồi mãi... bồi mãi mà thành ấp, thành làng. Và vì thế mà người ta chẳng mấy ngạc nhiên khi một số địa danh vẫn mang tên... “cồn”. Khi ngồi trên ô tô đến Cồn Đen và Cồn Lờ, tôi đã nghe một chị bạn người Thái Bình đọc mấy câu thơ vui...

Đã Vành rồi lại còn “Đen”
“Nhất” rồi! Chưa hả còn thêm cả “Lờ”
Đến tiên cũng phải bất ngờ...!

Khi ô tô dừng bánh, quả thực, cây cầu tre đã gây cho chúng tôi một sự bất ngờ: với chiều dài gần một cây số, gồm hơn sáu trăm nhịp, trải qua bao ngày đêm sóng xô, sóng đẩy, qua bao mùa bão giông làm vỡ đê cuốn nhà, cây cầu nhỏ bé dẻo dai vẫn đứng vững, duyên dáng như kể câu chuyện huyền thoại về sức sáng tạo tuyệt vời của người vùng biển Thụy Anh Thái Bình. Đã hai lần về Cồn Đen, dù rất ước ao muốn gặp và hầu chuyện người chủ sáng tạo ra hai cây cầu, nhưng duyên vẫn chưa tới.

Cồn Lờ hiện ra trong sóng và gió biển. Vì nó nổi lập lờ khi triều lên, xuống nên thành tên gọi đó chăng? Tôi xuống cầu thang, lội ào ra Cồn Lờ. Mưa bắt đầu lất phất. Tôi chân trần chạy  trên cát mịn, nước lành lạnh dưới chân làm tôi sảng khoái vô cùng.  Ngoài kia là biển khơi bao la. Gió và mưa vẫn mơn man ve vuốt. Nhìn dấu chân mình trên  cát, tôi nghĩ đến dấu chân A Đam ngày đầu trên thế gian hoang vu, rồi tôi lại mơ màng... nhớ em! Đã có lần, cũng trên cồn bãi này, vào buổi chiều đẹp mê hồn có mưa bay và gió nhẹ, em yếm trần, chân thon trên cát.

Nhìn dấu chân em
Ta nghĩ về một nàng tiên!
     Em mải mê đuổi bắt con còng, bàn chân trần líu ríu như trẻ thơ. Tôi chợt ước mình là chú còng gió kia, để em phải rượt tìm tôi...Và để khi em nắm được... cánh tay tôi, tôi sẽ... ngoan không... cắp làm em đau! Để tôi được nghe tiếng em cười trong trẻo đến nỗi gió biển thanh sạch mấy cũng phải hờn...

Mải nghĩ, bàn chân tôi chạm vào chiếc cột chòi canh ngao của ngư dân, và tôi chợt tỉnh giấc mơ... Thôi thì mình trèo lên để làm một kiểu ảnh tự sướng” cho... bõ!

Trời bắt đầu chuyển gió, mưa đần nặng hạt, biển vần vũ mây đen. Tôi đành chia tay Cồn Lờ, với bao nhiêu kỷ niệm êm đềm... về em!

Chàng lái xe điện vui tính đã chờ sẵn để chở chúng tôi vào thăm rừng nguyên sinh.  Chà! Lại một chiếc cầu tre dài tương đương nối hai Cồn. Chiếc cầu như một con trăn gió khổng lồ đưa chúng tôi vào khu rừng nguyên sinh biêng biếc lá. Tôi như lạc vào một cảnh phim đầy thơ mộng. Không thể nghĩ rằng mình lại được thưởng ngoạn một cảnh đẹp hoang sơ mà lãng mạn đến dường này. Những cây sú, vẹt, mắm, đước... bát ngát, dày đặc chen chúc nhau, dầm chân dưới phù sa màu mỡ. Nếu ta đi rừng vào ban sáng và trưa thì nhìn rõ lớp phù sa nâu mượt mà. Quá trưa, khi triều lên, rừng cây ngập đến lưng thân. Ta đi trên cầu mà nghe dưới chân rào rào sóng vỗ, róc rách nước chảy luồn qua lá, qua hoa. Bạn sẽ cảm nhận được sự thư thái yên bình và bỏ lại đằng sau những ồn ào, ngổn ngang nơi phố thị. Và tôi, chính lúc này đây, tôi lại nhớ đến em - người đàn bà tôi yêu! Giá giờ này có em, trời không mưa lất phất, gió không xông xáo đe dọa, tôi sẽ mắc võng trên tán cây kia cho em ngồi. Và tôi sẽ ước ao: mình biến thành cây sú, cây vẹt, có tán lá xanh tươi và những chùm hoa dại xinh xắn... làm mái nhà xanh cho em tôi ngồi nhìn lá nhìn hoa mà làm thơ. Tôi yêu em biết bao, cũng như tôi yêu cuộc đời này biết bao!...
Nhưng !... lại nhưng!
Mưa đã bắt đầu nặng hạt, hạt mưa theo gió làm chúng tôi rát mặt.Và một lần nữa, tôi lại phải bỏ lại... giấc mơ...! Thì ra, em và biển Cồn Đen có nhiều nét tương đồng: đẹp, giản dị, hoang sơ và mê đắm vô cùng, ở xa chiêm ngưỡng thì lãng mạn hút hồn, làm cho ta sinh lòng mơ ước, nhưng  một đôi lần tiếp cận, khám phá, hòa nhập thì...Bão ...!
 
