KHAI MẠC HỘI NGHỊ NHỮNG NGƯỜI VIẾT VĂN TRẺ TOÀN QUỐC LẦN THỨ X: Tương lai của nền Văn học Việt Nam phụ thuộc vào sự dấn thân của các nhà văn trẻ

Thứ bảy - 18/06/2022 15:34
..."Đảng và Nhà nước không bao giờ hạn chế quyền tự do sáng tác của các nhà văn cũng như các lĩnh vực nghệ thuật khác, để các nhà văn có thể đóng góp tối đa cho xã hội bằng chính ngòi bút của mình". Cùng với những phát biểu tâm huyết, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã trả lời một số câu hỏi của các cây bút trẻ xung quanh một số vấn đề cần được Nhà nước quan tâm nhiều hơn như: Dạy môn Văn trong nhà trường; Sự quan tâm đến các hội Văn học nghệ thuật, các nhà văn, chiến lược để quảng bá Văn học Việt Nam ra thế giới.
Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh Yên Ba
Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh Yên Ba
  • 14:50 18/06/2022
  • Tác giả: Trần Vũ An

      Sáng ngày 18/6/2022, tại Hội trường của khách sạn Mường Thanh,thành phố biển Đà Nẵng đã diễn ra lễ khai mạc Hội nghị Những người Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X. Hội nghị đã nhận được những lời chúc mừng tốt đẹp nhất từ Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thư của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

      Sau một năm bị trì hoãn, cuối cùng Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X đã được tổ chức tai Đà Nẵng trong 2 ngày 18 và 19 tháng 6 năm 2022. Có thể nói đây là cuộc hội ngộ rất được mong chờ của các cây bút viết văn trẻ trong cả nước, vì đó là dịp họ được gặp gỡ giao lưu, trao đổi học hỏi lẫn nhau về công việc viết lách. Đồng thời đây cuãng là dịp Hội Nhà văn Việt Nam động viên, đồng hành, bồi dưỡng các cây bút trẻ để họ tự tin phấn đấu, trau dồi trở thành những trụ cột của văn học nước nhà trong tương lai.

Hội nghị có sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm – nguyên ủy viên Bộ chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa thông tin, nguyên Trưởng Ban ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch – Nguyễn Văn Hùng; Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương – Trần Thanh Lâm.; ông Lương Minh Triết phó Bí thư thường trực, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Đà Năng, ông Lê Trung Chinh – Phó bí thư thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng… Phía Hội Nhà văn Việt Nam có nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam; nhà thơ Hữu Thỉnh – Cố vấn Ban chấp hành, Nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; các nhà văn nhà thơ trong Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam và gần 130 đại biểu là các cây bút trẻ đến từ mọi miền của đất nước, trong đó 10 đại biểu là các hội viên Hội Nhà văn Việt Nam dưới 35 tuổi ( tính đến mốc năm 2021 là năm dự kiến tổ chức Hội nghị, nhưng đã phải hoãn lại do đại dịch Covid-19). Đây là số lượng đại biểu tham dự hội nghị nhiều nhất so với hai hội nghị liền kề trong 10 năm gần đây. Đông nhất là chuyên ngành Thơ và Văn xuôi; tiếp đến là Lý luận, phê bình Văn học và cuối cùng là Dịch thuật.

Đại biểu trẻ nhất của hội nghị là Trần Phú Minh Anh, sinh năm 2007, học sinh trung học cơ sở ở TP Hồ Chí Minh.

1

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh Yên Ba

Tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã giành những tình cảm đặc biệt cho những cây bút trẻ tham dự Hội nghị, nhất là với cây bút trẻ Vũ Nguyên. Phó Thủ tướng tin tưởng vào cây bút trẻ Vũ Nguyên nói riêng, các cây bút trẻ hiện nay nói chung sẽ có những tác phẩm vươn tầm thế giới, góp phần xây dựng đời sống văn hóa giầu bản sắc của Việt Nam. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước không bao giờ hạn chế quyền tự do sáng tác của các nhà văn cũng như các lĩnh vực nghệ thuật khác, để các nhà văn có thể đóng góp tối đa cho xã hội bằng chính ngòi bút của mình. Cùng với những phát biểu tâm huyết, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã trả lời một số câu hỏi của các cây bút trẻ xung quanh một số vấn đề cần được Nhà nước quan tâm nhiều hơn như: Dạy môn Văn trong nhà trường; Sự quan tâm đến các hội Văn học nghệ thuật, các nhà văn, chiến lược để quảng bá Văn học Việt Nam ra thế giới.

Đáp lại sự quan tâm đặc biệt của Phó Thủ tướng, các vị đại biểu, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã tặng Phó Thủ tướng, các đại biểu tham dự Hội nghị hai cuốn sách in tác phẩm của các đại biểu tham dự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X.

Trước đó, thay mặt Ban chấp hành Hội nhà văn, trong diễn văn khai mạc, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã gửi đến các cây bút trẻ lời thăm hỏi, động viên và cảm ơn chân thành đến hơn 100 nhà văn trẻ đại diện cho hàng ngàn những người viết trẻ toàn quốc đã tham dự hội nghị lần thứ X. Chủ tịch Hội cũng khẳng định, họ đang thực sự mang đến những tín hiệu tốt đẹp cho tương lai của nền văn học Việt Nam. Hơn lúc nào hết, những nhà văn trẻ Việt Nam có nhiều cơ hội, nhiều điều kiện cho sáng tạo và công bố tác phẩm của mình hơn tất cả các thế hệ nhà văn trước đó. Con đường sáng tạo của các nhà văn trẻ nằm dưới chân họ. Trái tim họ, trí tuệ họ sẽ quyết định những bước đi của họ. Và tương lai của nền văn học Việt Nam phụ thuộc vào sự dấn thân của các nhà văn trẻ trên con đường sáng tạo của mình. Vì sao chúng ta viết? Có thể có hàng nghìn lý do nhưng trước hết nó phải là sự rung động của người cầm bút trước thiên nhiên, rung động trước đời sống tươi đẹp nhưng cũng còn đầy nhọc nhằn. Viết để tiêu trừ vơi đi cái ác, vơi đi lòng hận thù, vơi đi sự vô cảm trong cuộc đời này. Viết để làm phổ rộng tình yêu, lòng nhân ái, lương tri trong cuộc đời này.

Nhà thơ Hữu Việt- Trưởng ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam đã đọc báo cáo công tác nhà văn trẻ.Báo cáo cho biết, trong quá trình chuẩn bị cho Hội nghị Viết văn Trẻ toàn quốc lần thứ X, Ban nhà văn trẻ đã có một cuộc điểm danh đội ngũ những cây bút tuổi đời từ 35 trở xuống và nhận thấy những tác giả độ tuổi từ 20 - 30 chiếm đa số và là những người đang viết đều, viết khỏe. Có thể kể tên: Vũ Đức Anh, 28 tuổi đã có 4 tiểu thuyết; Huỳnh Lê Triều Phú, 25 tuổi xuất bản 9 đầu sách gồm thơ, truyện ngắn, tùy bút, khảo cứu; Phạm Minh Quân 28 tuổi, có 5 đầu sách dịch; Phát Dương, 26 tuổi, có 3 tập truyện ngắn in riêng, 3 tập truyện ngắn in chung; Trác Diễm, 33 tuổi, đã xuất bản 3 tiểu thuyết và 3 tập truyện ngắn; Vũ Thị Huyền Trang, 35 tuổi, đã xuất bản 11 tập truyện ngắn, tùy bút… Đặc biệt phải kể đến Nguyễn Bình 20 tuổi, sinh viên đang học Thiên văn học ở Mỹ đã dịch kiệt tác Truyện Kiều sang tiếng Anh và được những nhà văn, dịch giả tên tuổi của Mỹ đánh giá cao; hay Trang Nguyễn 21 tuổi viết tác phẩm “Chang hoang dã-gấu” được NXB Pan Macmillan của Anh mua bản quyền toàn cầu và sau đó họ đã bán bản quyền cuốn sách này sang Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Na Uy và Thổ Nhĩ Kỳ. Còn rất nhiều cây bút trẻ đang là những tác giả sung sức, tả xung hữu đột trên các tờ báo, tạp chí văn chương và cả trên môi trường mạng xã hội, các diễn đàn văn chương online mà vì thời gian không cho phép nên không thể điểm hết tên ra được. Trong số những đại biểu tham dự Hội nghị lần này cũng như nhiều Hội nghị trước, lực lượng viết Lý luận phê bình Văn học khá mỏng, nằm trong độ tuổi cao nhất của các đại biểu trẻ. Đội ngũ những người dịch thuật văn học cũng khá hiếm, trong khi sách dịch chiếm tỉ trọng áp đảo trên thị trường sách hiện nay. Đa số cây bút trẻ được trang bị kiến thức tốt, tuy say mê sáng tác, viết ngày, viết đêm, một số nổi lên như những tiềm năng, thế rồi bỗng nhiên họ ngừng sáng tác, rời khỏi văn đàn nhẹ nhàng như lúc họ đến. Dường như văn chương với nhiều người trẻ bây giờ chỉ là một cuộc chơi, viết để thỏa mãn chính mình, xong rồi thôi hoặc chuyển sang làm công việc khác.

Sau báo cáo của Ban Nhà văn trẻ, nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cố vấn Ban Chấp hành Hội, thay mặt các thế hệ nhà văn lão thành đã chia sẻ những kinh nghiệm, tình cảm của mình với các bạn viết trẻ hôm nay. Ông tin tưởng vào các cây bút trẻ đang dự hội nghị và còn nhiều cây bút trẻ khác không có điều kiện tham dự sẽ là những trụ cột cho văn chương nước nhà trong tương lai. Nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định: Thế hệ cha anh có thể viết trong hoàn cảnh sống và chết nhưng các cây bút trẻ hôm nay viết trong hoàn cảnh sướng và khổ, nhưng tựu trung vẫn chỉ có một mục đích đó là làm sao viết cho hay. Muốn viêt cho hay phải là người đồng hành cũng đất nước với dân tộc. Nếu đi khỏi quỹ đạo đó dù có tài năng đến mấy cũng chỉ rơi vào quên lãng. Đồng hành với dân tộc có nghĩa xác định vị trí chiến đấu của nhà văn trẻ. Chỉ có vị trí trung tâm của đời sống mới có thể trang bị cho mình vốn sống lâu dài cho viết. Nếu không có vốn sống thì không thể đi lâu đi bền trên con đường sáng tạo văn chương. Ông cũng cho rằng, mỗi thế hệ nhà văn được trao một trách nhiệm trong từng giai đoạn lịch sử. Trách nhiệm của thế hệ viết văn trẻ hôm nay là phải có tác phẩm hay viết về công cuộc đời mới của đất nước, viết hay về hiện thực đời sống đang diễn ra hàng ngày. Vì sao văn học đang phát triển về số lượng nhưng đang thiếu chất lượng, đó chính là do lý tưởng, khát vọng của người cầm bút. Các cây bút trẻ đang có nhiều thuận lợi vì được sinh sau chiến tranh, đồng hành với cuộc đổi mới của đất nước, được học hành chu đáo, lĩnh hội được nhiều kiến thức vậy thì không có lý do gì để không cố gắng viết cho hay. Trang bị cho mình một vốn sống giầu có nhưng không vội vã, không đánh mất bản sắc dân tộc. Sau những lời căn dặn, tâm huyết, nhà thơ Hữu Thỉnh đã gửi lời chúc đến các cây bút trẻ mong họ tiếp tục thành công trên con đường sáng tạo.

Đến dự và phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ văn hóa, Thể thao và du lịch khẳng định, tự do sáng tác là yếu tố quan trọng của người sáng tạo nghệ thuật, vì vậy với tư cách là cơ quan quản lý về văn hóa, bộ Văn hóa ý thức được sự tôn trọng quyền tự do đó của văn nghệ sĩ để họ có thể phát triển tốt nhất, cống hiến cho xã hội bằng các tác phẩm gí trị, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam, xây dựng, phát triển đất nước, đồng hành với đời sống của nhân dân. Bộ Văn hóa, Thể thaovaf Du lịch sẽ đồng hành với Hội Nhà văn để trả lời câu hỏi Vì sao chúng ta viết. Muốn nhà văn có được tác phẩm thì nhà nước phải tạo ra được một hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà văn viết.

Cũng trong phiên khai mạc, Hội nghị cũng đã nhận được lời động viên, khích lệ của ông Lê Trung Chính, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng. Đồng thời, lắng nghe các tham luận của các văn trẻ. Phần lớn các đại biểu trẻ đều băn khoăn với câu hỏi mà Hội nghị đã đưa ra, đó là: Vì sao chúng ta viết? Có lẽ đây không phải là câu hỏi dễ trả lời. Chưa kể, viết như thế nào thì có lẽ lại càng khó hơn. Bởi viết như thế nào mới là điều tiên quyết của một người cầm bút, nó xác định anh là ai và anh có thể làm được gì, anh có thể đi được con đường dài với văn chương tưởng nhàn nhã mà đầy nhọc nhằn với nhiều đánh đổi.

Chiều cùng ngày, các nhà văn trẻ có chuyến thực tế tại công ty ô tô Trường Hải. Sáng ngày 19/6 sẽ có 2 cuộc hội thảo quan trọng Văn và Thơ cùng một chủ đề Vì sao chúng ta viết. Tối ngày 19 các nhà văn trẻ có cuộc giao lưu thơ nhạc với các thầy cô, học sinh trường Hy Vọng, đây là ngôi trường mới được thành lập để nuôi dạy các em mồ côi trong đại dịch covid vừa qua.
( Trở lại trang đầu để xem các nội dung khác ở báo Văn nghệ )

Nguồn tin: HNV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây