Hội VHNT Phú Thọ phối hợp Trường Đại học Hùng Vương tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23

Thứ ba - 18/02/2025 18:17
Hội VHNT Phú Thọ phối hợp Trường Đại học Hùng Vương tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23
     
Đỗ Nguyên Thương

        Ngày 12 tháng 02 năm 2025, nhằm ngày 14 tháng giêng năm Ất Tỵ, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Thọ phối hợp với Trường Đại học Hùng Vương tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23 với chủ đề “Tổ quốc bay lên”.

Tới dự Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23 có Nghệ sỹ nhân dân Trần Quốc Chiêm, nhà thơ Vũ Quần Phương và nhiều lãnh đạo đại diện các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh Phú Thọ; Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật thành phố Hà Nội và Phó Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc.

Sau phần khai mạc của Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Thọ - Nhạc sỹ Cao Hồng Phương, Nghệ sỹ nhân dân Trần Quốc Chiêm đã ngâm tặng hai bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Bài Nguyên tiêu và một bài thơ thuộc tập Nhật ký trong tù) và đánh trống khai hội. Âm thanh rộn ràng của tiếng trống khai hội khiến cho các đại biểu và công chúng yêu thơ có mặt tại hội trường thêm phần náo nức, hồi hộp chờ đón các tiết mục được trình diễn tại Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23. Ngày thơ năm nay có chủ đề “Tổ quốc bay lên, được lấy cảm hứng từ câu thơ “Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân” của nhà thơ Lê Anh Xuân trong bài thơ nổi tiếng Dáng đứng Việt Nam. Chủ đề này rất ý nghĩa khi diễn ra trong bối cảnh đất nước ta vừa kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, hướng tới kỷ niệm 135 năm ngày sinh Bác Hồ kính yêu, 50 năm ngày thống nhất đất nước và 50 năm thành lập Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Thọ.

Bên cạnh các tiết mục văn nghệ mang chủ đề mừng Đảng, mừng xuân và niềm tự hào về truyền thống dân tộc Việt Nam, sau các bài múa, hát về Trường Đại học Hùng Vương của các em sinh viên trong Đội văn nghệ xung kích của nhà trường và các diễn viên Đoàn nghệ thuật tỉnh Phú Thọ, một số bài thơ được diễn ngâm, được chọn đọc khiến độc giả hài lòng khi được sống trong không khí của thơ, ca vừa truyền thống vừa hiện đại. Truyền thống bởi sự duy trì và tiếp nối dòng chảy của thi ca dân tộc, truyền thống bởi các bài thơ xuân cổ điển như Cáo tật thị chúng của Mãn Giác thiền sư, Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt được đọc, được bình, được trình diễn … Hiện đại bởi sự xuất hiện của các ca khúc và các bài thơ mới.

unnamed (39)
NSND Trần Quốc Chiêm tặng hoa Chủ tịch Hội VHNT Phú Thọ và Hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương
 

   Đặc biệt, hội trường thi ca hôm nay được giao lưu với nhà thơ Vũ Quần Phương, nhà thơ đã giúp công chúng và sinh viên cách hiểu về khái niệm “Con Rồng cháu Tiên”, từ đó thông điệp được cảnh báo là không nên “ăn theo, nói theo”, nói gì cũng cần nghiên cứu sâu và hiểu bản chất vấn đề. Nhà thơ Vũ Quần Phương còn bình bài thơ Cáo tật thị chúng rất sâu sắc.

 

Cáo tật thị chúng (Có bệnh bảo mọi người)

Xuân khứ bách hoa lạc,

Xuân đáo bách hoa khai.

Sự trục nhãn tiền quá,

Lão tùng đầu thượng lai.

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

 

Dịch nghĩa

Xuân đi, trăm hoa rụng,

Xuân đến, trăm hoa nở.

Việc đời theo nhau ruổi qua trước mắt,

Tuổi già hiện đến từ trên mái đầu.

Đừng cho rằng xuân tàn thì hoa rụng hết,

Đêm qua, một cành mai đã nở trước sân.


           Nhà thơ thu hút sự chú ý của khán trường bằng các câu hỏi gợi mở được đặt ra như tại sao bài thơ cáo tật thị chúng bắt đầu bằng hình tượng hoa rụng mà không bắt đầu bằng hình tượng hoa nở? Hoặc Đây là bài kệ của một thiền sư nhưng tại sao lại có giá trị lớn và được nhiều người yêu thích? Và vấn đề triết lý nhân sinh được tô đậm khi nhà thơ nói sự luân hồi của cây mai cũng liên quan tới việc con người không thể sống hai lần như hoa trên cây mai mùa sau sẽ nở. Cũng bởi ý thức rõ rệt về điều đó nên nhà thơ Xuân Diệu đã nói “tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại”, vì vậy Xuân Diệu “không chờ nắng hạ mới hoài xuân”, tiếc xuân khi xuân đang hiện diện. Điều đó lý giải cho khát vọng có vẻ ngông cuồng và phi lý “Tôi muốn tắt nắng đi/ Cho màu đừng nhạt mất/ Tôi muốn buộc gió lại/ Cho hương đừng bay đi” trong bài thơ Vội vàng. Nhà thơ Vũ Quần Phương cũng bình sâu chi tiết “Đêm qua sân trước một nhành mai” và câu “Trước mắt việc đi mãi”, sau khi đặt câu hỏi “Tại sao không nói sau lưng việc đi mãi” để thấy cái hữu hạn của cuộc đời con người, thấy khát vọng lớn lại bị hạn chế bởi sự hữu hạn của kiếp người. Nhà thơ còn nói về một số câu thơ của Bác trong và ngoài tập thơ Nhật ký trong tù và nói về sự cách tân của thơ mới .v.v... giúp cho sinh viên và công chúng yêu thơ hiểu sâu thêm về các khái niệm thơ là gì? tứ thơ là gì? và đưa ra một băn khoăn: Ngày nay người làm thơ ngày càng đông, người đọc thơ ngày càng ít, cần làm sao cho công chúng yêu thơ nhiều hơn…

Nghệ sỹ nhân dân Trần Quốc Chiêm ngâm thơ, đánh trống khai hội bằng tất cả tài năng và nhiệt huyết của một nghệ sỹ nhân dân hơn là vai trò, vị trí của một lãnh đạo của Ủy ban toàn quốc các Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Bởi thế, Nghệ sỹ nhân dân đã truyền được cảm hứng cho người nghe và khiến cho công chúng thêm yêu nghệ thuật.

Các bài thơ được chọn đọc của các nhà văn, nhà thơ Đất Tổ tại chương trình là những bài thơ tiêu biểu viết về quê hương, Đất nước, về Đất Tổ Vua Hùng, gợi trong lòng công chúng tình yêu quê hương và yêu thi ca, yêu nền văn hóa dân tộc nói chung và văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh Phú Thọ nói riêng.

Có mặt tại Ngày thơ Việt Nam hôm nay, nhiều tác giả được nghe thơ của mình do các nghệ sỹ diễn ngâm, các nhạc sỹ được nghe ca khúc của mình do sinh viên và một số nghệ sỹ biểu diễn. Niềm vui lấp lánh trong ánh mắt của các tác giả thơ, nhạc; niềm vui đọng lại trong tâm trí người tham sự chương trình.

Khởi đầu cho nhiều hoạt động có ý nghĩa sẽ diễn ra trong năm 2025 của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Thọ và Trường Đại học Hùng Vương, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23 với chủ đề “Tổ quốc bay lên hôm nay” đã thành công tốt đẹp và để lại ấn tượng đẹp trong lòng công chúng yêu thơ nói chung và các văn nghệ sỹ nói riêng. Hy vọng rằng, “một năm khỏi đầu từ mùa xuân”, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23 sẽ khơi dậy, bồi đắp, sẽ thắp lửa cho các văn nghệ sỹ, cho công chúng yêu thơ, đặc biệt cho các em sinh viên Trường Đại học Hùng Vương tình yêu đối với thi ca nói riêng, âm nhạc nói riêng và văn học nghệ thuật nói chung. Yêu văn hóa là yêu nước. Có tình yêu, có niềm tin sẽ có những khát vọng cống hiến cao đẹp, những việc làm ý nghĩa cho Tổ quốc Việt Nam.
 

Đất Tổ 11/02/ 2025
Đ.N.T

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây