GIỮ GÌN SỰ TRONG SÁNG CỦA TIẾNG VIỆT

Thứ năm - 13/02/2020 20:56

GIỮ GÌN SỰ TRONG SÁNG CỦA TIẾNG VIỆT

Nguyễn Văn Hoan

 

      Đặt vấn đề: Từ xa xưa, ông cha ta đã rất chú trọng đến ngôn từ. Các cụ dạy: Học ăn, họcnói, học gói, học mở với ý nghĩa rất xâu sắc. Trước chúng ta, các lãnh tụ, các nhà văn hóa cũng giành nhiều tâm huyết cho Tiếng Việt. Bác Hồ, Bác Trường Chinh và đặc biệt là Bác Phạm văn Đồng rất chú trọng đến cách dùng từ, cách hành văn. Bác Đồng đã rất sâu sắc khi cho rằng ngôn ngữ nói lên tính cách của con người. Vấn đề : “Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt “ được Bác khởi sướng từ tháng 2 năm 1966 đã có âm hưởng trong lòng dân ta, được những người cầm bút, giới báo chí, xuất bản hưởng ứng nồng nhiệt. Bác dạy: “ Phải giữ gìn bản sắc, tinh hoa, phong cách của tiếng ta trong mọi thể loại văn (  văn nghệ, chính trị, khoa học, kỹ thuật..”
Đáng lẽ xã hội càng phát triển, con người càng phải thanh tao, trang nhã, ngôn từ càng phải được trau chuốt, trong sáng hơn, để giao lưu tư tưởng, tình cảm, giao tiếp xã hội văn hóa hơn, văn minh hơn. Nhưng tiếc rằng, ngày nay, theo đà cuộc sống hết sức “ tốc độ”, mải mê rượt đuổi  vật chất....,một số người đã đối xử rất thô bạo, rất phũ phàng với ngôn ngữ, khiến ngôn ngữ của ta chẳng những không trong sáng lên mà ngày càng vẩn đục đi.
Để dần dần khắc phục tình trạng này và để làm theo lời dạy của Tiền nhân, phải  có người chí cốt, phải có người tiên phong, đó là giới báo chí, xuất bản. Và qua Nhavanhanoi.vn xin được tiên phong trong những người tiên phong với chuyên mục : “ Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt”.
Tên chuyên mục chẳng những  nói lên mục đích, ý nghĩa, nhiệm vụ của nó mà còn ghi dấu công lao và tâm huyết của Bác cố Thủ tướng  Phạm văn Đồng trong lĩnh vực này.

2. Chuyên mục tập trung vào việc giữ gìn câu cú ( cú pháp ) và ngôn từ ( từ pháp) của tiếng Việt. Cách tiếp cận có thể như sau:

a, Về từ ngữ: Để khắc phục xu hướng tiêu cực trong sự bùng nổ không định hướng về từ ngữ của giới trẻ hiện nay như tiếng lóng, ngôn ngữ chát, ngôn ngữ tuổi teens...., dùng từ bừa bãi… chúng ta cần giữ gìn vốn từ ( từ vựng) tiếng Việt và khai thác tối đa ngữ nghĩa của mỗi từ đặc biệt là các từ có nguy cơ mai một. Để thu hút nhiều người tham gia, chuyên mục dùng  hình thức 'đố chữ'  thông qua:
- Nguyên  nghĩa của nó hoặc những nghĩa mở rộng, nếu có.
-  Các từ đồng nghĩa, đồng âm, đối nghĩa; ưu tiên từ “lạ “, tần suất nhỏ trên sách, báo, trong giao tiếp.
- Nghĩa của các từ vừa nêu ( cho là mới lạ) trên tất cả các mặt văn học, nghệ thuật, khoa học, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội...( nếu có). Ý kiến   càng có giá trị khi tác giả đưa ra được nhiều nghĩa, nghĩa “lạ “ nhất ( không kể tiếng địa phương, tiếng lóng ), diễn đạt lời giải của mình chặt chẽ, xúc tích nhất ( có thể dùng  thí dụ để làm sáng tỏ lời giải thích của mình).
- Những từ dùng chữ đó mà không phải là nguyên nghĩa.
( Dưới đây tôi xin viết sẵn một số bài làm thí dụ ).

b, Về câu: Để khắc phục tình trạng nhiều câu què, câu cụt, câu không gãy góc..., nghĩa là câu sai văn phạm như hiện nay, Tác giả sẽ trích dẫn một câu văn nào đó trên sách báo, sau đó:
Phát hiện cái sai trong đó. Dùng một câu thơ lục bát để phê phán cái sai đó.
Đặt lại câu cho chính xác nhất, hay nhất.
Xin được bổ sung để Đề xuất này thêm hoàn chỉnh.             
                       
                                                                                                                
                Nguyễn văn Hoan.                              


     

Bài 100

CLB chơi chữ đi dã ngoại
 
     Mọi người đã khăn gói chỉnh tề rồi, bác Dậu mới đến. Bác đến báo tin không vui là bác gái đột xuất lên cơn đau dạ dày nên bác không đi dã ngoại được. Tinh thần cả CLB đang phấn chấn, bỗng trùng hẳn xuống. Người bâng khuâng, kẻ bùi ngùi. Còn bác Dậu, như một chiến sĩ phải dời đội ngũ, vô cùng hoang mang, ngao ngán. Bác đi cùng đoàn một đoạn rồi chia tay trở về nhà mình.
Theo lịch trình, 4 giờ chiều, đoàn đến một làng quê xa xôi. Khi tìm nơi nghỉ chân thì thấy quán sá vắng tanh. Hỏi ra mới biết vùng này đang cách li theo chỉ thị 15. Các hàng ăn cũng chỉ bán cho khách đem về. Đoàn đành ngồi nghỉ tạm ở một quán vắng. Lo đến bữa tối, đoàn cử bác Thân đi dò la tình hình ăn ở ở đây. Bác Thân vội vã ra đi. Mọi người nhìn theo bác, phì cười vì cái dáng vẻ Tôn Hành Giả của bác. Từ đường trục, Bác rẽ vào một đường thôn. Đi được một lúc, bác thấy một chiếc cổng xây kiểu cổ. Nhìn vào trong lại thấy một bàn đón tiếp, có ông cụ đội khăn xếp, mặc áo the ngồi trực bên cạnh. Vào gần hơn mới thấy trang trí bàn đón tiếp thật cầu kỳ: Trên cùng có một khung gỗ lớn nền vàng, chữ đỏ, chữ Hoàn, cắt bằng máy vi tính, kiểu Viêtnamtime rất trang trọng. Dòng dưới nhỏ hơn gồm 4 chữ: Ra mắt bàn đợi. (Bác Thân nghĩ, tiếng Hán phải nói ngược nên đây là bàn đợi ra mắt) Dưới nữa treo 2 đôi tất. Cuối cùng là chiếc bàn Pơ mu màu sáng, bóng loáng, sang trọng, trên bàn đặt úp một tấm biển có que cầm.  Thấy bác Thân vào, ông cụ đứng dậy lậy 3 lậy vào 2 đôi tất. Bác Thân cất lời chào:
Chào bọ.
Ông cụ không trả lời mà dơ tấm biển lên. Biển đề: Nông khói.
Trong tiếng Pháp, nông nghĩa là không, nông khói nghĩa là không khói nên bác Thân suy diễn mà hiểu ngầm rằng, không hút thuốc lá chẳng hạn. Bác cười cầu tài để nài xin thêm điều gì đó nhưng ông cụ khoát tay chỉ vào phía trong:
Vi đào.
Vi tiếng Tàu là hành vi, kết hợp với cái phẩy tay của ông cụ, bác Thân thẳng tiến vào phía trong. Bác gặp một chiếc cổng chào. Chiếc cổng làm theo kiểu hoành phi câu đối. Xung quanh cổng không kết hoa tươi mà cài toàn hoa cắt bằng giấy. Bông nào cũng đề: Nhai Hòa. Câu đối biểu thị bằng chữ kết hợp với hình ảnh. Ô chữ bên trái đối với ô chữ bên phải.
Câu đối bên trái gồm:
  Ô1: Vẽ hình chiếc cần câu móc con cá r(d)ô.
  Ô 2: Choa ngua.
  Ô 3: Vẽ củ hành và cái đanh.
  Ô 4: Cán bá
   Ô 5: Chứa cỏ.
    Ô 6: Văn ạ.
   Ô 7: Khấn bởi.

Câu đối bên phải gồm:
Ô 1: vẽ hình con d(r)ế và chữ chủ.
Ô 2: Từ tính.
Ô 3: Tồn hâm.
Ô 4: Hao cọc.
Ô 5: Tai trân.
Ô 6: Cấp d(g)ưới.
Ô 7: Hình ảnh luộc quả bòng.
       Nghĩ mãi, bác Thân vẫn không hiểu nổi hai vế đối. Ngẩng lên nhìn bức hoành phi, bác thấy hai chữ lớn: Thôn Hành. Rõ ràng đây không phải là cổng làng. Bên trong không phải là cộng đồng dân cư mà là một nhà vườn sang trọng và bề thế vậy không thể gọi là Thôn.Tất cả những băn khoăn ấy, bác ghi chép lại thật đầy đủ, cẩn thận rồi quay trở lại với đoàn. Vừa trông thấy bác Thân, bác Hợi đã chạy ra đón. Bác vốn là người thạo về phương ngữ nhưng xem qua tờ giấy, bác cũng ngợp:
Choa là tôi, là tao; khấn là lễ, tồn là còn, hao là tốn…; Nhưng ngua, bởi, trân… là gì, thì xin chiu nặng.
Đưa tờ giấy cho bác Phan Khoa, bác Hợi ngán ngẩm:
 Toàn những từ hóc búa. Mời Chủ tịch.
Bác Phan Khoa lướt từ đầu tới cuối tờ giấy rồi ngẩng lên, nói như reo:
May quá! Tưởng là sẽ bị chết đói. Chúng ta sắp được đánh chén rồi!
 Mọi người xúm vào tờ giấy. Bác Khoa nói:
Thôi. Hãy để đôi câu đối lại đã, khi nào no bụng hãy hay. Còn cái bàn đón tiếp, chẳng phải để đón tiếp. Mấy chiếc bít tất, bác Hợi hẳn biết rồi, tiếng miền Trung, bít tất là vớ. Ông cụ lậy vào đấy, không phải để lậy mà để thông báo: lấy vợ. Cho nên dưới chữ Hoàn có chữ: Ra mắt bạn đời (bàn đợi). Vậy bàn tiếp đón thực chất là thông báo: Ông bạn Hoàn nào đấy lấy vợ. Còn bức Hoành phi Thôn Hành, chính là Thành hôn. Thành hôn thế nào chẳng phải có răm mâm.
  Mọi người vỡ lẽ, hớn hở hẳn lên. Lát sau bác Chủ tịch nói tiếp:
Bây giờ phiền bác Thân một chuyến nữa. Bác vào sâu bên trong xem họ tổ chức ăn uống thế nào, ra đây, chúng ta làm một món quà mừng gia chủ.
  Bác Thân vội vã đi ngay.
        Qua chiếc cổng chào, bên trong là một ngôi nhà Việt cổ. Từ bậc tam cấp trở vào, đều trải thảm bẹ ngô. Trong cùng gian chính là bàn thờ gia tiên. Bài vị sơn son thiếp vàng lấp lánh ánh vàng. Mâm bồng bày đầy ngũ quả. Cặp độc bình cắm đầy hoa ly. Ống hương cắm đầy hương. Ba bát hương đại, tàn hương trắng quăn queo phủ đầy như những bát hoa. Đỉnh đồng cỡ đai, trầm hương nghi ngút.
 Bên dưới trước bàn thờ là bộ xập trải chiếu hoa mới tinh. Ấm chén, dầu nước, bánh kẹo, được xếp đặt nghiêm chỉnh. Gian bên trái có biển đề: Gà nhái. Gian bên phải có biển đề: Trà nhai. Từ bàn thờ phủ xuống một tấm nhiễu hồng có chữ đề : Cú cạc. Hai bên tả hữu bày bàn ghế, trà nước, bánh kẹo, hoa bát chỉnh tề và rất nhiều. Ngang bên phải còn kê một chiếc bàn dài phủ khăn điều trên có các biển đề: Câu tràu, chuốc thè, tránh bái, sà gôi, lủ thợn. Đặc biệt còn có một hộp gỗ hình trái tim, bọc giấy hồng, miệng bịt kín trên có biển đề: Không cười quá. Dù bác Thân không hiểu hết các biển đề, nhưng đây đúng là nơi tổ chức lễ đón dâu, đưa dâu gì đó. Vấn đề là tiệc mặn được bố trí ở đâu. Bác Thân tìm ra lối sau. Hiên sau có lối rẽ xuống dãy nhà ngang, nhà bếp. Nhưng đến đây khách sẽ phải dừng bước vì có biển đề: Khăn ông. Bác Thân sờ vào cổ mình lại nhìn xung quanh nhưng không thấy có khăn khiếc gì cả. Bác căng tai nghe, căng mắt nhìn xuống phía nhà dưới nhưng tuyệt nhiên không có tiếng kí cách của dao thớt, không có tiếng loảng xoảng của nồi soong, không có tiếng lạch cạch của bát đĩa. Bác đành thất vọng quay trở lại. Ở đoàn, khi bác kể đến tấm biển đề khăn ông, mặt bác Khoa bỗng xỉu hẳn đi và bác thốt lên:
Hỏng ăn rồi. Có lẽ chấp hành lệnh chống cô-vít, họ không tổ chức ăn mặn.
Mọi người ớ ra. Bác giải thích:
Thì đấy. Khăn ông chính là không ăn.
Trời đẫ chập choạng tối. Chẳng nhẽ đêm nay đành nhịn đói. Những mối lo tụt huyết áp, ù tai, hoa mắt, chóng mặt, bủn rủn chân tay bỗng xuất hiện chùm n cả đoàn. Đoàn người vội vã ra đi. Họ đi theo một con đường bê tông rộng lớn có lẽ là đường liên xã. Vượt qua một bãi ngô lớn, quả nhiên đoàn tới một khu dân cư rồi vào một thị tứ. May quá! Ở đây họ mở chợ o đồng nên đoàn kiếm được một ít thực phẩm. Lần theo tiếng mõ tụng kinh, đoàn tìm đến một ngôi chùa. Nhờ có vị sư thầy tốt bụng, đoàn có một bữa tối ấm bụng và một đêm ngủ vô cùng lãng mạn. Hôm sau đoàn tìm đến chợ quê của vùng này. Nhà sư lưu luyến tiễn đoàn ra tận cổng chùa và còn dặn đoàn cứ như thế, như thế mà đi.
 Chợ quê cách chùa hơn một cây số, nằm trên một mảnh đất bằng phẳng, có những cây cổ thụ phủ tán êm đềm. Người ta cũng dựa vào những hàng cây để phân chia từng khu vực của chợ.
 Bước vào cổng chợ, ta sẽ gặp một biển đề: Chi nhánh. Bên dưới là dòng chữ nhỏ hơn: Nhặt mận thác cứ. Chẳng biết thác Cứ gần hay xa nhưng lắng nghe mà chẳng thấy tiếng thác đổ. Một tấm biển lớn vẽ sơ đồ chợ, gồm 3 khu:
Khu 1 đề : Sông nản.
Khu 2 đề: Công nụ.
Khu 3 vẽ một đôi coóc-sê rồi gạch đít và thêm chữ :Thật. Có lẽ để quảng cáo thêm cho khu chợ này, bên dưới còn có hình vẽ đứa trẻ mẹ, phía trước là chữ : Thách.
Ở khu chợ 1, các bà, các chị ngồi bệt xuống đất bán hàng.
Trước mặt một bà, một rổ quả to tròn gần bằng cái bát, trắng tinh, có khía, lại có cuống xanh. Có lẽ quả này đã có thương hiệu nên có biển đề: Bà Cát.
Trước mặt một phụ nữ là một rổ quả, quả nào quả ấy tròn trùng trục, màu xanh thẫm. Có lẽ quả còn rất non nên có biển đề trên rổ là : Chưa r(d)uột.
Rồi một rổ nữa có biển đề: Tìm cá.
Có 3 cái thúng của một bà đựng đầy những hạt trắng. Một cái có biển đề: Tạo  ghẻ, một cái đề: Nạo ghếp,  cái có hạt to hơn đề: Ng(h)e tổ.
Một bà có hai cái thúng. Một cái đựng một thứ như sắn ta thái khô trắng tinh, có biển đề: Cải mù. Một thúng đựng những củ đen đen, to hơn củ gừng có biển đề: Tham tất…
 Rồi đoàn đến khu chợ thứ 2. Hóa ra khu chợ này toàn những đồ thủ công khiến nó chẳng khác gì khu bảo tàng của nhà nông thời bao cấp:
  Đầu tiên là một vật dài khoảng 1m có càng, lại có tay cầm cao khoảng 60 phân. Ở vật này có một quả bứa cài vào.
Rồi đến một vật khác dài hơn 1m, một đầu bịt mũi gang đúc, nhọn, một đầu đẽo nhỏ cho dễ cầm. Vật này cũng có càng để kéo. Nó được cài một con cáy.
Rồi đến một vật có hình vẽ cái k(c)ẻng, trước đó là chữ : Sái.
Rồi đến một vật có biển đề: Cuống thải.
Rồi đến một vật có biển đề : Cai mái.
Vật thứ 6 được đan liền bằng nan tre, thành sâu, cạp tròn rất cao bằng mây có biển đề: Cúng thái.
Vật thứ 7  Cũng được đan liền bằng nan tre, rất to, thành nông, cạp bằng mây, có biển đề: Nái k(c)ia.
  Đi hết khu chợ này, đoàn chuyển sang khu chợ thứ 3.
 Con vật đầu tiên mà đoàn gặp là một gia súc cao, 3,4 người đàn ông đứng xúm xít xung quanh. Cổ con vật có treo một biển đề: Cựa ngon.
Rồi đến một con vật có biển đề: Cò bon.
Rồi đến một con vật có biển đề: Câu tron.
Rồi đến một con vật có biển đề: Có chon
Rồi đến một cái chuồng nhốt mấy con vật có biển đề: Cỏ thon.
  Cứ thế, đoàn dong duổi hết khu 3. Trời đã xế chiều. Đoàn chọn một quán nước dưới một gốc cây to nghỉ ngơi. Mọi người lặng lẽ ngắm cảnh toàn khu chợ. Cái màu sắc pha tạp lúc chợ đông phủ kín cả chợ nay loãng dần rồi mất hẳn, trả lại mảnh đất trần trụi của chợ thản nhiên nằm phơi mình dưới cái nắng xế chiều. Tối hôm ấy, đoàn lại về ngủ nhờ nhà chùa, sáng hôm sau đoàn trở về sớm, kết thúc nội dung dã ngoại của Câu lạc bộ.
 Buổi gặp gỡ sau cuộc dã ngoại thật là đậm đà, tình cảm. Mọi người tuy áy náy vì chuyến đi thiếu Bác Dậu, nhưng lúc về, tất cả đều mừng vì dạ dày bác gái đã ổn định, hơn nữa bác Dậu đã hy sinh chuyến đi để giữ trọn được tình nghĩa vợ chồng với bác gái. Bác rối rít hỏi mọi người về những chuyện đã xẩy ra. Bác ngớ ra trước những tư liệu mà mọi người thu được. Cái cảm giác hoang mang khi phải chia tay đoàn hôm trước nay cô lại thành nỗi lo lắng về sự tụt hậu của bác so với mọi người. Đoán được tâm lý đó, bác Phan Khoa đã khái quát những cách thức nói lái của người Việt để bác Dậu có thể hiểu hết những chữ lái mà người dân đã chơi đoàn và thích thú với nghệ thuật nói lái của dân ta, thích thú với một trong những vẻ đẹp độc đáo của tiếng Việt. Bác bảo rằng:
Nhìn qua thì ta thấy nó rất mung lung, nhưng đúc rút lại, Nghệ thuật nói lái của tiếng Việt chỉ quy vào 5 cách. Một từ lái bao gồm 2 chữ. Năm cách lái là năm sự chuyển vận của vần điệu, thanh điệu, phụ âm đầu, âm đệm, âm chính, âm cuối và âm tiết:
Cách 1: Chỉ chuyển vần điệu.                            Thí dụ: Thi đua – Thua đi.
Cách 2: Chỉ chuyển phụ âm đầu.             Thí dụ: Chó vàng –Vó chàng.
Cách 3: Chỉ chuyển thanh điệu:                        Thí dụ: Cà chua – Ca chùa.
Cách 4: Chuyển âm tiết và thanh điệu:                      Thí dụ: Đợi chờ -- Chợ đời.
                                                                                    Từ tính – Tình tứ.
                                                                                     Bò cái  -   cài bó
Cách 5: Chuyển phụ âm đầu và thanh điệu.  Thí dụ:   Bò cái – Có bài.
   Bác Dậu ngồi nhẩm một lúc để nhập tâm 5 cách chuyển rồi đối chiếu với những chữ lái trong tập tài liệu của bác Thân, vừa đối chiếu vừa gật gù. Cuối cùng bác cười lên một tiếng thật to, thật phấn khởi:
Ờ nhỉ! Tài tình thật.
                                                                                                            Nguyễn văn Hoan ghi chép.


 

    Bài 99

     Bước vào buổi sinh hoạt, Bác Phan Khoa tỏ ra rất do dự, cuối cùng bác nói:
Có lẽ chúng ta đều có một mối lo chung rằng sẽ có những từ việt bị mất đi theo sự thay đổi của xã hội: Đó là những từ chả bao giờ dùng đến nữa vì không còn đối tượng  biểu đạt. Chẳng hạn, những từ sau đây làm sao mà tồn tại được trong xã hội hiện đại:
 Cây sào phơi quần áo( Có phơi thì phơi bằng sào, chớ phơi hàng rào tao cào mặt ra: Chuyện Tấm Cám): Đã có máy sấy rồi!
Ngọc nhà, só bếp, vua bếp: Nhà Tây làm gì có!
Cầu ao, Bến nước, …: Ngày nay rửa rau trong chậu ToTo tắm trong vách ngăn Odeon thì cần gì Cầu ao, Bến nước!
Bến đò:  Cầu xi măng dự ứng lực, cầu dây văng.. vắt qua vắt lại trên sông thì làm gì còn Bến đò!...
Bác Dậu:
Tôi còn có cảm tưởng là  xã hội phát triển tạo ra sự thiên lệch trong sử dụng ngôn ngữ: Ngày nay người ta dùng nhiều các từ về kinh tế, khoa học, công nghệ mà ít sử dụng đến các từ như: Tự tôn dân tộc, lòng tự trọng, kính già yêu trẻ, chữ tín, lương tâm,  lương tâm nghề nghiệp, , xấu hổ, tham lam, bổn phận, hiếu thảo, hiền thục, phúc hậu, chung thuỷ, …Rõ ràng rằng các từ này xuất hiện trong xã hội với tần xuất rất thấp. Mà, theo tôi,  sự thiên lệch này chẳng những tạo ra nguy cơ mai một về từ vựng tiếng việt mà còn ảnh hưởng đến việc giữ gìn đạo đức, tư cách, lương tâm..của con người.
Bác Tỵ:
Quả thật đây là một nghịch lý. Bởi vì cuộc sống công nghiệp thì hấp dẫn hơn nếp sống nông nghiệp truyền thống của ta
   Có thể nói, sau mỗi một cuộc cách mạng công nghiệp, con người ta càng bị hút xâu vào khoa học, kỹ thuật, công nghệ mà rời xa hơn thiên nhiên và rời xa hơn chính đồng loại của mình.
Máy giặt, máy sấy, máy rửa bát, ti vi, smarphon..khiến con người từ bỏ Cầu ao, Bến nước, Sân đình, Sào phơi… nhưng Cầu ao, Bến nước, Sân đình, Sào phơi... mới gắn con người với con người, con người với cảnh, với vật và mà chính cảnh, vật mới tạo nên tâm hồn con người còn máy giặt, máy sấy, máy rửa bát không thể nào làm được

Bác Dậu:
Cụ thể là, nhiều từ Việt, mà để mất nó sẽ làm cho tư duy, cảm xúc của người ta nghèo nàn, khô cứng đi. Chúng ta hãy thử xem: Mè nheo, chê bai, ăn đứt, chẻ hoe ra, đừng hòng, biết thừa, bài bây, mới tinh, mới toanh, thòm thèm, lấy lòng, đài, làm khách, làm phách, để bụng, hay làm, hay lam hay làm...hay biết bao nhiêu. Chỉ chúng mới chứa đựng tâm hồn, tình cảm, tính cách, thậm chí là hồn cốt của người Việt.
Bác Thân:
Thí dụ từ này, một tư rất gợi cảm xúc, gợi tư duy mà đã bị lãng quên thật rồi. Từ Xem mặt ấy mà. Vì trước kia giao lưu kém nên phải tạo điều kiện để đôi trai gái biết mặt nhau. Chẳng hạn như: Mối càng vén tóc, bắt tay
               Nét buồn như cúc, điệu gầy như mai( Truyện Kiều ) ấy mà.
Bác Tỵ:
Bây giờ chỉ gặp nhau một lúc là họ đã biết rất kỹ về nhau rồi nên từ này bị lãng quên là phải.
      Bác Phan Khoa:
Như vậy, phải chăng chúng ta cần “ bảo tàng” các từ ngữ ấy để Ngôn ngữ Việt chẳng những giữ được vốn cũ, giữ được sự trong sáng tinh khôi của nó mà còn góp phần gìn giữ được thuần phong mỹ tục, giữ được hồn cốt của người Việt chúng ta.
   Mọi người gần như đồng thanh:
Nhưng theo Chủ tịch, bảo tàng ngôn ngữ như thế nào?
Chủ tịch không trả lời mà giữ vẻ mặt tự tin.
Bác Thân lên tiếng:
Phải cố mà đưa hết vào Tự điển Việt Nam thôi.
Bác Phan Khoa:
Còn nữa chứ?
Không ai trả lời, bác Phan Khoa tiếp:
Đấy phải chăng còn là nhiệm vụ của các diễn giả, của người cầm bút đặc biệt là các Nhà văn, Nhà thơ.
Dừng một lát, bác Phan Khoa tiếp:
Ta thử xem trong Tự điển xem sao nhé.
Sẵn có cuốn Từ điển Tiếng Việt  1992, bác Dậu tra:
Xem mặt?
Có.
Cầu ao?
Có.
Bến nước?
Có.
Bến đò?
Không có.
Sào phơi?
Không có.
Nhưng Sào thì có đấy nhé.
Bác Phan Khoa:
Ấy, điều cốt lõi là ở đấy đấy. Đưa ra khái niệm “Bảo tàng ngôn ngữ” là muốn  nhấn vào việc đó. Thực ra “Bảo tàng” phải nằm trong tâm thức của mỗi người Việt để các từ dễ bị lãng quên luôn luôn và thực sự sống ở trong đời sống của xã hội. Thế “Bảo tàng” mới thực sự là “Bảo tàng”.
  Ta sẽ dừng ở đây. Xin lỗi! Hôm nay tôi làm các bác mệt quá phải không! À mà các bác nhớ chuẩn bị cho đợt đi dã ngoại đấy nhé.

                                                                               Nguyễn văn Hoan ghi chép



         Bài 97  

      Bác Phan Khoa:

   - Buổi trước, bài 78, chúng ta đã treo vấn đề ngoại lai Hoa ngữ. Phải nói rằng, trong điều kiện địa lý- lịch sử như thế, chúng ta bị xâm lăng về ngôn ngữ là điều không tránh khỏi. Chúng ta không bị đồng hóa về dân tộc, về văn hóa, về ngôn ngữ là oanh liệt lắm rồi. Có một thời, chúng ta đã đặt vấn đề bài trừ Hoa ngữ nhưng rút cuộc là không thể. Nay, loài người bước vào thời kỳ cách mạng 4.0. Ta hội nhập với thế giới nhưng chẳng biết, ta thực chất ở mấy chấm. Vì vậy , cũng như trước đây, ta ắt bị xâm lăng về ngôn ngữ . Rồi tiếng lóng, ngôn ngữ tuổi teen..Hội nhập là nó thế. Đúng ra, mọi người cần đề cao vai trò của tiếng Việt  để giữ lấy bản sắc văn hoá, bản sắc ngôn ngữ của ta. Nhưng tiếc thay tình  trạng khoe chữ, sính chữ kiểu mới lại quá tràn lan.

        Bác dừng lại một lát, lắc đầu chán nản:
           -  Bác nào có vấn đề gì thì đưa ra cho vui.

        Mọi người đồng tình.

        Bác Dậu mở đầu:

   - Đúng là bài Hoa ngữ một cách triệt để thì cũng khó: Độc lập thay bằng Đứng một, Du kích thay bằng Đánh chơi.. thì rất khó nghe, nhưng cố tình vay mượn khi có từ Việt tương ứng thì cũng rất đáng trách. Thí dụ: Bằng hữu, tửu lượng, hiện diện, hiện hữu, lộ trình, tri ân… thay bằng những từ bạn bè, sức uống, có mặt, hiện có, bước đi, trả ơn.. sẽ hay hơn nhiều.

Bác Dần:

- Ấy là những anh thích nói cho ra vẻ chữ nghĩa. Này nhé, Người thì thay bằng Nhân sự :“ Là ông chủ của một công ty gần 1.000 nhân sự!”; Nét mặt, Vẻ mặt thì thay bằng Diện mạo…chán chết đi được

Bác Tỵ:

   - Đấy là tình trạng vay chữ Tàu! Còn tình trạng vay chữ Tây. Đây! Chỉ một buổi gọi vốn của Doanh nghiệp khởi nghiệp trên truyền hình được viết lại ở báo Dân trí điện tử mà có tới gần 40 từ tiếng Anh. Người đưa tin phải chua tiếng Việt, nếu không, người đọc đành chịu chết. Thật không hiểu nổi: Social ecommerce ( bán hàng trên mạng xã hội), , bán hàng online( bán hàng trên mạng), leader ( Trưởng nhóm), commission( hoa hồng), app ( ứng dụng), website tự động (…),deal( chốt), stress (căng thẳng), valuation ( định giá), out em ( từ chối đầu tư với em), user ( người dùng), fit( phù hợp)… Thật tức anh ách về lối khoe chữ kiểu ấy.

        Bác Hợi cười rí rỏm:

   - Tôi lại xin nêu thí dụ, tác giả vay mà người đọc không tức một tí nào mới lạ chứ: Một bài khoảng 200 từ mà có tới 40 từ chữ Hán: Võng cực, âm phần, tín chủ, thành tâm, tâm hương, chân linh, lai lâm, hiến hưởng, bồi xa, bồi thổ, minh đường, hậu quỷ, phù trì, cảm niệm, phù độ, âm siêu, dương thái, phát nguyện, tích đức, tu nhân, cô nhi, quả phụ, tế bần, hiếu thuận tông nhân, chứng giám, thụ hưởng, phù hộ, độ trì, gia đạo hưng long, quế hoè, lễ bạc tâm thành, chứng giám.. .Các bác thấy không! Ngữ nghĩa như thế thì hiểu thế nào được để mà tức.

Bác Thân:

   - Thì những bài này để cho người chết nghe chứ có phải cho người sống nghe đâu mà mình cần hiểu.

Cả nhà cười ầm lên. Lát sau bác Thân tiếp:

    - Ngoài bệnh khoe chữ, sính chữ, nguyên nhân sâu xa hơn còn do thiếu tự tôn dân tộc. Bây giờ người ta chấp nhận vay mượn, không cố gắng thay chữ nước ngi bằng chữ Việt như ông cha ta ngày xưa. Chẳng hạn lĩnh vực cơ khí, cũng là lĩnh vực mà ta lạc hậu so phương tây, nhưng trước đây các cụ thay thế rất triệt để: Vô lăng tay lái ( ôtô, máy kéo bánh hơi), cần lái (máy ủi, máy kéo bánh xích), êcu—đai ốc, bu lông— ốc vít: Rất hình tượng: Con vít có hình soắn của con ốc. Hay biết bao nhiêu. Rồi nữa: Cabin—buồng lái. Hơn hẳn ca bin là ca bin chứ. Dịch ca bin, dân làm sao hiểu nổi. Nếu thay thế đi: Dịch qua lời nói, dịch qua giấy tờ, thì hay biết bao nhiêu.

Bác Phan Khoa:

  - Nói như thế không phải ta bài trừ ngoại ngữ. Để hội nhập, nhất thiết phải giỏi ngoại ngữ. Nhưng phải theo phương châm: Khi ta nói với Tây, phải nói tiếng Tây thật giỏi. Khi ta nói với ta, phải nói tiếng ta thật hay. Anh giao tiếp với Tây thì tha hồ. Anh nói chuyện với nhau về chuyên môn thì thoải mái; nhưng đã nói trước công chúng thì phải thay thế hết bằng tiếng Việt. Các Cụ nói rồi: Chửi cha không bằng pha tiếng. Phải thành tiêu chuẩn trong văn hoá giao tiếp: Người có văn hoá là người dùng từ ngữ Việt một cách đắt nhất, hoa mỹ nhất. Ngược lại, người sính chữ, thích khoe chữ là người khi nói trước công chúng, viết cho công chúng mà dùng toàn tiếng tây, tiếng tàu. Loại ấy rứt khoát phải đả phá. Đấy là cách dài lâu để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

        Kết luận của bác Phan Khoa quả thực là những lời khuyên chí cốt đối với những người tâm huyết với việc Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt./.

 

                                                                                                         Nguyễn văn Hoan  ghi chép.

Bài 95

Bác Tỵ ra từ đố, từ điển tra ngược:

- Giao tiếp bằng ngôn ngữ?

  • Nói.
  • Phát giá quá cao?
  • Nói thách.
  • Nói mà không làm?
  • Nói suông.
  •  Nói mà không sợ bị phản ứng?
  • Nói liều.
  • Nói ra điều bất lợi cho mình?
  • Nói hớ.
  • Nói cho vui thôi?
  • Nói đùa, nói bỡn, nói chơi.
  • Nói những điều chẳng ai chấp nhận được?
  • Nói ngang.
  • Chọc vào điểm yếu của đối phương?
  • Nói kháy, nói mỉa, nói móc, nói cạnh nói khoé.
  • Nói để đối phương tức điên lên, bốc đồng lên?
  • Nói khích, nói tức.
  • Phóng đại ( thổi phồng) những cái mình có?
  • Nói phét, nói khoác, nói ngoa.
  • Người lớn đang nói mà lại chen vào?
  • Nói leo.
  • Yếu thế nhưng vẫn nói mạnh để tự trấn an mình?
  • Nói cứng.
  • Nói sai sự thật?
  • Nói điêu.
  • Nói bừa phứa chẳng cần đúng sai?
  • Nói gàn.
  • Nói về những sui sẻo trong tương lai khiến người ta lo lắng?
  •  Nói gở.
  • Chế diễu người khác bằng giọng điệu khen ngợi?
  • Nói mát.
  • Hứa hẹn điều gì đó với người khác nhưng thực ra là chỉ nói cho qua chuyện?
  • Nói mép.
  • Không biết sự việc đã diễn ra nhưng cứ nói như thật?
  • Nói mò.

-Ta đây chẳng sợ gì việc ấy?

- Nói phách.

Bác Phan Khoa:

  • Tổng cộng  là 17 từ. Khá nhiều đấy các bác nhỉ!

Bác Hợi:

  • Thực ra trong Sổ tay từ ngữ dân dã có tới 78 từ . Trong khi đó ăn có 59 từ, có 14 từ, làm có 67 từ. Thế mới biết dân ta mạnh về nói thật.

 

               Bài 96

  Bước vào buổi sinh hoạt bác Phan Khoa tỏ vẻ do dự. Không chỉ định người ra chữ đố, bác nói:

  • Chúng ta đã qua nhiều buổi phân tích các từ ghép nghĩa, từ nhiều nghĩa, từ láy, đặc biệt là láy phụ âm đầu, …, nhưng đáng tiếc là chúng ta chưa giải thích được các hiện tượng đó, chưa rút ra được một kết luận, một quy luật chung nào cả. Hôm nay chúng ta sẽ chuyển sang vấn đề vần trong tiếng Việt. Bởi vì, theo tôi, Vần  rất quan trọng để tạo nên những từ gợi  âm thanh, gợi hình ảnh, gợi cảm xúc, tạo nhịp điệu, tạo màu sắc.. Vì thế, Vần là phương tiện hàng đầu để biểu cảm, để diễn tả phong cảnh, để diễn đạt tâm trạng của con người, sắc thái của đối tượng.. Nó có vai trò lớn lao trong việc tạo nên cái hay, cái đẹp, cái xâu sắc của từ vựng tiếng Việt.

    Nào! Mời bác nào xới xáo vấn đề thử xem nào.

Bác Thân:

  • Nếu để tìm ra một kết luận, một quy luật nào đó thì tôi lơ mơ như có một quy luật thế này: Một cặp từ của 2 cặp vần mà láy phụ âm đầu thì, nói chung, một là cặp từ đó sẽ có một điểm chung nào đó, hai là chỉ có 1 cặp từ đó mà thôi.   Thí dụ:
  •  Cặp vần ập ùng. Với hai phụ âm đầu B và Tr, chúng ta có cặp từ: Bập bùng và Trập trùng. Bập bùng là hình ảnh về ngọn lửa, còn trập trùng là hình ảnh về những dãy núi, đồi, nhưng chúng có một hình tượng chung đó là sự nhấp nhô. Ta rất khó, nếu không muốn nói là không thể, tìm được từ thứ 3 có cặp vần ập ùng.

Không gian lặng đi một lúc rồi cùng buột ra một tiếng: Ừ nhỉ!

 Rồi mọi người lần lượt đưa ra các thí dụ:

  • Cặp Lập lờ- Mập mờ:

Lập lờ: Đưa ra một cái gì đó không rứt khoát, không khẳng định: Lập lờ đánh lận con đen( Truyện Kiều), vật nổi trên mặt nước lập lờ.

Mập mờ: Không rõ ràng, minh bạch.

Điểm chung của chúng là không rõ rệt.

  • Cặp Nhấm nhẳn- Dấm dẳn: Khác âm cùng nghĩa: Lời nói gay gắt, cáu kỉnh, kém hoà nhã: Nhấm nhẳn như chó cắn ma.
  • Cặp Học hạch- Cọc cạch: Khác âm cùng nghĩa: Không đồng bộ.
  • Cặp Khấp khểnh- Tấp tểnh:

Khấp khểnh: Không bằng phẳng, nghĩa là gập ghềnh

Tấp tểnh: Náo nức chuẩn bị cho một sự chuyển đổi trạng thái nào đó: Chuẩn bị quần áo, dày dép vì sắp được đi tỉnh, sắp được đi giúp việc cho một quán ăn..

  Mặc dù một đằng là hình ảnh, một đằng là tâm trạng nhưng cái chung của chúng là một sự “nhấp nhô”.

  • Cặp Ngông nghênh- Xông xênh:

Ngông nghênh: Phong cách sống xem thường mọi người xung quanh

Xông xênh: Rộng rãi trong chi tiêu

Mặc dù chúng đối lập nhau, một đằng là tốt, một đằng là xấu nhưng chúng vẫn có một điểm chung là sự “phóng tay”.

  • Cặp Vớ vẩn- Ngớ ngẩn ( Dớ dẩn)

Vớ vẩn: Sự không đúng, không hợp lý nhưng nghiêng về hành vi ( việc làm, giao tiếp)

Ngớ ngẩn: Cũng là sự không đúng, không hợp lý nhưng nghiêng về năng lực, tư duy.

Điểm chung của chúng ở chỗ cùng là sự sai lạc.

  • Cặp Thẫn thờ- Đẫn đờ:

Thẫn thờ: Trạng thái trầm lắng của con người bởi một tâm trạng uể oải nào đó.

Đẫn đờ: Trạng thái ngớ ngẩn của con người vì hệ thần kinh ù lì của người đó.

Điểm chung của chúng là cùng biểu hiện sự chậm chạp.

  • Cặp Ngẩn ngơ- Vẩn vơ:

Cùng nghĩa khác âm: Không thể chú tâm vào một cái gì, nghĩ ngợi mông lung mơ hồ.

  • Cặp Nhấp nhô- Mấp mô: Khác nhau về quy mô nhưng có điểm chung là không bằng phẳng.
  • Cặp Ấm ức- Tấm tức: Dù cặp đầu không có phụ âm đầu nhưng chúng đều thể hiện tâm trạng bức xúc khi không thoả mãn về vấn đề gì đó.
  • Căp Quang quác- Toang toác ( oang oác): Cùng là sự phát âm quá mức cần thiết.
  • ……

Bác Thân:

  • Nói đi lại phải nói lại. Sở dĩ tôi vừa nói là nói chung vì nó không mang tính chất tuyệt đối:
  • Một là vẫn có những cặp không tìm được điểm chung, nhưng, theo tôi, là rất ít:

May mắn- Ngay ngắn

Sơ sác-Ngơ ngác

Sờ sợ- Ngờ ngợ…

  • Hai là cũng có 3 cặp vần nhưng rất hiếm gặp:

 Vớ vẩn, ngớ ngẩn, dớ dẩn

Bập bềnh, gập ghềnh, dập dềnh

  Mong các bác bổ sung cho, bởi vì, theo tôi, hướng này có thể phát triển từ vựng tiếng Việt.

 

                                                                          Nguyễn văn Hoan  ghi chép

 
                                                                     


 Bài 93`                                                                           

Bác Phan Khoa:
Hôm nay chúng ta tiếp tục Chơi kiểu từ điển tra ngược các bác nhé!
Bác Tỵ:
- Nắm được nội dung, bản chất của một cái gì đó?
- Biết.
- Cái biết chẳng biết là biết gì nhưng lại là biết trước biết sau?
- Biết điều.
- Tưởng là biết được một bộ phận cơ thể nó hóa ra nó thật đáng gờm?
- Biết mặt.
- Tưởng là biết một bộ phận cơ thể nó hoá ra thấy được sự yếu kém của mình để mà chừa đi?
- Biết tay.
-- Biết một bộ phận cơ thể nó từ ngày nó còn bé tí, nghĩa là biết được điểm yếu của nó?
- Biết thóp.
- Biết hơn cả mức cần thiết thì là biết gì?
- Biết thừa, biết tỏng.
- Biết đến mức sướng lên?
- Biết bao, biết mấy, biết chừng nào.
      Bác Thân chuyển sang từ khác:
  • Con người ở thế bình thường cao nhất?
  • Đứng.
  • Thời điểm bóng người nhỏ nhất?
  • Đứng bóng.
  • Cầm trịch trong cuộc chơi bài bạc?
  • Đứng cái.
  • Phút giây hồi hộp, lo lắng nhất?
  • Đứng tim.
  • Cái tuổi chẳng còn thiết chơi bời gì nữa?
  • Đứng tuổi.
  • Đúng mực trước nữ giới?
  • Đứng đắn.
  • Hết thời kỳ long đong lận đận để có thể kết hôn?
  • Đứng số.
  • Nhân danh trong phạm vi giấy tờ?
  • Đứng tên.,.

                                                                                                               

Bài 94

Bác Phan Khoa:

  • Chúng ta ta lại thực hành Từ điển tra ngược nhé: Từ Chơi đi:
  • Không làm việc trong giờ làm việc?
  • Chơi.
  •  Không chịu làm lụng, ham mê những trò vô tích sự?
  • Chơi bời.
  • Thích ăn uống, tâm sự, giải trí với nhau?
  • Chơi thân.
  • Dùng chữ với ý nghĩa lắt léo, ẩn dụ?
  • Chơi chữ.
  • Giăng bẫy để đối phương bị rơi vào tình trạng bẽ bàng?
  • Chơi khăm, chơi sỏ.
  • Sinh hoạt cá nhân khác người?
  • Chơi ngang.
  • Có thái độ, hành động huyênh hoang lấn át người hơn mình?
  • Chơi trèo.
  • Cố tỏ ra hơn hẳn những người xung quanh trong cách sinh hoạt?
  • Chơi trội.
  • Chẳng bấu víu vào đâu cả?
  • Chơi vơi.

Bác Tỵ tiếp:

  • Xin được tiếp tục với từ Mới:
  • Trái ngược với cũ?
  • Mới.
  • Sự kiện diễn ra trước?
  • Mới đầu.
  • (Mở đầu sự kiện: Bắt đầu)
  • Thời gian gần đây?
  • Mới đây, mới đó.
  • Chưa thấy bao giờ?
  • Mới lạ.
  • Sau một sự thay đổi?
  • Mới mẻ.
  • Đáng lẽ phải như thế?
  • Mới phải.
  • Vật chưa dùng lần nào?
  • Mới tinh, mới toanh.

                                        Nguyễn văn Hoan  ghi chép

 Bài 91
Câu chuyện của Bác Tỵ:
Tối hôm qua, tôi có hai bà bạn đến chơi. Một bà vừa đến nơi đã lôi ra cái mũ bịt tai, miệng hồ hởi:
Đây! Tôi phải dấu vội cho ông một cái. Cất có 50 cái về bán, một loáng, khách đã mua sạch.
Bà kia thì ngồi dầu dĩ:
Nghi là gà bị F5N1, tôi định bán tống bán tháo đi, thế là bị thú y nó phạt 200.000đ.
Hai trường hợp trên, đâu là từ đồng âm khác nghĩa ?

Bác Hợi kể chuyện hai vợ chồng hàng xóm nhà mình:
Tiết giêng hai. Trời rét căm căm. Cô vợ đi cấy lúa về. Xập tối rồi mà chồng đi đâu mất hút chẳng cơm nước gì. Vợ vừa cọ nồi xong thì chồng huỳnh huỵch chạy về. Vợ đay nghiến:
Em suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời còn anh thì suốt ngày lông bông, Nồi cơm cũng không bắc hộ.
Anh chồng chống chế:
Đâu chỉ một mình em phải bán. Anh cũng vừa chạy bán sống, bán chết về đây( Thì ra anh ta đi tán gaí bị thanh niên làng bên rượt đuổi).
Hai người có cùng cảnh ngộ không?
Câu chuyện của Bác Dần: Ngồi buồn buồn, bác Dần bảo bác gái:
Tôi đố bà lấy thí dụ về từ Bán đứng đấy.
Bác gái nêu lên trường hợp bán gia súc: Trâu bò chẳng hạn, người bán phải đứng để giới thiệu với người mua. Bác Dần không chịu. Bác gái đưa ra trường hợp bán hoa quả trong vườn. Người bán phải đứng chỉ chỏ hoa quả trên cây. Bác Dần vẫn không chịu. Bác gái à lên một tiếng: Chiều nay có anh bạn bán bộ tét cô-vít. Có lẽ anh ta xoáy được ở đâu đấy. Bảo vào uống nước chả dám vào, cứ đứng bán ngoài ngõ. Bác Dần phá ra cười:
 Bà ôi là bà, thế là bán chui chứ đâu phải bán đứng.
Bác Dần đưa thí dụ Bán đứng là trường hợp hai anh bạn tình báo với nhau chẳng hạn. Thế mà B khai A với đối phương để được tiền thưởng của chúng. Bác gái hỏi:
Thế thì bán đứng ở chỗ nào?

Tôi chịu không hiểu được tư duy của các cụ xưa kia. Có thể đứng ở chỗ nhân tình thế thái phải đứng tim trước sự đời./.

Giải đáp bài của bác Tỵ : Cùng là bán chạy
Giải đáp bài của bác Hợi: Cùng là bán, nhưng với chị vợ, bán là sự cực nhọc giữa trời, giữa cho đất, còn với anh chồng bán là 50%: Nửa sống, nửa chết.   

 
 Bài 92
 Chuyện của bác Hợi:
Chiến sĩ A được thưởng mấy ngày nghỉ. Buối tối hai vợ chồng vừa ngồi vào giường thì cô vợ bật khóc thút thít. Chồng hỏi thì cô bảo bạn cô bị bệnh thận được một ông lang chữa cho nay bị chạy hậu, chả biết sống chết thế nào. Anh chồng cười xoà:
Tưởng gì! Lần hành quân nào anh mà chả bị chạy hậu. Xoong chảo loảng xoảng cả lên, mà có sao đâu.
Bác Phan Khoa:
Nghĩa của từ chạy còn rắc rối lắm. Các bác thử tìm những từ có chữ đầu là chạy xem sao.
Cấp độ trên của đi?
Chạy.
Chạy trốn nghĩa vụ dân sự?
Chạy làng.
Muốn vượt đối phương về thời gian?
Chạy đua.
Xoay sở để trả nợ?
Chạy nợ.
Buôn bán vặt với ý nghĩa tần tảo?
Chạy chợ.
Phải lo gạo cho từng bữa cơm?
Chạy gạo.
Lo lót để được lên chức?
Chạy chức.
Lo lót để thoát tội?
Chạy tội .
         
Bác Dậu ra từ đố, từ điển tra ngược:
Thu nhận về cho mình?
Lấy.
Lấy về để chung sống?
Lấy vợ, lấy chồng.
Chọn giọng hợp với bài hát?
Lấy giọng.
Ỷ vào thế mạnh của mình để đòi hỏi?
Lấy nê.
Vin vào một sự kiện nào đó để hành động?
Lấy cớ.
Mọi người định dừng lại. Bác Phan Khoa:
Còn từ này cũng hay, các bác cho thí dụ đi: Từ lấy được:
Ăn lấy được: Chẳng biết là mình có nên ăn nữa hay không mà cứ cố ăn cho thật nhiều.
Làm lấy được: Chẳng biết là làm như thế lợi hay hại, hợp lý hay không hợp lý mà cứ làm đến cùng.
Nói lấy được: Nói chẳng có lý lẽ, có căn cứ nhưng cứ thích nói.

                                                         Nguyễn văn Hoan ghi chép

                                                                                                                          
    Bài  89

  • Bác Dần:
  • Chúng ta vẫn chơi kiểu Từ điển tra ngược các bác nhé:
  • Bộ phận cao nhất của cơ thể con người?
  • Đầu.
  • Tưởng là đứng đầu nhưng chỉ chịu trách nhiệm về món ăn?
  • Đầu bếp.
  • Được đứng đầu vì chui ra sớm nhất?
  • Đầu lòng.
  • Ở đầu đốt này, cuối đốt kia?
  • Đầu mấu.
  • Cũng là đầu nhưng không phải là thủ trưởng mà còn bị xem thường. Khi ăn người ta ném đi.
  • Đầu mẩu.
  • Bị giao cho nhiều việc vặt nhưng cũng phấn khởi vì được mang danh đứng đầu?
  • Đầu sai.
  • Đứng đầu đấy nhưng chưa hẳn tốt vì có thể chưa có kinh nghiệm?
  • Đầu tay.
  • Quả thật là đầu?
  • Đầu tiên.
  • Tưởng là quan trọng thế mà phải đội nồi niêu soong chảo?
  • Đầu rau.
  • Để quan hệ với nhau sao lại dựa vào đầu?
  • Đầu mối.
  • Tay này chẳng khác gì một thủ lĩnh?
  • Đầu trò.

 

Bài  90

  • Bác Thân:
  • Từ Ăn có nghĩa hơi phức tạp các bác ạ:
  • Từ điển tra xuôi:
  • - Ăn?
  • - Tiếp nhận lương thực, thực phẩm vào cơ thể.
  •          - Ăn hàng?:
  •       Ăn mà phải trả tiền
  • Không cho thức ăn vào miệng mà đưa hàng vào kho nhà mình.
  • -   Ăn gỏi?:
  • Ăn sống một số thuỷ sản với thính và một số loại rau có kháng sinh.
  • Làm những việc tốn kém tiền bạc: Ăn gỏi tiền.
  • Ăn mặn?:
  • Ăn muối quá mức.
  • Làm những việc phi đạo đức khiến con cháu chịu hậu quả ( Đời cha ăn mặn, đời con khát nước) 
  • Ăn ghém, ăn xổi ?: Bóp muối rồi ăn luôn.
  • Ăn xổi ở thì?: Chỉ cốt được lợi trước mắt, không nghĩ tới lâu dài.
  • Ăn mày, ăn xin?: Van vỉ người khác để người ta cho tiền bạc, cơm gạo.
  • Ăn bớt, ăn chặn, ăn chẹt?: Cắt sén tiêu chuẩn của người ta.
  •  
  • Tưởng là cùng nghĩa nhưng lại khác nghĩa:
  • Ăn than: Cho than vào lò
  • Ăn xăng: Tiêu thụ xăng vượt tiêu chuẩn kỹ thuật.
  • Từ điển tra ngược:
  • Ăn mà không được mời?
  • Ăn chực.
  • Lừa phỉnh dể ăn vào phần của trẻ con?
  • Ăn dỗ ( nay có lẽ không còn nữa).
  • Nợ mà không trả?
  • Ăn quỵt.
  • Được hưởng lợi do người khác được hưởng thù lao.?
  • Ăn theo.
  • Dựa vào người khác mà sống?
  • Ăn bám.
  • Lén lút kiếm lợi một mình?
  • Ăn mảnh.
  •  Vào phe phái với nhau?
  • Ăn cánh.
  • Ăn mà không làm ra của cải?
  • Ăn hại.
  • Chỉ ăn thức ăn mà không ăn với cơm?
  • Ăn vã.
  • Hơn hẳn người khác?
  • Ăn đứt.
  • Biết nghe lời?
  • Ăn lời.
  • Không phải là không ăn hết. Thực chất là ăn ngốn ngấu vì có chửa?
  • Ăn rở.
  • Được một vật mà không phải trả tiền?
  • Ăn không.
  • Không ăn uống gì cả mà hai người lên giường với nhau?
  • Ăn nằm.
  • Việc làm khiến người ta phải hô hoán lên mà thực ra cũng chẳng phải là ăn?
  • Ăn cướp.
  • Ăn những thứ không sạch sẽ?
  • Ăn bẩn.
  • Không phải là ăn mất vệ sinh mà sao người ta kinh tởm?
  • Ăn bẩn.
  • Không ăn gì cả nhưng đối phương vẫn cứ sợ bị thiệt?
  • Ăn người.
  • Đêm hôm làm chuyện tình ái ngoài bờ ngoài bụi?
  • Ăn sương.
  • Ăn nhưng không thải ra bình thường mà thải ra khói đen?
  • Ăn xăng.
  • Ăn nhưng không đút vào mồm mà đút vào ví.
  • Ăn tiền.
  • Ăn kiểu gì mà quần áo đẹp thế?
  • Ăn diện.                                                                                                                                                                                    Nguyễn văn Hoan  ghi chép

 

   Bài  87

Bác Phan Khoa:

  • Đố kiểu Từ điển tra ngược cũng hay chứ các bác?...Vậy mời bác nào đột phá đi.

Bác Hợi:

  • Ta tra ngược vài từ Đánh các bác nhé:
  •  Đánh bạn mà lại không phải là đánh bạn thì là gì?
  • Đánh bạn.
  • Đánh nhưng lại làm cho đối tượng đẹp hơn?
  • Đánh bóng.
  • Đánh vào để thoát độc ra?
  • Đánh gió.
  • Đánh vào má?
  • Đánh phấn.
  • Đánh vào lông mày nhưng làm đẹp cho tao?
  • Đánh lông mày.
  • Đánh để thơm tho khi mở miệng?
  • Đánh răng.
  • Đánh nhưng lại làm cho người ta khóai chí?
  • Đánh chén.
  • Tưởng là sẽ được một bữa no nê hoá ra phải cọ rửa cái thứ để các cụ khề khà?
  • Đánh chén.
  • Đánh xem đối phương thế nào?
  • Đánh hơi.
  • Đánh để xem đối tượng thế nào?
  • Đánh giá.
  • Đánh, đối phương không đau mà bị lấm lưng trắng bụng.
  • Đánh vật
  • Đánh cho lòng ruột tan nát nhưng không có ý nghia về tâm lý mà có ý nghĩa về thực phẩm?
  • Đánh trứng.
  • Buộc hai đầu vào hai cây mà đánh?
  • Đánh võng.
  • Đánh cho nam nữ bay vút lên cao?
  • Đánh đu.
  • Nhảy xuống ao mà đánh?
  • Đánh cá.
  • Đánh mang tính chất ăn thua?
  • Đánh cá.
  • Nhảy lên đống rơm mà đánh?
  • Đánh cây rơm.
  • Đánh mà bật ra một cuộn chỉ?
  • Đánh suốt.
  • Đánh để bấng cây đi?
  • Đánh vầng.
  • Chặt cây đi rồi đánh?
  • Đánh gốc.
  • Đánh để trồng cây?
  • Đánh luống.
  • ….

Bác Hợi ngừng lại, à lên một tiếng:

  • Nghĩa của Đánh mung lung quá phải không các bác?

Bác Thân:

  • Thực ra, ngoài nghĩa đen, nghĩa bóng của nó là thực hiện, làm một việc gì đó đúng không ạ.

 

Bài 88

Bác Phan Khoa:

  • Lần trước Bác Thân đã bảo Đánh mà có nghĩa là Làm. Đã thế ta khảo sát chữ Làm xem sao các bác nhé.

Bác Dậu:

  • Tôi thấy chỉ có mấy từ cùng nghĩa với Đánh thôi:
  • Làm bạn, làm thân- Đánh bạn
  • Làm mai, làm mối- Đánh tiếng.
  • Làm đĩ- Đánh đĩ.
  • Còn đại đa số Làm có có ý nghĩa khác:
  • Cày đất lên để cho khô, tháo nước vào, bừa nhuyễn để cấy lúa?
  • Làm ải.
  • Mưu sinh?
  • Làm ăn.
  • Ghi điểm (nghĩa đen, nghĩa bóng)?
  • Làm bàn ( nghĩa đen, nghĩa bóng).
  • Chứng cứ để tin nhau?
  • Làm bằng, làm tin.
  • Đã được người ta đánh giá đúng thực chất nhưng tưởng mình sáng giá hơn nên còn kênh kiệu?
  • Làm cao, làm bộ, lên nước.
  • Tạo cho mình hình ảnh thướt tha, uyển chuyển, tạo sự cuốn hút?
  • Làm dáng, làm đỏm, làm duyên.
  • Nhõng nhẽo để được chăm sóc?
  • Làm nũng.
  • Dựa vào thế của mình để gây áp lực cho đối phương?
  • Làm già, làm phách, làm giữ.
  • Tồn tại nhưng chẳng có tác dụng gì?
  • Làm vì.
  • Ghi nhớ sâu sắc hoặc một công đoạn của giết mổ gia súc?
  • Làm lòng.
  • Làm cho qua chuyện hoăc một nghi thức của công giáo?
Làm phép.                                                                                                                                      
                          Nguyễn văn Hoan ghi chép

 

Bài  85

    Bác Dậu ra chữ :
   Tôi xin ra chữ Mặt. Tôi mới tìm được 39 chữ liên quan tới Mặt: Mất mặt, mát mặt, đỏ mặt, bẽ mặt, trai mặt, tái mặt, xanh mặt,  có mặt, vắng mặt, đẹp mặt, xấu mặt, xượng mặt, chín mặt, tránh mặt, gặp mặt, ra mặt, dấu mặt, vượt mặt, hai mặt, bằng mặt, từ mặt, cách mặt, cắt mặt, bề mặt, bể mặt, vỡ mặt, tỏ mặt, rõ mặt, đáng mặt, cúi mặt, ngẩng mặt, úp mặt, ngửa mặt, ôm mặt, ngoảnh mặt, nể mặt, biết mặt, thay mặt, chừa mặt.
Bác Phan Khoa:
Nếu ta cố tìm, hẳn còn tìm được nhiều nữa đúng không. Nếu ta cũng tìm từ ghép tự do với từ chủ là Mặt nhưng không phải ở cuối từ mà ở đầu từ thì cũng tìm được khá nhiều: : Mặt trời, mặt trăng, mặt đất, mặt người, mặt nước, mặt sông, mặt hồ, mặt biển, mặt đường, mặt cầu, mặt bàn, mặt ghế,.. đó cũng là một điều thú vị. Bác nào phân tích đi.
Bác Thân:
Tôi phân loại chúng theo nghĩa đen và nghĩa bóng:
+ Nghĩa đen: Đỏ mặt, tái mặt, xanh mặt, có mặt, vắng mặt, thay mặt, tránh mặt, gặp mặt, cúi mặt, ngẩng mặt, úp mặt, ngửa mặt, ôm mặt, ngoảnh mặt, từ mặt, nể mặt, cách mặt, bề mặt, bể mặt, vỡ mặt. 
+ Nghĩa bóng: Mất mặt, mát mặt, bẽ mặt, trai mặt, đẹp mặt, xấu mặt, sượng mặt, chín mặt, ra mặt, dấu mặt, hai mặt, bằng mặt, cắt mặt, đáng mặt, biết mặt, chừa mặt.
+ vừa có nghĩa đen vừa có nghĩa bóng: Vượt mặt, tỏ mặt, rõ mặt:
Vượt mặt: Nghĩa đen: Vì lý do gì đó, bụng rất to.
                    Nghiax bongs: Vượt thẩm quyền của cấp trên.
Tỏ mặt, rõ mặt: Nghĩa đen: Trời sáng hẳn, nhìn rõ mặt người.
                             Nghĩa bóng: Sẽ biết khả năng thực sự của ta./.
                                          
 Bài 84

    Bác Thân ra chữ:
    Tôi xin tra chữ Tay, Tôi mới tìm được 22 chữ liên quan đến Tay: Biết tay, ra tay, trắng tay, thẳng tay, xuống tay, quá tay,  dơ tay, dừng tay, bỏ tay, vung tay, động tay, chạm tay, thuận tay, trái tay, đón tay, mát tay, cao tay, vững tay,  tuột tay, trở tay, bắt tay, chân tay.
Bác Phan Khoa:
Bác phân tích đi.
Bác Thân:
Tôi  phân làm 2 loại:
+ Nghĩa đen: Dơ tay, dừng tay, bỏ tay, vung tay, động tay, chạm tay, thuận tay, trái tay,  thẳng tay, vững tay, tuột tay, trở tay, bắt tay. 5 từ cuối có cả nghĩa bóng.
+ Nghĩa bóng: Biết tay, ra tay, trắng tay, xuống tay, quá tay, cao tay, mát tay, đón tay,  chân tay.:
Biết tay: Qua sự việc nhìn lại để biết mà hối hận, hoặc biết đây đáng sợ thế nào: Mày sẽ biết tay tao.
Ra tay: Bắt đầu vào cuộc.
Trắng tay: Mất hết, chẳng còn gì nữa.
Xuống tay: Ra tay đây này.
Quá tay: Xử lý hơi nặng .
Cao tay: Trình độ tuyệt vời.
Mát tay: Có khả năng trời phú với việc đó.
Đón tay: Đưa quà ra khi gặp trẻ con.
Chân tay: Nghĩa khác biệt: Tôi tớ của ai đó, người để người ta sai bảo./.

 

 Bài 81

Bác Dậu ra chữ:
Tôi xin ra chữ Lỡ. Các bác sẵn sàng tra từ  điển ngược nhé:
Bước đi bị hụt hẫng?
Lỡ bước.
Để dịp tốt đi qua mất?
Lỡ cơ.
Cái to cái bé không hợp nhau?
Lỡ cỡ.
Phải dừng lại nửa chừng?
Lỡ dở.
Hợp nhau mà không lấy được nhau?
Lỡ duyên.
Đến nơi muộn so với dự định?
Lỡ đường.
Để quá mất tuổi thanh xuân?
Lỡ thì.
Không tận dụng được thời cơ?
Lỡ thời.
Không tận dụng được vận may?
Lỡ vận./.
                                                                 

Bài 82

Bác Tỵ ra chữ:
Tôi xin ra chữ Mắc. Các bác sẵn sàng tra từ điển ngược nhé:
Cái để treo áo hoặc treo áo?
Mắc áo.
Thuyền bị chạm đáy?
Mắc cạn.
Nghĩa bóng là sự đi lại đông đúc?
Mắc cửi.
Không thể chuyển động được?
 Mắc kẹt.
Ngượng ngùng vì đã ứng xử không đúng?
Mắc cỡ.
Phải đến ngay bệnh viện?
Mắc bệnh.
Không trả được?
Mắc nợ.
Sa vào cái người ta giăng ra?
Mắc bẫy.
Treo hai đầu lên để nằm?
Mắc võng./.
                                                                   

 Bài 83

Bác Hợi ra chữ:
Tôi xin ra chữ Lòng. Tôi mới tìm được 39 chữ liên quan đến Lòng: Lấy lòng, hết lòng, buộc lòng..
    Bác Phan Khoa ra hiệu dừng lại:
Hay, hay! Các bác thấy không? Đây cũng là từ ghép tự do nhưng chữ chủ không ở trên đầu mà lại ở cuối chữ. Thế mới lý thú chứ. Mời bác tiếp tục:
Một lòng, dốc lòng, thòng lòng, cực lòng, nhọc lòng, tỏ lòng, hài lòng, bằng lòng, hai lòng, được lòng, mất lòng, có lòng, làm lòng, quyết lòng, chạnh lòng, vừa lòng, tỏ lòng, đành lòng, đầu lòng, vui lòng, nản lòng, ấm lòng, cầm lòng, phải lòng, lọt lòng, vỡ lòng, đau lòng, phiền lòng, chiều lòng, dốc lòng, tạ lòng, thật lòng, dối lòng,  thay lòng, thỏa lòng, lửa lòng, đẹp lòng, mếch lòng, mủi lòng, sờn lòng.
Bác Dần:
- 39 từ nói lên động cơ và trạng thái tâm lý của con người trước mỗi cảnh đời, nhưng có thể tạm chia ra 4 loại:
+ 5 từ không thuộc trạng thái tâm lý: Đầu lòng, lọt lòng, vỡ lòng, lửa lòng, thòng lòng .
+ Những từ biểu thị hành vi chủ ý: Lấy lòng, hết lòng, một lòng, dốc lòng, tỏ lòng, hai lòng, có lòng, làm lòng, quyết lòng, tỏ lòng, đành lòng,  phải lòng, chiều lòng, dốc lòng, tạ lòng, thật lòng, dối lòng, thay lòng .     
+ Những từ biểu thị sự vừa lòng: Đẹp lòng, hài lòng, bằng lòng, được lòng, vừa lòng, ấm lòng, thỏa lòng, vui lòng.
+ Những từ biểu thị sự không vừa lòng:  Cực lòng, nhọc lòng, mất lòng,  chạnh lòng, đau lòng, phiền lòng, nản lòng, cầm lòng, buộc lòng, mủi lòng, mếch lòng, sờn lòng.
Từ đó ta rút ra:
+ Trong 5 từ ở nhóm 1, chỉ từ Thòng lòng có nghĩa khác biệt. Nghĩa của nó không liên quan đến Lòng mà biểu thị một cái dây buộc vào đâu đó bị tuột ra. Từ này hay ở chỗ, đảo ngược hai chữ sẽ được một từ có nghĩa hoàn toàn khác. Đó là quan hệ nam nữ ngoài hôn nhân: Lòng thòng.
  + Ở nhóm 2, từ Làm lòng có cả nghĩa đen và nghĩa bóng:
Nghĩa đen nói về một công đoạn trong giết mổ gia súc, gia cầm: Cắt tiết hoặc chọc tiết, làm lông, mổ, làm lòng..
Nghĩa bóng là một sự ghi nhớ sâu sắc, sống để dạ, chết mang đi.
+ Ở nhóm 1 và nhóm 2 có 2 từ mang lại sự lý thú, chỉ khác nhau về thanh mà nghĩa của chúng khác hẳn nhau: Hai lòng và hài lòng./.
                                                                                                      Nguyễn văn Hoan  ghi chép

    

 Bài 79                                                     
Bác Tỵ ra chữ:
Tôi xin ra từ Lên. Tôi mới tìm được 25 từ liện quan đến Lên: Lên án, lên cân, lên cơn, lên đèn, lên đường, lên gân, lên giọng, lên mặt, lên nước, lên râu,, lên mụn, lên dây, lên đạn, lên đồng, lên khung, lên khuôn, lên lão, lên lớp, lên men, lên ngôi, lên sởi, lên tiếng, lên lương, lên đòng, lên 1( 2…10). Thú thật, tôi thích ra chữ này vì nghĩa của nó rất mênh mông, chẳng khác gì chứ Mất hôm trước ( Bài 75). Chính vì thế tôi không thể khái quát được. Và vì thế tôi càng thích thú với nó. Vậy xin nhờ các bác phân tích giúp.
Cả phòng im phăng phắc hồi lâu. Cuối cùng bác Dần lên tiếng:
Quả thật là rất mênh mông. Nhưng phân tích ra thì Lên  phải gắn với Hơn: Cao hơn, tăng hơn, khác hơn…Từ đó ta thử chia ra các nhóm xem chúng có thuộc nghĩa của Lên không:
+ Phơi bày ra: Lên án, lên tiếng ( khác hơn).
+ Tăng lên: Lên cân.
+ Sự xuất hiện: Lên cơn, lên sởi, lên mụn, lên men ( Khác hơn).
+ Bước vào trạng thái mới: Lên đèn, lên đồng ( khác hơn).
+ Sự bắt đầu: Lên đường.
+ Tự đề cao: Lên gân ( nghĩa bóng), lên giọng ( nghĩa bóng), lên mặt, lên nước, lên râu( cao hơn).
+ Tích luỹ khả năng: Lên dây, lên đạn.
+ Đưa vào trạng thái mới: Lên khung, lên khuôn.( giá trị hơn).
+ Đat được mức ( thứ bậc) cao hơn: Lên lão, lên ngôi, lên 1( 2…10), lên lớp ( trừ vào lớp), lên lương, lên đòng( cao hơn).
Bác Phan Khoa:
Có lẽ phân tích như vậy tạm thoả đáng rồi, phải không các bác. Đặc biệt là chữ Lên khi ở cuối từ cũng mang theo ý Hơn: Đứng lên, ngồi lên, hét lên, lớn lên, xinh lên….
                                                                           
Bài 80:
Bác Thân:
- Tôi xin đưa ra từ Cất. Tôi mới tìm được 11 từ liên quan đến Cất.
Bác Phan Khoa ra hiệu dừng lại:
 Xin lỗi! Thay đổi một chút đi. Ta chơi kiểu Từ điển tra ngược xem có vui hơn không.
Mọi người vui vẻ. Bác Thân tiếp tục:
Cho vào tủ, không dùng đến?
Cất giữ.
Đi từ quê lên thành phố thăm em gái đẻ?
Cất công .
Lấy đà dời chỗ đậu?
Cất cánh.
Đưa con từ Bí thư Xã đoàn lên Văn phòng Huyện ủy.
Cất nhắc.
Buộc dời bỏ chức vụ vì tham nhũng?
Cất chức ( cách chức).
Nào! Đi thôi?
Cất bước.
Làm lấy một chỗ để ở?
Cất nhà.
Làm nốt phần mái nhà?
Cất nóc.
Diễn giả bắt đầu nói?
Cất tiếng.
Đi mua cái gì đó về bán?
Cất hàng.
Mai phục tóm gọn cả bọn chơi cờ bạc?
“Cất vó”.
Làm ra để dùng mà lại gọi là cất?
Cất rượu.
Bác Phan Khoa bổ sung:
Chuyển từ chỗ này sang chỗ khác nhưng cũng được gọi là Cất?
Mọi người im lặng. Bác nói:
Cất mả đúng không?
    Rồi bác nói thêm:
Thực ra từ này có rất nhiều từ đồng nghĩa: Cải táng, bốc mộ, bốc mả, sang cát, cải cát, sang tiểu, mát nhà, làm ma khô…Nhưng Cất mả có lẽ hay ở chỗ, từ nay để yên đấy ( mồ yên mả đẹp), không đụng chạm đến nữa./.

                                                                       Nguyễn văn Hoan ghi chép    

      Bài 78
      Bác Dậu ra từ:
     Tôi xin ra từ Quá. Tôi mới tìm được 29 từ liên quan đến Quá: Quá bán, quá bộ, quá cảnh, quá cố, quá giang, quá khích, quá độ, quá trình, quá khứ, quá vãng, quá lắm, quá trời, quá quắt, quá xá, quá ư, quá thể, quá chừng, quá đáng, quá đỗi,  quá sức, quá tải, quá tay, quá trớn, quá tuổi, quá bữa, quá chén, quá lửa, quá giấc, quá lời.
Bác Phan Khoa:
Hòm hòm như vậy đã. Bác nào có bình luận gì nào?
Bác Dần:
Chuỗi từ này có thể chia ra 2 loại:
     + 10 từ đầu là từ ngoại lai Hoa ngữ có nghĩa là vượt qua, nhưng chúng ta dùng quen đến mức rất dễ Việt hóa: Quá bán ---quá nửa, quá giang –qua sông..
+ Từ từ 11 đến hết có nghĩa là vượt, hơn mức chuẩn. Số này lại cũng có thể chia ra hai loại:
Từ từ 11 đến 19: Quá lắm, quá trời, quá quắt, quá xá, quá ư, quá thể, quá chừng, quá đáng, quá đỗi:  Thường dùng làm thán từ ( đứng sau thật là) hoặc làm phó từ. Trong một lĩnh vực mà nhiều từ đồng nghĩa như vậy chứng tỏ tư duy của các bậc tiền nhân rất phong phú.
Từ từ 19 đến hết: Quá sức, quá tải, quá tay, quá trớn, quá tuổi, quá bữa, quá chén, qúa lửa, quá giấc, quá lời là những phó từ bổ nghĩa cho từng trường hợp cụ thể.
Bác Phan Khoa:
Vâng ! Mười từ đầu ta sẽ bàn đến ở một buổi khác , các bác nhé!
 
Bài 79                                                                            
     Bác Tỵ ra chữ:
     Tôi xin ra từ Lên. Tôi mới tìm được 25 từ liện quan đến Lên: Lên án, lên cân, lên cơn, lên đèn, lên đường, lên gân, lên giọng, lên mặt, lên nước, lên râu,, lên mụn, lên dây, lên đạn, lên đồng, lên khung, lên khuôn, lên lão, lên lớp, lên men, lên ngôi, lên sởi, lên tiếng, lên lương, lên đòng, lên 1( 2…10). Thú thật, tôi thích ra chữ này vì nghĩa của nó rất mênh mông, chẳng khác gì chứ Mất hôm trước ( Bài 75). Chính vì thế tôi không thể khái quát được. Và vì thế tôi càng thích thú với nó. Vậy xin nhờ các bác phân tích giúp.
Cả phòng im phăng phắc hồi lâu. Cuối cùng bác Dần lên tiếng:
Quả thật là rất mênh mông. Nhưng phân tích ra thì Lên  phải gắn với Hơn: Cao hơn, tăng hơn, khác hơn…Từ đó ta thử chia ra các nhóm xem chúng có thuộc nghĩa của Lên không:
+ Phơi bày ra: Lên án, lên tiếng ( khác hơn).
+ Tăng lên: Lên cân.
+ Sự xuất hiện: Lên cơn, lên sởi, lên mụn, lên men ( Khác hơn).
+ Bước vào trạng thái mới: Lên đèn, lên đồng ( khác hơn).
+ Sự bắt đầu: Lên đường.
+ Tự đề cao: Lên gân ( nghĩa bóng), lên giọng ( nghĩa bóng), lên mặt, lên nước, lên râu( cao hơn).
+ Tích luỹ khả năng: Lên dây, lên đạn.
+ Đưa vào trạng thái mới: Lên khung, lên khuôn.( giá trị hơn).
+ Đat được mức ( thứ bậc) cao hơn: Lên lão, lên ngôi, lên 1( 2…10), lên lớp ( trừ vào lớp), lên lương, lên đòng( cao hơn).
Bác Phan Khoa:
Có lẽ phân tích như vậy tạm thoả đáng rồi, phải không các bác. Đặc biệt là chữ Lên khi ở cuối từ cũng mang theo ý Hơn: Đứng lên, ngồi lên, hét lên, lớn lên, xinh lên….
                                                                          
                                                                     Nguyễn văn Hoan  ghi chép

Bài 77
Bác Hợi ra từ:
Tôi xin ra từ Người. Tôi mới tìm được 20 từ liên quan tới Người:  Người máy, người nhái, người rừng, người vượn, người bệnh, người khỏe, người yếu, người ốm, người sống, người chết, người lùn, người cao, người thấp, người to, người gầy, người béo, người dưng, người ta, người đời, người làm, người ở, người nhà, người ngoài,  người hùng, người lớn, người thân, người chồng, người vợ, người yêu, người tình, người thương, người thường, người xưa.
     Bác Phan Khoa:
Nếu có bổ sung thì tôi xin thêm Người Hiền, nhưng tôi sẽ nói sau.
Còn ở đây, chuỗi từ này đã bao quát được các loại người từ cổ chí kim ( tất nhiên chúng ta không liệt kê các từ lai Hoa ngữ: Thương nhân, nhân chứng..), từ người máy hiện tại đến người xưa. Thực ra ta không cần liệt kê hết mà chỉ cần chia ra từng loại:
+ Người theo sự phân loại: Người máy, người nhái,  người rừng, người vượn, người xưa…
+ Người theo nghĩa y học: Người bệnh, người khoẻ, ngườn yếu, người ốm, người sống, người chết..
+ người theo nghĩa vật lý: Người lùn, người cao, người thấp, người to, người nhỏ, người béo, người gầy…
+ Người theo ý nghĩa xã hội: Người hùng, người thường, người  đời, người dưng, người ta, người ngoài, người nhà, người làm, người ở, người thân, người yêu, người tình, người chồng, người vợ….
       Phân loại cũng cho ta sự lý thú đấy chứ phải không các bác. Mời các bác tiếp tục.
     Bác Tỵ:
Tôi thấy chuỗi từ này có đặc điểm là không có đủ các từ đồng nghĩa và đối nghĩa, một sự không tương xứng đến lý thú. Đây nhé: Đối nghĩa với người nhà là Người rừng nhưng thực ra chúng không có liên hệ với ý nghĩa xã hội.Từ đối với Người ta không phải là Người tây mà là Người nhà, đồng nghĩa với nó là  người dưng, người ngoài. Đối nghĩa với Người hùng là là Thằng hèn, chứ không phải là Người hèn. Đối nghĩa với Người lớn không phải là Người bé mà là Trẻ con, cũng không đưa vào được chuỗi này. Đối nghĩa với Người yêu là Người ghét, nhưng thực ra lại không có từ này.
Bác Thân:
Tôi thấy các từ Người đời, người làm, người ở, người ta rất hay:
+ Người đời nếu ở dạng số nhiều thì nghĩa là con người nói chung, nhưng nếu ở dạng số ít thì lại là một người đần độn.
+ Người làm với người ở có sự phân biệt lý thú là Người làm chỉ làm một hoặc một số việc và nhận một khoản tiền theo hợp đồng còn Người ở thì phải làm mọi việc trong nhà.
+ Người ta: Ở dạng số nhiều thì có ý nghĩa khái quát, không xác định: Người ta ai chả thế.
                    Ở dạng số ít thì từ này dùng  để biểu thị một trạng thái tâm lý tế nhị, uẩn khúc: Chỉ ngôi số 3:   Người ta cần gì mình,
                                                     Không được động đến Người ta
                           Chỉ chính ngôi số 1: Đưa bông hoa đây cho Người ta.
Bác Phan Khoa:
-Rất lý thú!
  Bây giờ tôi xin nói về từ Người Hiền. Bình thường người ta cũng chẳng dùng để đối ngược với Kẻ ác và cũng  chỉ dùng ở dạng tính từ. Với tính cách là danh từ, Người Hiền có lẽ ở bậc cao nhất trong thứ bậc chỉ các loại người trong xã hội. Người Hiền là những người sống mẫu mực, nêu gương về đạo lý, triết lý sống cho mọi người nên được xã hội tôn kính. Theo cách nói của Khổng Tử thì nó nằm trong khái niệm Hiền nhân quân tử./.
                                                                                                      Nguyễn văn Hoan  ghi chép


 Bài 76
Bác Dần ra từ:
Tôi xin ra từ Một. Tôi tìm được 22 từ liên quan đến Một: Một bề, một cách, một chạp, một chập, một chiều, một chút, một đằng, một đôi, một hai, một hơi, một ít, một tí, một khi, một lèo, một lòng, một phép, một thể, một vài, một mạch, một mai, một mình, một mực.
Bác Phan khoa:
Bác nào có bình luận gì nào?
Bác Tỵ:
Tôi thấy trong 22 từ này có 9 từ không liên quan đến Một, tức là những từ có nghĩa khác biệt:
+ Một chạp: Hai tháng cuối năm âm lịch.
+ Một chập, một lèo, một mạch: Một thôi, một hồi
+ Một hai: Thể hiện sự nhất quán.
+ Một khi: Chỉ về thời điểm: Một khi đã không thích thì  cũng bất cần..
+ Một thể: Nhân tiện làm luôn.
+ Một vài: Số lượng không xác định.
+ Một mai: Tương lai: Một mai con khôn lớn.
        Rõ ràng Một không còn là từ chỉ số lượng mà ghép với một chữ khác để trở thành một phó từ làm rõ nghĩa hơn cho từ mà nó bổ nghĩa. Khi nó ghép với chữ khác, nó tô đậm sắc thái của chữ đó: Vài người –Một vài người. ngày mai ---một mai. Ấy là cái hay của Một
     Còn một lưu ý nữa là: Một chiều có thể chỉ về thời gian, không gian hoặc tư duy: Tư duy một chiều, tư duy đa chiều…
Bác Phan Khoa:
Rất đầy đủ phải không các bác./.                                                           

Bài 75
Bác Tỵ ra chữ:

    - Tôi xin ra từ Mất. Tôi mới tìm được 20 từ liên quan đến Mất: Mất, mất cắp. mất trộm, mất của, mất việc, mất công, mất sức, mất dạy, mất giá, mất gốc, mất hồn, mất hút, mất lòng, mất mặt, mất mạng, mất mùa, mất nết, mất ăn, mất ngủ, mất tăm, mất tích, mất toi, mất trắng, mất biến, mất trí, mất vía, mất vui, mất nước( ở cơ thể và ở đường ống nước, ở phương diện Quốc gia), mất điện, mất chức. …Hay thì hay thật, nhưng nghĩa của nó rộng quá, tôi không khái quát được. Mời các bác phân tích giúp.

  Cả phòng trầm lặng. Lát sau bác Phan Khoa nói:

   - Ta thử chia nhóm ra, tìm các nghĩa na ná giống nhau để t hấy mối liên hệ giữa chúng chứ tìm nghĩa khái quát thì rất khó. Đấy cũng là cái lý thú của chơi chữ phải không các bác.

Bác Thân:

    - Vậy thì tôi tạm chia ra bốn, năm nhóm thế này:

+ Nghĩa là không còn, lại chia ra:

  Không còn theo nghĩa cụ thể ( nghĩa thực): Mất ăn, mất ngủ, mất vui, mất nước, mất mạng, mất trí, mất vía, mất hồn, mất việc, mất chức, mất của cải, mất vợ ( chồng, con, cha, mẹ, bạn bè..)…

  Không còn theo nghĩa trừu tượng: Mất mặt,  mất tăm, mất tích, mất hút..

+ Nghĩa là thiệt hại ( thất thoát, mất mát): Mất cắp, mất trộm, mất giá, mất mùa, mất lòng..

+ Nghĩa là sự tiêu tốn:: Mất công, mất sức..

+ Nghĩa là sự biến chất: Mất nết, mất dạy, mất gốc..

+ Mất ghép vào một chữ khác để nhấn mạnh cái mất: Mất toi, mất trắng, mất biến..

Bác Phan Khoa:

   - Đúng thế phải không các bác. Nhân bác Thân ghép chữ khác vào Mất để nhấn mạnh cái  mất, tôi lại xin nêu chiều ngược lại, ghép Mất vào chữ, cụm từ khác để nhấn mạnh điều đó: Đói quá đi mất, đi nhanh lên kẻo muộn mất, vui quá đi mất, ăn hết mất rồi…

Mọi người khà lên một tiếng vui vẻ./.


 Bài 74

Bác Hợi ra từ:

   - Tôi xin ra từ Cười. Tôi mới tìm được 22 từ liên quan đến Cười: Cười duyên, cười tình, cười gằn, cười khẩy, cười mũi, cười mát, cười ngất, cười nhạt, cười gượng, cười nụ, cười rộ, cười ruồi, cười trừ, cười mỉm, cười xòa, cười góp, cười khà, cười khì, cười ồ, cười phá, cười nịnh, cười tủm.

Bác Phan Khoa:

   - Bác nào có bình luận gì nhỉ?

Bác Thân:

    - Chuỗi từ cười của chúng ta có đặc điểm là chỉ có nghĩa đen mà không có bóng. Cười là cười. Cười vốn là sự tự phát, bật cười, có sắc thái tình cảm, biểu thị điều tốt lành, sự thích thú, sung sướng của con ngườ. Nhưng sống trong xã hội, nó lại bị lý trí chi phối nên mới sinh ra tiếng cười có chủ đích. Vì thế ta có thể chia ra:

+ Cười tự phát: Cười ngất, cười khà, cười khì, cười ồ, cười rộ, cười phá.

+ Cười có chủ đích. Số này lại được chia làm 2 loại:

        Có chủ đích vì cái đẹp:  Cười duyên, cười tình, cười nụ, cười ruồi, cười mỉm, cười xòa, cười tủm, cười trừ.

        Có chủ đích không vì cái đẹp: Cười gằn, cười khẩy, cười mũi, cười mát, cười nhạt, cười gượng, cười góp, cười nịnh.

Bác Phan Khoa:

   - Hai mươi hai cái cười này là hai mươi hai hình thái cười mang đặc tính của mỗi cá nhân ứng vào từng cảnh đời cụ thể. Bác Thân đã khái quát rất chặt chẽ mà cũng rất nhân văn phải không các bác./. 

Bài 73 :


Bác Dần ra chữ đố:
Tôi xin ra từ Có. Tôi mới tìm được 25 chữ liên quan đến Có: Có mặt, có chửa, có mang, có bầu, có bạn, có hạn, có tình, có lý,  có lẽ, có nhẽ, có thể, có hậu, có hiếu, có nghĩa, có nhân, có chí, có ích, có tuổi, có học,  có ý, có của, có ăn, có điều, có chăng, có dễ.
Bác Phan Khoa:
Bác nào thấy điều gì thú vị trong chuỗi từ Có này nào?
Bác Tỵ:
Tôi thấy có 3 điều:
+ Chuỗi từ này có nghĩa tương đối đồng nhất. Trừ 3 từ cuối cùng ( có điều, có chăng, có dễ) là những cụm từ có ý nghĩa bổ trợ gì đó, còn tất cả đều có nghĩa là sự tồn tại, sự sở hữu.
+ Hầu hết chúng có nghĩa đen, trừ một vài chữ có nghĩa bóng, như có hậu, có tuổi, có ăn.
+ Tất cả đều có một nghĩa, trừ một chữ duy nhất, chữ Có hạn, có 3 nghĩa: Khả năng có hạn, trời nắng lâu, có vận hạn.
Bác Phan khoa:
Còn một điểm này nữa: Chữ Có có tác dụng nhấn mạnh rất mạnh:
+ Đừng nói dối tao - Đừng có nói dối tao.
+ Chỉ ăn 1 bát thôi à - Chỉ ăn có 1 bát thôi à.
+ Đúng thế không? ... Có đúng thế không?./.
                                                                            Nguyễn văn Hoan  ghi chép

    Bài 72:

    Bác Tỵ ra từ mới:
Tôi xin đưa ra từ Trở. Tôi đã tìm được 14 từ liên quan tới Trở: Trở mặt, trở các đồ luộc, rán, trở những đồ phơi phóng, trở trời, trở dạ, trở nên, trở thành, trở chứng, trở lại, trở quẻ, trở mình, trở tay, trở gót, trở ngại,…
   Hầu hết nghĩa của chúng biểu thị sự thay đổi, trừ Trở ngại có nghĩa như Khó khăn.
Bác Phan Khoa:
Các bác có bổ sung gì nữa không?...... Hòm hòm thế là được rồi, nhưng có 3 từ này tôi thấy hay hay:
+ Trở mã: Những con sông chưa bị chắn dòng, về mùa lũ, nước sông thường lên xuống theo từng đợt lũ. Nước sông đang xuống, đầu nguồn gặp lũ, lại lên, thế gọi là trở mã. Khái niệm này chỉ dân sống ở ven sông mới biết.
+ Trở đầu đũa: Chúng ta biết rằng, đôi đũa thuộc nền văn hóa lúa nước. Chiếc đũa có một đầu to, một đầu nhỏ. Tổ tiên ta dạy con cháu: Ăn cơm phải biết trở đầu đũa để không lệch đầu. Thực ra trở đầu đũa còn một nghĩa khác: Sử dụng cả hai đầu. Vào những thập niên 50, 60 thế kỷ trước, với ý nghĩa vệ sinh, y tế phổ biến cho dân gắp thức ăn bằng đầu to, còn và cơm bằng đầu nhỏ. Tất nhiên lâu lắm rồi, cách ăn uống này đã bị bỏ, nhưng việc sử dụng hai đầu đũa vẫn còn. Ấy là khi nhà có khách. Tiếp thức ăn cho khách là một nét văn hóa ẩm thực phương Đông mà phương Tây không có. Khi trên mâm có một đôi đũa dự phòng, thì chủ nhà tiếp thức ăn cho khách bằng đôi đũa ấy. Thế là lịch sự. Nhưng khi không có đôi đũa dự phòng, chủ nhà phải đổi đầu đũa của mình để tiếp thức ăn cho khách. Đúng không các bác.
  Tất cả cười òa lên, vui vẻ. Đợi cho không khí lắng xuống, Chủ tịch nói tiếp:
+ Trở đầu đuôi. ( giọng nói của bác trở nên xa xôi) : Nhắc đến từ này chỉ có ý nghĩa như bảo tàng từ ngữ mà thôi,  vì từ này chẳng bao giờ còn dùng đến nữa. Ngày trước, trong những gia đình nghèo, có lẽ không đủ giường, nên con cái đã lớn mà vẫn phải ngủ chung. Thế là phải trở đầu đuôi.
Mọi người đã bật cười rồi, bác còn nói tiếp:
Không phải trở đầu chân mà là trở đầu đuôi đấy nhé, mặc dù người làm gì có đuôi. Thế mới thật là thú vị chứ./.
                                                                                                   Nguyễn văn Hoan ghi chép


           Chờ mọi người thật yên lặng, Chủ tịch Phan Khoa mới  Chà.. một tiếng thật dài để chứng tỏ vừa xong một việc lớn. Bác nói:
Chúng ta vừa xong phần từ láy rất lý thú đúng không ạ. Bây giờ chúng ta sẽ chuyển sang một nội dung mới đó là tìm mọi nghĩa của một từ ( hoặc chữ) khi nó kết hợp với các chữ khác nhau. Cố gắng xem nghĩa khái quát của nó là gì , nếu có. Bác nào thích từ nào thì nêu ra, nêu cả các từ nó đã ghép với những chữ nào đó , chưa đủ thì bác khác bổ sung, sau đó ta sẽ mổ xẻ để thấy hết cái hay, cái đẹp của từ đó. Được không các bác?.
Tất cả đều đồng tình.



Bài 71:
 Bác Tỵ đột phá trước:
-Tôi xin đưa ra từ Phải. Tôi mới tìm được 20 từ liên quan tới Phải: Phải không, phải, phải lòng, phải vạ, phải tội, phải nợ, phải gió, phải bỏng, phải vôi, phải bả, phải gai, phải vía, phải duyên, phải kiếp, phải phép, phải lối, phải đạo, phải lúc, phải biết, phải chăng.
Bác Phan Khoa:
Nhiều từ hay quá. Không kể những từ mang nghĩa đen, nghĩa thực, ta còn thấy có các từ nghĩa trừu tượng, nghĩa bóng, nghĩa khác biệt . Đặc biệt là khi đặt nó vào một văn cảnh nhất định, nó càng hay đến tuyệt vời: Đỉa phải vôi chẳng hạn. Mời các bác tìm nghĩa cho chúng đi.
Bác Hợi:
Tôi xin nêu các nghĩa của từ Phải:
+ Bắt buộc.
+ Lẽ phải.
+ Đúng, trái nghĩa với Trái: Phải phép, phải lối, phải đạo, phải lúc..
+ Được rồi: - Mời cụ ngồi chiếu trên ạ!
                     - Phải!
+ Mắc vào: Phải lòng, phải vạ, phải tội, phải bỏng, phải gai….
Bác Phan Khoa:
Phải chăng nghĩa là gì ạ?
Bác Tỵ:
Có thể hiểu là Chẳng nhẽ: Phải chăng ( chẳng nhẽ ) không trồng được khoai?
Thế còn Phải biết.
Bác Thân:
Nghĩa đen là phải làm được việc gì đó: Phải biết lập Dự án, lập Chương trình..
Nghĩa khác biệt của nó là Rất: Đẹp phải biết, ngon phải biết…: Rất đẹp. rất ngon..
Tất cả đều ồ lên: Tuyệt vời!
Bác Phan Khoa thêm:
+ Cum từ Còn phải nói: Một sự khẳng định đanh thép:
- Năm nay anh xứng đáng Lao động tiên tiến đấy.

. Có khi còn đáng Chiến sĩ thi đua cơ sở nữa ấy chứCòn phải nói-
+ Còn một từ này nhưng không biết có phải phương ngữ không, từ Phải kẻo ấy mà. Nó đồng nghĩa với Coi chừng: Một chàng trai đang ấm ức về việc mình bị bố cứ dọa dẫm, hạn chế về khoản rượu bia. Bà mẹ đe thêm: Phải kẻo, vài tuổi nữa là viêm gan cổ chướng đấy con ạ.                                                                                   
                                                                                 Nguyễn văn Hoan ghi chép.

Hôm nay bác Tỵ ra từ đố:

Bài 67:
Một từ láy phụ âm đầu th biểu thị tính cách của con người khẩu Phật tâm sà mà Nguyễn Du đã nói tới trong Truyện Kiều.
Nếu thay phụ âm đầu bằng s, từ mới biểu thị giọng nói dễ nghe của một người không thật tâm.
Nếu thay phụ âm đầu bằng ph, từ mới có nghĩa là màu rất nhạt.
Nếu thay phụ âm đầu bằng nh, từ mới có nghĩa là hơi bị nhờn.
  Hỏi các từ đó là gì?

Bài 68:
Có một từ một vần nói về một loài côn trùng chuyên môn đi tìm hoa lấy mật.
Nếu láy hoàn toàn vần đó sẽ được từ mới nói về tình trạng thời tiết hoặc đầu não con người hơi bị bức bối.
Nếu láy phụ âm đầu s, từ mới diễn tả về sự sóng đôi.
Nếu láy phụ âm đầu nh, từ mới biểu thị hình tượng hoặc tiếng chuông ngựa khi người ta đi nước kiệu.
Nếu thay phụ âm đâu l vào chữ đầu, t vào chữ sau, từ mới biểu thị tiếng nước nhỏ giọt vào chậu nhôm chẳng hạn, hoặc biểu thị bước đi nhanh, vội vã.
  Hỏi những từ đó là gì?

Bài 69:
Có một từ ghép biểu thị ánh mặt trời hoặc hoặc ánh sáng phát ra từ những loại vải quý.
Nếu láy phụ âm đầu l, từ mới  biểu thị sự phản xạ ánh sáng từ vàng, bạc, kim cương  chẳng hạn.
Nếu láy phụ âm đầu s, từ mới biểu thị nước trong thùng bị rung lắc.
Nếu thêm phụ âm đầu ch vào chữ đầu, v vào chữ sau, từ mới, từ mới có nghĩa là làm xong việc gì đó rất nhanh.
Hỏi các từ đó là gì?
Mọi người đang định nghỉ thì Chủ tịch Phan Khoa hắng giọng, ý là bác sẽ nói tiếp vấn đề gì đó. Rồi Chủ tịch nói:
Nhân gặp từ óng ánh, chúng ta nhận ra một điều là: Các từ ghép đôi không có phụ âm đầu cũng mang sắc thái của từ láy mặc dù chúng chẳng láy gì cả. Có lẽ đây là một đặc điểm rất thú vị của cấu trúc từ Việt, phải không các bác. Này nhé: Ỉ eo, ai oán, u ám, ì ạch, ỡm ờ….

Bài 70:
    Bác Tỵ và bác Dần cùng ngồi ngắm ra ngoài sân. Trời thu xanh lơ không một gợn mây. Cao hứng, bác Tỵ  bảo bác Dần:
Bác thử tìm một từ láy nói về bầu trời hôm nay đi nào.
Dễ quá mà.
Nói vậy thôi, nhưng cũng phải nghĩ một lúc bác Dần mới bật ra được:
Trời cao lồng lộng.
Tuyệt quá!
Bác Phan Khoa tán thưởng. Rồi bác tiếp:
Bây giờ ta tìm tiếp những từ láy có cặp vần lồng lộng xem nào.
Mọi người rất chăm chú, nhưng không tìm được từ nào. Cuối cùng, bác Phan Khoa nói:
Có 2 từ này nhưng tôi sợ chỉ là phương ngữ:
Từ chồng chộng: Trong một tập hợp vật nào đấy, có một số nhỉnh hơn một chút. Thí dụ, trong một rổ khoai sọ, có củ cái và củ con, nếu chọn ra những củ chồng chộng, tức là chọn ra những củ cái.
Từ sồng sộng. Dân dã có từ sống sượng. Nghĩa bóng của nó gần đồng nghĩa với từ trơ tráo nghĩa là làm việc xấu mà không biết hổ thẹn. Nghĩa đen của nó chỉ một loại củ nào đó luộc rồi nhưng không ăn được có thể vì sống hoặc vì sượng. Sống nghĩa là chưa chín tới, sượng nghĩa là củ đó đã mất phẩm chất, đun mấy cũng không chín. Sồng sộng nghĩa là chưa chín tới.
   Lát sau bác nói tiếp:
-Tóm lại, các bác thấy không, láy phụ âm đầu thì nhiều vô kể, nhưng láy vần thì, với mỗi cặp vần, số từ láy là không nhiều. Chúng ta tìm cật lực rồi mà đã được bao nhiêu đâu. Hai từ thì còn kha khá. Ba từ đã là hiếm. Bốn từ mới có 6 cặp  (  ăng ăng…, anh ách…,  bong bóng…,ong ong…., óng ánh…, thơn thớt….). Năm từ mới có 2 cặp (  ằng ặc…, nguệch ngoạc ). Bác nào tìm được những cặp có 5, 6 từ nào?

Giải đáp:
Bài 67:
Từ gốc là thơn thớt.
Thay phụ âm đâù s, được từ mới là sơn sớt.
Thay phụ âm đầu ph, được từ mới là phơn phớt.
Thay phụ âm đầu nh, được từ mới là nhơn nhớt.
Bài 68:
Từ gốc là ong.
Láy hoàn toàn được từ mới là ong ong.
Nếu láy phụ âm đầu s, được từ mới là song song.
Nếu láy phụ âm đầu nh, được từ mới là nhong nhong.
Nếu thay phụ âm đầu l vào chữ đầu, phụ âm t vào chữ sau, được từ mới là long tong.
Bài 69:
Từ gốc là óng ánh.
Láy phụ âm đầu l, được từ mới là lóng lánh.
Láy phụ âm đầu s, được từ mới là sóng sánh.
Thay phụ âm đầu ch vào chữ đầu, v vào chữ sau, được từ mới là chóng vánh.
Bài 70:
Có một cặp vần nữa có 5 từ là cặp ình ịch:
Thình thịch.
Bình bịch.
Xình xịch.
Trình trịch.
Dình dịch.

                                                                 Nguyễn văn Hoan  ghi chép



Hôm nay bác Dần ra chữ đố:
Bài 64:
Một từ láy vần biểu thị tiếng phát ra khi gia súc bị bóp cổ.
 Nếu láy phụ âm đầu v, từ diễn tả một đêm trăng sáng.
Nếu láy phụ âm đầu n, từ có nghĩa là đòi bằng được.
Nếu láy phụ âm đầu s, từ có nghĩa là cười một cách khoái trá.
Nếu láy phụ âm đầu d, từ biểu thị về độ dài.
Hỏi các từ đó là gì?


Bài 65:
Một từ láy phụ âm đầu:
Nếu phụ âm đầu là b, từ biểu thị hiện tượng mặt nước có gì đó khi trời mưa dầm.
Nếu phụ âm đầu là ch, từ chỉ một loại đồ chơi của trẻ em có thể quay tròn.
Nếu phụ âm đầu là ng, từ chỉ về sự chờ đợi một con người.
Nếu phụ âm đầu là nh, từ chỉ về sự chờ đợi một sự kiện.


Bài 66:
Một từ láy phụ âm đầu ng nói về lối viết chữ cẩu thả, chữ rất xấu.
Nếu thay bằng phụ âm q, nghĩa của từ mới vẫn như thế.
Nếu thay bằng phụ âm t, từ mới biểu thị  lời ăn, tiếng nói của một người có tính cách dễ dãi, dông dài.
Nếu thay bằng phụ âm x, từ mới biểu thị một sự biến dạng
Nếu thay bằng phụ âm ch, từ mới có nghĩa là mất quy củ làm việc, hàng ngũ bị xộc xệch .



 Giải đáp:
Bài 64:
Từ gốc là ằng ặc.
Nếu láy phụ âm đầu v, được từ mới là vằng vặc.
Nếu láy phụ âm đầu n, được từ mới là nằng nặc.
Nếu láy phụ âm đầu s, được từ mới là sằng sặc.
Nếu láy phụ âm đầu d, được từ mới là dằng dặc.

 Bài 65:
Từ gốc là bong bóng.
Nếu phụ âm đầu là ch, từ mới là chong chóng.
Nếu phụ âm đầu là ng, từ mới là ngong ngóng.
 Nếu phụ âm đầu là nh, từ mới là nhong nhóng.

Bài 66:
Từ gốc là nguệch ngoạc.
Láy phụ âm đầu q, được từ mới là quệch quạc.
Láy phụ âm đầu t, được từ mới là tuệch toạc
Láy phụ âm đầu x, được từ mới là xuệch xoạc.
Láy phụ âm đầu ch, được từ mới là chuệch choạc./.



* Sửa lại: Xin lỗi bạn đọc được sửa lại phụ âm ch bằng phụ âm x trong phần giải đáp bài 57.
                                                        Nguyễn văn Hoan ghi chép.

       

Hôm nay bác Hợi ra chữ đố:

Bài 61:
Một từ láy phụ âm đầu c có nghĩa là chú tâm, tận tụy, chăm chỉ làm việc.
Nếu phụ âm đầu là h, từ mới biểu thị mùi cùa các hạt ngũ cốc đã chớm hỏng.
Nếu phụ âm đầu là nh, từ mới  biểu thị hình ảnh của một đám dòi bọ gì đấy.
Hỏi các từ đó là gì?


Bài 62:
Một từ láy biểu thị nỗi bực tức hoặc trạng thái ăn khó tiêu.
Nếu láy phụ âm đầu kh, từ mới biểu thị tiếng cười ròn tan.
Nếu láy phụ âm đầu t, đó là tiếng cào cào, châu chấu đạp lên lá lúa.
Nếu láy phụ âm đầu v, đó là tiếng đọc bài trôi chảy.
  Hỏi những từ đó là gì?

Bài 63:
Một từ láy phụ âm đầu:
Nếu phụ âm đầu là ch, từ đó có nghĩa là không vững chãi.
Nếu phụ âm đầu là ng, từ đó biểu thị tính cách con người ra vẻ ta đây, coi thường người khác.
Nếu phụ âm đầu là x, từ đó nói về sự chi tiêu, sinh hoạt rộng rãi.
Hỏi các từ đó là gì?


 Giải đáp:
Bài 61:
Từ gốc là cung cúc.
Láy phụ âm đầu là h, được từ mới là hung húc.
Láy phụ âm đầu nh, được từ mới là nhung nhúc.
Bài 62:
Từ gốc là anh ách.
Láy phụ âm đầu kh, được từ mới là khanh khách.
Láy phụ âm đầu t, được từ mới là tanh tách.
Láy phụ âm đầu v, được từ mới là vanh vách.
Bài 63:
Từ đầu tiên là chông chênh.
Thay phụ âm đầu bằng ng (ngh), được từ mới là ngông nghênh.
Thay phụ âm đầu bằng x, được từ mới là xông xênh.

                                                                            Nguyễn văn Hoan ghi chép


Bác Hợi ra từ đố:

Bài 58:

Một từ ghép có hai vần biểu thị tiếng nước chảy trong ống hoặc trong cống.

Nếu láy phụ âm đầu tr, từ mới có nghĩa là người  béo lùn, người cởi trần hoặc một loài hến.

Nếu thêm l vào vần đầu, s vào vần sau từ mới có nghĩa là tìm kiếm để bắt một ai đó.

Nếu láy phụ âm đầu là h, từ mới có nghĩa là làm việc cật lực mà không suy nghĩ.

Hỏi các từ đó là gì?

 

Bài 59:

Một từ ghép có hai vần biểu thị tiếng nước từ chai lọ đổ ra.

Nếu láy phụ âm đầu là x, từ mới biểu thị ai đó đi nhanh vào nơi nào đó với tâm trạng nóng vội.

Nếu láy phụ âm đầu là t, từ mới có nghĩa là các loại xe máy quá cũ, vô giá trị.

Hỏi các từ đó là gì?

 

Bài 60:

Một từ ghép có hai vần biểu thị tiếng nước chảy ra từ chai lọ.

Nếu láy phụ âm đầu là t, từ mới có nghĩa là các loại xe máy quá cũ, vô giá trị.

Nếu láy phụ âm đầu là ch, từ mới có nghĩa là nhìn ai đó không chớp mắt.

Nếu láy phụ âm đầu là đ, từ mới có nghĩa là rất đỏ.

 Hỏi các từ đó là gì?

 

Giải đáp:

Bài 58:

 Từ gốc là ùng ục.

Láy phụ âm đầu tr, được từ mới là trùng trục.

Nếu thêm l vào vần đầu, s vào vần sau, được từ mới là lùng sục.

Nếu láy phụ âm đầu là h, được từ mới  là hùng hục.

Bài 59:

Từ gốc là ồng ộc.

Nếu láy phụ âm đầu là x, được từ mới là xồng xộc.

Nếu láy phụ âm đầu là t, được từ mới là tồng tộc.

Bài 60:

Từ gốc là òng ọc.

Nếu láy phụ âm đầu là t, được từ mới là tòng tọc.

Nếu láy phụ âm đầu là ch, được từ mới là chòng chọc.

Nếu láy phụ âm đầu là đ,  được từ mới là đòng đọc.

 

                                                                                 Nguyễn văn Hoan ghi chép

 ( ... )

     Vào buổi sinh hoạt, chủ tịch Phan Khoa xoay sở mãi mới chỉnh được thế ngồi. Chủ tịch ngần ngừ một lát, lên giọng rất tâm tư, gọi mọi người bằng cụ:
    - Các cụ thấy không? Cặp vần un-út hay đáo để. Lần trước ta mới đưa ra hai từ thôi. Còn nữa kia, mà nghĩa nào cũng rất có nét.
Bác Thân nhanh nhảu:
  - Đúng đấy ạ! Tôi cũng khai thác được 1 từ: Từ vun vút.
Hay! Hay! Nghĩa là phóng đi rất nhanh, đúng không? Còn điểm này nữa, không biết sự biến đổi vần có ý nghĩa gì mà vùn vụt cũng gần như đồng nghĩa với vun vút phải không ạ. Nhưng thôi, các bác về nghiên cưú đi, dịp khác ta sẽ bàn. Bây giờ ta tìm tiếp những từ có cặp vần un út đã. Nào, bác nào nào?.
Cả phòng im lặng. Bốn gương mặt đăm chiêu. Lát sau chủ tịch gỡ bế tắc cho mọi người:
Từ cun cút đúng không ạ.
Rồi giọng bác trầm xuống:
  - Tôi cứ lo, những từ này rồi sẽ mất mất thôi. Nó nói về một trò chơi của trẻ nhỏ thời xưa. Các bác còn nhớ không? Một cục bùn khô được vê tròn, cắm vào đầu một cái que, tay cầm que vung lên, phóng cục bùn đi. Đứa nào xa hơn thì đứa ấy thắng. Cho nên có câu phương ngôn: Cun cút cụt cắng đấy thôi.
  Mọi người à lên một tiếng. Chủ tịch cũng buông một tiếng thở dài rồi lại với giọng đầy tâm tư:
Trò chơi ấy đòi hỏi nhiều sự khéo léo đấy chứ. Từ vê cục bùn, chọn cái que đến sức vung của đứa trẻ.. Nhìn cục bùn vun vút bay đi, cả bọn reo hò ầm ĩ. Thích thú biết bao nhiêu. Tiếc là rất lâu rồi chả bắt gặp trò này ở đâu nữa. Giọng chủ tịch trầm hẳn xuống. Bác định nói tiếp nhưng rồi lại thôi, Bác bảo:
 - Bác Thân ra chữ đố tiếp đi vậy.
Bác Thân:



Bài 53
Một từ ghép có nghĩa là ăn bộ não của một động vật nào đó.
Nếu phụ âm đầu là l, từ mới có nghĩa là đồ vật để bừa bãi đâu đó hoặc say ai như điếu đổ.
Nếu phụ âm đầu là s, từ mới có nghĩa là chăm lo sức khỏe cho ai đó.
 Hỏi các từ đó là gì?


Bài 54

Một từ láy có nghĩa là giọng nói to một cách vô ý.
Thêm phụ âm đầu ch( phụ âm đôi), nghĩa của từ mới vẫn thế.
Thêm phụ âm t vào chữ đầu, phụ âm h vào chữ sau, từ mới có nghĩa là mở rất rộng, rách rất rộng.
Vậy các từ đó là gì?


Giải đáp :
Bài 53: Từ gốc là ăn óc.
             Thêm phụ âm l, được từ lăn lóc.
             Thêm phụ âm s, được từ săn sóc.
Bài 54: Từ gốc là oang oác.
             Thêm phụ âm ch, được từ mới là choang choác.
             Thêm phụ âm t vào chữ đầu, phụ âm h vào chữ sau, được từ mới là toang hoác.

                                                                                                        
Bác Dậu ta chữ đố.
 
Bài 55

Một từ có nghĩa là bị nhúng nước. Nó được láy vần.
Nếu thêm phụ âm l vào chữ đầu, phụ âm th vào chữ sau, được từ mới biểu thị một người đi đầu trần bị mưa.
Nếu thêm phụ âm s vào chữ đầu, phụ âm m vào chữ sau được từ mới có nghĩa là khóc lóc thảm thiết.
Vậy các từ đó là gì?


Bài 56

Một từ láy biểu thị giọng nói to một cách vô ý.
Nếu thêm phụ âm ch vào cả hai chữ, từ mới vẫn có nghĩa như trên hoặc đó là tiếng gõ mạnh vào những vật rắn gây khó chịu.
Nếu thêm phụ âm t vào chữ đầu, phụ âm h vào chữ sau, từ mới có nghĩa là cửa nẻo bị mở banh cả ra.
Vậy các từ đó là gì?


Bài 57

Một chữ không có nghĩa được láy vần.
Nếu thêm phụ âm b vào cả hai chữ, từ mới có nghĩa là tiến lên một cách mạnh mẽ.
Nếu thêm phụ âm h vào cả hai chữ, từ mới biểu thị một mùi khó chịu
Nếu thêm phụ âm l vào chữ đầu, phụ âm x vào chữ sau, từ mới biểu thị tính cách của một người tỏ ra nhiệt tình với mọi việc nhưng chẳng việc gì ra việc gì.
 Nếu thêm phụ âm l vào chữ đầu, phụ âm nh vào chữ sau, từ mới biểu thị tính cách của một người không đứng đắn.
Vậy các từ đó là gì?


Giải đáp :

Bài 55: Từ gốc là ướt, láy vần là ướt ướt.
             Thêm phụ âm l vào chữ đầu, th vào chữ sau, được từ lướt thướt.
             Thêm phụ âm s vào chữ đầu, m vào chữ sau được từ sướt mướt
Bài 56: Từ gốc là oang oang.
             Thêm phụ âm ch vào cả hai được từ mới là choang choang.
             Thêm phụ âm t vào chữ đầu, h vào chữ sau được từ mới là toang hoang.
Bài 57: Chữ gốc là ăng, láy là ăng ăng.
             Thêm phụ âm b vào cả hai được từ mới là băng băng.
             Thêm phụ âm h vào cả hai chữ được từ mới là hăng hăng.
             Thêm phụ âm l vào chữ đầu, ch vào chữ sau được từ mới là lăng xăng.
             Thêm phụ âm l vào chữ đầu, nh vào chữ sau, được từ mới là lăng nhăng.
                                                                  
                             
                                                                                            
  Nguyễn văn Hoan ghi chép
 

Nguồn tin: Bùi Việt Mỹ:

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây