HỘI LIÊN HIỆP
VĂN HỌC NGHỆ THUẬT HÀ NỘI
------------------------
Số: 09 /KH-HLH
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------------------------
Hà Nội, ngày 03 tháng 7 năm 2023
|
KẾ HOẠCH
Triển khai Cuộc vận động sáng tác Văn học nghệ thuật
với chủ đề: “Hà Nội - đổi mới và phát triển”
------------------
Thực hiện Kế hoạch số 217/KH-UBND ngày 12/8/2022 của UBND Thành phố về thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 của Thành ủy Hà Nội về Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tạo động lực, thúc đẩy sáng tác, tạo ra các tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật có chất lượng thiết thực chào mừng lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024). Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội ban hành Kế hoạch tổ chức Cuộc vận động sáng tác các Văn học nghệ thuật với chủ đề: “Hà Nội - đổi mới và phát triển”.
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Xây dựng văn hóa Thủ đô tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, kế thừa và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của Thăng Long – Hà Nội; thực hiện tốt mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự là trung tâm văn hóa lớn, thiết thực hướng tới Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
- Nâng cao giá trị văn học nghệ thuật Thủ đô, khích lệ tinh thần sáng tác của các Văn nghệ sỹ trong tình hình mới nhằm tạo ra các tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống, truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng, công cuộc đổi mới của Thủ đô, tương xứng với vị thế trung tâm văn hóa - chính trị của cả nước.
2. Yêu cầu
- Thông qua Cuộc vận động sáng tác Văn học nghệ thuật hướng tới lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, các văn nghệ sĩ sẽ sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao đáp ứng được nhu cầu thưởng thức văn học nghệ thuật của các tầng lớp nhân dân Thủ đô trong thời kỳ mới.
- Các tác phẩm văn học nghệ thuật có chất lượng góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và phát triển toàn diện. Qua đó, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống…, khắc phục những mặt còn hạn chế trong giao tiếp, ứng xử, thái độ đối với cộng đồng của người Hà Nội trong thời kỳ mới.
- Chất lượng sáng tạo văn học nghệ thuật Thủ đô cần được thể hiện qua các tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật có chất lượng cao, góp phần nâng cao vị thế của Thủ đô là trung tâm văn hóa – chính trị của cả nước.
II. NỘI DUNG, HÌNH THỨC, YÊU CẦU
1. Tên cuộc vận động: Sáng tác Văn học nghệ thuật với chủ đề: “Hà Nội - đổi mới và phát triển”.
1.2. Đối tượng dự thi: Hội viên 09 Hội chuyên ngành trong toàn Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội.
1.3. Nội dung, hình thức thi:
a. Nội dung:
- Phản ánh các giá trị văn hóa lịch sử của Thăng Long – Hà Nội; đề cao và tôn vinh những giá trị đạo đức, truyền thống, phù hợp với cuộc sống hiện đại của con người Thủ đô trong giai đoạn hiện nay.
- Phản ánh về đề tài công nghiệp hóa, hiện đại hóa công nghiệp và xây dựng nông thôn mới; xóa đói giảm nghèo; những điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất, trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, giữ gìn an ninh, chính trị ở địa phương; về miền núi, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, thiếu niên, nhi đồng trên địa bàn Hà Nội.
b. Hình thức thi:
Thể loại tác phẩm, loại hình nghệ thuật: Tác phẩm tham gia cuộc vận động bao gồm một số thể loại văn học, nghệ thuật được thể hiện bằng tiếng Việt, chữ Việt hoặc được dịch sang tiếng Việt, chữ Việt. Cụ thể:
1. Văn học: Thơ, Truyện ngắn, Tiểu thuyết
Bản thảo dự thi in trên một mặt giấy A4, hoặc lưu bằng tập tin (file) theo chương trình word, phông chữ time new roman, cỡ chữ 14.
2. Âm nhạc: Ca khúc
Các ca khúc có đủ phần nhạc (ký âm) và lời (bản mềm hoặc bản chép tay rõ ràng) trên giấy khổ A4, kèm theo đĩa CD đã thu âm bài hát.
3. Nhiếp ảnh: Ảnh đơn, Ảnh bộ (Ảnh bộ có giá trị tương đương ảnh đơn)
Ảnh màu hoặc đen trắng (không nhận file scan hoặc chụp từ ảnh giấy), cỡ ảnh 30cm x 45cm, không ép plastic, mặt sau ảnh ghi rõ tên tác phẩm, địa danh nơi ảnh chụp, thời gian chụp. Ban Tổ chức sẽ yêu cầu tác giả gửi file gốc để kiểm tra khi chấm giải.
4. Mỹ thuật: Tác phẩm hội họa, điêu khắc
Tác giả nộp ảnh màu khổ 14cm x 24cm (chất lượng cao) chụp tác phẩm dự thi, mặt sau ảnh ghi rõ tên tác phẩm, chất liệu, kích thước, thời gian sáng tác.
Ban Tổ chức sẽ yêu cầu tác giả gửi tác phẩm khi chấm giải.
5. Sân khấu: Chèo, Kịch nói, Cải lương
Là những kịch bản sân khấu các thể loại nghệ thuật truyền thống và kịch nói.
6. Điện ảnh: Phim truyện, phim tư liệu
Là những tác phẩm đã được dàn dựng thành phim. Phim ngắn có độ dài không quá 60 phút và không quá 120 phút đối với phim dài (kể cả phần giới thiệu).
Ban Tổ chức nhận tác phẩm dưới dạng đĩa ghi hình hoặc USB.
7. Múa:
Là các tiết mục múa độc lập, thơ múa, kịch múa.
Ban Tổ chức nhận tác phẩm dưới dạng đĩa ghi hình hoặc USB.
8. Văn nghệ dân gian:
Các công trình nghiên cứu, sưu tầm về Hà Nội xưa và nay.
9. Kiến trúc:
Các công trình kiến trúc, quy hoạch đô thị…
Ban Tổ chức nhận tác phẩm dưới dạng đĩa ghi hình hoặc USB.
c. Yêu cầu các tác phẩm dự thi:
- Tác phẩm chưa được đăng tải trên sách, báo hoặc tham dự bất kỳ cuộc thi nào.
- Tác phẩm dự thi phải tuân thủ và chuyển tải ít nhất một nội dung theo đúng những quy định trong kế hoạch Cuộc vận động.
- Bài dự thi sẽ không được xem là hợp lệ nếu sao chép dưới mọi hình thức.
- Sau khi tác phẩm dự thi đạt giải, trường hợp có tranh chấp về quyền tác giả và được cơ quan có thẩm quyền công bố tác phẩm đạt giải thuộc tác giả khác hoặc có sự đóng góp của đồng tác giả khác, Ban tổ chức sẽ thu hồi giải thưởng.
1.4. Thời gian nhận tác phẩm, thời gian chấm giải:
- Thời gian tổ chức Cuộc Vận động bắt đầu từ tháng 07/2023 đến hết ngày 30/8/2024.
- Hội đồng nghệ thuật các Hội chuyên ngành xét giải: từ 01/9 đến 20/9/2024.
- Hội đồng nghệ thuật Hội Liên hiệp chấm giải: từ 21/9 đến 30/9/2024.
1.5. Công bố và trao Giải:
Lễ công bố và trao Giải được tổ chức vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024).
III. CƠ CẤU GIẢI THƯỞNG
1. 01 Giải Đặc biệt.
2. 09 Giải A.
3. 18 Giải B.
4. 27 Giải C.
IV. KINH PHÍ TỔ CHỨC GIẢI:
1. Kinh phí được trích từ nguồn ngân sách Thành phố và huy động từ nguồn xã hội hóa.
V. BAN TỔ CHỨC, BAN GIÁM KHẢO CUỘC THI
1. Ban Tổ chức:
1.1. Trưởng Ban Tổ chức: NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp
1.2. Phó Ban Tổ chức:
- Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp
- NSND. Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp, Chủ tịch Hội Âm Nhạc
- KTS Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư
- TS. Trần Thị An, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian
1.3. Thành viên Ban Tổ chức:
- Nhà Biên kịch Bành Thị Mai Phương, Chủ tịch Hội Điện ảnh
- Nhà thơ Trần Gia Thái, Chủ tịch Hội Nhà văn
- Nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Thủy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật
- NSND Nguyễn Hoàng Tuấn, Chủ tịch Hội Sân khấu
- NSND Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Múa
- NSNA Nguyễn Văn Toản, Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh
- Ông Đỗ Tiến Hữu, Chánh Văn phòng Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội
- Bà Trần Thị Thu Trang, Phụ trách Kế toán Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội
- Ông Nguyễn Văn Thanh, Văn phòng Hội Liên hiệp - Thư ký
2. Ban Giám khảo:
2.1. Trưởng ban Giám khảo: NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp
2.2. Phó ban Giám khảo: Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Chủ tịch HĐNT Hội Liên hiệp
2.3. Thường trực ban Giám khảo: NSND Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch HĐNT
2.4. Các thành viên:
- TS.KTS Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư
- PGS.TS Trần Thị An, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian
- Nhà văn Trần Gia Thái, Chủ tịch Hội Nhà văn
- Nhà biên kịch Bành Thị Mai Phương, Chủ tịch Hội Điện ảnh
- Nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Thủy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật
- NSND Nguyễn Hoàng Tuấn, Chủ tịch Hội Sân khấu
- NSND Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Múa
- NSNA Nguyễn Văn Toản, Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật
V. CƠ QUAN THƯỜNG TRỰC GIẢI THƯỞNG:
1. Văn phòng Hội Liên hiệp:
- Là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Ban Tổ chức Cuộc Vận động các hoạt động của cuộc thi; dự trù kinh phí, tạo điều kiện cho Ban Tổ chức và Ban Giám khảo hoàn thành nhiệm vụ.
2. Các Hội chuyên ngành, đơn vị trực thuộc:
2.1. Các Hội chuyên ngành:
- Xây dựng kế hoạch và tổ chức tuyên truyền, phát động rộng rãi Cuộc Vận động tới toàn thể hội viên.
- Tiếp nhận bài viết, các tác phẩm dự thi; Hội đồng nghệ thuật Hội chuyên ngành tiến hành chấm các bài viết, tác phẩm có chất lượng (Chấm Sơ Khảo), sau đó gửi về Ban Tổ chức Cuộc thi để xét Giải (Chấm Chung khảo).
2.2. Các đơn vị cấp 2 trực thuộc:
- Thường xuyên giới thiệu và tuyên truyền Cuộc vận động Sáng tác Văn học nghệ thuật với chủ đề: “Hà Nội - đổi mới và phát triển” trên hệ thống thông tin nội bộ (Tạp chí Người Hà Nội, Tạp chí Người Hà Nội điện tử, Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo VHNT Hà Nội…).
Trên đây là Kế hoạch triển khai Cuộc vận động Sáng tác Văn học nghệ thuật với chủ đề: “Hà Nội - đổi mới và phát triển”, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội đề nghị các các đơn vị tạo điều kiện, phối hợp, giúp đỡ để Cuộc vận động thành công tốt đẹp./.
TM. BAN CHẤP HÀNH
CHỦ TỊCH (đã ký)
NSND Trần Quốc Chiêm
|