 

   Chùm truyện ngắn
 

THẾ MÀ KHÔN PHẾT!
 

                                                            Truyện ngắn của Nguyễn Đình Bắc

    Lão Bưởi loẹt quẹt đôi tông từ phòng trong ra phòng ngoài, rồi lại từ phòng ngoài vào phòng trong có đến trên chục lượt mà vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Chả là đã hơn tháng nay thực hiện “dãn cách xã hội”, lão không được ra khỏi nhà nên bí bích lắm.

Thoạt nhìn tưởng lão đi bộ thay thể dục, nhưng nhìn kỹ thì không phải. Hình như lão đang toan tính điều gì có phần hệ trọng. Đầu hơi cúi, miệng lẩm bẩm, thi thoảng lão lại đưa cái cánh tay phải vừa thô, vừa gân guốc lên làm động tác chặt chặt, chém chém vào không khí. Có lúc lão bật hai ngón tay vào nhau phát ra những tiếng kêu tanh tách.

    Lão đang tư duy!

    Đích thị lão đang tư duy… Nhưng lão nghĩ ngợi gì mới được chứ! Hay lão làm thơ! (Lão vừa được cấp cái thẻ vào Hội thơ vườn mà). Không phải! Nếu làm thơ thì chả đóng cái bộ mặt gân gân, căng thẳng như Bao Thanh Thiên thế kia! Hẳn là chuyện tối quan trọng!

Vừa lúc ấy cái loa làng loẹt xoẹt, loẹt xoẹt một hồi, rồi mới nghe thấy cái giọng ngạt mũi của phát thanh viên. Lão Bưởi đi về phía cửa sổ, nghiêng nghiêng ghé ghé, lão đưa ngón tay út có cái móng dài, đen, cáu bẩn vào ngoáy ngoáy cái lỗ nhĩ, ngõ hầu để nghe cho thủng. Từ ngày nghễnh ngãng, lão thường phân bua với làng:

- Đã hơn nửa thế kỷ nay bao nhiêu là chuyện, có khi chả muốn nghe nhưng nó cứ tuôn chảy vào cái lỗ nhĩ này. Chuyện hay thì tai nọ luồn sang tai kia rồi trôi tuột. Chuyện dở, chuyện rác rưởi ở đời thì nó cứ bám vào, ùn ứ, mắc kẹt trong cái lỗ nhĩ chật hẹp của mình, thành thử bây giờ cái sự nghe trở nên vất vả, nhiều lúc cứ phải hóng mới vỡ nhẽ đầu đuôi câu chuyện. Dứt tiếng loa, thì ra… lão hiểu rồi! Lại cái chuyện tiêm vác xin!

Mấy hôm nay cái loa làng cứ róng rả, róng rả chỉ một bài, nào là chiến dịch nọ, chiến dịch kia; Nào là ưu tiên này, ưu tiên nọ… Thì đấy: đợt một ưu tiên tuyến đầu; Đợt hai gia đình chính sách; Đợt ba lực lượng vũ trang… đợt bốn ưu tiên… vân vân và… vân vân…

Ừ! Mà cũng phải! Còn mình thuộc diện…ưu tiên …chót! Nghĩ vậy nên lão chả mấy quan tâm đến cái loa làng này nữa. Nhưng hôm nay thì khác. Nghe thủng câu chuyện, mặt lão dãn ra. Số là hôm nay đến lượt ưu tiên các đối tượng lứa tuổi từ 18 đến 80, ai chưa tiêm khẩn trương đăng ký. Ối giời! Có thế chứ! Vác xin đâu phải nước xuýt mà bảo húp được nhiều. Mỗi người chỉ một liều, mà có khi một liều thôi không khéo cũng đủ tìm đường về với ông bà, ông vải ấy chứ. Lão lại nghênh nghếch cái đầu hóng tiếp. Loa làng bẩu rằng: các đối tượng muốn tiêm phải đăng ký. Này nhá: họ và tên, chỗ ở… kèm theo các thông tin X, Y, Z, Z phết… Sau khi ghi đầy đủ, “bót” vào trang Zalo của làng! Hiểu rồi! Hiểu rồi! Cái thời công nghệ “bún chấm không” này kể cũng tiện ích thật!

Rời cửa sổ, tức thì lão Bưởi vớ lấy cái “con dế thông minh” có cái nhãn quả táo chuột gặm đã hết đát gần mười năm nay mà thằng con thải hồi về địa phương biếu bố. Lão bấm choanh choách một hồi: này thì họ, này thì tên, này thì thông tin X, Y, Z, này thì Z phết… nhá! Lão cũng không quên đăng ký cho mụ vợ lắm mồm nhưng được cái suốt ngày chỉ chăm chút bếp núc nấu ăn cho lão. Chẳng may mụ mà không có tên thì… chết với mụ. Ở đời kém miếng khó chịu mà! Điền xong thông tin lão tìm trang “da lon” của làng bấn cái “choách”.

 Xong!

Lão thở phào nhẹ nhõm.

Sau khi ngó trọn hai bộ phim “Thương nhớ ở ai” và “Hương vị tình thân” lão Bưởi vớ cái điều khiển tắt xoẹt ti vi rồi gieo đầu xuống gối. Đang thiu thiu thì con dế phát tiếng tò tí te, lão giật mình vơ lấy máy. Quái, đã hơn mười giờ đêm, đứa nào còn gây rối đây?  Đầu kia tiếng quan “nhất phẩm làng” khê nặc, khê nồng:

-Này! Ông tên Buổi hay tên Buôi… thì bảo?

- Ô hay! Tên tôi là Bưởi - Tạ Tấn Bưởi! Cái tên thơm tho thế sao lại là Buôi với Buổi được!

-Thì đây, ông chả ghi Buôi là gì. May mà không có dấu huyền. Nếu có dấu huyền là tôi cắt phéng!

- Ấy chết! Tôi nhầm, tại thằng đánh máy, nhờ bác đính chính lại cho. Tên tôi là Bưởi, Tạ Tấn Bưởi. Chả là vào một sáng sau cơn mưa, mẹ tôi ra vườn nhặt bưởi, thấy nhiều bưởi rụng, ấy thế là tôi chui tọt ra định nhặt bưởi giúp bà. Từ đấy, bà liền đặt cho tôi cái tên cúng cơm là Bưởi. Mà cái tên cũng được đấy chứ, nhỉ! - Thuận mồm, lão Bưởi ba hoa xoa dịu.

- Thôi được! Ok! Nhớ tầm này ngày mai mở máy để xem danh sách, thời gian và địa điểm tiêm. Đầu kia cúp máy đánh rụp!

- Ôi giời! Lại những tầm này ngày mai, sao mà vất vả thế - lão cằn nhằn một hồi rồi gieo mình xuốnng giường ngủ tiếp.

Giấy hẹn chín giờ, nhưng mấy bô lão trong làng hình như sợ mất phần nên cứ húi mình đi sớm. Đi thì đi, chả ngán!

Mới tám giờ ba mươi, mấy bô lão đã có mặt nơi tập kết chờ tiêm. Gần giữa thu, gió trong veo nhưng vẫn còn khá nóng, vậy mà hình như chả ai cảm thấy gì. Phần vì phấn chấn được tiêm, phần vì chả mấy khi được sổ lồng nên nom ai cũng hớn hở như trẻ con được kẹo.

Tiếng loa pin ngọt nghẹt: Mời cư dân tổ Gốc Mít xếp hàng trước cổng để vào tiêm, khi đọc tên ai, nhớ xuất trình căn cước công dân.

1     Minh họa của báo Lao động

Đây rồi! nhất định là tiêm! Nhá! - lão Bưởi lẩm bẩm chìa cái căn cước công dân cho chú đeo băng đỏ gác cổng lườm rồi hùng dũng bước vào. Trong cổng, mấy cô tình nguyện viên mặc áo xanh hướng dẫn: này là đo nhiệt độ; Này là sát khuẩn tay; Này là điền thông tin vào mẫu… Đến đoạn đo huyết áp, lòng đầy tự tin bởi thường ngày huyết áp của lão chỉ tầm 110/70, ai cũng bảo lão khỏe như thanh niên vậy mà ai ngờ nay “nó” vọt hẳn 170/90 mới hận. Mà nào có hồi hộp, sợ sệt bố con thằng nào cho cam! Dưng mà, cũng đâu phải riêng mình lão, tất tần tật, tuốt tuồn tuột mấy lão đi cùng mình cũng thế, huyết áp cứ vọt lên như ngựa bất kham, phải ra nghỉ rồi đo lại đến lần thứ ba.

Mặt trời đã lên cao, không khí có phần khó chịu. Nhìn qua lưng áo lão Bồng, lão Tứ đã lấm tấm mồ hôi. Bây giờ thì khá rồi, huyết áp chỉ còn 130/90. Ổn!

Bước ra khỏi cửa theo tay chú áo xanh lão vào phòng bác sỹ kéo ghế ngồi chờ, lại chờ!

Đến lượt. Hai tay trịnh trọng lão đưa tờ hồ sơ cho bác sỹ. Bác sỹ lướt qua rồi tròn mắt: “Bác tuổi 75?”

  - Vâng, tôi tuổi Hợi! Đinh Hợi!

  - Vậy mời bác về!

  - Về? Vì sao? Cái vành tai lão rân rân như có kiến bò – khó chịu!

  - Vì thuốc này không tiêm được cho người trên 65 tuổi.

Lão rời khỏi ghế, ra cửa rồi còn định quay lại cự một câu cho bõ tức: “Vậy sao các ông điệu chúng tôi đến đây?”. Nghĩ vậy nhưng lão kìm được, bụng bảo dạ dây vào mấy ông quan áo trắng này nhỡ mai gặp lại phiền! Lão đánh rơi tiếng thở dài đến “thượt” trên nền nhà rồi lững thững bước đi. Té ra chẳng riêng mình, tất tần tật, tuốt tuồn tuột các bô lão đều rút lui có trật tự. Trời thì cứ nắng chang chang. 

Về!

Bẵng đi gần một tuần trăng, hôm nay cái loa làng lại ọ ẹ:

               - Bà con nào chưa tiêm nay yêu cầu đăng ký lại. Do “bún chấm không” có   vấn đề nên đợt này bà con viết giấy gửi bảo vệ trực ở cổng làng.

Lại còn thế nữa! Nhưng qua sông phải lụy đò thôi, các cụ dậy thế.

Lão Bưởi lục mãi mới thấy quyển sổ cũ và chiếc bút bi, lão mở sổ xé cái “roạt” rồi ngồi ngay ngắn vào bàn. Đã lâu không cầm bút, tay lão cứng đơ đơ. Lão bấm bút bi “tách” rồi thận trọng cà đầu bút xuống mặt bàn. May quá, bút chưa hết mực. Lão lia bút mấy lần trên mặt giấy rồi mới thận trọng viết từng chữ: này thì Tạ; Này Tấn; Này thì BỜ… ƯƠI…BƯƠI hỏi Bưởi này. Dừng bút, lão chun miệng một mình: lần này thì đúng Bưởi rồi nha, không còn buôi, buồi chi hết. Dưng mà chữ xấu quá liệu họ có luận ra không! Lão thấy lo lo. Tiếp: này thì thông tin X, này Y, này Z, này Z phết nữa này! Xong! Lão tong tả đi nộp cho bảo vệ làng.

Lần này giấy hẹn ba giờ chiều. Nhớ câu “ăn cỗ đi trước”. Mấy bô lão lại lục tục có mặt từ lúc hai giờ ba mươi. Ối! Sao hôm nay đông như quân Nguyên thế này. Vòng đi vòng lại mãi lão mới tìm được chỗ ghếch con tám hai vào chỗ trống, mà cũng chỉ ghé được cái đầu xe, còn cái đít xe vẫn chơi vơi tận giữa lòng đường. Kệ! Ai bảo đẻ cho lắm vào. Xong xuôi, phải tìm ngay một bóng râm, nhưng tất cả các gốc cây đều đặc kín, giãn cách người với người chỉ độ gang tay. Nhìn thấy lão, vị quan “nhất phẩm làng” lại gần ghé tai động viên:

- Bác nói các cụ chịu khó chờ, bốn giờ mới đến lượt mình tiêm. Hôm nay thuốc Mỹ nên đông.

- Ối giời! Thuốc Mỹ cơ à? Số mình thế mà hên! Phấn khởi thật đấy, nhưng lưng áo cứ thánh thót mồ hôi. Lại còn cái tội, trước khi đi mụ béo cứ ép mình phải “đóng kép” khẩu trang, giờ nó mới ngột ngạt làm sao! Hai chân hết nghiêm lại nghỉ nhưng đã thấy tê tê, nhồn nhột. Đã quá nửa mùa thu mà sao cái nắng cứ vàng ệch ra, nhợt nhạt như da mặt thằng sốt rét rừng, vậy mà oi nồng đến ngạt thở. Liếc đồng hồ đã bốn giờ hai mươi.

Tiếng loa pin như nghẹt mũi õng ẹo:

               - Mời bà con tổ Gốc Mít xếp hàng vào tiêm, nhớ giãn cách và cầm sẵn căn cước công dân ra tay.

Lão Bưởi và mấy ông già lập cập lách mãi mới lại được gần cổng, miệng lẩm bẩm: “có mà…giãn vào mắt!”. Mọi người còn đang chen lấn xô đẩy thì quan “nhất phẩm làng” xuất hiện. Huơ huơ cuộn giấy trên tay, quan phán xanh rờn:

- Do thiếu thuốc nên có sự điều chỉnh từ cấp trên, hôm nay chỉ tiêm được 50% cho tổ Gốc Mít thôi, cụ thể bà con ở phiến trên tiêm trước, bà con ở phiến dưới tạm thời về nghỉ chiều mai tiêm nốt.

Ôi trời! Mấy lão già lại thuộc danh sách phiến dưới mới đau làm sao! Còn biết kêu ai hở giời, thôi đành…quay gót. Từ hai đầu đường, chả hiểu sao mọi người vẫn kéo đến ngày một đông hơn! Kệ! Rút! Lão loay hoay kéo con tám hai rồi phốc lên, vè vè chuồn thẳng.

Hôm sau, đúng mười sáu giờ lão phanh xe ở điểm tập kết. Ơ kìa, sao hôm nay vắng như chùa Bà Đanh thế này. Hai bên đường lác đác vài cái xe máy. Thấy vắng vẻ, lão Bưởi đang loay hoay mở cái khóa càng định bụng “cẩn tắc vô áy náy” thì đã nghe tiếng quan “nhất phẩm làng” gióng giả phía sau:

                - Bác Bưởi! Bác Bưởi vào đi, gọi tên bác lâu rồi. Không cần khóa xe, cứ để đấy không mất đâu mà sợ. Các cụ khác vào tiêm cả rồi.

Lão Bưởi lật đật xô đến cổng, tay chìa căn cước công dân miệng hổn hển:

- Tôi tên Bưởi, tổ Gốc… Gốc Mít. Lão chưa nói hết câu, chú bảo vệ đã đon đả:

- Vâng! Mời bác vào. Hôm nay đặc biệt ưu tiên “cây cao bóng cả” ạ!

Lại đo nhiệt độ, lại sát khuẩn tay, lại tờ khai với những thông tin X, Y, Z, Z phết. Nhất quyết không được thiếu. Duy một điều, cái huyết áp hôm nay chỉ còn 120/80 thế mới xịn làm sao.

Đến cửa phòng tiêm, lão vội vén cao cái tay áo phông với tư thế sẵn sàng. Vừa đặt đít xuống ghế đã thấy nhói nơi cánh tay.

Xong!

Chắc ăn rồi - lão nghĩ. Bước sang phòng chờ theo dõi sau tiêm, lão thận trọng đặt tờ giấy lên bàn cô áo trắng rồi kiếm cái ghế ngay dưới quạt trần cho mát. Ngó quanh cả phòng chờ chỉ độ dăm người, lão quay sang chú thanh niên gạ chuyện:

- Này chú, sao hôm qua đông như quân Nguyên mà hôm nay vắng như nhà có mả hủi thế nhỉ?

- Ô! Bác không biết à? Hôm qua thuốc Mỹ, người ta dìu dắt, co kéo nhau tiêm, còn hôm nay thuốc Tầu, người ta lảng tiệt. Thế nên bác cháu mình mới được thảnh thơi thế này.

- Hiểu rồi! Hiểu rồi! Họ chọn thuốc tốt. Nhưng họ sai rồi. Tôi nói chú nghe này, cái thằng Tầu ấy, từ cái thuở Hán Cao Tổ chém rắn khởi nghĩa lập quốc đến cái đời Tần Thủy Hoàng nổi tiếng gian manh nó đã biết chế thuốc mê, vê thuốc giải rồi nhá. Cái gì chứ, riêng ngón này họ nhất hành tinh luôn. Không tin chú cứ về đọc Thủy Hử thì biết. Gã thanh niên gật gù ra vẻ tán đồng.

Dứt câu chuyện, lão Bưởi thò tay vào túi móc con dế, đảo ống tê lê làm một kiểu tự sướng rồi bấm choách choách nhắn cho con trai hay cho người nào ở tít đẩu, tít đâu chả biết: “Trích rồi! Yên tâm, nhá!”. Xong, lão lướt oét.

1,Ngày này năm xưa, 11- 9 tòa Tháp đôi đổ rụp!

2,Hôm nay, 11- 9 Ngoại trưởng láng giềng Vàng ghé chơi!

3,Hôm nay, 11- 9 Sa Mu Rai - Thống lĩnh của xứ sở mặt trời mọc đáp xuống Hà Nội.

4,Hôm nay, 11- 9 vị tướng bốn sao rời cõi tạm! Ôi! Thành kính phân ưu!

Hôm nay, còn gì nữa đây! À phải rồi:

5,Hôm nay, lão Bưởi công dân tổ Gốc Mít choác liều Siroopham Tầu chính hãng!

Rõ là một ngày 5 sự kiện, đúng là “ngũ tử cướp cái” chứ chả vừa đâu!

Lão đang lim dim, gật gù chiêm nghiệm thì nghe tiếng cô áo trắng the thé:

     -Bác Tạ Tấn Buôi, cô nhắc lại: bác Tạ Tấn Buôi lên nhận giấy chứng tiêm.

Lão giật mình vội vã: Tạ Tấn Bưởi, Bưởi, Bưởi ấy ạ! Không phải Buôi. Chết thật! Chữ với nghĩa! Lão rời ghế lên cầm mảnh giấy có cái dấu đỏ nhờ nhờ đè lên chữ ký cong queo hệt con giun đất. Lão cảm ơn rồi bước ra.

     Đã năm giờ chiều, trời thu xanh ngằn ngặt. Lững thững bước một ra cổng, con xe “đầu tám đít chơi vơi” ghẻ lở của lão vẫn còn yên vị. Lão ghé đít, vặn ga phóng ve ve về nhà, lòng đầy phấn khích.  

     Ô! Sao cửa lại mở toang thế này? Lão bước vội đến nơi thì đã thấy mụ béo chặn lè trước cửa. Thấy lão, mụ cất cái giọng dẹt bè bè:

- Mềnh… tem đạc chua? Tức thì lão dập gót giầy đến “rộp”, ưỡn ngực, giơ tay chào kiểu “sỹ quan tự vệ” thập kỷ bẩy mươi của thế kỷ 20 mà dõng dạc:

- Đã choác liều…Sinopharm Tầu chính hãng. Hoàn thành xuất sắc chiến dịch “ngoại giao vác xin” một cách vẻ vang!

Mụ béo giật tờ giấy chứng tiêm trên tay lão Bưởi, rồi bỗng nhiên mụ co một chân, chân còn lại nhẩy cẫng, quay tròn, miệng hét oang oang:

     - Sống rồi! Sống rồi! Sống rồi!... Lão Bưởi giật mình, tưởng mụ phát rồ liền quát:

     - Điên à! Sống sống, chết chết cái gì? Bấy giờ mụ mới buông cái chân co đến thịch một cái xuống sàn nhà. Mặt mụ vênh vênh tự đắc. Một tay chống nạnh, tay kia phất phất tờ giấy chứng tiêm qua mặt lão Bưởi mà rằng:

     - Này nhá! Ông biết không, có cái giấy này, nói dại, nhỡ mai mốt, chú Khách nó tràn sang, mình chìa ra. Hảo lớ! Hảo lớ! Hảo hảo lớ! Thế chả sống à!

     Lão còn đang ớ ra, bỗng có tiếng sập cửa đánh rầm. Thì ra thấy huyên náo, bà chủ nhà đối diện hé cửa đứng nghe, bây giờ thủng câu chuyện bà sập cửa quay vào, vừa đi vừa lẩm bầm:

        - Cái lão Bưởi hàng ngày khù khờ là thế, ai dè lại khôn như ma xó ấy bao giờ. Đúng là nhìn xa, trông rộng. Còn lão nhà mình cứ khoe khéo khoe khôn, pha này thì…vứt! Cứ theo lời mụ béo thảng hoặc khi chú Khách nó bành, nó trướng thật thì mình tính sao đây!

Nghe bà hàng xóm lầu bầu, lão Bưởi ra chiều đắc chí.

He he! Mụ béo nhà mình, thoạt nhìn thì… thẩm mỹ không được cao lắm, thế mà…khôn phết.

                                                              Bán đảo Linh Đàm, 16 giờ 59 ngày 12-9-2021. NĐB

                                                             

    BẢN ÁN DÀNH CHO NGƯỜI HỌA SỸ

                                            

Ngày xửa ngày xưa, ở Vương quốc Mù Xa, có một Ái phi được Hoàng đế hết mực sủng ái, nhưng chẳng may nàng mắc chứng trầm cảm, suốt ngày sầu não, chẳng nói, chẳng cười.

Để làm vui lòng người đẹp, Hoàng đế cho kiếm khắp thiên hạ được một anh hề có tiếng, đem về cốt để làm trò cho vui lòng người đẹp. Ngày ngày hề luôn được ở cạnh Ái phi, nhưng để cho Ái phi khỏi nhàm chán bởi cái bộ mặt cũ kỹ của mình, chàng liền nghĩ cách nhờ họa sỹ tài danh vẽ mặt; Từ đó, thôi thì: tím, đỏ, vàng, xanh, đến nâu non, cánh dán,… người họa sỹ dùng tất cả các gam màu bôi lên cốt tạo ra những khuôn mặt ngộ nghĩnh, gây cười; Và thế là mỗi ngày hề ta có một bộ mặt khác nhau. Quả nhiên từ ngày có hề, Ái phi tỏ ra vui tươi, nhí nhảnh, hay nói, hay cười, Hoàng đế lấy làm ưng bụng lắm.

Rồi một hôm, Hoàng đế cùng Ái phi dạo thuyền rồng trên sông. Và tất nhiên hề là nhân vật không thể thiếu trong chuyến  du ngoạn đầy thơ mộng ấy. Trên boong thuyền, Hoàng đế mở tiệc rượu khoản đãi Ái phi và các cận thần. Hề ta được dịp trổ hết tài năng gây cười, cốt để làm đẹp lòng Ái phi và Hoàng đế. Cứ mỗi lần cười ngây ngất, Ái phi lại đích thân thưởng rượu cho hề. Thấy vậy các cận thần cũng thi nhau cười... thi nhau chuốc rượu. Rượu đã ngà say, lại quá đà cống hiến, chẳng may hề sa chân gieo mình xuống dòng nước xiếtbặt tăm!

Để tỏ lòng tri ân với người có công cúc cung người đẹp, Hoàng đế lệnh cho họa sỹ trong ba ngày phải vẽ lại chân dung của hề để “lưu truyền hậu thế”. Nhưng khốn thay, bấy lâu nay, người họa sỹ đâu có để ý đến cái mặt thật của hề, mà chỉ chuyên tâm nghĩ đến những cái mặt tím, đỏ, vàng xanh đầy giả dối mà ái phi yêu thích. Ngay cả cái tên thật của Hề cũng chẳng ai biết là ai.

Hết hạn ba ngày, người họa sỹ đành tự trói mình đến trước sân chầu chịu án khi quân...!

 

CHỌN SOÁI

1        

   Trước muôn loài thủy tộc, Thủy Tề vẻ mặt rầu rầu:

   -Ta triệu các khanh về đây có việc khẩn cấp. Hiện nay loài người vô cùng độc ác, họ trút tất cả rác thải dơ bẩn xuống đại dương ta, chẳng mấy nữa rác thải nhựa tràn vào cung thất. Đấy là chưa kể đến tầu nổi, tầu chìm quanh năm quần thảo gây tiếng ồn làm rung động cả thủy cung. Vậy ta cần chọn một kẻ có tài để đề ra sách lược chống lại mối nguy hại mà loài người gây cho chúng ta. Nếu không có biện pháp hữu hiệu thì chẳng mấy chốc chúng ta sẽ diệt vong! Hỡi quần thần trung thành của trẫm! Các khanh hãy trổ tài xem ai là người xứng đáng nhận trọng trách trong lúc cam go này.

Nghe vậy các loài thủy tộc nhao nhao ứng thí.

Cua nhanh nhẩu tâu trình:

-Bẩm Thủy Hoàng, loài người nham hiểm khôn lường, nếu chúng ta đọ sức trực diện với họ ắt ta thất bại. Xưa nay họ hàng nhà thần có chiến lược “bò ngang” có thể giúp ta thoát nạn. Nếu được trọng dụng, thần xin hết lòng truyền bá cho muôn loài để khi gặp người tấn công trực diện có thể… rẽ ngang mà thoát…!

Bật nhanh trước vài kẻ xì xào to nhỏ, Tôm chắp đôi càng chẳng mấy to nhớn mà bẩm rằng:

-Muôn tâu! Cũng dòng giống nhà Rồng, nhưng họ tộc nhà thần lại có chiến thuật rút lui mau lẹ. Nói rồi Tôm búng một nhát, lùi xa gấp bốn lần thân. Thủy Tề mặt đăm chiêu suy nghĩ…

Nhìn Cua và Tôm trổ tài, Mực ta ngứa ngáy lắm, cứ uốn éo cái chùm xúc tu nghe chừng không phục. Chờ cho Tôm về chỗ, Mực tiến lên dõng dạc tâu trình:

-Bẩm Thủy Hoàng, loài người đã nghĩ ra vũ khí có tốc độ siêu thanh nên dù rẽ ngang hay giật lùi đều không thể thoát. Muốn thoát chỉ có cách nghi binh.

Dứt lời, Mực lấy sức phun ra một đám đen ngòm che kín cả thủy cung, rồi thừa cơ lẩn ra ngoài bặt tích. Sau khi đám mây mực tan đi, Thủy Hoàng ngơ ngác không thấy Mực đâu, lúc bấy giờ Mực ta mới múa đám xúc tu ẻo lả tiến lên trước mặt Thủy Hoàng. Thủy Hoàng gật gù ra chiều ưng ý.

Kệ cho Mực vênh váo, lúc này Ốc mới khệnh khạng, tha cái giáp cứng kềnh càng đến trước mặt Thủy Hoàng mà rằng:

- Muôn tâu thánh thượng, kế sách của các vị Cua, Tôm và Mực đều là kế rút lui, lẩn tránh, mà với loài người càng rút lui họ càng lấn tới. Cái đại dương này với họ chỉ như cái ao nhà vậy chạy đâu cho thoát. Thần xin hiến diệu kế mà đức thủy tổ nhà thần để lại. Thần tuy nhỏ thó nhưng cũng xin lấy cái miệng của mình mà gánh vác trọng trách.

    Tiếng xì xào trong mật viện rộ lên. Thủy Hoàng khoát tay làm hiệu im lặng, rồi ngài xúc động nói:

    -Vậy diệu kế cái miệng của ngươi ra sao, hãy mau mau cho ta và quần thần được biết.

     Chỉ chờ có vậy, Ốc ta mới thẽ thọt tâu trình:

    -Muôn tâu thánh thượng, trên thế gian này đố loài vật nào có cái miệng đa năng và hữu hiệu như miệng thần đây. Này nhá: thần tiến lên cũng nhờ cái miệng; Thần nuốt chửng tài nguyên thiên nhiên cũng là cái miệng; Thế rồi thần muốn xả cặn bã cho đời cũng do cái miệng đảm trách; Ấy là chưa kể… việc thần làm cái chuyện… để duy trì nòi giống cũng từ cái miệng mà ra. Với bằng ấy chức năng chẳng phải cái miệng của thần lợi hại lắm sao? Trước tình thế lâm nguy đe dọa sự tồn vong của hoàng tộc và muôn loài, thần xin uốn ba tấc lưỡi để thuyết phục cái loài người độc địa kia bớt cái bàn tay nanh ác mà chung sống hòa bình may ra mới cứu được nguy cơ muôn loài tuyệt chủng!

Ốc vừa dứt lời, Thủy Hoàng ngồi đơ trên ngai, cặp mắt ngài trùng xuống… xa xăm!

Thấy vậy mấy anh chàng to xác như cá Voi, cá Mập, cá Kình giật mình quay đầu lặn mất tăm vào đại dương bịt bùng lạnh lẽo!

 

                                                                               Bán đảo Linh Đàm 6-4-2020
 

Thơ
 
băc
 
Nguyễn Đình Bắc
 
ƯỚC
 
Ước một ngày ta đến được Hoàng Sa
Đem con sóng đặt giữa thành Hoàng Diệu
Để muôn đời cháu con ta sẽ hiểu
Đất nước này không thể thiếu Hoàng Sa!
 
Ước một ngày ta đến được Gạc Ma
Lấy phiến đá về khắc bia tưởng niệm
Những người con đã trọn đời dâng hiến
Tuổi thanh xuân cho Tổ quốc – Mẹ hiền.
 
Ước một ngày ta đến được Vị Xuyên
Trồng khóm hoa hồng tươi như sắc máu
Để nói với muôn ngàn đời con cháu
Mảnh đất này còn mãi – Máu và hoa.
 
Hỡi những anh hùng đã vĩnh viễn đi xa
Các anh sống trong lời ca bất diệt.
Trước mũi súng của quân thù truyền kiếp.
Tổ quốc tôi lẫm liệt – đến kiêu hùng!
 
 
BÃO LỬA
 
Anh từng nghe theo lời Nữ thần tình yêu
Bao năm dài tay cầm tên nỏ
Đi tìm em khắp chân trời góc bể
Càng đi, càng thấy xa xăm…
 
Có một nàng đom đóm lạc trong đêm
Một cô chuồn chuồn trên bờ ao tìm nắng
Một ả chão chàng kêu than trong đêm vắng
Một chị cào cào khoe mớ bẩy, mớ ba…
 
Em đâu rồi! Con ong mật giữa rừng hoa
Thắt đáy lưng ong, mắt hiền trong như suối
Làn tóc mây bồng bềnh xanh vời vợi
Nét duyên thầm (chỉ anh mới nhận ra).
 
Mùa xuân về cho vạn vật thăng hoa
Mầm cây nhú trên gốc xưa cằn cỗi
Như mùa xuân - tình yêu không có tuổi
Cứ biếc xanh rung rức tận chân trời
 
Về đi em! Bão lửa lòng tôi…!
 
                    Ngày “Tình yêu” 14-2-2019.
 
 
 
NÀNG THƠ
 
Kiếp luân hồi có thật không em
Mà vết rạn nay hằn sâu nơi khoé mắt
Mà thương nhớ cả khi chưa thấy mặt
Xót xa đời, năm tháng...những chiều phôi
 
Dã bao lần em nghèn nghẹn trách tôi
Sao bỏ mặc em nổi chìm trong sóng dữ
Chưa thấy nhau sao không... tìm tiếp nữa...
Để tàn phai hương sắc một đài hoa.
 
Em có biết rằng ở tận phía trời xa
Trái tim tôi đã bao lần muốn vỡ
Nàng ở đâu trong bịt bùng giông tố
Bước gập ghềnh, mòn vẹt cả đời trai...!
 
Tôi trở về nguồn khi tiếng chiều rơi
Bắt được em, bước ra từ lời ru của mẹ
Cánh cò bay la, con bống ngoan be bé
Neo đậu chúng mình ngan ngát những vần xuân...
 
 31-7-2021
 
 
ĐẾM MƯA
 

Ngồi buồn đếm hạt mưa rơi
Hạt biêng biếc nhớ, hạt vời vợi thương.
Hạt sa giếng cạn bên đường
Hạt lăn lóc giữa phố phường đỏ đen
Hạt đâu thân phận thấp hèn
Hạt nào vương giả, bon chen kiếp người
Ngồi buồn đếm hạt mưa rơi
Ngẫm thân phận, ngẫm cuộc đời… buồn tênh!
 
QUA CẦU
 
Xa xót một thời
nép mình trong khuôn hình chật hẹp.
Trồng lúa lúa lép
Trồng khoai khoai hà!
 
Vịn khúc dân ca
em bước qua cầu…
Bỏ lại phía sau
 con đường cắc cớ
Đem theo trái tim duyên nợ
Đi tìm mình…
 trong giấc mơ hoang.
 
Cây trút lá trên ngàn
Nước dưới dòng sâu trôi về viễn xứ.
Bước trước ngập ngừng
Bước sau do dự.
Sầm sập chiều về
Bóng tãi bên sông.
 

 

Nguồn tin: HNV

Tổng số điểm của bài viết là: 21 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 4.2 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây