Vì sao người Việt thích sống chung với ba mẹ? - từ góc nhìn của người nước ngoài

Thứ tư - 18/12/2024 19:51


 

322685 15 5 giadinh

HE-XUEJIAO

Mặt trời lấp ló sau mấy khóm trúc xanh phía nhà hàng xóm. Tia nắng vàng nhẹ nhàng xuyên qua các kẽ lá, khẽ đánh thức tôi khỏi giấc ngủ say của mình. Lá trúc xanh rì rào, những chú chim nhỏ hót líu lo trong những tán cây trong con hẻm. Ngẫu nhiên, tiếng khóc ầm ý của cậu bé hàng xóm bay đến chỗ tôi “Con không ăn...” bà cậu bé dỗ dành “Con qua đây, ngồi đàng hoàng, ăn nhiều vào...”, Ba cậu bé thì nói hắt: “Mau lên, lát nữa đi học trễ rồi đó...”

Một bức tranh sinh hoạt ba thế hệ của người Việt xuất hiện ngay trước mắt tôi. Hình như ba thế hệ hoặc đa thế hệ sống chung dưới một mái nhà là một việc quá quen thuộc trong tiềm thức của họ. Ngày xưa, gia đình truyền thống Trung Quốc cũng thường sống chung với nhau, nhưng bây giờ, tình hình này ngày càng thay đổi. Ở bên Trung Quốc, vợ chồng lấy nhau sẽ có xu hướng tách khỏi ra đại gia đình mà sống riêng tư, không sống chung với ba mẹ như ngày xưa nữa.

Nhiều khi tôi cũng hỏi ba mẹ “Nếu con về Trung Quốc, ba mẹ muốn sinh sống với con không? Để con dễ chăm sóc ba mẹ hơn...” Mẹ tôi cười đáp “Mẹ thì không sống chung với con, quan niệm khác, thói quen sinh sống cũng khác...sống chung với nhau nhiều vấn đề lắm. Mẹ ở quê nhiều bạn bè và họ hàng, cuộc sống vui lắm. Mẹ không can thiệp vào cuộc sống của con, con cũng đừng có can thiệp vào cuộc sống của mẹ...” Ba cũng cười đáp “Nếu sau này con cần ba mẹ chăm sóc cháu, ba mẹ sẽ qua một thời gian phụ giúp thôi chứ sống chung thì không cần thiết rồi...dù sống xa hay gần, cũng là người trong gia đình. Bây giờ giao thông thuận lợi đi đâu cũng tiện, không phải ngày xưa nữa rồi...” Mẹ cười nói thêm “Con cứ sống tự do, nếu sau này ba mẹ già lắm rồi, ba mẹ sẽ tự đi viện dưỡng lão, chỗ đó nhiều bạn cùng lứa tuổi, tiếng nói chung cũng nhiều hơn chứ sống chung với con cháu làm gì...”

Nghe xong những lời chia sẻ từ ba mẹ. Nhiều khi tôi hơi ngại vì có phải cách suy nghĩ và tư tưởng của mình không theo kịp thời đại, hơi bảo thủ rồi nhỉ? Theo quan sát của tôi, đa số các gia đình người Việt có xu hướng sống chung với nhau, “tam đại đồng đường”. Vì sao mọi người thích sống chung với ba mẹ nhỉ? Đây là một loại hình gia đình rất đặc sắc, chứa nhiều yếu tố dường như bất biến cũng ít thay đổi từ khi ra đời. Đây cũng là văn hóa bản địa, được bảo lưu và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhìn vào các nước xung quanh, chẳng hẳn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...Hầu như các nước cũng theo xu hướng sống tách riêng khỏi gia đình nguyên sinh. Trung Quốc và Việt Nam có nét văn hóa tương đồng nhất, nhưng xã hội dần phát triển, thế hệ mới cũng ưa chuộng sống riêng. Thế thì vì sao riêng Việt Nam vẫn có thể duy trì văn hóa sống chung, ăn chung...đây là một điều vô cùng ý nghĩa và đáng nghiên cứu và tìm hiểu sâu.

Tôi đã hỏi một số bạn người Việt “Điều quan trọng nhất trong cuộc đời này là gì?” Hầu hết 99% người Việt Nam trả lời “gia đình, mẹ...” Nói thật, tôi rất ngạc nhiên về những câu trả lời như thế nhưng cũng khâm phục vì lòng yêu thương của họ đã dành cho gia đình. Tôi còn hỏi “Theo bạn, vì sao người Việt thích sống chung với ba mẹ?” Bạn đó trả lời “Mình chưa bao giờ suy nghĩ về vấn đề này. Mình thấy sống chung với ba mẹ là một chuyện dĩ nhiên...có lẽ việc sống chung với gia đình đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt rồi.” Khi nghe thấy câu trả lời của một vài người Việt, tôi phải phản tỉnh lại chính bản thân mình rằng: “Có phải là tôi sống ích kỉ quá, chú trọng quyền riêng tư quá nhỉ? Thiếu tình yêu thương dành cho gia đình hay không...”

Văn hóa Việt Nam và Trung Quốc cùng chịu ảnh hưởng Nho giáo, coi trọng việc kính lão đắc thọ. Nhưng riêng người Việt, từ thế hệ cha anh đến thế hệ trẻ bây giờ, vì sao vẫn có thể duy trì thói quen thích sống chung với gia đình như vậy. Ngược lại, so sánh với người Việt, người Trung Quốc lại có xu hướng sống riêng biệt ở ngoài. Theo tôi, chúng ta có thể phân tích hiện tượng này từ một số phương diện như văn hóa gia đình truyền thống, ngôn ngữ tiếng Việt, mạng lưới giao thông...

Văn hóa gia đình truyền thống thì tương đối dễ hiểu. Gia đình truyền thống được coi là đại gia đình, nơi mà các thành viên liên kết với nhau bằng chuỗi quan hệ huyết thống. Cũng như ở Trung Quốc sẽ có “tam, tứ, ngũ đại đồng đường”. Gia đình là trường học đầu tiên giáo dục đạo đức và hình thành nhân cách của một đứa trẻ, cũng là một nơi phụ dưỡng người già. Đạo hiếu như một sợi dây liên kết các thành viên từ thế này sang thế hệ khác. Đại gia đình cũng có công dụng lớn để phòng chống thiên tai hay có thể ủng hộ tài chính cho nhau. Tôi có nghe một câu chuyện nhỏ từ một bạn người Việt. Bạn kể “Lúc mới ra trường mình không biết tìm công việc gì? Mình hoang mang về tương lai lắm. Lúc ấy mình sống chung với ba mẹ. Ba mẹ đã ủng hộ mình từ vật chất tài chính lẫn đời sống tinh thần, nhờ có ba mẹ mình mới vượt qua được thử thách đó. Mình rất biết ơn ba mẹ...nên bây giờ ba mẹ già rồi mình cũng muốn sống chung để chăm sóc ba mẹ...Tuy nhiều khi cũng gặp phải nhiều vấn đề nhưng so sánh nhược điểm khi sống chung với ba mẹ thì ưu điểm thì nhiều hơn. ” Cũng như bạn người Việt Nam chia sẻ, sống chung với gia đình có ưu điểm và cũng có cả nhược điểm.

tinh cam gia dinh 1

 

Theo tôi, việc người Việt Nam thích sống chung với gia đình có lẽ cũng chịu ảnh hưởng của tiếng Việt. Cũng như mọi người đã biết, trong tiếng Việt có rất nhiều cách xưng hô như ông - bà, cha - mẹ, chú - cô, anh - chị - em, con - cháu...Tất cả cách xưng hộ có một đặc điểm nổi bật là cách gọi xưng hô có thể gọi trong nhà, bày tỏ thân mật một cách tự nhiên. Khi người nước ngoài học tiếng Việt, khó nhất là cách gọi xưng hô, bởi vì trong ngôn ngữ chúng ta chỉ thường sử dụng “I” và “You”, chú trọng hơn về việc giao lưu, ít quan tâm với độ thân mật như người Việt. Tuy tôi đã học tiếng Việt 10 năm, nhưng đến tận bây giờ tôi vẫn không thể sử dụng đại từ xưng hô đúng đắn được. Người Việt trong gia đình đã thân thiết rồi mà đi ra ngoài xã hội cũng coi mọi người như thành viên trong gia đình bằng cách gọi anh, em, chú, cô...tinh thần cộng đồng của người Việt được duy trì và nâng cao như vậy. Trong nhà là một gia đình nhỏ, đi ra ngoài xã hội là đại gia đình. Đúng như một câu nói “ gia đình hạnh phúc, quốc gia thịnh vượng.” Chính vì ngôn ngữ Việt đã vô thức ảnh hưởng tới cách suy nghĩ của người Việt. Cho nên, người Việt thích sống chung với ba mẹ, việc tôn vinh truyền thống văn hóa gia đình trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam cực kỳ dễ hiểu.

Nói đến mạng lưới giao thông, mọi người sẽ thắc mắc vì sao mạng lưới giao thông cũng ảnh hưởng tới việc sống chung với ba mẹ. Mạng lưới giao thông luôn ảnh hưởng tới hình thức hôn nhân. Mạng lưới giao thông phát triển, thuận lợi, tiềm thức của người dân về di chuyển sẽ khác đi. Ví dụ như ngày xưa, cô gái Miền Nam lấy chồng ngoài Bắc, ba mẹ khuyên rằng họ không lấy nhau vì xa quá, khó gặp ba mẹ...Sau này đường không, đường bộ phát triển, rút ngắn thời gian đi lại giữa hai miền. Việc lấy chồng xa cũng sẽ trở thành việc bình thường. Tài xế công ty tôi thường nói: “Đường xá Việt Nam mình đang phát triển nhanh chóng...kinh tế phát triển, các phương diện trong cuộc sống sẽ thay đổi.” Đúng như bác tài xế chia sẻ, mạng lưới giao thông của Việt Nam vẫn đang không ngừng phát triển. Có lẽ sau này đi lại thuận tiện rồi, việc sống chung với ba mẹ cũng sẽ thay đổi chăng

Việc sống chung với ba mẹ ở các nước có nét đặt trưng riêng, cũng có sự khác biệt trong từng giai đoạn phát triển của xã hội. Gia đình là một trong những nhân tố quan trọng, quyết định sự phát triển bền vững của xã hội. Gia đình hạnh phúc, quốc gia thịnh vượng. Người Việt thích sống chung với ba mẹ, đây cũng là một lựa chọn hay, cũng là một hiện tượng thú vị trong xã hội hiện nay. Bất cứ sống xa hay gần, cũng là người trong một nhà. Sợi dây huyết thống, tình yêu thương dành cho nhau khiến cho chúng ta tự nguyện ràng buộc nhau. Dù ở gần hay xa, chung một mái nhà là vũ trụ bao la, một vọng minh nguyệt trên bầu trời...có một nơi để về gọi là “nhà”.

-----------------------
Hình minh họa trong trang: ST

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây