MÙA THU - cây bút và covid

Thứ hai - 20/09/2021 14:10
Ghi chép của Nguyễn Hồng Vinh
Ba đình vào thu
Ba đình vào thu

     Đúng sáng mừng Quốc khánh lần thứ 76 của nước ta, sau chương trình thời sự của VTV, tôi nhận được cuộc điện thoại với giọng hồ hởi: Xin chúc mừng anh Hồng Vinh và gia đình nhân Tết Độc lập! Tôi tên là An ở Bộ Nông nghiệp, đã về hưu tròn 10 năm. Nhân đây, nhờ nhà báo cao niên thông tin tới lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương những tâm tình của cán bộ trong tổ hưu chúng tôi lời chúc mừng đội ngũ báo chí cách mạng nước ta - điều mà chúng tôi đã bàn bạc và lựa chọn khái quát bằng 10 chữ: xung kích, dũng cảm, trách nhiệm, nhân văn, hiệu quả.

          Anh An xin phép tôi được dành mấy phút nói căn nguyên vì sao có cụm từ này: Thật ra, những năm trước đây, chúng tôi cũng chưa thấy hết vai trò quan trọng của báo chí, truyền thông, nhưng từ ngày bùng phát đại dịch COVID-19 - một kẻ thù giấu mặt và tàn ác, chúng tôi tự hỏi: nếu cuộc sống hàng ngày hôm nay, vắng báo chí, truyền thông thì chúng ta sẽ xử lý như thế nào trước những lời tuyên truyền miệng và cả những dòng trên mạng xã hội của những kẻ vô lương tâm chuyên tung tin bịa đặt hoặc thổi phồng, xuyên tạc đủ mọi thứ chuyện trên đời, nhất là về đường hướng phòng, chống đại dịch của Đảng và Nhà nước ta? Vì vậy, chúng tôi rất mừng là, nhờ hệ thống báo chí chính thống mà nhân dân bớt đi nỗi hoảng hốt, xã hội ta không bị rối loạn.

          Thấy tôi chỉ lắng nghe và thi thoảng thưa chữ Dạ”, anh An hiểu ý và tập trung giải thích vì sao nêu 5 tính từ nói trên:

- Thứ nhất, nói là xung kích vì chính báo chí là lực lượng đi đầu cùng với các thầy thuốc, quân đội, công an trên mặt trận chống đại dịch hiện nay.

- Thứ hai, nói dũng cảm vì họ không sợ hiểm nguy đến tính mạng, sẵn sàng xông vào vùng tâm dịch để ghi hình, viết bài, phản ánh thực chất tình hình cách ly, giãn cách của xã hội trên những địa bàn trọng điểm.

- Thứ ba, nói trách nhiệm vì mỗi tấm hình, mỗi dòng tin của họ đều được cân nhắc cái gì nên đưa, cái gì không nên đưa nhằm bảo đảm ổn định tình hình chính trị - xã hội.

- Thứ tư, nói nhân văn vì qua báo chí, nhân dân được biết nhiều việc làm tình nghĩa vì đồng bào mình, con cháu mình, khơi gợi lòng yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc.

- Thứ năm, nói “hiệu quả vì nhờ những thông tin có định hướng của báo chí cách mạng, nhân dân củng cố niềm tin vào Đảng, Nhà nước, tạo sự đồng thuận xã hội cao trước chủ trương chống dịch như chống giặc”.

          Khi anh An chào tạm biệt, tôi nhìn đồng hồ mới biết cuộc tâm tình đã kéo dài 20 phút, nhưng ngồi nhâm nhi chén trà buổi sáng, tôi thấy thấm thía và thầm cảm ơn những lời chân tình, đầy lòng mến mộ và kính trọng những người làm báo chân chính. Tôi thấm thía lời dạy của Bác Hồ: nhà báo cần học trong sách và trong thực tiễn đời sống nhân dân. Một kỹ sư nông nghiệp như anh An mà nói những điều tâm huyết, nhưng lại mang tính tổng kết, tính thuyết phục rất cao về vai trò và sức mạnh của báo chí cách mạng.

          Lời tâm tình của anh An giúp tôi nhớ lại hàng loạt hoạt động của đội quân báo chí, truyền thông, mà nhờ họ, nhân dân ta ở trong nước và nước ngoài cùng bạn bè quốc tế hiểu rõ sự vĩ đại của dân tộc ta trong cuộc chiến đấu đầy cam go với thiên tai, dịch bệnh. Cách đây gần một năm, trong khi cả nước ta tập trung sức chống dịch COVID-19 thì đồng thời, đồng bào, chiến sĩ ở các tỉnh miền Trung phải gồng mình chống mưa lũ và bão gió kéo dài, gây thiệt hại to lớn về người và của. Các nhà báo ngay từ đầu đã đồng hành cùng các lực lượng quân đội, công an và các ngành chức năng có mặt tại những nơi gian nguy nhất để ghi hình, viết tin, chụp ảnh…, thông tin kịp thời các biện pháp khắc phục các sự cố sạt lở đất, nhiều nhà cửa bị cuốn trôi, hàng trăm người sống trong cảnh màn trời chiếu đất. Hàng chục ngày liền, qua chương trình thời sự của các đài phát thanh, truyền hình ở Trung ương và địa phương, nhân dân ta xúc động và biết ơn các lực lượng cứu trợ đã làm việc vất vả ngày đêm để cứu hàng chục người ở khu vực thủy điện Rào Trăng (Thừa Thiên Huế) bị vùi sâu trong đất, kịp đưa thi thể họ về địa phương mai táng

          Trong cuộc chiến đấu với đại dịch COVID-19, các nhà báo ngay từ đầu có mặt cùng với các lực lượng ở tuyến đầu, tỏ rõ vai trò là những chiến sĩ xung kích thật sự, tự vượt lên mọi khó khăn, thiếu thốn, không quản sự hiểm nguy tính mạng, tự nguyện xông vào các tâm dịch để thông tin, phản ánh kịp thời sự gian nan, vất vả của các thầy thuốc trong trị bệnh, cứu người; tinh thần dũng cảm, sáng tạo của hàng vạn cán bộ chiến sĩ quân đội, công an đã nhường doanh trại, cơ quan của mình để đón hàng vạn người bệnh về khu cách ly, để cùng ngành y tế chăm lo đời sống vật chất và khám chữa bệnh. Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cả nước đã dành nhân lực, vật lực hỗ trợ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đẩy lùi đại dịch. Hình ảnh hàng trăm chiến sĩ bộ đội đi đến từng ngõ, hẻm trong mưa để chuyển gói cứu trợ lương thực và thực phẩm cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn; hàng ngàn chiến sĩ công an ngày đêm chốt chặn ở các khu vực giáp ranh giữa vùng đỏ”, vùng xanh”, tham gia cùng các ngành chức năng bảo đảm sự lưu thông hàng hóa thiết yếu, không để đứt gãy các chuỗi cung ứng, cố gắng cao nhất để duy trì đời sống của nhiều đối tượng, nhất là các gia đình chính sách, người có công với nước...

          Chúng ta xúc động khi truyền hình đưa các phóng sự về lòng dân cả nước hướng về Sài Gòn và các tỉnh, thành ở Nam Bộ. Hình ảnh hàng ngàn các bác sĩ, y tá, điều dưỡng viên ở nhiều tỉnh, thành phía Bắc vui vẻ tạm biệt bố, mẹ, vợ con, tình nguyện vào vùng tâm dịch; hàng chục sáng kiến ra đời từ tinh thần lá lành đùm lá rách như: quầy phục vụ thực phẩm miễn phí trong các khu cách ly; các ATM gạo trên nhiều đường phố; “nồi chảo thiện nguyệncủa các má có mặt ở các bệnh viện lớn từ sáng sớm; các quầy hàng lương thực, thực phẩm không có người đứng bán, chỉ để đó thùng nhận tiền của người đến chọn hàng và tự bỏ đồng tiền lương tâm vào thùng đó. Rồi hình ảnh các bà má ở Quảng Ngãi, Quảng Nam thức trắng đêm bên bếp lửa, tất tả làm các loại bánh để kịp gửi chuyến xe hỏa tốc vào Sài Gòn; hình ảnh ba bố con tự nguyện không nhận thù lao, dùng xe của gia đình chuyển các gói hàng cứu trợ vào phía Nam nhiều ngày. Đặc biệt, qua màn hình, nhiều người xem rơi lệ khi thấy hình ảnh các em bé cất tiếng khóc chào đời trên giường bệnh người mẹ đang điều trị dương tính hoặc các bà mẹ ở khu cách ly – tất cả được đưa về “Nhà hạnh phúc” do các thầy thuốc thay người mẹ chăm bẫm ngày đêm. Nhiều người xúc động khi xem hình ảnh nghệ sĩ kèn Sácxôphôn nổi tiếng Trần Mạnh Tuấn, dù đang mang trong mình nhiều bệnh nền nguy hiểm, vẫn đứng trong đêm giữa ngã tư thành phố Hồ Chí Minh để trình diễn một số tiết mục khơi gợi lòng yêu quê hương, đất nước, nghĩa tình đồng bào trong những người đang sống ở khu cách ly và bà con khối phố chung quanh cùng nghe. Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức hai chương trình ca nhạc trực tuyến trong phạm vi cả nước, với sự tham gia đông đảo của các nhạc sĩ sáng tác và ca sĩ biểu diễn các tác phẩm ca ngợi lực lượng chống dịch. Trong thành công bước đầu quan trọng của cuộc chiến đẩy lùi đại dịch, báo chí đã thông tin kịp thời tinh thần hưởng ứng, ủng hộ ‘Quỹ vắc-xin của đồng bào ta ở trong nước và nước ngoài; những cố gắng có hiệu quả trong chiến lược ngoại giao vắc-xin”, trên cơ sở đó, nhiều địa phương đã mở rộng việc tiêm chủng cho tất cả các đối tượng một điều kiện rất cơ bản và quan trọng để bảo đảm thành công trong phòng, chống đại dịch.

          Còn biết bao nhiêu việc hệ trọng khác đã được thông tin kịp thời trên các phương tiện truyền thông, như chủ trương chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về chống dịch; hoạt động điều hành của các Ban chỉ đạo phòng, chống COVID từ Trung ương đến địa phương, nhất là các cuộc kiểm tra đột xuất ở các địa bàn trọng điểm do đích thân Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về chống dịch tiến hành. Chứng kiến cuộc đối thoại trực tuyến của Thủ tướng với các cán bộ chủ chốt ở nhiều phường, xã một số tỉnh, thành Nam Bộ do Thủ tướng chủ trì nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc liên quan trực tiếp đời sống và sức khỏe hằng ngày của các tầng lớp nhân dân, không bỏ lại phía sau những đối tượng đang gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đông đảo khán giả truyền hình cho rằng, đó là biểu hiện cụ thể: Nhà nước ta là của dân, do dân và vì dân.

          Mùa thu về, chúng ta có phần an tâm khi được biết, nhìn tổng thể trong phạm vi cả nước, bằng cố gắng cao nhất của toàn Đảng và toàn xã hội, chúng ta vẫn kiểm soát được cơ bản tình hình dịch bệnh. Nhưng đang còn đó những diễn biến phức tạp khó lường; còn đó những điểm nóng cần được tập trung cao nhất nhân lực và vật lực để điều trị và cứu chữa người bệnh; còn đó một số ít cán bộ chủ chốt ở cơ sở chưa toàn tâm, toàn lực với cuộc chiến chống đại dịch; còn đó những luận điệu của các thế lực xấu xuyên tạc, bịa đặt nhằm ngăn cản việc làm chính nghĩa của chúng ta... Báo chí tiếp tục thực hiện thật tốt phương châm phát hiện, cổ vũ những cá nhân, tập thể đã và đang hết lòng cho sự thắng lợi của cuộc chiến đầy lùi đại dịch; đồng thời cũng chú ý cảnh báo những biểu hiện chủ quan, lơ là, những hành động thiếu trách nhiệm gây tác động xấu tới dư luận xã hội

          Mùa thu với hy vọng có những chuyển biến quyết định mang tính bước ngoặt trong nhiệm vụ chặn đứng đại dịch và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Hy vọng ấy được thắp sáng bởi quyết tâm và sự đồng thuận của toàn xã hội, trong đó có vai trò quan trọng và sự đóng góp tích cực của những người cầm bút mang khí thế và truyền thống vẻ vang của lực lượng báo chí cách mạng Việt Nam trong hơn 9 thập niên qua!

Hà Nội 15/9/2021

N.H.V

Nguồn tin: HNV:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây