MẠCH RIÊNG GIỮA NGUỒN CHUNG

Thứ ba - 16/08/2022 09:05
MẠCH RIÊNG GIỮA NGUỒN CHUNG

Bùi Việt Thắng

MẠCH RIÊNG GIỮA NGUỒN CHUNG...

( Luận bàn về “Văn học viết về công nhân - công nghiệp hiện nay”)

Cuộc thi đua với văn học viết về “tam nông”

Xét theo truyền thống văn học cách mạng thì đề tài công nhân - công nghiệp và nông thôn - nông dân cùng “vạch xuất phát”: tiểu thuyết Vùng mỏ (1951) của  Võ Huy Tâm và tiểu thuyết Con trâu (1953) của Nguyễn văn Bổng đều được đánh giá là những viên gạch đầu tiên xây đắp dòng/ mạch văn học viết về người lao động trong thời đại mới từ sau Cách mạng tháng Tám (1945). Trong thực tế chúng ta đã có một đội ngũ nhà văn viết thành công về đề tài công nhân - công nghiệp từ Võ Huy Tâm, Xuân Cang, Huy Phương, Lê phương, Nguyễn Dậu, Nguyễn Hiểu Trường, Võ Khắc Nghiêm, Lý Biên Cương, Tô Ngọc Hiến, Nguyễn Sơn Hà, Phạm Ngọc Chiểu, Trần Chinh Vũ,... đến Nhật Tuấn, Bùi Việt Sỹ, An Bình Minh, Nguyễn Mạnh Tuấn, Nguyễn Đình Chính, Triệu Xuân, Nguyễn Đức Huệ, Đặng Ái, Trần Dũng, Nguyễn Tùng Linh, Thi Hoàng, Thanh Tùng, Vũ Ngọc Khánh, Cầm Sơn, Lê Tuấn Lộc, Vũ Thảo Ngọc,...

Trên văn đàn đã xuất hiện những tác phẩm tốt về đề tài công nhân - công nghiệp như Mở hầm của Nguyễn Dậu, Những Ngày thường đã cháy lên của Xuân Cang, Xi măng của Huy Phương, Thung lũng Cô Tan của Lê phương, Mưa mùa hạ của Ma Văn Kháng, Người kiểm tu của Tô Ngọc Hiến, Xưởng máy nhỏ của tôi của Nguyễn Đình Chính, Đêm ấy vùng than ai thức của Lý Biên Cương, Chân dung một quản đốc của Nguyễn Hiểu Trường, Trang 17 của Nhật Tuấn, Đứng trước biển của Nguyễn Mạnh Tuấn, Giấy trắng của Triệu Xuân, Vùng xoáy của Vũ Quốc Khánh, Chuyện tình người thợ mỏ của Cầm Sơn, Ánh đèn lò của Vũ Thảo Ngọc,... Nhưng so với đề tài “tam nông” thì văn học viết về công nhân - công nghiệp vẫn còn thiếu vắng những tác phẩm được độc giả quan tâm nhiệt tình như Bão biển của Chu Văn, Hãy đi xa hơn nữa của Nguyễn Khải, Dốc nắng của Nguyễn Hữu Nhàn, Trong làng của Nguyễn Kiên, Chị Cả Phây của Ngô Ngọc Bội, Đất làng của Nguyễn Thị Ngọc Tú, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, Kẻ ám sát cánh đồng của Nguyễn Quan Thiều, Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư,...

Những khó khăn cần vượt qua5a0441e16c9da9c3f08c

 Khi  kinh tế Việt Nam phát triển trên nền tảng công nghiệp hóa - hiện đại hóa thì cơ cấu văn hóa - xã hội cũng sẽ thay đổi căn bản. Quan trọng nhất là con người cũng sẽ thay đổi theo hướng “phi truyền thống”. Sống lâu đời trong thung thổ “văn hóa làng xã” nên nhà văn thường quen nhìn những sự vật ít biến động (dạng tĩnh). Vẻ đẹp điền viên của mái đình, cây đa, ao làng, con trâu, cánh đồng, đường cày, cấy hái, mùa vụ đã tạo thành “nếp nhăn” trong tư duy, trong xúc cảm và hình thức thể hiện. Những đặc trưng này khúc xạ trong văn học dân gian, nhất là ca dao/ dân ca (chẳng hạn, Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi). Trong quan điểm thẩm mỹ, người Việt ưa thích cái “vừa khoảng” (quy mô vừa phải, nhỏ gọn, xinh xắn), nên các ngành nghệ thuật nói chung không vươn tới, để lại dấu ấn về cái quy mô, kỳ vĩ. Vì thế xâm nhập thực tế lĩnh vực sản xuất công nghiệp với nhà văn nếu chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” thì kết quả viết sẽ hết sức hạn chế. Ứng nghiệm với văn hóa làng xã, song với khoa học kỹ thuật, nhất là thời đại cách mạng công nghệ 4.0, thì tư duy và cảm xúc của nhà văn nếu vẫn khư khư theo cách/lối truyền thống sẽ bị tụt thậu/ lạc hậu trầm trọng. Chỉ riêng thuật ngữ “xuống moong” ở vùng mỏ Quảng Ninh, nơi khai thác và sản xuất than nhiều nhất cũng đã khiến nhà văn phải tìm hiểu, trải nghiệm mới thấu triệt.

Nhà văn hiện nay ít có cái nhu cầu “sống đã rồi hãy viết”, thậm chí nhà văn trẻ thì thực hành phương châm “viết đã rồi hãy sống” (!?). Nếu nhà văn có hơn một lần thâm nhập các khu công nghiệp/ các nhà máy/ công trình lớn của đất nước như Nghi Sơn (Thanh Hóa), Formosa (Hà Tĩnh), Trường Hải/ THACO (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi), Thủy điện Sơn La,... sẽ có cơ hội đứng trước một đối tượng thay đổi mạnh mẽ - những người công nhân được tri thức hóa - chắc chắn cảm xúc và sự viết sẽ thay đổi. Người viết văn hiện thời có xu hướng “chui sâu leo cao” vào các “tháp ngà”, ngày càng cách biệt đời sống. Đô thị với những thói quen, tiện nghi hấp dẫn các nhà văn hơn là đi vào thực tế đời sống lao động sản xuất ở cả hai vùng “tam nông” và công nghiệp - công nhân. Nhà văn thích viết về những bi kịch cá nhân của những “con người nhỏ bé” hơn là tái hiện hình ảnh những người công nhân lao động công nghiệp, hăng say sản xuất, cải tiến kỹ thuật, tạo ra sản phẩm tốt phục vụ xã hội. Khi các từ khóa về “số hóa”, “thông minh”, “hội nhập”, “phát triển” đã trở nên phổ biến và quan thiết với toàn dân thì nó lập tức chi phối mọi hoạt động của các lĩnh vực xã hội, khi đó đồng thời nguy cơ lạc hậu của nhà văn sẽ càng gia tăng, nếu anh “trùm chăn”, “mũ ni che tai”. Nhà văn thuộc tif người sống chậm, nhạy cảm đặc biệt nên dễ vui buồn trước nhân tình thế thái. Nhưng xã hội hiện đại cần con người có năng lực “thích nghi đặc biệt” (quy luật tự nhiên đã chỉ rõ: không phải loài mạnh, không phải loài thông minh, mà là loài biết thích nghi thì sẽ tồn tại).

 Trong sáng tạo nghệ thuật, vấn đề kế cận thế hệ luôn được đặt ra bức thiết. So sánh với văn học viết về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính, sẽ thấy có sự kế cận nối tiếp thế hệ. Những cây bút thuộc thế hệ 7x, 8x, 9x dù sinh sau đẻ muộn vẫn có thế viết về chiến tranh đã qua bằng vốn sống gián tiếp, bằng sức mạnh của trí tưởng tượng. Viết về công nhân - công nghiệp, theo quan sát của chúng tôi, hiện đang có sự đứt gãy thế hệ đáng lo ngại. Trong trường hợp này quy luật “tre già măng mọc” chưa được hiện thực hóa. Nhà văn Vũ Thảo Ngọc (sinh 1965) được coi là “trẻ” nhất trong đội ngũ nhà văn chuyên tâm viết về công nhân - công nghiệp. Vậy thế hệ tiếp theo? Trách nhiệm thuộc về ai? Những câu hỏi thật không dễ trả lời.

Không ít người quan niệm rằng trong sáng tác văn học không câu nệ đề tài, vì suy cho cùng “văn học là nhân học”. Không có gì là không đúng. Bởi vì vấn đề quan trọng ở chỗ: không phải viết về cái gì mà là viết như thế nào. Nhưng ở một góc độ khác thì, viết “cái gì” cũng thể hiện nhân cách và phong cách của nhà văn.

Lý do để hy vọng

Trong xã hội hiện đại, ranh giới giai cấp không nhất thành bất biến. Đang là một chủ đề nóng về “tri thức hóa nông dân” trên các diễn đàn xã hội, tương tự có thể áp dụng cho công nhân (không còn là giai cấp “vô sản” như ý nghĩa nguyên thủy của từ). Ở đây có vấn đề chiến lược văn hóa, chính sách văn hóa đối với các ngành nghệ thuật, trong đó có nghê thuật ngôn từ - hướng tới khai phóng năng lực sáng tạo cho các thế hệ kế tục viết về công nhân - công nghiệp. Trong tương lai Việt Nam sẽ là một quốc gia có nền kinh tế phát triển trên nền tảng công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Từ đó, sẽ xuất hiện một lớp nhà văn tương thích, nhiều tài năng kiến tạo thành công hình ảnh người công nhân giàu tri thức xứng đáng đứng ở vị trí trung tâm của văn học nước nhà.

Một sự kiện văn học rất đáng quan tâm: Cuộc thi sáng tác truyện ngắn, tiểu thuyết về đề tài công nhân, công đoàn do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức trong hai năm, 2021-2023 ( theo Laodong. Online, 23/11/2021), hứa hẹn mang lại một mùa màng bội thu các tác phẩm văn học thành công về một đề tài trong tương lai cần được đề cao ở vị trí trang trọng vì qua đó khúc xạ diện mạo và khí sắc đời sống xã hội tương lai./.

                                                                        Hà Nội, tháng 7-2022

                                                                                  B.V.T

Ps/ Bài đăng báo Lao Động số đặc biệt kỷ niệm 93 năm thành lập Tổng LĐLĐVN ( 1929-2022). Bài đăng báo có tựa “Hứa hẹn một mùa bội thu”.

 

                                                                                 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây