Nhà văn Lê Hữu Tỉnh
Sự huyền bí giữa cõi nhân sinh
“Thịt da ai cũng là người / Lòng nào hồng rụng thắm rời chẳng đau” (1). Họ nhảy vào lửa, chơi với lửa, “tắm lửa”, thậm chí bỏ cục than hồng rực vào miệng nhai… Không đau đớn, không bị bỏng… Sau cuộc nhảy lửa đầy dũng mãnh, chân tay mình mẩy vẹn nguyên, nụ cười vẫn tươi rói… Đó là các chàng trai Pà Thẻn vừa trải qua màn trình diễn nhảy lửa độc đáo, đầy ấn tượng và ẩn chứa trong đó sự huyền bí, lạ kì.
Tôi theo đoàn của Hội Nhà văn Hà Nội đến một điểm du lịch thuộc thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình, Tuyên Quang vào một ngày cuối năm giá lạnh. Được biết trong chương trình buổi tối hôm ấy, có màn nhảy lửa của các chàng trai dân tộc Pà Thẻn sở tại, mọi người trong đoàn đầy háo hức. Màn đêm buông, giữa một bãi đất trống trải và hoang lạnh, một đống củi to đang rừng rực cháy. Ngọn lửa ngùn ngụt bốc cao.
Lát sau, dân bản và các đoàn du lịch ngồi vây quanh, nói cười ồn ã, rổn rảng, náo nức chờ đợi. Cạnh đống lửa, một đàn cúng đơn giản nhưng trang trọng được lập nên. Lễ vật cúng tế gồm một con gà trống, một bát gạo, một chai rượu, tiền giấy… Thầy cúng ngồi trên chiếc ghế dài thực hiện nghi lễ. Một tay cầm que sắt gõ liên hồi vào một thanh sắt, phát ra những âm thanh gấp gáp, tay kia cầm vòng lắc liên tục lắc vòng, người rung bần bật, miệng đọc bài cúng thần linh, mời gọi, cầu khẩn thần linh về ban cho các chàng trai nhảy lửa một sức mạnh phi thường để nhảy vào đống lửa.
Trong khi đó, gần một chục chàng trai tham gia nhảy lửa ngồi vây quanh đàn cúng. Ròng rã, hàng giờ trôi qua, mưa dầm thấm lâu… Đến một lúc nào đó, ở trạng thái nhập định, xuất thần, cơ thể các chàng trai bắt đầu rung lên, người ớn lạnh, tay chân giật mạnh liên hồi, đầu lắc đi lắc lại… Đây là thời khắc thần linh giáng thế nhập vào các chàng trai, biến họ thành những con người khác - những chàng trai dũng mãnh, bất chấp hiểm nguy, hễ thấy lửa là lao vào đầy hứng khởi.
Đầu tiên, họ đưa tay bới đống lửa đã cháy gần hết, chuyển thành một đống than lửa đỏ rực. Họ nhảy múa giữa đống than lửa trong tiếng reo hò cuồng nhiệt của người xem vây quanh. Với chân trần, tay trần, họ ngẫu hứng hất, đá, bốc than tung lên thành những quầng than lửa, những hào quang than lửa chói lọi, rực rỡ. Có người nằm trên đống than lửa, có người bỏ cục than nóng rẫy vào miệng nhai… Trong lúc đó, thầy cúng không ngừng gõ đàn, lắc vòng, đọc bài cúng… như hoà vào nhịp nhảy sôi động, tưng bừng của các chàng trai. Cuộc nhảy lửa diễn ra khoảng một tiếng, đến khi đống than tàn hẳn mới kết thúc. Thầy cúng đọc bài cúng tạ ơn và tiễn các thần về trời, cầu mong các vị thần chở che, phù hộ cho dân bản được ấm no, khoẻ mạnh. Lúc này, các chàng trai nhảy lửa dần tỉnh lại. Điều lạ kì là họ không thấy đau đớn, tay chân mình mẩy vẹn nguyên, không bị tổn thương. Tôi từng tiếp xúc với chàng trai Pà Thẻn là chủ nhân của ngôi nhà sàn homestay, vừa trải qua cuộc nhảy lửa. Trước mặt tôi là một chàng trai trắng trẻo, chân tay không chút trầy xước, nở nụ cười hiền lành, thân thiện…, mà trước đó không lâu là một chàng trai dũng mãnh, quả cảm.
Lễ hội Nhảy lửa lạ lùng của người Pà Thẻn có từ lâu đời và được gìn giữ, duy trì qua nhiều thế hệ, tới ngày nay. Đồng bào Pà Thẻn (dân số chỉ khoảng 3700 người, sống chủ yếu ở Tuyên Quang, Hà Giang) quan niệm lửa tượng trưng cho sự sống, ấm no, hạnh phúc. Nhảy lửa, chơi với lửa, hoà vào lửa, tung tăng cùng lửa… thể hiện mong ước của người dân về một cuộc sống tốt lành, no ấm, xua đi tà ma, lạnh lẽo, đói nghèo… Lễ hội này cũng thể hiện tâm hồn, tính cách người Pà Thẻn, thể hiện sức mạnh phi thường và tiềm ẩn của con người. Nó còn thể hiện niềm tin thuần khiết của con người nơi đây vào thần linh và những thế lực siêu nhiên, thể hiện sự kết nối giữa con người và thiên nhiên. Lễ hội Nhảy lửa độc đáo, giàu bản sắc này đã được Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia.
Đôi điều lí giải
Hiện tượng “nhảy lửa nhập thần”, còn gọi là “lên đồng nhảy lửa” nêu trên diễn ra theo cơ chế kết hợp giữa tâm lí - thể chất - tâm linh.
Về tâm linh, những người tham gia nhảy lửa đinh ninh tin rằng có thần linh nhập vào họ, ban cho họ sức mạnh để vượt qua thử thách. Nghi lễ cầu cúng thiêng liêng, trang trọng cùng với những âm thanh dồn dập liên hồi, đã tạo “nhịp điệu thôi miên”, tạo trạng thái hưng phấn đặc biệt ở những người nhảy lửa. Họ cảm nhận được dường như có sự kết nối giữa mình với thần linh trong khoảnh khắc ấy.
Về mặt tâm lí - thể chất, các chàng trai tham gia nhảy lửa thường đã có sự rèn luyện trước đó về tâm lí và thể chất, rèn luyện tinh thần, ý thức chịu đựng nhiệt độ cao. Khi trạng thái hưng phấn đạt tới cao trào, họ sẽ không thấy đau đớn khi nhảy vào lửa. Trạng thái này liên quan đến việc giải phóng “chất giảm đau tự nhiên”, tạo ra loại hóc-môn giúp tăng sức chịu đựng và chống lại cảm giác đau đớn.
Lí giải hiện tượng nhảy lửa về mặt khoa học, người ta nhận thấy trước hết, lớp da của con người có thể chịu được nhiệt độ cao trong khoảng thời gian ngắn trước khi bị tổn thương. Khi những chàng trai Pà Thẻn nhảy múa trên than hồng, họ di chuyển rất nhanh, không để chân tiếp xúc với than quá lâu, hạn chế việc nhiệt truyền vào da, giảm nguy cơ bị bỏng.
Cạnh đó, than hồng tuy có nhiệt độ rất cao nhưng lại là chất dẫn nhiệt kém. Nhiệt truyền từ than sang da chậm hơn so với kim loại hay đá nóng. Do đó, nếu bước nhanh qua than hồng, nhiệt chưa kịp truyền đủ để gây bỏng.
Thêm nữa, những người tham gia nhảy lửa thường đã có thời gian tiếp xúc với lửa từ trước. Da chân đã trở nên chai sạn và có một lớp sừng dày hơn bình thường. Mồ hôi và hơi ẩm trên da có thể bốc hơi khi tiếp xúc với nhiệt, tạo một lớp “cách nhiệt” tạm thời, giúp bảo vệ da trong thời gian ngắn.
Dù được lí giải theo cách nào, hiện tượng “nhảy lửa nhập thần” của người Pà Thẻn vẫn chứa đựng sự bí ẩn. Ở đây, niềm tin đặc biệt vào thần linh vẫn là chính yếu trong nghi thức này, hiện tượng này. Với các chàng trai Pà Thẻn tham gia nhảy lửa, đó vẫn là một trải nghiệm huyền bí và thiêng liêng, gắn kết con người với thế giới tâm linh huyền ảo.
………………….
(1) Thơ Nguyễn Du
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn