THƠ TRONG BỤI MƯA XUÂN

Thứ tư - 19/03/2025 10:28
THƠ TRONG BỤI MƯA XUÂN
 

       Đoàn Việt

          Trước khi đưa xuất bản tập Tiếng Xuân này, Ngô Ngọc Thăng đã có hai tập thơ: Trái Trầu không - NXB Văn học, 2011 và Tình vuông - NXB Hội Nhà văn, 2015. Ngoài ra thơ ông còn được các NXB chọn in trong các Tuyển tập và thơ đăng báo cũng khá nhiều.

   Qua ba tập thơ này, ta dễ nhận ra Ngô Ngọc Thăng là một tác giả thơ trữ tình, song nghiêng về phần tình yêu giành cho những người phụ nữ trong đời sống, sinh hoạt thường ngày. Có thể nói, ở cái tuổi quá niên cũng đã khá dài, phần lớn bài của nhà thơ được coi là thả tình, chỉ một phía ông chứ không có phần đáp lễ hay dẫn đến một kết quả nào cả. Nhưng ta không nhận thấy có điều gì là thất tình, điều gì là tiếc nuối mà hầu như tính tự tại và lạc quan luôn giữ vai trò chủ đạo, làm nên bài thơ tình sáng láng như mối quan hệ của con người với khí tiết mùa xuân vậy. Ở tập thứ ba này, trạng thái tình cảm ấy của tác giả càng rõ nét hơn và cách thể hiện vượt trội hơn trong hành trình thơ Ngô Ngọc Thăng.

    Những năm qua, Thơ Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đã và đang đổi mới rất nhiều, nhất là ở các tác giả trẻ, từ quan niệm, tư duy đến lối thể hiện, cách thức giới thiệu và quảng bá…Người ta không còn câu nệ vào nội dung bài thơ hay chủ đề chương mục như trước đây mà nặng về biểu đạt nghệ thuật và cấu trúc. Ngô Ngọc Thăng không còn trẻ nhưng cũng không chịu níu giữ lối cũ, mà ở tập thơ này ông chú tâm đến lối viết chứ không nặng về yêu cầu nội dung rằng viết về vấn đề gì. Ví như ở những năm trước và sau năm 2000, ta thường chia nhóm bài viết về lao động nông nghiệp, thủy lợi, rừng, biển, nhà trường hay quân đội; hay về miền vùng: vùng cao, miền Trung, miền Nam, Tây nguyên v.v…để ca ngợi lao động và chiến đấu; nội dung nặng hơn thi tứ rất nhiều. Tập Tiếng Xuân, tác giả tự do tùy hứng, say mê đổi mới câu chữ nên từng bài thơ đã  khá chắt lọc, tinh tế, theo hướng vượt lên.

Từ tựa đề Tiếng Xuân, chúng ta lại dễ liên tưởng tới Tiếng Thu của cố Nhà thơ lớn Lưu Trọng Lư, nghe những lời thổn thức dưới ánh trăng mờ, tiếng lòng rạo rực của người cô phụ và tiếng lá rơi xào xạc trong rừng vắng…ở những năm 35-40 thật khác bây giờ nhiều lắm. Tuy cái hay ở thơ thì luôn giống nhau rằng ta chỉ có thể cảm thấy mà không thể mói ra được rạch ròi (Phạm Duy). Không biết khi chọn Tiếng xuân, Ngô Ngọc Thăng có mường tượng về Tiếng thu không chứ nghe ra đọc của thế hệ trước tất nhiên chịu ảnh hưởng về cái cách là có. Thế cũng là tốt lắm chứ. Ngô Ngọc Thăng không lấy mùa xuân làm chủ đề để viết về nó, bạn đọc không thấy được gì về hình hài của mùa xuân, mà chỉ thấy sự chuyển động của sức xuân - chính là tố chất của thiếu nữ (hay của phái đẹp) do nhà thơ hình dung ra. Đi qua mùa đông gầy guộc, bụi mưa đã làm nàng xuân bỗng chốc thật nồng nàn, một chút bối rối và phóng túng của tiếng chim.

    Những bài thơ mang phong thái ấy là: Sắc xuân, Duyên Quan họ, Tiếng Xuân, Cù Lao Chàm, Núi Đôi, Mùa vàng, Tình thơ, Thầm thì khoảng lặng, Mạch chữ, Hương lá, Lục bát đêm trăng, Yếm sen, Gửi theo nỗi nhớ, Chuyến đò năm xưa Chén rượu đào…Ta hãy cùng đọc mấy đoạn như:

Cánh đồng mở toang
Mùa thi ước hẹn
Người cùng cánh én
Dệt xanh đồng làng…
                       (Sắc Xuân)
Bình minh treo lửa mắt ai
Trái mơ nứt nụ, sương cài yếm Xuân
Em qua Xuân chín bâng khuâng
Tơ hồng vít ngọn cúc tần sang nhau.
                         (Xuân chín)
Ô che óng áo tứ thân
Ao đình sóng sánh mây tần ngần em.
                             (Duyên Quan họ)
Hay là:
Nắng choàng ngực núi sương bay
Gió nghiêng chéo vạt áo mây thẹn thùng
Cỏ non xanh mướt lạch thung
Bình minh níu bước ngập ngừng núi Đôi.

                              (Núi Đôi)

Thơ với những câu vừa hình ảnh vừa ẩn dụ lại vừa ước lệ hóa thực tế rất thanh thoát như thế có ở hầu hết các bài thơ lục bát của ông. Thơ lục bát cũng chiếm phần lớn trong tập, thật nhuần nhuyễn và chọn khâu nối từ ngữ khá chắc và thoát ý, làm cho câu thơ trong trẻo, nhẹ nhàng, thắm duyên.

    Phần thơ viết theo thể thơ tự do chiếm dung lượng ít hơn song nó khá cô đọng. Vì không câu nệ quá về vần điệu hay niêm luật nên ở đây tác giả có điều kiện để phát huy sở trường tìm tòi, sáng tạo, mặc áo mới cho câu chữ. Đọc các bài: Hương Châu mộc, Giao mùa hay Về quê Nhà Lý…thấy rõ tính chủ động của tư duy, muốn hướng đến điều gì. Ở đây, bài thơ lại có ý thoát mùa để trôi theo dòng chảy khác, thậm chí lại là khoảng không tĩnh lặng.  Do vậy, ở đây phần chủ đề nội dung lại như có ý trội lên, ta cũng thực dễ hiểu vì sự ưu tư, ký ức đời người đôi lúc trội lên, cũng chính là bản năng của người cầm bút.
 

   Em có nghe tim phập phồng ấm lửa
   Rạo rực đêm vương vấn phút giây qua
   Ai đốt lửa để trời mong mỏng thế
   Sao lịm dần, chới với phía trời xa.

                                     ( Đêm say Ba Vì)

    Những câu thơ như đằm xuống với đêm say. Người thôn nữ năm xưa đã có một cuộc sống khác, ở một nơi xa vắng khác! còn có khi nào nghĩ về những kỷ niệm của một thời lam lũ, mà chúng ta đã vô tư, cứ thế theo năm tháng trôi qua.

   Ngô Ngọc Thăng là Hội viên khá lâu năm của Hội Nhà văn Hà Nội. Ông được thừa hưởng văn hóa truyền thống từ xa xưa nhất của Thăng Long-Hà Nội, đó là Thành Cổ Loa nơi quê hương Nhà thơ. Cuộc sống lao động, chiến đấu của ông đã thực sự có ý nghĩa bởi ý thức vốn có, học tập, cần mẫn và cống hiến…đọng lại trên những trang viết đẹp đẽ và sinh động truyền tới tay bạn đọc. Ngoại trừ số bài chìm lắng như đã nói ở trên, phần lớn, thơ Ngô Ngọc Thăng vẫn cứ trẻ trung, thấm ướt như rơi trong bụi mưa xuân. Trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

Đ.V

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây