75 năm trước, Nữ sĩ Ngân Giang giải cứu Nhạc sĩ Đỗ Nhuận thoát khỏi nhà tù Quốc dân đảng như thế nào?

Thứ ba - 15/09/2020 19:03
Nhà văn Hoàng Quốc Hải
Ngân Giang (1916 - 2002)
Ngân Giang (1916 - 2002)
            Chuyện này nữ sỹ Ngân Giang kể cho tôi nghe từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ 20. Tôi đã thuật lại một phần trong bài viết “Ngân Giang là thế” đăng báo Văn Nghệ Hội nhà văn Việt Nam vào khoảng cuối tháng chạp năm 2000.
            Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Chính quyền non trẻ có quá nhiều việc phải làm. Về dân trí, trên 90% dân số mù chữ. Dân chúng đồng bằng Bắc Bộ vừa trải qua nạn đói khủng khiếp, khiến hơn 2 triệu người chết đói trong khoảng từ tháng 2 đến tháng 5.
           Chính quyền mới dường như không có nguồn thu. Toàn bộ ngân khố do chính quyền thực dân Pháp để lại vỏn vẹn chỉ có 2 triệu đồng tiền Đông Dương. Mọi chi tiêu đều phải dựa vào dân. Cán bộ các đoàn thể như Thanh niên, Phụ nữ, Mặt trận Liên Việt v. v… đi hoạt động đều phải tự túc.
            Biết bao công việc, nhưng có ba việc quan trọng nhất, cấp bách nhất mà chính quyền hướng trọng tâm vào: Đó là Diệt giặc Dốt. Diệt giặc Đói. Và diệt giặc Ngoại xâm. Lúc này thực dân Pháp núp sau quân Anh vào miền nam Việt Nam giải giáp vũ khí quân Nhật đã đầu hàng Đồng minh.
            Quân Pháp gây hấn. Nam Bộ kháng chiến từ 23/9/1945. Nhiều đoàn quân tình nguyện đã Nam tiến,  hỗ trợ cho cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp của đồng bào miền Nam. Tình hình đất nước đang muôn vàn khó khăn thì 20 vạn quân Tàu Tưởng được lệnh của Đồng minh vào phía bắc Việt Nam tước khí giới của 5 vạn lính Nhật đã đầu hàng. Phần đông đám quân này đói rách,  bệnh tật, lem luốc như lũ ma đói.  Dân ta gọi chúng là: Quân Tàu ô .
       Quân Tàu ô đi đến đâu chúng cướp bóc và quấy nhiễu nhân dân đến đấy. Song, điều nguy hiểm nhất là đảng Việt Nam quốc dân đảng do Nguyễn Hải Thần cầm đầu sống lưu vong ở Trung Quốc, nay theo chân quân Tưởng về nước phối hợp với bộ phận trong nước do Vũ Hồng Khanh cầm đầu. Lúc này họ tập hợp lực lượng dưới sự bảo trợ của quân Tàu Tưởng.
           Sở dĩ gọi Tàu Tưởng là để phân biệt các thế lực chính trị tại Trung Hoa lúc đó. Chính phủ hợp pháp được quốc tế công nhận là Trung Hoa dân quốc do Tưởng Giới Thạch đứng đầu. Ngoài ra còn một thế lực chính trị khá hùng mạnh, kiểm soát nhiều vùng nông thôn rộng lớn do đảng Cộng sản làm chủ với Mao Trạch Đông lãnh đạo. Tưởng Giới Thạch đưa một lực lượng hùng hậu như vậy qua Việt Nam không phải để chúng rong chơi. Mà y muốn nhân cơ hội vàng này kết hợp với thế lực phản động trong nước, lập ra một chính phủ tay sai, dần dà thôn tính Việt Nam.
           Thật ra, với một đội quân đã đầu hàng Đồng minh, mọi vũ khí đã tập trung bỏ hết vào kho, khóa chặt, chỉ chờ người của Đồng minh đến để giao nộp, thì lực lượng tiếp nhận chỉ cần 10.000 quân là quá đủ. Nhưng người Tàu đã không làm thế. Kỳ lạ, cứ hễ dính đến Việt Nam thì bất cứ anh Tàu nào cầm quyền, ở bất cứ thời đại nào cũng đều có dã tâm muốn đớp lấy mảnh đất hình chữ S này.
                Vì vậy, từ khi quân Tàu Tưởng vào nước ta, thì lực lượng Quốc Dân Đảng trỗi dậy như một thế lực chính trị đòi chia quyền lãnh đạo đất nước với Việt Minh. Họ gây ra các vụ bắt bớ cán bộ ta, những người đang hoạt động công khai. Phần lớn các vụ này là bắt cóc, đưa về trụ sở của họ đóng tại phố Duvigneau nay là Bùi Thị Xuân, Hà Nội.
           Trường hợp nhạc sỹ Đỗ Nhuận và các đồng chí của ông bị lực lượng Quốc Dân Đảng bắt cóc vào khoảng gần cuối năm 1945. Thật ra, đoàn thể cũng chưa biết ông bị họ nhốt ở đâu, cho đến khi nữ sỹ Ngân Giang nhận được mảnh giấy viết mấy chữ nguệch ngoạc do nhạc sỹ Đỗ Nhuận nhờ một người tâm huyết giấu tên chuyển tới. Đại ý: “Chị tìm cách giải cứu, nếu chậm chúng sẽ thủ tiêu. Đang bị chúng nhốt tại Duvigneau.”
          Thời gian đó, nữ sĩ Ngân Giang còn rất trẻ, chưa tới tuổi ba mươi, nhan sắc rực rỡ lại đang làm việc tại Phòng khách sảnh của Chính phủ, bà quen biết  nhiều cán bộ cao cấp. Nhận được thư của nhạc sỹ Đỗ Nhuận, bà vừa mừng vừa lo. Mừng vì Đỗ Nhuận vẫn chưa bị họ thủ tiêu. Lo là lo cứu anh bằng cách nào đây.
          Chợt nhớ anh Chu Đình Xương, Giám đốc Nha công an Bắc Bộ, tôi liền đến trình bầy với anh. Anh mừng rỡ : May quá, chúng tôi đang dò tìm xem nó giam cậu ấy ở đâu. Vậy chị đã có ý định cứu Đỗ Nhuận bằng cách nào chưa?
          Câu hỏi đột ngột của anh Xương làm tôi bối rối. Chính là tôi đến gặp anh để xin ý kiến của anh, cứu anh Đỗ Nhuận bằng cách nào. Tự nhiên trong tôi nảy ra một ý kiến ngộ nghĩnh, ngô nghê tựa như một ý thơ chợt tới, nó chưa có cấu tứ lô-gich gì cả. Tôi đáp – Tôi định nhờ bọn Tàu, được không anh ?
           Chu Đình Xương cười nhăn cả vừng trán. Rồi hỏi:
Sao chị ngây thơ thế ? Chị không biết, vì có bọn Tưởng bảo trợ thì Quốc Dân Đảng mới dám lộng hành như vậy chứ. Bây giờ lại đi nhờ chính bọn phù thủy ấy để giải cứu cho đồng chí mình?
        Im lặng một lát, rồi anh Chu Đình Xương hỏi tiếp – Dựa trên cơ sở nào mà chị định nhờ bọn Tàu Tưởng giải cứu cho Đỗ Nhuận. Và chị dự định tiến hành việc giải cứu thế nào, vào thời điểm nào ?
         -Thời điểm, theo tôi càng sớm càng tốt, vì anh Đỗ Nhuận đã nói họ sẽ thủ tiêu. Còn tôi định đến hẳn Tổng hành dinh bọn tướng Tàu, với cương vị nhà thơ tới chào xã giao vì hâm mộ. Tôi chắc với lý do đó họ không thể nghi ngờ tôi, và theo phép lịch sự họ không thể không tiếp tôi. Tôi sẽ ăn mặc đẹp và trang điểm lộng lẫy như một bà hoàng.
        - Gỉa dụ họ tiếp chị, thì sau đó chị làm gì ? Anh Chu Đình Xương hỏi.
        -Tùy cơ ứng biến thôi anh. Đương nhiên tôi không thể đề nghị họ thả anh Đỗ Nhuận. Nếu vậy, họ sẽ tóm luôn tôi giao cho Quốc Dân Đảng ngay.
        Chu Đình Xương cười. Anh khen tôi thông minh. Rồi nói, thôi được, thử dùng kế của chị xem sao. Thực tình tôi cũng chưa có giải pháp nào khả dĩ . Và anh hỏi :
        - Chị cần Tổ chức giúp đỡ gì nào ?             
        - Trước hết anh tìm cho tôi một phiên dịch tiếng Bắc Kinh. Nếu được một cô người Hoa giỏi tiếng Tàu, thông thạo tiếng Việt mà trẻ, xinh là hay nhất. Sau đó anh cho biết, tôi nên gặp người nào của họ, hiện Tổng hành dinh nó đóng ở đâu. Tôi nghe nói bọn tướng lĩnh cao cấp này chúng không ở chung với nhau.
            Sau vài giây suy nghĩ, anh Xương bảo – Phiên dịch sẽ nhờ một cô giáo người Hoa , dạy tại trường Hoa Kiều. Cô này đạt tiêu chuẩn chị cần. Còn đầu não bọn này có ba tên : Trương Phát Khuê – Lư Hán – Tiêu Văn. Trương Phát Khuê là một con cáo già chính trị, tên này gây khó khăn cho ta nhiều lắm. Nếu gặp được Tiêu Văn là hay nhất, người này vẻ ngoài nho nhã , lịch thiệp. Hình như Tiêu Văn về Trùng Khánh, chưa trở lại nhiệm sở, mà tình hình gấp lắm, biết đâu mà chờ họ.
            - Tóm lại, tôi sẽ gặp Lư Hán. Anh yên tâm, tôi biết cách chinh phục bọn này, và không ngây thơ đến mức để nó tóm mình trong hành dinh của nó đâu.
            Anh Chu Đình Xương cười vui vẻ và hỏi thêm – Chị còn cần gì nữa để chúng tôi lo.
            -Anh in cho tôi một danh thiếp thật sang, có hình tôi trong đó. In bằng 3 thứ tiếng Việt – Hoa – Pháp, và một lẵng hoa hồng thật đẹp. Ô tô tôi tự lo, tôi sẽ mượn ô tô đẹp, sao cho thật quý phái chứ không đi xe công.
         Không hiếu sao trong việc đi gặp vị tướng Tàu lần này, tôi tự tin lạ lùng, rằng nhất định tôi sẽ cứu được anh Đỗ Nhuận trở về an toàn.
       Hóa ra cô giáo phiên dịch lại là người quen và rất hâm mộ thơ tôi, thành ra mọi việc trở nên dễ dàng.
          Danh thiếp của tôi đưa vào chừng 10 phút sau có một viên sĩ quan tùy tùng khá trẻ, ăn vận kiểu nhà binh rất lịch sự, tới trước tôi cúi chào, với chất giọng trầm,  anh ta nhếch mép nói vừa đủ nghe:
         Thưa nữ sỹ, tướng quân tôi đang chờ bà tại phòng khách. Và anh ta bước nhẹ nhàng dẫn chúng tôi tới cửa phòng khách thì anh trở lui.
        Trước tôi là một người lịch thiệp, phong thái nho nhã, giống như các tao nhân mặc khách Trung Hoa mà tôi thường gặp trong truyện cổ Trung Quốc.  
         Tôi trao lẵng hoa cho ông ta và nói:
         -Thưa tướng quân, nghe danh tướng quân, giới quần thoa trong thi đàn của Thủ đô Hà Nội nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, cử tôi làm đại diện tới dinh tướng quân để bầy tỏ lòng hâm mộ.
          - Gương mặt ông ta bỗng rạng rỡ hẳn lên. Ông đỡ lẵng hoa từ tôi với với thái độ trân trọng, hòa nhã. Nói lời cám ơn xong, ông trao tặng tôi một chiếc hộp khá đẹp. Tôi nghĩ trong đó là nước hoa và son môi cho phụ nữ. Ông ta hỏi thăm tôi về những thi phẩm đã in. Cô phiên dịch của tôi, giới thiệu về sự nổi tiếng của tôi rất lưu loát, khiến ông ta càng trân trọng. Tôi hỏi thăm sức khỏe ông ta. Nói về thời tiết Hà Nội đang mùa lạnh và những tiện nghi khiêm tốn của Việt Nam… Ông ta cười vui vẻ và nói rất chân tình – Nữ sỹ khỏi lo, nhà binh chúng tôi thân gửi nơi thao trường và chiến trường là chính, chớ không phải ở các nơi chốn ăn chơi. Ông ta nhìn ra ngoài cửa sổ nói, Hà Nội tuy nhỏ, nhưng đẹp. Đẹp như một bài thơ.
          Nhân ông ta nói Hà Nội đẹp như một bài thơ, tôi bắt luôn cái ý đó để nói về cái mà mình sở trường.
         -Thưa tướng quân, tôi tuy làm thơ mới, nhưng lại rất ham chuộng thơ Đường. Trong nhà tôi có tới cả chục tập thơ Đường do phụ thân tôi để lại. Nhưng quý nhất vẫn là tập tuyển 300 bài thơ Đường hay nhất do các bậc túc nho của nước tôi tuyển dịch. Giới học thuật nước tôi thường gọi tập thơ đó là Đường thi tam bách thủ. Tôi cứ dẫn dắt ông ta theo tôi từ Hạ Trì Chương, Trần Tử Ngang, Vương Duy, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Thôi Hiệu, Bạch Cư Dị v.v… khiến ông ta thán phục, một nhà thơ ngoại quốc mà thẩm thơ cổ điển Trung Hoa rành hơn cả người Trung Hoa. Ông ta hết lời khen ngợi tài thơ và tài thẩm thơ của tôi. Đành rằng trong đó có phần xã giao. Qua trao đổi, tôi biết ông ta không biết nhiều lắm về tác giả và tác phẩm Đường thi.
          Đột nhiên tôi hỏi ông ta, thưa tướng quân, trong quân doanh đôi khi tướng quân cũng có bầy tiệc rượu chiêu đãi bạn bè hoặc tân khách.
         Ông ta gật đầu lia lịa và khẳng định, đúng vậy đó thưa nữ sỹ, rồi ông ta đọc to câu phương ngữ “Nam vô tửu như kỳ vô phong “.
          Chớp cơ hội, tôi nói luôn, vậy thời tôi ngâm hầu tướng quân bài “Tương tiến tửu” của đại thi hào Lý Bạch.
           Nghe xong, ông ta cảm động tới trước tôi cúi đầu cảm tạ. Tôi liền nhấn lại hai câu, và nói hai câu này riêng tặng tướng quân:
                        TỰ CỔ THÁNH HIỀN GIAI TỊCH MỊCH
                         DUY HỮU ẨM GIẢ LƯU KỲ DANH
      Ông ta khen tôi thông minh, có tài thi bá. Tôi cáo từ ra về. Ông ta tiễn tôi tới chân cầu thang, nói với vẻ chân thành. Tạm biệt nữ sĩ, rất mong được gặp lại. Nếu như mai đây nữ sỹ có việc gì cần, tôi sẵn sàng giúp đỡ trong phạm vi quyền lực của mình.
      Tôi chộp ngay lấy cơ hội, nhưng vẫn làm ra vẻ bình thản:
      - Đội ơn tướng quân, nếu ngài không nhắc,  hẳn tôi lại quên  mất một việc. Chẳng là trong tôi vừa nhen một tứ thơ.
     - Vậy ư, thế là tôi lại làm phiền nữ sỹ.
     - Ồ không, thưa tướng quân, tôi nhớ ra rồi, chẳng là tôi có một người bạn nhạc sỹ. Chúng tôi chơi với nhau trong salon thơ và nhạc. Nhạc sỹ thường lấy thơ của tôi phổ nhạc. Và những ca khúc đó thường được hát trong salon của chúng tôi. Dạ thưa, nhạc sỹ còn trẻ lắm, anh mới ngoài 20 tuổi thôi, nhưng thưa tướng quân, tài năng lại không lệ thuộc vào tuổi tác. ( Năm ấy nhạc sỹ Đỗ Nhuận mới 23 tuổi ). Nhưng rất tiếc, thưa tướng quân, chắc có một sự hiểu lầm nào đấy, nên mấy người trong Đảng Quốc Dân của Việt Nam đã bắt anh bạn của tôi, và hiện đang giam cầm trong trụ sở của họ. Rất mong tướng quân ra tay tế độ.
       Ông ta chau mày, có vẻ không hài lòng:
        -Bắt giam nhạc sỹ à? Sao có chuyện vô lý ấy. Nữ sỹ yên tâm, tôi sẽ bắt họ phải thả ngay bạn của nữ sỹ.
         Ngay lập tức, ông ta cho gọi viên tướng trong Bộ tham mưu tới, nói cho biết sự việc và yêu cầu ông ta đem ngay một trung đoàn đến bao vây trụ sở Quốc Dân Đảng, bắt họ phải thả người nhạc sỹ đó ra ngay.
   Tôi dẫn đơn vị quân Tưởng này sang phố Duvigneau, nơi có trụ sở Quốc Dân Đảng đóng . Tôi vào hẳn cửa phòng biệt giam đón Đỗ Nhuận. Vừa trông thấy tôi, anh nói nhỏ :”Còn hai người nữa, chị nói bọn họ tha luôn đi. “
       Tội vội quay ra sân cám ơn viên tướng Tàu và nói : “Xin ngài làm ơn nói họ tha nốt cho tôi hai người nữa”.
       Ông ta nhún vai, dường như khó xử:’’Thượng cấp của tôi nói thả ông nhạc sỹ thôi mà.”
            -Vâng, thưa ngài đúng thế. Đây là nhạc sỹ bạn tôi, còn hai người kia là nhạc công cùng chơi trong salon thơ nhạc của tôi. Ông ta gật đầu rồi bắt các vị Quốc Dân Đảng phải thả nốt hai người còn lại. Cũng may, hai cậu trinh sát này nom còn trẻ và nhỏ con hơn Đỗ Nhuận nên viên sỹ quan Tưởng tin điều tôi nói.
         Việc này không chỉ nữ sỹ Ngân Giang kể với tôi, mà tôi còn xem trong các giấy xác nhận của cụ Chu Đình Xương và nhạc sỹ Đỗ Nhuận. Nghe đâu trong hồi ký của mình, nhạc sỹ Đỗ Nhuận cũng kể lại việc này.
         Nữ sỹ Ngân Giang là vậy đó. Tôi tin tự thân bà làm việc này, và tôi biết bà còn làm nhiều việc lớn hơn nữa cho cách mạng. Và khí phách cùng nhân cách của nữ sỹ được thể hiện trong lời thơ của chính bà:
                              Kiếm kích có yên bao trận địa,
                              Văn chương cũng chuyển cả sơn hà.
                               Tài năng danh sỹ ngàn thu trước,
                              Đuổi vạn hùng binh nửa khúc ca.
                                                                                              Xóm vắng Pháo Đài Láng  21 / 8 / 2020
                                                                                                                 H Q H

Nguồn tin: , bài: NHN:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây